Con dấu trong văn bằng có cần dịch thuật năm 2024

Trong thời kỳ giao lưu, hội nhập kinh tế thế giới, các hoạt động mang tính quốc tế đặc biệt là dịch thuật văn bản để đồng nhất ngôn ngữ sử dụng là hoạt động cần thiết và không thể thiếu. Nhưng để mỗi bản dịch thuật có giá trị thì cần phải thực hiện công chứng bản dịch. Bài viết sau đây sẽ giúp hiểu rõ những vấn đề về dịch thuật công chứng:

1. Dịch thuật công chứng là gì?

Dịch thuật công chứng là 2 giai đoạn khác nhau, gồm dịch thuật và công chứng:

  1. Giai đoạn dịch thuật

Dịch thuật là hoạt động luận giải ý nghĩa của một đoạn văn/văn bản từ một ngôn ngữ nào đó (văn nguồn) và chuyển sang một ngôn ngữ khác thành một đoạn văn/văn bản mới - được gọi là bản dịch.

Hiểu đơn giản, dịch thuật là đem thông tin diễn đạt bằng ngôn ngữ này diễn đạt lại bằng ngôn ngữ khác.

  1. Giai đoạn công chứng

Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.

Muốn dịch thuật công chứng được, tài liệu phải có chữ ký và con dấu. Trường hợp tài liệu có nhiều trang phải đóng dấu giáp lai. Với tài liệu của các quốc gia không sử dụng con dấu thì chỉ cần chữ ký.

Đối với tài liệu nước ngoài phải được hợp pháp hóa lãnh sự tại cơ quan ngoại giao trước khi tiến hành dịch thuật và công chứng tư pháp. Trừ trường hợp văn bản, tài liệu của một số quốc gia được miễn hợp thức hóa theo Hiệp định tương trợ tư pháp và Hiệp định lãnh sự giữa Việt nam và quốc gia đó.

Vậy dịch thuật công chứng là quá trình chuyển ngữ giấy tờ, văn bản từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác (tạm gọi là bản dịch). Sau đó bản dịch này sẽ được công chứng viên chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của giấy tờ bằng văn bản theo quy định của pháp luật trên cơ sở yêu cầu của cá nhân hoặc tổ chức.

2. Tự dịch thuật có công chứng được không?

Trước đây, theo quy định tại khoản 1 Điều 61 Luật Công chứng năm 2014 quy định như sau:

“1. Việc dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt để công chứng phải do người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức hành nghề công chứng thực hiện. Cộng tác viên phải là người tốt nghiệp đại học ngoại ngữ hoặc đại học khác mà thông thạo thứ tiếng nước ngoài đó. Cộng tác viên phải chịu trách nhiệm đối với tổ chức hành nghề công chứng về tính chính xác, phù hợp của nội dung bản dịch do mình thực hiện.”

Như vậy, trước đây việc biên dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt để công chứng phải do người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức hành nghề công chứng thực hiện.

Cộng tác viên phải là người tốt nghiệp đại học ngoại ngữ hoặc đại học khác mà thông thạo thứ tiếng nước ngoài đó. Cộng tác viên phải chịu trách nhiệm đối với tổ chức hành nghề công chứng về tính chính xác, phù hợp của nội dung bản dịch do mình thực hiện. Đây là hoạt động bắt buộc vì nếu cá nhân dịch sai sẽ không đảm bảo được tính đúng đắn của bản dịch.

Tại Điều 22 Thông tư 01/2021/TT-BTP Hướng dẫn thi hành Luật Công chứng cũng nêu rõ: cộng tác viên phiên dịch của tổ chức hành nghề công chứng phải đăng ký chữ ký mẫu, được Sở Tư Pháp ra thông báo bằng văn bản là công tác viên phiên dịch cho tổ chức hành nghề công chứng có trụ sở.

Tuy nhiên, căn cứ tại khoản 2, điều 31 Nghị định 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch:

“Đối với người không phải là cộng tác viên dịch thuật của Phòng Tư pháp mà tự dịch giấy tờ, văn bản phục vụ mục đích cá nhân và có yêu cầu chứng thực chữ ký trên bản dịch thì phải xuất trình các giấy tờ sau đây:

  1. Bản chính hoặc bản sao có chứng thực Giấy Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng;
  1. Bản chính hoặc bản sao từ sổ gốc, bản sao có chứng thực một trong các giấy tờ quy định tại Khoản 2 Điều 27 của Nghị định này; trừ trường hợp dịch những ngôn ngữ không phổ biến mà người dịch không có bằng cử nhân ngoại ngữ, bằng tốt nghiệp đại học nhưng thông thạo ngôn ngữ cần dịch;
  1. Bản dịch đính kèm giấy tờ, văn bản cần dịch.

Người yêu cầu chứng thực phải ký trước mặt người thực hiện chứng thực, trừ trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 24 của Nghị định này.”

Trong đó, dựa vào Điều 16 Thông tư 01/2020/TT-BTP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành khoản 2 Điều 27 của Nghị định 23/2015/NĐ-CP thì hiện nay, người không phải là cộng tác viên dịch thuật của Phòng Tư pháp có thể tự dịch thuật và yêu cầu chứng thực chữ ký trên bản dịch nếu có đủ khả năng về mặt ngôn ngữ và xuất trình các giấy tờ; tuân thủ các thủ tục chứng thực chữ ký người dịch theo đúng quy định.