Cá nhân chậm thanh toán tiền mua hàng năm 2024

Phạt chậm thanh toán trong hợp đồng kinh tế có thể khiến cho bên vi phạm phải chịu tổn thất về kinh tế. Do đó trước khi giao kết hợp đồng các bên tham gia cần tính toán nguồn tiền và thỏa thuận thời điểm thanh toán phù hợp để không bị phạt do chậm thanh toán. Nếu Điều 362 BLDS năm 2015 quy định được như vậy thì sẽ rất thuận lợi, bởi lẽ, đã đưa ra được chế tài trong trường hợp bên có quyền không thực hiện nghĩa vụ hạn chế tổn thất của mình. Rõ ràng bên vi phạm không thể khởi kiện được bên có quyền trong trường hợp này nhưng bên có quyền không thể yêu cầu bên vi phạm BTTH đối với phần thiệt hại mà mình không áp dụng các biện pháp hợp lý để giảm thiểu.

Nhiều người dù không nghiên cứu hay làm việc trong lĩnh vực pháp luật, nhưng họ cũng đều có thể hiểu được rằng “phạt vi phạm” và “trả lãi chậm thanh toán” là những chế tài, hậu quả bất lợi xuất phát từ hành vi vi phạm hợp đồng, cụ thể là việc bên vi phạm phải trả một khoản tiền cho bên bị vi phạm, mà ở đây gọi là tiền phạt vi phạm hoặc tiền lãi chậm thanh toán.

Dưới góc độ pháp lý, cách hiểu này cũng như vậy. Tuy nhiên, giữa “phạt vi phạm” và “trả lãi chậm thanh toán” có những điểm khác biệt về bản chất pháp lý, điều kiện áp dụng, mức áp dụng, … mà có thể nhiều người chưa nắm rõ, dẫn đến việc họ có thể bối rối và khó khăn khi áp dụng.

Thông qua tập Podcast này, chúng tôi sẽ có những chia sẻ những vấn đề xoay quanh việc phạt vi phạm và trả lãi suất chậm thanh toán trong quan hệ hợp đồng thương mại mà Quý khán thính giả đang quan tâm.

Chủ biên

Xin chào quý khán thính giả đã quay trở lại với kênh The Lawyers Talk của Công ty Luật TNHH BLawyers Vietnam.

Trong số podcast ngày hôm nay, chúng ta sẽ có những chia sẻ xoay quanh vấn đề phạt vi phạm và trả lãi suất chậm thanh toán trong quan hệ hợp đồng thương mại.

Với vấn đề này, mời mọi người cùng Trinh chào đón Luật sư Trần Ngọc Thuyết nhé.

Xin chào Luật sư Thuyết, rất vinh dự được lắng nghe những chia sẻ của Luật sư Thuyết trong tập podcast hôm nay.

Khách mời

Xin chào Trinh, chào quý khán giả. Tôi là Luật sư Trần Ngọc Thuyết – Luật sư Thành viên Cấp cao của Công ty Luật TNHH BLawyers Vietnam.

Chủ biên

Thưa Luật sư Thuyết, theo Luật sư Thuyết là người nghiên cứu và thực hành trong lĩnh vực pháp luật thì thuật ngữ “phạt vi phạm” và “trả lãi chậm thanh toán” được hiểu như thế nào?

Khách mời

Thật ra nhiều người dù không nghiên cứu hay làm việc trong lĩnh vực pháp luật, nhưng họ cũng đều có thể hiểu được rằng “phạt vi phạm” và “trả lãi chậm thanh toán” là những chế tài, hậu quả bất lợi xuất phát từ hành vi vi phạm hợp đồng, cụ thể là việc bên vi phạm phải trả một khoản tiền cho bên bị vi phạm, mà ở đây gọi là tiền phạt vi phạm hoặc tiền lãi chậm thanh toán.

