Biển đảo quê hương là gì

Khi nói về hai tiếng Trường Sa, thì chắc một điều rằng trong tâm tưởng của những ai đã từng đến với miền đất máu thịt của quê hương giữa biển khơi đều hiện hữu hình ảnh kiên cường, hiên ngang của những cây phong ba, phi lao, cây tra, bàng vuông… bất chấp sự hà khắc của thời tiết vẫn xanh tươi, vươn mình trong nắng gió. Đó chính là hình ảnh biểu trưng một cách sinh động nhất của những người lính đảo, không quản khó khăn, gian khổ, bất chấp hy sinh, kiên cường bám trụ nơi đầu sóng chỉ 

Kỳ II: Những người lính đảo kiên cường


Các chiến sỹ đảo Sinh Tồn Đông chăm sóc vườn rau sau giờ huấn luyện. 

Trong suốt hải trình, đến với những người lính đảo, từ Song Tử Tây, Đá Nam, Đá Thị, Sơn Ca, Sinh Tồn Đông, Len Đao, Đá Đông A, Trường Sa Đông, Đá Tây C, Trường Sa Lớn, nhà giàn DK1/12… ở đâu chúng tôi cũng nhận được sự tiếp đón chu đáo, nồng hậu, hết sức tình cảm của những cán bộ, chiến sỹ và nhân dân. Với mỗi người lính đảo, lòng dũng cảm, dạn dày sương gió không chỉ dễ dàng cảm nhận từ màu da rám nắng, mà nó đến từ trong suy nghĩ và hành động của mỗi người. Bởi giữa nơi trùng khơi, chỉ có niềm tin, tình yêu biển đảo quê hương, trọng trách với Tổ quốc, dân tộc mới thực sự là thành lũy vững chắc che chở cho họ. Chính sự quả cảm và tấm lòng sắt son vì sự vẹn toàn của chủ quyền đất nước đã trui rèn, giúp họ có được tinh thần và ý chí vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, sự khắc nghiệt của thời tiết để luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đã xác định cho mình “đảo là nhà, biển cả là quê hương”, những người chiến sỹ làm nhiệm vụ giữa bốn bề sóng nước luôn phải đối mặt với hiểm nguy, nhưng có lẽ càng gian khó bao nhiêu thì càng ngời lên những nét tự hào và ý chí quyết tâm càng được tôi luyện. Dù điều kiện sinh hoạt, luyện tập còn gặp những khó khăn nhất định, song vượt lên trên hết, những người lính đảo đã biết sắp xếp hết sức khoa học cho thời gian biểu của mình. Với mỗi chiến sỹ, ngoài nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, các anh còn dành thời gian để tăng gia sản xuất, chăn nuôi lợn, gà, vịt, trồng rau xanh các loại, đánh bắt hải sản… Trồng rau xanh ở đây đòi hỏi sự kỳ công hơn cả. Với các đảo nổi, diện tích lớn tuy có thuận lợi hơn so với các đảo chìm, nhưng việc trồng rau vẫn phải tuân thủ nguyên tắc phải được che chắn hết sức kín gió, tận dụng tối đa nước ngọt trong sinh hoạt để tưới rau. Đất trồng rau phải được quay vòng tối đa, được đưa vào các thùng xốp hoặc nhựa, phân bón hữu cơ có thể từ mùn rác của lá cây hoặc chất thải chăn nuôi. Thực tế, hầu hết các đảo hiện đã tự đảm bảo được nguồn rau xanh cho bữa ăn của chiến sỹ với chủng loại khá đa dạng, từ các loại rau xanh, các loại họ đỗ, các loại cây lấy củ, quả, các loại rau gia vị… Ngoài việc tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống, cán bộ chiến sỹ trên các đảo còn rất sôi nổi với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Nếu như ở các đảo lớn, có sân vận động để tổ chức các môn bóng đá, bóng chuyền, thì các đảo chìm do điều kiện nên chỉ có thể dành riêng các khu nhà ở để đặt thiết bị phục vụ luyện tập thể thao như tạ, xe đạp tập, máy tập cơ, máy chạy bộ… Rượu bia và thuốc lá là những thứ cấm tuyệt đối trên đảo, cộng với chế độ ăn uống, sinh hoạt một cách điều độ, khoa học, kỷ luật; cán bộ chiến sỹ được luyện tập thể lực, được chơi thể thao thường xuyên, vì thế luôn đảm bảo 100% quân số khỏe. Văn hóa, văn nghệ cũng là nét đẹp rất đặc trưng của lính đảo. Tuy không có nhiều các loại nhạc cụ như trong đất liền, nhưng sự say mê và lòng nhiệt tình giúp cho những tiết mục văn nghệ của lính đảo luôn rất sôi nổi, cuốn hút. Chỉ với những cây đàn ghi ta, kèn harmonica, sáo trúc hay bộ gõ bằng bất cứ vật dụng gì là lính đảo đã có một “bữa tiệc âm nhạc tươm tất và thịnh soạn” với đầy đủ những cung bậc cảm xúc. Với âm nhạc, lính đảo không cầu kỳ trong nhạc cụ nhưng luôn chau chuốt trong lời hát và phong cách thể hiện tự nhiên, phóng khoáng. Vì thế, những buổi biểu diễn văn nghệ trên mỗi đảo luôn tràn đầy tiếng cười, sự hồn nhiên và cảm xúc rất khác lạ với những ai có may mắn được hòa mình trong đó. Theo Trung tá Hoàng Đức Chiến- Chính trị viên phó, Bí thư Đoàn thanh niên đảo Sơn Ca chia sẻ: “Chúng tôi thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, chiến sỹ thông qua những việc làm cụ thể, thiết thực, trực quan sinh động, từ đó anh em luôn động viên nhau vượt qua khó khăn. Mỗi khi có đợt thay đổi quân số, đã thành quy ước bất thành văn, mỗi chiến sỹ khi ra tiếp cận nhiệm vụ hay hoàn thành nghĩa vụ về với đất liền đều có đóng góp những kỷ vật riêng cho đảo, dù chỉ mang ý nghĩa biểu trưng, nhưng thể hiện trách nhiệm, là niềm động viên lớn giữa lớp chiến sỹ cũ và mới, tạo sự yên tâm, phấn khởi cho các thế hệ chiến sỹ tiếp sau làm nhiệm vụ”.

