Ứng dụng dòng điện sinh học trong y học

Chương một


Dòng điện sinh học của hệ kinh lạc


[tiếp theo]



B.3. Dòng điện sinh học của toàn cơ thể:


Tôi chưa biết có tài liệu nào khảo sát về điện trường tổng hợp, trục điện trường tổng hợp, điểm đặt cũng như phương, chiều của vec-tơ cường độ điện trường tổng hợp trung bình của toàn cơ thể. Nhưng từ sự phân tích về vị trí các tổ chức, cơ quan trong cơ thể, ta có thể suy ra được trục ĐTTHTB, điểm đặt cũng như phương, chiều của vec-tơ CĐ ĐTTHTB của toàn cơ thể.


Giữa trường trọng lực và điện trường có liên quan mật thiết với nhau, nên ta có thể từ nghiên cứu về trọng trường mà suy ra điện trường tổng hợp của cơ thể.


B3.1. Cấu trúc của cơ thể: Chúng ta biết, thành phần cấu tạo chiếm phần lớn khối lượng cơ thể là 2 tổ chức cơ và xương, chúng có các đặc điểm:


Những cơ hay xương nào có từng đôi một đều sắp xếp đối xứng qua mặt phẳng sau trước, ở giữa 2 bên phải trái, còn cơ hay xương nào chỉ có 1 cái lại sắp xếp ở chính giữa cơ thể, mặt phẳng trước sau chia chúng thành 2 phần bằng nhau đối xứng qua mặt phẳng này.


Những tổ chức, cơ quan khác, loại nào có từng đôi như thận, não, tai, mắt cũng đều đối xứng qua mặt phẳng trước sau ở giữa cơ thể, loại nào chỉ có 1 như mũi, miệng, ruột, tử cung, bàng quang, bộ phận sinh dục ngoài đều ở chính giữa, mặt phẳng trước sau cũng chia chúng thành 2 phần đối xứng nhau.


Một số nhỏ cơ quan như tim và lách ở bên trái, phần lớn gan, tụy ở bên phải, phần lớn dạ dày ở bên trái, phổi phải lớn hơn phổi trái. Như vậy, khối lượng phổi, gan, tụy bên phải lớn hơn thì có toàn bộ khối lượng tim, lách, phổi trái, phần nhỏ khối lượng gan, tụy, phần lớn khối lượng dạ dày bên trái cân bằng lại.


Có thể nói: Trọng trường tổng hợp và vec-tơ cường độ trọng trường tổng hợp trung bình của cơ thể nằm trên mặt phẳng trước sau giữa 2 bên phải trái.


Y học hiện đại cho biết : Tâm của trọng trường toàn cơ thể ở vùng rốn, có nghĩa rằng nếu lấy 1 cái móc móc vào rốn rồi treo con người lên không gian, con người sẽ nằm ngang một cách ngay ngắn, giống như nằm trên một mặt phẳng ngang. Kết hợp với hiện tượng: người chết đuối nếu là nam khi nổi lên nằm sấp, nếu là nữ khi nổi lên nằm ngửa.


Có thể khẳng định rằng: Vec-tơ trọng trường tổng hợp trung bình ở con người nằm trên đường cắt nhau của mặt phẳng đứng sau trước giữa 2 bên phải trái và mặt phẳng ngang đi qua rốn. Nếu là nam điểm đặt của vec-tơ ở gần rốn, còn đầu vec-tơ hướng về phía lưng, nếu là nữ điểm đặt của vec-tơ ở gần cột sống, còn đầu vec-tơ hướng về phía bụng.



B.3.2. Dòng điện sinh học của toàn cơ thể: Như đã phân tích ở trên, mỗi tổ chức, cơ quan đều có những đặc điểm riêng về điện sinh học, chúng đều có 1 ĐTTHTB, 1 trục ĐTTHTB, 1 vec-tơ CĐ ĐTTHTB có phương, chiều, điểm đặt riêng của chúng.


Điện trường riêng của tất cả các tổ chức, cơ quan toàn cơ thể ắt phải tương tác với nhau, tổng hợp lại thành ĐTTHTB chung toàn cơ thể, với một trục ĐTTHTB chung, 1 vec-tơ CĐ ĐTTHTB chung.


