Vấp ngã trong cuộc sống là gì

Nghị luận về đừng sợ vấp ngã

Nghị luận xã hội về không sợ vấp ngã

32 65.504

Tải về Bài viết đã được lưu

Nghị luận xã hội chúng ta không nên sợ vấp ngã

  • I. Dàn ý Nghị luận xã hội về đừng sợ vấp ngã
    • Dàn ý Nghị luận xã hội về đừng sợ vấp ngã mẫu 1
    • Dàn ý Nghị luận xã hội về đừng sợ vấp ngã mẫu 2
  • II. Văn mẫu Nghị luận xã hội về đừng sợ vấp ngã
    • Nghị luận về đừng sợ vấp ngã mẫu 1
    • Nghị luận về đừng sợ vấp ngã mẫu 2
    • Nghị luận về đừng sợ vấp ngã mẫu 3
    • Nghị luận về đừng sợ vấp ngã mẫu 4
    • Nghị luận về đừng sợ vấp ngã mẫu 5

Đã bao lần bạn vấp ngã mà không hề nhớ. Lần đầu tiên chập chững bước đi, bạn đã bị ngã. Lần đầu tiên tập bơi, bạn uống nước và suýt chết đuối phải không? Lần đầu tiên chơi bóng bàn, bạn có đánh trúng bóng không? Không sao đâu vì …

  • Nghị luận xã hội về tình trạng nghiện game online
  • Cách làm bài văn nghị luận xã hội

I. Dàn ý Nghị luận xã hội về đừng sợ vấp ngã

Dàn ý Nghị luận xã hội về đừng sợ vấp ngã mẫu 1

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: không sợ vấp ngã.

2. Thân bài

a. Giải thích

Không sợ vấp ngã: là tinh thần kiên cường, dũng cảm, dám đối đầu với mọi khó khăn, thử thách gây cản trở, làm khó dễ cho bản thân. Khi gặp thất bại mạnh dạn đứng lên và bước tiếp trên con đường mình đã chọn.

b. Phân tích

Người không sợ vấp ngã là người dám nghĩ dám làm, dám đương đầu với mọi khó khăn, thử thách mà không hề sợ sệt, ngại ngùng. Khi gặp khó khăn trong cuộc sống luôn cố gắng vươn lên, càng khó khăn họ lại càng kiên cường bước tiếp. Đứng trước việc người khác dè dặt, sợ sệt không dám làm thì bản thân dám xông xáo vào làm những việc đó.

Khi chúng ta dám làm những việc mà người khác không dám làm, con người ta sẽ đạt được những thành quả mà người khác không thể đạt được. Từ đó sẽ có được những thành công hơn người.

Người dũng cảm, không sợ vấp ngã sẽ rèn luyện được cho bản thân những đức tính tốt đẹp khác như: kiên trì, nhẫn nại, chăm chỉ,… và những người này là tấm gương sáng để con người chúng ta học tập và noi theo.

c. Chứng minh

Học sinh tự lấy dẫn chứng minh họa cho bài làm văn của mình về những con người sống với lòng can đảm, không sợ vấp ngã và nhận về thành công rực rỡ.

d. Phản đề

Bên cạnh đó vẫn còn có nhiều con người sống nhút nhát, dám nghĩ nhưng không dám làm những việc mà bản thân mình đặt ra. Cũng có những người mới chỉ gặp chút khó khăn đã nản chí, bỏ cuộc giữa chừng,… những người này khó có được thành công trong cuộc sống.

3. Kết bài

Khái quát lại vấn đề nghị luận: không sợ vấp ngã, đồng thời rút ra bài học, liên hệ bản thân.

Dàn ý Nghị luận xã hội về đừng sợ vấp ngã mẫu 2

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: không sợ vấp ngã.

Lưu ý: Học sinh tự lựa chọn cách viết mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp tùy thuộc vào năng lực của bản thân mình.

2. Thân bài

a. Giải thích

Không sợ vấp ngã: dám đối đầu với mọi khó khăn, thử thách gây cản trở, làm khó dễ cho bản thân; dám lao vào làm những điều mà người khác e sợ.

b. Phân tích

• Biểu hiện của người không sợ vấp ngã:

Dám nghĩ dám làm, dám đương đầu với mọi khó khăn, thử thách mà không hề sợ sệt, ngại ngùng.

