Vì sao cần phải chào hỏi

Trong kỹ năng giao tiếp, kỹ năng chào hỏi đóng vai trò rất quan trọng để gây ấn tượng ban đầu dành cho đối phương. Nếu như dân gian ta có câu “Miếng trầu mở đầu câu chuyện” thì kỹ năng chào hỏi đóng vai trò như “miếng trầu” vậy, rất cần thiết để làm nên một cuộc giao tiếp thành công.

Ý nghĩa của việc chào hỏi trong giao tiếp:

Khi bạn chào hỏi một ai đó, những lời chào hỏi của bạn được ví như chiếc chìa khóa, là tiền đề quyết định một cuộc trò chuyện thành công hay thất bại.

Đối với những người bạn chưa quen, việc chủ động cất lời chào sẽ cho bạn những mối quan hệ mới. Tùy thuộc vào cách chào hỏi của bạn, thân thiện hay xa lạ, lịch sự hay thô lỗ sẽ phần nào giúp đối phương đánh giá về con người của bạn. Gây được ấn tượng ban đầu với đối phương.

Không chỉ vậy, khi bạn tạo được thiện cảm cho người khác cũng đồng nghĩa cuộc trò chuyện của bạn đã thành công một nửa. Một lời chào hỏi tốt sẽ khiến người mới quen cảm giác đã thân thiết với bạn từ lâu, nhờ vậy họ sẽ mở lòng nhiều hơn khi nói chuyện với bạn.

Để lời chào hỏi phát huy được hết tác dụng của nó, với mỗi đối tượng giao tiếp trong từng hoàn cảnh khác nhau cần có một cách chào hỏi khác nhau.

3 cách chào hỏi của người Việt theo từng hoàn cảnh giao tiếp

1. Đối với người bạn không được giới thiệu

Người bạn không được giới thiệu, là người bạn phải tự chủ động làm quen. Ví như một chàng trai cảm thấy một cô gái đang yêu và muốn làm quen chẳng hạn. Hoặc một nhân viên tiếp thị đi gặp một khách hàng chưa từng quen. Lúc này việc chào hỏi quyết định rất nhiều, đây là một trong những kỹ năng giao tiếp với người lạ giúp bạn có được một mối quan hệ mới, một cuộc nói chuyện hoặc không bao giờ. Để chào hỏi thành công, bạn nên thực hiện theo các bước sau:

Tiếp cận đối phương

Đối với người lạ mà bạn không được giới thiệu, đầu tiên bạn nên tìm cách tiếp cận với họ một cách đường đường chính chính, thay vì lén lén lút lút bởi sẽ khiến người khác ác cảm. Bạn nên xuất hiễn trước mặt họ và tiếp cận bằng ánh mắt và nụ cười. Bạn phải chắc chắn được sự thân thiện trong nụ cười của mình. Chỉ nên mỉm cười thay vì cười thoải mái đối với người chưa quen. Tiếp đó là chủ động chào hỏi bằng những câu xã giao đơn giản. Mà câu chào đơn giản nhất chính là “Chào bạn/ anh/ chị….”.

Chờ sự phản hồi của đối phương

Sau khi cất lời chào, bạn đừng vội nói thêm điều gì vì sự hấp tấp của bạn có thể làm đối phương sợ hãi. Và khi có sự sợ hãi, hình ảnh bạn trong mắt họ trở nên xấu đi rất nhiều. Khi ấy, nỗ lực cố gắng làm quen của bạn sẽ trở nên vô nghĩa. Đối phương sẽ có thể đáp lại bạn nhưng chỉ theo phép lịch sự cơ bản, còn thâm tâm họ nhanh chóng muốn rời đi. Vậy nên sau khi chào, bạn cần đợi sự phản hồi của đối phương và bắt đầu trò chuyện.

