Ứng dụng công nghệ sinh học trong trồng trọt

Ứng dụng công nghệ sinh học [CNSH] trong lĩnh vực nông nghiệp được coi là giải pháp đột phá xây dựng nền nông nghiệp nước ta phát triển toàn diện theo hướng hiện đại. Tuy nhiên, hiện nay việc ứng dụng CNSH vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Kỹ sư Viện Sinh học nông nghiệp [Hà Nội] nghiên cứu giống cây trồng mới phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu, thổ nhưỡng hiện nay. Ảnh: Quang Minh

Tại tọa đàm “Tương lai của nền nông nghiệp sinh học Việt Nam” vừa diễn ra tại Hà Nội vào cuối tháng 10 vừa qua, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp về xu hướng phát triển của nông nghiệp Việt Nam TS Đào Thế Anh cho biết, nước ta xuất khẩu gạo đứng thứ ba thế giới, tuy nhiên trong những năm gần đây năng suất lúa chỉ tăng 1,04%/năm. Điều này chứng tỏ với nguồn lực hiện có, mức độ tăng trưởng năng suất lúa đã chạm trần. Hiện nay, xu hướng các nước xuất khẩu gạo trên thế giới đều tập trung cải thiện chất lượng lúa gạo để tăng giá. Trong khi ở các nước như Ấn Độ, Thái-lan, Pa-ki-xtan, Cam-pu-chia đều có những loại gạo thương hiệu thì Việt Nam lại chưa có gạo thương hiệu để xuất khẩu và giá gạo của Việt Nam cũng thấp nhất. Số lượng giống sản xuất nhiều, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ là những nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng gạo xuất khẩu.

Theo TS Đào Thế Anh, Việt Nam đang phải trả giá về môi trường khi sử dụng quá nhiều hóa chất trong sản xuất lúa. Theo thống kê của Tổ chức Nông nghiệp Thế giới FAO, trung bình mỗi năm Việt Nam nhập khẩu hơn 700 triệu USD thuốc bảo vệ thực vật. Trong đó, có tới 50% số thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu từ Trung Quốc có xuất xứ không rõ ràng. Chỉ trong 30 năm, từ năm 1985 đến nay, số lượng hóa chất nông nghiệp sử dụng của nước ta đã tăng 10 lần. Thống kê này cũng chỉ ra rằng tại Việt Nam có đến 80% số trường hợp sử dụng chất bảo vệ thực vật sai cách, không có hiệu quả.

Thách thức về môi trường, an toàn thực phẩm đặt ra yêu cầu cần phải phát triển nông nghiệp bền vững. Phát triển nông nghiệp bền vững là quá trình bảo tồn tài nguyên [bao gồm tài nguyên đất, nước, nguồn gien thực vật và động vật], không phá hủy môi trường, kỹ thuật phù hợp với trình độ của người nông dân, tạo ra hiệu quả kinh tế và công ăn việc làm cho người dân. Để phát triển nông nghiệp bền vững, trên thế giới có hai xu hướng: nông nghiệp sinh thái và nông nghiệp công nghệ cao, chính xác. Xu hướng nông nghiệp sinh thái có thể nói là cuộc cách mạng nông nghiệp xanh lần thứ hai, thay đổi thói quen sản xuất của người nông dân trong việc sử dụng phân bón hóa học. Xu hướng nông nghiệp công nghệ cao sử dụng công nghệ hiện đại áp dụng ở các quốc gia công nghệ cao như I-xra-en, Anh, Mỹ…

Nông nghiệp sinh học hay nông nghiệp sinh thái là nền nông nghiệp dựa trên việc sử dụng các mối quan hệ tương tác giữa các cơ thể sống và môi trường chung quanh trong một hệ thống nông nghiệp. Tức là mối quan hệ giữa cây trồng, vật nuôi, môi trường đất, vi sinh vật trong đất và môi trường khí hậu. Nếu thực hiện đúng các quy trình sản xuất, sản lượng của nông nghiệp sinh thái không hề thua kém nông nghiệp hóa chất. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nếu nền nông nghiệp sinh thái được áp dụng rộng rãi, phổ biến thì có thể đáp ứng được nhu cầu lương thực cho chín tỷ người. TS Đào Thế Anh cho rằng: “Việt Nam hiện nay đã sử dụng nhiều phân bón hóa học khiến cho đất bị “chết”, hoàn toàn mất giá trị sử dụng và có nguy cơ cao trở thành đất bỏ hoang. Nếu áp dụng nông nghiệp sinh học ở những vùng đất chết có thể giúp tái tạo sự sống của đất”.