Khi gặp khó khăn trong cuộc sống luôn cố gắng vươn lên, càng khó khăn càng kiên cường bước tiếp.

Đứng trước việc người khác dè dặt, sợ sệt không dám làm thì bản thân dám xông xáo vào làm những việc đó.

• Lợi ích, ý nghĩa của việc không sợ vấp ngã:

Khi dám làm những việc mà người khác không dám làm, con người ta sẽ đạt được những thành quả mà người khác không thể đạt được.

Người không sợ vấp ngã là người có đức tính tốt đẹp, đây cũng là người có tinh thần thép, mạnh mẽ, quyết đoán và tự chủ cuộc sống của chính họ.

Những người không sợ vấp ngã là tấm gương sáng để con người chúng ta học tập và noi theo.

c. Chứng minh

Học sinh tự lấy dẫn chứng minh họa cho bài làm văn của mình về những con người sống với lòng can đảm, không sợ vấp ngã và nhận về thành công rực rỡ.

Lưu ý: dẫn chứng phải xác thực, gần gũi, tiêu biểu và được nhiều người biết đến.

d. Phản biện

Tuy nhiên trong cuộc sống vẫn còn có nhiều con người sống nhút nhát, không dám làm những việc mà bản thân mình đặt ra, lại có người sợ thất bại mà nản chí, lùi bước về sau,… những người này đáng bị xã hội thẳng thán lên án, phê phán.

3. Kết bài

Khái quát lại vấn đề nghị luận: không sợ vấp ngã, đồng thời rút ra bài học, liên hệ bản thân.

II. Văn mẫu Nghị luận xã hội về đừng sợ vấp ngã

Nghị luận về đừng sợ vấp ngã mẫu 1

Cuộc sống của chúng ta là một chuỗi những ngày tháng khó khăn và đầy thách thức. Để đến được thành công, chúng ta phải có một bản lĩnh vững vàng, không sợ vấp ngã. Bản lĩnh là một thước đo nhân cách con người, xem họ có phải là những người biết giữ vững chính kiến, không đứng núi này trông núi nọ và biết hướng đến những điều hay lẽ phải. Có rất nhiều khía cảnh để thể hiện tính bản lĩnh. Bản lĩnh đối diện với khó khăn, bản lĩnh trong thi đấu, bản lĩnh trong công việc… Sống bản lĩnh giúp chúng ta tăng thêm tự tin trong cuộc sống, tạo năng lượng để theo đuổi những suy nghĩ, dự định và đêm mê của mình. Bản lĩnh còn là yếu tố tạo nên những đức tính, phẩm chất của con người. Trong bất cứ hoàn cảnh sống nào, dù xung quanh ta đều là những người xấu, những tệ nạn xã hội bủa vậy, nhưng ta cần giữ vững bản lĩnh kiên cường, cự tuyệt những điều xấu để giữ cho mình một cuộc sống lành mạnh, biết tiếp thu cái hay, cái mới và bài trừ cái xấu. Nhiều người không có được bản lĩnh chiến đấu, khi gặp khó khăn đã vội bỏ cuộc. Chỉ biết chạy theo miệng lưỡi người đời mà không có chính kiến của mình thì cuộc sống của họ thật khó có được thành công. Có những người, chỉ mới giao lưu kết bạn với vài người bạn không tốt, đã ngay lập tức thay đổi, biến chất. Hay có những bạn học sinh vừa mới bước chân ra thành phố lớn, đi học đại học, không hề chú tăm việc học hành lại lao theo đua đòi, ăn chơi theo những trào lưu mới. Những hành động, những con người đáng bị phê phán. Bản lĩnh không phải là một tố chất sẵn có mà cần có một quá trình để phấn đấu rèn luyện. Là những người trẻ tuổi, để học tập tốt, rèn luyện tốt, chúng ta phải luôn cố gắng giữ vững chính kiến, quan điểm của mình. Thất bại là mẹ của thành công, có bản lĩnh ắt sẽ làm nên sự nghiệp lớn.

