Đánh giá văn học cổ đại phương tây

Biên soạn: Ths. Phùng Hoài Ngọc

VĂN HỌC PHƯƠNG TÂY  1

LỜI GIỚI THIỆU

Nữ thần Athena

Trước đây tên gọi của bộ môn này là “Văn học Tây Âu”, về sau bổ sung văn học Mỹ thế kỉ 19 nên  đổi thành “Văn học Phương Tây” hoặc Văn học Âu-Mỹ. Bởi vì văn học Mỹ thế kỉ 19 chịu ảnh hưởng trực tiếp sâu sắc và phát triển cùng nhịp độ với văn học khu vực Tây Âu nên được ghép chung. Tuy rằng hai lục địa cách xa nhau cả một Đại tây dương nhưng sự giao thông liên lạc bằng tàu biển khá thuận lợi. Nhờ đó, việc lưu hành tác phẩm văn học của hai châu lục đựơc thông thương. Mặt khác, tác phẩm văn chương ở Bắc Mỹ thường đựơc đưa về các nhà xuất bản ở Tây Âu – đây là  sự thử thách kiểm tra chất lượng sáng tạo của nhà văn Mỹ. Tác phẩm được giới văn học Tây Âu thừa nhận thì mới có giá trị [điều này sẽ được khắc phục ở thế kỉ 20 khi giới văn học Mỹ đã đủ tự tin để đánh giá thẩm định tác phẩm tại chỗ. Đồng thời văn học Mỹ bắt đấu thoát ra khỏi ảnh hưởng cái nôi Tây Âu để làm nên một nền văn học mang đậm tính dân tộc Mỹ. Riêng khu vực văn học Mỹ Latin chúng tôi trình bày nghiên cứu trong một chuyên đề riêng].

Khi biên soạn, chúng tôi cố gắng đưa ngay tác phẩm hoặc trích tác phẩm, tóm tắt tác phẩm, sau đó phân tích hoặc gợi ý phân tích, giảm nhẹ lí luận kinh điển, giúp sinh viên tiếp thu nhanh.

 Văn học Phương Tây được chia thành 03 học phần:

  1. Văn học Phương Tây 1 gồm Văn học Hi Lạp cổ đại, văn học Phục Hưng, văn học Cổ điển thế kỉ 17 và Văn học Ánh Sáng thế kỉ 18.
  2. Văn học Phương Tây 2  gồm Văn học Tây Âu và Mỹ thế kỉ 19.
  3. Văn học Phương Tây 3 gồm  Văn học Tây Âu và Mỹ thế kỉ 20.

[tách hẳn văn học Mỹ La tinh thành một chuyên đề riêng].

Tư duy sáng tạo trong văn học Phương Tây rất logic, chặt chẽ, ảnh hưởng của triết  học rất đậm nét. Sinh viên sẽ được tiếp nhận một phong cách văn chương giàu lí trí  khác hẳn với văn chương phương Đông như Trung Quốc, ViệtNam. Tài liệu sẽ hướng dẫn sinh viên bước đầu nắm vững  chương trình đầu tiên của những nền Phương Tây.

Tài liệu này được soạn theo hướng tinh giản cơ bản vững chắc, nhằm khắc sâu kiến thức cho sinh viên với thời lượng 45 tiết. Muốn nắm đầy đủ chương trình, sinh viên còn phải đọc những chuyên luận và những công trình nghiên cứu khác.

d

Lời giới thiệu

Mục lục

PHẦN I –  VĂN HỌC HY LẠP LA MÃ CỔ ĐẠI 

CHƯƠNG I   –  Khái quát về nền văn hóa cổ đại Hi Lạp

CHƯƠNG II  – Thần thoại 

CHƯƠNG III – Sử thi Homer 

      1. Vấn đề Homer và thời đại Homer

2 . Illiade

3 . Odyssee

      4 . Tác phẩm Eneide của Virgile nhà thơ La Mã

CHƯƠNG IV – Bi kịch Hi Lạp .

Ba tác giả và ba vở kịch tiêu biểu :

Eschyle và Promethe bị xiềng, Sophocle và Eudip làm vua, Euripide và Medee .

BÀI ĐỌC THÊM : Đêm trước Phục Hưng – đêm có trăng sao . Giới thiệu một số thành tựu văn hoá và  văn học trung cổ Tây Âu

Câu hỏi ôn tập

PHẦN II – VĂN HỌC PHỤC HƯNG

Chương V – Khái quát

Chương VI – Văn học Ý

                   Văn học Pháp

                   Văn học Tây ban nha

Chương VII –  Văn  học Anh

 Câu hỏi ôn tập

PHẦN III – VĂN HỌC CỔ ĐIỂN

CHƯƠNG VIII – Khái quát

CHƯƠNG IX – Ngụ ngôn của La Fontaine

CHƯƠNG X – Bi kịch của Corneille và Racine

CHƯƠNG XI – Hài kịch của Moliere

KẾT LUẬN – Những cống hiến và hạn chế của chủ nghĩa cổ điển .

Câu hỏi ôn tập

PHẦN IV – VĂN HỌC ÁNH SÁNG thế kỷ XVIII

Diderot

Voltaire

Daniel Defoe

W.Goeth

TÀI LIỆU THAM KHẢO

PHẦN I        VĂN HỌC HI LẠP CỔ ĐẠI

CHƯƠNG I  –  KHÁI QUÁT VỀ  ĐẤT NƯỚC VÀ NỀN VĂN HÓA CỔ ĐẠI  HI LẠP

Văn học cổ đại Hi Lạp từ lâu đã trở thành một giá trị quý giá phổ biến của toàn nhân loại . Hiếm có một thần thoại của dân tộc nào trên thế giới lại luôn luôn tái sinh, thường xuyên có mặt trong đời sống thường ngày suốt từ đò đến nay như thần thoại HL. Ngay từ thời cổ đại, thần thoại Hi Lạp đã “hóa thân” thành thần thoại La Mã, lại còn làm nền tảng và cảm hứng cho sử thi, bi kịch và nghệ thuật  tạo hình. Do công “tái chế biến» của văn hóa La Mã, ngày nay các nhân vật thần thoại Hi Lạp  tồn tại với hai tên gọi khác nhau. Văn học La Mã cũng có sáng tạo góp thêm một số sự tích, truyền thuyết.

Thần thoại là nền tảng đầu tiên  của nền văn học cổ đại Hi Lạp .

Sử thi [anh hùng ca] là thể loại rực rỡ một đi không trở lại nhưng tấm gương  của nó còn soi sáng mãi đến ngày nay .

Bi kịch cổ đại là cơ sở mẫu mực sẽ tiếp tục góp phần xây dựng kịch châu Âu suốt từ thời đại Phục Hưng trở về sau .

Trong văn chương, trên báo chí người ta sử dụng một cách phổ biến tự nhiên những thành ngữ, điển tích, hình ảnh rút ra từ văn học cổ Hi Lạp  đến mức như ngôn ngữ thông thường. Chẳng hạn “con ngựa thành Troie”, “quả táo bất hòa”, “vòng nguyệt quế”, “gót chân Achill” . . . Ngành thiên văn học đặt tên các ngôi sao bằng tên các nhân vật thần thoại Hi Lạp như Neptune,Venus, Jupiter … Ngành hàng hải đặt tên những con tàu, hòn đảo bằng tên nhân vật  Hi Lạp. Nhiều đường phố, công viên, hàng hóa, tàu vũ trụ, vũ khí đặt theo tên nhân vật Hi Lạp.

Trong ngôn ngữ của loài người, nhiều từ ngữ Hi Lạp  được sử dụng, nhiều ám dụ, tỉ dụ có nguồn gốc từ văn học cổ Hi Lạp. Văn học Hi Lạp đã trở thành những kiến thức phổ thông, là phương tiện nhận thức hiểu biết những vấn đề phức tạp khác. Khi nghiên cứu các nền văn hóa phương Tây mà thiếu vốn hiểu biết về văn học cổ Hi Lạp thì quả là khó khăn. Trong giao tiếp hoặc khi  diễn đạt tư tưởng, biết sử dụng những lối nói ấy làm cho tư tưởng mềm mại, có duyên, dễ  được chấp nhận hơn [Thần thoại Hi Lạp,Tập I – Nguyễn Văn Khoả].

Mẫu mực văn học cổ đại Hi Lạp và chủ nghĩa nhân văn Hi Lạp đã làm kinh ngạc bàng hoàng Tây Âu và đã góp phần thúc đẩy một phong trào văn hoá mệnh danh là Phục Hưng kéo dài gần ba thế kỉ, tiếp  tục ảnh hưởng sâu đậm đến các thế kỉ  sau nữa .

Nền văn hóa và văn học cổ Hi Lạp  giữ vị trí đặc biệt lớn lao và sâu sắc trong lịch sử phát triển nền văn minh tinh thần Tây Âu. Nó mở đường bằng triết học, thần thoại, sử thi, kịch, thơ, văn hùng biện, sử học, kiến trúc, điêu khắc, âm nhạc, hội họa và gây ảnh hưởng bao trùm xuyên suốt lịch sử nghệ thuật  Tây Âu qua trung đại tới hiện đại .

Karl Marx nhận xét: “Không có cơ sở văn minh Hi Lạp cổ đại và đế quốc La Mã thì không có châu Âu hiện đại” .

Hi Lạp được coi là một trong những chiếc nôi của văn minh nhân loại. Đó là nền văn minh đảo Cret – Misen  chấm dứt thời tiền sử chuyển sang thời đại văn minh của nhân loại .

Đảo Crete  hòn đảo lớn nhất Hi Lạp có nền văn minh rực rỡ từ khoảng năm 2500 đến 1700 tr. C.N . Nền văn minh này tỏa rộng ảnh hưởng tới tận thành bang Misen nơi có văn minh từ  năm 2000 – 1100 tr. C.N. Hai nền văn minh này chung đúc lại thành văn minh cổ đại Hi Lạp, kể từ năm 1000 Tr.C.N về sau phát triển rực rỡ huy hoàng chưa từng thấy .

Đó là thời kì chế độ chiếm hữu nô lệ – quân chủ chuyên chế  theo kiểu Trung cận đông – Ai Cập [vua chúa, tầng lớp quí tộc quân sự nhiều đặc quyền đặc lợi  và giới cầm đầu các công xã làng mạc]

Người Dorien di cư vào bán đảo Hi Lạp, tàn phá văn hóa của người Akayen. Sau đó nền văn minh Misen tỏa rộng nơi đây đã nảy sinh các thiên tài Homer, Thales, Heracles … Công cụ lao động bằng sắt, sản xuấ , thương mại phát triển mạnh quanh vùng biển Egiê . Chế độ tư hữu phát triển, phân hóa xã hội thành 5 giai cấp, chênh lệch giàu nghèo ngày càng lớn .

Giai cấp nô lệ chiếm đa số dân chúng, dần dần sự phản kháng gia tăng. Cuộc sống của họ phụ thuộc tuyệt đối vào giới chủ nô. Họ bị mua bán, ngược đãi tùy ý bọn chủ. Nền dân chủ Athens chỉ dành dân chủ cho công dân tự do .

Những cuộc nội chiến, xen kẽ những cuộc chiến tranh vệ quốc chống quân Ba Tư xâm lược. Vua nước Macedoani [sau thuộc Nam Tư, nay lại tách ra thành Macedonia] là Alexandrer Đại đế xâm chiếm  được Hi Lạp, mở rộng bờ cõi tới Ai Cập, tạo ra đế quốc Hi Lạp, chấm dứt thời kì cổ đại .

Đặc điểm tích cực của xã hội Hi Lạp :

Phong trào dân chủ tự do được xác lập từ rất sớm cùng với sự ra đời các thành bang.

Những cuộc đấu tranh chống xâm lược bảo vệ thể chế dân chủ Athens .

Ý thức tự cường dân tộc từ khi dựng nước và giữ nước của người Hi Lạp .

Trong bối cảnh đó nảy sinh một nền nghệ thuật lớn lao, trước hết dễ nhận thấy nhất là thành tựu kiến trúc và điêu khắc tuyệt vời .

Triết học cổ đại chứng tỏ con người Hi Lạp sớm suy tư về thế giới và nguồn gốc vạn vật một cách sâu sắc.

Thiên văn, địa lí, toán học, y dược, sử học và sinh học cũng phát triển .

Đặc biệt, mĩ học ra đời góp phần đúc kết và định hướng văn- nghệ phát triển, đẩy văn học  nghệ thuật  đạt tới đỉnh cao của nó

Ba thời kì văn học cổ Hi Lạp:

Từ khi có bút tích văn học đến khi Hi Lạp trở thành chư hầu, rồi nhập vào địa phận của La Mã, văn học Hi Lạp chia ra  3 thời kì lớn.

1.Thời kì thứ nhất [thời thượng cổ], bắt đầu từ khi có những bút tích văn học đầu tiên đến thế kỷ V trước công nguyên .

2.Thời kỳ cổ điển [còn gọi Atich] từ chiến tranh Ba Tư- Hi Lạp đến thế kỷ II tr. CN .

3.Thời kỳ chủ nghĩa Helen [hoặc Alexandre] từ thế kỷ III đến thế kỷ I tr.CN.

Trước khi có văn học viết, trên đất nước «con cháu các vị thần » này đã có một nền văn chương thần thoại phong phú vào bậc nhất thế giới .Từ những chất liệu thần thoại đẹp đẽ giàu giá trị nhân văn, triết lý  này, những ca sĩ dân gian đã sáng tác những bài ca bất tử về các vị thần, các anh hùng thành bang. . . Những bài ca ấy lạI được Homer kế thừa để sáng tạo nên hai thiên anh hùng ca [sử thi] vĩ đại Illiade và Odyssee .

Sau Homer, nhiều nhà thơ sáng tác về các truyền thuyết thành Troie và thành Thebes, thơ giáo huấn của Hesiode… nhưng ít có giá trị. Đặc biệt, Hesiode dùng thơ ca ngợi con ngườI lao động, những công việc đồng áng bình dị, nhọc nhằn và ý nghĩa cao quí duy trì cuộc sống của con người. Tác phẩm Công việc và tháng ngày  là tập giáo huấn con ngườI tình yêu lao động, tôn trọng công lý và truyền đạt kinh nghiệm làm ruộng chăn nuôi, đi biển . . .

Thơ trữ tình cũng phát triển vớI những tên tuổi Tiecte,Minermer, Ximonite, Pindare, Sapho … Đó là những sáng tác thô sơ đầu tiên về tình yêu của con người .

 Pindare 20 tuổi đã nổi tiếng thơ, ngày nay còn bốn tập đoản ca, ca ngợi những dũng sĩ chiến thắng đại hội điền kinh ở đấu trường Olympiade, Denph, Isme, Memee. Thơ ông bày tỏ một tâm hồn cao thượng, niềm tự hào và ý chí thống nhất đất nước .

Sapho là nữ thi sĩ duy nhất mừng danh vào khoảng cuối thế kỷ VII tr.CN. Người ta gọi bà là «hiện tượng kì diệu» của thi ca và «nữ thần thơ số 10» . Tình yêu là chủ đề chính của thơ bà :

 Với tôi, chàng sánh tựa thần linh

Người ngồi bên em đấy,

người tận hưởng giọng nói em êm ái

và những niềm vui.

Tiếng cười ai làm tan nát tim tôi,

Và khiến môi tôi run rẩy .

Vừa thoạt nhìn thấy mặt em

Tôi tắt nghẹn lời

lưỡi tôi khô trong miệng

Một ngọn lửa âm thầm đốt dướI làn da

Tai đâu còn nghe được nữa

mắt tôi giờ đã mù loà

Mình ướt đẫm mồ hôi

Tôi run lên lẩy bẩy

Và xanh hơn màu cỏ lá

Tôi nghĩ rằng tôi sẽ từ giã cõi đờI “

Bi kịch ra đời là do sự kết hợp sử thi và thơ trữ tình, trực  tiếp bắt nguồn từ lễ tế thần rượu nho Dionisote.Theo cuốn Poetic [thi pháp] của Aristote thì nhà viết kịch đầu tiên đưa ban đồng ca đi lưu diễn là Thespis với vở “Milet thất thủ”. Ba nhà soạn kịch tiêu biểu cho ba giai đoạn là Eschille, Sophocle và Euripide.

Hài kịch cũng phát triển với cảm hứng nảy sinh từ thể chế dân chủ, tiêu biểu là nhà viết kịch Aristophan.

Truyện ngụ ngôn của Esop- tác giả 350 truyện ngắn ngụ ngôn đặc sắc. Nhờ tài sáng tác và kể chuyện, Esop vốn là một người nô lệ xấu xí đã được chủ nô giải phóng [lão chủ nô là triết gia Samien Latmonde]. Ông lên đài danh vọng nhưng cuối cùng phải chọn cái chết bi thảm vì tài năng [bị bọn buôn thần bán thánh ở đền thờ Denph kết tội báng bổ thần linh phải chịu tử hình]. Những truyện quen thuộc như: Con cáo và chùm nho, Con ve và cái kiến, Con chuột và sư tử » .

Sử học với các tên tuổi Herodot, Thucidide, Senophon .

Y học có thầy thuốc Hypocrat và 10 lời thề còn mãi đến hôm nay  trong  tất cả các trường y khoa trên thế giới.

Triết học là thành tựu rực  rỡ từ thế kỉ VI tr. C.N với  nhiều triết gia lớn theo hai phái duy tâm và duy vật: Thales de Milet, một trong 7 người hiền Hi Lạp, ông là nhà bác học, triết gia, nhà toán học. Ông viết: “thế giới là do vật chất tạo thành”, ông đả phá mê tín và thần thánh. Heraclite khẳng định tư tưởng biện chứng «người ta không thể tắm hai lần trên một dòng sông”. Empedocle và Democrite đề ra thuyết nguyên tố.

Socrate bị buộc tội vô thần phải uống thuốc độc chết trong nhà tù, ông từng nói câu nổi tiếng: “tôi biết rằng tôi không biết gì hết”,”anh hãy tự biết lấy mình”. Thái độ hoài nghi tất cả chính là sự khẳng định trí tuệ con người .

Platon phát triển triết học duy tâm đến mức cao nhất, học trò của ông là Aristote đã thâu tóm và tổng kết toàn bộ triết học và khoa học Hi Lạp thời bấy giờ. Mặc dù là “kẻ đi lầm đường”, Aristote vẫn là bộ bách khoa toàn thư của thời cổ đại Hi Lạp. Sau ông là Epiqure với thuyết duy vật nguyên tử lượng chống lại toàn bộ tôn giáo và mọi mê tín. Marx và Engels coi ông là “người duy nhất thời cổ đại muốn đem lại ánh sáng cho trí tuệ con người”.

Năm  323 [tr C.N] cái chết bất ngờ của vua Alexandre Đại đế kéo theo sự sụp đổ của đế quốc Hi Lạp. Kế đó đế quốc La Mã lên ngôi bên kia bờ Địa Trung Hải làm lu mờ thiên tài Hi Lạp. Hi Lạp bị thôn tính trở thành một tỉnh của La Mã từ thế kỉ I tr. C.N

Đến thế kỉ VI, đế quốc La Mã cũng sụp đổ, một nước Hi Lạp thiên chúa giáo ra đời . Từ đây ở Hi Lạp, văn học nghệ thuật  cũng như văn hóa nói chung trở nên thấp kém, không nối tiếp và phát huy được truyền thống huy hoàng cổ đại nữa .

³

CHƯƠNG II                 THẦN THOẠI HI LẠP

Thần thoại Hi Lạp là một hệ thống các truyện kể phong phú đẹp đẽ xếp vào hàng những truyện hay nhất thế giới. Trước khi có chữ viết, người Hi Lạp đã sáng tác những câu chuyện kì diệu để gửi vào đó nhận thức về thế giới, kinh nghiệm sống và  ước mơ và khát vọng.

Đó là quá trình chinh phục thiên nhiên kéo dài vô cùng chậm chạp vì trình độ lao động còn thấp, công cụ lao động thô sơ.

Trong truyện, người Hi Lạp lấy mình làm thước đo vũ trụ, dùng tưởng tượng để giải thích tự nhiên và chinh phục nó cho thỏa nguyện vọng của mình .

Tư tưởng của thần thoại [ý thức hệ] là “chủ nghĩa thần linh”. Mọi hiện tượng và vật thể đều được gán cho sức sống và sức mạnh thần bí .

Mặt khác, thần thoại vẫn đậm màu sắc hiện thực và duy vật thô sơ .

Thần thoại có tư duy cao về hình thức nghệ thuật  và nội dung nhân văn, ý nghĩa triết lí.

I – PHÂN LOẠI: Có thể chia hệ thống thần thoại Hi Lạp ra ba nhóm :

Nhóm 1 : truyện về các gia hệ thần

Nhóm 2 : truyện về các thành bang và vua chúa

Nhóm 3 : truyện về các anh hùng, nghệ nhân, nghệ sĩ .

NHÓM 1 : TRUYỆN VỀ CÁC GIA HỆ THẦN

Phản ánh sự ra đời của các dòng họ thần thánh đầu tiên. Gồm các sự tích của 4 gia hệ thần

  1. Gia hệ thần Chaos – sự mở đầu thế giới .
  2. Gia hệ thần Uranos  – vũ trụ
  3. Gia hệ thần Cronos – bầu trời
  4. Gia hệ thần Zeus [Jupiter] – chúa tể thần linh .

Thần Chaos là một khối hỗn mang và vực thẳm mênh mông , tối đen .

Thần đẻ ra thần Đất Mẹ [Gaea] có bộ ngực mênh mông , nơi sinh sống của vạn vật .

Thần Chaos còn sinh ra địa ngục, thần Nix – đêm tối mịt mù, thần Eros thần tình yêu – đứa con út của Chaos.

Nix lại đẻ ra thần khí Eter bất diệt và Hermer – thần ánh sáng .

Năm vị thần đó là nguyên lí sinh sôi nảy nở của vạn vật .

Thần Uranos

Thần đất Gaea lại kết hôn với bầu trời [Uranos], họ sinh được nhiều con khổng lồ , gồm ba nhóm

Nhóm titan : sáu nam thần khổng lồ  và nhóm titanid: sáu nữ thần

Nhóm ba thần  Ciclope khổng lồ có một mắt ở trán, hung bạo, khéo léo, làm thợ rèn .

Ba quỉ thần Hecatonchires có một trăm tay và năm chục cái đầu.

Các vị thần titan và titanid kết hôn với nhau sinh ra các thần tiên sông biển núi, trăng sao, gió, trật tự, pháp luật, trí tuệ. v.v .

Thần Cronos lật đổ thần Uranos:

Cronos là một titan, thấy mẹ Gaea bất mãn với bố là Uranos về cách đối xử phân biệt ba nhóm con cái nên tức giận rình chém chết Uranos trên giường ngủ.

Nữ thần Gaea còn có nhiều cuộc tình duyên khác sinh ra đủ loại quỉ thần rải khắp nơi .

Thần Zeus ra đời:

Sau khi giết Uranos giành quyền cai quản thế giới, Cronos vẫn chưa yên tâm, ông lo sợ sẽ có ngày một đứa con của mình sẽ cướp ngôi. Để trừ hậu họa, mỗi lần vợ sinh con, ông nuốt hết vào bụng. Vợ là nữ thần Rhea giận dữ lánh tới một hòn đảo, sinh đứa con trai út đặt tên là Zeus. Bà giao cậu bé cho các tiên nữ rừng núi tên Nymph nuôi Zeus bằng sữa dê thần. Các thần che chở Zeus suốt  tới khi cậu trưởng thành.

Zeus lật đổ Uranos: Bà nội Gaea và mẹ – Rhea giao sứ mệnh cho Zeus trả thù cho các anh chị bị nuốt. Cuộc giao tranh Zeus và Uranos kéo dài gay go ác liệt. Zeus có vũ khí sấm sét lợi hại. Cuộc chiến kéo dài 10 năm giữa hai phe thần khổng lồ. Phe Zeus đánh bại hoàn toàn các thần titan Gigantos .

Zeus trừng phạt những người họ hàng theo cha. Bà nội Gaea lại tìm cách giải thoát họ . Zèus đưa nhiều vị thần đi đày ở những đảo xa.

Lực lượng của Zeus chiếm lấy đỉnh núi Olympe làm nơi ở của thần linh và cai quản vũ trụ

Nguồn gốc loài người:

Các vị thần lấy vàng nặn ra những người đầu tiên trên trái đất. Thiên nhiên có đủ thức ăn thường xuyên cho họ. Nhưng rồi trải qua thời gian dài, thức ăn cạn dần, cuộc sống khó khăn , loài người đầu tiên ngày càng hư hỏng, xấu xa, ngu dốt. Cuộc sống lại đầy hiểm họa do cả thiên nhiên và con người gây ra.

Vị phúc thần Promethe lấy trộm ngọn lửa thần của Trời đem cho loài người , lại dạy con người dùng lửa để chế tạo công cụ sản xuất và vũ khí hộ thân .

Zeus – chúa tể các vị thần đã trừng phạt titan Promethe, đây là bi kịch đầu tiên của loài người, sự tuẫn nạn đầu tiên cho quyền làm người .

Nạn hồng thủy

Loài người càng phát triển càng kiêu ngạo với Trời và thánh thần. Zeus ra lệnh thần Mưa Bão hoạt động liên tục để “rửa sạch” trái đất. Loài người diệt vong, may còn sót lại một cặp vợ chồng là con của titan Promethe. Nhờ phép thuật của cha, họ tiếp tục sinh sôi nảy nở duy trì loài người cư trú khắp vùng Hi Lạp.

Thế giới Olympe – 12 vị thần tối cao

Thiên đình là thế giới thần linh, trong đó có gia đình thần thánh gồm 12 vị tối cao .

      1 . Zeus [còn gọi Jupiter] – thần Sấm sét, chúa tể  thần linh

2 . Hera – vợ Zeus, cai quản hôn nhân, bảo vệ bà mẹ trẻ em

3 . Hadex – cai quản âm phủ

4 . Pozeidon [Neptune] – cai quản biển khơi.

5 . Demeter – nữ thần cai quản chăn nuôi và trồng trọt

6 . Herchia – nữ thần cai quản bếp lửa gia đình. Đoàn tụ gia đình

      7 . Athena [Minerve] – nữ thần trí tuệ, công lí, chiến trận, nghề thủ công và nghệ thuật  , con gái riêng của Zeus tự sinh từ bộ não. Độc thân suốt đời .

      8 . Aphrodite [Venus] – nữ thần sắc đẹp và tình yêu, vợ của thần chiến tranh Arex

     9 . Hephaistot : thần Lửa, Thợ Rèn chân thọt, tổ nghề thủ công đồ sắt. Con trai Zeus và Hera, chồng cũ của Venus.

     10 .Apollon [Heliot] con của Zeus và nữ thần ánh sáng Leto. Thần mặt trời, xạ thủ, nghệ thuật, âm nhạc và chân lí.

     11 . Arthemis [Diane] – em gái Apollon, nữ xạ thủ có cây cung bạc, độc thân vĩnh viễn .

      12 . Arex [Mars] – thần Chiến tranh, con của Zeus, chồng sau của Venus .

Con cháu các vị thần

Các thần có nhiều mối tình vụng trộm với thần và với cả người trần , sinh ra nhiều con cháu. Tiêu biểu là thần Zeus có nhiều cuộc tình do quyền uy và sức mạnh , đặc biệt sinh con với phụ nữ Hi Lạp sinh ra “bán thần”.

Dionisote [còn gọi Bacchus], là con của Zeus với một người phụ nữ, chế tạo ra Rượu nho. Sau khi chết, dân chúng ghi ơn lập đền thờ. Zeus cho về thế giới thần linh bất tử. Các vị thấn khác cũng chẳng kém chúa tể thần linh, họ có nhiều đứa con “bí mật ».

Hầu hết con cháu các thần linh đều trở thành dũng sĩ lập nhiều chiến công , thành tích xây dựng thành bang, tiêu diệt quỉ dữ, làm vua chúa các vùng [khoảng 100 thành bang trên đất Hi Lạp cổ]

Con cháu thần thánh còn là những nghệ sĩ, nghệ nhân và những người thợ giỏi nhất.

Có nhiều câu chuyện kể về các dũng sĩ, nghệ sĩ đó .

Chẳng hạn những chuyện vể dũng sĩ Perce anh hùng diệt quỉ dữ cứu người, dũng sĩ Heracles [còn gọi Herculles] lập nên 12 kì công, tham dự cuộc chiến tranh thành Troie, anh hùng Thesee xây dựng đô thành Athens [mang tên của nữ thần Athena] . . .

NHÓM 2:  SỰ TÍCH CÁC THÀNH BANG

Truyện sự tích Châu Âu và một số thành bang: vua Agienor thành Sidon, con trai  của thần Pozeidon và tiên nữ Okenaid xứ Libie sinh ra. Vua Agienor sinh bốn con trai là Cadmos, Phenicie, Kilice và Phinee và một gái tên là Europe. Nàng xinh đẹp như ánh sáng. Một đêm nằm mơ thấy hai mảnh đất khổng lồ cách nhau một quãng biển rộng, một mảnh gọi là Asie, còn mảnh kia chưa biết gọi là gì. Hai mảnh đất hoá thành hai người phụ nữ tranh nhau dữ dội giành bắt lấy nàng Europe. Cuối cùng người phụ nữ tên Asie đành  thua cuộc. Người kia nuôi dưỡng chăm sóc Europe đến khi trưởng thành…  Tỉnh giấc mơ cô kể lại với vua cha. Điềm chẳng lành ? Một ngày kia thần Zeus quyến rũ nàng, thần hoá làm một con bò mộng lông vàng óng, đôi sừng cong như vầng trăng, vầng trán toả ánh sáng bạc lấp lánh. Con bò đến gần nàng Europe, dụi đầu vào cánh tay, thè lưỡi liếm bàn tay nàng , quì xuống bên nàng. Hơi thở của nó cũng toả hươgn thơm ngát. Nàng vuốt ve nó rồi ngồi lên lưng. Bất chợt nó vùng chạy, lao xuống nước biển , nàng gào thét  kêu cứu. Con bò bơi trên biển như cá. Những nàng tiên nữ biển cả Nereid lội hai bên rẽ nước hộ tống, Europe vẫn khô ráo khi con bò cập bờ một hòn đảo đô thành tên là Cret. Thần Zeus hiện nguyên hình uy nghiêm đẹp đẽ, tỏ tình với nàng. Sau đó Europe sinh hạ ba người con trai là: Minos, Radamante và Sarpedon. Những người dân xứ đảo này lấy tên nàng đặt tên cho toàn bộ vùng đất phía Tây là Europe nghĩa là châu Âu.

Vua Agenor từ khi nàng Europe mất tích liền sai bốn con trai là Cadmos, Phenicie , Kilice và Phinee và tuyên bố nếu không tìm thấy em gái thì chớ quay về. Vượt bao gian khổ không tìm thấy em gái Europe, mỗi người đi mỗi ngả và khai phá, xây dựng quê hương mới. Đó là những đô thành rải rác ở châu Âu và Hi Lạp mà họ trở thành các vị vua [các thành bang  Phenixi, Kiliki, Xanmidessos và Cadmee tức là Thebes nổi tiếng Hi Lạp] .

Hầu như cả trăm thành bang ở Hi Lạp đều được kể đến trong những cuộc xây dựng của những người anh hùng thần thoại Hi Lạp .

NHÓM 3: SỰ TÍCH CÁC ANH HÙNG, NGHỆ NHÂN, NGHỆ SĨ BÁN THẦN

Người dân Hi Lạp tin rằng những người có tài năng xuất chúng, phẩm chất tuyệt vời huyền bí, chắc hẳn phải mang dòng máu thần linh. Ngôn ngữ thi ca và trí tưởng tượng phong phú với một lối tư duy đặc sắc Hi Lạp đã sáng tạo cả một hệ thống thần thoại hùng vĩ với khoảng 3000 nhân vật thần linh và bán thần, người trần. Các nhân vật đầy những ước mơ, khát vọng, đau khổ, vui sướng, hạnh phúc và sụp đổ. . .như con người Hi Lạp vậ .

Thần thoại Hi Lạp là sự khởi đầu rực rỡ, trở thành nguồn nuôi dưỡng toàn bộ văn học  nghệ thuật  Hi Lạp về sau, lại được lan tỏa khắp châu Âu mở ra thời đại Phục Hưng Tây Âu.