Dưới góc độ pháp lý, cách hiểu này cũng như vậy. Tuy nhiên, giữa “phạt vi phạm” và “trả lãi chậm thanh toán” có những điểm khác biệt về bản chất pháp lý, điều kiện áp dụng, mức áp dụng, … mà có thể nhiều người chưa nắm rõ, dẫn đến việc họ có thể bối rối và khó khăn khi áp dụng.

Chủ biên

Theo như em hiểu rằng, vấn đề phạt vi phạm và trả lãi chậm thanh toán thường được các bên quan tâm khi tiến hành giao kết hợp đồng thương mại, cũng như trong quá trình giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng thương mại.

Luật sư Thuyết vui lòng chia sẻ rõ hơn về “phạt vi phạm” áp dụng cho quan hệ thương mại như thế nào?

Khách mời

Thật ra theo quy định của pháp luật, không chỉ đối với hợp đồng thương mại, mà phạt vi phạm và trả lãi chậm thanh toán còn áp dụng trong các quan hệ dân sự như quan hệ hợp đồng vay, hợp đồng thuê, … và đều mang cùng một bản chất là biện pháp chế tài, cụ thể là bên vi phạm phải trả một khoản tiền cho bên bị vi phạm.

Cụ thể, phạt vi phạm được hiểu là việc bên bị vi phạm có quyền yêu cầu và bên vi phạm sẽ phải trả một khoản tiền cho bên bị vi phạm do đã có hành vi vi phạm hợp đồng giữa các bên.

Tuy nhiên, đối với hành vi vi phạm, không phải khi nào xảy ra hành vi vi phạm là bên bị vi phạm đương nhiên có quyền đòi tiền phạt vi phạm. Bên vi phạm chỉ phải trả tiền phạt vi phạm nếu thoả mãn 03 điều kiện sau đây:

  • Các bên đã thoả thuận trước về phạt vi phạm đối với hành vi vi phạm đó tại hợp đồng. Nếu không có thỏa thuận thì dù có hành vi vi phạm hợp đồng xảy ra trên thực tế thì bên bị vi phạm cũng không được quyền áp dụng chế tài này.
  • Hành vi vi phạm phải là hành vi mà các bên đã thoả thuận là điều kiện để áp dụng phạt vi phạm hợp đồng.
  • Hành vi vi phạm không thuộc các trường hợp được miễn trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Tôi sẽ đưa ra một ví dụ để mọi người dễ hiểu hơn: Công ty A và Công ty B ký với nhau một HĐMBHH, theo đó Công ty A là bên bán và Công ty B là bên mua. Hợp đồng quy định Công ty B có các nghĩa vụ sau: [1] Vào ngày D, Công ty B phải chuẩn bị nhân lực và máy móc vận chuyển để nhận hàng hoá tại kho hàng của mình do Công ty A giao; [2] Công ty B phải thanh toán cho Công ty A trong vòng 03 ngày kể từ ngày nhận hàng. Đồng thời, hai bên cũng thoả thuận nếu vi phạm nghĩa vụ thanh toán thì Công ty B phải chịu mức phạt 8% trên phần giá trị bị vi phạm.

Vào ngày D, Công ty A vận chuyển hàng đến kho hàng của Công ty B nhưng không liên lạc được Công ty B, cũng không có nhân lực của Công ty B trực để nhận hàng. Lúc này, Công ty B đã vi phạm nghĩa vụ nhận hàng. Nhưng Công ty A không thể yêu cầu Công ty B trả phạt vi phạm vì hành vi này không được các bên thoả thuận là phải chịu phạt vi phạm.

Chủ biên

Qua ví dụ trên của Luật sư Thuyết, em thấy được rằng là phạt vi phạm có thể được thoả thuận để áp dụng cho bất kỳ hành vi vi phạm nào, mà không chỉ gói gọn trong hành vi chậm thanh toán đúng không?

Khách mời

Đúng vậy, miễn là các bên có thoả thuận tại hợp đồng trước đó.

Chủ biên

Vậy thưa Luật sư Thuyết, các bên khi ký kết hợp đồng thương mại thì có được tự do thoả thuận mức phạt vi phạm không?