Nghị luận về đừng sợ vấp ngã mẫu 2

Cuộc sống sẽ ra sao nếu con người ai cũng nhút nhát không dám làm, không dám thể hiện mình? Trên đường đời, chúng ta sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn, thử thách khiến bản thân dễ vấp ngã, nhưng hơn hết chúng ta cần giữ cho bản thân mình lòng dũng cảm và không sợ vấp ngã. Dũng cảm là một tinh thần dám vượt qua tất cả những khó khăn và thử thách và vững bước trên cuộc sống này. Dũng cảm còn là không sợ nguy hiểm, khó khăn, dám đối đầu với mọi thử thách gây cản trở, làm khó dễ cho bản thân; dám lao vào làm những điều mà người khác e sợ. Người có lòng dũng cảm là người không run sợ, không hèn nhát, dám đứng lên đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác, các thế lực tàn bạo để bảo vệ công lí, chính nghĩa. Trong xã hội có nhiều người rơi vào hoàn cảnh khó khăn cần sự cứu giúp, lòng dũng cảm sẽ giúp con người hành động thiết thực, giải thoát họ khỏi tình huống đó. Nếu trong cuộc sống con người ai cũng có lòng dũng cảm, nghĩa hiệp thì sẽ có nhiều hành động, nghĩa cử cao đẹp, tạo nên một cuộc sống văn minh, đẹp đẽ hơn. Lòng dũng cảm đi cùng với tình yêu thương đồng loại, nếu thấy chết mà không cứu, thấy khó khăn mà không giúp thì đó là một con người vô cảm, hèn nhát, lạnh lùng cần bị xã hội đào thải. Tuy nhiên trong cuộc sống vẫn còn có những người nhầm tưởng lòng dũng cảm với hành động liều lĩnh, mù quáng, bất chấp công lí. Lại có những người hèn nhát, bạc nhược không dám đấu tranh, không dám đương đầu với khó khăn thử thách để vươn lên trong cuộc sống… Là một học sinh, mầm non tương lai của đất nước, ngay từ hôm nay chúng ta hãy rèn luyện cho bản thân lòng dũng cảm để có thể đương đầu với khó khăn, sóng gió trong tương lai sau này. Cuộc sống không trải hoa hồng đón những người hèn nhát, việc bạn phấn đấu hôm nay sẽ là quả ngọt cho ngày mai.

Nghị luận về đừng sợ vấp ngã mẫu 3

Cuộc sống của mỗi người là do chính bản thân chúng ta định đoạt. Chính vì thế, chúng ta không thể ỷ lại, dựa dẫm vào người khác mãi được mà phải tự mình làm chủ cuộc sống. Trên đường đời, chúng ta sẽ gặp phải nhiều khó khăn, gian khổ nhưng đừng sợ vấp ngã.

Không sợ vấp ngã là việc mỗi con người dám đối đầu với mọi khó khăn, thử thách gây cản trở, làm khó dễ cho bản thân; dám lao vào làm những điều mà người khác e sợ. Người không sợ vấp ngã thường kiên trì làm mọi việc cho đến cùng, cho đến khi đạt được thành công.

Người không sợ vấp ngã là người dám nghĩ dám làm, dám đương đầu với mọi khó khăn, thử thách mà không hề sợ sệt, ngại ngùng. Khi gặp khó khăn trong cuộc sống họ luôn cố gắng vươn lên, càng khó khăn càng kiên cường bước tiếp. Đứng trước việc người khác dè dặt, sợ sệt không dám làm thì bản thân dám xông xáo vào làm những việc đó. Việc dám nghĩ dám làm, không sợ vấp ngã mang đến cho con người nhiều lợi ích tốt đẹp. Khi dám làm những việc mà người khác không dám làm, con người ta sẽ đạt được những thành quả mà người khác không thể đạt được. Người không sợ vấp ngã là người có đức tính tốt đẹp, đây cũng là người có tinh thần thép, mạnh mẽ, quyết đoán và tự chủ cuộc sống của chính họ. Bên cạnh đó, những người không sợ vấp ngã là tấm gương sáng để con người chúng ta học tập và noi theo.