Dưới đây giới thiệu một số truyện thần thoại tiêu biểu :

SỰ TÍCH THẦN APOLLON

[Heliot]

Apollon sinh đôi cùng nữ thần Arthemis, con của Zeus và Leto sau cuộc tình vụng trộm của họ. Apollon là vị thần đa năng có sứ mệnh bảo vệ chân lí, truyền bá âm nhạc và thơ ca

Chiến công đầu tiên của anh là diệt trừ con mãng xà Piton để bảo vệ người mẹ Leto. Nguyên nhân là Hera ghen tức, sai con mãng xà truy đuổi nữ thần Leto – người tình của Zeus. Con mãng xà được thể phá hoại đời sống dân lành. Apollon bay tới vùng Denph , tìm đến cửa hang con quái vật. Cuộc giao tranh diễn ra dữ dội, ác liệt. Cuối cùng thần Apollon đã dùng cây cung bằng đá hạ thủ con quái vật, rồi chôn nó dưới đất sâu, dựng một ngôi đền đè lên, đặt tên ngôi đền thờ thần linh là Denph. Thần còn ra lệnh tổ chức một lễ hội thể thao cứ 4 năm một lần để ghi nhớ chiến công oanh liệt của mình. Lễ hội đó gọi là Olympiad [cuộc đấu: ade, ở chân núi Olympe]. Những cô trinh nữ được chọn làm cô đồng trông coi đền thờ, được coi là sứ giả giao tiếp với thần Apollon.Họ chuyển lời cầu khẩn của dân chúng lên vị thần và chuyển lời phán truyền, sấm ngôn của thân Apollon đến dân chúng

Ngôi đền Denph trở thành một trung tâm tôn giáo lớn của thế giới Hi Lạp. Người ta thường kéo về đây để cầu xin thần thánh, không chỉ phúc lợI, mà còn mong lời chỉ dẫn hoặc tiên tri [Apollon là thần chân lí]. [Cuối thế kỉ 19 đầu 20, ở nơi hoang tàn đổ nát của đền Denph, các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều di vật quí giúp cho việc xây dựng lại đền Denph]

Apollon còn là vị thần đa tình, có nhiều mối tình đẹp đẽ nên thơ  Có lần chàng yêu nữ thần Daphnee xinh đẹp con gái thần sông. Chàng đến gần, nữ thần hoảng sợ bỏ chạy. Chàng đuổi theo cất tiếng gọi tha thiết. Nàng vẫn chạy. Gặp con sông lớn, nàng cầu xin cha là thần sông, rồi hóa ra một cây mọc bên bờ nước. Mái tóc đẹp đẽ của nàng biến thành những cành là cây, ngón chân biến thành rễ cây. Khi Apollon chạy tới thì nàng đã hóa thân hoàn toàn. Chàng ngẩn ngơ thương tiếc, vuốt ve cành lá với nỗi ân hận xót thương. Chàng tuyên bố giải thưởng thi đấu Olympiad là: ai chiến thắng sẽ được đội trên đầu một vòng lá cây Daphne [vòng nguyệt quế, tên Lamã là Olive] .

Còn nhiều câu chuyện về thần Apollon với nhiều chiến công và cả những sai lầm gây không ít rắc rối cho mọi người. Ở Hi Lạp đã hình thành một “tôn giáo Apollon” .

APHRODITE – NỮ THẦN SẮC ĐẸP VÀ TÌNH YÊU

[tên La mã: Venus]

Người phương Đông thường gọi là thần Vệ Nữ. Thiên văn học gọi là sao Kim / sao Vệ nữ . Venus ra đời trong đám bọt biển. Nàng có thân hình dáng điệu cử chỉ đẹp của trời đất thiên nhiên phối hợp kết tinh kì diệu. Nàng được cả thế giới thần thánh và loài người khâm phục yêu mến, bởi ai cũng muốn có tình yêu [ngoại trừ một số nhân vật thích sống độc thân] . Quyền lực của nàng là chiếc dây lưng kì diệu có khả năng gây tình yêu say đắm cho những người yêu nhau. Nữ thần Venus đã từng cho chàng Parish hoàng tử thành Troie mượn dây lưng đi quyến rũ Helen – hoàng hậu thành Athens, gây ra cuộc chiến tranh thành Troie nổi tiếng trong thần thoại Hi Lạp.

Venus có nhiều cuộc tình duyên với  thần thánh và cả người  trần. Người chồng đầu tiên là Hephaistot- con thần Zeus- là thần Lửa kiêm thần Thợ rèn của thế giới thần linh. Nàng không chung thủy với chồng, lại dan díu với thần chiến tranh Arex. Có lần bị chồng bắt gặp vợ đang dan díu, một cuộc xung đột xảy ra, chồng bị thương nên chân thọt. Bỏ nhau, nàng trở thành vợ của Arex, sinh được 5 con – 1 gái và 4 trai. Ngoài ra Venus còn yêu một người trần và thần Rượu nho Dionisote. Có những phong tục phát sinh từ nhân vật Venus . chẳng hạn phong tục đám cưới: cô dâu dâng cúng nữ thần Venus một chiếc thắt lưng do chính tay mình dệt để cầu xin sức mạnh tình yêu. Lại có vùng, trong buổi tế lễ lớn ở đền thờ Venus, một số thiếu nữ xinh đẹp được chọn hiến thân cho những người đàn ông để chứng tỏ quyền lực của nữ thần, hoặc chứng tỏ các cô thiếu nữ có quyền sử dụng trinh tiết của mình. Những người đàn ông vào “hành lễ” phải nộp một khoản tiền vào quĩ của đền thờ. Engels nhận xét về tập tục đó:“là hình thức mãi dâm đầu tiên trong lịch sử loài người”.

Tóm lại, nữ thần Venus tạo ra bao nhiêu hạnh phúc cho con người và cũng gây không ít khổ đau cho họ.

Nữ thần Venus còn có một vai trò khá lớn lao đối với nghệ thuật . Câu chuyện dưới đây về nhân vật Pigmalion nêu lên mối quan hệ đặc biệt của nghệ thuật và đời sống :

Trên vương quốc đảo Sip có nhà vua trẻ và cũng là họa sĩ điêu khắc tài ba- chàng Pigmalion. Không hiểu vì sao chàng luôn luôn có mối ác cảm với phụ nữ. Chàng quyết tâm sống độc thân để sáng tạo nghệ thuật. Miệt mài sáng tác, chàng nghĩ sẽ sống với tình yêu nghệ thuật là hạnh phúc nhất. Tình yêu của chàng cũng say đắm, mộng mơ, nhớ nhung , cao thượng  và rung cảm đẹp đẽ. Chàng tạc nên một bức tượng thiếu nữ xinh đẹp bằng ngà voi trắng muốt. Làm việc quên ăn quên ngủ, chàng say mê tác phẩm của mình, chàng sung sướng ngắm nhìn không chán con người lộng lẫy như bước ra từ chiếc ngà voi khổng lố. Bức tượng sống với chàng như con người thật. Chàng đeo lên bộ ngực trần bức tượng một chuỗi ngọc quí, chàng may chiếc ào lụa mỏng cho bức tượng, lại đội cho “nàng” một vòng nguyệt quế. Ngày đêm, Pigmalion trò chuyện cùng nàng trong một tình yêu hoang tưởng .

Nhưng tác phẩm vẫn là tác phẩm,  còn cuộc đời vẫn là cuộc đời. Chàng nghệ sĩ đặt  bàn tay nóng ấm của mình lên pho tượng và cảm thấy rõ sự lạnh lẽo khô cứng của nó khiến chàng tỉnh mộng. Pigmalion gục xuống thất vọng bên pho tượng. Nữ thần Venus vẫn hằng theo dõi cuộc đời chàng nghệ sĩ, đã từng giận dữ thù ghét chàng, nay nữ thần tin rằng chàng sẽ phải tỉnh ngộ. Và một ngày nọ, chàng sắm sửa lễ vật dâng đền thờ Venus, thì thầm cầu nguyện. Ngọn lửa trên điện thờ bừng cháy ba lần, đấu hiệu chấp nhan của nữ thần Venus. Pigmalion trở về nhà. Chàng đẩy cửa, một người thiếu nữ đứng nhìn chàng đăm đăm, đẹp tươi sinh động bội phần. Chàng tiến tới, đặt tay lên vai nàng, một cảm giác ấm áp truyền nhanh qua người chàng… Thiếu nữ mỉm cười, rời khỏi bệ tượng, ngả lên vai chàng. Chàng họa sĩ bèn đặt tên khai sinh cho nàng là Galatea. Họ sống thật hạnh phúc, sinh một đứa con trai, đặt tên là Paphos lớn lên thay cha làm vua [Paphos: tiếng Hi Lạp nghĩa là cảm hứng, nhiệt tình, xúc động – chuyển tiếng Pháp là Pathetique, chuyển tiếng Anh là Sympathetic – cảm động, thống thiết, cảm thông] . Pigmalion cho xây dựng một đô thành trên đảo Sip  và lấy tên mình đặt cho đô thành ấy. Vua còn cho xây một ngôi đền nguy nga để dâng lên nữ thần Venus- Aphrodite. Nữ thần Venus từ đó có thêm biệt danh: Paphos. Trong sinh hoạt văn học nghệ thuật  thế giới, người ta nói đến “thói Pigmalion“ để ám chỉ những nghệ sĩ quá say mê sùng bái tán thưởng công trình nghệ thuật  của chính mình mà mất cả tỉnh táo .

Hiện nay trên thế giới có nhiều bức tượng Venus ,nổi tiếng hơn cả là “Venus de Milot“ của họa sĩ Ý Leonardo Da Vinci thời Phục hưng. Bức tượng này bị cụt hai cánh tay [bị gãy trong một lần di chuyển] nhưng ngày nay vẫn giữ nguyên hiện trạng, không ai sửa chữa bổ sung đôi cánh tay nữa.

THẦN RƯỢU NHO DIONISOTE

[Bacchus]

Là con của thần Zeus với một người phụ nữ Hi Lạp tên là Semele, cậu bé Dionisote sống với mẹ như một đứa con rơi, con hoang. Cuộc tình của mẹ chàng thật là bi thảm. Zeus lẩn tránh Hera, hóa thành chàng trai đến gặp nàng Semele, tỏ tình và khoe khoang. Ông ta hứa sẽ làm bất cứ điều gì nàng muốn. Nữ thần Hera nghe biết hết, liền tìm cách phá hai người. Bà xúi giục Semele nghi ngờ Zeus không phải là vị thần tối cao mà chỉ là kẻ chăn cừu bình thường . Rồi Semele khăng khăng đòi Zeus hiện nguyên hình để chứng minh nguồn gốc. Zeus ra sức chối từ, ngăn cản nàng. Nước mắt và sự cương quyết của người phụ nữ đã thắng. Zeus buộc lòng phải hiện nguyên hình. Một tiếng sét nổ xé tai, rung chuyển trời  đất. Thành Thebes bốc cháy. Zeus nhanh tay cứu kịp đứa bé con trong bụng người tình. Đứa bé thiếu ba tháng. Zeus rạch đùi đặt đứa bé vào, nuôi tiếp. Từ đùi cha, câu bé Dionisote được sinh ra đời lần thứ hai. Zeus đem con đi gởi các tiên nữ Nymphe trong thung lũng nuôi giúp. Hera còn tiếp tục theo dõi đánh ghen khiến cậu bé phải chịu bao khổ cực, trôi dạt từ xứ này qua xứ khác. Có khi thần Zeus phải biến cậu thành con dê để che mắt Hera.

Lớn lên, Dionisote đi lang thang khắp nơi, dạy dân trồng cây nho, ép rượu.  Rượu nho mang lại sự vui tươi, hoan lạc có khi tới độ cuồng nhiệt. Có những ma quỉ lợi dụng uống nhiều, say sưa, càn quấy. Nhiều người căm thù rượu nho và kẻ sinh ra thứ nước ma quái đó [có chuyện hiểu lầm gây tai hại cho cha con Icare mục tử – xem phần bi kịch ở sau]. Có lần, nhà vua cho quân lính bao vây đoàn tùy tùng và tấn công. Dionisote chạy thoát. Thần Zeus can thiệp, trừng phạt nhà vua.  Nhưng Dionisote còn phải chịu nhiều khổ cực oan trái nữa mới được cha Zeus cho về thế giới thần linh Olympe làm vị thần bất tử. Dân chúng Hi Lạp học được nghề trồng nho và nấu rượu nho, trở nên khá giả. Họ biệt ơn vị thần Dionisote, lập đền thờ chàng [Về sau, trong nghi lễ tế thần có con dê – một hóa thân của Dionisote – người ta đã sáng tạo ra thể bi kịch -một đỉnh cao của thơ [Bi kịch: Tragos -con dê,  tiếng Anh: Tragedy] .

CUỘC ĐỜI ANH HÙNG HERACLES

[Hercules]

Trước hết hãy kể về người anh hùng Perce lừng lẫy, ông tổ  bốn đời của dũng sĩ Heracles .

Vua Acrisios hiếm hoi chỉ sinh được một con gái tên Danae. Cô bé lớn lên ngày càng xinh đẹp. Vua thường mong có con trai nối dõi, đến cầu xin thần Apollon ở đền thờ Denph . Thần phán truyền: vua sẽ không có con trai. Nhưng cô Danae sẽ sinh con trai, và đứa cháu ngoại sẽ giết ông cướp ngôi vua. Vua hoảng sợ, tìm cách ngăn chặn hậu họa. Không nỡ giết hại con gái, ông cho xây căn hầm sâu trong lòng đất, đưa Danae xuống nhốt trong căn buồng bốn vách tường đồng vững chắc nhằm ngăn cách nàng với những kẻ đàn ông … Trải bao tháng ngày sống dười hầm sâu, Danae tội nghiệp chỉ ngắm nhìn bầu trời qua một ô cửa nhỏ. Thần tối cao Zeus đã nhìn thấy nàng công chúa xinh đẹp đáng thương. Zeus hóa làm một cơn mưa, chui lọt xuống hầm sâu và ăn ở với Danae. Nàng thụ thai, sinh một con trai .

Ông vua chưa nản chí, ông đóng một chiếc thùng gỗ, bỏ hai mẹ con Danae vào rồi đẩy thùng trôi ra biển khơi. Thùng gỗ trôi dạt vào một hòn đảo và một ngư dân đã cứu họ thoát chết. Lớn lên, cậu bé Perce làm nghề chài lưới. Chàng lập nhiều chiến công tiễu trừ quỉ dữ với sự trợ giúp của thần Zeus  và các vị thần linh. Perce đi trừng phạt thần Atlas, biến anh ta thành quả núi đá đứng vác bầu trời trên một bên vai. Rồi một ngày kia, hai mẹ con tìm đường trở về quê hương. Trên đường về, họ ghé thăm vương quốcLarisa. Ông vua Acrisos nghe tin con gái và cháu ngoại đang trên dường về quê thì hoảng sợ, đi sang lánh mặt ở vương quốcLarisa. Ở xứ này đang diễn ra một cuộc thi đấu thể thao. Perce bước vào tham dự môn ném dĩa. Chiếc dĩa sắt nặng bay đi quá mạnh, rơi vào đám khán giả, trúng ngay đầu ông ngoại- vua Acrisos đang đứng xem khiến ông chết tại chỗ. Lời tiên tri Apollon ngày xưa đã ứng nghiệm. Chàng dũng sĩ Perce quá đau xót vì sự rủi ro, làm đám tang trọng thể cho người ông xấu số ở quê nhà. Chàng trao đổi vương quốc của ông ngoại lấy một vương quốc khác rồi lên ngôi vua ở đó.

Vua Perce lập gia đình, sinh con trai tên Electrion. Vua Electrion lại sinh được chín trai một gái. Con gái đặt tên là Ankmen, về sau gả cho hoàng tử nước láng giềng là Amphitryon .

Hoàng tử Amphitryon thường đi chiến trận vắng nhà. Thần Zeus chú ý, liền hóa thành hoàng tử “Amphitryon“ về gặp Ankmen. Hai người ân ái ba ngày đêm liên tục, thần Zeus ra lệnh cho thần Mặt trời Apollon không được mọc suốt ba ngày ấy. Thần Zeus vừa đi khỏi thì chồng nàng trở về. Ankmen hiểu rằng nàng đã nhầm lẫn không thể sửa chữa. Nàng Ankmen có tai, sinh đôi hai đứa con trai- một của chồng, một của thần Zeus Thần Zeus ẵm đứa con của mình về, lừa lúc nữ thần Hera ngủ say, cho thằng bé bú trộm sữa thần bất tử của Hera. Hera đang ngủ chợt thấy độn, tỉnh dây, hất đứa bé ra. Nó đã bú gần no, rời miệng khỏi vú. Một dòng sữa trắng lớn vọt ngang trời  thành dải sao rộng lớn, gọi là Milky Galaxy [chòm sao sữa], phương Đông gọi là sông Ngân Hà. Thần Zeus ẵm bé bỏ chạy, trả cho mẹ nó, rồi đặt tên nó là Heracles [vinh quang của Hera]. Nữ thần Hera vẫn ghen tức, tìm mọi cách truy đuổi giết thằng bé Heracles. Bà ta cho hai con rắn độc chui vào buồng ngủ của hai bé  trong cung điện của Ankmen. Chú bé Heracles 10 tháng tuổi ngồi trong nôi  hai tay bóp chết hai con rắn.

Lớn lên, Heracles đi chăn gia súc, luyện tập võ nghệ. Có lần, chàng lập công lớn diệt trừ một con quái vật khủng khiếp, được nhà vua xứ nọ gả cho tất cả 50 công chúa để thưởng công [cũng là cách chọn và nhân giống anh hùng Heracles]. Chàng phaỉ tiến hành 50 lễ cưới liên tục trong 50 ngày, con cái của Heracles về sau đông đúc không kể xiết. Heracles tiếp tục chiến đấu lập công, lại được vua thànhThebesgả công chúa Mega. Cuộc sống lứa đôi này mới thực sự hạnh phúc, sinh được 8 đứa con. Nhưng nữ thần Hera vẫn  đeo đuổi trả thù, dùng phép thuật làm cho chàng phát điên giết hết 8 đứa con của mình và mẹ chúng làMegara, và nhiều đứa bé khác. Hera yêu cầu thần Zeus trừng phạt Heracles vì tội giết người. Buộc lòng thần Zeus phải thi hành công lí, bắt Heracles đi làm đầy tớ cho nhà vua Euriste ở nơi quê cha đất tổ trong 12 năm và hứa sau khi hết hạn sẽ cho về núi Olympe – thế giới của thần linh.

Trở về quê nhà, thành bang Miken, chàng phải làm nô lệ cho tên vua hèn nhát ốm yếu . Hắn lợi dụng Heracles có sức khỏe và võ nghệ, liên tiếp sai anh đi làm những công việc nguy hiểm, ác liệt và vất vả. Heracles lên đường 12 lần lập công trong 12 năm. Đó là 12 chiến công lừng lẫy:

1 –  Giết con sư tử khổng lồ ở Nemee

2 –  Giết con mãng xà Hydrer

3 –  Bắt sống con lợn rừng hung dữ ở Erymanthe

4 –  Bắt sống con hươu cái Cerynie

5 –  Tiêu diệt đàn ác điểu ở hồ Stymphale

6 –  Quét dọn sạch chuồng bò hàng nghìn con ba mươi năm chưa dọn ở Aujat.[Châu Âu có thành ngữ “dọn sạch chuồng bò Aujat” [ngụ ý một tình  trạng trì trệ, hỗn độn cần được thanh toán, xóa bỏ] .

7 –  Bắt con bò mộng ở đảoCrete.

8 –  Đoạt bầy ngựa cái của Diomede

9 –  Đoạt chiếc thắt lưng  của Hipplite – nữ hoàng cai quản xứ Amazon

10 -Đoạt đàn bò của Geryon

11 -Bắt sống chó ngao Cerbere

12 -Đoạt những quả táo vàng của chị em Hesperides xứ Aicập. Nhờ thần Atlas, bị thần lừa và nhanh trí lừa trả miếng.

Sau mười hai chiến công, dũng sĩ Heracles cưới công chúa Dedaniar. Vô tình phạm tội giết người, chàng lại bị đày đi làm nô lệ cho nữ hoàng Omphale ở xứ Libi ba năm. Heracles lại tham gia cuộc chiến thành Troie 10 năm. Chàng yêu một thiếu nữ khác, vợ chàng- Dedaniar ghen tuông, mắc lừa con nhân mã, vô tình hại chồng bằng tấm áo thấm maú con nhân mã mà nàng tưởng nhầm là chiếc áo bảo vệ lòng chung thuỷ. Heracles trúng thuốc độc, chàng đau đớn không chịu nôỉ nên đành tự thiêu. Zeus tối cao đón chàng về đỉnh núi Olympe trở thành vị thần bất tử .

NỮ THẦN ATHENA THI ĐẤU VỚI CÔ THỢ DỆT ARAKNEE

Có một cô thợ dệt giỏi ở thành Athens, sau khi giành chiến thắng vượt qua nhiều thợ khác trong một cuộc thi tài, cô kiêu hãnh tuyên bố “ngay cả nữ thần Athena cũng không thể hơn ta được !“. Athena chính là vị thần sáng tạo ra nghề dệt. Athena nghe thấu nhân gian, tức giận cô thợ dệt Araknee, liền giả làm một bà cụ già tìm gặp Araknee và yêu cầu cô nhắc lại lời thách thức nữ thần. Khi nghe cô thợ giỏi nhắc lại lời thách thức, nữ thần Athena nhận lời thánh đấu. Cuộc thi dệt diễn ra trước sự chứng kiến của dân chúng. Cuộc thi khá sôi nổi, và cuối cùng, nữ thần Athena chiến thắng. Để trừng phạt kẻ thua cuộc kiêu ngạo không biết kính trọng thần linh, Athena hóa phép biến cô thợ Araknee thành con nhện, suốt đời dệt mãi những tấm lưới. Sự tích con nhện Hi Lạp là như thế.

TRUYỆN TÌNH  CỦA DANH CA ORPHEE

Thần sông Oagre là vua xứ Thras, ngài cưới Mude Caliop vốn là tiên nữ cai quản sử thi làm vợ. Họ sinh được con trai đặt tên là Orphee. Cậu bé bộc lộ sớm năng khiếu nghệ thuật, say mê đàn ca. Thần Apollon ban cho cậu một cây đàn liere 7 dây và nguồn cảm hứng vô tận, trái tim nhạy cảm dễ xúc động. Giọng hát của cậu cao vút trong trẻo ấm cúng lạ thường, hể cất tiếng là thành lời ca ứng tác. Đặt tay vào đàn thì giai điệu vang lên, chàng hát theo hoà hợp du dương êm ái. Chàng lại tăng thêm hai dây cho cây lia thành 9 dây. Vào rừng dạo chơi và hát, cây cối núi đá con suối lắng nghe, không con thú nào xâm phạm chàng, gọi nhau quây quần theo chàng. . .  tất cả đều hiền lành, nhảy múa reo quanh chàng . Cây đàn theo cuộc viễn chinh sang xứ Consite phương Đông đoạt bộ lông cừu vàng. Về quê, chàng cưới một tiên nữ rừng Nymph tên là Euridic. Cuộc tình thật hạnh phúc tuyệt vời. Nhưng một tai hoạ  xảy ra :nàng cùng bạn nymph vào rừng hái hoa đạp phải con rắn độc, nó mổ vào chân nàng. Nàng lịm dần, rồi tắt thở. Các bạn khóc vang rừng. Orphee chạy  đến, chỉ còn quì bên xác vợ khóc mãi. Núi rừng ủ rũ buồn rầu trầm mặc. Đắp một ngôi mộ cho nàng, chàng về nhà sắp sửa hành lí để tìm xuống âm phủ . Vượt bao gian nan hiểm trở, vượt qua sông Stich biên giới .giữa cõi trần và âm phủ, chàng gặp thần linh Hadex chủa tể âm phủ. Orphee bày tỏ mối tình đau khổ của mình và nàng Euridic, thần Hadex động lòng thương, thuận cho nàng theo chồng về cõi trần. Thần  ra điều kiện: trên đường trở về Orphee đi trước, vợ đi sau, chàng không được quay lại nhìn vợ, nếu không thực hiện đúng thì nàng sẽ phải ở lại cõi âm. Hai người  quay về  trần thế. Đường xa, chàng lắng nghe không thấy tiếng nàng. Chàng lo lắng, chẳng biết nàng có theo kịp hay đã lạc đường, hay là gặp tai hoạ nào chăng ? Sôt ruột, chàng quên cả lời dặn của Hadex, quay phắt lại tìm người vợ yêu. Hình ảnh nàng Euridic hiện vụt lên trước mặt rồi từ từ lui dần,  rồi biến mất. Chàng kêu lên thảm thiết và tuyệt vọng . . .

Bốn năm sau cái chết của vợ yêu Euridic, chàng vẫn không yêu ai nữa . . . Một đám phụ nữ ghen tức, chửi mắng . . . thậm chí họ đánh đập chàng. Họ còn phanh thây chàng, vứt cây đàn xuống một dòng sông, nước sông ngân lên tiếng đàn réo rắt khóc thương chàng danh ca của núi rừng . . . Các loài thú dữ cũng khóc chàng, những tiên nữ nymph mặc đồ tang đen, để tóc xoã . Còn cây đàn thần, Apollon xin phép Zeus đặt lên bầu trời thành chòm sao liere. Lại tìm nhặt thi hài chàng chôn dưới chân núi Olympe. Linh hồn chàng về âm phủ, gặp lại vợ yêu và đoàn tụ muôn đời bên nhau .

Ngày nay ở châu Âu có cuộc thi âm nhạc hàng năm mang tên Orphee và giải «Orphee vàng» .

ĐẶC ĐIỂM NỘI DUNG, NGHỆ THUẬT  CỦA THẦN THOẠI HI LẠP

Thần thoại Hi Lạp là những sáng tác văn học đầu tiên, sớm gắn bó với cuộc sống sinh hoạt tinh thần của nhân dân. Những lời kể chuyện của các bô lão bên bếp lửa gia đình, những bài ca của người hát rong ở các đô thị, làng quê và những lời giảng của các nhà hiền triết chốn cung đình cho bậc vua chúa nghe. Những câu chuyện chất phác ngây thơ mà chứa đựng một dung lượng trí tuệ sâu sắc và những vẻ đẹp kì ảo. Nó là cội nguồn sự sống tâm hồn phong phú của nhân dân Hi Lạp trong buổi bình minh của lịch sử

I . THẦN THOẠI PHẢN ÁNH NỘI DUNG HIỆN THỰC ĐẤT NƯỚC HI LẠP THỜI CỔ ĐẠI

Cuộc sống  của xã hội Hi Lạp thời cổ đại được miêu tả sống động và huyền thoại hóa trong hệ thống truyện thần thoại .

1 -Nền sản xuất, trình độ sản xuất và công cụ lao động được miêu tả khá rõ nét trong những câu chuyện có vẻ hoang đường về các vị thần .

Thần thoại Demeter kể về vị nữ thần trông coi việc trồng trọt mùa màng .Nghề trồng nho và nấu rượu nho do thần Dionisos khởi phát. Nghề rèn được tả  trong cuộc đời thần thợ rèn Hephaistotê. Nghề dệt tinh xảo được tả trong cuộc thi tài của cô thợ dệt Ankmen và nữ thần Athena ở thành Athens. Nghề đi biển, nghề thương mại là công việc của thần Hermet, nghề chăn nuôi du mục trong nhiều câu chuyện như Icare mục tử, dũng sĩ Percee. . . Chuyện các thủy thủ trên con tàu Acgo cho ta biết người xưa đã biết thuần hóa bò rừng thành bò nhà để kéo cày, gieo hạt . . .

2 – Cuộc đấu tranh chống kẻ thù bốn chân và hai chân :

Thiên nhiên hung dữ gây bao tai họa cho con người cổ đại. Nạn hồng thủy, núi lửa , động đất, bão táp, thú dữ thú độc đều được miêu tả sinh động trong thần thoại. Truyện thần Apollon tiêu diệt mãng xà vùng Denph, truyện sư tử Nemee, bò rừng, chó ngao Xerbe, ác điểu … bị dũng sĩ Heracles chinh phục hoặc tiêu diệt.

Con người đã phải chiến đấu gay go, ác liệt để chinh phục thiên nhiên hoang dã mà sản xuất, làm ăn

 . Anh hùng Heracles dùng đôi tay thần kì và cái cuốc uốn nắn dòng sông Anphe và Pene cho chảy qua chuồng bò Aujat khổng lồ. Anh hùng Thesee bắt quái vật đầu người, bắt con ngựa có cánh Pegade. Những con Sirens [nàng tiên cá có tiếng hát quyến rũ kéo thủy thủ lao đầu xuống biển sâu]  cũng bị Odyssee và chàng nhạc sĩ Orphee vô hiệu hóa

Cuộc xung đột giữa con người chân chính chống những kẻ thù hai chân – những tên xâm lược tham lam cũng được miêu tả hấp dẫn. Các anh hùng Heracles, Thesee . . . đã đương đầu với chúng để bảo vệ dân chúng. Riêng chàng Heracles đã chống lại nhiều tên lãnh chúa bạo tàn, hèn nhát, tham lam, đố kị. Tên Diomet nuôi ngựa dữ bằng thịt người. Tên khổng lồ Poliphem ăn thịt người, xây lâu đài bằng xương sọ người… chúng đã bị nhũng anh hùng trừng phạt theo công lí nhân dân.

3 – Sinh hoạt xã hội, phong tục tập quán cũng được miêu tả phong phú trong thần thoại:

Những cuộc đấu thể thao đầu tiên do thần Apollon đề xướng. rồi thi tài âm nhạc của Apollon với thần Pang, chàng nghệ sĩ Orphee. . .Chuyện  9 nữ thần nghệ thuật  con gái của Zeus. Những chuyện tình yêu,  hôn nhân, gia đình. Kiện tụng  trong xã hội mà thần thánh là quan tòa tối cao xét xử .

Nữ thần Rhae đẻ ra Zeus trong một “hang đá xa xôi“ , nữ thần Maya đẻ ra Hermet đem đặt vào hang đá. Thần Apollon dionisote chăn bò, chiều lại lùa bò về hang. . . đã chứng minh ngôi nhà đầu tiên của con người là hang đá .

Chế độ quần hôn, tạp hôn, hôn nhân tập đoàn được kể trong nhiều chuyện. Nhất là thần tối cao Zeus trải nhiều cuộc tình không phân biệt gia hệ, Heracles cưới cả năm chục chị em . Thần Uranos phối hôn với mẹ Gaia, thần Cronos cưới chị ruột là Rhea, thần Zeus cưới em gái là Hera . . .

Tục lệ hiếu khách của dân Hi Lạp do thần Zeus ban hành, ai vi phạm sẽ bị thần linh trừng phạt. Nghĩa là, ban đầu tục lệ phải được áp đặt, lâu ngày mới thành quen. Khách đến nhà phải được chủ nhà tiếp đãi chu đáo, được bảo vệ an toàn. Thần Zeus nhiều lần vi hành đi tìm những kẻ vi phạm tục lệ để trừng phạt [truyện Philemon]

Sự tiến bộ trong quan hệ nhân văn cũng được tả qua truyện Heracles bị trừng phạt vì tội giết con, giết vơ .

Những kẻ vi phạm đạo đức như ích kỉ, dối trá cũng bị trừng phạt. Đó cũng là bước đầu hình thành đạo đức [chưa phải là luật pháp] nên câu chuyện thần thoại là một kiểu tuyên truyền giáo dục có hiệu quả đặc biệt .

Kể từ khi xã hội phát sinh chế độ tư hữu, xã hội phân hóa giai cấp dẫn tới quan hệ giữa con người với con người ngày càng xấu đi. Những cuộc tranh giành của cải cũng chẳng kém phần quyết liệt. Đặc biệt bọn vua chúa, chủ nô tham lam bị thần thoại đả kích thích đáng .

II .  THẦN THOẠI PHẢN ÁNH TƯ TƯỞNG, TÌNH CẢM CỦA NGƯỜI HI LẠP CỔ ĐẠI:

1 – Chủ nghĩa duy vật thô sơ hình thành.

Mặc dù thần thoại thấm đẫm thế giới quan thần linh, nhưng cách giải thích  các hiện tượng tự nhiên và xã hội vẫn  mang màu sắc hiện thực và duy vật. Chẳng hạn, thần Promethe sinh ra từ đất, thần Decalion sinh ra từ đá, nữ thần Arthemis, Venus sinh ra từ bọt biển . . . Nghĩa là đều do vật chất sinh ra. Kể chuyện 4 gia hệ thần, người Hi Lạp muốn trình bày sự biến chuyển của thế giới từ thấp đến cao, từ hoang sơ đến tinh xảo, đẹp đẽ.. nhân vật con trai út bao giờ cũng phát triển thành công hơn những người anh.

Nhân vật chính thay đổi từ thần linh dần dần chuyển sang con người, tức là từ chủ nghĩa thần linh sang chủ nghĩa nhân văn. Vai trò con người ngày càng khẳng định .

Rõ ràng đó là tư tưởng duy vật và có tính biện chứng. Thần thoại không chỉ là hoang đường mà còn có tính logic. Nữ thần mùa xuân Percephon chỉ ở với mẹ ¼ năm, ngoài ra phải về âm phủ sống với chồng là Hadex.

