Vì sao người ta thấy hối hận và tiếc nuối

Bạn có từng nuối tiếc vì những gì bạn đã trải qua trong quá khứ?

Bạn có từng cảm thấy hối hận, ăn năn, day dứt vì những việc mình đã làm không tốt, những hành động mình gây tổn thương cho một ai đó hoặc đôi khi là những thói quen xấu của bản thân chưa được gỡ bỏ?

Nhiều người rất hay bị rơi vào tình trạng oán trách bản thân mình một cách rất tiêu cực sau mỗi lần sai lầm. Chính cảm xúc đó tiếp tục đẩy chúng ta xuống hố sâu của sự thất vọng và nhấn chìm chúng ta trong đau khổ một thời gian dài. Ở bài viết này, tôi sẽ chia sẻ cho bạn về việc làm thế nào để vượt qua những cảm xúc ăn năn, day dứt, oán trách bản thân này.

Điều đầu tiên: Việc ngồi ăn năn, day dứt, oán trách bản thân chẳng giải quyết được gì cả.

Sự việc đã xảy ra rồi và chúng ta không thể trở về quá khứ để sửa được. Thay vì chúng ta dùng giây phút hiện tại để thay đổi bản thân, để khắc phục những điều chưa tốt thì chúng ta lại dùng hiện tại để nuối tiếc quá khứ. 

Hành động này không khiến cho tình hình trở nên tốt đẹp hơn mà nó còn khiến bạn hủy hoại chính mình, làm lãng phí những giây phút tiếp theo bạn đang được sống.

Vì thế ngay tại lúc bạn đang nuối tiếc, hãy viết ra những điều bạn có thể làm tốt nhất để bù đắp cho quá khứ lỗi lầm của mình.

Nếu bạn đã gây tổn thương cho một ai đó, hãy liên lạc với họ, chân thành xin lỗi họ, tặng quà họ hoặc bất cứ hành động nào bạn có thể làm để bù đắp phần nào cho tổn thương bạn đã gây ra.

Nếu bạn đã lỡ có những thói quen xấu khiến bạn ức chế, ngay bây giờ hãy tận dụng thời gian để quyết tâm học tập về thói quen đó và biến cuộc sống hiện tại trở nên tuyệt vời nhất có thể.

Nếu bạn đã lỡ làm việc gì đó chưa tốt, thời khắc này là lúc bạn cần rút ra bài học để làm cho mọi việc trở nên tốt hơn.

Sau những hành động như thế, chính bản thân bạn cũng trở nên hạnh phúc hơn khi thấy mình mạnh mẽ hơn, tự do hơn, không bị sự hối tiếc quá khứ chi phối nữa, bạn luôn được sống trọn vẹn ở hiện tại. Bạn biết rằng cho dù mọi việc có xảy ra như thế nào thì bạn sẽ đủ bản lĩnh để chấp nhận và vượt qua nó. 

Đấy là về mặt lý thuyết, sau đây sẽ là các bước thực hành giúp bạn dễ dàng vượt qua sự tiếc nuối và hối hận.

4 bước thực hành để vượt qua tâm lý oán trách bản thân:

Bước 01: Nhận biết 

Hãy tập quan sát cảm xúc và suy nghĩ nuối tiếc và hối hận ở bản thân mình ăn năn, day dứt, oán trách chính mình. Bất cứ khi nào bạn thấy mình đang rơi vào tình trạng đó, bạn có thể nhắc nhở bản thân: "Ah, mình đang tiếc nuối và hối hận này".

Bước 02: Nghĩ đến hậu quả.

Khi bạn đã nhận biết được cảm giác tiêu cực này, hãy thử nghĩ xem nếu tiếp tục ngồi ăn năn day dứt như thế này thì chuyện gì sẽ xảy ra? tình hình có tốt đẹp hơn không hay xấu đi?...

Hãy nghĩ đến hậu quả của nó, bạn sẽ thấy mình đang lãng phí thời gian vô ích như thế nào, không những thế, bạn còn hiểu rằng nếu tiếp tục làm thế là đang hủy diệt chính mình nữa.

Bước 03: Động viên chính mình

Lúc này, bạn đã trở nên sáng suốt hơn khi nhìn được thông tỏ vấn đề. Bạn hãy động viên chính mình bằng cách tự nhủ: "Ăn năn hối tiếc không giúp mọi việc tốt đẹp hơn, tôi cần làm tốt nhất những gì có thể ngay bây giờ" hoặc những điều tương tự như vậy.