Ở Việt Nam, một số loại hình nông nghiệp sinh học đã tồn tại và hiện nay đang dần được thúc đẩy rộng rãi hơn, đó là: nông nghiệp hữu cơ; thâm canh lúa cải tiến; quản lý sâu bệnh; nông lâm kết hợp; nông nghiệp bảo tồn và vườn – ao – chuồng kết hợp bi-ô-ga. Theo TS Đào Thế Anh, cần phải nghiên cứu các công nghệ sản xuất nông nghiệp sinh thái mới, nhất là những nghiên cứu về vi sinh vật loại mới, các công nghệ sản xuất xanh khác… Hiện nay, khó khăn lớn nhất của nông nghiệp sinh học là không đủ phân hữu cơ, vì vậy các nhà khoa học cần phải thúc đẩy nghiên cứu sản xuất phân hữu cơ đáp ứng đủ nhu cầu của nông nghiệp sinh học. Bên cạnh đó, nền nông nghiệp sinh học muốn thúc đẩy phát triển cần thay đổi nhận thức của nông dân trong sản xuất nông nghiệp, bảo đảm thị trường, bảo vệ thương hiệu, nhãn hiệu.

Là người có nhiều kinh nghiệm trong phát triển nông nghiệp hữu cơ, bà Từ Tuyết Nhung, Trưởng đại diện hệ thống bảo đảm chất lượng sản phẩm nông nghiệp sinh học Việt Nam cho rằng, để thực hiện được nông nghiệp sinh học ở nước ta, cần có sự mạnh dạn của những người nông dân, sự tham gia của thế hệ trẻ và nhất là những chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Người trẻ chính là tương lai của ngành nông nghiệp sinh học, bởi chính sự nhanh nhạy áp dụng những kỹ thuật, công nghệ mới sẽ mang lại diện mạo mới cho nền nông nghiệp nước ta và cả sự dấn thân dám nghĩ dám làm của họ. Tuy nhiên, không ít các bạn trẻ cảm thấy “bơ vơ” khi chọn cho mình con đường rời bỏ thành thị trở về quê hương sản xuất theo hướng nông nghiệp sinh học trong sự hoài nghi của gia đình, bạn bè, làng xóm. Theo bà Từ Tuyết Nhung, để các bạn trẻ có sự hứng thú đối với nông nghiệp sinh học cần phải được hỗ trợ đào tạo, cung cấp các nguồn lực cơ bản như đất đai, vốn, thiết bị nông nghiệp và thị trường. 

Nguồn: Hạnh Nguyên/Nhân dân

Chiều nay [7/4] tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng và Tổ chức quốc tế về ứng dụng và tiếp thu công nghệ sinh học trong nông nghiệp tổ chức hội thảo “Đóng góp của ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp tại Việt Nam”.

Tại Việt Nam, cây trồng công nghệ sinh học chính thức được cấp phép canh tác và thương mại từ năm 2014 và năm 2015 trên cây ngô. Trong giai đoạn 5 năm, từ năm 2015 đến năm 2019, tổng diện tích ngô ứng dụng công nghệ sinh học canh tác tại Việt Nam là 225.000 ha.

Việc đưa các giống ứng dụng công nghệ sinh học tại thời điểm đó được xem là một trong các công cụ quan trọng giúp tiếp tục nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, gia tăng giá trị và giúp nông dân trồng ngô có thêm lợi nhuận, từ đó đảm bảo nguồn cung cho chuỗi thực phẩm và thức ăn chăn nuôi trong nước.