2 – Nội dung nhân văn đậm đà trong thần thoại  Hi Lạp

Phân biệt ý niệm chính- tà từ rất sớm:

Trong những  gia hệ thần, người kể chuyện biểu lộ rõ thái độ  ca ngợi các vị thần tích cực và phê phán các thần tiêu cực. Từ sau đó dần dần phân biệt hai loại thần đối lập. Nữ thần Rạng Đông xinh đẹp với những ngón tay hồng, nữ thần Đêm Tối sinh ra thần Chết. thần Mộng Mị, thần Số Mệnh, thần Tuổi Già. Thần Hephaistote xấu xí chân thọt nhưng vẫn được mọi người quí mến vì có  công giúp người lao động rèn công cụ và vũ khí. Trái lại thần Chiến tranh Arex có bộ mặt đẹp đẽ nhưng ai ai cũng căm ghét, ngay cả vợ hắn là thần  Venus cũng  đi ngoại tình. Hắn có con riêng là nữ thần Bất Hòa.

Tư tưởng đạo lí công bằng được đề cao: trừng phạt và khen thưởng. Phần thưởng cao nhất là được trở về đỉnh núi Olympe  hào quang chói lọi, sống bất tử cùng thế giới thần linh  và cuộc đời vui bất tận.

Thái độ trân trọng tất cả những gì có ích cho cuộc sống con người. Đặc biệt thái độ đối với thiên nhiên: trân trọng cây cối, hoa trá , trừng phạt những kẻ bạc đãi thiên nhiên tươi đẹp, nuôi dưỡng con người. Một tên vua chặt một cây sồi đã bị thần Đói đến thăm nhà. Kẻ nọ vác cuốc chặt vườn nho bị thần Dionisos trừng phạt đến chết .

Đề cao những tình cảm đạo đức lớn lao: tình yêu quê hương, đất nước, đồng bào, đồng loại .. đến các tình cảm gia đình tình mẫu tử, vợ chồng, anh em, cha con thủy chung son sắt.

III. ĐẶC ĐIỂM NGHỆ THUẬT CỦA THẦN THOẠI

Đó là tính lãng mạn và cái đẹp cổ đại, chất thơ, trí tưởng tượng tràn đầy trong thần thoại  . Phẩm chất đó là nét đặc trưng của Con Người, thể hiện trên những yếu tố sau :

Ước mơ hi vọng của nhân dân về cuộc sống lao động nhẹ nhàng, bớt cực nhọc, năng suất cao. Người lao động tự bảo vệ được mình chống lại mọi thứ kẻ thù, kẻ xâm hại .

Thần thợ rèn, thần thợ xây, thần dệt vải, thần rượu nho… đều dạy con người biết cách thay đổi cuộc sống của mình. Thần đưa tin chế ra đôi hài nhanh hơn ý nghĩ để thỏa mãn nhu cầu thông tin của con người. Thần Heracles thể hiện ước mơ sức khỏe, lòng can đảm diệt trừ kẻ ác và thú dữ để bảo vệ cuộc sống.

Cuộc sống gắn bó với thiên nhiên làm nảy sinh những cảm xúc mĩ học. Người xưa đã biết say sưa ngắm  bầu trời đêm đầy sao, những lớp sóng bạc kì vĩ của  đại dương, đêm trăng huyền diệu  và rạng đông hồng tươi ấm áp lòng phấn khởi.

Trong sinh hoạt tinh thần thẩm mĩ, nhu cầu nghệ thuật cũng là đề tài phong phú hấp dẫn trong thần thoại. Tiếng đàn ngân nga thánh thót của Amphion khiến cho hòn đá xúc động tự chồng chất  lên xây thành lũy. Thần Apollon là tay đàn xitar hạng nhất luôn thắng trong mọi cuộc thi tài. Thần linh và con người cùng nhau thi tài nghệ thuật. Cây đàn liere của nghệ sĩ Orphee khiến cho thiên nhiên ngưng lặng lắng nghe, thú dữ phủ phục dưới chân chàng.

Ước mơ trẻ đẹp, sống bất tử cũng thể hiện bàng bạc trong những trang thần thoại. Họ ước ao có cây gậy thần kì với hai đầu “sống và chết» của thần Hermet. Họ cũng ước ao có thầy thuốc tài giỏi chữa bệnh cứu người.

Những trang văn miêu tả vẻ đẹp đầy chất thơ cảnh sinh hoạt thanh bình. Hoàng hậu Leda ngồi bên sông ngắm nhìn đàn thiên nga nô rỡn trên mặt nước. Nàng công chúa Europ mặc xiêm y đỏ thắm, tay cầm lẵng bằng vàng hái hoa hồng bên đám thiếu nữ đảo Crete xiêm áo trắng ngần vui đùa trên đám cỏ xanh.

Cái đẹp của thế giới đã được tái tạo qua trí tưởng tượng  và cảm xúc thẩm mĩ phong phú của người Hi Lạp  Họ suy tôn cái đẹp, ca ngợi hết lời cái đẹp. Câu chuyện  tranh chấp quả táo vàng  thực ra là tranh chấp danh hiệu người đẹp nhất – được coi là cuộc thi hoa hậu đầu tiên của loài người. .. Đối với dân tộc này, cái đẹp là tuyệt đối và trên hết .

Trong nghệ thuật sáng tạo thần thoại, trí tưởng tượng của người xưa đã tạo ra hình ảnh kì diệu về bản thân con người. Hình tượng thần Atlas, Heracles ghé vai đỡ cả bầu trời nói lên ý chí và sức mạnh tinh thần của con ngườ . Trí tưởng tượng của thần thoại  Hi Lạp đựa trên một trình độ tư duy rất cao  cùng với sự quan sát  thực tế chính xác tỉ mỉ.

“Không có thần thoại  Hi Lạp thì không có nghệ thuật  Hi Lạp” [nhận xét của Karl Marx]. Bao nhiêu bức tượng và công trình kiến trúc và điêu khắc kì vĩ đã ra đời theo sau thần thoại. Thần thoại còn cung cấp đề tài cho hai thiên anh hùng ca- sử thi bất hủ Illiade và Odyssee, cho những bài thơ, nhũng vở bi kịch. . . Thần thoại  Hi Lạp còn chi phối cả quan điểm chính trị và đạo đức của thời cổ đại Hi Lạp.

Thần Thoại  Hi Lạp là chương đầu tiên của pho  lịch sử đất nước và dân tộc Hi Lạp – cũng là chương đầu của bộ lịch sử văn học nước này.

Đối với Phương Tây, ảnh hưởng của thần thoại Hi Lạp xuyên suốt và bao trùm mọi thời kì, mọi loại hình nghệ thuật  và sinh hoạt văn hóa.

Thần Thoại  Hi Lạp là kho điển tích vô tận cho mọi trào lưu văn học – nghệ thuật  châu Âu kể từ thời đại Phục Hưng về sau.

Câu hỏi ôn tập:

  1. Nhận xét  về gia đình thần thánh tối cao, ý nghĩa sự lựa chọn xây dựng nhân vật của tác giả dân gian.
  2.  Quan niệm nghệ thuật [âm nhạc] của người Hi Lạp cổ đã được thể hiện trong truyện danh ca Orphee như thế nào ?
  3. Thần thoại Hi Lạp là quá trình đi từ chủ nghĩa thần linh đến chủ nghĩa nhân văn cổ đại. Chứng minh .

³

CHƯƠNG III           SỬ THI HOMER

Illiade và Odysse là hai thiên sử thi bất hủ của văn học cổ đại Hi Lạp, là sáng tác hoặc sưu tập của nhà thơ Homer, người được coi là “cha đẻ của thi ca Hi Lạp” .

I .VẤN ĐỀ HOMER VÀ THỜI ĐẠI HOMER

Giới nghiên cứu văn học trên thế giới đến nay vẫn còn tồn tại hai khuynh hướng về tác giả của hai kiệt tác nói trên. Một hướng cho rằng đó là sáng tác dân gian, truyền miệng và Homer chỉ là người sưu tập thành văn bản. Hướng khác cho rằng Homer chính là tác giả .

Nhà phê bình văn học Nga Bielinski đã đưa ra luận điểm khá thuyết phục rằng sáng tạo của Homer gắn liền với những đoạn, mẩu truyện  rời rạc trong dân gian. Homer đã tổng hợp và sáng tạo rất công phu để cho ra hai tác phẩm vĩ đại .

Homer sinh vào khoảng cuối thế kỉ thứ 9 trước C.N, trong một gia đình nghèo. Thuở nhỏ học hành thông minh, lại được mời đi làm gia sư và có dịp đi du lịch nhiều nơi. Sau khi bị mù, ông kiếm sống bằng nghề hát rong, từ đó mang biệt danh Homer [gốc tiếng Hi Lạp Homeros: người mù]. Ông hát và kể những chuyện sử thi. Trong thời gian đó, ông sáng tác hai bộ sử thi đó để làm công cụ lao động hát rong.

Hai bộ sử thi là tác phẩm văn học, đồng thời cũng là hai bộ lịch sử khá chân xác của thời cổ đại. Về sau , các nhà khảo cổ học, nhà sử học, nhà xã hội học đã phải dựa vào văn bản sử thi để dựng lại lịch sử Hi Lạp cổ đại. Họ đặt tên cho thời kì từ thế kỉ 13 đến 12 trước C.N là “thời kì Homer”. Đó là giai đoạn quá độ từ “thời kì dã man” sang “thời kì văn minh”. Nói cách khác, từ chế độ công xã thị tộc chuyển sang chế độ chiếm hữu nô lệ .

Đặc trưng của thời đại đó là: chiến tranh bộ lạc là hoạt động chủ yếu tạo điều kiện tích lũy của cải, nhân lực [nô lệ], mở mang bờ cõi  xây dựng thành bang và ổn định một xã hội có phân chia giai cấp. Sự chiếm đoạt cướp bóc được coi là vinh dự cao cả hơn lao động sáng tạo” [nhận xét của Engels], đó là thời kì “văn minh đẫm máu” [K. Marx ] .

II .  ILLIADE – BẢN ANH HÙNG CA CHIẾN TRẬN Ở THÀNH TROIE

Thành Illion [tên Hi Lạp] còn có tên gọi quen thuộc hơn là thành Troie- tiếng Latinh, và Trois – tiếng Anh. Quân đội Hi Lạp gọi là quân Akay từ thànhAthenskéo quân theo đường biển đi trừng phạt thành Troie. Chiến tranh kéo dài 10 năm. Thành Troie vỡ, quân Akay toàn thắng. Biến cố lịch sử này được kể lại trong một câu chuyện thần thoại  “Cuộc chiến tranh thành Troie“. Sử thi Illiade chỉ miêu tả một sự kiện vào năm cuối của cuộc chiến tranh vây hãm thành Troie ấy [ade là chiến công, chiến tích, cuộc đọ sức. Illiade nghĩa là chiến công thành Illion. Hãy so sánh với Olympiade: nghĩa là cuộc đấu ở núi Olympe ] .

1 – Một biến cố lịch sử được thần thoại hóa

Biến cố lịch sử  này được kể thành câu chuyện thần thoại  nhằm miêu tả cuộc xung đột của các thần linh đã lôi kéo người Hi Lạp tham gia.

Thần chiến tranh Arex không được mời dự đám tiệc cưới của nữ thần đất Thetis với vua Pelet, tức giận tìm cách phá rối đám cưới. Y sai nữ thần Bất Hòa ném một quả táo vàng khắc dòng chữ “tặng người đẹp nhất“ vào giữa bàn tiệ . trong lễ cưới có ba vị nữ thần được coi là đẹp nhất: Hera, Venus và Athena. Cả ba nữ thần đều muốn giành quả táo về mình, họ nhờ thần tối cao Zeus phán xử. Thần Zeus sợ mất lòng cả ba người thân thích [Hera là vợ, Athena con gái và Venus con dâu] bèn tìm cách thoái thác. Zeus đưa ra giải pháp nhờ chàng hoàng tử Paris – con trai thứ nhì của vua thành Troie đến làm trọng tài . Khi lên núi Olympe, chàng hoàng tử Paris được cả ba vị nữ thần lôi kéo dụ dỗ trao táo chọ với những lời hứa đền ơn chàng. Sau khi suy ngh , chàng đã trao táo vàng cho nữ thần Venus. Từ đó Venus được coi là nữ thần Sắc đẹp và tình yêu. Đổi lại, nữ thần Venus giúp chàng quyến rũ được người phụ nữ chàng yêu nhấ – éo le thay lại là hoàng hậu Helen – vợ vua Hi Lạp [thành Akay – Athens] .

Bị mất vợ, vua Menenax sai người anh trai là tướng Agamennon cầm quân đi chinh phạt thành Troie. Các vị thần linh cũng chia hai phe xuống đánh giúp hai bên. Cuộc chiến keó dài ngót  mười năm không  phân thắng bại , cuối cùng một dũng sĩ phe Akay tên là Odysse dùng mưu “con ngựa gỗ“ chiếm được thành Troie. Từ đó thành TROIE sáp nhập vào Hi Lạp [ban đầu chỉ có thành Akay / Athens ] .

Sử thi Illiade chỉ miêu tả một sự kiện xảy ra trong khoảng 50 ngày cuối cùng của cuộc chiến. Tạm gọi sự kiện đó là “cơn giận của Achille”:

Sau một trận tấn công, quân Akay chiếm được một số chiến lợi phẩm trong đó có hai cô gái thành Troie xinh đẹp. Hai cô được đem chia cho hai dũng sĩ hạng nhấ . Tướng chỉ huy Agamennon nhận cô Crizeid, còn dũng sĩ Achille vô địch nhận cô Brizeid làm nữ tỳ. Cha của Crizeid là viên tư tế trông coi đền thờ thần Apollon. Vì quá thương con gái, ông đem nhiều của cải xin cuộc lại Crizeid. Nhưng tướng Agamennon chối từ. Cha của Crizeid liền cầu khẩn thần Apollon trừng phạt kẻ thù. Thần Apollon liền gieo bệnh dịch hạch khủng khiếp xuống trại quân Akay. Nhiều binh lính ngã bệnh chết thảm khố . Nhờ thần linh mách bảo, quân Akay biết rõ nguyên nhân, liền họp hội đồng quân sự, yêu cầu tướng Agamennon trao đổi cô Crizeid. Ban đầu y  phản đố . Khi hội đồng binh sĩ đe dọa bỏ về quê , y đành nhượng bộ nhưng dành lại cô Brizeid của dũng sĩ Achille . Chàng nổi giận phản đối , nhưng lại nhượng bộ vì quyền lợi chung của toàn quân . Nhưng chàng tuyên bố không chiến đấu nữa mà đi nằm ngủ . Trong những trận giao chiến sau đó , quân Akay bị thất bại liên miên vì thiếu người dũng sĩ vô địch Achille .

 Dũng sĩ Patriot – bạn thân thiết của Achille trong một trận đấu với Hector – hoàng tử tài giỏi nhất thành Troi , chàng đã ngã gục dưới mũi giáo Hecto . Đau đớn, thương bạn vô cùn , Achille khóc lóc thảm thiết , Achille lên ngựa xông ra trận với tuyên bố quyết trả thù cho bạn. Cả thành Troie can ngăn Hector nên đóng cổng thành cố thủ, tránh đối đầu Achille. Nhưng ngày nào quân Achille cũng kéo tới chửi mắng. Hector không thể chịu đựng, mặc vợ là nàng Andromac ẵm con can ngăn, mọi người níu kéo, chàng cầm giáo lên ngựa mở cổng thành. Trận giao tranh ác liệt chưa từng có  suốt 10 năm. Cuối cùng, Hector ngã xuống dưới ngọn giáo của Achille vô địch. Chưa hả giận vì thương bạn, Achille buộc xác Hector vào sau ngự , kéo xác chàng vòng quanh cổng thành Troi. Cả thành Troie và ông vua già Priam bàng hoàng , đau đớn. Mặc mọi người can ngăn, người cha già ấy dũng cảm một mình mang của cải sang trại quân thù xin chuộc xác con trai – Hector – người anh hùng thành Troie. Nhờ thần linh yểm trợ và tài hùng biện khôn ngoan của mình, ông vua già anh hùng đã thuyết phục được Achille. Kết thúc sử thi là cảnh đám tang trọng thể bi thương của thành Troie, chàng Hector anh hùng trở về trong nỗi tiếc thương vô hạn của dân chúng, của người vợ Andromac trong mấy ngày tạm đình chiến ở thành Troie.

2- Phân tích tác phẩm

Theo truyện thần thoại, nguyên nhân chiến tranh là do các thần linh với quả táo bất hòa – cuộc thi hoa hậu độc đáo đầu tiên của nhân loại. Nhưng đến sử thi Illiade, nhà thơ Homer đã miêu tả chiến tranh xảy ra rõ ràng bắt nguồn từ lòng tham lam của con người. Thần tối cao Zeus nói: “Chính họ đã gây ra cuộc chiến vì lòng tham mù quáng của mình“. Tác phẩm chỉ xoay quanh cơn giận của Achille – xét cho cùng nguyên nhân chỉ vì xung đột về quyền lợi khi chia phần. Họ kéo đến đây vì thành Troie giàu có nhiều bạc vàng châu báu và gái đẹp, và vị trí đầu mối giao thông quan trọng. Họ đưa ra cái cớ đi đòi nàng hoàng hậu đa tình, điều đó vô lí vì nàng tự nguyện  theo người tình sang thành Troie. Cảnh cuối cùng của sử thi rất có ý nghĩa: nàng Helen khóc lóc thảm thiết bên xác Hector – người anh chồng mà nàng quí trọng .

Lí tưởng anh hùng và nhân vật anh hùng lí tưởng

[Lí tưởng thẩm mĩ của thời đại]

Lí tưởng thời cổ đại chính là phẩm chất của những người anh hùng của cả hai bên tham chiến. Thời ấy chưa phân biệt chiến tranh phi nghĩa hay chính nghĩa. Miễn là người anh hùng chiến đấu cho cộng đồng thì được ca tụng. Những người anh hùng mang trong mình lí tưởng của thời đại. Chúng ta hãy tổng hợp tính cách của họ thì sẽ xác định được lí tưởng của thời đại ấy .

Trước hết, người anh hùng coi trọng danh dự, khao khát chiến công. Hãy nghe Sarpedon thủ lĩnh quân Troie nói trước toàn quân: « Vì sao mọi người kính trọng chúng ta hơn kẻ khác, dành cho chúng ta ngồi đầu bàn tiệc, coi chúng ta như thần thánh ? Hãy xông lên! Hoặc là chúng ta nhường vinh quang cho kẻ khác hoặc giữ lấy cho mình . . .”

Dũng tướng Hector trước khi xuất trận  gặp vợ là Andromac bồng con ra ngăn chàng , khóc lóc thảm thiết:” Hector chàng ơi, với em chàng là tất cả. Chàng là cha, là mẹ cũng là người chồng đang độ thanh xuân. Xin hãy thương em mà ở lại để cho con chàng khỏi phải mồ côi, vợ chàng khỏi thành kẻ góa bụa“. Chàng ngậm ngùi xúc động nhưng vẫn nói”.Nàng ơi chính ta cũng lo lắng như thế. Nhưng nếu ta lẩn trốn thì còn mặt mũi nào mà nhìn người dân thành Troie trùm khăn dài tha thướt. . . Ta đã quen anh dũng chiến đấu ở hàng đầu quân Troie để giữ gìn danh tiếng của phụ thân ta và ta. . . Ta biết rằng thành Illion một ngày kia sẽ bị tiêu diệt. Ta nghĩ  tới cảnh nàngbị bắt mang đi làm nô lệ. trông thấy nàng nước mắt đầm đìa, người ta sẽ bảo – đó là vợ của Hector kẻ thiện chiến nhất thành Illion. . . Ta muốn chết để khỏi nghe tiến nàng kêu khóc và nhìn thấy nàng bị lôi đi. Dù có chết , ta cũng phải chết một cách vinh quang . Phải lập chiến công oanh liệt lưu danh hậu thế“ – Biết mình sắp hy sinh, dũng sĩ Hector vẫn nói “những lời có cánh“ .

Người anh hùng không chỉ sống với vinh quang trước mắt mà còn cảm thấy sẽ tồn tại cùng vinh quang vĩnh cửu. Họ tin rằng sự nghiệp anh hùng tồn tại lâu dài hơn bản thân anh hùng . Đó là sự bất tử được phong thần .

Lí tưởng anh hùng được miêu tả tập trung cao độ ở nhân vật Achille. Những trang thơ hay nhất, những từ ngữ đẹp nhất dành cho chàng:

“Một con người ưu việt, một đứa con lỗi lạc sức lực phi thường. Xuất sắc hơn tất cả mọi anh hùng“ [lời bà mẹ- nữ thần Thetis, khi mới sinh ra Achille liền nhúng anh vào nước thần để được bất khả xâm phạm- tiếc thay còn sót cái gót chân]. “Achille chạy nhanh như gió, Achille lẫm liệt như thần, Achille vô địch“ .

Achille là hiện thân sức mạnh lí tưởng và lòng dũng cảm lí tưởng. Thấy chàng xuất trận, “đầu gối tất cả người dân thành Troie run rẩy, bàng hoàng. Nghe tiếng chàng thét, trái tim người Troie tan ra như nước“ .

Ngay cả dũng tướng Hector trông thấy Achille còn run lập cập, hoảng sợ quay ngựa chạy. “Kẻ chạy trốn, người đuổi theo. Người chạy trước rất anh dũng, kẻ chạy sau còn anh dũng hơn“ .

Achille không chỉ là hiện thân của sức mạnh và lòng dũng cảm, chàng còn có vẻ đẹp tâm hồn. Khóc bạn chết trận như Achille thực là cảm động: “chàng bốc tro bếp bỏ lên đầu, bôi lên khuôn mặt tuấn tú, chàng nằm vật xuống đất, giơ tay bứt ra từng nắm tóc“ .

Priam cất tiếng van xin tha thiết:

“Hỡi Achille sánh tựa thần linh! Xin ngài hãy nhớ đến thân phụ ngài . thân phụ ngài cũng vào trạc tuổi tôi , cũng gần kề mộ huyệt như tôi. Có lẽ ngài cũng bị những kẻ láng giềng  ức hiếp mà không có ai cứu thoát khỏi chiến tranh và những tai họa của chiến trận . Nhưng ít ra , biết ngài còn sống người cũng được mát dạ mát lòng và ngày ngày người còn hi vọng thấy con trai từ thành Troie trở về. Còn tôi, thảm thương thay ! trên đất thành Troie bao la này tôi đã sinh ra biết bao con trai lỗi lạc, nhưng giờ đây xem như tôi không còn một đứa nào. Khi quân Akay tới đâ , tôi có năm mươi đứa con trai, mười chín đứa cùng một mẹ, số còn lại do các thê thiếp trong cung điện sinh ra. Phần lớn chúng đều bị thần Arex hung tàn giết chết  Nhưng còn Hector, người con độc nhất vô nhị của tôi, vị cứu tinh của thành bang và của chúng tôi. Người con đó vừa rồi trong khi bảo vệ nước nhà cũng đã bị ngài giết chết. Hôm nay cũng vì nó, để cứu nó ra khỏi tay ngài nên tôi tới đoàn thuyền Akay đem theo một số của cải rất hậu để xin chuộc nó v . Hỡi Achille , xin ngài hãy tôn trọng thần linh và nghĩ về thân phụ ngài mà thương xót cho tôi. Tôi còn đáng thương hơn thân phụ ngài, vì tôi đã can đảm làm một việc mà trên cõi đời này chưa có người nào từng làm: tôi đã đưa lên miệng và hôn bàn tay người đã giết con tôi“ .

Cụ nói như vậy, khiến Achille động lòng thương cha  nơi quê nhà, chàng muốn khóc . Chàng đặt tay lên người cụ già  khẽ đẩy cụ ra. Cả hai người đều lặng đi trong nỗi nhớ. Quỳ dưới chân Achille. cụ Priam nhớ Hector mà khóc dầm dề, còn Achille cũng khóc vì thương cha hoặc thương bạn Patriot .Tiếng gào khóc của hai người anh hùng vang dậy trại quân.  Sau đó Achille đỡ cụ già ngồi dậy, cởi mở tâm sự nhớ thương cha già và tự trách mình không làm tròn bổn phận người con, rồi đồng ý trao trả xác Hector cho cụ già anh hùng .

Chàng lặng nghe ông vua già Priam người cha thương con rất mực than van những lời lẽ thương tâm và hùng biện về người con trai anh hùng bại trận của ông. Chàng cảm động trước mái tóc bạc như tuyết và nỗi khổ của ông già. Chàng cũng hiểu được cái sai trái tàn nhẫn của mình khi nghe ông già khéo léo tế nhị vạch ra.Người anh hùng Achille không chỉ dũng cảm, quyết chiến mà còn có tâm hồn cao thượng, biết lắng nghe với một trí tuệ sáng suốt tỉnh táo .

Người anh hùng Achille còn cao thượng trong tình yêu. Chàng thương yêu tha thiết cô Brizeid – nữ nô lệ bắt được của thành Troie: “tôi yêu tha thiết người con gái đó mặc dù tôi mới chiếm được nàng bằng mũi giáo mà thôi“. Đối với anh, cô gái đã là người yêu chứ không còn là tù binh nữa, nên khi bị tước đoạt anh rút gươm ra định chém chủ tướng Agamennon để bảo vệ danh dự. Đó là sự nổi loạn của ý thức cá nhân – sự nổi loạn của thời đại qua cơn giận của một anh hùng ý thức được gía trị con người.

Ông vua già Priam cũng là một người anh hùng chân chính. Lòng can đảm và tình thương con, ý thức trọng danh dự thành bang đã khiến ông đủ can đảm đi chuộc xác con trai trước cơn giận khủng khiếp của kẻ thù. Ông còn có tài hùng biện- đó là phẩm chất sáng suốt, uyên bác, nhạy cảm của một con người anh hùng. Vùa nhún mình lại vừa tự hào tự trọng , ông nói: “tôi còn đáng thương hơn thân phụ ngài nhiều, vì tôi đã có can đảm làm một việc mà trên đời này chưa có người cha nào từng làm: tôi hôn bàn tay người đã giết con mình“

Tác giả sử thi miêu tả người anh hùng không phân biệt họ thuộc phe chính nghĩa hay phi nghĩa. Vấn đề chủ yếu là phẩm chất cá nhân  vai trò cá nhân đối với cộng đồng

Nghệ thuật  xây dựng nhân vật anh hùng rất tiến bộ- thậm chí nhiều thời đại sau không làm được: đó là miêu tả cả hai mặt ưu điểm và nhược điểm của nhân vật, không thiên lệch. Achille nóng nảy giận hờn và có chỗ yếu ở gót chân. Tuy là người anh hùng vô địch, chàng đã ngã xuống khi bị thần linh phản bội  trước khi thành Troie thất thủ.

III . ODYSSE –  BẢN ANH HÙNG CA THỜI HÒA BÌNH

1 . Hành trình gian khổ trở về cuộc sống hòa bình

Bản sử thi thứ  hai  miêu tả nhân vật Odyssee [tên Latinh là Ulise] dũng tướng Hi Lạp sau khi dùng mưu “con ngựa gỗ” hạ được thành Troie cùng các chiến hữu tìm đường trở về quê nhà xứ Itac. Đó là cuộc hành trình đầy phong ba bão táp với bao gian lao nguy hiểm, cả những sự quyến rũ ngọt ngào thử thách lòng chung thủy của họ trên vùng biển Địa Trung hải mênh mông, xa lạ và bí ẩn.

Mở đầu sử thi là những lời ca ngợi hào hùng sảng khoái :

“Hỡi nữ thần Thi ca, hãy hát lên bài ca về người anh hùng muôn vàn trí xảo sau khi dùng mưu kế hạ thành Troie thần thánh, đã phiêu bạt khắp nơi, đặt chân lên nhiều đô thị và am hiểu nhiều phong tục” .

Hãy nhớ lại cuộc chiến tranh thành Troie, Odyssee bất đắc dĩ phải tham gia cuộc chiến tranh mà chàng không muốn. Đang làm vua xứ Itac, chàng có người vợ tốt là Penelop mói sinh đứa con trai Telemac, chàng yêu cuộc sống hòa bình, luyện võ nghệ và chăn cừu. Nhưng vì bị ràng buộc bởi một lời thề với liên minh bộ tộc Akay, chàng cố tìm cách thoái thác. Chàng giả bộ bị điên, nhưng người bạn ranh mãnh đã lật tẩy chàng khiến Odyssee đành phải chia tay gia đình để tham gia cuộc viễn chinh. trong suốt 10 năm ở thành Troie, chàng buồn chán không muốn xung trận. Đến năm thứ 10, sau khi Achille tử trận, quân  Akay khó bề chiến thắng, người anh hùng bất đắc dĩ  Odyssee buộc phải ra  tay  với mưu  kế “con ngựa gỗ“ để mau kết thúc chiến tranh trở về quê nhà. Đây cũng là đoạn mở đầu giới thiệu một người anh hùng  kiểu mới và một thiên sử thi mới của thời đại .

Theo truyện thần thoại  nguyên nhân của bao gian nan nguy hiểm trong suốt 10 năm hành trình trở về quê hương của chàng là do bị thần linh trừng phạt chàng về tội kiêu ngạo với thần linh. Nhưng sử thi miêu tả thêm một nguyên nhân khác: trí phiêu lưu, tò mò khám phá những miền đất là bên kia bờ biển Địa Trung Hải với khát vọng chuẩn bị xây dựng phát triển cuộc sống hòa bình. Những đoàn quân khác theo đường cũ trở về, riêng chàng dẫn đội quân của mình đi ngược chiếu bờ biển Địa trung Hải về quê.

Lại mất thêm 10 năm nữa lênh đênh qua những bến bờ xa lạ với 12 lần gặp nạn. Những người lính không chịu đựng nổi đã lần lượt ngã xuống  hoặc bị thần đại dương Pozeidon nhận chìm dưới những cơn sóng dữ. Chỉ còn sót lại một người anh hùng trí dũng song toàn Odyssee bền bỉ về tới quê nhà. Hãy kể qua một số tai nạn:

Họ đã từng đi lạc vào miền đất Lotapha – châu Phi , xứ sở có những “quả lú“ – kẻ đói khát vội vã ăn vào thì mất hết trí nhớ  Do cảnh giác “đa nghi” Odyssee không vội ăn nên thoát nạn.

Thuyền của họ bị thần biển đánh dạt vào một hòn đảo của những người khổng lồ một mắt Poliphem ăn thịt người. Nhờ gan dạ và mưu trí , chàng đã dẫn quân trốn thoát.

Sắp đi qua một vùng biển lạ, đoàn quân Odysseeđược biết trước rằng nơi ấy có những nàng tiên cá Sierens tiếng hát mê hồn quyến rũ bao thủy thủ lao đầu xuống biển khơi. Nhung người anh hùng có tâm hồn phong phú kia không tìm đường tránh né, chàng quyết định vượt qua để thưởng thức tiếng hát ngọt ngào đắm say của biển cả. Odyssee chuẩn bị đối phó: cho bịt tai bịt mắt và trói chân tất cả thủy thủ vào cột buồm trên thuyền trước khi đi vào vùng biển của các nàng tiên cá. Riêng chàng  không bịt tai để tự do thưởng thức vì chàng tự tin ở bản lĩnh của mình. Biết thưởng thức nghệ thuật  cũng là một phẩm chất của ngưới anh hùng  đây là một bước tiến bộ quá sớm của người cổ đại Hi Lạp.

Lạc vào hòn đảo của mụ phù thủy Kiexe, nhờ sự kiên trì nhẫn nại và chịu đựng, chàng lại thoát hiểm và cứu được cả đồng đội khỏi kiếp loài vật và ra đi an toàn.

Lạc vào hòn đảo có đường đi xuống âm phủ  Odyssee gặp những linh hồn thân thuộc hỏi thăm được tình hình ở quê nhà .

Thuyền dạt vào hòn đảo có nữ thần Calypso xinh đẹp cô đơn bị thần Zeus đày đọa. Chàng đành ở lại đó làm người chồng bất đắc dĩ vì thuyền đã vỡ nát, không thể tự mình vượt được biển khơi. Suốt bảy năm trời sống buồn bã nơi đây, chàng không nguôi thương nhớ gia đình. Nhờ lệnh thần Zeus yêu cầu nữ thần Calypso  tạo điều kiện cho Odyssee ra đi , chàng mới tiếp tục cuộc hành trình. Nữ thần ra sức năn nỉ chàng ở lại sống cuộc đời tự do, hạnh phúc trẻ mãi không già nhưng thất vọng.

Thuyền Odyssee lại lênh đênh trên biển và chịu một cơn bão lớn, dạt vào một tiểu vương quốc của công chúa Nodica, được nàng cứu sống và triều đình ưu ái, muốn giữ chàng làm phò mã truyền ngôi vua. Nhưng chàng vẫn một lòng xin về quê hương đoàn tụ gia đình . Mọi người thông cảm và khâm phục người anh hùng nổi tiếng từ cuộc chiến tranh thành Troie nên giúp đỡ chàng tiếp tục cuộc hành trình .

