Các dự án việt nào đầu tư tại myanmar năm 2024

Tại sự kiện công bố cuốn sách “Đầu tư trực tiếp của Việt Nam ra nước ngoài và tại Myanmar” do Viện Nghiên cứu Đầu tư quốc tế phối hợp với Hội Hữu nghị Việt Nam-Myanmar công bố ngày 31/5, Tiến sĩ Phan Hữu Thắng, Chủ tịch Hội đồng biên soạn nhấn mạnh:

Trong cạnh tranh gay gắt về thương mại toàn cầu luôn gắn chặt với hoạt động đầu tư. Do đó, khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài chính là tăng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, trực tiếp tiếp thu kinh nghiệm quản lý và công nghệ tiên tiến của nước ngoài.

Quá trình đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam 24 năm qua có sự cẩn trọng của một quốc gia đang phát triển, thể hiện ở những bước đi phù hợp với trình độ và điều kiện phát triển của nền kinh tế cũng như vị thế của Việt Nam trên thế giới trong từng giai đoạn.

Trong quá trình này đã ghi nhận những thành công bước đầu khi một số các tập đoàn, doanh nghiệp mang được lợi nhuận về nước, xây dựng được thương hiệu ở nước ngoài nhưng cũng có những doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, phải giải thể.

Ở giai đoạn đầu, vốn đầu tư của Việt Nam chủ yếu do các doanh nghiệp nhà nước thực hiện tại các nước láng giềng như Lào, Campuchia, Myanmar và một số nước tại khu vực châu Phi đang cần có đầu tư nước ngoài và các sản phẩm made in Vietnam có thể tiêu thụ được.

Gần đây, các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã phát triển nhanh, mạnh cả về số lượng và chất lượng, nhiều tập đoàn đã đẩy mạnh đầu tư sang nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.

Đến nay, việc nghiên cứu, đánh giá khách quan, khoa học về hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam trở thành vấn đề rất cần thiết để cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp thấy rõ được những thành công và tồn tại.

Từ đó đúc rút kinh nghiệm, hoàn thiện hệ thống pháp lý để hoạt động đầu tư ra nước ngoài hiệu quả hơn, tạo ra một nguồn lực vốn mới đưa trở về nước góp phần phát triển đất nước bền vững, phồn vinh, thịnh vượng.

Đáp ứng yêu cầu đó, cuốn sách “Đầu tư trực tiếp của Việt Nam ra nước ngoài và tại Myanmar” được thực hiện với nội dung chính tập trung vào phân tích thực trạng đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam trên bình diện tổng thể và tại các quốc gia, vùng lãnh thổ đến đầu tư.

Cuốn sách đồng thời phân tích sâu các kết quả sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp điển hình được lựa chọn đại diện cho từng lĩnh vực, ngành nghề cụ thể, cũng như đại diện khu vực đến đầu tư.

Cuốn sách cũng đi sâu phân tích hệ thống luật pháp chính sách của các nước tiếp nhận đầu tư hệ thống luật pháp, chính sách của Việt Nam về đầu tư ra nước ngoài, về thông lệ đầu tư quốc tế nhằm chỉ ra được những thuận lợi, khó khăn đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư ở nước ngoài. Từ đó đưa ra các khuyến nghị về hoàn thiện luật pháp chính sách về đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam hiện nay.

Phát biểu tại lễ ra mắt cuốn sách, Bà Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đánh giá: Thông tin của cuốn sách “Đầu tư trực tiếp của Việt Nam ra nước ngoài và tại Myanmar” rất hữu ích cho các nhà quản lý và các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp định hướng đầu tư ra nước ngoài.

Hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam không chỉ vì mục đích tìm kiếm lợi nhuận mà còn góp phần phát triển nền kinh tế đất nước. Đồng thời nâng cao vị thế của Việt Nam và tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước trên thế giới.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, lũy kế đến ngày 20/05/2023, Việt Nam đã có 1.648 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư Việt Nam gần 22,1 tỷ USD. Riêng đầu tư của Việt Nam tại Myanmar chiếm khoảng 10% tổng vốn đầu tư. Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tập trung nhiều nhất vào các ngành khai khoáng [31,5%]; nông, lâm nghiệp, thủy sản [15,6%]. Các địa bàn nhận đầu tư của Việt Nam nhiều nhất lần lượt là Lào [24,4%]; Campuchia [13,3%]; Venezuela [8,3%]…

Myanmar là một quốc gia có nền kinh tế dựa chủ yếu vào nông nghiệp với đất đai màu mỡ và nguồn nước dồi dào, các sản phẩm nông nghiệp cơ bản giống với Việt Nam. Myanmar có 19,39 triệu ha đất nông nghiệp màu mỡ trải dài trên các vùng khí hậu khác nhau có thể phát triển hơn 60 loại cây nông nghiệp ôn đới và nhiệt đới. Hiện nay, Chính phủ Myanmar đang đặt mục tiêu chuyển đổi nền kinh tế nông nghiệp truyền thống thành nền kinh tế nông nghiệp hiệu quả và bền vững, với mục tiêu tăng năng suất và chất lượng các sản phẩm nông nghiệp.

