Ứng dụng công nghệ số trong nuôi thủy sản

Năm 2020, Việt Nam bắt đầu khởi động chuyển đổi số quốc gia với 3 trụ cột chính là Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Có thể nói, Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong trên thế giới đã xây dựng một chương trình chuyên đề về chuyển đổi số quốc gia, được Chính phủ phê duyệt. Năm 2021 được nhận định là thời điểm “vàng” cho chuyển đổi số. Tất cả các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cần phải hành động ngay để khát vọng chuyển đổi số của Việt Nam sớm thành hiện thực.

Trong thời đại công nghệ số thì ngành nông nghiệp nói chung và thủy sản nói riêng cũng phải đáp ứng đồng bộ với nền kinh tế số. Trong đó có sự phát triển của công nghiệp 4.0, công nghệ robot, automation [tự động hóa], IT [công nghệ thông tin], IoT [công nghệ internet kết nối vạn vật], Drone [thiết bị không người lái], thương mại điện tử, marketing số big data, AI [trí tuệ nhân tạo].

Chuyển đổi số đang được áp dụng rộng rãi trong ngành nông nghiệp, song có lẽ thành công của chuyển đổi số trong ngành thủy sản là rõ nét nhất, vì sản phẩm thủy sản được xuất khẩu, có thị trường rộng rãi và theo tiêu chuẩn quốc tế. Công nghệ số áp dụng trong nuôi tôm giúp phân tích các dữ liệu về chất lượng nước; quản lý thức ăn và sức khỏe của tôm nuôi. Công nghệ số cũng áp dụng trong khâu chế biến thủy sản từ phân loại, hấp, đóng gói, dây chuyền sản xuất. Ngành thủy sản cũng đang khá thành công với các sản phẩm chế biến, sản phẩm giá trị gia tăng… trong đó có đóng góp của công nghệ số. Ngành thủy sản cũng chuyển đổi số mạnh mẽ trong việc sử dụng thiết bị dò cá sử dụng sóng siêu âm, máy đo dòng chảy, điện thoại vệ tinh; máy thu lưới vây [đứng]; hệ thống thu – thả lưới chụp,  công nghệ GIS và hệ thống định vị toàn cầu [GPS] giúp quản lý đội tàu khai thác hải sản xa bờ.

Các công nghệ sinh học chọn lọc, lai tạo các giống có năng suất, chất lượng cao, có khả năng kháng bệnh, chịu đựng tốt với môi trường, công nghệ nuôi thủy sản tuần hoàn [RAS], công nghệ biofloc, công nghệ nano, công nghệ nuôi lồng trên biển, công nghệ nuôi cá nước lạnh… cũng phát triển.

Hiện nay, tại các vùng nuôi tôm ở ĐBSCL công nghệ số đã và đang cải thiện quản lý thời gian, giảm sử dụng nước và thức ăn giúp tôm nuôi khỏe mạnh hơn, đạt năng suất cao hơn, giảm ô nhiễm môi trường. Có mặt tại huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, phóng viên được các  chủ trang trại nuôi tôm cho biết: “Tôm là loài rất mẫn cảm với sự thay đổi về môi trường, điều kiện sống, vì vậy việc áp dụng kỹ thuật số như cho ăn đúng giờ, lượng thức ăn vừa đủ, quản lý về nồng độ ôxy, nhiệt độ ao nuôi, chất lượng nước sẽ giúp tỷ lệ thành công tăng cao. Ngày nay rất ít nơi còn cho ăn bằng tay như trước đây”. Năm 2020, dù dịch COVID-19 bùng phát mạnh, cả thế giới lao đao nhưng ngành thủy sản Việt Nam vẫn phát triển, nhất là ngành tôm. Các chuyên gia nước ngoài, các nhà phân tích quốc tế đều chung nhận định: “Thành công cơ bản của Việt Nam đó là đã chủ động được nguồn nguyên liệu nhờ nuôi tôm theo xu hướng công nghiệp”.

Tại Cà Mau, nếu 10 năm trước việc nuôi quảng canh là phổ biến, thì hiện nay các vùng nuôi đều đang hình thành những mô hình siêu thâm canh. Từ chỗ diện tích nuôi siêu thâm canh chỉ quanh quẩn 100 ha, đến năm 2020 đã đạt 700 ha TTCT. Năm 2021, tỉnh đang phấn đấu xây dựng 5 vùng nuôi siêu thâm canh với diện tích 1.000 ha đạt chứng nhận quốc tế. Tính chung, Cà Mau hiện có 19.000 ha được đánh giá và cấp các chứng nhận nuôi tôm theo tiêu chuẩn quốc tế như: Naturland, BAP, EU, Selva Shrimp và VietGAP, với khoảng 4.200 hộ dân tham gia, sản lượng tôm có chứng nhận đạt năng suất trên 10.000 tấn/năm. Việc chuyển đổi số được đánh giá là một trong những nền tảng để Cà Mau phát triển thành công ngành thủy sản. Đó là việc nhờ công nghệ số mà sự kết nối giữa các cấp chính quyền với doanh nghiệp với vùng nuôi dễ dàng hơn, sự liên kết giữa các HTX với doanh nghiệp, sự kết hợp giữa nuôi trồng chế biến, việc nắm bắt yêu cầu của thị trường và kết nối quốc tế đều diễn ra nhanh chóng, thuận lợi.