Với lính đảo, không chỉ có lòng quả cảm kiên trung, vững vàng trong thử thách trước giông bão, mà họ còn phải luôn xác định cho mình nhiệm vụ cao cả bảo vệ chủ quyền biển đảo, phải luôn cảnh giác trước mọi diễn biến trên vùng biển đảo, trước mọi âm mưu của các thế lực thù địch. Bởi thế, trong cuộc sống thường nhật trên đảo, dù còn khó khăn gian khổ, nhưng toát lên ở mỗi cán bộ, chiến sỹ là sự lạc quan, niềm tin tuyệt đối nơi hậu phương, sự khát khao cống hiến, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, vì dân tộc. Đó có lẽ là lý tưởng, là phương châm sống của những người lính đảo kiên trung.

Nguồn: Báo Phú Thọ điện tử

Nếu bốn tuần của hội thi là một hành trình đến với "Biển đảo quê hương" thì tôi là một hành khách đã có những trải nghiệm thật sự tuyệt vời không chỉ bởi việc khám phá những điều lý thú trên chặng đường đã đi qua mà còn là cảm nhận về những đổi thay đang cựa mình thức dậy.


Thú thật, tôi đã bắt đầu chuyến hành trình ấy với mục tiêu chinh phục giải thưởng hơn là suy nghĩ mình sẽ học được gì. Những phần thưởng hấp dẫn vẽ ra trong tôi bức tranh xán lạn về việc thực hiện những mong muốn, dự định của mình. Dẫn bước tôi lên chuyến hành trình còn là cơ hội thử sức mình bằng năng lực tìm tòi và sự nhanh nhạy cần có của một người trẻ qua việc cọ xát với những cuộc thi có tầm ảnh hưởng rộng như thế này. Để rồi...


Những phần thi mở ra với nội dung câu hỏi phong phú về chủ đề biển đảo nhưng trên nhiều lĩnh vực khác nhau: địa lý, lịch sử, kinh tế, xã hội... khiến tôi miệt mài với việc tìm hiểu, tra cứu các thông tin, kiến thức liên quan để có được câu trả lời chính xác. Vô hình trung, tôi thấy mình như bị cuốn vào chuyến hành trình nhưng bởi một sức hút khác - sức hút của con chữ và lượng thông tin hàm súc trong đó. Có lẽ cái cảm giác chính mình mong muốn nắm bắt và nhận thức mới chính là hạnh phúc thật sự của sự mở mang tri thức.

Khi những đáp án được lật mở, thế giới mà tôi chưa có dịp khám phá hiện rõ hơn qua những hình ảnh, thông tin cụ thể và chính xác. Những cái tên đảo, tên người hiện ra thật sinh động như đã phần nào thu hẹp cái xa xôi, lạ lẫm để tôi cảm nhận rõ hơn, đầy đủ hơn dáng dấp quê hương.

Trên chuyến hành trình ấy, tôi có dịp trở về với lịch sử cùng những năm tháng, những địa danh, chiến tích và những cái tên đã góp phần khẳng định "Trường Sa - Hoàng Sa là của Việt Nam". Để rồi trước mắt tôi là sóng nước quê hương nặng tình giữa những dữ dội của hôm qua và bao đằm thắm của cuộc sống mới hôm nay:

"Ơi biển Việt Nam, ơi sóng Việt Nam!

