Vẻ đẹp Vang bóng một thời được tác giả kiếm tìm nơi nhân vật là gì

“Nghệ thuật vị nhân sinh”, dường như dưới lăng kính của các bậc văn nhân thi sĩ, tất cả thực thể, hành động tồn tại trên đời đều ẩn chứa vẻ tuyệt mĩ đáng để tôn sùng, ca ngợi. Đó cũng là triết lý sáng tác của Nguyễn Tuân, nhà văn được mệnh danh là “người cả đời đi tìm cái đẹp”. Trong suốt những tháng năm rong ruổi dọc chiều dài đất nước, ông đã ghi chép lại, trau chuốt câu chữ để hoàn thiện nên một tác phẩm lưu giữ toàn bộ vẻ đẹp mắt thấy tai nghe. Đó chính là Vang Bóng Một Thời.

Nếu để nói về Nguyễn Tuân, người ta thường hay nhắc thế này: “Nguyễn Tuân xuất hiện trên văn đàn Việt Nam đã tạo được ấn tượng ngay từ đầu bởi sự độc điệu. Độc điệu ở thể văn – tùy bút. Độc điệu ở giọng văn – phóng túng. Độc điệu ở chất văn – ngông ngang. Độc điệu ở tình văn – hoài niệm. Độc điệu ở ý văn – duy mỹ.” Khác với những con người văn chương thuở ấy đương trăn trở trong khó khăn kham khổ hoặc thoát hồn mơ mộng, ông chọn một con đường độc nhất khó đi. Nguyễn Tuân lên đường tìm cái đẹp, song lại không khởi nguồn từ những điều sang trọng quý phái. Ông chọn thăm hỏi người dân chất phác quanh năm chân lấm tay bùn, rồi dùng chính bút lực của mình làm bật lên nơi họ nét thanh khiết, cao thâm.

Mang theo lý tưởng ấy, Vang Bóng Một Thời hoàn toàn không có lấy một nhân vật trung tâm nào thuộc tầng lớp vua chúa, quan lại quyền quý, lại càng chẳng thấy sự xa xỉ, lộng lẫy từ vật chất. Nghệ thuật trong quyển sách khởi nguồn nơi những việc làm rất đỗi bình dị thân thuộc trong đời sống người Việt xưa, từ thú vui thường nhật như pha trà, viết chữ đến cái nghề đao phủ bấy lâu bị ghê sợ, e ngại.

Viết về kẻ chuyên hành hình chặt đầu, ngòi bút của Nguyễn Tuân như có phép tiên, rút hết sạch máu tanh xương trắng. Xin phải hiểu đúng rằng, tác giả không hề có ý cổ súy hành động ấy mà chỉ muốn trả cho nó một góc nhìn chân thực vốn bị thế gian coi nhẹ. Cứ thế, không còn thô lỗ, không còn bạo lực, nghề đao phủ với lối chém “treo ngành” [đầu không đứt hẳn, hẵng còn dính với cổ bằng phần da mỏng] trở thành một môn nghệ thuật không ai học được.

Trời nổi cơn lốc

Cảnh càng u sầu

Tiếng loa vừa dậy

Hồi chiêng mớm mau

Ta hoa thanh quất

Cỏ xanh đổi màu

Sống không thù nhau

Chết không oán nhau

Thừa chịu lệnh cả

Dám nghĩ thế nào

Người ngồi cho vững

Cho ngọt nhát dao

Hỡi hồn!

Hỡi quỷ không đầu!

Bát Lê bắt đầu hoa không thanh quất mấy vòng. Rồi y hát những câu tẩy oan với hồn con tội. Trong nhà rạp các quan chỉ nghe thấy cái âm lơ lớ rờn rợn. Quan Công sứ chăm chú nhìn Bát Lê múa lượn giữa hai hàng tử tù và múa hát đến đâu thì những cái đầu tội nhân bị quỳ kia chẻ gục đến đấy. Những tia máu phun kêu phì phì, vọt cao lên nền trời chiều. Trên áng cỏ hoen ố, không một chiếc thủ cấp nào rụng xuống.

Hoặc cũng là một ngón nghề từng bị cho là bạo lực, bị hạn chế biết tới như “ném bút chì” cũng được đặc tả thật kì công. 