Khi về tới quê nhà, bản lĩnh của người anh hùng còn được thử thách một lần nữa mà không kém phần quyết liệt Odyssee khôn ngoan không chạy vội về nhà, biết đâu những nguy hiểm nào đó sẽ rình rập chờ anh ngay sau cánh cửa ! Odyssee đã gặp ông già chăn cừu ngoài đồng cỏ, họ nhận ra nhau trong căn lều cừu. Anh biết tình hình nguy hiểm trong nhà – một bọn quí tộc địa phương đang ép nàng Penelop nhận lời cầu hôn bằng cuộc thi đấu.  Nàng đã chối từ, trì hoãn nhiếu lần, bọn chúng gây sức ép bằng cách đóng quân tạm trú trong nhà nàng khiến chủ nhà phải phục dịch vất vả. Nàng cho con trai  là Telemac đi tìm hỏi thăm tin tức cha ở những vương quốc, thành bang láng giếng. Không ai biết tin tức gì về Odyssee. Nhưng họ vẫn đều tin rằng người anh hùng Odyssee muôn vàn trí xảo không thể chết . . .

 Con trai người anh hùng buồn bã quay về thì được gặp cha ở ngoài lều chăn cừu. Cha con gặp nhau mừng khôn xiết kể. Hai cha con bàn tính kế hoạch chống lại bọn cầu hôn . Nàng Penelop hẹn với họ rẵng nàng còn phải dệt tấm vải liệm cho người cha chồng  cho tròn bổn phận nàng dâu, sau đó sẽ nhận lời cầu hôn. Đó là kế hoãn binh. Ngày dệt, đêm nàng âm thầm tháo gỡ ra. Một con nữ tỳ phản bội, dan díu với một kẻ cầm đầu lũ cầu hôn, đã để lộ việc dệt  vải liệm của chủ. Bọn chúng rình  bắt gặp và nàng không còn cách nào trì hoãn . Nàng hẹn ngày so tài cầu hôn. Odyssee giả làm ông lão hành khất, ghé vào nhà xin trú ngụ , được tiếp đãi theo tục lệ Hi Lạp. Odyssee còn muốn dò xét tình cảm và lòng chung thủy của người vợ để quyết định trước khi hành động. Khi biết chắc nàng vẫn mong chồng về, Odyssee cùng con trai và một số đầy tớ chuẩn bị phản công giành lại tất cả những của cải, cơ ngơi do công sức lao động gian khổ của chàng đã tạo dựng được. Cuộc thi đấu giữa những kẻ cầu hôn bắt đầu – họ phải giương được cây cung lớn của Odyssee để lại, bắn một mũi tên xuyên qua những chiếc vòng gắn trên cán hàng chục cây búa sắt xếp thẳng hàng – đó là bài tập bắn cung ngày xưa của vị vua anh hùng Odyssee. Trong lúc đó, người của Odyssee thu gom hết vũ khí của họ giấu vào một nơi. Bọn họ thất vọng vì không ai sử dụng được cây cung của người anh hùng Odyssee. Ông già hành khất ung dung giương cung, lắp tên trước sự kinh ngạc của mọi người và bắn trúng đích. Odyssee chính thức xuất hiện, sai đóng chặt cửa, hai cha con bắt đầu tấn công tiêu diệt bọn cầu hôn.

Nàng Penelop còn thử thách chàng một lần chót mới chịu nhận chồng. Con chó già Acgos cố bò lê đến bên chân ông chủ cũ  hôn hít rồi mới chịu ngã ra chết. Đến đây bản anh hùng ca còn thêm một đoạn vĩ thanh.[những kẻ cầu hôn trả thù kéo quân đến đánh, Odyssee chỉ huy chống lại quyết tiêu diệt hết kẻ thù. Nữ thần Athena xuất hiện khuyên chàng tha thứ. Odyssee nghe lời, lập lại hòa bình, xây dựng cuộc sống.

2 . Odyssee – mẫu người anh hùng lí tưởng của thời đại  :

Ngay ở cuối thiên sử thi Illiade, sự xuất hiện anh hùng Odyssee  đã báo hiệu một nhân vật mới của thời đại, một lí tưởng mới của thời đại đã đến: TRÍ TUỆ .

Suốt cuộc hành trình trở về, Odyssee đã bộc lộ tất cả phẩm chất cần thiết của người anh hùng kiểu mới để đáp ứng yêu cầu thời đại.

Nếu Achille là hiện thân của SỨC MẠNH cùng với những phẩm chất chủ yếu khác như QUYẾT CHIẾN, XẢ THÂN, TÌNH ĐỒNG ĐỘI. . . thì Odyssee là hiện thân của TRÍ THÔNG MINH .

Chẳng những là người “mưu trí sánh tựa thần linh”, Odyssee còn là người rất phong phú về tình cảm, chẳng những chung thủy một lòng với gia đình mà còn có óc phiêu lưu mạo hiểm dấn thân khám phá những chân trời xa lạ vì khát vọng tìm cách mở mang  phát triển đất nước sau này. Chẳng những đủ gan dạ tỉnh táo vượt qua bao nguy hiểm, chàng còn đủ nghị lực vượt qua những sự quyến rũ của sắc đẹp và những hạnh phúc mới mẻ ngọt ngào chào đón. Hòn đảo của nữ thần Calypso khác nào thiên đường trên trần thế nhưng mỗi buổi chiều “ngày nào cũng như ngày nào, chàng ngồi trên bãi biển mà cõi lòng tan ra thành lệ“. Chàng nói: “không có cảnh vật nào đẹp bằng cảnh quê nhà” . Đó là tiếng nói lý trí của trái tim người anh hùng. Nữ thần Calypso bất tử trẻ đẹp muôn đời kiêu hãnh hỏi chàng:

 – Vợ chàng hẳn bây giờ đã già lắm rồi. Nàng ấy có đẹp bằng ta không ?

Chàng thành thực đáp:

– Tôi biết, về nhan sắc Penelop vợ tôi không sao bì được với những nàng tiên trẻ đẹp như nàng. Vợ tôi chỉ là người trần. Còn nàng là vị thần bất tử không biết đến tuổi gia . Tuy thế tôi vẫn mong muốn được trở lại quê nhà .[Nhà thơ Đức Henrich Heine đã ca ngợi sử thi này: Bài ca Odyssee vừa cổ xưa vừa vĩnh viễn trẻ trung] .

Tương xứng với người anh hùng là vợ chàng – Penelop. Nàng được coi là hiện thân của đạo đức thanh cao, tên nàng đã trở thành biểu tượng của tình yêu chung thủy. Tấm vải liệm của nàng cũng trở thành hình ảnh của trinh tiết. Qua hai mươi năm chinh chiến và gian nan trong cuộc phiêu lưu tìm đường trở về, chàng chỉ khóc khi nghĩ đến nàng và bây giờ chàng khóc tràn trề khi ôm nàng trong tay ở chốn quê nh .

Odyssee còn là người có tâm hồn nghệ sĩ, biết yêu quí, trân trọng cái đẹp và nghệ thuật  nhưng không buông mình vào sự quá đỗi đam mê đến nỗi mất mạng khi đi qua vùng biển của những nàng tiên cá Sirens hát hay múa đẹp .

Hình tượng anh hùng Odyssee trí dũng song toàn, tình nghĩa thủy chung, chan chứa tình người là sự đánh dấu một bước tiến trong quá trình hoàn thiện CON NGƯỜI. Có thể coi Odyssee là mẫu người anh hùng lí tưởng thời hòa bình.

Con trai của họ là chàng trai trẻ Telemac, ngày cha lên đường viễn chinh cậu còn nhỏ xíu lẫm chẫm tập đi theo luống cày của cha ngoài ruộng, bây giờ đã là một thanh niên trưởng thành có ý thức bảo vệ mẹ và danh dự gia đình.

Trong cuộc đoàn tụ, Odyssee vẫn dạy bảo con: “Telemac con. Bây giờ con hãy nhớ lấy điều này: khi xông vào nơi chiến trận, con phải tỏ mặt anh hùng con chớ làm nhục dòng dõi cha ông. Cho đến nay chúng ta là những người lừng lẫy trong thiên hạ về sức mạnh, vềø trí tuệ và lòng dũng cảm” .

Cha của Odyssee – ông già Laot sung sướng cất cao tiếng gọi: “Hỡi các vị thần linh ! Ngày hôm nay đối với tôi đẹp đẽ biết chừng nào. Tôi sung sướng thấy con trai tôi và cháu tôi tranh luận về giá trị con người” .

IV- NGHỆ THUẬT SỬ THI 

Tính hoành tráng đồ sộ của sử thi 

Những bức tranh tả cảnh chiến trận dựng lạI một quá khứ lừng lẫy sôi động của chiến tranh cổ đại. Lều trại san sát, chiến luỹ của đốI phương  tường thành kiên cố, chói ngờI ánh đuốc, những cuộc họp hội đồng binh sĩ bên ánh đuốc, giọng nói vang lên đanh thép của những anh hùng Akay [Akê en]. Những cuộc bàn luận của các vị bô lão trên mặt thành Troie  chỗ kia là lễ tế thần, chỗ khác là tiệc tùng đãi khách, lễ tang và những lời than khóc vang dội. Sử thi Illiade đã phát huy lốI kể chuyện đến đỉnh cao, vừa chấm phá lạI vừa xen chi tiết tỉ mỉ  rất hấp dẫn và sinh động.

Giọng kể chuyện khi gọi nhân vật, đặc biệt Homer hay dùng định ngữ kèm tẹn nhân vật. Đây là thủ pháp giúp người nghe dễ nhớ tên và tính cách nhân vật, chẳng hạn «Diomet dũng cảm, Ajax to như tháp chuông, Achill thần thánh, Athena đôi mắt cú mèo, Aphrodite tóc vàng, Hera mắt bò cái. Apollon bắn xa muôn dặm. . . ».

Lối văn so sánh rất ưa dùng, hình tượng hoá tính cách và hành động của nhân vật và cảnh vật giúp người nghe dễ nhớ và đánh giá, chẳng hạn « chàng như con sư tử xông vào» , chiếc khiên «như bức tường thành vững chắc», «sáng như vừng đông mới mọc», lời nói của anh «tuôn chảy như mật ong» . . .

Bên cạnh bút pháp hùng tráng sử thi tả cảnh hoành tráng, sôi động, Homer cũng vận dụng bút pháp trữ tình, như cảnh «Hector từ giã vợ con»  đi quyết chiến với Achill  cảnh « Hera lừa Zeus».

Đáng chú ý nữa là thủ pháp xây dựng nhân vật và tính cách. Nhân vật chính Achill của Illiade được miêu tả công phu. Chàng không có một quá trình lai lịch nhưng chỉ cần vài cảnh xuất hiện, đôi đoạn miêu tả đã in dấu ngay cho ngườI đọc. Sự dũng mãnh của chàng khác hẳn vớI một Ulise [Odyssee] thận trọng khôn ngoan, tính toán, trí xảo. Nhưng Ulise khôn ngoan khác với ông già Nexto từng trải cuộc đời. Và Diomete kiêu hùng rất ghét anh hùng Paris thạo quyến rũ phụ nữ và ưa bắn lén . . .

Hai chiến tuyến với hàng trăm nhân vật anh hùng đa dạng tính cách, mỗi người một vẻ, được miêu tả chọn lọc, chấm phá nhưng rất ấn tượng và rõ nét.

Đặc biệt khi mô tả anh hùng chiến bại rõ là khó khăn hơn tả anh hùng chiến thắng. Chiến bại nhưng vận là kẻ anh hùng đáng ca ngợi

BÀI TẬP VÀ CÂU HỎI

1. Phân biệt hai khái niệm “sử thi“ và “anh hùng ca “ .

2. Chứng minh rằng bộ sử thi Illiade chủ yếu ca ngợi người anh hùng chiến trận. Sử thi này cũng đã bắt đầu tỏ thái độ nghi ngờ, phê phán chiến tranh .

3. Tìm hiểu cấu trúc bài hùng biện của Priam nhằm thuyết phục Achille .

4. Vai trò của thần linh hay nghị lực của Odyssee đã giúp anh chiến thắng trở về.

     Thái độ của Odyssee về chiến trận.

        5. So sánh hai lí tưởng anh hùng thể hiện trong hai sử thi.

         [sinh viên lập bảng so sánh – chia hai cột ]

 BÀI ĐỌC THÊM                    

ENEIDE – THIÊN ANH HÙNG CA LA MÃ

[ánh hồi quang của sử thi Hi Lạp]

Eneide – nghĩa là  chiến công của Ene .

Tác giả: Virgille, nhà thơ La Mã.

I . BỐI CẢNH LỊCH SỬ CHUYỂN GIAO VĂN HỌC TỪ HI LẠP  ĐẾN LA MÃ :

Sau cuộc chinh phục phương Đông của Alexandre Đại đế, đất nước Hi Lạp mở rộng về phía Đông bao gồm cả vùng Tiểu Á và Palestine kéo dài tới cả Ai Cập. Thủ đô mới là thành phố Alexandry cùng với ngọn hải đăng  kì quan thế giới nằm bên bờ Địa Trung Hải. Trung tâm văn hóa của Hi Lạp chuyển dần từ thành Athens đếnthủ đô Alexandry .Hi Lạp trở thành đế quốc mạnh nhất ở châu Âu.

Đế quốc Hi Lạp sụp đổ cùng cái chết bất ngờ của vua Alexandre Đại đế năm- 323 trước C.N.

Đế quốc La Mã bên kia bờ Địa Trung Hải kịp thời nổi lên làm lu mờ  “thiên tài Hi Lạp“ . Hi Lạp bị thôn tính trở thành một vùng của đất nước La Mã vào thế kỉ I trước C.N  Văn học Hi Lạp chỉ còn nổi lên thể văn trào phúng ngụ ngôn, Babius là người soạn lại những truyện ngụ ngôn của Esope.

Đến cuối thế kỉ IV, đế quốc La Mã lại sụp đổ. Nước Hi Lạp Thiên chúa giáo tách ra độc lập với thời đại Bizantin thay thế cho Hi Lạp cổ đại, mà không tiếp nối được truyền thống văn hóa nhân văn cao cả của Hi Lạp cổ đại nữa. Nền văn hóa và văn học Hi Lạp thiên chúa giáo trở nên thấp kém về tư tưởng nghệ thuật .

Trong khoảng gần 7 thế kỉ La Mã cai trị Hi Lạp, họ cũng có công đóng góp bảo tồn di sản văn hóa và bồi đắp thêm một phần. Nhà thơ La Mã Virgille [70 -19 trước C.N] – ngọn cờ của thi ca La Mã, đã viết bản anh hùng ca Eneide với hi vọng tiếp nối  truyền thống hai bộ sử thi Hi Lạp. Eneide là sự tiếp nối câu chuyện thần thoại về cuộc chiến tranh thành Troie [câu chuyện được coi như diễn ra song song với sử thi Odyssee, cố nhiên sáng tác sau Odyssee]  .

Tác phẩm gồm 12 quyển / hai phần

PHẦN MỘT – BI KỊCH TÌNH YÊU CỦA DIDON

Mô phỏng kết cấu Odyssee, tác phẩm miêu tả cuộc phiêu lưu trên biển của dũng sĩ Eneide người thành Troie bỏ chạy sau khi thành TROIE rơi vào tay người Akay

Eneide cõng cha là Ansi, dắt con nhỏ là Ascan cùng các chiến hữu sống sót , bỏ thành Troie, tìm đường vượt biển sang đất Italia “vùng đất hứa” để xây dựng đô thành mới La mã .Lênh đênh trên biển, đoàn người của Eneide bị cơn bão biển do nữ thần Junon gây ra, đẩy giạt vào bờ biển Cacata. Tại đây chàng Ene được nữ hoàng Didon góa chồng giúp đỡ  Mối tình nảy nở giữa hai người thật chậm  khắc khoải và chứa đầy bi kịch .Hạnh phúc lứa đôi sớm lụi tàn vì, theo truyện thần thoại, chàng dũng sĩ Ene phải tuân lệnh thần Zeus ra đi lập sự nghiệp ở La Mã . Mặc cho nữ hoàng khóc lóc van vỉ , đe dọa, chàng vẫn quyết ra đi đến vùng đất lạ đang vẫy gọi chàng. Giữa một đêm sóng gió, chàng lẳng lặng giương buồm ra khơi. Sáng ra, nữ hoàng Didon đau khổ khôn cùng, tuyệt vọng vì không thấy Ene. Nàng điên cuông đốt một giàn lửa tự thiêu .

PHẦN HAI: ENE ĐẾN ĐẤT NƯỚC LA M Ã

Những cuộc giao tranh trên đất La Mã, Ene hăng hái tham gia, lập nhiều công trạng, được lão tướng Latinus trọng đãi rồi gả nàng Lavini cho anh. Nhưng bà vợ lão Latinus lại muốn gả con gái cho Tucknus thủ lĩnh một bộ lạc khác. Xung đột nổ ra giữa dũng sĩ Ene và bộ lạc Tuknus. Được thần linh giúp sức, quân Troie của Ene giành chiến thắng, Ene đánh bại đối thủ. Chàng cưới Lavini. Từ đó một nòi giống mới ra đời, nói tiếng Latinh. Con cháu Ene trở thành vua xứ La mã.

GỢI Ý PHÂN TÍCH TÁC PHẨM

Tác phẩm này được viết nhằm ca ngợi nhà nước La Mã và giải thích việc thôn tính đất nước Hi Lạp vào đế quốc La mã do hoàng đế Caesar [Xê đa] cầm đầu. Ông hoàng đế này được miêu tả là con cháu dòng dõi Ene. Tràn ngập tác phẩm là cảm hứng ngợi ca tinh thần dũng cảm La Mã mà người “anh hùng lí tưởng” của thời đại là Ene. Nhưng thực ra cảm hứng trữ tình bi thương của nàng Didon để lại ấn tượng sâu sắc hơn cho người đọc. Phần Một thực sự là phần thành công nhất của tác phẩm. Ovits, nhà thơ La Mã- người được coi là nhà thơ của nghệ thuật  yêu đương- trong một cuộc chuyện trò với hoàng đế August [hậu duệ của Caesar] đã phải thừa nhận rằng “tác giả Ene của bệ hạ đã đặt người anh hùng của bệ hạ lên giường của mụ đàn bà người dân tộc Tya [Didon]. Nhưng trong toàn bộ tác phẩm không quyển nào được người đọc say mê bằng những quyển thuật lại mối tình bất chính đó” .

Nhân vật Ene:

Nếu chúng ta đã thứa nhận Illiade và Odyssee là hai bộ sử thi mẫu mực thì coi đó là tiêu chí để xem xét Eneide. Tác phẩm Eneid có đáp ứng được những câu hỏi sau hay không :

Mục tiêu chiến đấu của Ene là gì ? Anh chiến đấu cho cộng đồng nào, có phải vì thành Troie không ?  Câu trả lời: anh đi vì sự nghiệp cá nhân.

Vợ đã chết trong chiến tranh thành Troie, anh dẫn cha và con nhỏ bỏ thành ra đi , tìm đất khác sinh sống. Cuộc ra đi theo lí tưởng cá nhân hay lí tưởng cộng đồng, lí tưởng thời đại ? -Đặt câu hỏi như trên tức là đã trả lời rồi.

Hãy nhận xét về tình yêu của Ene và nữ hoàng góa chồng Didon ? [tình yêu chân chính hay chỉ là sự lợi dụng. Anh ta bỏ nàng ra đi vì mục tiêu gì ? Điều đó có hay không giống với Odyssee trong những lần rời bỏ người đẹp để trở về xứ Itac ? Rõ ràng hoàn toàn khác với Odyssee.

Nhân vật Didon.

Didon vốn là một gái góa chồng đẹp như thiên thần, cõi lòng giá băng sau cái chết của người chồng là Xise trong cuộc chiến thành Troie. Nàng quyết lòng giữ trọn lời thề chung thủy với người chồng anh hùng đã khuất để giữ vai trò Nữ hoàng, cống hiến cho bộ tộc mình

Nhưng khi gặp dũng sĩ Ene, người anh hùng của thành Troie thất thủ phiêu bạt tới đây, nàng đã sững sờ. Nàng gặp một kẻ hoạn nạn“mà dáng dấp hiên ngang“ và “đẹp một vẻ uy nghi lạ thường“. Nàng cảm thấy bị một tiếng sét, đôi má nàng bỗng đỏ bừng và dưới làn xiêm y lộng lẫy, trái tim nàng đập rộn rã “Ta cảm ơn quyền lực nào đã đưa chàng tới đây … Cũng như các anh, tôi đã chịu quá nhiều đau khổ… Tôi phải cứu giúp những người hoạn nạn”.

Sau bữa tiệc chiêu đãi đoàn thủy thủ phiêu dạt, nàng yêu cầu Ene kể lại nỗi bất hạnh của thành Troie. Trong khi nghe, nàng say sưa ngây ngất “Mắt nàng treo vào môi người kể chuyện”, “như muốn nuốt lấy từng lời” .

 Đêm khuya, mọi người đã yên nghỉ, Didon trằn trọc với nỗi cô đơn và chìm đắm trong nỗi buồn thảm. Em gái nàng là Anna đến thăm, an ủi chị. Chị em tâm sự. Nàng nói: “Chỉ có chàng, duy nhất là chàng có thể làm cho chị nao núng, đức hạnh chị lung lay. Lòng chị bỗng cháy lên tia lửa ngày nào. Không! thà rằng mảnh đất kia vùi thây chị xuống muôn trùng vực thẳm, chị quyết không bao giờ vi phạm đến nữ thần danh tiết thiêng liêng . Người đầu tiên mà số phận chị gắn bó đã mang theo tình yêu của chị và chàng đã giữ chặt nó dưới nấm mồ ” .

Nói xong những lời “kiên quyết” đó, mắt nàng tuôn lệ đầm đìa. Nàng quì xuống trước bàn thờ. Cầu khẩn có ý nghĩa gì với một tâm hồn đang yêu say đắm ! [Nàng cầu nguyện điều gì trước bàn thờ thần linh và vong hồn chồng cũ ?].Lửa tình mới nhen tuy còn êm dịu  nhưng đã gây vết thương thầm kín trong tâm hồn nàng.

Didon đau khổ như người mất trí. Gặp Ene, nàng định thổ lộ tâm tình. Lại thôi .

Nhưng rồi trong một cuộc đi săn, bất ngờ gặp cơn mưa lớn, hai người phải chạy vào trú mưa trong một hang động. Họ đã yêu nhau và tổ chức một cuộc hôn nhân.

Đang sống trong cảnh hạnh phúc lứa đôi mới mẻ, nàng biết Ene chuẩn bị ra đi theo tiếng gọi của sứ mệnh [thần Zeus ra lệnh như lời chàng nói chăng ?] hay là theo khát vọng lập đại sự nghiệp ở vùng đất mới La Mã. Nàng lại buồn đau, thất vọng nhưng ra sức than van, thậm chí đe dọa nàng sẽ chết. Nàng trút những lời giận hờn“ Mối tình của tôi, lời thề của anh, cả đến cái chết của tôi khi phải xa anh cũng không đủ sức giữ chân anh ở lại đây ư ?”

Nàng van lơn thảm thiết:

 “ Ene chàng ơi, em đã đem tất cả những gì còn lại để cầu xin chàng  . . .

“Vì chàng mà em đã chuốc lấy vào thân mình mối hận thù của toàn dân xứ Cacata này . Vì chàng , em đã bỏ mất danh tiết . . . Giá như trước khi ra đi, chàng đã kịp để lại cho em một đứa con để hàng ngày em nhìn thấy chú bé Ene chập chững đi lại, giúp em nhớ lại nét mặt chàng thì lòng em được an ủi và cảm thấy không bị phản bội” .

Muôn ngàn ý nghĩ bao vây vò xé tâm hồn tan nát của nữ hoàng Didon đã dồn nàng vào bước đường cùng, ảo tưởng tình yêu tan biến. Nàng tự sát.

Nhân vật Didon và tình yêu say đắm của nàng đã đi vào kí ức loài người như một thiên tình sử bất hủ  Còn nhân vật chính Ene thì mờ nhạt biết bao bên cạnh nàng Didon

Nhà văn Pháp Gustave Flaubert có nhận xét thú vị:

“Virgille đã sáng tạo ra người thiếu phụ yêu đươn , còn Shakespeare sau này lại sáng tạo ra người thiếu nữ yêu đương. Tất cả những nhân vật thiếu phụ và thiếu nữ khác chỉ là mô phỏng của Didon và Juliet”.

Nếu so sánh Eneide và Odyssee nhận thấy rằng mặc dù Eneid có thừa kế kết cấu, cốt truyện nhưng nhà thơ La Mã đã đóng góp một giá trị mới: nhân vật Didon – hình tượng người phụ nữ hai lần bị phản bội bởi khát vọng công danh của “những kẻ anh hùng“. Một tinh thần nhân văn sâu sắc trong một tiếng thơ La Mã còn ngân vang mãi muôn đời sau .

Mặc dù Eneide không thành công khi tác giả muốn nó là một anh hùng ca nhưng tác phẩm này cũng báo hiệu một thể loại nghệ thuật  mới sẽ ra đời- bi kịch cổ đại .

G

CHƯƠNG IV            BI KỊCH HI LẠP

Bi kịch Hi Lạp là một vẻ đẹp đặc sắc của Hi Lạp cổ đại, là một thành tựu quan trọng vào bậc nhất của nền văn học này. Bi kịch là một bước phát triển cao của nghệ thuật  thi ca Hi Lạp  [Mĩ học- Hegel] ra đời trong khoảng thế kỉ thứ 6 đến thế kỉ 4 trước C.N- thời kì hình thành chế độ chiếm hữu nô lệ.

Thành bangAthenslà nơi khai sinh những khúc hát dithyrambe- nguồn gốc của bi kịch, nơi chứng kiến những cuộc xung đột giũa tầng lớp quí tộc cầm quyền và nhân dân lao động. Ngoài ra còn có mâu thuẫn giữa tầng lớp quí tộc ruộng đất bảo thủ chuyên chế và tầng lớp chủ nô công thương đối lập với tầng lớp dân tự do theo trào lưu tự do dân chủ.

Đây là thời kì nền văn hóaAthensphát triển toàn diện. Những ngôi đền thờ thần linh xây bằng đá cẩm thạch trắng, tượng ngà voi và vàng [pho tượng Zeus và Athena], hoặc đúc bằng đồng đồ sộ. Đồ gốm có những bức họa vẽ điển tích thần thoại. Thời kì thịnh vượng này bị quân xâm lược Ba Tư nhiều lần xâm lược. Dân chúng phải đổ bao xương máu để trả giá cho sự thịnh vượng của thànhAthens. Nơi đây cũng là trung tâm nảy sinh mâu thuẫn xung đột xã hội. Đất nước Hi Lạp  đạt bước phát triển cao về mọi mặt kinh tế chính trị,  quân sự và văn hóa. Tuy vậy, để đạt được bước tiến đó nhân dân Hi Lạp  và nhân loại nói chung phải trả giá khá đắt vì đây làsự mở đầu kỉ nguyên đau khổ của nhân loại. Biết bao tấn bi kịch xã hội nảy sinh. Văn học nghệ thuật phải sáng tạo một loại hình nghệ thuật  mới để phản ánh những xung đột gay gắt không thể hòa hoãn- đó là bi kịch .

Thể loại bi kịch thỏa mãn nhu cầu cuộc sống tinh thần của lớp người đã có tư tưởng tự do – dân chủ, đã biết ý thức  về vai trò của cá nhân đối với thế giới, với cuộc sống xã hội. Họ suy tư trăn trở về cuộc đấu tranh của con người thời đại, sẽ phải gồng mình lên đương đầu với số mệnh, với cuộc sống và chấp nhận sự đụng độ một mất một còn. Các lực lượng xã hội mới tiến bộ như quí tộc công thương, thợ thủ công, tiểu chủ đã nắm lấy bi kịch như một vũ khí đấu tranh chống lại giai cấp quí tộc ruộng đất để khẳng định khát vọng dân chủ của mình. Biểu hiện đầu tiên là việc thờ cúng thần Rượu nho Dionisote ngày càng phổ biến lấn át các vị thần khác Thần Rượu nho đem lại lợi ích cho giới công thương và tiểu chủ và cho cả đất nước Hi Lạp. Đến thế kỉ 6 trước C.N tiếm vương Pidisterate cho mở lễ hội lớn cúng Thần Rượu Nho hàng năm. Vở bi kịch đầu tiên ra mắt công chúng với nội dung thuật lại cuộc đời gian truân, đau khổ của Dionisote.Từ đề tài thần Dionisote, các nhà soạn kịch mở rộng ra nhiều nhân vật khác nữa.

Ban đầu, vở diễn chỉ có một dàn đồng ca, sau đó một diễn viên tách ra ứng diễn trả lời, đáp lại những lời hát của dàn đồng ca. Dần dần số diễn viên tách ra ngày càng nhiều hơn . Người ta còn đeo mặt nạ cho diễn viên .

Mỗi năm nhà vua mở cuộc thi diễn kịch. Mỗi tác giả dự thi bộ ba vở bi kịch và một vở hài kịch nhỏ. Số vở kịch còn sưu tầm được ngày nay chỉ là số nhỏ còn sót lại .

GIỚI THIỆU BA TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM TIÊU BIỂU

1 . ESCHYLE VÀ “PROMETHE  BỊ XIỀNG

Eschyle [525 – 456 tr.C.N]  là cha đẻ của bi kịch cổ đại Hi Lạp [nhận xét của Engels]  Ông là nhà thơ của thời kì dân chủ hình thành với những xung đột gay gắt của nó. Là thi sĩ và cũng là chiến sĩ trong ba trận chiến thắng lừng lẫy của người Hi Lạp: trận Maraton, trận Salamin và Plate. Ông đã viết tất cả 90 vở kịch, nay chỉ còn lại 7 vở

Các vở Bảy tướng đánh thành Thebes,  Quân Ba Tư, Oresti, Agamennon, Các nữ thần ân đức, Những người thiếu nữ cầu xin, Những người phụ nữ mang đồ tế lễ .v.v..

Vở bi kịch “Promethe bị xiềng“ [có thể viết năm 469 ?] là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông và là vở tiêu biểu cho giai đoạn đầu của bi kịch Hi Lạp. Cốt truyện cũng mượn từ thần thoại  Hi Lạp nhưng chỉ xoay quanh phần  xung đột quyết liệt nhất

Vị thần Promethe là hiện thân của lí trí, thắng lợi đầu tiên của con người khi tìm ra lửa .

Promethe là một thần titan [khổng lồ] xuất hiện ở đầu vở kịch như một kẻ phạm tội ăn cắp lửa của trời đem cho loài người. Đó là hành động vô cùng cao cả  đưa loài người ra khỏi tối tăm ngu muội và họa diệt chủng, lại tiếp tục nâng con người lên giai đoạn văn minh       

Chàng nói:“loài người khốn khổ kia, hắn [thần Zeus] không hề bận tâm nghĩ đến các người. Hắn còn muốn tiêu diệt loài người để tạo ra giống loài khác. Thế mà không một ai phản đối trừ ta. Ta đã cố tình phạm tội, chính vì muốn cứu vớt loài người, ta đã tự chuốc lấy đau khổ hôm nay“

Hình tượng Promethe – người chiến sĩ với khát vọng cháy bỏng về tự do và đấu tranh đã trở thành nguồn cảm hứng lớn cho Karl Marx [Các Mác] viết luận văn tiến sĩ triết học của mình. Theo lời Marx “triết học xưa nay bao giờ cũng đấu tranh cho Tự do của loài người, do đó Promethe là vị thánh đầu tiên, người tuẫn tiết đầu tiên trong lịch sử triết học“ .

Là người chiến sĩ đấu tranh cho Tự do mà “tự do là sự nhận biết cái tất yếu“ [Marx], Promethe đã chỉ ra rằng “ông vua đương vị ấy rồi đây sẽ bị tống cổ một cách nhục nhã“ . Nghĩ về bản thân mình, Promethe cũng ý thức được rằng:”đã là kẻ thù thì phải chịu đựng sự ngược đãi của kẻ thù, điều đó chẳng có gì xấu xa“ .

[ghi chú: Promethe nguyên gốc tiếng Hi Lạ Promethens nghĩa là: tiên tri ]

Đây là vở kịch thứ hai trong bộ ba: Promethe người mang lửa, Promethe bị xiềng và Promethe được giải phón . Vở thứ nhất và vở thứ ba mang dáng dấp anh hùng ca, riêng vở thứ hai mở ra thể loại bi kịch nên chúng ta chỉ nghiên cứu vở này.

NHÂN VẬT

Thần Quyền Lực

Thần Bạo Lực

Hephaistote: Thần Thợ Rèn

Promethe

Pozeidon [hoặc Neptun]: Thần đại dương

Mười vị  nữ thần

Hecmet : Thần Truyền Tin

Đội Đồng Ca: gồm các nàng Osealite.