Khách mời

Theo quy định tại Luật thương mại 2005 thì các bên được thoả thuận mức phạt đối với hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm trong hợp đồng, tuy nhiên, không được vượt quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, ngoại trừ trường hợp phạt vi phạm do vô ý giám định sai.

Cụ thể, khoản tiền phạt vi phạm trong trường hợp vô ý giám định sai sẽ do các bên thỏa thuận nhưng không vượt quá mười lần thù lao dịch vụ giám định.

Ngoài ra, đối với Hợp đồng xây dựng thì mức phạt vi phạm tối đa là 12% phần giá trị hợp đồng bị vi phạm.

Chủ biên

Không được vượt quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm? Có vẻ mức phạt tối đa này rất khó khăn để xác định đúng không?

Khách mời

Đúng vậy, cần có sự phân biệt rõ ràng giữa khái niệm “giá trị hợp đồng” và “giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm”. Ví dụ, hai bên ký kết hợp đồng mua bán một lô hàng trị giá 10 tỷ đồng, yêu cầu phải thanh toán một lần sau 03 ngày nhận hàng. Nhưng tới hạn thanh toán, bên mua chỉ thanh toán 5 tỷ đồng, còn 5 tỷ đồng chưa thanh toán. Như vậy, lúc này bên mua đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán, và phần nghĩa vụ bị vi phạm có giá trị là 5 tỷ đồng.

Mặt khác, như đã nói ở trên, phạt vi phạm có thể áp dụng với nhiều loại hành vi vi phạm, không chỉ riêng vi phạm nghĩa vụ thanh toán. Ví dụ như nghĩa vụ nhận hàng, nghĩa vụ cung cấp hoá đơn chứng từ, nghĩa vụ chuyển giao tài sản, nghĩa vụ kiểm tra hàng hoá, … Và đối với những nghĩa vụ này, ta không thể định giá được bằng tiền nên nếu vi phạm, rất khó để xác định giá trị phần hợp đồng bị vi phạm.

Chủ biên

Vậy, nếu các bên thoả thuận một mức phạt vượt quá mức tối đa nói trên thì xử lý như thế nào? Thỏa thuận đó có bị coi là vô hiệu không?

Khách mời

Pháp luật hiện hành không có một quy định nào đề cập đến cách thức giải quyết trong trường hợp hai bên thỏa thuận mức phạt vi phạm vượt quá mức tối đa được quy định. Tuy nhiên, trên thực tiễn xét xử các bản án kinh doanh thương mại, Tòa án giải quyết theo hướng giảm mức phạt vi phạm xuống 8% để phù hợp với quy định của Luật thương mại.

Như vậy, kể cả khi các bên thỏa thuận mức phạt vượt quá mức tối đa được pháp luật quy định, thỏa thuận phạt vi phạm vẫn không bị vô hiệu, các bên không phải chịu bất kỳ chế tài nào. Điều này dẫn đến thực trạng là các bên trong hợp đồng thường thỏa thuận mức phạt theo mong muốn của bản thân, bỏ qua quy định về mức phạt vi phạm tối đa. Chỉ khi phát sinh tranh chấp tại Tòa án thì các bên mới đồng ý điều chỉnh lại mức phạt vi phạm phù hợp với quy định pháp luật như đã nói trên đây.

Chủ biên

Cảm ơn Luật sư Thuyết, em nghĩ là những chia sẻ vừa rồi cũng giúp mọi người hiểu rõ hơn về việc áp dụng phạt vi phạm.

Vậy, đối với chế tài “trả lãi chậm thanh toán” thì được áp dụng như thế nào?

Khách mời

“Trả lãi chậm thanh toán” ngay từ chính tên thuật ngữ cũng đã thể hiện rõ bản chất pháp lý của nó. Đó là việc một bên phải trả cho bên kia một số tiền gọi là tiền lãi chậm thanh toán vì đã có hành vi chậm thanh toán số tiền phải thanh toán.