Lưỡi mai sén qua cuống buồng chuối, đi quá đích, chạm cả vào đến quá nửa thân cây chuối. Cả bọn cười vang. Lý Văn dè dặt lời khen:

    • Ngón "bút chì" của chú hay đấy. Nhưng cũng còn nặng tay. Chưa được ngọt đòn lắm. Có nhiều khi mình chỉ nên đánh dọa người ta thôi. Nếu không cần đến, thì chớ nên làm tổn hại đến nhân mạng.

Sẵn có đàn gà đang đi trong luống khoai lang, Lý Văn mượn Phó Kình đưa cho mình cây "bút chì", buộc thòng lọng múi dây vào cổ tay trái và nói với anh em:

    • Chú nào ném hộ tôi hòn đất.

Tiếng hòn đất đụng đất kêu đánh bộp. Mấy con gà bay tà tà khỏi mặt vườn, đập cánh bồm bộp. Tiếng lưỡi mai ở tay Lý Văn phóng ra kêu đánh vụt. Một tiếng gà kêu oác.

Cả bọn chạy ra luống khoai, giơ cao con gà gãy mất hai chân. Vết thương gọn gàng vừa đúng quãng đầu gối và cặp giò chưa lìa hẳn, vẫn còn dính vào đùi bởi lần da hoen máu.

Lý Văn gác mai, nói với tất cả bọn:

- Nếu mình ném mạnh tay quá và không biết tính sức đi của " bút chì " là nát mất gà. Các chú không phải đánh những "tiếng bạc" vào sinh ra tử, các chú không biết, chứ đòn "bút chì" khó khiến lắm. Và một cây "bút chì" ngang tàng như thế mà lại phải lụy một cành tre đấy. Chú nào hay xử cây "bút chùng" ở các đường độc đạo, nên cẩn thận khi thấy bên địch tung cành tre ra để phá “bút chì". Để hôm nào rảnh, anh sẽ dạy cho các chú tập đánh cái lối đòn bơi chèo bằng gỗ cau. Đánh đến đòn hỗn chiến ấy thì đầu người rụng cứ như sung.

Vừa trần trụi vừa thuần khiết, vừa ngông cuồng vừa ý nhị, ngoài những nghề “đặc biệt” kể trên, Nguyễn Tuân cũng gián tiếp bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với cách người xưa tìm niềm vui trong lá trà, con chữ. Ông viết văn mà như rỏ nước mắt khóc thương, thầm lặng xót xa cho nhiều mảnh tài năng bị rơi vào bước đường tha hương lang bạc, nghèo khổ túng quẫn, thậm chí bị chế độ cũ dồn vào bước đường sinh tử. Thế nhưng, tựa như vì tinh tú tỏa sáng giữa màn đêm tăm tối, những cao nhân ấy vẫn giữ được cốt cách thanh khiết được rèn giũa theo năm tháng.

Họ lịch sự như tiên, phú quý như giời, quất con ngựa rong chơi ngoài ngõ liễu

Ta trồng cỏ đầy vườn, vãi hoa đầy đất, gọi hề đồng pha nước trước hiên mai.

Phải, bây giờ ông cụ Sáu sa sút lắm rồi. Bây giờ ông cụ lo lấy bữa cơm cũng khó, chứ đừng nói đến chuyện uống trà. Thỉnh thoảng có xin được người nào quen một vài ấm, cụ lấy làm quý lắm: gói giấy giắt kỹ trong mình, đợi lúc nào vắng vẻ một mình mới đem ra pha uống. Vẫn còn quen cái thói phong lưu, nhiều khi qua chơi ao sen nhà ai, gặp mùa hoa nở, cụ lại còn cố bứt lấy ít nhị đem ướp luôn vào gói trà giắt trong mình, nếu đấy là trà mạn cũ.