SOPHOCLE   VÀ   “EUDIPE LÀM VUA

Sophocle [496 – 406] được mệnh danh là “nhà thơ của thời kì dân chủ cực thịnh“

Ông là người am hiểu nghệ thuật kịch hơn ai hết và muốn kịch phải thực sự là hình ảnh của cuộc sống. Với kịch, ông đã tạo ra những “đòn sấm sét tâm lý”, những đám cháy lương tâm“ hết sức hồi hộp và hứng thú. Sophocle đã đưa bi kịch lên tới mức hoàn mĩ của thể loại bi kịch phức tạp [nhận xét của Aristote – Poetics]. Nhân vật của ông là những nhân vật lí tưởng – “những con người cần phải như thế”. Sáng tác của ông gồm 120 vở, trong đó 24 vở đạt giải nhất quốc gia, nay chỉ còn lại 7 vở. Tiêu biểu nhất là vở “Eudipe làm vua” “Angtigon” là vở kịch bằng thơ, khai thác đề tài từ truyền thuyết về thành Tebơ. Trong cuộc chiến tranh giữa Acgôx và Tebơ, hai người anh ruột của Angtigon đều tử trận. Theo huyết thống Crêông lên thay Êtêôclơ trị vì thành Tebơ. Sau khi lên thay Crêông không cho bất cứ ai chôn cất thi hài Polinix. Xót tình máu mủ, Angtigon một mình làm những nghi lễ mai táng cho anh. Sau đó nàng bị bắt và Crêông quyết trừng phạt nàng bằng cách giam nàng vào trong ngôi nhà mồ của dòng họ nàng. Bất bình trước việc làm tàn ác của cha đối với người vợ sắp cưới của mình nên Hêmông ra sức khuyên can cha nhưng không được. Cuối cùng khi Crêông ra lệnh phóng thích Angtigon thì nàng đã thắt cổ tự vẫn. Hêmông cũng kết thúc đời mình bên xác người yêu. Ơrydix- mẹ của Hêmông sau khi biết tai hoạ nói trên cũng dùng kiếm tự sát.Vở kịch kết thúc bằng sự nhận ra lỗi lầm của Crêông.

Kịch của Sophocle đa dạng về mặt đề tài, phong phú về mặt nội dung và giàu tính triết lý. Xung đột xảy ra thường là những con người cao quý trọng danh dự, giàu tình nghĩa và giàu tính nhân bản với những thế lực độc đoán, bạo tàn. Mở đầu vở kịch, Angtigon bộc lộ ý định chôn cất thi hài người anh với lời lẽ hết sức cảm động khi nói với đứa em của mình :”Chồng này chết đi, em còn lấy được chồng khác và sinh con đẻ cái với người ta, còn cha mẹ chúng ta đã chết rồi, làm sao còn sinh cho em một người anh khác nữa”.

Trước thái độ tàn nhẫn của Crêông, nàng nói:”Tôi sống để yêu thương chứ không phải sống để căm thù”. Xung đột giữa Angtigon và Crêông theo Hêghen thì “đó là xung đột giữa lợi ích gia đình và lợi ích quốc gia”, nói một cách khác đó là xung đột giữa đạo lý và pháp lý. Vậy giữa hai cái đó đâu là chân lý. Ta hãy nghe Hêmông- người yêu của Angtigon đồng thời là con của Crêông biện luận trong cuộc đối thoại sau :

Crêông [C] : Thế con kia không phản nghịch là gì ?

Hêmông [H] : Tất cả nhân dân thành Thebes  này không ai nghĩ rằng  nàng như vậy cả.

C : Thế ra ta phải tuân theo mệnh lệnh của nhân dân thành bang này hay sao?

H : Cha trả lời hệt như trẻ con. Chắc cha cũng biết thế ?

C : Vậy ta cai trị đô thị này cho một người khác hay sao ?

H : Không có quốc gia nào là của riêng một người nào cả !

C : Một đô thị không phải là của một người đứng đầu thì là của ai ?

H : Nếu đô thị ấy không có người thì cha cai trị ai ?

C : À té ra thằng này bênh vực cho đàn bà nhỉ ?

H : Thưa cha, nếu cha là người đàn bà, thì chính con là người bênh vực đàn bà, vì ở đây con chỉ biết có bênh vực cha thôi !

C : Đồ bất hiếu ! Mày dám buộc tội cha mày à?

H : Bởi vì con thấy cha xúc phạm đến Thần công lý?

Luật pháp mà Hêmông và Angtigon bảo vệ là luật pháp của thần công lý. Đó là luật pháp được nhân dân lưu truyền và gìn giữ. Nó là luật pháp nhân đạo và đó là chân lý vì nó phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Ý nghĩa đích thực của hình tượng Angtigon là ở chỗ đấu tranh cho sự khẳng định chân lý đó.

Khác với Eschile miêu tả thế giới thần linh với các mâu thuẫn và những ý chí chi phối cuộc sống con người, bi kịch của Sophocle miêu tả thế giới con người với những đau khổ, buồn vui do chính bản thân họ gây nên. Sophocle đã kéo bi kịch từ “trên trời xuống hạ giới”. Thể hiện ở chỗ ông để cho nhân vật của mình hành động hoàn toàn độc lập và chịu trách nhiệm về số phận của mình. Các vị thần linh trong kịch của ông bị đẩy lùi ra phía sau sân khấu. Bi kịch ở đây hoàn toàn do con người gây nên. Angtigon có kết cấu rất chặt chẽ, hành động thống nhất, đối thoại sắc xảo, giàu xung đột kịch tính là điểm nổi bật tài năng Sophocle.

Trước khi phân tích vở kịch này, chúng ta hãy nghiên cứu những đặc trưng bi kịch mà đến giai đoạn Sophocle nó mới định hình và đạt tới tác phẩmbi kịch mẫu mực .

Bi kịch là thể loại có truyền thống lâu đời . Theo dòng lịch sử, nó tiếp tục không ngừng phát triển qua từng giai đoạn, thậm chí đổi mới ở từng tác phẩm lớn .

Bi kịch hiện đại vẫn còn kế thừa tinh hoa của bi kịch truyền thống. Bởi vì thể loại cũng có  “kí ức“, nó không quên cội nguồn đã sinh ra nó.

Bi kịch Hi Lạp là sản phẩm văn hóa của nền dân chủ – chủ nô Athens. Do đó khi chế độ này chấm dứt vai trò lịch sử của nó thì bi kịch cũng rút lui.

Tuy nhiên, giá trị tư tưởng – nghệ thuật  của nó là bất diệt, tiếp tục được kế thừa  trong tất cả bi kịch của những thời đại sau đến tận ngày nay .

Bi kịch tạo ra được hiệu quả thẩm mĩ là “thanh lọc tình cảm thông qua xót thương và sợ hãi“.[Poetics – Aristote. Sự xót thương nảy sinh khi vở kịch trình bày cảnh người vô tội chịu điều bất hạnh, và sợ hãi nảy sinh khi thấy một người giống như ta lại gặp điều bất hạnh”.

Bi kịch là sự bắt chước một hành động hoàn chỉnh, nó cố hết sức mình để kết thúc  trong vòng một ngày , xảy ra ở một nơi và xoay quanh một hành động chính – đó là quy tắc “tam duy nhất“ mà Aristote đã đúc kết qua nhiều vở kịch thành công.

Có ba lí do chọn vở “Eudipe làm vua” làm tác phẩm bi kịch mẫu mực:

Đề tài và sự tích vua Eudipe có ý nghĩa đặc biệt  trong lịch sử văn học châu Âu. Hầu như trong giai đoạn nào cũng có tác giả lớn tìm đến đề tài này mà tiếp tục khai thác. Ngay thời cổ đại, cả ba tác giả lớn chứ không riêng Sophocle sáng tác về vua Eudipe .

Trong cuốn Thi pháp [Poetics] của Aristote, vở kịch này được nhắc đến nhiều nhất, góp phần khẳng định lí luận về bi kịch. Về sau, nhà soạn kịch Pháp thế kỉ 17 Corneill và nhiều nhà soạn kịch Tây Âu đều phải công nhận vở “Eudipe làm vua” là “hiện thân tuyệt đối của tư tưởng thể loại”.

Vở kịch dựa theo  “Truyền thuyết cổ xưa về vua Eudipe“ lưu hành với nhiều dị bản .

Nguyên văn tựa đề là:  Eudipe – tiranos [nghĩa là Eudipe – kẻ tiếm quyền].

 Tóm tắt truyển thuyết như sau:

Các vị thần linh phán truyền lệnh cấm vua Laios và hoàng hậu Jocaste ở thành Thebes sinh con nối dõi. Nếu trái lệnh thần linh, đứa con sẽ phạm tội giết cha lấy mẹ Nhưng họ lại lỡ sinh được một đứa con trai. Hoảng sợ, hai người sai một đầy tớ đem đứa bé vào rừng sâu vứt bỏ. Đứa bé bị xâu chân bằng một sợi dây thép nên chân sưng tấy lên, người đầy tớ gọi là thằng bé Eudipe [nghĩa là chân sưng]. May thay anh đầy tớ động lòng thương đứa bé nên giao cho một người chăn cừu ở xứ Corinte láng giềng đem đứa bé làm con nuôi đi biệt tích.Người chăn cừu đem đứa bé sang nước láng giềng Corinte rồi đem dâng cho vua và hoàng hậu không có con để làm con nuôi .Họ rất mừng, nuôi đứa bé nuông chiều hết mực, cho học hành luyện tập trở thành một hoàng tử tài giỏi. Eudipe lớn lên không hề biết rõ nguồn gốc thực sự của mình.

Tình cờ trong một buổi tiệc rượu , một viên quan say rượu đã nói chàng không phải con đẻ của nhà vua . Chàng buồn bã hỏi cha mẹ . Mọi người đều khẳng định chàng là hoàng tử ruột . Vẫn còn hoài nghi , chàng vào đền thờ thần hỏi về nguồn gốc của mình . Vị thần trả lời “ ngươi sẽ giết cha và cưới mẹ” . Kinh hoàng vì lời phán truyền , Eudipe lẳng lặng bỏ xứ Corinte ra đi để tránh lời nguyền. Đến một đoạn đường hẹp, chàng gặp một cỗ xe ngựa có lính hộ tống một ông già ngồi trên xe. Đám lính hách dịch quát mắng chàng phải tránh đướng cho xe qua. Chàng nổi giận đánh trả những tên lính thô bạo và giết chết toàn bộ đoàn xe trừ một người hầu nhanh chân bỏ chạy thoát thân .Người ngồi trên xe chính là vua Laios , còn người chạy thoát lại là lão đầy tớ ngày xưa đã đem Eudipe vào rừng .

Chàng Eudipe tiếp tục cuộc hành trình hướng về thành Thebes định mệnh .Lúc này thành Thebes gặp tai họa liên tiếp. Vua vừa bị một đám cướp giết chết  theo lời người đầy tớ thoát thân về thuật lại] thì xuất hiện một con quái vật tên là Sphinx . Nó là một con nhân sư – thân mình sư tử đầu người khuôn mặt khá giống phụ nữ.Nó đứng ở ngã ba đường chặn cửa vào thành Thebes đưa ra câu đố : “Con gì sáng đi bốn chân, trưa di hai chân, chiều đi ba chân ? “.Ai không trả lời đúng bị  nó ăn thịt. Nhiều người dân thành Thebes đã bị nó giết hại. Hoàng hậu vừa góa chồng đành phải ra thông cáo tìm người tài giỏi giải đáp câu đố của con quái vật, ai đáp được sẽ nhường ngôi vua. Eudipe nghe thông báo liền nhận lời . Chàng gặp con Sphinx và trả lời – “đó là con người“. Con quái vật xấu hổ chịu thua và biến mất .

Dân chúng thành Thebes thoát nạn, hoàng hậu giữ lời cam kết, đưa Eudipe lên làm vu . Chàng hoàng tử lang thang nhờ trí tuệ bước thẳng lên đỉnh vinh quang và quyền lực. Và khoảng cách từ chiếc ngai vàng đến cái giường của hoàng hậu chẳng bao xa, vua trẻ Eudipe đã cưới hoàng hậu Jocast. Họ sống hạnh phúc, sinh hai trai hai gái .

 Cốt truyện kịch chỉ bắt đầu từ đây:

Một tai họa mới giáng xuống dân chúng thành Thebes: mất mùa trồng trọt, gia súc chết toi, đàn bà không sinh nở được. Dân chúng chỉ còn trông chờ trí tuệ siêu phàm của nhà vua trẻ tài ba Eudipe cứu dân. Thần linh phán truyền rằng tai họa đó là sự trừng phạt thành Thebes phạm tội đang chứa chấp kẻ giết vua Laios . Muốn tránh khỏi tai họa phải tìm ra và trừng trị kẻ sát nhân. Vua Eudipe quyết tâm truy tìm thủ phạm. Nhà tiên tri mù Tiretias được vua mời đến. Lúc đầu ông từ chối trả lời, sau bị vua ép quá ông buộc phải nói ra sự thật – chính Eudipe là thủ phạm! Nhà vua nổi giận trước sự tố giác quá bất ngờ . Nhưng điều đó khiến Eudipe trăn trở suy tư tìm hiểu lai lịch của mình. Tình cờ người chăn cừu ngày xưa xuất hiện, thuật lại những sự kiện trước đây , khiến Eudipe càng nghi ngờ lai lịch của mình … Người đầy tớ già bị ép phải nói sự thật, và ông lão đã thú nhận mọi chuyện ngày xư . Trong quá trình điều tra, hoàng hậu Jocaste đã đoán biết sự thật nên lo sợ mà can ngăn vua thôi không điều tra nữa. Nhung vua  quyết tâm đi đến cùng . Khi sự thật được sáng tỏ, hoàng hậu đã thắt cổ tự vẫn. Trước thi hài của hoàng hậ , vua Eudipe rút cây trâm tự chọc thủng đôi mắt mình để tự trừng phạt thủ phạm.  Rồi chàng bỏ kinh thành Thebes ra đi tự lưu đày tha phương.  Vở bi kịch kết thúc.

Truyền thuyết còn kể thêm đoạn chót. Một trong hai con gái của họ đã tự nguyện theo cha đi lang thang để săn sóc người cha mù lòa. Cuối cùng, nhà vua Eudipe chết rụi  ở một xó rừng.

Cũng như những tác phẩm lớn, “Eudipe làm vua” lung linh nhiều tầng ý nghĩa. Trải qua mỗi thời đại, người ta lại phát hiện những ý nghĩa mới, sự tranh luận không bao giờ cạn

1] Quan điểm phê bình truyền thống cho rằng vở kịch nhấn mạnh tư tưởng về sự phù phiếm của vinh quang và sự mỏng manh của hạnh phúc đời người. Quan điểm của giới văn học bi quan cho rằng vở bi kịch này chỉ là sự ý thức về cái phù phiếm của con người. Họ bám chặt những lời ca của dàn hợp xướng: “Ôi  hỡi con người tội nghiệp ! Thế hệ này qua thế hệ khá , ta chỉ thấy ở các người một sự hư vô ”.

 Họ căn cứ vào lời hát kết thúc của dàn đồng ca hợp xướng:”Vinh quang của thành công như ánh hào quang mặt trời chói lọi nhưng rồi sẽ tắt lịm khi trời đã về chiều“. Vua Eudipe đã đạt tới tột đỉnh vinh quang hạnh phúc mà phút chốc tất cả đổ sụp .Eudipe thấm thía nỗi cay đắng của bất hạnh. Số phận con người như chiếc thuyền lênh đênh trên biển rộng. Con thuyền Eudipe ghé vào thành Thebes, rồi ghé vào giường hoàng hậu, tưởng rằng đó là nơi yên ổn. Nào ngờ chính nơi ấy là vực thẳm. Nhiều nhà văn lớn về sau cũng có cách nhìn hiện thực cuộc sống một cách tỉnh táo như vậy. Con người duy trì và xây dựng cuộc sống với bao lo toan và nỗ lực nhằm tạo ra những giá trị thực đóng góp cho cuộc sống. Nỗ lực tìm tòi chân lí  theo nghĩa rộng bao gồm cả cái Đẹp và cái Thiện.

Dù sao tác phẩm này vẫn có ý thức xây dựng chứ không phải như những tác phẩm hiện đại theo chủ nghĩa hư vô phù phiếm suy đồi.

Phê phán quan điểm suy đồi:

Những triết gia và thi sĩ suy đồi đời sau đã coi lời hát ấy là tư tưởng chủ đạo của tác phẩm . Sai lầm của họ là đem tách “một lời hát – một chi tiết“ ra khỏi toàn cảnh mà quên tập trung nghiên cứu tác phẩm như một chỉnh thể, nhất là cần phải chú ý đến cao trào xung đột  .  Đấy chỉ là một thói thường của người đời: lẩy ra một đôi câu văn, câu thơ  từ một  tác phẩm nào đó để áp dụng  cho những cảnh đời khác theo lối “tư biện“ .

Vở bi kịch “Eudipe làm vua” sẽ không phải là một kiệt tác của nhân loại nếu tư tưởng chủ đạo của nó là triết lí về sự phù phiếm của vinh quang và hạnh phúc.

2 ] Quan điểm phê bình hiện đại

Cho rằng tư tưởng về sự phù phiếm của vinh quang hạnh phúc chỉ là phụ , có một tư tưởng quan trọng hơn thể hiện trong vở bi kịch- đó là cảm hứng chân lí, cảmhứng khát khao sự thật. Ấy là chưa kể đến ước mơ của nhân dân về một minh quân của đất nước. Và bao trùm hơn nữa là triết lí về khả năng của con người trong việc khám phá thế giới và khám phá ngay bản thân mình.

Ngay ở nước ta, trong những giai đoạn trước đây, văn học chú trọng nêu cao yêu cầu đấu tranh cho Tự do hơn là yêu cầu Chân lý. Thực ra hai mục tiêu này gắn bó mật thiết với nhau. Hãy đọc lời tâm sự của nhà văn Maxim Gorki: “Sự thật là tôn giáo của người tự do, dối trá là tôn giáo của kẻ nô lệ”.

Trong vở bi kịch của Sophocle, chủ đề “tìm tòi sự thật” đã được triển khai ngay từ đầu ở nhân vật chính- Eudipe. Chàng khát khao muốn biết rõ lai lịch của mình. Nhân vật phụ nhưng rất quan trọng là nhà tiên tri mù Tiretias đã không sợ sự trừng phạt, dám công bố sự thật phũ phàng.

PHÂN TÍCH HAI NHÂN VẬT TIRETIAS VÀ EUDIPE

Nhân vật Tiretias

Nhà tiên tri mù lòa có năng lực tiên tri phi thường, hiểu thấu mọi việc đã qua và thấy trước việc phải đến. Khi được triệu vào cung, ông đã chỉ ra đích danh thủ phạm giết vua. Nhà vua nổi giận la thét đe dọa. . . ông không hề nao núng và không chịu cải chính. Ông trả lời “Ta chẳng có gì phải sợ hãi vì ta  nuôi trong mình sức mạnh của chân lí“ . Ông biết sự thật và tin ở sức mạnh và uy tín của nó. Lúc đầu ông từ chối trả lời chỉ vì thương xót, tiếc rẻ một nhà vua trẻ phải đau khổ quá sớm khi nhận ra sự thật phũ phàng của y. . Lúc ấy ông không định che giấu sự thật mà chỉ vì ông tin rằng sớm muộn sự thật cũng được công bố, lúc này còn sớm quá, không nỡ lòng. . . Nhưng khi vua Eudipe nài ép, lại toan đổ tội cho ông đồng lõa với thủ phạm thì cực chẳng đã ông phải trả lời, mà khi đã nói thì ông quyết giữ lời, kiên quyết bảo vệ chân lí.

Nhân vật chính Eudipe – nhân vật bi kịch

Điều đẹp đẽ nhất của nhân vật chính Eudipe là thái độ dũng cảm của con người trước sự thật về chính bản thân mình . Nhưng trước đó, cảm hứng tìm kiếm sự thật đã phải trải qua những thử thách ghê gớm .

Lúc đầu, Eudipe sốt sắng mở cuộc điều tra với mục đích chân chính cứu dân thành Thebes khỏi tai họa do thần thánh trừng phạt . Quá trình điều tra khiến anh có thêm khao khát mới – sự thật về bản thân mình  và nỗi sợ hãi phạm  tội lỗi cũng phát sinh .

Trong mỗi giai đoạn điều tra, Eudipe đều có thể ngừng lại để xóa tội :

Khi nhà tiên tri nói ra sự thật chưa được chứng minh , Eudipe chỉ nổi giận xỉ mắng nhà tiên tri chứ không trừng phạt hoặc thủ tiêu ông ta để giấu tội.

Sau khi người chăn cừu nói ra một phần sự thật: Eudipe không phải là con đẻ của vua xứ Corinte. Ánh sáng sự thật đã le lói. Eudipe vẫn còn khả năng dập tắt hẳn. Anh  dày vò trăn trở, giằng xé. Chỉ cần vài bước nữa sẽ tới sự thật, một sự thật khủng khiếp. Anh có dám bước tiếp hay không ?. Dàn hợp ca [và khán giả nữa] lo lắng  hồi hộp theo dõi. Hoàng hậu Jocaste nhạy cảm đã can ngăn anh thôi không điều tra nữa. Có lẽ bà sợ hãi sự thật.

Eudipe đã quyết định, quyết hành động theo ý muốn da diết, khắc khoải của mình là tìm ra sự thật. Anh ra lệnh cho gọi lão đầy tớ – nhân chứng của vụ án và nhân chứng của lai lịch Eudipe buộc phải nói sự thật.

Khi lão đầy tớ ra mặt, Eudipe vẫn còn khả năng ngừng lại. Nhưng không, anh chỉ chần chừ một thoáng, rồi đi tới. Chi tiết bí ẩn cuối cùng của vụ án bật ra, tâm hồn Eudipe rơi xuống vực thẳm. Nhưng đây cũng là sự chiến thắng của chính anh- sự tự nhận thức cao cả đã hoàn thành .

Và đó chính là ý nghĩa lạc quan sâu sắc của vở kịch. Nhà thơ Sophocle có cùng quan điểm với triết gia Socrat – “người đưa triết học từ trên rời cao xuống đất” rằng: “anh hãy tự biết lấy mình.

Quá trình nhận biết của Eudipe khá gay go. Anh đã sẵn sàng đi tìm bằng được sự thật nhưng cũng muốn bám lấy một cọng rơm mong manh để giữ lấy thân mình. Đí là chi tiết lão đầy tớ khai: “một đám cướp đông đúc hung dữ đã giết vua Laios”  đã khiến anh khấp khởi mừng thầm và hi vọng mơ hồ.

Xung đột chính của vở kịch là: anh vừa muốn biết sự thật lại vừa sợ hãi nó. Do vậy anh bị giằng xé, giữa tâm lí trăn trở và tâm lí tráo trở của mình.

Từ đó chúng ta có thể nói – kết quả  anh đã giành chiến thắng. Lí tưởng đã thắng lợi nhưng anh phải tự nguyện trả giá thích đáng ở màn chót.

Chúng ta hãy đánh giá tài năng của Eudipe:

Trước hết, Eudipe có một trí tuệ siêu phàm nên đã giải đáp được câu đố hóc hiểm của con Sphinx. Đấy là một câu hỏi triết học: hỡi con người  anh là ai ?

Nhìn chung anh đã hiểu thế giới, nhưng còn một điều quan trọng thì anh mù tịt- Eudipe là ai ? Như vậy, anh là kẻ tài giỏi hay ngu dốt ?

Thật ra vở kịch trình bày hai loại trí tuệ  tương phản nhau .

Một là loại trí tuệ giúp con người hiểu biết thế giới khách quan  khám phá được bí ẩn trong thế giới bên ngoài khiến anh ta có sức mạnh và quyền lực. Trí tuệ ấy giúp anh giải được câu đố hóc hiểm của con Sphinx và giành được ngôi vua. Khoa học tự nhiên và kĩ thuật  đem lại cho con người loại trí tuệ này.

Hai là loại trí tuệ của sự hiền minh, là ánh sáng bên trong giúp con người hiểu biết thế giới chủ quan của chính mình, rồi tiến tới làm chủ bản thân mình. Kẻ nào không biết thì là kẻ ngu dố, biết mà không sống như cái trí tuệ ấy dẫn dắt là kẻ dối mình Văn học nghệ thuật  đem lại cho con người loại trí tuệ này.

Vua Eudipe đã đạt được loại trí tuệ thứ nhất nhưng mù quáng về loại thứ hai – anh chẳng hiểu gì về bản thân mình. Đó là ngọn nguồn của bi kịch.

Eudipe dẫn tới chủ đề thứ hai: tham vọng quyền lực đến mức mù quáng cũng gây ra bi kịch. Ngay cái tựa đề vở kịch “Eudipe- Tiranos” nghĩa là “Eudipe kẻ tiếm quyền“ hoặc bạo chúa Eudipe cũng đã rõ. Số phận của y là số phận một bạo chúa. Hãy nghe dàn đồng ca hát rằng

                                   Thói kiêu ngạo quá đáng đẻ ra bạo chúa

Sự kiêu ngạo trong một đầu óc say sưa

Say quá hóa rồ, sai lầm dại dột

Nó sẽ leo cao leo lên tót đính

Để rồi ngã xuống tận vực thẳm sâu .

Tội giết cha là do vô tình ngộ sát, không biết cha là ai. Tội đó không có ý ngĩa phạm tội để giành quyền lực. Dàn hợp xướng chỉ than vãn về tội loạn luân. Nhưng nếu bảo loạn luân cũng do vô tình  không biết mẹ thì Eudipe vô tội chăng ?

Hành động thắng con nhân sư, theo truyền thuyết, có liên quan đến việc cưới hoàng hậu . Con nhân sư là giống cái. Eudipe thánh con nhân sư nghĩa là hiểu biết sự bí mật của nó. Theo quan niệm cổ đại,hôn nhân, ăn nằm với ai nghĩa là đã “biết người đó“. Kinh thánh Ki tô giáo cũng nói “Adam biết Eva và nàng có mang. Khi con nhân sư biến mất , ấy là lúc nó hỏa thân ẩn mình vào hoàng hậu Jocaste. Hoàng hậu lại trở thành “câu đố mới“ thách thức chàng Eudipe. Đến màn chót, khi Eudipe giải đáp được “câu đố mới“ ấy thì hoàng hậu treo cổ – biến mất.

Hành động cười hoàng hậu có ý nghĩa quan trọng nhất. Có phải là tội loạn luân như dàn đồng ca than vãn ?

Căn cứ vào mê tín và sách giải mộng của nền văn hóa cổ Hi Lạp còn lại, giấc mộng “ăn nằm với mẹ“ được giải thích như sau. Đó là giấc mộng lành đối với những thủ lĩnh, chính khách. Mẹ có nghĩa là “đất nước” là nguồn gốc sinh ra tất cả. Nằm mộng như thế là sắp được làm vua [làm chồng đất nước, hiểu biết đất nước]. Hoàng đế La Mã Caesar từng kể đã nằm mơ cưỡng hiếp mẹ  và nhà tiên tri giải thích: ngài sẽ trở thành hoàng đế .

Eudipe lấy mẹ là bắt đầu nắm quyền cai trị đất nước. Chính hoàng hậu cũng thản nhiên an ủi Eudipe khi anh nghe lời đồn đại về mình: “Trên thế gian này có bao kẻ nằm mộng ăn nằm với mẹ mình” .

Hai mẹ con tuổi tác chênh lệch quá xa, không thể cho rằng anh lấy hoàng hậu vì say đắm dục vọng. Thật ra, đó là vì danh vọng, anh đã hành động chính trị để giữ chắc ngôi vua  mà thôi  Hành động ấy là quan trọng nhất- anh phải chịu trách nhiệm và tự trừng phạt .. .

3 ]   Hành động tự trừng phạt của Eudipe:

Tự chọc mù mắt có ý nghĩa gì ?

Người Hi Lạp cổ nghĩ rằng con người có hai cặp mắt. Một “cặp mắt thịt” chỉ là giác quan bên ngoài, nhìn thấy cái biểu kiến của sự vật, có khi nó gây ra nhiễu cho con mắt tâm linh ở bên trong. Con mắt bên trong mới có khả năng nhìn thấu sự vật, nắm bắt cái thần của sự vật.. Khi người ta mù mắt, như nhà tiên tri Tiretias chẳng hạn, thì lại sáng lòng [sáng mắt bên trong]. Do vậy nhà tiên tri tuy mù mà biết sự thật, còn Eudipe sáng mắt lại chẳng biết gì về bản thân mình. Nhà thơ Homer tác giả hai bộ sử thi vĩ đại bị mù và bắt đầu sáng tác, mặc dù truyền thuyết kể rằng thấy ông mù lòa, nữ thần thơ ca thương tình bèn nhập vào ông. Ca sĩ Demodek mù mắt thì bắt đầu hát hay. Cũng theo truyền thuyết, triết gia Democrite tự chọc mù để nghiên cứu những cái ông chưa hiểu biết được.

Sự việc Eudipe tự chọc mù mắt góp phần chót xác định chủ đề tư tưởng vở bi kịch. Phạm tội một cách vô thức có đôi chút do tham vọng nhưng sự trừng phạt là có ý thức, tự giác cao, bảo vệ công lí. trong phạm vi xã hội, vua Eudipe sụp đổ thất bại thảm hại. Trong lĩnh vực đấu tranh vươn lên bản chất người, y đã thắng bản thân và đây là chiến thắng lớn lao. Y quằn quại đau đớn giống như một cái chết. Y  “chết đi” để sống lại- đó là ý nghĩa lạc quan sâu sắc của vở bi kịch kết thúc vô cùng bi thảm này.

Tư tưởng lạc quan chính là đặc trưng cao nhất của thể loại bi kịch.

Theo thi pháp kịch truyền thống, khi tình thế bi kịch bị phá vỡ thì xảy ra tai biến. Đó là lúc báo hiệu tột đỉnh sự tiêu vong và tột đỉnh sự thắng lợi của nhân vật bi kịch. Phần kết thúc ắt phải có đau buồn và phấn khích, có chết đi và sống lại, có bi thảm và lạc quan. Vở Eudipe làm vua là vở tiêu biểu điển hình của thể loại bi kịch vậy .

Thật vậy, ta đi ngược về ngọn nguồn bi kịch là số phận thần Rượu nho Dionisos. Theo nghi lễ tế thần,những cảnh đau khổ của thần “chết đi sống lại” bao lần.

Tư tưởng “chết đi sống lại” có ý nghĩa nhân sinh sâu sắc như hành động văn hóa cơ bản nhất của con người: gieo trồng. hạt giống phải chết đi để rồi sống lại với cây mầm non và ra hoa trái. Đó là khát vọng của loài ngườivề lẽ sống và ước vọng trường tồn.

Nhân vật hoàng hậu Jocaste cũng phải chịu kết cục bi thảm- khi không ngăn cản được  sự thật, bà thắt cổ tự vẫn. Trước đó, bà cũng đã có sự lớn lên về nhân cách: bà đã biết sự thật nhưng bà ngăn cản Eudipe để một mình chịu đựng bi kịch của sự ô nhục. Khi Eudipe đã biết sự thật thì bà lại không chịu đựng nổi nữa nên tìm cách tự hủy diệt. Tuy vậy bà không phải là nhân vật bi kịch. Cái chết của bà không có ý nghĩa sâu xa mà chỉ là sự chấm dứt tồn tại – tức là phi tồn tại.

Cảm hứng chủ đạo của thể bi kịch là khẳng định sự bất tử của con người, bất tử ngay ở cõi trần gian [tôn giáo chỉ cầu mong bất tử ở thiên đường . Nhân vật bi kịch có thể chết nhưng giá trị nhân bản chân chính lóe ra, ngời sáng trong sự phát triển tiếp tục của nhân loại, sẽ đi vào kí ức và kinh nghiệm của nhân dân bất tử.

Sophocle còn những vở kịch đặc sắc khác như: Antigon, Những người phụ nữ Trasi  Ajax, Eudipe ở Cologne, Philoctet, Electre .

Euripide [484 – 406] và vở bi kịch “Medee”

Euripide được mệnh danh là “nhà thơ của thời kì dân chủ suy vong”, thời kì bộc lộ bản chất xấu xa của giai cấp thống trị. Những dục vọng nổi lên mãnh liệt ở mỗi cá nhân và những mâu thuẫn mới nảy sinh trong xã hội. Nhân vật của Euripide được gọi là “nhân vật dục vọng“ luôn luôn day dứt dằn vặt vì ý đồ riêng. Họ chẳng còn là những nhân vật siêu phàm như của Eschyle, lí tưởng như của Sophocle. Bi kịch của Euripide không còn là “trường học của những tâm hồn cao cả“ mà là “phòng giải phẫu những căn bệnh xã hội“ .

Euripide viết được 90 vở, nay chỉ còn 19. Đặc sắc cách tân của ông là: lần đầu tiên đưa lên sân khấu sự phân tích tâm lí nhân vật. Ông được gọi là “nhà triết học trên sân khấu“

“Medee“ là một trong những vở bi kịch cảm động nhất, tiêu biểu nhất của thiên tài Euripide  .