Bắt đầu cuộc nói chuyện

Khi bắt đầu cuộc nói chuyện, bạn hãy chú ý nói từ những chuyện đơn giản, đợi sự thân thiết nhất định rồi đi vào chuyện chính. Mới ngay từ đầu mà chàng trai đã mời cô gái đi chơi, hoặc lập tức xin số điện thoại không phải cách hay để bắt đầu một mối quan hệ. Bạn có thể nói về thời tiết hôm nay, về quyển sách mà cô gái đang đọc, về bất cứ điều gì thú vị đang diễn ra xung quanh bằng lối nói thân thiện và tự nhiên.

Nếu ai đó nhìn bạn nghi ngờ hoặc bỏ đi khi bạn chào hỏi, cũng đừng hỏi theo họ. Hãy chấp nhận thất bại của mình và cố gắng vào những cuộc gặp gỡ tiếp theo.

2. Đối với người đã quen, hoặc người được giới thiệu

So với người mà bạn chưa quen như trên thì việc chào hỏi với người được giới thiệu hoặc người quen sẽ có phần dễ dàng hơn. Trường hợp người quen ở đây mà tôi muốn đề cập không phải với người thân hay bạn bè của bạn – bởi vì đối với những người này đã không còn khoảng cách và đôi khi lời chào hỏi sẽ làm mất đi sự thân thiết vốn có.

Chọn cách ứng xử phù hợp

Đối với những người bạn đã quen nhưng chỉ dừng lại ở mức thoáng qua, và những người bạn được giới thiệu, để chào hỏi, bạn nên có cách ứng xử phù hợp khi chào hỏi. Bạn nên cởi mở, chủ động mỉm cười và cách ứng xử có thể là một cái bắt tay thân thiện từ bạn.

Bạn nên tìm hiểu về cách bắt tay trong giao tiếp để có thể tạo ấn tượng cho đối phương từ chính cái bắt tay chào hỏi đó.

Bắt tay đúng kỹ thuật sẽ để lại ấn tượng khó quên trong giao tiếp

Trong khi bắt tay với đối phương, bạn không nên im lặng mà nên bộc lộ cảm xúc của bản thân về cuộc gặp gỡ thông qua một lời chào xã giao. Tùy thuộc vào đối tượng mà bạn đang tiếp xúc để có những lời chào phù hợp. Ví như “Rất vui được gặp bạn” đối với người cùng trang lứa mà bạn vừa được giới thiệu, hoặc “Lâu rồi không gặp anh” với người bạn đã từng quen biết trong quá khứ. Bằng cách này chắc hẳn bạn không chỉ gây được thiện cảm với đối phương mà còn với tất cả những người có mặt xung quanh.

Tìm chủ đề nói chuyện

Đương nhiên bạn không thể chỉ chào hỏi rồi thôi, sau khi chào hỏi bạn cần có chủ đề để bắt đầu một cuộc nói chuyện. Bạn có thể nói về thời tiết, chuyện học tập, chuyện gia đình,… tùy thuộc vào mỗi đối tượng sẽ có một chủ đề khác nhau, tránh nói những chủ đề chỉ có bạn hiểu mà người khác thì không.

Lời khuyên dành cho bạn: Bạn nên hướng cuộc nói chuyện về đối phương thay vì tự nói về mình. Đừng quá gồng mình mà hãy nói chuyện thật đơn giản và thoải mái.

3. Chào hỏi trong môi trường kinh doanh

Khác với hai trường hợp trên, chào hỏi đối tác không chỉ là thể hiện con người bạn, mà còn đại diện cho cả doanh nghiệp của bạn trong môi trường kinh doanh. Do vậy việc chào hỏi ảnh hưởng đến chuyện làm ăn của bạn trở nên tốt hơn hay xấu đi.

Diện mạo phù hợp với môi trường kinh doanh

Trước khi chào hỏi đối tác, bạn cần đảm bảo rằng ngoại hình của mình phải gọn gàng và chỉn chu. Cùng với đó là phong thái tự tin và thân thiện. Tuyệt đối không chào hỏi đối tác kinh doanh khi bạn chưa sẵn sàng về diện mạo của mình.