Bắt đầu từ hôm ấy, những tập thơ cổ được giũ lớp bụi ngầu và ra khỏi cái níp sách sơn son. Cụ Nghè Móm bắt đầu nghiền lại tập thơ của người xưa. Đường thi, Tống thi, Minh thi; đọc đến một bài, đọc hết một câu, gặp được một chữ đột ngột, cụ ngừng lại, ghé mắt kém vào mặt chữ nhỏ như con kiến, cụ vắt tay lên trán, nghĩ ngợi và lẩm bẩm. Rồi cụ ngồi nhỏm dậy, sao cả bài thơ ấy vào một cuốn sách giấy bản mới mẻ. Nhưng thường cụ chỉ trích lấy một câu ở những bài thơ đọc rất kỹ lưỡng đó. Ngày năm câu, ngày ba câu, một ngày gần đấy, cuốn sách đã đặc những dòng chữ thảo chép những câu thơ rút ở cổ thi. Cô Tú theo lời cha dặn, đã đi mua sẵn rất nhiều tờ giấy tàu bạch ra rọc giấy ra từng mảnh dài bằng chiếc đũa và ngang to bằng hai ngón tay. Đám học trò nhỏ, đầu còn để cái chỏm dài lẩn thẩn hỏi cô Tú, cô vui vẻ trả lời:

- Đừng nghịch, thầy trông thấy, thầy mắng chết. Giấy này để làm gì à? Thầy sẽ viết những câu thơ cổ vào đấy để bày ra giữa chiếu những lúc thả thơ.

- Thả thơ? Có làm thơ thì có, chứ thầy và các anh ấy có nói thả thơ bao giờ.

....

Một cái miệng cười, mười ngón tay tháp bút trước kia là của chung thiên hạ, bởi vì nó không có sở cứ, bây giờ đã trở nên của riêng một nhà. Cặp vợ chồng ấy là một lứa đôi tài tử.

Ông bà Phó Sứ giữ lăng không mấy khi ở yên một chỗ.

Cái nghề của họ buộc họ phải xê dịch luôn luôn và mãi mãi. Suốt một dải Trung kỳ, họ đi về như là trẩy chợ. Tới mỗi nơi, ở mọi chốn, quan Phó Sứ lại mở một cái túi đựng toàn bài thơ đố ra cho mọi người đặt tiền và bên chiếu bạc văn chương, Mộng Liên lại đàn, lại ca để làm vui cho cuộc đỏ đen rất trí thức này.

Mỗi tuần trăng, cặp tài tử này ở một tỉnh. Cái chiếu bạc thả thơ của họ thường trải ở một phủ nha, huyện nha hay là nơi tư thất một đốc bộ đường. Bất kể lúc lên voi, lúc xuống chó, lứa đôi này đã để dấu giầy trên mọi chốn và tha lê đi khắp nơi cái túi thơ và cái túi phách ăn người của họ. Họ nhờ vả cổ thi, kiếm ra cũng được rất nhiều tiền. Nhưng cái giống lãng tử cầm tiền thường không nóng lòng bàn tay và có mấy khi họ nghĩ đến sự bảo hiểm cho ngày mai của mình. Vợ chồng ông Phó Sứ chưa bao giờ nghĩ đến việc làm một cái tổ ở một chỗ nhất định nào.

Quê hương của họ là Cờ bạc và Đờn hát. Nhà cửa đôi lưu đãng ấy gửi vào trong cái truy hoan của thiên hạ. Cái lãi trong đời bấp bênh của họ là ở chỗ nhiều người đã nhắc nhỏm tới cái tên Mộng Liên và Phó Sứ, mỗi khi lứa đôi chậm tới hay là đã lâu rồi mà chưa thấy trở lại. Người đánh thơ được, người đánh thơ thua xiểng niểng, ai ai cũng đều nhớ đến họ những khi xa vắng. Hình như bấy nhiêu người đều nhận ông Phó Sứ là đáng mặt làm nhà cái cho những buổi thả thơ rất nên thơ; mở xong mỗi tiếng thơ có khi ăn thua từng mấy chục bạc, người ta đều ngâm đi ngâm lại câu thơ thả. Nhà con, nhà cái đều ngâm vang cả nhà, chừng như muốn thi nhau một cái giọng tốt, chứ đồng tiền mất đi hay thu về được gấp ba số đặt, thời có gì là đáng kể. Giữa hai tiếng bạc trên một chiếc chiếu la liệt những mảnh thơ đề, Mộng Liên đêm đêm kề đùi tựa má ông Phó Sứ, lại đánh đàn, lại ca Nam bằng, ca Nam ai.

...

Ông Huấn Cao lặng nghĩ một lát rồi mỉm cười: " Về bảo chủ ngươi, tối nay, lúc nào lính canh trại về nghỉ, thì đem lụa, mực, bút và một bó đuốc xuống đây rồi ta cho chữ. Chữ thì quý thực. Ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà phải ép mình viết câu đối bao giờ. Đời ta cũng mới viết có hai bộ tứ bình và một bức trung đường cho ba người bạn thân của ta thôi. Ta cảm cái tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các người. Nào ta có biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ ".