Cốt truyện kịch cũng lấy từ truyền thuyết “Zadon sang xứ Consite đoạt bộ lông cừu vàng“

Nhờ sự giúp đỡ và tình yêu của Medee- công chúa xứ Consit, Zadon lấy được bộ lông cứu vàng-báu vật quốc gia mang về nộp cho ông chú Creon để đòi lại ngôi vua Hi Lạp. Medee bỏ đất nước chạy theo người yêu, dắt theo đứa em trai nhỏ. Trên đường đi, bị quân lính của vua cha truy đuổi, nàng giết em trai để cản bước những kẻ đuổi theo. Hai người về nộp bộ lông cừu vàng, ông vua chú tham lam  tráo trở yêu câu Zadon phải cưới con gái ông thì mới được nhận ngai vàng. Zadon  yêu Medee nên chối từ. Họ sống hạnh phúc bên nhau, sinh hai đứa con xinh đẹp. Một ngày kia, Zadon lại muốn giành lấy ngai vàng, liền tỏ ý muốn cưới công chúa Hi Lạp theo điều kiện của ông vua chú. Medee can ngăn, ghen tuông, giận dữ. Bị phụ tình, nàng trả thù khốc liệt. Đầu tiên, nàng dùng phép thuật giết chết kẻ tình địch [tặng chiếc khăn choàng làm thiêu cháy cả hai cha con công chúa Hi Lạp]. Sau đó , nàng giết hai đứa con  rồi bỏ sang xứ khác.

Đây là vở bi kịch tình yêu vô cùng thảm khốc và đau xót. Nàng lên án Zadon  là kẻ vong ân bội nghĩa. Y ngụy biện khôn khéo để che giấu dục vọng của mình. Medee là một tính cách phụ nữ mãnh liệt từ đầu đến cuối, từ lúc nảy sinh mối tình đầu đến phút chót – nàng hóa điên .

Nhân vật chính của  tấn bi kịch là Medee. Từ dục vọng tình yêu say đắm thủy chung rất mực, khi bị phản bội, tâm lí Medee đã chuyển dạng thành dục vọng ghen tuông và trả thù dữ dội .  Nhà thơ trình bày cuộc đấu tranh nội tâm bão táp của Medee, cuộc giằng co giữa tình mẫu tử và khát vọng trả thù. Trước khi hành độn, nàng còn nói những lời xé lòng : “Các con ơi ! Hãy  đưa tay cho mẹ nắm… Ôi bàn tay thân thương, đôi môi yêu quí và mặt mày tuấn tú của các con tôi. Ôi làn da của chúng êm dịu biết nhường nào! Hơi thở của chúng  thơm tho biết bao nhiêu ! Ta không đủ can đảm nhìn con ta nữa. Ta đau đớn quá rồi. Phải, ta biết việc ta làm là tàn ác, nhưng dục vọng đã thắng ý chí ta rồi“. Kết cục của tất cả các nhân vật đều  bi thảm.

Một câu hỏi từng gây tranh luận bao lâu nay: vì sao Medee hành động tàn ác như  vậy mà nhân vật này vẫn được coi là nhân vật bi kịch ? Tạm giải thích rằng – Medee là nhân vật nhân danh phụ nữ mà hành động đòi quyền được yêu thương và chung thủy. Vở bi kịch còn là một lời  răn đáng sợ cho những kẻ bạc tình.

Euripide còn nhiều tác phẩm về người phụ nữ như: Andromac [vợ Hector], Helen [nguyên hoàng hậu Akay, chạy theo Paris sang thành Troie], Những người phụ nữ xứ Phenici , Những người đàn bà cầu xin, Iphigieni ở Olit. Những người đàn bà thành Troie, Những người con của Heracles . . .

Sự nghiệp của nhà thơ viết kịch Euripide đã kết thúc nền bi kịch Hi Lạp với những đóng góp cuối cùng – chân dung con người bình thường nổi lên với những yêu thương căm giận sục sôi nhất.

[Bài tập: sinh viên  thảo luận nhó : đánh giá nhân vật Medee]

G

Bài đọc thêm

GIỚI THIỆU VĂN HỌC TRUNG CỔ TÂY ÂU

***

1 – MỘT NGÀN NĂM ĐÊM TRƯỜNG TRUNG CỔ CHÂU ÂU :

Thời cổ đại chấm dứt năm 146 trước C.N cùng với sự sụp đổ của đế quốc Hi Lạp. Đất nước Hi Lạp trở thành một tỉnh của đế quốc La Mã vừa nổi lên. La Mã tiếp nhận gia tài văn hóa cổ đại của Hi Lạp, dịch thuật sang tiếng La tinh, mô phỏng sáng tạo bổ sung. Triều đại Constantinope  là thời kì toàn thịnh nhất của đế quốc La Mã. Mhưng đến năm 476, đế quốc La Mã cũng sụp đổ. Các dân tộc Tây Âu vùng lên xây dựng quốc gia độc lập thoát khỏi ách cai trị  bạo lực của đế quốc La Mã.

Giáo hội La Mã lại tiếp tục đưa Kinh Thánh và Thiên chúa giáo rải ra khắp Tây Âu để giúp giai cấp thống trị xây dựng chế độ phong kiến .

 Nhà thờ trung cổ và giai cấp phong kiến thống trị Tây Âu đã xếp xó kho tàng văn hóa cổ đại Hi Lạp – La Mã. Các giáo sĩ Thiên chúa giáo giữ độc quyền văn hóa bằng môn Thần Học [theology]. Giáo hội Thiên chúa giáo La Mã trở thành trung tâm văn hóa quốc tế lớn và có thế lực bao trùm các quốc gia Tây Âu. Họ ra sức tuyên truyền cho quyền thống trị của giaó  hội. [Lời của giáo hoàng Inocant III: chúng ta được phó sứ mệnh thống trị mọi người và mọi đất nước. Lời thánh Ogustine: quyền lực của giáo hội cao hơn mọi quyền lực thế tục] . . .

 Giáo điều Thiên chúa giáo trở thành những nguyên lí của chính trị  Sách kinh thánh có giá trị hiệu lực xét sử mọi hành vi của công dân [các nhà khoa học Copecnich, Galilleo, Bruno bị kết tội  vì phát minh khoa học traí với kinh thánh]. Môn triết học- thực ra là thần học- đươc giảng dạy ở nhà trường, cố gắng thuyết phục  on người rằng chế độ phong kiến là do Thượng đế tạo ra. Ai chống lại chế độ quân chủ tức là chống lại ý chí của Chúa. Triết học kinh viện không nghiên cứu  giới tự nhiên mà chỉ tìm cách chứng minh lịch sử bi thảm của  con người từ khi “mang tội tổ tông  cho đến lúc chúa Ki Tô [Jesus Christ ] xuất hiện và chỉ còn kéo dài đến “ngày phán xét cuối cùng”. Họ khuyên con người tin vào sự mặc khải [tiếng Anh Pháp mặc khải là: Revelation – nghĩa là sự nhận biết điều bí mật huyền diệu của Chúa Trời. Cuốn sách cuối cùng của bộ kinh Tân Ước gọi là sách Khải huyền. “Mặc khải” chỉ là sự nhận biết qua gợi ý chứ không dùng lí trí giảng giải được]. Bên cạnh đó, giáo hội thuyết phục mọi người tin tưởng rằng mục đích của cuộc đời là sự cứu rỗi linh hồn. Nói chung, họ tuyên truyền một thứ nhân sinh quan tối tăm và nghiệt ngã – trần gian là một thung lũng đầy nước mắt, còn thiên đường là nơi cực lạc vĩnh viễn  [trước họ rất lâu Đạo Phật cũng đã nói vậy !]. Ai coi khinh đời trần tục và lạc thú vật chất , chịu đựng khổ hạnh, hi sinh phần xác để cứu lấy phần hồn thì sẽ được lên thiên đường; Ngược lại bị đày xuống địa ngục gánh chịu những hình phạt khủng khiếp.

Tất cả những điều đó trói buộc con người, chà đạp lên quyền sống, quyền tự do của con người. Mặt khác nó kìm hãm nền văn hóa nghệ thuật và khoa học. Thời trung cổ đúng là đêm trường ngàn năm, thiếu ánh sáng của văn hóa, kìm hãm lịch sử phát triển của châu Âu và  loài người. Do đó, văn học thời trung cổ không thể phát triển được, chỉ có một nền văn học hiệp sĩ  tiểu thuyết hiệp sĩ ca ngợi những quí tộc thượng võ trung thành với nhà thờ và vua chúa.

 2 – ĐÊM TRƯỚC CỦA PHỤC HƯNG – ĐÊM LE LÓI TRĂNG SAO

Gần cuối thời trung cổ xuất hiện những tiến bộ lớn lao về khoa học kĩ thuật . Những người trí thức chân chính không thể ngủ yên với Kinh Thánh. Những dân tộc quật cường trỗi dậy. Văn học nghệ thuật chân chính bắt đầu nhúc nhích. Nước Pháp lúc ấy được coi là trung tâm của chế độ phong kiến châu Âu. Miền nam nước Pháp có dân tộcProvenceđạt tới trình độ phát triển cao hiếm có ở châu Âu. Nghệ thuật thi ca của họ được coi như mẫu mực mới cho các dân tộc latinh [ý kiến nhận xét của Engels].

Sự ra đời các đô thị lớn Âu châu, đặc biệt sự tiếp xúc với phương Đông xa hoa tráng lệ trong các cuộc “thập tự chinh” đã mở ra cho họ một chân trời tinh thần “mới” làm thay đổi đời sống quí tộc. Từ chỗ chỉ biết say mê lí tưởng hiệp sĩ thánh chiến với ngựa và thanh kiếm, họ bắt đầu ưa thích “cầm kì thi họa”. Giới quí tộc bắt đầu sùng bái phụ nữ, thích “mốt” đàm luận  văn chương  Phụ nữ trở thành nhân vật trung tâm, “bà chúa trái tim” của các nhân vật hiệp sĩ quí tộc. Dòng văn học quí tộc ra đời , tư tưởng chủ đạo là ngợi ca tình yêu phong nhã, sùng bái tình yêu khiến cho con người cao thượng hơn. Văn học này đánh thức trong  con người những ước vọng cao cả, tính hào hiệp, ý chí hào hùng và tình cảm tao nhã.

Chúng ta hãy đọc một tác phẩm xuất sắc trong dòng văn học kị sĩ  ấy – Truyện tình Tristant et Yseult  Vốn là truyện khuyết danh sau được nhà văn Pháp Bédier biên soạn lại. Thi hào Đức Goeth đã coi đây là “một kiệt tác của thế giới” [Việt Namtrước đây chuyển thể cải lương gọi là  Cánh buồm đen ] .

Tristant et Yseult là truyện dài viết bằng thơ là một huyền thoại tình yêu. Tristant là một kị sĩ văn võ song toàn , mồ côi sống với cậu ruột là vua Marc xứ Cornuay. Anh đi đánh xứ Ieclan, giết được tướng Morhon, phá bỏ lệ cống nạp hàng năm của xứ sở mình . Bị thương vì mũi tên tẩm thuốc độc vô phương cứu chữa, anh tự leo lên chiếc thuyền không buồm không lái thả trôi lênh đênh trên mặt biển mặc cho dòng nước mang đi. Dạt vào bờ biển xứ Ieclan, chàng được công chúa tóc vàng tên Yseult vốn là thầy thuốc giỏi đã cứu chữa chàng thoát chế. Éo le thay công chúa Yseult lại là em gái của kẻ thù – tướng Morhon là anh trai nàng .Nhưng nàng không hề biết chàng là kẻ thù. Sau khi lành vết thương, Tristant   trở về xứ sở.

Bọn gian thần ghen ghét, lo sợ Tristant lên nối ngôi vua nên giục giã vua Marc cưới vợ. Một con chim nhạn bay qua để rơi một sợi tóc vàng. Vua nhặt lên và yêu cầu Tristant đi tìm người phụ nữ có sợi tóc ấy về làm hoàng hậu. Chàng lại lên đường đi tìm. Đến xứ sở Ieclan, thấy dân chúng nơi đây đang bị một con rồng tàn phá. Vua xứ này hứa gả công chúa cho ai giết được con rồng. Tristant nhận lời, nhưng sau khi giết được quái vật, chàng bị nhiễm nọc độc ngã ra bất tỉnh. Một lần nữa công chúa Yseult tóc vàng lại cứu chàng thoát chết. Tình cờ khi lau chùi thanh kiếm của chàng, nàng đã nhận ra Tristant là kẻ đã giết chết anh trai nàng. Yseult thét lên:

-Tristant, chính mi là kẻ đã giết người thân của ta. Bây giờ mi đã tới giờ đền tội .

Tristant khôn ngoan đáp lại:

            -Vâng tôi đành chịu tội. Bây giờ nàng dư sức giết tôi. Nàng lại có quyền giết tôi nữa, vì hai lần nàng đã cứu sống tôi .

Yseult kêu lên:

–         Trời ơi, những lời chàng nói khiến ta xúc động làm sao !

–         Nàng hãy nhìn sợi tóc vàng của nàng được thêu  với những sợi chỉ vàng trên áo chiến bào của ta đây này. Chỉ vàng đã nhợt nhạt sắc màu, còn tóc vàng của nàng vẫn chưa phai.

Yseult ném thanh kiếm xuống đất, ôm hôn chàng hiệp sĩ anh hùng và si tình. Nàng đã tha thứ cho chàng. Sau đó  khi chàng ngỏ lời cầu hôn cho ông vua Marc thì nàng buồn bã thất vọng nhưng rồi cũng nhận lời [! ].

Trên chiếc thuyền đưa dâu về xứ sở vua Marc, đi theo hai người còn có một cô hầu trung thành. Cô mang theo một chai rượu tình do mẹ công chúa chuẩn bị sẵn cho con gái uống đêm tân hôn – chai rượu thần kì có phép màu làm cho đôi vợ chồng mãi mãi chung thủy . Tristant và Yseult khát nước quá, họ đã cùng uống nhầm chai rượu ấy. Thế là họ yêu nhau không thể kìm chế ngay trên đường về. Về đến triều đình , đám cưới được tổ chức tưng bừng  Đêm tân hôn, cô nữ tỳ đành phải thay thế cô dâu để che giấu vua Marc. Hai người tiếp tục mối tình vụng trộm. Về sau bị bại lộ, họ bị dẫn đi hành quyết. Họ chạy trốn vào rừng. Chàng hối hận, muốn chấm dứt cuộc tình từ đây, Nhà vua đuổi kịp, nhìn thấy họ nằm ngủ trong căn lều – thanh kiếm sắc đặt giữa hai người  Vua  lấy lại thanh kiếm đã tặng cháu và gỡ chiếc nhẫn cưới trên tay Yseult rồi bỏ đi. Thức dậy, biết nhà vua đã tha thứ, hai người suy nghĩ mãi rồi quyết định trở lại cung vua. Tristant chịu án  đi đày phương xa. Đến xứ sở Bretani, chàng giúp họ đánh giặc ngoại xâm, được gả công chúa Yseult tay trắng. Nhưng chàng vẫn không nguôi nhớ nàng Yseult tóc vàng, Chàng cải trang, giả điên trở lại tìm gặp người yêu xưa trong cung diện vua Marc- “tôi say vì cái thứ rượu tình ngày xưa ấy, chẳng thể nào quên được !”. Hai người lại đắm chìm trong một tình yêu khó cưỡng lại.

Nhưng rồi chàng lại bỏ đi, đến xứ Bretani sống với Yseult tay trắng. Tham gia một trận đánh , chàng bị thương nặng. Nhờ người bạn trở về xứ tìm nàng Yseult tóc vàng đến trị vết thương may ra có hi vọng được cứu sống. Chàng hẹn: khi trở về nếu có nàng Yseult tóc vàng thì giương sẵn cánh buồm trắng, nếu không có nàng thì giương cánh buồm đen.  Ngày nào chàng cũng nằm trên giường bệnh và ngóng hỏi Yseult tay trắng cánh buồm màu gì đã cập bến. Vốn đã ghen tuông với nàng Yseult tóc vàng, lại nghe biết lời dặn dò của chồng, nên khi nhìn thấy cánh buồm trắng vào bờ, nàng bảo Tristant “cánh buồm đen”. Quá tuyệt vọng đau buồn, Tristant tắt thở. Yseult tóc vàng gặp chàng cũng đau đớn mà tự sát chết bên người yêu.

 Vua Marc chôn cất đôi bạn tình ở hai bên vườn nhà thờ. Đêm đêm, từ bên mộ Tristant mọc lên một cành lá xanh tươi leo qua nóc nhà thờ, rủ ngọn xuống ngôi mộ Yseult tóc vàng. Người ta chặt bỏ cành, đến đêm cành lá mới lại mọc nhanh mạnh hơn trước. Engels gọi đó là “một mối tình mạnh hơn cái chết”. truyện tình của họ là bản tình ca của giới hiệp sĩ  tiến bộ cuối thời trung cổ. Rượu tình chỉ là biện pháp nghệ thuật  tạo ra để tránh dư luận xã hội chỉ trích đôi tình nhân. Cái cây trường sinh bất tử trong nhà thờ là biểu tượng của tình yêu bất diệt mạnh mẽ hơn tất cả, vượt qua tất cả. Hình tượng Cái cây đã phê phán quyết liệt nhà thờ và chế độ phong kiến cản trở tình yêu của  con người. Tristant vẫn còn băn khoăn giữa tình yêu và nghĩa vụ, chỉ có Yseult – nàng tự do vì nàng không hàm ơn cái xã hội ấy, lúc nào nàng cũng sẵn sàng đến với tình yêu không hề do dự.

Truyện tình hiếm hoi Tristant et Yseult được coi là ngôi sao nhỏ le lói trong đêm trường trung cổ ngàn năm, là nốt nhạc dạo cho bản đại giao hưởng Phục Hưng- một phong trào văn hoá, văn học huy hoàng sắp trỗi lên.

MỘT SỐ THÀNH TÍCH CỦA NỀN VĂN MINH THIÊN CHÚA GIÁO

Bên cạnh tác hại ngăn cản sự phát triển của văn hoá khoa học và chống lại chủ nghĩa nhân văn ở Tây Âu, thiên chúa giáo  trung cổ Tây Âu cũng để lại một số thành tích như :

1.Văn học tôn giáo:  bộ Kinh Thánh và Dòng văn học hiệp sĩ.

2. Kiến trúc và nghệ thuật tạo hình: những ngôi nhà thờ, thánh đường trung cổ Châu Âu . Những tranh và tượng thánh. Tranh tượng thời Phục Hưng nối tiếp sáng tạo.

3. Âm nhạc nhà thờ, góp phần dẫn đến đỉnh cao âm nhạc bác học Tây Âu,  âm nhạc cổ điển thế kỉ 18 và 19.

4.Tạo ra một số phong tục tập quan phổ biến thế giới có giá trị như lễ hội, đám cưới, tang ma. . .

5. Khẳng định một số nền tảng đạo đức tốt đẹp như đề cao tình chung thuỷ, trung thực, kìm chế dục vọng, sám hối . . .

G

PHẦN II                     VĂN HỌC PHỤC HƯNG

[Văn học Tây Âu thế kỷ 14-15-16]

CHƯƠNG V        KHÁI QUÁT

1 – THỜI ĐẠI PHỤC HƯNG VÀ PHONG TRÀO VĂN HÓA PHỤC HƯNG :

Trong hai thế kỉ XV và XVI, châu Âu dấy lên cuộc vận động tư tưởng và văn hoá mới rất hào hứng, quyết liệt từ trước  đến bấy giờ chưa từng có.

Thoạt tiên phong trào ấy nổi lên ở đất nước Italia, gọi là phong trào “Renascita”, sau đó lan rộng khắp Tây Âu và Trung Âu, người Pháp gọi là “La Renaissance”, người Anh gọi “The Renaissance”. Những từ ấy đều có nghĩa là tái sinh, phục hưng hay sống lại .

 Cái gì được phục hưng, sống lại ?

Một số học giả phương Tây cho rằng phong trào này nhằm làm “sống lại” nền văn hoá cổ đại Hi Lạp và La Mã khi đựơc phát hiện qua những văn bản chép tay và đồ vật khảo cổ khai quật được. Người ta đua nhau đi tìm kiếm di tích hai nền văn hoá cổ đó suôt hai thế kỉ XV và XVI. Phong trào học tiếng Latin và Hi Lạp rộ lên. Việc dịch thuật giới thiệu những tác phẩm triết học, văn học cổ Hi-La thu hút nhiều người nghiên cứu và nhà xuất bản ở Tây Âu .

Thật sai lầm nếu cho rằng mục đích của phong trào Phục Hưng là khôi phục lại nền văn hoá cổ Hi-La, rằng đây là phong trào phục cổ, hoài cổ !

Nhờ được tận mắt nhìn ngắm những di tích còn sót lại của hai nền văn minh cổ Hi-La và tự mình đọc được những tác phẩm [qua nguyên tác hoặc bản dịch], người trí thức Tây Âu đã so sánh với nền văn hoá Trung cổ họ đang sống, họ đã rút ra nhận xét quan trọng này: Trung cổ phong kiến và Nhà thờ đã chà đạp thô bạo lên quyền sống và tự do của con người. Họ cảm thấy mình vừa trải qua một đêm trường đen tối suốt nghìn năm. Họ biết rằng Hi Lạp xây dựng được nền văn minh rực rỡ như vậy bởi vì không biết đến chế độ phong kiến và không phải chịu đựng sự thống trị tinh thần của giáo hội Thiên chúa giáo. Engels viết:”Trong những cuốn sách viết tay còn cúư vớt đựoc sau khi nền văn minh Byzance đã sụp đổ, trong những pho tượng thời cổ đại khai quật đựoc trong những đống hoang tàn ở La Mã, ngưòi ta thấy cả một thế giới mới lạ hiện ra trước mắt phương Tây kinh ngạc- Đó là thời cổ đạI Hi Lạp, những hình thức chói loà của nó đánh tan những bóng ma thời trung cổ ». *

Người ta còn tiến bước mạnh hơn. Nhờ được tận mắt chứng kiến những di tích còn sót lại của hai nền văn hóa H-L, học giả phương Tây so sánh và nhận thấy nền văn hóa trung cổ mà họ đang sống đã bị chế độ phong kiến và nhà thờ trung cổ kìm hãm và hơn thế nữa, nó đã chà đạp thô bạo lên quyền sống và quyền tự do của  con người. Họ cảm thấy đang sống trong “đêm trường trung cổ ngàn năm” nay mới thấy ánh sáng. Họ giải thích sự phát triển rực rỡ của Hi Lạp Lamã là vì không có chế độ phong kiến và nhà thờ Thiên chúa giáo áp bức.

Vậy là châu Âu không đi khôi phục lại văn hóa văn minh Hi Lạp La mã, vì đó là sản phẩm của thời công xã thị tộc tan rã và chế độ dân chủ -chủ nô. Lịch sử đi lên chứ không quay đầu lại. Vậy “Phục hưng” nghĩa là làm sống lại những truyền thống văn hóa tốt đẹp mà Hi Lạp La Mã đã nêu gương để tiếp nối mà giải quyết những vấn đề tinh thần của thời họ sống – giai đoạn cuối thời trung cổ.

 1.1. TRUYỀN THỐNG VĂN HOÁ HI LẠP – LA MÃ ĐÃ NÊU GƯƠNG LÀ GÌ  ?

             Trân trọng đề cao  con người  và đấu tranh cho tự do của  con người  .

Hai truyền thống đó đối lập với thời trung cổ coi rẻ, miệt thị  con người và  chế độ  chuyên chính, độc tài.

Văn hóa Phục Hưng vừa đề cao cổ đại vừa phê phán tố cáo chế độ phong kiến và nhà thờ, đồng thờI nói lên nhu cầu và khát vọng của  con người mới, trình bày biểu dương khả năng và triển vọng của  con người mới, xã hội mới. Đó là  con người mà xã hội Phục Hưng đang cần, những con người “khổng lồ”: khổng lồ về tư tưởng, khổng lồ về nhiệt tình và tính cách, về tài năng hiểu biết. [Engels đã so sánh cpon ngưòi mới với nhân vật khổng lồ của thần thoại Hi Lạp] .

Quả vậy, văn học Phục Hưng đã sáng tạo ra những người khổng lồ mới. Đó là nhân vật Gargantua, Pantagruel  của Rabelais, Othello, Hamlet của Shakespeare. . . Trong xã hội cũng có những con người khổng lồ thực sự, đó là nghệ sĩ nhà khoa học Leonardo da Vinci, nhà bác học Copecnich phát hiện ra cấu trúc hệ thống mặt trời. Christoph Colombus  tìm ra châu Mĩ . . .

Phong trào văn hóa tư tưởng Phục Hưng đạt nhiều thành tựu làm cho Tây Âu bừng thức sau đêm trường trung cổ ngàn năm, thúc đẩy lịch sử phương Tây và là bước ngoặt lớn của nhân loại. Cần phê phán hai quan điểm sai lầm cho rằng: Phục Hưng là hoa trái cuối mùa của chế độ phong kiến hoặc là sản phẩm đầu tiên của giai cấp tư sản mới lên. Thực ra, Phục Hưng là thành tựu của giai đoạn quá độ từ trung cổ phong kiến lên thời cận đại tư bản chủ nghĩa, là bước ngoặt lịch sử của nhân loại do những điều kiện kinh tế chính trị khoa học,  xã hội và văn học nghệ thuật đương thời đòi hỏi và tạo ra. Nó đã làm biến đổi sâu sắc đời sống tinh thần và vật chất của xã hội Tây Âu, phơi bày sự trì trệ, lạc hậu lỗi thời của chế độ phong kiến và nhà thờ trung cổ, tạo đà biến chuyển trên mọi lĩnh vực sang những thế kỉ sau.

1.2. BỐI CẢNH CỦA PHONG TRÀO VĂN HÓA PHỤC HƯNG

VỀ KINH TẾ

Miền bắc nước Ý là một trung tâm kinh tế chính trị và văn hóa phát triển sớm nhất ở Tây Âu từ thế kỉ 14, Các quốc gia đô thị như Venice, Jaine, Florence . . . chứng kiến sự phát đạt công nghiệp thương nghiệp lên cao chưa từng thấy. Một nền văn học nghệ thuật mới mẻ phong phú rực rở đơm hoa kết trái, Ý trở thành cái nôi của văn hóa Phục Hưng. Một số nước như Hà Lan, Bỉ, Luxamburg cũng hình thành những trung tâm kinh tế văn hóa mới, đặc biệt thủ đô Amsterdam tấp nập trù phú lạ thường.

Sau sự kiện Thổ nhĩ kì chiếm đóng thành Constantinop cắt đứt con đường giao thông buôn bán giữa phương Tây và phương Đông, các nước phương Tây phải tìm con đường mới. Những thành công về địa lí như tìm ra đường hàng hải vòng quanh châu Phi và việc tìm ra châu Mĩ đã tạo điều kiện cho giai cấp tư sản đang lên môi trường hoạt động mới. Họ tiếp tục chiếm lĩnh thị trường Ấn Độ và Trung Hoa, di dân qua châu Mĩ chiếm thuộc địa  mở rộng buôn bán. Các ngành thương nghiệp công nghiệp hàng hải phát triển mạnh chưa từng thấy. Phương thức kinh doanh phường hội phong kiến suy tàn. Các đô thị ven biển trở thành những trung tâm kinh tế tấp nập, ngoài Ý còn có Bacelona,Lisbon,London,Hamburg. . .

Từ Hà Lan tới Anh lần lượt ra đời các tổ chức tài chính gọi là “Sở giao dịch” – tiền thân của ngân hàng sau này. Đó là những ngân hàng cỡ quốc tế thời đó . Đến đầu thế kỉ 16, các nghiệp đoàn thương mại quốc gia hình thành, đẩy mạnh việc buôn bán giữa các lục địa. Các công trường thủ công, xí nghiệp sản xuất mở mang nhanh chóng thu hút rất nhiều lao động [ngành khai thác mỏ, len da, giấy, nghề in ấn, hàng xa xỉ . . .] . Những sáng chế phát minh khoa học kĩ thuật được đem ứng dụng, thúc đẩy sản xuất. Máy hơi nước đưa vào chạy máy cưa, máy nghiền, đập, xát, dệt kéo sợi  Lò cao và các loại đồng hồ, địa bàn, kính thiên văn cũng được sáng chế .

Nông nghiệp cũng được phát triển đáng kể. Giống mới được trao đổi xuyên lục địa. Kĩ thuật thủy lợi phát triển nhờ máy móc. Tăng vụ trồng lương thực. Tuy nhiên nông nghiệp vẫn chậm hơn công nghiệp. Các đô thị ngày càng giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế và đời sống xã hội.Tầng lớp thị dân ngày càng đông đảo và lớn mạnh, là nguyên nhân sâu xa gây nên nhugn biến động văn hóa.

VỀ CHÍNH TRỊ

Chế độ phong kiến phân tán bấy giờ trở thành vật cản con đường phát triển của Tây Âu . Thị dân ủng hộ nhà vua trung ương đập tan các thế lực phong kiến lãnh chúa địa phương để lập nên nhà nước quân chủ thống nhất, nhờ đó các thị trường cũng thống nhất. Giai cấp quí tộc và tư sản nhờ đó làm giàu lên nhiều.

Mâu thuẫn xã hội nổ ra sôi sục giữa các giai cấp [quí tộc cũ – mới, quí tộc – tư sản, nông dân thợ thuyền- tầng lớp thống trị. Cuộc chiến tranh nông dân nước Đức là điển hình  [1524-1525]. Những cuộc đấu tranh nhằm thống nhất đất nước ở Ý liên tục ba thế kỉ, cuộc chiến tranh “Hai hoa hồng” ở Anh kéo dài 30 năm, rồi chiến tranh ở Tây ban nha.

TÔN GIÁO VÀ TRIẾT HỌC

Thời Phục Hưng còn xảy ra một phong trào cải cách tôn giáo rộng lớn và sôi sục. Nền độc tài tinh thần của giáo hội thiên chúa giáo bị phá vỡ. Phần lớn dân German [Đức] rời bỏ giáo hội đi theo đạo Tin Lành. Các dân tộc Latinh hấp thụ tư tưởng phê bình tự do, thấm nhuần triết học Hi Lạp, chuẩn bị cho triết học duy vật thế kỉ 18 trở thành triết học cổ điển châu Âu.

Các nhà triết học nhân văn chủ nghĩa hăng hái tấn công vào cơ sở tinh thần và tư tưởng của phong kiến  và nhà thờ trung cổ . Thần học và triết học kinh viện bị họ đả kích gay gắt

 Nhà triết học Erasme [1467-1536] là người có công lớn gây ảnh hưởng sâu rộng ở Tây Au. Công trình “Ca ngợi sự điên rồ” xuất bản năm 1511 của ông đã chế giễu sự mê tín với những tín điều ngu ngốc. Nhà triết học vạch trần sự dối trá và dốt nát của bọn triết gia thần học và kinh viện, ông gọi những  lí thuyết của họ là “vũng bùn hôi thối”.

 Những người học trò theo trường phái ông là  Buzet [Pháp] , Ulfrich Hutten [Đức] , Thomas More [Anh] . . .

Nhà triết học Bacon [Anh] 1561-1626, người sáng lập ra chủ nghĩa duy vật Anh và mọi khoa học thực nghiệm hiện đại. Bacon đã nghiêm khắc phê phán triết học trung cổ. Ông đòi hỏi triết học chân chính cần phải có tính chất thực tiễn, nghĩa là lí thuyết phải dựa trên sự phân tích những hiện tượng tự nhiên và tài liệu của kinh nghiệm. Ông cho rằng cảm giác là nguồn gốc của mọi hiểu biết. Những giác quan không thể sai lầm. Khoa học thực nghiệm là dựa trên tài liệu do giác quan cung cấp. Bacon là người đầu tiên xây dựng tỉ mỉ phương pháp quy nạp .Điểm xuất phát của nhận thức là mối liên hệ nhân quả , là sự phân tích những vật khác nhau và những hiện tượng khác nhau. Những chân lý đáng tin cậy  đều phải dựa trên thật nhiều sự việc. Trong khi đối chiếu những sự việc đó , người ta đi từ cái riêng biệt, cá thể tiến tới cái phổ biến và kết luận .Ông coi thường phép suy diễn. Tác phẩm chính của ông là cuốn “Công cụ mới” [Novum Organum] xuất bản 1620  nhằm phân biệt  với cuốn “Organon” [Công cụ] của Aristote. Cuốn thứ hai là  Bàn về nguyên tắc và cơ sở”. Bacon chưa phải một nhà duy vật triệt để, ông muốn hoà hoãn giữa khoa học và tôn giáo. Dẫu sao tư tưởng thực nghiệm và phương pháp quy nập của Bacon cũng góp phần làm công cụ tư tưởng cho phong trào văn hoá Phục Hưng đẩy lui tư tưởng trung cổ phản động và lạc hậu, sau này Karl Marx  nghiên cứu  ông rất kỹ và ghi công cho ông.