Chào hỏi theo chức vị

Khi chào hỏi đồng nghiệp hoặc những người làm ăn thân thiết, bạn có thể chào hỏi đơn giản. Không cần phải bắt tay, chỉ cần cười và cất lời chào. Nhưng ngược lại, khi chào hỏi đối tác có cấp bậc, chức cụ cao hơn bạn, bạn nên kết hợp với cử chỉ như cúi đầu hoặc bắt tay.

Hơn thế nữa, tùy thuộc vào hoàn cảnh gặp nhau mà lời chào cũng không giống nhau. Ví như khi vô tình gặp gỡ, lời chào của bạn không cần quá trang trọng nhưng cũng không được bất lịch sự hay dễ dãi. Bạn có thể bày tỏ sự ngạc nhiên hoặc niềm vui đối với cuộc gặp gỡ như “Chào anh, không ngờ lại gặp anh ở đây”.

Ở những cuộc gặp gỡ quan trọng  như bữa tiệc họp mặt, các buổi họp thì lời chào còn phải thể hiện được sự trang trọng và lịch sự.

Kỹ năng chào hỏi ngày càng trở nên quan trọng với cuộc sống hội nhập như hiện nay. Biết cách chào hỏi cũng là lúc bạn biết cách chinh phục được tình cảm của người khác. Hy vọng với những kỹ năng chào hỏi mà camnanggiaoduc chia sẻ, bạn sẽ cảm thấy dễ dàng hơn khi cất lời chào hỏi với mọi người xung quanh.

Nghi thức chào hỏi của người Việt không chỉ thuộc phạm vi văn hoá và ngôn ngữ, mà còn thuộc phạm trù đạo đức, là một cách thể hiện nhân cách của chủ thể chào và nhân cách của đối tượng được chào, cho dù đó là lời chào nghi thức hoặc lời chào không nghi thức thì cũng thể hiện giao tiếp có văn hoá.

[Ths Phạm Văn Minh – Phó trưởng Khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Đại Nam]  

Nghi thức chào hỏi của người Việt không chỉ thuộc phạm vi văn hoá và ngôn ngữ, mà còn thuộc phạm trù đạo đức, là một cách thể hiện nhân cách của chủ thể chào và nhân cách của đối tượng được chào, cho dù đó là lời chào nghi thức hoặc lời chào không nghi thức thì cũng thể hiện giao tiếp có văn hoá.


Đạo đức cá nhân là cốt lõi của văn hóa cá nhân, nó thể hiện bằng cách ứng xử, thông qua lời ăn tiếng nói, lời chào hỏi, cách xử sự với cộng đồng. Vì thế cách chào hỏi mở đầu đối với người Việt có giá trị tinh thần hết sức được coi trọng, một giá trị tin thần cao hơn cả vật chất: Lời chào cao hơn mâm cỗ. Ở người Việt, chào hỏi không những mang tính văn hóa - xã hội, nó còn là sự thể hiện nhân cách của con người. Không ai muốn mình bị xem là thiếu đạo đức, vì tiêu chuẩn cao nhất để xác định giá trị con người là đạo đức. Sống ở trên đời, trọng nhau không phải chức vụ, tiền bạc mà là sự Tôn trọng.
Ngoài việc chào hỏi theo nghi thức có tính bắt buộc trong công việc, hành chính, ngoại giao…thì người Việt chúng ta còn ưa lựa chọn lối chào hỏi theo quan hệ tình nghĩa, lấy cách xưng gọi theo kiểu họ hàng, kiểu thân mật để chào hỏi. Tuy nhiên, dù cách xưng hô thế nào thì nó cũng thể hiện Khiêm trong xưng và Tôn trong hô, là cách “hạ mình nhỏ bớt”, đề cao người được chào hỏi. Đó là cách tranh thủ gây cảm tình tốt ngay từ ban đầu của chủ thể chào với đối tượng giao tiếp. Ví dụ: Một người lớn tuổi hoặc cấp trên khi gặp người ít tuổi hơn hoặc cấp dưới lại xởi lởi chào trước thể hiện sách lược chào hỏi khiêm, tôn để “lấy lòng”.