Như vậy, có thể thấy rõ, nếu như phạt vi phạm có thể được thoả thuận để áp dụng cho các hành vi vi phạm khác nhau thì trả lãi chậm thanh toán chỉ được áp dụng cho hành vi vi phạm hợp đồng duy nhất đó là hành vi chậm thanh toán tiền.

Thứ hai, trả lãi chậm thanh toán cũng khác phạt vi phạm ở chỗ, chế tài này vẫn có thể áp dụng kể cả khi hai bên chưa thoả thuận trước về việc trả lãi chậm thanh toán đối với hành vi thanh toán tiền. Bên bị vi phạm đương nhiên có quyền yêu cầu bên kia trả lãi chậm thanh toán khi bên đó có vi phạm.

Chủ biên

Cụ thể là lãi suất chậm thanh toán được áp dụng đối với việc chậm thanh toán những khoản tiền nào?

Khách mời

Theo quy định của Luật Thương mại, lãi suất chậm thanh toán áp dụng trong trường hợp có hành vi chậm thanh toán tiền hàng, tiền thù lao dịch vụ, các chi phí hợp lý khác.

Thực tiễn xét xử, lãi suất chậm thanh toán còn được áp dụng đối với việc hoàn trả khoản tiền khi không giao hàng. Ví dụ hai bên ký kết hợp đồng mua bán, hai bên thoả thuận bên A thanh toán trước 50% cho Bên B, sau khi nhận hàng thì thanh toán 50% còn lại.

Sau đó, bên A đã thanh toán cho Bên B 50% tiền hàng nhưng bên B không giao hàng cho Bên A và hai bên huỷ bỏ hợp đồng, bên A đòi bên B trả lại tiền vào thời hạn nhất định. Nếu Bên B không hoàn trả trong thời hạn thì Bên A có quyền yêu cầu Bên B trả lãi trên số tiền phải hoàn trả đó.

Chủ biên

Thưa Luật sư Thuyết, theo em hiểu để xác định được số tiền lãi chậm trả thì phải xác định được 03 yếu tố đó là: số tiền chậm trả, lãi suất chậm trả, và thời gian chậm trả.

Vậy trước hết, mình phải xác định mức lãi suất chậm thanh toán như thế nào?

Khách mời

Trước tiên, chúng ta cũng cần tìm hiểu thêm một chút về quy định pháp luật. Tuy tranh chấp hợp đồng dân sự và tranh chấp hợp đồng thương mại đều là các tranh chấp về sự thỏa thuận của các bên. Tuy nhiên, khi giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự thì căn cứ theo quy định của Bộ luật dân sự và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến dân sự; còn giải quyết các tranh chấp hợp đồng thương mại là theo quy định của Luật Thương mại và các văn bản quy phạm pháp luật khác về thương mại [trừ trường hợp hoạt động thương mại không được quy định trong Luật thương mại và trong các luật khác thì áp dụng quy định của Bộ luật dân sự].

Quy định về lãi chậm thanh toán của Bộ luật dân sự và Luật Thương mại là khác nhau.

Đối với trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền được quy định tại Bộ luật dân sự 2015 thì lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thoả thuận của các bên nhưng không được vượt quá 20%/ năm. Nếu các bên không có thoả thuận, thì áp dụng mức lãi suất 10%/ năm.

Đối với quan hệ hợp đồng thuộc sự điều chỉnh của Luật Thương mại thì hai bên được tự do thoả thuận về mức lãi suất chậm thanh toán, Luật Thương mại không đặt ra mức tối đa. Nếu hai bên chưa có thoả thuận thì áp dụng mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường của ít nhất 03 ngân hàng thương mại, thông thường hiện tại đó là Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam,…] có trụ sở, chi nhánh hoặc phòng giao dịch tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi Tòa án đang giải quyết, xét xử có trụ sở tại thời điểm thanh toán [thời điểm xét xử sơ thẩm].