Tuy nhiên trong cuộc sống vẫn còn có nhiều con người sống nhút nhát, không dám làm những việc mà bản thân mình đặt ra mà chỉ trông chờ vào người khác, sợ thất bại mà nản chí, lùi bước về sau, Lại có những người khi vấp ngã không đủ dũng khí để đứng dậy và đi tiếp, mãi chỉ dừng lại ở lần vấp ngã đó,… những người này sẽ không có được thành công và sớm bị xã hội đào thải.

Kiên trì, không sợ vấp ngã là một đức tính tốt đẹp mà chúng ta cần rèn luyện trong quá trình hoàn thiện và phát triển bản thân. Không một ai là hoàn hảo, nhưng khi ta biết cố gắng hoàn thiện bản thân và vươn lên phía trước, chúng ta sẽ đạt được những thành quả xứng đáng với công sức bỏ ra.

Nghị luận về đừng sợ vấp ngã mẫu 4

Cuộc sống là một chuỗi khó khăn, khắc nghiệt đến mức nếu bạn yếu lòng đầu hàng trước nó thì bạn sẽ thua, thua một cách đầy thảm bại. Khi bản thân rơi vào lòng sâu của sự nghiệt ngã số phận, bạn sẽ hiểu được rằng ý chí vươn lên không gục ngã là cách duy nhất giúp bạn vươn lên và sống tốt trong cuộc sống này.

Trước hết chúng ta phải hiểu thế nào là “không gục ngã”?

Khi gặp khó khăn, còn người ta thường phân vân giữa hai lựa chọn. Một là chùn bước hoặc loay hoay tìm lối thoát, hai là dấn bước với tất cả ý chí và sức mạnh, không gục ngã để đương đầu với thử thách. Không có khó khăn nào dễ đánh gục con người hơn tinh thần nhưng tinh thần rồi cũng như một khó khăn mà bạn cần phải vượt qua. Nó giống như một viên đá vô hình vô tình bạn vấp phải rồi gục ngã, và rồi chẳng ai giúp được bạn ngoài bản thân bạn. Lúc này, bạn với vết thương đau nhưng vẫn gồng mình đứng dậy và bước tiếp, đó gọi là ‘’không gục ngã’’.

Tôi từng biết đến những con người đến từ những vùng đất khác nhau, ẩn sau họ là những câu chuyện cuộc đời dài lê thê. Bất hạnh có, đau khổ có, bế tắc có nghèo khó có, tàn tật có, nhưng họ lại có một điểm chung đáng quí : là dù rằng cuộc đời có nhấn chìm họ dưới đáy kiệt cùng của vực sâu thì với bản năng con người cùng ý chí vươn lên, không gục ngã vẫn thôi thúc họ tiếp tục bước tiếp.

Nhà sản xuất phim hoạt hình nổi tiếng Walt Disney nhớ lại thất bại cay đắng của những ngày đầu vào nghề, khi ông bị ông chủ tòa soạn báo sa thải vì khả năng sáng tạo kém. “Khi đó tôi mới 21 tuổi, không tiền bạc, không danh vọng. Tôi gần như sụp đổ khi ngày nào cũng phải ngủ trên chiếc sôpha rách tươm, ăn mãi một món khoai tây nghiền và phải sống trong căn nhà ổ chuột”. Walt Disney đã sống như vậy trong suốt một thời gian dài, để chúng ta, và cả thế hệ con cháu chúng ta, được những trận cười nắc nẻ trước những bộ phim hoạt hình vui tươi và đầy tính sáng tạo của ông.

Nicholas James Vujicic – nhà diễn thuyết truyền động lực người Úc gốc Serbia, khi sinh ra đã không có tứ chi. Từ thuở ấu thơ, anh đã phải đấu tranh về cả tinh thần, tình cảm cũng như thể xác với số phận của mình, nhưng rồi thay vì đau đớn mặc cảm, anh lại quyết định đối mặt với khuyết tật. Để rồi năm 17 tuổi, bằng tất cả nỗ lực và quyết tâm của mình, anh thành lập tổ chức phi lợi nhuận của riêng mình với tên gọi “Life Without Limbs”. Anh đi khắp nơi trên thế giới để diễn thuyết truyền động lực về cuộc sống của một người khuyết tật mang hi vọng và mong muốn tìm được ý nghĩa của cuộc sống.