Ðêm hôm ấy, lúc trại giam tỉnh Sơn chỉ còn vẳng có tiếng mõ trên vọng canh, một cảnh tượng xưa nay chưa từng có, đã bày ra trong một buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện tổ rệp, đất bừa bãi phân chuột phân gián.

Trong một không khí khói tỏa như đám cháy nhà, ánh sáng đỏ rực của một bó đuốc tẩm dầu rọi lên ba cái đầu người đang chăm chú trên một tấm lụa bạch còn nguyên vẹn lần hồ. Khói bốc tỏa cay mắt, họ dụi mắt lia lịa.

Một người tù cổ đeo gông, chân vướng xiềng, đang dậm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh căng phẳng trên mảnh ván. Người tù viết xong một chữ, viên quản ngục lại vội khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ đặt trên phiến lụa óng. Và cái thầy thơ lại gầy gò, thì run run bưng chậu mực. Thay bút con, đề xong lạc khoản, ông Huấn Cao thở dài, buồn bã đỡ viên quan ngục đứng thẳng người dậy và đĩnh đạc bảo:

- Ở đây lẫn lộn. Ta khuyên thầy Quản nên thay chốn ở đi. Chỗ này không phải là nơi để treo một bức lụa trắng trẻo với những nét chữ vuông vắn tươi tắn nó nói lên những cái hoài bão tung hoành của một đời con người. Thoi mực, thầy mua ở đâu tốt và thơm quá. Thầy có thấy mùi thơm ở chậu mực bốc lên không?...Tôi bảo thực đấy: thầy Quản nên tìm về nhà quê mà ở đã, thầy hãy thoát khỏi cái nghề này đi đã, rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây, khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi.

Nhà họ Chu vốn không làm giấy moi bao giờ. Chỉ toàn làm giấy lụa và giấy lệnh hội để viết bằng viết sắc. Và vào khoảng đầu năm Tý Mão Ngọ Dậu có khoa thi, thì nhà ấy mới làm đến thứ giấy để học trò đóng quyển gọi là giấy thi. Giấy của họ Chu chế ra, bao giờ soi lên cũng có hai chữ Chu Hồ in lối thủy ấn. Hai chữ thương tiêu viết theo lối triện cổ trước đời Tần nhắc cho người dùng giấy biết rằng đấy là giấy của họ Chu làng Hồ Khẩu. Trông đến tờ giấy dó của nhà này là ai cũng biết ngay, chẳng cần phải soi lên mà tìm dấu thương tiêu thủy ấn nữa. Cái đám đàn bà con gái buôn tạp hóa họ đã đố nhau là xếp ra trước mặt rất nhiều loại giấy của rất nhiều nhà làm giấy bán ra, rồi người bị đố sẽ nhắm mắt lại, chỉ được lấy tay rờ mà phải gọi được tên giấy của lò nhà nào ra. Chẳng bao giờ các bác các cô ấy gọi sai các loại giấy của nhà họ Chu cả. Thì ra gồng gánh ăn phường ăn hàng mãi khắp chợ thôn quê, họ đã hiểu hết những đức tính của giấy nhà họ Chu. Nó nhẵn mặt mà không cứng mình mà chất lại dai và lắm tờ khổ rộng mình dầy thế mà bắc đồng cân lên thì nặng chỉ như cái lông ngỗng. Mặt giấy xốp, nghiêng giấy ra ánh sáng mà nhìn chất cát dó thì nó như làn da má trinh nữ phẳng đượm chất tuyết của lớp lông măng. Vuốt vào mặt giấy, người ta có cái cảm tưởng được sống là một điều dễ chịu; mùa nực, rờ vào giấy thấy mát cả lòng bàn tay và về tiết đông ấp tay vào giấy nhà Chu, thấy nó âm ấm như có sinh khí. Đưa lên mũi, tờ giấy đượm hơi thơm của một thứ mùi thảo mộc còn tươi sống, thật là một vật quý trên thế gian. Tờ giấy dó từ nhà Chu họ đưa ra thị trường, ai nhìn thấy cũng lấy làm sung sướng. Nó đẹp đến nỗi mọi người đều yên trí rằng dẫu đứa thất phu có cầm bút vẽ bậy vào đấy thì những nét lếu láo ấy vẫn cứ thành được hình chữ. Nhưng hồi ấy người ta còn trọng nho phong và chúng nhân đều là người trí sĩ cả, nên tờ giấy nhà họ Chu còn được may hơn là phận những vách đá giơ mình ra cho người dốt thích thơ vào. Người có chữ nhưng mà văn xoàng và chữ xấu thì đều không nhẫn tâm đè giấy họ Chu ra mà viết. Người dốt thì biết kiêng sợ và chỉ trông thấy giấy có thủy ấn Chu Hồ là đã chạy xa rồi. Thành ra, kẻ sĩ ở vào cái thời ấy thấy ai dùng đến giấy Chu Hồ là họ tìm đến; vì chẳng được văn đại khoa thì âu chữ cũng phải có nét bút thiếp – Mà sự dùng giấy dó nhà họ Chu Hồ đã thành một lối biểu dương riêng của một phái quý tộc trong làng văn mặc.