Bước 04: Hành động

Sau khi bạn đã có cho mình những giải pháp thì việc còn lại chỉ là hành động thôi. Làm liên tục cho đến khi bạn cảm thấy hài lòng hơn với bản thân và sự tiếc nuối kia biến mất.

Có hai lưu ý quan trọng để bạn thực hiện 4 bước làm chủ cảm xúc này tốt;

Lưu ý 1: Mọi thứ cần thời gian luyện tập. Không vội vàng được.

Tôi biết chắc rằng, khi bạn thực hiện 4 bước này, bạn sẽ thấy nó rất dễ dàng để làm ngay và vượt qua. Nhưng hầu hết mọi người sẽ chủ quan và nghĩ rằng mình làm được 1 lần là sẽ làm được mãi.

Thực tế thì việc tiếc nuối vẫn âm thầm và lặng lẽ canh chừng bạn, nó có thể chiếm hữu tinh thần và thân xác của bạn bất cứ lúc nào. Cho nên không được chủ quan mà phải luyện tập liên tục cho đến khi nó trở thành thói quen và kỹ năng của bạn.

Lưu ý 2: Tìm môi trường phù hợp.

Hãy nhớ môi trường mạnh hơn ý chí. Một mình bạn đôi khi là không đủ để vượt qua cảm xúc này, nếu có người bên cạnh có tinh thần mạnh mẽ, họ sẽ truyền cảm hứng cho bạn, từ đó bạn sẽ dễ dàng làm chủ bản thân mình và sống một cuộc đời tự do và hạnh phúc hơn.

Hãy comment kết quả sau khi bạn đã thực hành 4 bước trên nhé.

Tôi có thể khẳng định với tất cả các bạn rằng, trong số chúng ta đều hối tiếc về một điều gì đó trong cuộc đời của mình. Dù đó là điều bạn đã làm hay chưa từng làm. Vậy câu hỏi đặt ra là sự hối hận có nên tồn tại trong đời hay không? Đó vẫn luôn là vấn đề có nhiều ý kiến trái chiều.

Hối hận là gì?

Hối hận là một trạng thái cảm xúc mà bạn có cảm giác buồn, thất vọng về những điều mình đã làm hay có nhận thức ít nhiều về việc cảm thấy có lỗi về những cơ hội đã vụt mất, những thiếu sót, mất mát hay lỗi lầm. Và những người hối hận về điều chưa làm bị ảnh hưởng nhiều hơn là người hối hận về việc mình đã làm.

Một số người có quan điểm rằng: Chúng ta không nên hối tiếc điều gì bởi vì nó đã trải qua và bởi nếu được sinh ra một lần nữa, chúng ta cũng sẽ làm những điều tương tự. Nhưng các nhà tâm lý học trong một số nghiên cứu lại cho rằng rất khó để tin vào quan điểm này dù họ không mấy nghi ngờ tính chân thật của nó. Thứ nhất, để sống một cuộc đời trọn vẹn, không chút hối tiếc là một việc vô cùng khó khăn hoặc người đó đã không chân thật khi nhìn nhận về cuộc đời mình. Nếu lỗi lầm chúng ta phạm phải gây hại cho người khác, cho xã hội hoặc môi trường, chúng ta nên cảm thấy ân hận và hối tiếc. Đồng thời, ta nên nhận thức rằng mình có thể đưa ra những lựa chọn khác để giảm nhẹ hậu quả. Tương tự như thế, khi việc chần chừ, không hành động dẫn đến những kết quả tiêu cực thì hối hận và suy nghĩ lại về lựa chọn của mình là điều hiển nhiên.

Tôi đã hối hận ra sao?

- Nếu lần đó, mình chịu xin lỗi bạn ấy thì chắc mối quan hệ bây giờ đã tốt hơn rồi.

- Nếu lần đó, tôi nhìn nhận sự việc chín chắn hơn thì mẹ tôi đã không phải khóc vì tôi.

- Nếu lúc trước tôi chăm học tiếng anh thì bây giờ đã không phải khổ sở học lại như bây giờ.

- Nếu lần đó, mình chăm học hơn nữa thì có lẽ đã đậu vào trường đại học mình thích.

- Nếu lần đó, tôi trân trọng tình yêu em dành cho tôi thì bây giờ đã không hối tiếc như vậy!

- Nếu sáng nay tôi đi xe cẩn thận hơn thì đã không gây xảy ra tai nạn.

- Tôi hối hận khi đã tin tưởng nhiều vào tình bạn ấy.

…………….

Rất nhiều và rất nhiều sự hối hận.