Những phân tích về tổ chức giải phẫu trong mục trọng trường cho thấy, đại bộ phận các tổ chức, cơ quan đều sắp xếp đối xứng qua mặt phẳng sau trước giữa 2 bên phải trái.


Như vậy, ĐTTHTB, trục ĐTTHTB, vec-tơ CĐ ĐTTHTB riêng của chúng cũng sắp xếp đối xứng qua mặt phẳng giữa. Ta thấy, điện trường rất tương đồng với trọng trường, do đó ĐTTHTB toàn cơ thể trùng với trọng trường tổng hợp toàn cơ thể, trục ĐTTHTB cũng trùng với trục trọng trường tổng hợp, nó cũng nằm trên đường cắt nhau của mặt phẳng đứng sau trước giữa 2 bên phải trái và mặt phẳng ngang đi qua rốn.


Cũng có thể, với nam giới, điểm đặt của vec-tơ cường độ điện trường tổng hợp trung bình ở gần rốn, đầu vec-tơ hướng về phía lưng. Với nữ giới điểm đặt ở gần cột sống, đầu vec-tơ hướng về phía bụng.



C/ Có hay không có dòng sinh điện riêng của hệ kinh lạc


C.1. Hệ kinh lạc với 2 nền Y học:


Hệ kinh lạc không phải 1 hệ hiện hữu trong Y học hiện đại. Nhưng nó là 1 trong những hệ cốt lõi của Y học cổ truyền phương Đông. Nó được đúc kết và xây dựng trên 2 cơ sở căn bản:



C.1.1. Cơ sở thứ nhất: Dựa trên sự tổng kết những quan sát qua nhiều thời đại, về những biểu hiện sinh lý trên những vị trí khác nhau của người bình thường, hay những biểu hiện bệnh lý của người ốm; kết hợp với sự phân tích những thành công hay thất bại của việc điều trị, nhất là khi điều trị bằng các phương pháp châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt, giác lể ….


C.1.2. Cơ sở thứ hai: Dựa vào các học thuyết của nền triết học cổ truyền phương Đông về Hà đồ, Lạc thư, Âm dương, Ngũ hành, Thiên can, Địa chi…để phân tích, tổng kết những biểu hiện sinh bệnh lý, đối chiếu với kết quả điều trị, của các phương pháp chữa bệnh khác nhau như dùng thuốc, hay không dùng thuốc, rồi qui nạp lại mà xây dựng nên hệ kinh lạc.



C.2. Tương quan 12 kinh mạch với tạng phủ:


Trong 12 kinh chính, 12 kinh nhánh [kinh biệt], 12 kinh cân, 12 khu da [bì bộ] chỉ có 10 kinh mang tên những tạng phủ hiện hữu trong cơ thể, thuộc sự chủ quản của tạng phủ cùng tên. Nó có đường tuần hoàn kinh khí sâu đi vào tạng phủ chủ quản nó, lại có đường tuần hoàn kinh khí nông đi ra mặt ngoài cơ thể, đem khí huyết đi nuôi dưỡng những tổ chức trên đường đi của nó.


Còn 2 kinh Tam tiêu và Tâm bào lạc không có tạng phủ hiện hữu trong cơ thể cùng tên. Chúng có đường tuần hoàn kinh khí sâu đi vào thượng tiêu [ngực] và 2 tạng Tâm, Phế, vào Trung tiêu [bụng trên] và tạng Tỳ phủ Vị, vào hạ tiêu [bụng dưới] và 2 tạng Can,Thận; đường tuần hoàn kinh khí nông cũng đi ra mặt ngoài cơ thể, đem khí huyết đi nuôi dưỡng những tổ chức trên đường nó đi qua.


Theo triết học và y học phương Đông: 12 kinh chính, 12 kinh nhánh, 12 kinh cân và 12 khu da là biểu tượng của Âm dương, Ngũ hành, Thiên can, Địa chi tồn tại trong “vũ trụ nhỏ” là cơ thể con người.