Điều gì đã khiến những số phận đau thương ấy có thể vượt qua muôn vàn gian nan để khẳng định được bản thân mình? Họ đã tạo dựng cuộc sống tươi đẹp hơn từ khó khăn gian khổ, thử thách bằng sự kiên trì, nhẫn nại và quyết tâm chiến thắng số phận. Họ đã không đánh mất đi niềm tin yêu vào cuộc sống, không gục ngã trước những đau đớn. Và hơn hết, họ đã khẳng định cho tất cả chúng ta một chân lí: mỗi con người đều có khả năng cảm hóa những nổi đau và ưu phiền trong cuộc sống của mình thành niềm vui và hạnh phúc.

Từ những tấm gương trên, phần nào đã cho chúng ta những bài học hay. Cuộc sống vốn chứa đựng những khóc khăn và thử thách, đừng để những trở ngại ấy làm giảm đi ý nghĩa trong cuộc sống bạn. Thất bại, điều đó có thể xảy ra đối với bạn, nhưng thất bại một lần không có nghĩa những lần tiếp theo bạn vẫn thất bại, cũng như nhà phát minh vĩ đại Albert Einstein từng phát biểu “Tôi tư duy từ ngày này qua ngày khác và từ năm này sang năm khác . 99 lần tôi kết luận sai và đến lần thứ 100 thì tôi đúng”. Thực tế đã chứng minh được mọi thứ, biến những định nghĩa khô khan thành hiện thực.

Hãy sống hết lòng vì ngày hôm nay, hãy đừng dại dột mà từ bỏ bản thân mình mà hãy đương đầu, đừng để bản thân gục ngã giữa giông tố cuộc đời. Trong sự tối tăm mù mịt của cuộc đời, khi bạn biết vươn lên và không gục ngã, chắc chắn ánh sáng sẽ hiện hữu, sưởi ấm trái tim đầy đau thương kia. Vì bạn đã được sống, nên không bao giờ là muộn để bắt đầu dứng dậy !

Lê Hoàng Nhật Vy 12C2
THCS – THPT Tân Phú, Quận Tân Phú, Tp Hồ Chí Minh
[Giải Ba môn văn Thành phố Hồ Chí Minh năm học 2014 – 2015]

Nghị luận về đừng sợ vấp ngã mẫu 5

Đã bao lần bạn vấp ngã mà không hề nhớ. Lần đầu tiên chập chững bước đi, chắc chắn bạn đã bị ngã. Lần đầu tiên tập bơi, bạn đã bị uống rất nhiều nước và suýt chết đuối. Lần đầu tiên chơi bóng bàn, bạn đã không hề đánh được quả nào ra hồn. Không sao đâu vì tất cả mỗi người để bước đi được những bước đi vững chãi đầu tiên đều ít nhất phải có một vài lần vấp ngã. Đừng sợ vấp ngã. Điều vinh quang nhất của con người không phải ở chỗ không bao giờ vấp ngã, mà chính là vươn lên từ mỗi lần vấp ngã. Giống như Ăng-te, nếu tự mình đứng dậy, bạn sẽ mạnh mẽ hơn.

Vấp ngã có nghĩa là gặp phải hoàn cảnh khó khăn, trở ngại khiến ta không thể đạt đến mục đích trong công việc và trong cuộc sống. Ở đây, vấp ngã có thể hiểu thất bại, khiến ta bị tổn thương, gây cho ta sự đau đớn. Vấp ngã hay thất bại có thể do hoàn cảnh, cũng có thể do chính bạn.

Vấp ngã hay thất bại vốn là một phần của cuộc sống. Và thành công cũng thế. Không có vấp ngã sẽ không thể có thành công. Nói như vậy không hẳn đã đúng nhưng chính mỗi lần vấp ngã sẽ khiến chúng ta cẩn trọng hơn trong công việc, nhận biết rõ những sai lầm và nâng cao quyết tâm khởi tạo lại từ đầu một cách chắc chắn hơn. Chính những lần vấp phải thất bại đã tăng cường ở con người nguồn sức mạnh mới hơn, lớn hơn.