Vì vậy, để giải quyết và áp dụng đúng các tranh chấp hợp đồng, phải phân biệt rõ tranh chấp đó là tranh chấp hợp đồng dân sự hay tranh chấp hợp đồng thương mại.

Chủ biên

Ngoài vấn đề về lãi suất thì em thấy các bên cũng có rất nhiều mâu thuẫn khi xác định số tiền chậm trả và thời gian chậm trả?

Khách mời

Đây cũng là một vấn đề cần lưu ý. Khi một bên khởi kiện bên kia ra Toà để yêu cầu trả tiền nợ gốc và tiền lãi. Thì bên đó phải có nghĩa vụ chứng minh số tiền nợ gốc bên kia còn đang nợ. Tiền lãi sẽ được tính dựa trên số tiền nợ gốc. Thời gian chậm trả được tính bắt đầu từ thời điểm mà các bên thoả thuận phải trả tiền số tiền còn nợ đó.

Do đó, khi thực hiện hợp đồng thì phải lưu lại đầy đủ hồ sơ, chứng từ về việc thanh toán để khi xảy ra tranh chấp thì thuận tiện cho việc chứng minh số tiền mà bên kia còn nợ để yêu cầu hoàn trả và trả lãi trên số tiền đó.

Chủ biên

Qua chia sẻ của Luật sư Thuyết thì em thấy rằng về mặt quy định pháp luật, phạt vi phạm và trả lãi chậm thanh toán rõ ràng là hai vấn đề tách biệt.

Tuy nhiên, em thấy vẫn có một vài trường hợp khi mà các bên thoả thuận về chế tài đối với hành vi chậm thanh toán, thì vẫn còn bối rối khi nhận diện một thoả thuận tại hợp đồng là thoả thuận phạt vi phạm hay thoả thuận trả lãi chậm thanh toán.

Ví dụ: Trong nhiều hợp đồng, các bên thỏa thuận tiền phạt vi phạm được xác định theo một mức lãi suất nhất định, tính trên giá trị phần hợp đồng bị vi phạm và tương ứng với thời gian vi phạm. Cụ thể: “Trường hợp bên A chậm thanh toán tiền mua hàng cho bên B thì bên A phải chịu phạt vi phạm theo mức lãi suất 10%/năm đối với khoản tiền thanh toán chậm, tương ứng với thời gian chậm thanh toán” hoặc có hợp đồng quy định “quá thời hạn thanh toán của các đợt 2, 3 mà bên B chưa thanh toán hết thì phải chịu mức phạt với lãi suất quá hạn 0,5% /ngày/số tiền chậm trả”; hoặc là “phải chịu khoản phạt bằng 0,03% mỗi ngày chậm thanh toán”. Rõ ràng về câu chữ, hai bên xác định đây là khoản phạt vi phạm, nhưng cách tính tiền phạt thì là tính theo lãi suất.

Bằng kinh nghiệm thực tế của mình, Luật sư Thuyết có thể chia sẻ quan điểm của mình về việc đây là thoả thuận phạt vi phạm hay thoả thuận tiền lãi do chậm thanh toán?

Khách mời

Thông thường, phạt vi phạm thường được các bên xác định là một khoản tiền cụ thể hoặc một mức % của giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm.

Trường hợp như em nói trên, thực tiễn giải quyết cả toà án và trọng tài đều có xu hướng xác định thoả thuận đó là thoả thuận phạt vi phạm.

Cụ thể, trong một vụ án tranh chấp hợp đồng xây dựng, tòa án cho rằng điều khoản hợp đồng có nội dung: “Trường hợp công ty A chậm nghiệm thu quyết toán hoặc chậm thanh toán, giá trị phạt hợp đồng là 0,5% trên tổng giá trị chưa thanh toán cho mỗi ngày chậm” là thỏa thuận phạt vi phạm. Bởi lẽ, việc áp dụng lãi suất để tính tiền phạt vi phạm phù hợp với nguyên tắc “tôn trọng các thỏa thuận hợp đồng và các cam kết trong quá trình thực hiện hợp đồng, bảo đảm bình đẳng và hợp tác” [khoản 8, điều 146 Luật Xây dựng 2014]; Bản án số 18/2018/KDTM-PT của Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng.