Nhà triết học Campanela viết cuốn “Thành phố mặt trời” [Civitas solis],cùng với cuốn “Không tưởng” của Thomas More nhằm đòi hỏi mưu cầu hạnh phúc cho xã hội bằng cách “bình đẳng về mặt của cải phải được thừa nhận,”quyền tư hữu phải được xoá bỏ”. Hai ông, do sự hạn chế của lịch sử, mới vẽ ra được cái viễn cảnh ước mơ không thể thực hiện. Do đó cuối cùng phong trào Phục hưng thất vọng vì không tìm thấy giải pháp khả thi để cải cách cuộc sống xã hội, khiến nhiều người rơi vào sự  bi quan  sâu sắc.

Các nhà nghệ sĩ tạo hình như Lonardo Da Vinci. Mikellangelo, Raphael . . .cũng dùng cây bút vẽ và màu sắc để sáng tạo những hình tượng Phục hưng, từ hình tượng thánh thần mang hình hài con người trần tục đến những hình tượng con người bình dị mang những vẻ đẹp giản dị không mấy ai ngờ. Tranh tượng khoả thân thời kì này mặc sức phô diễn vẻ đẹp của con người trong một cảm hứng tự hào, yêu thương đến gần như thiêng liêng, ta thường gọi là “cảm xúc thánh thiện”.

Trong bối cảnh đó, văn học nghệ thuật Phục Hưng nở hoa kết trái tưng bừng.

2- CHỦ NGHĨA NHÂN VĂN  LÀ TRÀO LƯU TƯ TƯỞNG VĂN HOÁ CỦA PHONG TRÀO VĂN NGHỆ  PHỤC HƯNG

Trào lưu tư tưởng nhân văn chủ nghĩa là sản phẩm tinh thần chung đúc khát vọng và yêu cầu muốn tự giải phóng của  con người thời đại thoát khỏi xiềng xích  trung cổ phong kiến và nhà thờ. Chủ nghĩa nhân văn Phục Hưng  bắt đầu từ nguồn gốc chủ nghĩa nhân văn trong văn học nghệ thuật  cổ đại Hi Lạp [truyện thần thoại, sử thi, những bức tượng lực sĩ đẹp của Phidias, những lâu đài công trình huy hoàng còn sót lại.. đều trình bày những vẻ đẹp sáng ngời của  con người tự do dám chống lại thiên nhiên khắc nghiệt và xã hội áp bức].

 “Con người là kiểu mẫu và kích thước để đo lường vạn vật”. Những gì chống lại con người đều bị chủ  nghĩa nhân văn lên án. Nó ca ngợi đề cao quyền sống tự nhiên của  con người, đặc biệt là quyền tự do cá nhân. Chế độ phong kiến và nhà thờ trung cổ truyền bá nhân sinh quan nghiệt ngã đen tối. Họ chỉ đề cao những “ông thánh” , sống giữa cõi đời mà coi thường mọi lạc thú vật chất  và thể xác, chỉ biết chăm lo tu dưỡng đức tin. Mỗi lời nói của họ được coi là “khuôn vàng thước ngọc” -giáo điều của một thời . Chủ nghĩa diệt dục, khổ hạnh được rao giảng. Dục vọng bình thường của  con người bị bôi bác như loài vật . Rao giảng như vậy nhưng giai cấp phong kiến và tăng lữ vẫn  mặc sức hưởng lạc phè phỡn ăn chơi sa đọa hơn ai hết.

 Những nhà văn Phục Hưng viết để chống lại thứ nhân sinh quan phản tự nhiên ấy, đòi cho  con người những quyền sống tự nhiên, tự do ngay ở cõi trần gian . Họ là Dante  Petraque, Boccassio [Ý], Ronsa, Rabelais [Pháp], Lope de Vega, Cervantes Tây ban nha]…và Shakespeare [Anh].

Trong quá trình phát triển, chủ nghĩa nhân văn ngày càng hoàn thiện dần, nội dung chiến đấu ngày càng cao. Thần học, triết lí kinh viện bị nó đả kích gay gắt. Các nhà văn , nhà viết kịch Phục Hưng tiếp tục chôn vùi uy thế phong kiến và nhà thờ, truyền bá thế giới quan tiến bộ, đề cao  on Người  viết hoa [ý nói không phải con vật] là trung tâm của vũ trụ,  con người có tất cả nhu cầu khát vọng chính đáng, khả năng và trí tuệ to lớn .

Nhà thơ  Shakespeare  đã viết:

             Kì diệu thay  con người !

 Con người cao quí làm sao về lí trý , vô tận làm sao về năng khiếu. Hình dung và dáng vóc nó đẹp tựa thiên thần. Trí tuệ nó có thể sánh với thượng đế. Thật là vẻ đẹp của thế gian , kiểu mẫu của muôn loài ! [kịch Hamlet , hồi II cảnh 2] .

 Tự Nhiên được suy tôn là “bà mẹ vĩ đại”, sống tuân theo tự nhiên thì sẽ đạt được “cái đẹp”, “sự hài hòa”, chống lại tự nhiên sẽ khô héo, rối loạn. Hình thành triết lí tự nhiên .[Ngày nay chúng ta thấy rằng muốn đạt được chủ nghĩa nhân văn hoàn chỉnh thì phải thủ tiêu mọi nguồn gốc đẻ ra áp bức bóc lột]. Thời đại Phục Hưng mới chỉ là thời kì quá độ từ chế độ phong kiến sang chủ nghĩa tư bản, thay đổi từ kiểu áp bức này sang kiểu khác. Do đó, chủ nghĩa nhân văn càng về sau càng bế tắc, không thể phát triển và biến thành hiện thực. Chỉ có hiện thực phũ phàng, nhân dân bấy giờ bị hai tròng áp bức bóc lột – phong kiến và tư bản. Cuối phong trào Phục Hưng, những tác phẩm bộc lộ nỗi hoài nghi bi quan  chen vào, nhiều nhà văn xuất thân phong kiến quí tộc hoặc tư sản trở nên bế tắc, ngỡ ngàng, dao động, mất phương hướng. Cuối cùng khuynh hướng văn học tư sản thắng thế vì có giai cấp tư sản bảo đảm cho họ.

Nét đặc trưng của văn học tư sản là ca ngợi con người “hoàn toàn tự do”, được giải phóng khỏi mọi xiềng xích phong kiến. Nó đập phá không thương tiếc Thần học và Triết học kinh viện, lên án gay gắt luân lí đạo đức phong kiến [tuy rằng có chút cách quá đáng], biểu dương ca tụng sự sáng tạo, ý chí vươn lên làm chủ thiên nhiên xã hội và bản thân. Khuynh hướng này bộc lộ nhược điểm khá nguy hại là say sưa ca ngợi khoái cảm vật chất và xác thịt, giải phóng bản năng sinh lí [Rabelais, Cervantes và cả hài kịch  Shakespeare].

Chúng ta chống lại chủ nghĩa khổ hạnh cấm dục nhưng cũng  hống lại thứ chủ nghĩa tự do bừa bãi theo nhân sinh quan tư sản [đến tận ngày nay vẫn còn tồn tại và reo rắc lối sống này]  Các nhà nhân văn chủ nghĩa chân chính thời Phục Hưng không có tư tưởng cực đoan bừa bãi như vậy !

Mặc dầu còn những  nét tiêu cực, chủ nghĩa nhân văn Phục Hưng vẫn là một cống hiến lớn lao cho lịch sử tư tưởng và văn hóa của loài người. Nó đã góp phần tích cực đấu tranh giải phóng  con người ra khỏi chế độ phong kiến trung cổ và mở đường cho các xã hội Tây Âu tiến lên.

CHƯƠNG VI – VĂN HỌC PHỤC HƯNG ITALIA, PHÁP, TÂY BAN NHA

1 –   ITALIA NHỮNG NGỌN GIÓ ĐẦU TIÊN

QUÊ HƯƠNG CỦA VĂN NGHỆ PHỤC HƯNG  là vùng Bắc Ý nơi có các đô thị lớn như Venise, Jaine,Milan,Florence. Nơi đây kinh tế trù phú phát triển mạnh mẽ. Dân đô thị ngày càng có ý thức về vai trò địa vị của mình. Tinh thần hoạt động làm giàu trở nên đức tính tốt. Họ đòi hỏi được tự do phát triển mọi khả năng và thỏa mãn mọi ham muốn. Luồng tư tưởng mới mẻ chống ý thức hệ phong kiến và nhà thờ đã khơi nguồn cho trào lưu nhân văn chủ nghĩa tuôn chảy.

Nhà thơ Dante

Vinh quang mở đầu phong trào văn nghệ Phục Hưng Ý thuộc về nhà thơ Dante – nhà thơ cuối cùng thời Trung cổ và thi sĩ đầu tiên của Phục Hưng. Tuy còn ảnh hưởng thế giới quan nhà thờ thần bí nhưng tác phẩm của ông đã ánh lên cảm quan mới của thời đại

Tác phẩm tiêu biểu của ông là “Thần khúc” [nguyên văn là Divinascomedia] viết bằng tiếng Ý, 100 khúc với 14 226 câu thơ. Gồm bốn phần: Khúc mở đầu / Địa ngục /  Luyện ngục /  Thiên đường. Tóm tắt cốt truyện như sau:

Nhân vật Dante khi đã sống được nửa đời người một hôm ông lạc bước vào khu rừng rậm [ chỉ tình trạng tội lỗi của người đời ] . Ba con thú dữ xông tới cản đường [ báo , sư tử và chó sói : ba thói xấu kiêu căng , ghen tỵ và keo kiệt ] . May sao từ trên thiên đường , nàng Beatrice vốn là người yêu đã quá cố của Dante đã gọi nhà thơ Virgile – người mà Dante suy tôn bậc thầy – đến cứu Dantethoát ra .

Virgile dẫn Dante đi tham quan Địa Ngục, cảnh tượng âm u rùng rợn chín tầng. Vạc dầu sôi, lửa cháy ngun ngút,  tội nhân bị gặm đầu, ngụp lặn trong bể máu. Đủ mọi loại người ở trần gian chưa được rửa tội. Có một cặp tội nhân được nhà thơ thông cảm xót xa – họ là chị dâu em chồng yêu nhau vụng trộm . Những kẻ phản bội tổ quốc rước giặc về giày xéo quê hương thì ông nguyền rủa, trong đó có cả Giáo hoàng Boniphace VIII. Tiếp đó Virgile dẫn Dante đi thăm Luyện Ngục gồm  7 bậc, nơi đây yên tĩnh giúp người ăn năn hối cải, tẩy rửa lỗi lầm. Họ là danh nhân văn nghệ sĩ triết gia anh hùng quá khứ là những người có công với tổ quốc, loài người. Họ sắp rời khỏi đây lên thiên đường cực lạc chan hòa ánh sáng .

 Nhưng khi qua khỏi Luyện Ngục, Virgile từ giã Dante vì ông là người dị giáo không lên được thiên đường. Nàng Beatrice lại xuất hiện trong ánh hào quang rực rỡ màu áo đỏ tươi  tấm khăn trắng trên đầu buông xuống cùng những cành nguyệt quế. nàng nhắc lại tình xưa nghĩa cũ , trách móc Virgile nặng nề nhưng thật đáng yêu:

“Một thời tôi đã lấy dung nhan nâng đỡ cho chàng

đôi mắt tơ xuân tôi để chàng ngắm

và tôi dắt chàng cùng tôi thẳng tiến

buồn thay vừa bước chân vào tuổi trưởng thành

tôi bỏ cuộc đời sang cõi trường sinh

chàng quên tôi, buông mình vào tay kẻ khác

Trả lời đi, nói đi cho mọi người biết

Chàng vô cùng đáng trách”

Dante cũng không nén nổi xúc động :

            “Tình yêu ơi , em cứ thì thầm trong trái tim ta”

Sau đó Beatrice đưa nhà thơ Dante lên cõi thiên đường, ông chiêm ngưỡng ngây ngất hình ảnh  Chúa Cứu Thế, lòng trào dâng niềm tin tưởng.

 Đằng sau những quan niệm tôn giáo thần bí về ba thế giới [Địa ngục, Luyện ngục, Thiên đường] vốn là bút pháp tượng trưng, ẩn dụ quen thuộc thời trung cổ, chúng ta nhìn thấy hiện thực với nhiều ý nghĩa và quan niệm mới mẻ về tình yêu, báo hiệu mùa xuân thi ca mới. Đó là niềm tin vào  con người có trí thông minh và lòng dũng cảm. Dante say sưa ca ngợi anh hùng cổ đại Odyssee bôn ba đi tìm những bến bờ xa lạ. Ca ngợi những triết gi , nghệ sĩ Hi Lạp đem lại bao hiểu biết và xúc cảm cho loài người .

Hình tượng Virgile tượng trưng cho lí trí thì nàng Beatrice tượng trưng cho tình yêu và cái đẹp. Cuộc hành trình của nhà thơ Dante được dẫn dắt bởi hai nguồn tinh hoa ấy . Nhà thơ đi tới đâu ? Đến với hình ảnh Chúa Cứu Thế tượng trưng cho Chân -Thiện – Mỹ chứ chẳng phải đấng siêu hình nào.

Chẳng phải ngẫu nhiên nàng Beatrice có mặt từ đầu đến cuối cuộc đời nhà thơ. Ngay ở thiên đường nàng vẫn tiếc thương mối tình trần thế. Nàng là ân sủng tình yêu mãi mãi dành cho nhà thơ. Nhà triết học cổ điển Đức Hegel đã nhận xét thật đúng: “Dante nhờ tình yêu của Beatrice mà trở thành bất tử. Tình yêu được hoán cải biến thành tình yêu mới có tính tôn giáo không dục vọng” [Mĩ học – Hegel] .

Nhà thơ Dante đã đóng vai trò quan tòa khi ông đưa kẻ này xuống địa ngục, người khác lên thiên đàng theo chuẩn mực mới của chủ nghĩa nhân văn Phục Hưng.

Nhà thơ Pétraque [1304-1374]

Tác phẩm tiêu biểu là Ca Khúc [Canzonie] . Tập thơ tình yêu nói về mối tình của ông với nàng Lora. Chịu ảnh hưởng của Dante, nhưng ông không ca ngợi một “nàng tiên” mà miêu tả ca ngợi một Lora bình thường sống giữa người trần, nàng hiện lên sinh động. Những mong đợi buồn tủi , khổ đau nhưng đó chính là tình yêu thực sự.

Ngoài thơ tình, Petraque còn làm thơ về triết học, chính tr , như bài “Nước Italia của tôi” , “Tâm hồn cao cả”. Thơ ông có tác động mạnh đến quần chúng nhân dân trong công cuộc đấu tranh thống nhất đất nước Italia .

Boccacio  và Truyện “Mười ngày”

[1313-1375]

Boccacio là nhà bác học nhân văn chủ nghĩa, ông say mê và am hiểu văn hoá cổ Hi Lạp La mã. Tác phẩm tự truyện “Phiammeta”. Truyện kể dựa trên mối tình của ông với công chúa Phiammeta .Nàng yêu ông bắt nguồn từ quí mến tài năng ông, nhưng gia đình ông là thương nhân địa vị xã hội thấp nên  cuộc tình duyên đã tan vỡ . Đau buồn, ông viết truyện để hả giận. Boccacio xây dựng nhân vật Pamphilo để cho nhân vật này bỏ rơi nàng Phiammeta.

Tác phẩm bất tử của Boccacio là Decameron [Mười ngày] .Truyên kể bảy cô gái [ trong đó có một cô tên Phiammeta ] và ba chàng trai [có nhân vật Pamphilo] đều là con nhà  quí tộc rủ nhau đến ở một lâu đài ở ngoại thành phố Florence để tránh bệnh dịch hạch. Họ chuyện trò, dạo chơi, để quên đi cái chết đang đe doạ thành phố. Mỗi ngày họ bầu một người làm vua  hoặc hoàng hậu để điều khiển cuộc vui chơi. Kể chuyện là trò thú vị nhất. Mỗi ngày họ lần lượt kể 10 câu chuyện. Sau mười ngày được 100 câu chuyện. Hết mười ngày thì nạn dịch hạch chấm dứt, họ lại quay về thành Florence.

Tác giả nói rằng ông viết truyện này để mua vui cho nữ giới vì họ là phái Đẹp và tình yêu của họ  là ý nghĩa của cuộc sống trần thế này.

Truyện Mười ngày cổ vũ tinh thần ham sống , yêu đời , chống lại quan điểm tôn giáo khổ hạnh cho rằng cuộc đời là tạm thời ,vật chất thể xác là đáng khinh bỉ. Truyện vang lên tiếng cười giòn giã chế giễu, đả kích đạo đức luân lí phong kiến và nhà thờ và học thuật của họ. Thầy tu, quí tộc và triết gia thần học kinh viện  đều bị đem ra làm trò cười, bị vạch chân tướng là những kẻ đạo đức giả, trác táng dâm ô bịp bợm. Tác giả đồng tình cổ vũ những mối tình tự do bất chấp khác nhau về đẳng cấp, địa vị, kể cả thú vui tình yêu thể xác tự nhiên. Nhà văn còn dành thiện cảm và khích lệ cho giới thị dân và thương nhân – những lớp người tiến bộ của thời đại.

Nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn, chủ đề phong phú đa dạng của Boccacio khiến Decameron   được coi là tác phẩm xuất sắc của Italia, mở đường cho truyện ngắn và tiểu thuyết châu Âu. Từ đây phương pháp hiện thực đã được chú ý và khẳng định. Mục tiêu chính là truyền bá tư tưởng nhân văn Phục Hưng nhưng ông còn chú ý miêu tả quang cảnh đất nước Italia từ thị thành đến làng quê đủ màu sắc.Hàng trăm kiểu nhân vật đa dạng từ mọi tầng lớp xã hội Italia hiện ra sinh động , tất thảy đều thể hiện tâm tư khát vọng sống cùng thời đại.

Giai đoạn kế tiếp, văn nghệ thiên về dịch thuật tác phẩm cổ Hi, bên cạnh thơ ca, nghệ thuật tạo hình nổi lên với những nghệ sĩ thiên tài như Leonardo da Vinci, Mikellange và Raphael . . .

Cuối phong trào, văn hoá Tây ban nha cùng với sự cai trị của đế quốc Tây Ban Nha vượt lên lấn át khiến cho văn hoá phục Hưng Italia tàn lụi dần. Giai đoạn này gọi là “hậu kì Phục Hưng”.

G

2 . VĂN HỌC PHÁP – MỘT MÙA HOA TRÁI TƯNG BỪNG

Văn nghệ Phục Hưng Pháp ra đời muộn hơn Ý. Mãi sau cuộc chiến tranh Anh – Pháp kéo dài 100 năm [1337 – 1453] chấm dứt, Pháp mới rảnh tay xây dựng lại đất nước và đi vào Phục Hưng.

Nửa đầu thế kỉ XV, các lãnh chúa củng cố vương quyền, xây dựng kinh tế. Cuối thế kỉ, nước Pháp trở thành quốc gia thống nhất về chính trị và kinh tế. Vua Louis XI được tư sản ủng hộ, khuyến khích thuơng mại, sửa sang đường giao thông thủy bộ, tổ chức bưu điện, chợ búa, hội chợ  đẩy mạnh ngoại thương với các nước ven bờ Địa Trung hải  và bắc Âu… Nửa đầu thế kỉ XVI, Pháp bắt đầu bành trướng thế lực. Dưới các triều vua Charles VII , Louis XII, Francoise I, Henri II, Pháp mở nhiều chiến dịch xâm lược Ý, giành giật với Anh và Tây Ban Nha. Chiến tranh khiến cho nước Pháp thiệt hại, kinh tế tài chính kiệt quệ, an ninh chính trị bất ổn, nội chiến tôn giáo bùng lên.

Điều đáng kể là do tiếp xúc với Ý, Pháp phát hiện ra nển văn hóa cổ đại Hi Lạp và La Mã với nguyên dạng của nó. Nhiều nhà bác học Hi Lạp được mời sang Pháp. Những người quí tộc Pháp thức thời đóng vai trò quyết định gây nên phong trào văn hóa Phục Hưng ở xứ sở này. Đó là tầng lớp quí tộc tiến bộ Pháp, trong đó có hai anh em nhà vua Francoise và em gái đã phất lên ngọn cờ nhân văn chủ nghĩa.

1 .Thành tựu của thể loại truyện

Truyện là thể loại có những thành công đáng kể. Nó phản ánh khá trung thành hiện thực nước Pháp thế kỉ XVI: mâu thuẫn xã hội gay gắt, giai cấp thống trị sa đọa [quí tộc hống hách, ăn chơi, tăng lữ hợm hĩnh, dốt nát], những lo toan khát vọng của dân chúng, niềm vui và nỗi đau khổ, tội ác và đạo đức đều được ghi lại. Ba cây bút xuất sắc là Margerite Danguleme, Bonaventue và Noel du Fale.

Marguerite D’Angouleme là em gái vua Francoise I . Sau khi góa chồng , bà tái giá với vua xứ Navare [thuộc Pháp]. Là phụ nữ  thông thái nhất thời bấy giờ , bà thông thạo các thứ tiếng chủ yếu ở châu Âu [Hi Lạp, Latin, Ý, Anh, Do thái, Tây Ban Nha, Đức]. Bà làm thơ và viết kịch; nổi tiếng là nhờ tập truyện “Truyện bảy ngày” bắt chước kết cấu “Truyện mười ngày” của Boccassio [Ý], nhưng phần sáng tạo nội dung rất độc đáo .Do xuất thân chốn cung đình, Margerite hiểu rõ đời sống quí tộc. Là một phụ nữ thông minh nhạy cảm bà tiếp nhận luồng gió mới nhân văn chủ nghĩa [thổi lên từ đất Ý] với niềm phấn khích, say sưa. Tác phẩm của bà toát lên khát khao hạnh phúc tình yêu. Bà tỏ ra hoài nghi nền đạo đức trung cổ dối trá, châm biếm lũ quí tộc tầm thường và thầy tu giả hiệu. Văn của bà đôi khi bộc lộ nỗi khát khao xác thịt. Bà nổi tiếng là cây bút nữ kể chuyện táo bạo, hấp dẫn hiếm có trên văn đàn.

2 . Thơ ca

Lúc đầu, nhà thơ Clement  Marot được coi là nổi tiếng nhất với tập thơ “Địa Ngục”. Tập thơ tố cáo thói cuồng tín, chủ nghĩa ngu dân của trường đại học Sorbone, lên án pháp luật đương thời, bọn quan tòa và những tệ nạn do luật pháp phong kiến gây ra.

Pierre de Ronsard là nhà thơ quí tộc, được nhà vua che chở, công danh rộng mở. Sau một trận ốm bị điếc, nhà thơ thất vọng quay ra làm thơ. Nổi tiếng là các tập thơ tình yêu , nhất là tập  Sonnet gửi Helene với cảm hứng say mê cổ đại và Phục Hưng Ý. Ronsard là nhà thơ của hạnh phúc và tình yêu trần gian, của thiên nhiên và lòng yêu nước. Ông cùng với Du Bellay lập ra trường phái thơ La Pleiat.

Joachim Du Bellay [1522-1560] là người viết bản tuyên ngôn của thi phái La Pleiat “bảo vệ và làm giàu cho tiếng Pháp”. Lúc đó, ở nước Pháp, tiếng Latin vẫn là ngôn ngữ chính thống, sự ra đời của bản tuyên ngôn đó là cái mốc quan trọng của nền văn hóa Pháp. Bản tuyên ngôn thể hiện ý chí thống nhất nước Pháp, là quyết tâm, hoài bão của trí thức văn nghệ sĩ muốn sáng tạo một nền văn hóa dân tộc có thể sánh ngang ngôn ngữ văn hóa Hi La cổ đại. Bảy nhà thơ tiêu biểu hợp thành thi phái, tập thơ “Luyến tiếc”[Regrets] của Du Bellay nổi tiếng hơn cả.

Còn hai dòng thơ khác chứa đựng nhiều hương vị. Dòng thơ Lyon của tầng lớp thị dân đông đảo khát khao cuộc sống thế tục và nền văn hóa mới. Dòng thơ nội chiến tôn giáo nổi lê hai giọng thơ bi tráng đau lòng vì cảnh huynh đệ tương tàn, đẫm máu đẩy nước Pháp trở lại cảnh chia sẻ lãnh thổ. Các bài thơ đều hàm ý chỉ trích đạo thiên chúa ỷ thế mạnh hơn tranh giành dịa vị để ” giằng lấy bầu sữa của đất mẹ mà uống một mình “.

3 . Nhà văn Rabelais [1494-1553] và bộ tiểu thuyết “Gargantua & Pantagruel”

Francoise Rabelaise là nhà tiểu thuyết và nhà bác học, sinh vật học, bác sĩ y khoa , luật gia nhà thiên văn học, thông thạo cả sáu ngoại ngữ quen thuộc ở Tây Âu. Học trường dòng, trở thành tu sĩ nhưng Rabelaise sớm chán ngán cuộc sống tu hành. Bị quở phạt , anh cởi bỏ áo tu sĩ đi đây đó lẩn tránh gia đình và bề trên. Anh say mê nghiên cứu cổ đại và ưa giao du với các nhà tri thức nhân văn chủ nghĩa. Trở lại học luật, xong đi Paris học y khoa. Đi làm thầy thuốc ở Lyon và viết tiểu thuyết. Xuất bản cuốn Gargantua. Cuốn này bị trung tâm thần học Sorbone lên án. Rabelais bèn xin đi theo Hồng y Giáo chủ Jean Due Bele sang La mã cầu cứu. Năm sau cuốn Pantagruen tiếp nối cuốn  kia ra đời [tập 2], lại bị đại học Sorbone lên án, tác giả phải chạy sang  La mã, được giáo hoàng  công bố miễn tội.

Năm 1545 được phép vua, ông xuất bản “Cuốn thứ ba” kí tên thật, lại bị lên án. Năm 1552 xuất bản “Cuốn thứ tư” vẫn bị đại học Sorbone phản kích gay gắt.”Cuốn thứ năm” được xuất bản sau khi tác giả qua đời năm 1554.

Ngoài bộ tiểu thuyết năm cuốn, Rabelais còn viết sách y học và khảo cổ học. Rabelais là một trong những “người khổng lồ” của văn học Phục Hưng Tây Âu.

Tóm lược nội dung 5 tác phẩm :

GARGANTUA – CUỐN 1

             Gargantua là cậu bé con của một lãnh chúa vùn .  Cậu bé khổng lồ vừa lọt lòng mẹ đã cất tiếng đòi ăn uống. Phải vắt sữa 176913 con bò mới đủ cho nó thỏa cơn khát đầu tiên. Lớn lên, theo học thầy tu Tuba . Cậu bé trở nên ngớ ngẩn bởi ông thầy nhồi nhét hàng lô kiến thức “chết”[ kinh viện, thần học]. Cha cậu gởi con đi học ở Paris . Trên đường đi , đuôi ngựa cậu quật nát cả một khu rừng .

Vừa đến Paris ,Gargantua lấy ngay chuông nhà thờ Đức Bà treo lên cổ ngựa đi chơi .Đại học Sorbone cử một ông thầy ra điều đình với cậu, ông nói một tràng tiếng Latinh, mọi người cười lăn vì chẳng ai hiểu gì cả .

Giáo sư của cậu bé là thầy Ponocrates, thầy áp dụng thí điểm một chương trình và phương pháp dạy học mới nhằm phát triển con người toàn diện: trí đức thể mĩ, lại có lao động chân ta , học ngh , đi tham quan sản xuất, công trường, đi dã ngoại cỏ cây . . . Phương pháp mới là hướng dẫn học trò quan sát tự rút ra kết luận , gợi hứng thú cho học trò nghiên cứu .

Gargantua đang say mê học tập thì có thư cha gọi về chống giặc xâm lược. Thời chiến tranh , các tu sĩ chỉ biết đóng cửa lo cầu nguyện . Riêng có một thầy tu dũng cảm ra trận diệt được nhiều giặ . Hoàng tử Gargantua thưởng công cho thầy : xây một tu viện mới  tên là Theleme giao cho thầy phụ trách . Tu viện có qui chế mới lạ: con trai từ 12 đến 18 tuổi, con gái từ 10 – 18 đều được tự do vào học . Một khẩu hiệu lớn treo trước cổng: ” Muốn làm gì thì làm “… Trai gái  tự do sống theo theo sở thích, vui chơi thả cửa tự do yêu đương, chừng nào chán tu viện thì bỏ đi .

PATAGRUEN – CUỐN 2

Gargantua cưới vợ, sinh con trai . Đứa bé tên Pantagruen, mẹ nó chết sau khi sinh đẻ . Trước nôi con và xác vợ, Gargantua suy nghĩ hồi lâu không biết nên khóc hay nên cười . Anh quyết định ở nhà ẵm con để mọi người đi chôn cất vợ mình .

Giống như cha, Pantagruen cũng là một đứa bé có tầm vóc khổng lồ. Lớn lên nó cũng được gởi đi học ở những trường đại học nổi tiếng như Pati , Bordo, Touluse , Avignon , Orlean  .

Gar gantua thường viết thư động viên con chăm chỉ học tập nắm lấy kiến thức khoa học tiến bộ của thời đại. Pantagruen kết bạn với Panucger một anh chàng thông minh và láu cá .

                                                            CUỐN THỨ 3

QUÂN ĐỘI Dipsos xâm lăng bờ cõi . Pantagruen ra trận , dẹp tan giặc . Panucner được giao cai quản một thành trì. Gã này tiêu xài hoang phí , chỉ 14 ngày tiêu xài hết sạch của cải. Gã băn khoăn hỏi Pantagruen có nên lấy vợ hay không . Anh chẳng biết đáp thế nào nên rủ bạn đi tìm người giải đá . Hỏi nhiều hạng người nhưng chẳng ai trả lời thỏa đáng . Họ tiếp tục đi ra nước ngoài .

                                                            CUỐN THỨ 4

Đôi bạn lên tàu vượt biể . trên tàu, Panucner cãi lộn với một lái buôn cừu. Panucner trả thù bằng cách mua con cừ đầu đàn của đối phương rồi ném xuống biển, cả đàn cừu lần lượt nhảy theo xuống biển, gã lái buôn tiếc của cũng nhảy theo . Tàu gặp bão , Panucner sợ chết rên rỉ khóc than tìm chổ nấp.Thầy tu Jean và các thủy thủ cố sức chèo chống . Sóng yên bể lặng, panucner nhảy ra khoe khoang công trạng giúp tàu. Thuyền ghé vào hai hòn đảo. Dân chúng hao đảo này thù ghét nhau chém giết nhau liên miên [ ám chỉ cuộc nội chiến tôn giao ở Pháp] . Thuyền ghé thăm đảo Metce [nghĩa là ông dạ dày], nơi đây diễn ra những hoạt động khoa học và nghệ thuật .

CUỐN THỨ 5

Thuyền đến đảo Sonant . Nơi đây có những loài chim lạ thoạt trông có dáng hình người: chim lông trắng , chim đen tuyền, chim xám xịt, khoang đen, khoang trắng , hoặc đỏ chót . Lũ chim chỉ việc ăn no và hót kêu. Có một con chim đầu đàn . [ám chỉ  các loại thầy tu].

Thuyền lại ghé đảo có giống mèo lông xù chuyên sống bằng của đút lót. Tiếp đến đảoAnpedepe [ám chỉ thuế khóa], rồi ghé đảo Quintesant [ám chỉ đại học Sorbon]. Hành trình tiếp tục và kết thúc khi thuyền đến xứ Langtenoi , họ được nữ chúa dẫn vào ngôi đền thờ “Lọ nước thần”. Khi Pantagruel đưa ra câu hỏi có nên lấy vợ không, nữ chúa chỉ trả lời «  uống đi! » [ trinhch ! ]

 CÂU HỎI THẢO LUẬN 

  1. Phân tích nhân vật khổng lồ trong hai bộ sách của Rabelais
  2. Nêu lên những ám chỉ phê phán nhà thờ trung cổ và chế độ phong kiến. Nhà văn có phê phán triệt để nhà thờ hay không ?

Michel de Montaigne – nhà văn lớn cuốI cùng của thế kỉ 16 Pháp .

1. Cuộc đời và sự nghiệp:

Tên thật là Michel Eyquen

Xuất thân gia đình thưong nhân tư sản, cụ cố từng là lái buôn cá, sau mua đựoc trang trạI lâu đài của dòng họ quí tộc Montaigne, trở nên giàu có và gia nhập  hàng ngũ quí tộc. Cha của nhà văn lập công trong chiến dịch đánh Italia và đựoc bổ nhiệm chức vụ thị trưởng Bordeau.