Có vấp ngã ta mới làm lại và rút ra những kinh nghiệm quý báu cho bản thân, điều mà chúng ta thường xem nhẹ trước khi thất bại. Có vấp ngã ta mới biết mình còn nhiều yếu kém cần phải sửa chữa, còn nhiều sai lầm cần phải khắc phục, còn nhiều khuyết điểm cần phải khắc chế. Giải quyết xong những hạn chế ấy, chắc chắn bạn sẽ trở nên mạnh mẽ và tự tin hơn.

“Vạn sự khởi đầu nan” đúng như lời ông cha ta nói. Không có việc gì dễ làm mà mang lại thành quả lớn lao. Hãy khống chế nỗi sợ hãi để bước qua được những gian nan đầu tiên đó, chắc chắn con đường tương lai sẽ rộng mở trước mắt bạn và thành công sẽ đến với bạn không xa. Đừng sợ vấp ngã bởi khó khăn hay thất bại là những nấc thang đưa bạn tới thành công. Không có nó, bạn sẽ trở nên chủ quan, kiêu ngạo. Chính kiêu ngạo và chủ quan sẽ khiến bạn thất bại nhanh nhất.

“Đi đi con, hãy can đảm lên, thế giới này là của con cổng trường mở ra”. – nhà văn Lý Lan trong bài viết Cổng trường mở ra đã viết như thế. Câu văn ấy như một minh chứng cho sự kiên cường và tinh thần tự lập, mà cha mẹ muốn nhăn gửi đến các con. Vì vậy, sống trên đời là không chịu thua trước số phận, không lùi bước trước khó khăn và hơn thế nữa là “đừng sợ vấp ngã” nếu mai này giông tố cuộc đời có đến bủa vây ta.

Người không nản lòng trước khó khăn hay thất bại thường tràn đầy nghị lực vươn lên. Họ là những người giàu ý chí, kiên định với mục tiêu, lúc nào cũng sẵn sàng đương đầu với khó khăn thử thách, tự tin hướng đến tương lai tốt đẹp. Trên bước đường thành công, những khó khăn trở ngại là không thể tránh khỏi. Đừng thấy sóng cả đã vội ngã tay chèo.

Không đầu hàng trở ngại chính là bản năng mạnh mẽ nhất của con người. Lúc bé thơ, dù có ngã đau, ta vẫn vui vẻ đứng lên và đi tiếp. Không có gì khác ngoài sự kiên cường, tinh thần tự lập đã xuất hiện trong ta từ khi còn nhỏ. Chỉ là khi lớn lên, do nhiều yếu tố ngoại cảnh, thời gian làm ta quên dần đi bản năng sinh tồn ấy.

Con người cần phải dũng cảm đứng lên sau mỗi lần thất bạị, phải thể hiện bản lĩnh, kiên định ý chí, phát huy tài năng của mình trước thử thách vì “thất bại là mẹ thành công”. Đừng sợ vấp ngã, đừng bao giờ bỏ cuộc dù cuộc sống có khắc nghiệt đến thế nào.

Cuộc đời có lắm đau thương, có lắm biến động thì con người ta mới trưởng thành và vững chãi hơn. Đừng bao giờ nản lòng chùn bước hay than trách oán giận. Vấp ngã để ta trở nên mạnh mẽ, kiên cường và dung hòa giữa mọi thứ để sống tốt, sống bền với đời. Vấp ngã để cản nhận được tình yêu thương, sự giúp đỡ, biết tôn trọng, yêu thương mọi người xung quanh ta hơn nữa.

Chỉ có người nào đã một lần trượt ngã mới biết được cái trắc trở của đường đi. Nếu đời người không một lần vấp ngã, con người sẽ trở nên kiêu ngạo, tự đắc bản thân, xem thường khó khăn thử thách, sống liều lĩnh và cố chấp. Lúc đó, không những ta sống sai mà tình người cũng mất.

Biết khiêm nhường để học hỏi, rút kinh nghiệm, hoàn thiện bản thân, con người mới có sức mạnh để chiến thắng hoàn cảnh. Kẻ kiêu căng tự mãn là kẻ dễ bị thất bại nhất.

Trong cuộc sống, để chiến thắng bản thân, chiến thắng nghịch cảnh không có sức mạnh nào mạnh hơn ý chí kiên định và niềm tin vào bản thân. Tin tưởng vào bản thân và hướng đến những giá trị hữu ích khiến ta không sợ vấp ngã.