Rõ ràng các tỉnh như Cà Mau, Bạc Liêu, Đồng Tháp, An Giang… đều đang chủ động kết nối với các thị trường trong ngoài nước nhờ công nghệ số, chủ động đầu ra và nắm bắt thị trường, tổ chức liên kết chuỗi, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và nâng cao vị thế sản phẩm Việt Nam trên trường quốc tế bằng việc xây dựng thương hiệu vùng nuôi an toàn, sạch bệnh.

Doanh nghiệp tiên phong ứng dụng

Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đã ký kết Thỏa thuận hợp tác chiến lược và Hợp đồng Tư vấn chuyển đổi số với Tập đoàn FPT, với mục tiêu tập trung thực hiện dự án xây dựng lộ trình chuyển đổi số hướng đến tối ưu hóa quy trình vận hành, giảm thiểu chi phí và nâng cao năng lực sản xuất, với hướng phát triển thành công ty công nghệ thủy sản trong top đầu thế giới và đạt 25% thị phần tôm thế giới vào năm 2045. Do vậy, các nhiệm vụ vận hành cấp bách đặt ra với Minh Phú là: Tự động hóa trong sản xuất; xây dựng Big data cho ngành tôm – bao gồm xây dựng cộng đồng cho ngành thủy sản; xây dựng hệ thống liên kết chặt chẽ thông tin, cũng như hoạt động trong chuỗi giá trị kinh doanh của cả Tập đoàn; áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc.

Tham quan trại tôm giống của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, có thể thấy việc đánh giá tôm giống từ cảm quan đã được chuyển sang phân tích bằng kỹ thuật số, từ cân nặng, chiều dài, màu sắc, sự linh hoạt, thể chất. Nhờ vậy, việc sản xuất cung ứng tôm giống của C.P được người nuôi đánh giá cao. Hay việc Tập đoàn Việt – Úc sản xuất tôm giống bố mẹ chất lượng cao cũng được coi là một thành công minh chứng cho việc chuyển đổi công nghệ số trong ngành tôm giống tại Việt Nam.

Nguyễn Anh

Nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao tại xã Lý Nhơn, Cần Giờ.

KHPTO - Hàng trăm nông dân và hàng chục doanh nghiệp, cùng nhiều chuyên gia và lãnh đạo ngành nông nghiệp đã tham dự hội thảo “Ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số trong nuôi tôm trên địa bàn TP.HCM năm 2022” do Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM đã tổ chức hôm 17/3/2022 tại xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ.

Ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số trong nuôi tôm là giải pháp cần thiết và phù hợp trong nuôi trồng thủy sản, nhất là khi nghề nuôi tôm chịu nhiều áp lực về biến đổi khí hậu, môi trường, nguồn nước ô nhiễm… như hiện nay. Vì vậy, người nuôi tôm cần có cách quản lý tốt hơn để giảm rủi ro khi nuôi tôm nói riêng và nuôi trồng thủy sản nói chung, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm tôm nuôi, đạt tiêu chuẩn an toàn, truy xuất nguồn gốc khi cung cấp ra thị trường.

Hội thảo nhằm chuyển giao ứng dụng công nghệ cao gắn với chuyển đổi số trong nuôi tôm với mục tiêu tăng năng suất, chất lượng, phát triển theo hướng an toàn sinh học, bền vững và nâng cao đời sống của người sản xuất nông nghiệp. Hội thảo thu hút được hơn 100 nông dân tham gia, với sự góp mặt của doanh nghiệp, hợp tác xã.

Ông Đinh Minh Hiệp - Giám đốc Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM, cho biết: Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp là chủ trương của ngành nông nghiệp tại TP.HCM. Ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong nuôi trồng thủy sản cung cấp giải pháp mới trong nuôi trồng thủy sản. Giúp quản lý việc nuôi trồng hiệu quả hơn từ nguồn nước, thức ăn, dịch bệnh, thuận lợi truy xuất nguồn gốc… Lý Nhơn là nơi triển khai nhiều mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao thành công. Trong thời gian tới, các nhà khoa học, quán lý… sẽ đưa thêm nhiều giải pháp hỗ trợ người dân nuôi tôm, hướng tới vùng nuôi tôm chất lượng cao, bền vững tại huyện Cần Giờ, giúp họ có vụ mùa bội thu, giảm thiệt hại.

Giám đốc Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM - ông Đinh Minh Hiệp phát biểu tại hội thảo.