Vậy đối với bạn, đó là sự tiêu cực hay tích cực? Nhưng điều quan trọng đó là cách chúng ta xử lý sự hối tiếc như thế nào? 

Tích cực

Sự hối hận sẽ có hướng tích cực nếu chúng ta chấp nhận chịu trách nhiệm cho việc làm ấy hoặc nếu có thể, chúng ta chấp nhận bù đắp cho những thiệt hại mà ta đã gây ra.

Sự hối hận có thể thúc đẩy chúng ta hành động (Tôi sẽ không để sai sót thêm một lần nào nữa khi làm công việc đó) Hay ngăn chúng ta nuối tiếc những gì đã xảy ra. Chúng có thể giúp chúng ta tập trung nhìn lại và đưa ra hành động đúng đắn hoặc tìm kiếm một lối đi mới. Có một câu nói rằng: “Có lẽ tất cả những gì người ta có thể làm là kết thúc với những hối tiếc đúng đắn”. Chúng ta hơn nhau ở chỗ cách cư xử ở mỗi con người đối với sự hối hận của mình. Nó giúp ta tìm thấy con đường mới hơn, hay có ý nghĩa hơn trong cuộc sống.

Tiêu cực

Sự hối hận, tất nhiên, có đủ mọi kích cỡ, từ nhỏ đến lớn. Quan trọng là sự hối tiếc có tác động khác nhau rất nhiều cảm xúc, suy nghĩ và bản thân của chúng ta. Thật nuối tiếc khi tôi đã không làm điều đó khi mẹ còn sống hoặc không đi dự đám cưới của bạn. Đó là một số sự hối tiếc lớn mà chúng ta không thể nào sửa đổi hay rút lại được. Và điều khó khăn đối với một số người rằng họ không chịu trách nhiệm về hành động của mình.

Có một số nghiên cứu cho rằng một số người, đặc biệt là phụ nữ - họ hối hận lặp đi lặp lại nhiều hơn nam giới, họ suy ngẫm về sự hối hận nhiều quá mức. Nghiêm trọng là sự hối hận đó làm ảnh hưởng đến trầm cảm và họ tự trách bản thân mình, luôn tạo ra sự căng thẳng lâu dài, huỷ hoại tâm hồn và thể xác của chính họ.

Do cách mà mỗi chúng ta nhìn nhận sự hối hận của mình

Sự hối hận – nó có thể mang lại một trong hai kết quả là tiêu cực hay tích cực. Nó có thể kéo bạn xuống nếu bạn cứ suốt ngày dằn vặn bản thân mình, và suốt ngày “nếu thì” hoặc sẽ thúc đẩy bạn để bạn thay đổi và sửa chữa hành vi của bạn.

Hãy suy nghĩ về sự lựa chọn và quyết định của bạn trong cuộc sống. Bạn có từng hối hận cho hành động của mình và tự hỏi bản thân rằng sự hối hận đã ảnh hướng đến bạn như thế nào? Có phải hối hận về việc không nhận một công việc có vẻ mạo hiểm hoặc quá khó vào thời điểm đó đã truyền cảm hứng cho bạn thò cổ ra và linh hoạt hơn, mạnh dạn hơn hoặc mạo hiểm hơn trong những năm sau đó không? Về các mối quan hệ của bạn, chuyện tình yêu, quan hệ bạn bè hay mối quan hệ hợp tác kinh doanh, chúng truyền cảm hứng cho bạn để làm việc chăm chỉ hơn trong việc kết nối tình cảm trong tương lai, hay nó chỉ khiến bạn cảm thấy hụt hẫng, cay đắng và cam kết sống một mình? Nói một cách khác, sự hối hận có khiến bạn cảm thấy hứng thú với bản thân hay bỏ cuộc không?

Quan trọng ở chỗ là cách mà bạn quản lý cảm giác hối tiếc của mình. Có một nhà khoa học, họ đã nghiên cứu về sự hối tiếc và đưa ra bảng câu hỏi để mọi người có thể xem bản thân mình đang rơi vào đâu.