Nhà bác học Edison hơn nghìn lần thất bại mới chế tạo ra được bóng đèn chiếu sáng. Dân tộc nhật Bản đã xây dựng một đất nước hùng cường từ đóng đổ nát sau chiến tranh. Tổng thống vĩ đại Nelson Mandela dẫu bị giam cầm, bị tra tấn trong một quãng thời gian dài đến 27, bằng sức mạnh của lòng vị tha và tinh thần hòa giải, ông đã hàn gắn hố sâu mâu thuẫn sắc tộc, mở ra kỷ nguyên mới cho Nam Phi sau hàng chục năm xung đột. Chính vì điều đó, Nelson Mandela trở thành biểu tượng mạnh mẽ của phong trào chống phân biệt chủng tộc trên toàn thế giới. tất cả là minh chứng hùng hồn cho tinh thần vượt qua vấp ngã để vươn đến thành công vĩ đại.

Vấp ngã sẽ không phải là thất bại nếu bạn dám đứng lên và bước tiếp. Thất bại chỉ đến khi bạn không chịu đứng dậy khi vấp ngã. Thất bại là cơ hội để con người khởi đầu một lần nữa một cách hoàn hảo hơn. Những ai đầu hàng khó khăn và số phận thì thật đáng trách. Họ bị hoàn cảnh khuất phục. Họ quá hèn nhát và yếu đuối.

Không phải liều lĩnh là đem lại kết quả tốt đẹp nhưng gượng dậy sau mỗi lần vấp ngã là rất cần thiết. Hành động liều lĩnh, quyết liệt là một tinh thần dũng mãnh, một nghị lực phi thường và yếu tố quan trọng nhất chính là đối mặt trước thất bại để rèn luyện cho mai sau nhưng nó cũng có thể đẩy ta vào chỗ hiểm nguy do nóng vội, thiếu suy xét. Nếu tạo hoá tô lên cuộc đời bạn màu đen, hãy tự tin vẽ lên đó những vì sao lấp lánh.

Có những người vì sợ vấp ngã mà không dám bước đi, không dám hành động. Họ đã bỏ qua nhiều cơ hội để thành công mà cứ ngỡ rằng nó chưa từng đến. Những người như thế thật yếu đuối, kém cỏi, không thể nào có được thành công đích thực trong cuộc sống này.

Mọi thứ đều có thể làm lại được nếu ta còn tồn tại và mong muốn làm điều đó. Thế nên, bạn đừng sợ vấp ngã. Nếu mai này cuộc đời có trắc trở, có đổi thay, hãy bắt lấy niềm tin, nuôi dưỡng ước mơ như một đứa con tinh thần để từ đó làm động lực mà đi lên. Chúng ta luôn được nâng đỡ bởi gia đình. Dẫu có vấp ngã, đã có những người xung quanh ta chia sẻ, cảm thông và giúp đỡ. Nhưng sẽ không gì sánh bàng được với ý chí và nội lực của bản thân. Có thành công hay có thất bại, tất cả đều phụ thuộc vào chính bản thân mình.

Không vấp ngã trước cuộc sống, điều đó là rất tốt. Khi vấp ngã rồi, hãy đứng dậy mà đi lên càng tốt hơn. Lời khuyên “Đừng sợ vấp ngã” của người đời như một chân lý hết sức đúng đắn. Mỗi chúng ta nên tu dường ý chí, rèn luyện tính kiên trì nhẫn nại để học tập và theo đuổi mục đích, ước mơ hoài bão tốt đẹp của mình.

-----------------------

Trên đây VnDoc.com vừa giới thiệu tới bạn đọc Nghị luận về đừng sợ vấp ngã. Mong rằng qua đây các bạn có thể học tập tốt hơn môn Ngữ văn lớp 12 nhé. Mời các bạn cùng tham khảo thêm kiến thức các môn Toán 12, Tiếng Anh 12, Ngữ văn 12, đề thi học kì 1 lớp 12, đề thi học kì 2 lớp 12...

Mời bạn đọc cùng tham gia nhóm Tài liệu học tập lớp 12, Ôn thi khối C để có thêm tài liệu học tập nhé

Video liên quan

Chủ Đề