Đã bao nhiêu ngày kể từ 11/10/2023

Cảm lạnh là một bệnh lý phổ biến ở trẻ em, gây ra các triệu chứng phiền toái như mệt mỏi, đau đầu, chảy nước mũi,… Trung bình trẻ có thể mắc bệnh này 6 – 8 lần/năm. Do đó, bố mẹ cần nắm được cách trị cảm lạnh cho trẻ em an toàn, hiệu quả và nhanh chóng.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Nguyễn Anh Duy Tùng – Trung tâm Thông tin Y khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.

Cảm lạnh ở trẻ em là gì?

Cảm lạnh là bệnh viêm đường hô hấp trên do virus gây ra, chủ yếu tác động lên mũi và họng. Phần lớn các trường hợp mắc bệnh đều có thể được điều trị nhanh chóng tại nhà và không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ.

Thông thường, sau khoảng 1 – 3 ngày kể từ khi nhiễm virus gây bệnh, trẻ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng đầu tiên. Các triệu chứng này có thể kéo dài 1 tuần, thậm chí là 2 tuần hoặc dài hơn tùy thuộc vào cách điều trị và thể trạng sức khỏe, hệ miễn dịch của trẻ. Triệu chứng cảm lạnh ở mỗi trẻ là khác nhau, thường gặp gồm: [1]

  • Nghẹt mũi, chảy nước mũi.
  • Ngứa cổ họng, đau họng, hắt hơi, ho.
  • Mệt mỏi, đau đầu, đau nhức cơ.
  • Sốt nhẹ, có cảm giác ớn lạnh.
  • Biếng ăn.

Nguyên nhân trẻ em bị cảm lạnh

Thực tế, có hơn 200 loại virus gây bệnh cảm lạnh ở trẻ em, trong đó, rhinovirus là nguyên nhân phổ biến nhất. Cảm lạnh chủ yếu lây truyền từ người này qua người khác thông qua tiếp xúc trực tiếp với người đang mắc bệnh. Virus có thể được phát tán ra không khí khi người bệnh ho, hắt hơi hay nói chuyện. Khi trẻ hít phải không khí này, virus sẽ đi vào bên trong mũi và bắt đầu gây bệnh cho trẻ. Bên cạnh đó, một số chủng virus có thể tồn tại khá lâu trên bề mặt của các vật dụng xung quanh trong điều kiện môi trường bình thường. Trẻ có thể nhiễm virus khi chạm tay vào các vật dụng này, sau đó đưa tay lên mũi, mắt hoặc miệng.

Hệ miễn dịch của trẻ chưa được phát triển hoàn thiện nên nguy cơ mắc bệnh cảm lạnh ở trẻ sẽ cao hơn ở người lớn. Hơn nữa, nguy cơ này sẽ càng cao khi trẻ có các yếu tố dưới đây:

  • Trẻ trong độ tuổi đến trường, nhà trẻ.
  • Trẻ có thói quen đưa tay lên mắt, mũi, miệng.
  • Trẻ sống trong môi trường ô nhiễm không khí, nhiều khói bụi, đặc biệt, thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá.
  • Thời tiết lạnh, mùa thu hoặc mùa đông.
  • Trẻ mắc các bệnh nền làm suy giảm hệ thống miễn dịch.
Virus gây bệnh cảm lạnh chủ yếu lây lan qua đường hô hấp.

Cách trị cảm lạnh cho trẻ em hiệu quả

Cảm lạnh ở trẻ em không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ mà còn là vấn đề khiến các bậc phụ huynh lo lắng, bất an. Tuy nhiên, bệnh hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị. Các phương pháp điều trị hiện có tập trung vào hỗ trợ điều trị các triệu chứng. Đồng thời, cảm lạnh là bệnh do virus gây ra nên thuốc kháng sinh không được sử dụng trong điều trị cảm lạnh trừ các trường hợp bệnh gây biến chứng bội nhiễm do vi khuẩn.

Để giúp trẻ nhanh khỏi bệnh, bố mẹ có thể thực hiện một số cách trị cảm lạnh cho trẻ dưới đây:

1. Cho trẻ nghỉ ngơi

Cảm lạnh khiến trẻ cảm thấy mệt mỏi, khó chịu, mẹ nên cho trẻ nghỉ ngơi nhiều hơn. Nếu trẻ đang trong độ tuổi đến trường, mẹ nên cho trẻ nghỉ ngơi tại nhà một vài ngày. Điều này cũng sẽ giúp bệnh hạn chế lây lan cho những trẻ khác.

2. Cải thiện các triệu chứng, hạ sốt

Sốt do cảm lạnh thường diễn ra ở mức độ nhẹ, mẹ có thể hạ sốt cho trẻ bằng các biện pháp không dùng thuốc như cho trẻ nghỉ ngơi trong không gian thoáng mát, mặc quần áo rộng rãi, có độ thấm hút tốt, chườm ấm,… Nhưng nếu trẻ sốt cao, bố mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được kiểm tra và kê toa thuốc điều trị cảm lạnh cho trẻ với liều lượng phù hợp.

Bên cạnh đó, đối với các trường hợp trẻ có triệu chứng ho, đau họng, mẹ có thể cho trẻ dùng bạc hà, mật ong hoặc chanh để giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn, giảm ho. Lưu ý, mật ong chỉ nên sử dụng ở trẻ từ 2 tuổi trở lên.