Cái lần ấy được triệu vô kinh và được hầu lạy quan thượng thư bộ Lễ để tỏ bày những đức tính của giấy dó lò nhà, ông cụ họ Chu đã làm cho bực lão thần và tất cả thuộc nha một bộ phải kinh ngạc và trầm trồ. Ông cụ đã bày các thứ giấy các loại án thư và bắt những con gián con nhậy con dài đuôi thả vào đám giấy ấy. Thì lạ quá, cả một lũ côn trùng kẻ thù truyền kiếp của sách và giấy đều chạy lảng xa rất nhanh khỏi chồng giấy và lẩn trốn đi đâu hết cả. Bộ Lễ bèn làm giấy dâng lên chỗ chín bệ và nhà vua bèn xuống chỉ cho ông cụ già họ Chu sung vào một chân trong Cẩn Tín Viện để ở luôn nơi Thành Vàng sớm tối chế giấy cung cho cả một hoàng tộc và cả một triều đình. Bộ Công đã có chỉ phải xây hai lò giấy dó bên sông Hương và ông già họ Chu sẽ là vị quan trọng dụng lần thứ nhất để coi mấy lò giấy mới mở đó. Nhưng ông già họ Chu lấy làm sợ hãi mà tâu lên rằng hiện trong mình đang mang cái tang mẹ và xin được lộn về Bắc, cứ ở nơi Tây Hồ nguyên quán mà chế giấy Ngự Chỉ và thường niên đệ vào kinh do quan địa phương săn sóc việc đưa đi theo những kỳ hạn nhất định. Triều đình thấy việc ông già họ Chu cũng thuộc về một trường hợp đình gián nên cũng ưng và không nghị tội.

Nguyễn Tuân hẳn đã chú tâm quan sát sở thích của tất cả mọi lứa tuổi. Để rồi, không chỉ người lớn, ngay cả trẻ thơ cũng sở hữu được một món đồ kết tụ tinh hoa văn hóa: lồng đèn. Phải, những chiếc lồng đèn tưởng chừng thô sơ, dễ làm ấy hóa ra cũng cần tỉ mỉ, cẩn thận mới thành hình.

Có người học trò cũ ở Sơn Tây về qua Hà Nội, biết ông Cử có con, đem đến biếu thầy học cũ một cái bánh dẻo mặt trăng, mặt bánh to một thước, thế nào lại nhầm ngay vào giữa hôm ông Cử Hai thử đèn xẻ rãnh. Ông bày đèn ra sân,đốt hết cả mười con bấc cháy sáng. Ông bày luôn ra sân bộ đồ trà, mời cụ Thượng ra ngồi vào cái ghế đẩu đã để sẵn trước đèn. Cụ Thượng ngồi ăn bánh, uống nước và trịnh trọng như người được mời tới để định giải thưởng cho đèn xẻ rãnh. Rồi cả nhà mỗi người một miếng, trông vui vẻ lạ. Vui nhất là Ngộ Lang. Cả đến con Tố Tâm bé thế mà cũng ăn được hai mảnh bánh mặt trăng.