C.3. Tương quan 8 mạch kỳ kinh với cơ thể:


Ngoài 12 kinh chính, 12 kinh nhánh, 12 kinh cân, 12 khu da hệ kinh lạc còn có 8 mạch kỳ kinh. Tám mạch này không có tạng phủ nào hiện hữu trong cơ thể cùng tên chủ quản. Khác với 12 kinh, 8 mạch không trực tiếp đi vào tạng phủ. Chỉ có 3 mạch Xung, Nhâm, Đốc có quan hệ trực tiếp với phủ khác thường [Phủ kỳ hằng] mà thôi.


Trừ mạch Đới đi vòng quanh lưng, còn các mạch khác đều đi từ chi dưới lên, không có mạch nào đi ở chi trên.


Trừ 2 mạch Nhâm, Đốc có huyệt riêng, 6 mạch khác không có huyệt riêng, trên đương tuần hành khi nó đến liên hệ với kinh nào thì những huyệt trên đoạn liên hệ với kinh cũng là huyệt của nó.


Chức năng của 8 mạch là điều hòa sự thịnh suy của khí huyết trong 12 kinh chính, đảm bảo sự cân bằng âm dương, khí huyết trong cơ thể, bổ xung chỗ thiếu hụt của 12 kinh chính như: Đốc, Nhâm, Xung, Đới điều khiển chức năng sinh đẻ, mạch Kiểu điều khiển chức năng vận động, mạch Duy điều khiển chức năng thăng bằng của cơ thể.


Theo triết học và y học phương Đông: Tám mạch kỳ kinh là biểu tượng của Hà đồ, Lạc thư, Bát quái trong cái “vũ trụ nhỏ”của con người.



C.4. Bằng chứng về sự hiện diện của hệ kinh lạc:


Tầm quan trọng lớn nhất của học thuyết kinh lạc ở chỗ: Bằng cách vận dụng những lý luận của y học cổ truyền để phân tích, chẩn đoán bệnh tật. Khi chẩn đoán được bệnh, cũng bằng cách dựa vào lý luận của y học cổ truyền mà lựa chọn các phương pháp điều trị. Nếu việc điều trị được chọn lại là các phương pháp không dùng thuốc, thì ngày nay cả thế giới đều thấy: Rất nhiều bệnh chỉ cần tác động lên các huyệt được lựa chọn theo học thuyết kinh lạc mà vẫn chữa được bệnh, nhiều khi kết quả còn đạt được một cách nhanh chóng bất ngờ.


Trong quá trình hành nghề nhiều năm, không nhà châm cứu nào không gặp 1 số lần chữa bệnh, tuy chỉ mới lần châm cứu đầu tiên mà sau khi rút kim đã thấy bệnh chuyển tốt rõ rệt, nhất là với những bệnh cấp tính như: các chứng đau cấp tính không liên quan với phẫu thuật, các rối loạn vận động cấp tính không kèm hôn mê, cấm khẩu bất ngờ không kèm liệt chi, ngất, bí tiểu tiện do phản xạ sau phẫu thuật vùng bụng …. nhiều bệnh nhân chỉ lần châm cứu đầu tiên, sau khi rút kim đã hết đau, vận động tiến bộ rõ rệt, nói rõ tiếng hơn, tỉnh lại, tiểu tiện được … khiến chính nhà châm cứu cũng bị ngỡ ngàng.


Kết quả nhanh như trên là do châm cứu tác dụng trực tiếp trên đường kinh và bộ phận bị bệnh. Cũng với những chứng bệnh đó nếu chữa bằng thuốc thì không thể có kết quả nhanh như vậy, bởi vì sau khi uống hay tiêm thuốc, phải chờ 1-2 giờ thuốc mới được dẫn đến bộ phận bị bệnh với hàm lượng đủ để có tác dụng.


Kết quả của sự vận dụng học thuyết kinh lạc để chữa bệnh bằng các phương pháp châm cứu, day bấm huyệt, xoa bóp, giác lể, là bằng chứng hùng hồn của sự hiện hữu hệ kinh lạc trong cơ thể con người. Nếu không có sự hiện hữu của hệ kinh lạc, thì làm sao có thể chỉ bằng mũi kim kích thích vào những điểm gọi là “huyệt” mà có thể chữa được bệnh, nhất là ở 1 số bệnh chứng cấp tính, tốc độ chữa bệnh còn nhanh hơn thuốc.