Thế mạnh khác của Myanmar là có bờ biển dài 1.930 km dọc theo Vịnh Bengal và Ấn Độ Dương, rất thuận lợi cho phát triển nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Các ngư trường trong vùng biển của Myanmar được khai thác tương đối ít hơn so với các nước khác trong khu vực. Myanmar có khoảng 8,2 triệu ha diện tích mặt nước tự nhiên [hồ, sông, suối], 1,8 triệu ha mặt nước nhân tạo [hồ, đập thủy điện], 6 triệu ha đất nông nghiệp thường xuyên ngập nước, trong khi ngành nuôi trồng thủy sản nước này mới sử dụng gần 50.000 ha diện tích mặt nước ngọt.

Bên cạnh đó, Myanmar đang trong quá trình đô thị hóa, với sự di dân từ nông thôn đến thành thị nhằm tạo ra các cơ hội về giáo dục, kỹ năng và thu nhập cho người dân. Nhu cầu về giáo dục, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí của tầng lớp trung lưu ở Myanmar đang phát triển nhanh chóng, mở ra nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam: thực hiện các dự án đầu tư nhà ở giá rẻ tại Yangon, Mandalay và các thành phố hạng hai ở tất cả các bang/vùng; đầu tư vào các hệ thống giao thông để cải thiện giao thông công cộng trong các khu đô thị; thành lập công viên và các khu vui chơi giải trí phục vụ cộng đồng; thành lập các cơ sở chăm sóc sức khỏe tư nhân; thành lập các tổ chức giáo dục tư nhân; quản lý giao thông thông minh và giải pháp an toàn đường bộ; quản lý chất thải đô thị; các công trình xử lý nước; sản xuất và phân phối hàng tiêu dùng và các mặt hàng phục vụ đời sống người dân...

Ngoài ra, Myanmar cũng đang có tiềm năng thu hút đầu tư vào ngành du lịch và khách sạn. Myanmar nổi tiếng với nhiều danh lam thắng cảnh độc đáo, nhiều di sản văn hóa phong phú, với hệ thống chùa tháp, viện bảo tàng, công trình kiến trúc cổ, rừng nguyên sinh, vườn quốc gia nhiệt đới, ôn đới và các lễ hội truyền thống của 135 sắc tộc. Đây là điều kiện lý tưởng để phát triển ngành du lịch. Hiện tại, khách du lịch nước ngoài chủ yếu ghé thăm các địa điểm du lịch tại Yangon, Bagan, hồ Inle, Nyaung Shwe và Mandalay.

Tuy nhiên, tại Myanmar còn nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn chưa được khám phá về vẻ đẹp tự nhiên - từ Kawthaung ở vùng Đông Nam, đến Putao ở dãy Hy Mã Lạp Sơn. Các doanh nghiệp Việt Nam trong ngành du lịch có thể tìm kiếm cơ hội đầu tư phát triển du lịch tâm linh, du lịch sinh thái [ví dụ: khách sạn và nhà nghỉ bền vững, cùng với các hoạt động liên quan như các tuyến đường trekking hoặc tuyến du lịch]; xây dựng du lịch dựa trên văn hóa cộng đồng [ví dụ: phát triển các cửa hàng bán hàng hóa mang tính văn hóa được sản xuất tại địa phương]…

Giải pháp để thúc đẩy đầu tư vào Myanmar

Myanmar là quốc gia ASEAN có diện tích lớn nhất và dân số đông thứ ba trong tiểu vùng Mê Kông mở rộng [gồm các nước CLMV và Vân Nam, Quảng Tây của Trung Quốc], gần gũi với Việt Nam về vị trí địa lý và tập quán văn hóa, còn rất nhiều tiềm năng phát triển. Vì vậy, bên cạnh Lào và Campuchia, Việt Nam cần xác định Myanmar là đối tác quan trọng đặc biệt trong chiến lược phát triển của mình. Việt Nam cần chuẩn bị các điều kiện, sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư sang Myanmar để chiếm lĩnh thị trường quan trọng này khi điều kiện cho phép. Sau đây xin khuyến nghị một số giải pháp cần thực hiện:

Một là, cần tăng cường hợp tác kinh tế song phương từ cấp Trung ương đến địa phương của hai nước. Chính phủ Việt Nam và Myanmar cần tăng cường chia sẻ quan điểm, lập trường và phối hợp, ủng hộ lẫn nhau trong các vấn đề hai bên cùng quan tâm trong khuôn khổ hợp tác tiểu vùng, khu vực và quốc tế. Tăng cường hoạt động ngoại giao, đàm phán để đẩy mạnh quan hệ kinh tế Việt Nam- Myanmar thông qua việc triển khai ký kết các hiệp định, các bản ghi nhớ, các bản thỏa thuận giữa các bộ, ban, ngành, các địa phương,... nhằm tạo ra hành lang pháp lý, môi trường thuận lợi để doanh nghiệp hai nước dễ dàng thâm nhập khảo sát thị trường.

Trong bối cảnh bất ổn chính trị của Myanmar chưa có dấu hiệu được giải quyết, nền kinh tế Myanmar trong giai đoạn khủng hoảng sâu rộng, việc tận dụng mối quan hệ ổn định, lâu dài với chính phủ quân sự Myanmar để làm cầu nối tiếp tục duy trì và phát triển quan hệ kinh tế giữaViệt Nam và Myanmar là hết sức cần thiết. Đặc biệt, Việt Nam có thể tận dụng thời điểm các doanh nghiệp nước ngoài rút khỏi Myanmar vì lo ngại biến cố chính trị cũng như lệnh trừng phạt từ các nước phương Tây để tiếp tục duy trì, mở rộng các hoạt động đầu tư, thương mại tại Myanmar.

Hai là, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, thương mại. Việt Nam cần tăng cường đàm phán song phương với Myanmar nhằm đạt được đồng thuận trong việc giảm dần các hàng rào thuế và cắt bỏ dần các hàng rào phi thuế quan và thuế hóa các hàng rào phi thuế cho hợp lý. Xây dựng chính sách mặt hàng xuất khẩu có tính ổn định, lâu dài nhằm tạo được những sản phẩm có tầm chiến lược, có khả năng cạnh tranh, phù hợp với ưu thế, tiềm năng nổi trội của hai nước.

Ba là, tăng cường vai trò của các cơ quan chức năng, các tổ chức hữu nghị và hiệp hội doanh nghiệp, nâng cao tính chủ động của các doanh nghiệp trong trong việc hợp tác thương mại – đầu tư giữa Việt Nam và Myanmar. Các cơ quan chức năng Việt Nam cần tích cực xúc tiến các hoạt động nghiên cứu để đánh giá những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức trong hợp tác đầu tư với Myanmar, chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình hợp tác hai bên khi điều kiện cho phép. Hãng hàng không Myanmar đã chính thức khai trương đường bay quốc tế thương mại thường lệ Yangon – Hà Nội từ tháng 9/2022 đánh dấu việc phát triển mạng đường bay quốc tế giữa hai nước.

Bốn là, chủ động hợp tác, thúc đẩy phát triển Hành lang kinh tế Đông - Tây, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Myanmar. Kế hoạch hợp tác Hành lang kinh tế Đông – Tây đã được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Chương trình hợp tác kinh tế Tiểu vùng sông Mê Kông lần thứ 8 [10/1998].

Sự ra đời của hành lang kinh tế Đông-Tây tạo điều kiện cho các nước trong khu vực tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng [GMS] gồm: Lào, Thái Lan, Myanmar và Việt Nam tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế nhằm thúc đẩy giao lưu thương mại, đầu tư và phát triển giữa các nước, giảm chi phí lưu thông hàng hóa, hành khách trong khu vực hành lang và tạo điều kiện cho việc lưu thông được thuận lợi và hiệu quả, góp phần giảm nghèo, hỗ trợ phát triển khu vực dọc biên giới và các vùng nông thôn, tăng thu nhập cho các hộ thu nhập thấp, cung cấp việc làm cho phụ nữ và phát triển du lịch.

Hội Hữu nghị Việt Nam – Myanmar phối hợp với Công ty TNHH Viện Nghiên cứu Đầu tư quốc tế [ISC] và Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance biên soạn và phát hành cuốn sách “Đầu tư trực tiếp của Việt Nam ra nước ngoài và tại Myanmar”. Đặc san phát hành ngày 31/5/2023, dày 320 trang, giá bán 198.000 đồng/cuốn.

Chủ Đề