Quân bắt đầu diễn vòng đầu. Mặt trước đèn có nến soi vào, sáng như một sân khấu rạp tuồng. Thuyền Tây Thi từ từ tiến vào sân khấu. Lúc nàng vào được đến phần ba sân khấu, lướt qua chiếc thuyền Phạm Lãi, động đến cái máy gạt thứ nhất ở góc trái đèn, thì thuyền của Phạm Lãi quay vào trong và lẩn mất. Nàng Tây Thi vẫn xuôi trên sông Ngô rồi tiến vào nội phận của đất Ngô. Cái máy gạt ở góc phải cổ đèn động đánh xịch một cái, thì trên hòn núi giả sơn làm bằng giấy trang kim đốt đèn, Ngũ Tử Tư bắt đầu ôm lấy Phù Sai với dáng điệu của người tôi trung hết sức ngăn chúa. Nhưng dưới chân giả sơn, cái người nịnh thần là Thái tể Bá Hy đã đon đả đi gần lại thuyền Tây Thi, giơ tay ra như đón lấy. Trên cái núi giấy, hai hình tôi và chúa kia vẫn cử động như ban nãy, một người tỏ vẻ can ngăn, một người ra bộ không chịu nghe. Thuyền Tây Thi dưới này, đi sâu mãi vào đất Ngô và khuất. Vậy là đủ một vòng đèn xẻ rãnh.

Ngộ Lang nhảy lên mà cười.Cái đèn này là của riêng nó để bày cỗ ngày rằm .Con Tố Tâm khoa mãi hai chân và hai tay có khóa bạc, và như muốn xà xuống chỗ đèn sáng. Rồi nó khóc. Mợ Cử Hai bảo chồng:

    • Hay là làm cho mỗi đứa một cái. Càng đông đèn cỗ càng vui. Giữa mâm cỗ, bày một con gà uốn hình ông Lã Vọng. Ngộ Lang đã có đèn xẻ rãnh. Giờ làm cho con Tố Tâm một chiếc đèn kéo quân, cho nó khác đi.

Ngay ngày hôm sau,ông Cử Hai lại túi bụi vào việc làm đèn kéo quân. Ông đã đem một tập sách thơ cũ ra, lột mất mấy cái bìa sơn cậy, cắt bìa ra, ghép hai mảnh bìa làm một, dán lại làm hình người. Tố Tâm thì chỉ chơi đến đèn kéo quân thôi. Nhưng dù sao ,ông Cử Hai cũng để hết công phu vào việc làm đèn. Chiếc đèn kéo quân của con Tố Tâm, đến hôm bày cỗ rằm,cũng còn hơn các bàn cỗ nhà khác ở chỗ nó có những hai chiếc tán kia, mỗi cái tán ăn vào một đĩa đèn, một tán xoay vòng theo chiều thuận, một tán xoay theo vòng nghịch. Đèn chạy hai vòng quấn, một vòng trẩy đi, một vòng trẩy về, vui mắt lạ! Lại còn đèn cá và thiềm thừ nữa.

Mợ Cử Hai ngâm sẵn một vại óc và bửa những quả bưởi rất khéo, cốt giữ nguyên vẹn lần vỏ, trổ vào vỏ những hình trám thủng, để hôm sau con nó cắm vào trong vỏ bưởi những cây nến hạt bưởi khô, thắp lên rồi tha hồ mà lăn tròn cái thứ đèn cù ấy trên mặt đất.

Tuy nhiên, thứ đáng giá nhất để bàn tới trong Vang Bóng Một Thời không phải là cách thả thơ, viết chữ, pha trà, chặt đầu, làm đèn... Tác phẩm này của Nguyễn Tuân tạo ra tiếng vang lớn trên văn đàn nhờ tinh thần hoài cổ, kiên cường ngược dòng lịch sử mà đi giữa thời đại đất nước oằn mình gánh chịu biến động khôn lường. Theo thời gian trôi đi, Vang Bóng Một Thời càng chứng tỏ giá trị bất diệt của nó khi tạo ra một không gian đậm chất truyền thống xưa, giống như một lời khẳng định chắc chắn như đinh đóng cột về nền văn hóa lâu đời của Việt Nam.

-----

Tác giả: Quỳnh Giao - Bookademy

-----

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy

Bạn đam mê viết lách, yêu thích đọc sách và muốn lan toả văn hoá đọc tới cộng đồng của YBOX.VN? Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: //bit.ly/bookademy_ctv

[*] Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ “Tên tác giả - Bookademy”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

Video liên quan

Chủ Đề