C.5. Đã hiện hữu ắt phải có dòng điện sinh học riêng:


Hệ kinh lạc đã hiện hữu trong cơ thể, có chức năng riêng biệt, ắt phải có 1 tổ chức riêng để thực hiện các chức năng của mỗi đường kinh, tất nhiên cũng phải có dòng điện sinh học riêng của nó.


Tổ chức học hiên đại chưa phát hiện được loại tổ chức này, bởi chúng không tập hợp thành 1 khối như tim, phổi, gan, lách, thận … mà rải ra thành những con đường chu lưu khắp toàn thân, như cổ nhân đã định nghĩa:


+ Kinh lạc là đường dẫn truyền khí huyết chu lưu khắp toàn thân nuôi dưỡng cơ thể, chống ngoại tà, bảo vệ cơ thể, bên trong đi đến tạng phủ, bên ngoài đi đến cơ da, luôn giữ cho cơ thể là 1 khối thống nhất.


+ Huyệt là nơi thần khí hoạt động, vào ra, được phân phối khắp mặt ngoài cơ thể, nhưng không phải là hình thái tại chỗ của da, cơ, gân, xương.


Ngoài ra, học thuyết kinh lạc còn cho rằng: Trên đường đi ở mặt ngoài cơ thể, 12 kinh chính chia bề mặt cơ thể thành 12 khu da [Bì bộ], mỗi khu da vừa là phần ngoài của cơ thể, vừa là phần đại biểu bên ngoài của mỗi đường kinh, khu da khác kinh mạch ở chỗ nó là 1 bề mặt rộng. Vệ khí được phân bố chủ yếu ở da và là tuyến phòng ngự đầu tiên, chống tà khí xâm nhập vào cơ thể.


Với 2 định nghĩa của cổ nhân về kinh lạc và huyệt vị, gợi mở cho ta 1 giả định: Đường tuần hoàn của hệ kinh lạc đi giữa phần giáp gianh của cơ và xương, gân và xương, cơ và cơ, cơ và da, đặc biệt là khoảng gian bào [tức vùng tiếp giáp giữa các tế bào]; trên đường tuần hoàn nó cung cấp khí huyết đáp ứng các nhu cầu sinh trưởng, chuyển hóa của các tế bào thuộc các cơ quan, tổ chức ở trên đường đi của nó; đồng thời thực hiện các chức năng khác của hệ kinh lạc và mỗi đường kinh. Vậy phải chăng? Chính phần thể dịch ở vùng tiếp giáp của xương, gân, cơ, da, các tổ chức, các tế bào mới là dòng tuần hoàn khí huyết của hệ kinh lạc [huyết ở đây là huyết dịch chứ không phải máu toàn phần]. Phải chăng? Chính màng tế bào, màng bọc các cơ quan mới là tổ chức đặc thù của hệ kinh lạc và mỗi đường kinh .


Trên cơ thể người già hay người gầy những đường tĩnh mạch nông nổi lên rất dễ nhận biết. Tuy cổ nhân nói kinh lạc là đường khí huyết tuần hoàn để nuôi dưỡng toàn thân, nhưng lại không công nhận hệ mạch máu là đường đi của tổ chức kinh lạc, vì đường đi của mỗi mạch máu và mỗi đường kinh có chỗ chồng lên nhau, có chỗ lại tách xa nhau, nhìn những tĩnh mạch nông nổi lên dưới da ta thấy 1 nhánh tĩnh mạch có thể đi qua 2-3 đường kinh, mà mỗi đường kinh lại có chức năng khác nhau và có những chức năng mà hệ mạch máu không có.


Do đó, hệ mạch máu không thể đại diện cho hệ kinh lạc, có chăng khi mỗi đoạn mạch máu chạy dọc theo một đường kinh nào thì đoạn mạch máu ấy trở thành 1 bộ phận của đường kinh đó.