3. Bổ sung nhiều nước cho trẻ

Các triệu chứng của cảm lạnh có thẻ khiến trẻ mất nước, do đó, mẹ nên chú ý bổ sung nhiều nước cho trẻ. Đối với trẻ còn đang bú mẹ hoàn toàn, mẹ nên cho trẻ bú thường xuyên hơn nhằm đảm bảo bé được bổ sung đủ nước và đủ dưỡng chất. Đối với trẻ lớn hơn, mẹ nên cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường, đồng thời cho trẻ ăn các loại thức ăn dạng lỏng, dễ tiêu như súp, cháo,… chia thành nhiều cữ ăn nhỏ và hạn chế cho trẻ uống nước có ga.

4. Vệ sinh mũi cho trẻ

Việc vệ sinh mũi đúng cách cho trẻ không chỉ giúp cải thiện tình trạng nghẹt mũi, khó thở mà còn giúp rút ngắn thời gian bị cảm lạnh ở trẻ. Thay vì dùng thuốc thông mũi hay thuốc xịt mũi cho trẻ, mẹ nên vệ sinh mũi cho trẻ bằng nước mũi sinh lý theo hướng dẫn của bác sĩ.

  • Nhỏ 2 – 3 giọt nước muối vào một bên mũi của trẻ, để 5 phút.
  • Dùng dụng cụ hút mũi, hút sạch dung dịch trong mũi của trẻ.
  • Lặp lại với bên còn lại sau đó thực hiện thêm 1 lần để sát khuẩn.

5. Cho trẻ ngủ đủ giấc

Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển về cả thể chất và tinh thần của trẻ. Khi trẻ ngủ đủ giấc, trẻ sẽ nhanh khỏi bệnh hơn. Tùy vào độ tuổi của trẻ, mẹ nên cho trẻ ngủ từ 8 – 12 tiếng/ngày, đảm bảo trẻ ngủ đủ giấc.

Trẻ nên dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi hơn.

Khi nào nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ?

Bệnh cảm lạnh khi không được chăm sóc và hỗ trợ điều trị cảm lạnh đúng cách, kịp thời, bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng tai, cổ họng, viêm xoang, viêm phổi,… Do đó, khi chăm sóc trẻ bị cảm lạnh, bố mẹ cần chú ý theo dõi các triệu chứng và đưa trẻ đến bệnh viện ngay khi trẻ có các biểu hiện nghiêm trọng sau:

  • Trẻ bị cảm lạnh dưới 3 tháng tuổi.
  • Trẻ sốt cao, sốt kéo dài.
  • Các triệu chứng không có dấu hiệu thuyên giảm sau khi đã thực hiện các phương pháp điều trị trên.
  • Cảm lạnh kéo dài hơn 10 ngày.
  • Ho có đờm màu vàng, nâu hoặc xanh lá cây.
  • Có dấu hiệu nhiễm trùng tai.
  • Nôn mửa liên tục.
  • Thở nhanh.
  • Có dấu hiệu mất nước, không chịu uống nước.

Trị cảm lạnh ở trẻ nhỏ ở đâu đáng tin cậy?

Khoa Nhi – Bệnh viện đa khoa Tâm Anh hiện đang là một trong những địa chỉ khám chữa bệnh cho trẻ được nhiều phụ huynh tin tưởng. Với sứ mệnh “Trao an tâm cho bố mẹ, mang nụ cười đến với bé yêu”, Khoa Nhi được trang bị hệ thống máy móc, trang thiết, cơ sở vật chất hiện đại, tiện nghi. Hơn nữa, đây còn là nơi quy tụ các chuyên gia và bác sĩ hàng đầu về cả Nội nhi và Ngoại nhi.

Trẻ em là đối tượng có hệ miễn dịch và sức đề kháng còn non yếu, dễ nhiễm các bệnh lý do vi khuẩn và virus tấn công, đặc biệt là khi thời tiết chuyển mùa. Ngoài các bệnh lý truyền nhiễm, trẻ còn có nguy cơ đối mặt với nhiều bệnh lý di truyền nguy hiểm. Tại Khoa Nhi – BVĐK Tâm Anh, đối với từng trường hợp cụ thể, bệnh nhi sẽ được thăm khám kỹ lưỡng và điều trị theo phát đồ riêng. Ngoài ra, khi thăm khám chữa bệnh tại đây, quý phụ huynh cũng sẽ được tư vấn kỹ về chế độ dinh dưỡng phù hợp với thể trạng và độ tuổi của trẻ, giúp trẻ nhanh chóng hồi phục sức khỏe và phát triển khỏe mạnh.

Để biết thêm thông tin về cách chăm sóc trẻ và những vấn đề về sức khỏe khác của trẻ, bạn có thể liên hệ khoa Nhi, bệnh viện đa khoa Tâm Anh theo địa chỉ:

HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH

Trên đây là những thông tin hữu ích về cách trị cảm lạnh cho trẻ. Trong quá trình chăm sóc và điều trị bệnh tại nhà, bố mẹ nên chú ý theo dõi các triệu chứng và đưa trẻ đến bệnh viện để được hỗ trợ ngay khi bệnh có chuyển biến xấu. Lưu ý, bố mẹ không được tự ý cho trẻ dùng thuốc khi không có sự đồng ý của bác sĩ.

Chủ Đề