1.    Bất cứ khi nào tôi đưa ra lựa chọn, tôi đều tò mò về điều gì sẽ xảy ra nếu tôi chọn khác.

2.    Bất cứ khi nào tôi đưa ra lựa chọn, tôi đều cố gắng tìm hiểu thông tin về việc các lựa chọn thay thế khác ra sao.

3.    Nếu tôi đưa ra một lựa chọn và kết quả tốt đẹp, tôi vẫn cảm thấy như một cái gì đó thất bại nếu tôi tìm ra một lựa chọn khác sẽ tốt hơn

4.    Khi tôi nghĩ về cách tôi đang làm trong cuộc sống, tôi thường đánh giá những cơ hội mà tôi đã bỏ qua.

5.    Một khi tôi đưa ra quyết định, tôi không nhìn lại.

Vào cuối ngày, mỗi chúng ta sẽ hối tiếc về một điều gì đó chúng ta đã làm hoặc không. Có lẽ điều quan trọng nhất là đảm bảo rằng sự hối hận sẽ thúc đẩy chúng ta hướng tới sự hiểu biết và hành động của bản thân nhiều hơn, chứ không phải là sự trì trệ.

Làm sao để đối phó với sự hối tiếc

1. Bỏ qua suy nghĩ “Tôi sẽ không bao giờ làm điều đó nữa.”.

Bạn đã bao giờ lướt mạng xã hội đến nửa đêm tới mức khiến bạn mệt mỏi vào sáng hôm sau. Thay vào đó bạn tự nói với mình đi ngủ sớm hơn. Hoặc có thể bạn hối hận vì đã để mình quá đói hoặc quá mệt và quyết định đó dẫn đến tối hôm sau bạn ăn nhiều hơn,…

Nó giống như một cái bẫy vậy, không có một điều chắc chắn nào hay khả năng nào nói rằng bạn sẽ không bao giờ làm những điều đó nữa. Thay vì nói với bản thân mình tôi sẽ không bao giờ làm điều đó nữa, thì bạn hãy thừa nhận rằng bạn cần có một kế hoạch, chiến lược để cải thiện dần thói quen của mình hoặc hạn chế những hậu quả tiêu cực khi bạn mắc phải những thất bại trong việc kiểm soát bản thân.

2. Thừa nhận những gì bạn đang cảm thấy.

Mọi người thích nói, "Tôi không hối tiếc", nhưng điều đó không thực tế lắm và có lẽ không đúng. Giống như bất kỳ cảm xúc "tiêu cực" nào, hối tiếc là một trải nghiệm phổ biến và là một trải nghiệm mà chúng ta được thiết kế để có thể đối phó về mặt tâm lý.

Khi bạn thừa nhận cảm xúc của mình thay vì phủ nhận chúng, nó sẽ giúp bạn suy nghĩ về các chiến lược mà bạn có thể sử dụng để giảm thiểu nỗi đau trong tương lai về cảm xúc đó. Ngoài ra, việc xác định cụ thể cảm xúc mà bạn đang cảm thấy — nghĩa là thừa nhận , "Tôi cảm thấy hối tiếc" thay vì chỉ nghĩ , "Tôi cảm thấy tồi tệ" - sẽ giúp việc dung nạp những cảm xúc bạn đang trải qua trở nên dễ kiểm soát hơn.

3. Tin tưởng vào năng lực của bạn để phát triển

Sự hối hận có thể khiến chúng ta trở nên do dự hoặc né tránh quá mức. Hối tiếc về một mối quan hệ thất bại có thể khiến bạn tránh hẹn hò. Hoặc hối tiếc về một quyết định nào đó trong công việc có thể khiến bạn nghĩ rằng công việc này quá khó và bạn tránh né nó hoàn toàn. Chỉ vì bạn đưa ra một số quyết định kém lý tưởng không có nghĩa là bạn sẽ thất bại vĩnh viễn trong bất kỳ lĩnh vực nào. Hãy tin vào năng lực của bản thân mình

4. Tìm kiếm những mẹo nhỏ cần tư duy để giúp bạn với các mẫu của bạn.

Thay đổi trong suy nghĩ có thể giúp bạn không lặp lại những sai lầm tương tự thường xuyên. Các nhà khoa học có một mẹo rất hay: Nếu bạn hối hận vì đã thức khuya như vậy, hãy thử nghĩ đến việc đi ngủ sớm như một cách chữa trị. Người ta thường nghĩ rằng thức khuya tận hưởng khoảng thời gian riêng tư như một món ăn, nhưng hãy nghĩ về nó: việc bạn đi ngủ và tận hưởng tất cả những cảm giác vô cùng thoải mái đó cũng vậy.

Sự thay đổi tư duy kiểu này có ngăn bạn thức khuya xem TV hoặc dán mắt vào máy tính không? Có thể là không — nhưng nó có thể thay đổi hành vi của bạn trong một số trường hợp. 

Tác giả: Long Võ

-----------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 22 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info 

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

3,501 người xem - 3501 điểm