Qua bao nhiêu thăng trầm mà chiều nay vẫn dịu dàng

Vùi sâu dưới đáy những gì đau thương

Biển lại hát tình ca biển kể chuyện quê hương"

[Biển hát chiều nay - Hồng Đăng]


Từ sự khám phá đó, tình yêu đến dịu dàng cho những miền đất dẫu tôi chưa một lần đặt chân đến với những con người tôi chưa hề biết mặt. Tôi yêu sự chân chất giản dị nhưng kiên quyết của những ngư dân đang ngày đêm bám biển làm giàu cho quê hương, yêu vẻ đẹp kiên cường của anh bộ đội "đứng gác trời khuya đảo vắng" giữ bình yên nơi biên cương Tổ quốc. Yêu sao những trái tim biết truyền cảm hứng từ rung động tuyệt vời trước sự giao hòa giữa biển trời bao la tươi đẹp và lòng người náo nức vui say:

"Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay

Non nước mây trời lòng ta mê say

Sóng nước trùng dương dài theo bờ cát

Những dãy đảo xa nằm nghe biển hát"

[Tình em biển cả - Nguyễn Đức Toàn]

Tôi yêu cả câu chuyện "Góp đá xây Trường Sa", yêu lá thư gửi đảo xa, yêu cái tình người, tình dân tộc trong bài học giản dị mà sâu sắc của cha ông "Bầu ơi thương lấy bí cùng. Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn". Tình yêu tôi vỗ bến ước mơ...


Đến một ngày những cái tên như Trường Sa, Hoàng Sa, Phú Quốc... sẽ không còn gợi lên sự xa xôi với bất kỳ người dân Việt Nam nào. Những tuyến đường, những cây cầu được nối dài như chính tình yêu và sự gắn bó ruột thịt giữa đất liền và hải đảo. Người dân cả nước háo hức những chuyến tàu chở niềm vui từ mọi miền Tổ quốc.

Những học trò của tôi sẽ có dịp biết hơn, hiểu hơn về biển và hải đảo qua giờ học tiếng Anh và những câu chuyện của tôi. Để rồi cả tôi và chúng sẽ tự hào và tự tin mỗi khi có dịp khoe với bạn bè quốc tế về biển đảo quê mình như những người Mỹ nói về Hawaii hay học sinh Hàn Quốc nói về đảo Jeju.

Trẻ con khắp nước biết yêu hơn câu hát từ khơi xa, ngợi ca vẻ đẹp của con người và cuộc sống trên biển. Những người trẻ hăm hở cống hiến nhiệt tình và sáng tạo để Việt Nam trở thành quốc gia "Mạnh về biển - giàu lên từ biển". Khách thập phương nô nức đến với đảo du lịch, đảo kinh tế quê tôi, đến với những tuyệt tác của tự nhiên và những công trình kiên cố xây nên từ bàn tay khối óc của con người trên hòn đảo xinh đẹp. Giấc mơ tôi có biển đảo Việt Nam tươi mãi nét đẹp giàu...


Giữa giấc mơ đầy ắp những mênh mông, rộn ràng và tươi sáng ấy còn có nỗi lo âu của một cô bé đã và đang trưởng thành hơn trong suy nghĩ và nhận thức về khái niệm tình yêu quê hương. Phải chăng sự thay đổi khiến tôi ý thức hơn về những trăn trở mình chưa một lần gọi tên khi xem những tin tức, nghe những câu chuyện thời sự trên biển Đông?

Trong khi những nỗ lực hết mình của Đảng, Nhà nước, các cơ quan đoàn thể và nhiều cá nhân đang được thực hiện để khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam đi đúng hướng thì vẫn còn đây đó những thông tin tuyên truyền trên mạng sai lệch nhằm gây mơ hồ, làm hoang mang không ít người dân. Liệu những người tiếp cận luồng thông tin đó có đủ tỉnh táo để nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện, tích cực, có tính xây dựng không hay chỉ tạo nên những thái độ tiêu cực không nên có, làm cho thực tế thêm phức tạp?


Nhưng tôi tin tình yêu, niềm tự hào và nỗi lo sẽ hóa sức mạnh khi mỗi người Việt Nam sẵn sàng hành động và gieo hành động bằng chính phần công sức dù nhỏ bé của mình với những việc làm làm thiết thực xuất phát từ tình yêu ruột thịt, lòng tự hào dân tộc và quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đất nước. Một khi cuộc đấu tranh ấy đến gần hơn, sâu hơn với mỗi cá nhân, sức mạnh đoàn kết của "một dân tộc gan góc" ắt sẽ làm nên lịch sử.

Cuộc thi kết thúc nhưng hành trình mang tên "Biển đảo quê hương" trong tôi có lẽ chỉ mới bắt đầu khi tôi thật sự nhận ra và muốn chia sẻ tất cả những điều này. Bởi tôi tin, khi tình yêu và nhiệt tình lan tỏa, sẽ có thật nhiều những người bạn đồng hành với tôi trên hành - trình - hiện - thực - hóa - những - ước - mơ.

Ảnh minh họa [Nguồn internet]

Video liên quan

Chủ Đề