Hội thảo “Đóng góp của ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp tại Việt Nam”.

Với khoảng 70 ha trồng ngô công nghệ sinh học cung cấp ngô sinh khối cho nhiều doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Phon - một nông dân ở huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An chia sẻ, việc lựa chọn trồng ngô công nghệ sinh học không chỉ đem lại lợi ích kinh tế cao do tiết kiệm được chi phí mua thuốc, phun thuốc và kháng sâu bệnh mà còn hiệu quả bảo vệ môi trường.

Theo đó, các giống ngô công nghệ sinh học không chỉ giúp kháng các loại sâu lên tới 95%, trong khi đối với các giống ngô thường, đặc biệt vào điều kiện nhiệt độ cao như tại tỉnh Nghệ An thì sâu phá hoại gần như toàn bộ, dẫn đến không còn thu hoạch được.

“Dịch hại như sâu keo mùa thu nếu như trồng giống ngô thường phải phun thuốc ít nhất 3 lần nên hiệu quả kinh tế thấp, thay vào đó khi sử dụng ngô biến đổi gen thấy hiệu quả cao, đặc biệt là làm ngô sinh khối nên nó không bị ảnh hưởng đến lá, cho khối lượng lớn. Khi gieo trồng các doanh nghiệp sẵn sàng đến ký hợp đồng có thể ứng giống, phân bón về sau doanh nghiệp thu hoạch lại” - ông Nguyễn Thanh Phong cho biết.

Theo GS. Lê Huy Hàm - Chủ tịch Hội đồng khoa học, Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam, trong 5 năm triển khai, tỷ lệ ngô công nghệ sinh học mới chỉ đạt 10% diện tích ngô của cả nước, trong khi theo kế hoạch trình Thủ tướng Chính phủ thì đến năm 2020 phấn đấu đạt từ 30 - 50% diện tích loại cây trồng này.

“Từ 10% diện tích cây trồng biến đổi gen đã mang lại lợi nhuận khoảng từ 17 - 30 triệu USD, nếu gấp 10 lần thì sẽ là 200 - 300 triệu USD cho người nông dân, đây là con số rất đáng khích lệ. Trong thời gian tới tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học số tiền này nó sẽ vào túi người nông dân. Đồng thời đem lại lợi ích về sản xuất nông nghiệp bền vững, ứng phó với những loại sâu bệnh mới như sâu keo mùa thu đến nay người nông dân đã có công cụ để ứng phó. Đây là một trong những hướng đi mà trong thời gian tới chúng ta phải thúc đẩy hơn nữa” - GS. Lê Huy Hàm cho biết.

Ông Nguyễn Xuân Định - Phó chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khẳng định: Ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp là định hướng phát triển của Chính phủ và luôn là một trong các trọng tâm nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam. Tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng đây vẫn được xem là giải pháp hướng tới phát triển bền vững nền nông nghiệp, giúp Việt Nam chủ động hơn trong nguồn cung thực phẩm và hỗ trợ các nông hộ nhỏ của Việt Nam gia tăng thu nhập và tiếp tục đóng góp cho ngành nông nghiệp nước nhà.

“Để nhân rộng việc sử dụng các loại giống cây trồng công nghệ sinh học trước mắt các cơ quan quản lý chuyên ngành, các cơ quan nghiên cứu cần phải nhanh chóng đánh giá kỹ hơn để khẳng định chắc chắn những tác động tích cực cũng như tác động không mong muốn của việc sử dụng giống cây trồng công nghệ sinh học đối với con người đối với sản xuất cũng như môi trường. Trên cơ sở việc đánh giá tác động đó thì sẽ đề xuất cơ chế chính sách làm sao tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nông dân ứng dụng giống cây trồng công nghệ sinh học mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn” - ông Nguyễn Xuân Định nói.

Tính đến năm 2019, trên thế giới đã có 29 quốc gia ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp. Trong đó, 5 quốc gia dẫn đầu với diện tích cây trồng công nghệ sinh học lớn nhất là Hoa Kỳ, Brazil, Argentina, Canada và Ấn Độ./.

Video liên quan

Chủ Đề