Tại sao 2 hệ cùng có chức năng dẫn truyền khí huyết đi nuôi dưỡng cơ thể lại là 2 hệ riêng biệt chứ không phải là 1 hệ thống nhất ? Trong khi Y học hiện đại đã xác minh hệ tim mạch mới có chức năng đem dưỡng khí và tinh chất của thức ăn đi nuôi dưỡng toàn cơ thể.


Mở rộng giả định trên: Khi hệ mạch máu đem các vật chất cần thiết cho sự sinh trưởng và phát triển của cơ thể đến đâu, thì nó đẩy những chất đó ra ngoài mạch máu, vào khoảng gian bào, chính ở khoảng gian bào hệ kinh lạc thực hiện tiếp 1 trong những nhiệm vụ của nó là điều khiển sự cung ứng những chất đó cho nhu cầu sinh trưởng, chuyển hóa của tế bào, tổ chức. Do đó tuy 2 hệ cùng có một chức năng nhưng có sự phân công phụ trách ở 2 giai đoạn khác nhau .


Ngày nay không còn nhiều người khăng khăng cho rằng: Hệ kinh lạc không phải là một hệ hiện hữu [tức có thật] trong cơ thể. Bởi vì chỉ dựa trên sự vận dụng học thuyết kinh lạc để chọn huyệt châm cứu, mà vẫn chữa được nhiều loại bệnh, thì khó có thể nghi ngờ sự hiện hữu của nó.


Khi hệ kinh lạc là một hiện hữu trong cơ thể với những chức năng riêng của nó, tất nhiên cũng giống như mọi hệ thống cơ quan khác, nó cũng phải có dòng điện sinh học riêng của nó.




D/ Làm thế nào để khảo sát được dòng điện sinh học của hệ kinh lạc



Cơ thể là 1 vật dẫn điện. Bất kỳ dòng sinh điện của tổ chức, cơ quan nào đều tỏa ra được khắp cơ thể, đi tới toàn bộ bề mặt của da . Nếu ta đặt 2 điện cực lên bất cứ 2 vị trí nào của da và nối chúng với 1 điện kế nhạy, ta đều có thể ghi ngay được 1 dòng sinh điện .


Khi dòng sinh điện đi vào điện kế không qua bộ cộng hưởng tần số, ta ghi được dòng sinh điện tổng hợp của tất cả các tế bào, tổ chức cấu tạo nên cơ thể.


Tùy theo 2 điều kiện, mỗi loại dòng sinh điện tham gia vào dòng sinh điện tổng hợp toàn cơ thể nhiều hay ít có khác nhau:


1/ Tổ chức nào có cường độ điện trường mạnh sẽ có lượng tham gia nhiều, cường độ điện trường yếu sẽ có lượng tham gia ít.


2/  Tổ chức nào ở gần vị trí đặt điện cực cũng có lượng tham gia nhiều, ở xa vị trí đặt điện cực cũng có lượng tham gia ít.


Khi dòng sinh điện đi vào điện kế phải qua 1 bộ cộng hưởng với tần số nào đó, thì chỉ những tế bào, tổ chức có dòng sinh điện là dòng 2 pha cùng tần số với bộ cộng hưởng mới vào được điện kế; dòng 2 pha của những tế bào, tổ chức khác không cùng tần số vói bộ cộng hưởng không vào được điện kế.



D.1. Cách ghi dòng sinh điện 1 số tổ chức của Y học hiện đại


Nghiên cứu kỹ các cách ghi điện não, điện tim, điện cơ hiện đại , ta thấy muốn ghi được tương đối chính xác điện đồ hay một thông số nào đó về điện, từ của tim, não hay cơ, phải tuân theo 3 điều kiện:


D.1.1. Phải đặt điện cực đo trực tiếp lên não, tim hay cơ, song ta không thể làm như thế. Ta chỉ có thể đặt các điện cực đo lên các vùng da gần với não, tim hay cơ nhất, hoặc ở xa nhưng phải trên cùng 1 mặt hay đường đẳng thế với các vùng da trên.