Ngày xưa, một ông tiến sĩ, một vị trạng nguyên vinh quy về làng, cả làng, cả hàng tổng, hàng huyện mang cờ quạt, võng lọng đi đón rước. Nhưng về đến làng các vị đều xuống ngựa hay xuống kiệu chào hỏi các bô lão trước rồi mới chào các chức sắc sau. Nhân cách của người đó được đánh giá qua cách ứng xử “tam cương” trong cộng đồng: gia đình, bạn bè và làng xã. Hình thức chào hỏi có thể bằng lời [ngôn ngữ] hoặc [phi ngôn ngữ] ngôn ngữ cơ thể, cử chỉ, điệu bộ, thái độ, ánh mắt, nụ cười...Tuy nhiên đối với người lớn tuổi hơn hoặc cấp trên thì bạn bắt buộc phải sử dụng hình thức ngôn ngữ và theo cách chủ động nhất. Bạn không thể chào với cấp trên hoặc người lớn tuổi hơn mình bằng cách “gật đầu” mà không có lời chào nào đi kèm. Bạn cũng không thể vào nhà người khác mà không chào chủ nhà, vào phòng người khác mà không chào người trong phòng đó.
Chào hỏi của người Việt, nhất là chào hỏi không nghi thức, thường không có khuôn mẫu chặt chẽ mà tuỳ thuộc vào tình huống giao tiếp. Song, chào hỏi phải là sự thể hiện nhân cách, đạo đức, sự chân tình của chủ thể chào với đối tượng chào, vì thế trong xưng hô người Việt dùng rất nhiều từ thân tộc và các từ khác để xưng và  thay thế cho các đại từ nhân xưng. Bằng cách như vậy tính biểu cảm, tính vị tình cao hơn. Mọi xưng hô đều căn cứ vào quan hệ giữa i với người đối thoại trong tình huống, do đó phải chọn cách xưng hô.
Chào có thể bằng hỏi là một đặc trưng văn hoá khác biệt nổi bật, người Việt dùng từ chào hỏi đi liền nhau vì thường sau lời chào là hỏi thăm: hỏi sức khoẻ, công ăn việc làm, đang đi đâu, làm gì… Thực chất đấy là sự quan tâm đối với đối tượng được chào, biểu lộ tình cảm và sự thân thiết. Chào bằng hỏi thường dùng trong lối chào hỏi không nghi thức với những người thân quen hàng ngày.
Những người được chào phải khá quen thuộc và thường gặp gỡ luôn với chủ thể chào mới có thể dùng cách lược bỏ từ chào, thậm chí lược bỏ cả từ xưng hô chỉ chủ thể chào. [Ví dụ: - Em chào thầy! Thầy lên lớp ạ! - Em chào Anh! Anh đi làm về à!. Trong trường hợp này có thể lược bỏ thành: - Thầy! Thầy lên lớp ạ! - Anh! Anh đi làm về].
Ngôn ngữ là một phương tiện giao tiếp ưu việt và quan trọng nhất của loài người. Nhờ ngôn ngữ, mỗi cá nhân có thể trao đổi thông tin, thiết lập quan hệ với mọi người xung quanh. Có thể khẳng định rằng, lời chào là một nghi thức xã giao đầu tiên, là phép lịch sự tối thiểu của mỗi cá nhân khi bắt đầu một cuộc giao tiếp. Ở Việt Nam, nét đẹp văn hoá của lời chào được ông cha ta đúc kết thành những bài học quí báu trong kho tàng tục ngữ, ca dao: “Dao năng liếc năng sắc, người năng chào, năng quen”, “Gặp nhau che nón không chào. Cứ lặng thinh như rứa biết ngày nào quen nhau”.
 

Video liên quan

Chủ Đề