Trung tâm Khuyến nông TP.HCM là đơn vị triển khai các mô hình ứng dụng, các giải pháp kỹ thuật mới cho người nông dân, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp nhằm đạt hiệu quả tối ưu.

Ông Phạm Lâm Chính Văn - Giám đốc Trung tâm khuyến nông TP.HCM, cho hay: Thời gian qua, người nuôi tôm ở các huyện Cần Giờ, Nhà Bè được tiếp cận với chính sách hỗ trợ của TP.HCM nên đã mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm. “Để chuyển đổi số trong sản xuất nuôi tôm, bà con cần thay đổi ngay từ phương pháp quản lý sản xuất, thay thế việc theo dõi, quản lý trang trại một cách truyền thống bằng cách sử dụng những phần mềm quản lý sản xuất trên điện thoại thông minh.

Người nuôi có thể dễ dàng quản lý thức ăn, quản lý hóa chất cũng như quá trình nuôi, tất cả được lưu trữ trên ứng dụng phần mềm thông qua điện thoại.

Vì vậy, việc chuyển đổi ứng dụng công nghệ trong nuôi trồng thủy sản là cần thiết trong thời gian tới”, ông Văn nhấn mạnh.

Hội thảo thu hút nhiều nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia.

Vấn đề chuyển đổi số trong nuôi tôm thông qua ứng dụng công nghệ, thiết bị hiện đại sẽ giúp tăng độ chính xác trong giám sát môi trường và quản lý dịch bệnh. Nhờ đó, góp phần hệ thống hóa số liệu, giảm công lao động, hỗ trợ truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, việc nuôi thủy sản trở nên dễ dàng, giảm giá thành sản xuất và giúp người nuôi có được đầu ra chất lượng hơn.

Theo ông Phạm Lâm Chính Văn, để sản xuất đạt hiệu quả, người dân cần xác định, nắm vững các yếu tố quyết định đến sự thành công trong nghề nuôi tôm nước lợ thâm canh và siêu thâm canh. Trong đó, phải đảm bảo một số yêu cầu cụ thể như con giống sạch bệnh, năng suất; thức ăn đạt yêu cầu, quản lý cho ăn đúng phương pháp; thiết kế, lắp đặt hệ thống ao nuôi phù hợp mật độ nuôi, thu gom xử lý chất thải, tái sử dụng nước; kiểm soát môi trường, hệ thống cung cấp oxy hiệu quả; quản lý tốt trang trại nuôi tôm, truy xuất nguồn gốc, chứng nhận.

Tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp công nghệ cao đã giới thiệu nhiều giải pháp thiết bị công nghệ, các ứng dụng quản lý hỗ trợ nuôi tôm đạt hiệu quả đến bà con nông dân. Đây cũng là cơ hội cho người nuôi tôm tiếp cận với những công nghệ mới và được giải đáp trực tiếp những thắc mắc xung quanh vấn đề chuyển đổi số trong nuôi tôm.

Nhiều người nuôi tôm cũng bày tỏ những lo lắng, e ngại về chi phí đầu tư cũng như việc tiếp cận công nghệ mới khi chuyển đổi số trong nuôi tôm. Để giải quyết nỗi lo này, công ty sản xuất công nghệ mới Việt Nam Ambio cho biết: Việc ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số không tốn kém như nhiều người dùng e ngại, hiện các phần mềm ứng dụng của công ty đang triển khai đến các mô hình nuôi tôm cũng rất dễ dàng sử dụng với những thao tác đơn giản, phù hợp với bà con nông dân.

Theo ông Nguyễn Văn Nhân ở xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ, trước đây gia đình ông nuôi tôm rất trúng mùa, nhưng nhiều năm nay không dám nuôi do vụ nào cũng bấp bênh, dịch bệnh, rủi ro nên hiệu quả kém, dễ thua lỗ. “Nếu ứng dụng kỹ thuật mới, ít thiệt hại, nuôi đạt và có lời là bà con sẽ mạnh dạn làm theo. Rất mong được hỗ trợ đầu tư ứng dụng công nghệ mới cũng như được tập huấn kỹ thuật để nông dân an tâm nuôi tôm”, ông Nhân mong muốn.

Doanh nghiệp giới thiệu thiết bị thông minh trong nuôi tôm.

“Trong thời gian tới, để khuyến khích người dân tham gia vào ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số trong nuôi tôm mạnh mẽ, TP.HCM sẽ tiếp tục triển khai nhiều chính sách hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp; đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp cùng các viện, trường nghiên cứu tạo ra thêm nhiều công cụ mới, ứng dụng thông minh, hệ thống quản lý mới để hỗ trợ bà con, giúp họ thuận tiện trong việc sử dụng, cũng như phục vụ cho chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp”, ông Đinh Minh Hiệp nói.

Video liên quan

Bài Viết Liên Quan

Chủ Đề