Ví dụ : Các điện cực đặt quanh đầu, các điện cực đặt trước tim, các điện cực đặt ở 2 đầu 1 cơ xương, là những điện cực đặt gần não, tim, cơ nhất. Còn các điện cực đặt ở tay, chân khi đo điện tim là những điện cực xa nhưng ở trên cùng 1 đường đẳng thế với vùng da trước tim của điện trường tim.


D.1.2. Phải xác định được điểm đặt [tức điểm gốc,điểm số 0] của vec-tơ CĐ ĐTTHTB thuộc tổ chức cần khảo sát, để đặt vào đó 1 điện cực chung là cực có điện thế bằng 0. Cực thứ 2 đặt vào các vị trí cần đo. Như vậy hiệu điện thế đo được sê lớn nhất, điện đồ ghi được sẽ có biên độ cao nhất, giúp ta dễ phân biệt các đặc tính của tổ chức cần khảo sát hơn.


D.1.3. Phải tìm cách loại bỏ các dòng điện ký sinh từ ngoài nhiễm vào cơ thể, hay từ các dòng sinh điện của các tổ chức khác đi vào cực đó.


+ Để loại dòng điện từ ngoài nhiễm vào, ta dùng cách nối đất với đối tượng, nếu giường đối tượng nằm làm bằng kim loại phải nối đất với cả giường.


+ Việc loại dòng sinh điện của tổ chức khác đi vào cực đo hết sức khó, chỉ khi dòng sinh điện cần đo có 2 pha và biết được giải tần số của nó [chẳng hạn giải tần số của dòng sinh điện não là 0,5-50Hz, giải tần số của dòng sinh điện tim là 60-120 chu kỳ/phút] thì ta có thể loại bỏ các dòng sinh điện có  tần số khác giải tần số của não hay tim bằng 1 bộ cộng hưởng, còn những dòng sinh điện có tần số trùng với giải tần số của não hay tim, vẫn lẫn vào điện đồ hay hiệu điện thế…. của não hoặc tim, song ảnh hưởng không đáng kể vì điện cực đo không đật trực tiếp lên tổ chức sinh ra chúng mà đặt lên não hay tim.


Khi dòng sinh điện của tổ chức cần khảo sát là dòng 1 chiều, ta không có cách nào để loại bỏ dòng sinh điện 1 chiều của tổ chức khác. Có lẽ vì thế mà việc chẩn đoán và theo dõi điều trị của y học hiện đại không đề cập đến dòng sinh điện 1 chiều, hay vì những tổ chức y học hiện đại đã khảo sát chỉ có dòng sinh điện 2 pha không có dòng 1 chiều.


----o0o----


Mời các bạn xem tiếp các phần tiếp theo:


1. Ứng dụng các dòng sinh điện trong chẩn đoán và theo dõi điều trị - Lời tâm sự


2. Ứng dụng các dòng sinh điện trong chẩn đoán và theo dõi điều trị - Dòng điện sinh học của hệ kinh lạc 1.1


3. Ứng dụng các dòng sinh điện trong chẩn đoán và theo dõi điều trị - Dòng điện sinh học của hệ kinh lạc 1.2


4. Ứng dụng các dòng sinh điện trong chẩn đoán và theo dõi điều trị - Dòng điện sinh học của hệ kinh lạc 1.3


5. Ứng dụng các dòng sinh điện trong chẩn đoán và theo dõi điều trị - Dòng điện sinh học của hệ kinh lạc 2.1


6. Ứng dụng các dòng sinh điện trong chẩn đoán và theo dõi điều trị - Dòng điện sinh học của hệ kinh lạc 2.2


7. Ứng dụng các dòng sinh điện trong chẩn đoán và theo dõi điều trị - Dòng điện sinh học của hệ kinh lạc 2.3


8. Ứng dụng các dòng sinh điện trong chẩn đoán và theo dõi điều trị - Dòng điện sinh học của hệ kinh lạc 3.1


9. Ứng dụng các dòng sinh điện trong chẩn đoán và theo dõi điều trị - Dòng điện sinh học của hệ kinh lạc 3.2


Video liên quan

Chủ Đề