Trong một vụ tranh chấp khác, hợp đồng mua bán hàng hóa giữa các bên có quy định: “Khoản thanh toán quá hạn của bên B sẽ bị phạt với lãi suất cho số tiền quá hạn thanh toán theo bảng kê bên dưới: quá hạn từ 61 ngày trở đi, tỷ lệ lãi phạt 1,5%/tháng”. Hội đồng trọng tài đã xác định: “Đây thực chất là một thoả thuận về phạt vi phạm hợp đồng”.

Dù vậy, tiền phạt vi phạm hợp đồng không được vượt quá mức tối đa mà luật cho phép, ví dụ là 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm [đối với hợp đồng thương mại, tại điều 301 Luật Thương mại] hoặc 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm [đối với hợp đồng xây dựng, tại điều 146 Luật Xây dựng]. Do đó, cho dù thời gian vi phạm kéo dài và tiền phạt tính theo lãi suất vượt quá mức mà luật cho phép, thì tòa án và trọng tài cũng chỉ chấp nhận cho bên bị vi phạm yêu cầu mức tiền phạt tối đa theo luật quy định.

Chủ biên

Việc xác định đây là thoả thuận phạt vi phạm chắc hẳn sẽ có lợi cho bên bị vi phạm đúng không?

Khách mời

Đúng vậy. Nếu thoả thuận trên được xem là thoả thuận phạt vi phạm mà không phải là thoả thuận trả lãi chậm thanh toán thì xem như các bên có thoả thuận về phạt vi phạm tại hợp đồng, khi xảy ra chậm thanh toán thì có thể đồng thời yêu cầu trả phạt vi phạm và trả lãi chậm thanh toán.

Còn nếu coi đây là thoả thuận trả lãi chậm thanh toán thì hai bên chỉ có thể áp dụng lãi chậm thanh toán mà không thể áp dụng phạt vi phạm.

Chủ biên

Qua những chia sẻ của Luật sư Thuyết, em nhận thấy nếu chỉ nghiên cứu các quy định của pháp luật thì chưa đủ để hiểu rõ về vấn đề phạt vi phạm và trả lãi chậm thanh toán, mà chúng ta còn phải tìm hiểu về thực tiễn giải quyết của các cơ quan giải quyết tranh chấp.

Cảm ơn Luật sư Thuyết rất nhiều vì đã có những chia sẻ bổ ích.

Khách mời

Cảm ơn Trinh đã gợi mở những vấn đề rất hay liên quan đến chủ đề này.

Chủ biên

Thưa các anh chị và các bạn, cuộc trò chuyện The Lawyers Talk kỳ này xin được dừng tại đây. Hy vọng những chia sẻ của Luật sư Thuyết vừa rồi sẽ giúp mọi người hiểu rõ hơn về vấn đề phạt vi phạm và trả lãi chậm thanh toán để có thể áp dụng trong thực tiễn.

Nếu có bất kỳ câu hỏi hay thắc mắc nào, các bạn nhớ để lại dòng bình luận bên dưới.

Hoặc để biết thêm thông tin về BLawyers Vietnam, xin mời các bạn xem Website của chúng tôi bên dưới màn hình Podcast của The Lawyers Talk.

Xin chào và hẹn gặp lại mọi người trong số Podcast của kỳ sau.

Nội dung nêu trên không phải là ý kiến tư vấn chính thức từ BLawyers Vietnam. Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hay góp ý về nội dung trên vui lòng liên hệ với chúng tôi qua địa chỉ ⁠⁠⁠⁠consult@blawyersvn.com⁠⁠⁠⁠. Chúng tôi rất vui khi nghe từ bạn.

Chủ Đề