Tốt nghiệp khoa luật ở đạI học Tulouse, Montaigne làm cố vấn ở toà án Perigor… nhưng không yêu nghề. Sau khi cha chết, ông bán lạị chức vụ, rút về ở trang trạI, miệt mài đọc sách. Ông còn giao du vớI bạn bè, đi đây đó. Năm 1580 viết xong hai tập tiểu luận “Essais”, ghi lại những ý kiến ,nhận xét về những sách đã đọc, về cuộc đờI và những nơi đã đi qu . Theo ông “essais” nghĩa là thể nghiệm, thể nghiệm cái năng khiếu tự nhiên của mình. Hoặc “đây chỉ là cuốn sổ ghi lạI những điều thể nghiệm đựơc trong đờI tôi“… Bị bệnh ông tìm đến nơi có suốI khoáng để an dưỡng. Ông sang Thuỵ sĩ , Italia, thăm La Mã đựơc tặng danh hiệu công dân thành La Mã. Vua Pháp gửI thư mờI ông về làm thị trưỏng Bordeau vì ông đựơc bầu vắng mặt. Ông trở về nứơc nhưng không thích nhiệm vụ này . Nạn dịch chết nhiều người ở lãnh địa Bordeau khiến ông bỏ về trang trại chạy dịch. Từ đó ông ít đi khỏi nhà, ngẫm nghĩ và viết.

Suốt thời kì chiến tranh tôn giáo [1560-1594], thái độ trung lập của ông khiến cả hai phe ngờ vực. Mặc họ, ông vẫn đọc sách, ghi chép và viết Tiểu luận tập 3 và cho tái bản hai tập đầu sau khi chỉnh lí sửa chữa.

Ông mất năm 1592 tại lâu đài. Năm 1595 bộ Tiểu luận  toàn tập đựơc bà De Gurnay con nuôi của ông xuất bản .

2. Tiểu luận và giá trị văn học

Tác phẩm nói lên con người tác giả vớI những mâu thuẫn hạn chế nhưng tràn đầy suy nghĩ và tìm tòi sáng tạo của một nhà tư tưỏng, nhà văn nghệ sĩ. Đó là cây bút trung thực dám bộc lộ quan điểm và cả thói xấu của mình, như ông viết  chỉ nói về tôi” .

Ông nói thẳng rằng ông không thích chính trị. Ông cho rằng “chính trị là công việc của những người biết phục tùng hơn và mềm dẻo hơn“ . Rằng “lợi ích công cộng đòi hỏI ngưòi ta phản trăc, dối trá, chém giết “ [Chưong I : Về cái lợI ích và cái lương thiện]. Chính do quan niệm ấy, ông chán ngán, từ bỏ chính trưòng, về nhà đóng cửa đọc sách .

Chính trị thờI đó là chính trị của giai cấp phong kiến quí tộc và giai cấp tư sản đang ngoi lên. Nhà văn không thể nào chịu đựng đựoc thứ chính trị “phản trắc, dốI trá, giết ngưòi” của họ.

Nhà văn khẳng định phảI tuân theo những luật lệ của môi trường trong đó ngưòi ta sống “đừng nên thay đổi dễ dàng một luật lệ sẵn có“. Ông nghi ngờ cả hai phái cảI cách tôn giáo, không nhập cuộc. Quan điểm của ông có ý nghĩa tích cực vào giai đoạn đó .

 Ông nêu lên một kiểu chủ nghĩa hoài nghi Montaigne qua câu hỏI nổI tiếng của ông:”Tôi biết gì ? “ [Que sais je ?] . Câu hỏI vang lên như một lờI phủ định toàn bộ những chân lí cũ, tín điều cũ. Ông phê phán triết học kinh viện, rằng nó chẳng phảI là khoa học, không giúp ích gì cho sự hiểu biết của con ngưòi. Ông hoài nghi cả cảm giác và lí trí. Nhưng không phải ông chỉ biết hoài nghi , “tôi yêu cuộc sống và tôi chăm bón cho nó“ . Ông bàn về cái chết, tâm lí sợ chết của ngưòi đờI và cố gắng đánh tan tâm lí đó. Theo ông , ngưòi ta sợ chết vì đã hình dung ra nó một cách sai lầm. Nếu biết gạt bỏ quan niệm sai thì ngưòi ta sẽ coi cái chết như hiện tưọng tự nhiên bình thưòng ,“mỗI ngày sống là tiến dần cái chết, ngày cuốI cùng là ngày đi tới nơi“.Ông hạ bút kết luận:”Triết học là học cách chết“. Khi đã không sợ cái chết nữa thì sẽ yêu cuộc sống hơn, học cách chết chính là học cách sống . Ông khẳng định rằng hạnh phúc niềm vui là niềm khao khát của mọi loài vật chỉ có đựơc ở ngay trần gian này. Muốn sống hạnh phúc thì phảI sống theo tự nhiên, thích ứng vớI tự nhiên. Tự nhiên có qui luật của nó, trật tự vững vàng và không phụ thuộc vào sự biến đổI của con ngưòi. Nhìn chung tư tưỏng của ông bắt gặp tư tưỏng nhân văn chủ nghĩa của thời đại Phục Hưng .

Đặc biệt, quan điểm giáo dục của Montaigne đáng đựơc chú ý. Trong chương “Bàn về trưòng lớp học cho trẻ em” ông đề xuất nhiều quan điểm tiến bộ. Ông lên án nhà trưòng Trung cổ “đích thị là một nhà tù giam cầm tuổI trẻ“ , ở đó chỉ “nghe tiếng trẻ con bị nhục hình đang gào khóc và tiếng cáu gắt của thầy giáo đang giận dữ“ . Ông mong muốn nhà trường phải là nơi đầy hoa lá chứ không cần đòn roi đẫm máu . Ông phản đốI lốI học nhồI nhét kinh viện, dạy học trò những điều vô bổ và phi lí. Giáo dục là xây dựng một con ngưòi chứ không phải chỉ bồi dưỡng tâm hồn và trí tuệ. Con ngưòi học trò phảI biết sáng tạo, biết suy nghĩ chứ không phảI đầy ắp kiến thức. Ông còn chủ trương đi du lịch tham quan, tiếp xúc nhiều với mọi ngờơi để tránh “tầm nhìn thu ngắn lạI bằng chiều dài sống mũi“.Đề án giáo dục của Montaigne căn bản đáp ứng nhu cầu của con em giai cấp quí tộc, giống nhưng không có vẻ “khổng lồ “ nhu Rabelais  .

Nghệ thuật luận văn của Montaigne rất hấp dẫn, trứơc hết nhờ những ý kiến mớI mẻ, cách dẫn dắt khéo léo khôn ngoan. Ở đó, nhà tư tưởng và nhà văn hoà hợp làm một cây bút.

Tránh sự khô khan của nhà triết học, văn ông trình bày đựơc những niềm vui bất ngờ lí thú .Tư tưởng nằm trong những hình ảnh cụ thể, thông qua cảm giác, mẩu chuyện, giai thoại vớI những ngôn ngữ giản dị ngây thơ. Ông tự nhận xét “đó là phong cách hài hước và riêng biệt”. Ông là nhà văn phóng túng, ngòi bút đang buông thả theo dòng bỗng nhiên sực tỉnh quay lại hoặc đột ngột chấm dứt. Bố cục các chương mục khó mà cân đối, chương ngắn xen kẽ chương dài. Một số nhà văn không thích và phê bình chỉ trích phong cách của ông, nhiều nhà triết học thế kỉ 18 Pháp lại ca ngợI ông và văn chương của ông.

H

 3 – TÂY BAN NHA MỘT MÙA GẶT HÁI BỘI THU

Tây ban nha thế kỉ 15 thường xuyên xảy ra những cuộc tranh đoạt ngai vàng . Lãnh thổ chưa được thống nhất. Sang thế kỉ 16 , sau khi đuổi sạch quan xâm lược  đất nước TBN thống nhất  và phát triển mạnh mẽ . Nhờ vơ vét nhiều vàng bạc châu báu ở châu Mĩ và bóc lột các thuộc địa ở châu Âu, đất nước này giàu lên mau chóng . Dân chúng và quí tộc đổ xô sang châu Mĩ sinh cơ lập nghiệp và truyền bá tôn giáo cùng nền quân chủ.

Nền quân chủ TBN gắn bó chặt chẽ với lí tưởng thiên chúa giáo, chỉ phục vụ lợi ích quí tộc phong kiến và đẳng cấp tăng lữ. Thị dân và nông dân không ủng hộ nhà nước. Tôn giáo lộng hành, những kẻ cuồng tín, mê nuội và những nhà thờ tu viện dày đặc khắp đất nước.

Đến giữa thế kỉ 16, nền kinh tế khủng hoảng suy thoái  nông dân phá sản lây lan sang giới tiểu chủ, quí tộc cấp thấp. Công thương nghiệp cũng đình đốn.Tham nhũng, trộm cướp, tệ nạn xã hội cờ bạc đĩ điếm  Một  tâm trạng chung là hoài nghi bi quan  lan tỏa.

 Những tình hình trên đã được phản ánh vào tác phẩm văn học. Đây là thời kì hoàng kim của văn học TBN, đạt tới đỉnh cao ở nửa sau thế kỉ 16 vươn dài tới giữa thế kỉ sau, trong khi kinh tế xã hội nước này vẫn suy thoái. Văn học Phục Hưng TBN có thể chia hai giai đoạn :

3.1 – Giai đoạn sơ kì Phục Hưng

Sau khi chiếm được vùngNapolicủa Ý, vua TBN là Anphongse V quyết tâm biến thành phố này thành vùng văn hóa TBN. Nhưng chính nền văn hóa Phục Hưng Ý lại chinh phục được những kẻ đi chinh phục. Những tác phẩm Ý đã hấp dẫn cuốn hút các nghệ sĩ TBN gây nên phong trào  học tập và bắt chước  mẫu mực Ý. Các vua TBN cũng bắt chước các vua Ý đứng ra đỡ đầu cho các nhà bác học và văn nghệ sĩ giúp họ sáng tạo. Thơ ca TBN lúc đầu chịu ảnh hưởng thơ Ý, thành tựu đáng kể là “Romencero” được Victor Hugo gọi là “bản  anh hùng ca Illiade của dân tộc Tây ban nha”.

Tiểu thuyết hiệp sĩ cũng phát triển mạnh  trong giai đoạn đầu .

3.2 . Giai đoạn Phục Hưng nở rộ

Văn học phát triển toàn diện nhưng nổi bật là thơ ca, tiểu thuyết và kịch .

Thơ ca nhiều dòng: dòng thơ Ý, thơ truyền thống, thơ Salamant và dòng thơ thànhSeville. Thơ phản ánh toàn diện tâm tư tình cảm đa dạng của giới trí thức Tây Ban Nha về đất nước lịch sử, dân tộc, về thời đại mới đang đến, về tình yêu. . . Các nhà thơ tiêu biều là: Juan Bocan, Cristobal, Louise Lenon, Fernando và De Vega.

 Tiểu thuyết:

Hơn bất cứ nước nào ở Tây Âu, tiểu thuyết TBN phát triển rất mạnh, đạt tới đỉnh cao hiếm có như Don Quijote của Cervantes. Trước tiểu thuyết độc đáo này có ba dòng tiểu thuyết : tiểu thuyết hiệp sĩ, tiểu thuyết mục ca và tiểu thuyết Pycarete.

Tiểu thuyết mục ca: dòng tiểu thuyết quí tộc, nhân vật quí tộc bất mãn với xã hội tư sản nên tìm cách thoát ly, rời bỏ cuộc sống đô thị chật hẹp , khoác lên mình bộ áo người chăn cừu. Họ là những nam nữ du mục sống nơi hoang dã ,núi non. Tiểu thuyết ca ngợi lối sống du mục tự do, trong sạch phóng khoáng khác xa cuộc sống cạnh tranh vật chất và tù túng chốn cung đình và thành thị .Các mục đồng say sưa với tình yêu ngoài bãi cỏ, sườn non bờ suối coi tình yêu là niềm vui lẽ sống duy nhất . Nổi tiếng là tiểu thuyết  “Nàng Diana” của Montemayor gồm 7 cuốn. Chuyện kể một mối tình đau khổ của hai chàng chăn cừu Cireno và Sinvano, cả hai cùng yêu nàng Diana một cô gái chăn cừu xinh đẹp. Nàng yêu Cireno và lạnh nhạt với Sinvano. Rồi nàng lại từ bỏ tất cả để đi cưới tên nhà giàu Dellio. Một cô gái khác tên Senvakia làm quen và an ủi hai kẻ thất tình. Một anh khỏi bệnh và một chàng được yêu. Cuốn tiểu thuyết này có tiếng vang ở châu Âu, Cervantes và Sakespeare đều chịu ảnh hưởng  của nó.

Tiểu thuyết Pycarete: Miêu tả cuộc sống của lớp người vô sản hóa và lưu manh gọi là tầng lớp Picaro. Họ không có nghề nghiệp, đi lang thang, làm bất cứ việc gì để sông bất kể tốt xấu, vào tù ra khám là thường. Họ lưu lạc giang hồ lên voi xuống chó. Tiểu thuyết viết dưới dạng hồi kí thường do một picaro kể lại đời mình. Những pha gay cấn éo le được miêu tả sinh động hấp dẫn. Tiểu thuyết Pycarete có ý nghĩa tố cáo thực trạng ở một số nước Tây Âu đương thời, gây ảnh hưởng mạnh đến loại tiểu thuyết giang hồ ở Anh, Phá , Đức, rõ nhất là cuốn “Robinson Crusoe” của Daniel Defoe nhà văn Ánh sáng  Anh .

Tiểu thuyết hiệp sĩ :Tác phẩm ca tụng nhân vật hiệp sĩ lí tưởng của chế độ phong kiến trung cổ. Đến cuối thế kỉ 16, loại tiểu thuyết này suy tàn vì chẳng còn người đọc.

Tiểu thuyết hiện thực Phục Hưng đánh dấu bằng kiệt tác Don Quijote của Miguel De Cervantes. Don Quijote đã  chế giễu tiểu thuyết trung cổ lỗi thời cùng với lí tưởng hiệp sĩ TBN, đóng vai trò kết thúc dứt điểm thể loại này.

3.3. CERVANTES VÀ TIỂU THUYẾT DON QUIJOTE

Nhà văn Miguel de Cervantes sinh năm 1547 tại một thị trấn gần thủ đô Madrid. Trường đại học Madrid là một trung tâm nhân văn chủ nghĩa nổi tiếng thời bấy giờ. Ông cụ thân sinh nhà văn làm nghề thây thuốc, thuộc dòng dõi tiểu quí tộc. Cervantes có 7 anh chị em, theo cha chuyển cư nhiều nơi mãi sau mới định cư ở Madrid, cha vẫn làm thầy lang nghèo . Cervantes may mắn được học hết bậc đại học. Hai mươi tuổi anh được đi phục vụ giáo chủ Aquaviva là đặc sứ của Giáo hoàng tại Tây ban nha. Anh theo giáo chủ sang Italia – nơi mơ ước của thanh niên trí thức châu Âu – cái nôi của phong trào văn hóa Phục Hưng , vùng đất giàu đẹp hiếm có.Giáo chủ Aquaviva qua đời, anh ở lại gia nhập quân đội Tây Ban nha đang đồn trú ở Italia . Năm 1571, trong một trận thủy chiến, Cervantes chiến đấu dũng cảm bị thương nặng mất một cánh tay. Năm 1575 ông được phép về thăm tổ quốc và gia đình , mang theo 2 lá thư tiến cử mình với triều đình hoàng đế Philip II. Lá thư thứ nhất của Don Juan tư lệnh quân đội TBN. Lá thư thứ hai của Don Carlos phó vương đảo Cicille. Hai lá thư giới thiệu ông là chiến binh dũng cảm, đề nghị triều đình khen thưởng và trọng dụng

Trên đường về nước cùng đi có cả anh ruột và  nhiều chiến sĩ có công trạng. Không may giữa đường thuyền của ông bị bọn cướp biển Bắc Phi chặn đánh. Ông và đồng đội chống trả đến cùng nhưng thatt bại. Ông và những người sống sót bị đưa sang Angeri  bị giam giữ suốt 5 năm , nhiều lần vượt ngục không thành. Ông được coi là người lãnh đạo tù nhân đấu tranh. Mỗi khi vượt ngục thất bại ông đều đứng ra nhẫn trách nhiệm khiến kẻ thù cũng phải vị nể. Có lần ông đã vạch kế hoạch cướp chính quyền ở Angeri. Năm 1580 ông được chuộc ra do gia đình và bạn bè cùng nhà dòng góp tiền . Triều đình TBN dửng dưng không hề can thiệp vào việc giải phóng những người chiến sĩ trung thành của đất nước .

Về đến quê nhà, cha vừa mất gia đình đã khánh kiệt nghèo túng hơn xưa. Cervantes lại thêm đau lòng vì cảnh quê hương đất nước tiêu điều, cung đình thì ăn chơi xa hoa lộng lẫy .ông tìm vào kinh đô với hi vọng công lao của mình được khen thửng. Nào ngờ vua Philip II chỉ ban cho ông 50 đồng tiền vàng và ra sắc lệnh điều ông đi công việc ở Bắc Phi . Sau chuyến đi tiền xài hết. Ông xin một chức vụ nhỏ nhưng triều đình làm ngơ vì họ cho rằng đã bù đắp đủ cho  5 năm chiến đấu Bắc Phi và cánh tay cụt của ông.

Cervantes trở lại cuộc đời người lính, sang đóng quân ở Bồ Đào Nha. Chán nản, ông xin giải ngũ về nhà, lấy vợ. Để kiếm sống, ông làm thơ viết kịch, vẫn không đủ sống , lại đi xin việc, quân đội cho ông công việc đi thu gom lương thực. Mười năm làm nghề này va chạm nhiều với giới quí tộc và tăng lữ – những kẻ ngoan cố gian lận nhất trong việc đóng thuế lương thực và bán lúa thừa. Trong khoảng đó ông viết vài truyện ngắn, rồi mấy lần vào ra tù vì bị vu oan lạm tiền công quĩ và lương thực. Lại có lần ông bị nhà thờ trù dập rút phép thông công.

Mười mấy năm cuối đời, ông sống nghèo túng nhưng lại là lúc tài năng sáng tạo văn học phát triển. Năm 1605, Cervantes 58 tuổi, cho xuất bản tập 1 của tiểu thuyết tiếng Tây ban nha là El Ingenioso Hidango Don Quijote de La Mancha, nghĩa là Truyện nhà hiệp sĩ trứ danh DonQuijote dòng dõi Hidango ở xứ Mancha [Trước đây dịch qua bản tiếng Pháp là Đông Ki Sốt, nay nên đọc  theo đúng ngữ âm Tây ban nha là Đông- Ki hô tê].  Cuốn sách lập tức được dịch sang tiếng Pháp, Ý, Bồ đào nha và tái bản 4 lần ở Tây ban nha trong năm đó. Trong 6 năm kế tiếp ông đang viết tiếp tập 2  thì có tên lừa đảo tung ra cuốn “Don Quijote phần 2” khiến ông phải mau chóng hoàn thành phần 2 thực sự của mình để xuất bản [năm 1614]. Ông còn viết một tập kịch nữa, sách in nhiều, bán chạy nhưng bọn chủ nhà in thì phất lên giàu có còn ông vẫn nghèo vì tiền nhuận bút ít ỏi. Nhà văn Cervantes  về già  vẫn nghèo túng, bệnh tật liên miên. Ông còn viết một cuốn tiểu thuyết cuối cùng và hoàn thành trước khi mất một tuần – ông qua đời ngày 23 tháng tư / 1616.

 Ngày nay, cuốn Don Quijote được coi là tác phẩm lớn lao nhất, đỉnh cao chói lọi của Cervantes. Trong lời Tựa, nhà văn nói rằng ông muốn nhái lại tiểu thuyết hiệp sĩ”, tác phẩm của ông “từ đầu đến cuối là một lời thóa mạ dài” đối với loại tiểu thuyết đó. Sau đây giới thiệu tóm tắt cốt truyện :

Xứ Mancha, Tây ban nha có một nhà quí tộc sa sút tên là Kijana  khoảng  năm chục tuổi , cao lênh khênh , gày gò nhưng tráng kiện . Quanh năm nhàn rỗi, không làm việc gì ngoài vùi đầu đọc sách hiệp sĩ . Y đọc mải miết, chẳng ngó ngàng tới sự đời , nhà cửa ruộng đất và quên hết những thú vui thông thường. Y bán dần ruộng đất để mua sách hiệp sĩ chất đầy nhà. Đọc nhiều ngủ ít, trí óc y lú lẫn , y coi những chuyện trong sách là chuyện thực ngoài đời , hơn cả sự thực. Một ngày kia y nảy ý định lên đường làm hiệp sĩ giang hồ để cứu khổ phò nguy thiên hạ và làm rạng rỡ  tên tuổi mình .

Y moi ra những áo giáp, khiên mũ và thanh kiếm cũ của ông tổ bốn đời rồi lau chùi hoen rỉ , sửa sang trang bị cho mình. Con ngựa gầy còm trong chuồng y lôi ra làm con chiến mã và đặt cho nó cái tên mĩ miều -Rossinant . Y cũng đổi luôn tên mình thành “Don Quijote xứ Mancha” cho đúng kiểu cách một trang hiệp sĩ . Lại phải tìm ra một người phụ nữ đẹp để tôn thờ làm “bà chúa của trái tim hiệp sĩ ” , y nghĩ tới một cô gái nông dân ở làng Tobozo mà đã có lần y cảm động xao xuyến khi nhìn thấy . Chẳng biết tên cô , y đặt cho cô cái tên quí phái – Duncine công nương xứ Tobozo . Y đắc ý vì đã chuẩn bị đầy đủ mọi thứ để làm một hiệp sĩ mẫu mực .

Một buổi sớm rạng đông , y mặc trang phục hiệp sĩ cưỡi ngựa lẻn ra đi không để cô cháu gái già và mụ quản gia biết .Lang thang suốt ngày đầu tiên , chiều y tới một quán trọ bên đường có nhiều người ngựa ra vào , y tưởng đó là một lâu đài của một quí tộc lãnh chúa – người có thể giúp tấn phong danh hiệụ hiệp sĩ . Y dắt ngựa vào , trịnh trọng tự giới thiệu với chủ quán và bày tỏ nguyện vọng . Lão chủ quán tin rằng y là một kẻ tâm thần rồ dại nhưng nghĩ nhân cơ hội bày trò vui cho khách trọ nên nhận lời làm lễ tấn phong  hiệp sĩ cho y . Tối hôm ấy , theo như phong tục hiệp sĩ trong sách , y thức trắng đêm để tâm niệm , suy ngẫm . Một gã lái buôn cũng là khách trọ dắt ngựa đi uống nước lỡ đụng chạm đến đống võ khí trang bị cụa y để bên thành giếng nước . Nghĩ rằng mình đã bị xúc phạm , y cầm cây giáo đập vào đầu gã khách thương khiến y ngã lăn bất tỉnh . Chủ quán vội vã bày lễ tấn phong để mau chóng tống khứ ông khách kì dị này đi . Tin tương rằng đã là hiệp sĩ , y tiếp tục lên đường tìm cơ hội ra tay nghĩa hiệp lập chiến công .

Thấy cảnh một em bé mục đồng bị ông chủ trói đánh đập tàn nhẫn , y thúc ngựa xông vào can thiệp . Hỏi ra mới biết em bé để lạc mất một con cừu nên bị chủ phạt , y giận lắm . Quắc mắt lên y ra lệnh cho tên chủ cởi trói cho em bé , trả tiền công đầy đủ , lại bắt hắn phải thề từ nay không hành hạ em bé làm thuê nữa . Hoảng sợ , tên chủ vội hứa hẹn . Nhưng khi hiệp sĩ vừa đi khuất,  gã chủ lại trói và đánh em bé tàn nhẫn hơn trước .

Tiếp tục cuộc hành trình vô định , Don Quijote gặp một đoàn lái buôn . Y chặn họ lại , yêu cầu họ phải lên tiếng thừa nhận nàng Duncine xứ Tobozo là người phụ nữ đẹp nhất thiên hạ . Bọn lái buôn nổi giận xúm lại đánh y một trận tơi bời à Một bác thợ cày cùng làng đi ngang qua thấy y ngã ngựa bèn vực y dậy , dìu về quê . Ở nhà , cô cháu gái và mụ quản gia cùng mấy người bạn của y đang đốt  bỏ đống sách hiệp sĩ của y . Họ chắc rằng sau chuyến thất bại xương máu vừa rồi y sẽ bỏ giấc mộng hiệp sĩ .

Nhưng sức khỏe vừa hồi phục , y lại âm thầm chuẩn bị tái xuất giang hồ . Y rủ rê bác nông dân hàng xóm tên là Sancho Pancha đi theo mình làm cân vệ dắt ngựa . Bị cám dỗ bởi những lời hứa hẹn của y , bác nhận lời . Thế là một sớm tinh mơ , hai thầy trò lẳng lặng lên đường . Đi sau con ngựa gày gò chở ông chủ cao gày là con lừa thấp bé chở bác thợ cày lùn mập ù vai đeo chiếc bị đựng đồ ăn và một bầu rượu lớn . Khi nhìn thấy những chiếc cối xay gió khổng lồ , hiệp sị tưởng đó là bọn quỉ khổng lồ hung ác . Bất chấp bác Sancho can ngăn giải thích , y thúc ngựa vung giáo xông vào đâm . Gặp cơn gió mạnh , cối quay mạnh ,  bẻ gãy cây giáo và quật y ngã lăn bầm dập

Lại gặp một đoàn tù khổ sai đang bị lính dẫn đi , y động lòng , phẫn nộ thấy cảnh con người bị tước đoạt tự do . Y xông vào tấn công tên lính , đám tù nhân chớp cơ hội bỏ chạy thoát thân . Còn y bị tên lính đánh nhừ tử Lát sau những tù nhân  quay lại tìm y săn sóc và cảm tạ ân nhân . Nhà hiệp sĩ yêu cầu họ hứa tìm đến làng Tobozo gặp công nương Duncine để cảm tạ và báo công trạng cho y . Bọn họ từ chối , y nổi giận xỉ mắng họ . Tù nhân phần lớn là dân lưu manh côn đồ tướng cướp nổi giận đánh y một trận nữa rồi bỏ đi . [ Ngoài ra y còn gây nhiều cuộc ẩu đả khác và phần lớn đều thua cuộc ] . Cô cháu gái đã nhờ người dùng sức mạnh và mưu kế bắt y vào cũi , chở về nhà .

 Nghỉ ở nhà ít lâu , hai thầy trò lại lên đường lần thứ ba . Nhiều trò điên rồ kì quặc lại xảy ra Lần này bác thợ cày được cử làm tổng trấn một hòn đảo , đúng như lời hứa ban đầu của hiệp sĩ Quijote . Đó chỉ là cuộc bày trò  vui của hai vợ chồng t quận công nọ trong thời gian hai thầy trò đến lãnh địa của họ .

Một lần nữa, gia đình và bè bạn lại dùng mưu kế buộc nhà quí tộc già Kijana phải từ bỏ con đường hiệp sĩ giang hồ . Một anh cháu họ đóng giả hiệp sĩ với biệt danh ” Vừng trăng bạc ” , đón gặp nhà hiệp sĩ lừng danh ” Mặt buồn ” [ tức Don Quijote ] . Anh thách đấu với điều kiện : nếu thua trận anh sẽ tự nguyện làm hầu cận dắt ngựa cho hiệp sĩ [ thay bác Pancha đã bỏ chức tổng trấn về quê sau khi không thể làm được chức vụ ấy vì dốt nát – nhưng bác cũng vớ được một ít của cải nhỏ mang về cho vợ ]. Còn nếu hiệp sĩ thua trận sẽ phải thề từ bỏ giang hồ trở về nhà . Cuộc đấu diễn ra , hiệp sĩ Mặt Buồn già yếu thua trận , y đành phải giữ lời hứa danh dự của hiệp sĩ quay về nhà . Buồn bã khọn nguôi vì lí tưởng hiệp sĩ bỏ dở , y lăn ra bệnh trong nỗi buồn rầu khôn nguôi . Nằm trên giường bệnh y nghĩ lại ba lần giang hồ và nhận ra tác hại của tiểu thuyết hiệp sĩ . Biết mình sức đã tàn, y  viết chúc thư phân phối tài sản cho cô cháu gái và bác nông dân Pancha. Vài ngày sau Don Quijote từ giã cuộc đời .

            GỢI Ý PHÂN TÍCH NHÂN VẬT VÀ TÁC PHẨM

1 / Bối cảnh đời sống văn học  Tây ban nha trước khi tác phẩm ra đời .

Hồi ấy sách tiểu thuyết hiệp sĩ tràn ngập thị trường Tây ban nha và Tây Âu, gây nhiều tác hại cho công chúng  và gây phẫn nộ đối với chính luậ . Những độc giả đam mê sách này bỏ công việc, hao tiền tốn của, vùi đầu vào những truyện hoang đường phi lí. Thị hiếu thẩm mĩ của người đọc bị méo mó lệch lạc. Hình tượng hiệp sĩ giang hồ phóng đãng làm nảy sinh lối sống tai hại cho trậy tự an ninh xã hội. Vua Tây ban nha là Charler Cing ra lệnh cấm đọc loại tiểu thuyết đó nhưng ông vẫn lén lút đọc say mê. Các nhà tu hành cũng chẳng kém. Sách hiệp sĩ vẫn cứ lưu hành. Mãi đến khi cuốn Don Quijote xuất hiện thì loại tiểu thuyết hiệp sĩ mới mất hết độc giả. Dĩ độc trị độc !  Dư luận nồng nhiệt ca tụng cuốn tiểu thuyết châm biếm sâu sắc này. Lần đầu tiên trong đời nhà văn Cervantes đón nhận thành công và cảm thấy được an ủi cho cuộc đời vất vả chịu đựng bất công của mình.

2 /  Giá trị của tác phẩm Don Quijote

– Chôn vùi một thể tài tiểu thuyết hiệp sĩ trung cổ có hại cho công chúng .

–          Góp một cuốn tiểu thuyết mới với nội dung nhân đạo chủ nghĩa , bênh vực quyền sống  con người. Đằng sau một hài kịch là bi kịch của người nghệ sĩ chân chính trong cuộc Phục Hưng

–          Xây dựng tiểu thuyết hiện thực, Don Quijote miêu tả hiện thực đất nước TBN khổ cực, nhiễu nhương, rối loạn dưới sự cai trị của phong kiến và tăng lữ, lấp ló một bọn người khác sắp vào cuộc áp bức  con người- gã tư sản.

–          Biểu dương những tư tưởng mới mẻ tiến bộ của thời đại mới  khi trình bày những vấn đề tôn giáo, xã hội, nghệ thuật, tình yêu hạnh phúc.

3/  Phân tích nhân vật

Don Quijote:

Don Quijote vẽ ra một  kẻ ham mê đọc sách hiệp sĩ nên bị đầu độc, kẻ chỉ biết sách vở mà không biết gì đến hiện thực khách quan rồi sẽ thất bại.

Tiểt thuyết miêu tả sự không ăn khớp giữa lí tưởng hiệp sĩ trung cổ với hiện thực đang tư sản hóa .

Hai giá trị song song tồn tại trong tác phẩm: sự điên rồ của hiệp sĩ và những thất bại cay đắng liên miên của y diễn ra cùng với hiện thực đen tối của đất nước. Hình ảnh Don Quijote tượng trung cho đẳng cấp tăng lữ và giai cấp phong kiến cố sức lấy cái lí tưởng cũ kĩ ngoan cố chống lại tư tưởng Phục Hưng, như chàng hiệp sĩ Don Quijote vậy thôi  Một chi tiết tiêu biểu: kị sĩ vác giáo đánh cối xay gió, bị cối xay quật ngã. Kẻ vác giáo thất bại, còn lịch sử vẫn tiến lên [bánh xe lịch sử vẫn quay !] .

Nhà văn còn mượn nhân vật phát ngôn cho mình những tư tưởng mới , những suy ngẫm , quan niệm về chính tri, xã hội, tôn giáo, nghệ thuật, đặc biệt là nhân sinh quan. Hãy nghe nhân vật nói những lời tỉnh táo, xúc động, thâm thúy với bác giám mã Sancho sau những lúc mộng du :

Sancho à, tự do là một trong những của cải quí báu nhất mà thượng đế đã ban cho  con người  . Vì tự do cũng như vì danh dự , có thể và cần phải hi sinh cả tính mạng nữa .Ngược lại , làm mất tự do là điều tệ hại nhất trong những điều ác của  con người .Ta nói điều này , Sancho à, bởi vì hồi nãy bữa tiệc linh đình  dành cho chúng ta trong lâu đài nọ , trước những thức ăn ngon lành và những đồ uống chắc là phải dịu ngọt ta vẫn phải chịu dày vò vì đói khát . Vì ta không được ăn uống với sự tự do như khi ta ăn uống những thứ do tự tay ta làm ra. Kẻ nào ăn miếng bánh tự tay mình làm ra mà không phải mang ơn ai bố thí là kẻ sung sướng nhất trên đời.

Những quan niệm mới mẻ khác hẳn thói phong kiến hư danh khi khuyên nhủ Sancho lên đường nhận chức quan “tổng trấn” :

Sancho à , anh phải lấy nguồn gốc nghèo nàn của mình làm vinh dự . Đừng sợ nói cho mọi người biết rằng mình xuất thân nông dân . Khi người ta thấy mình không biết hổ thẹn thì chẳng ai bới móc làm gì . Thà rằng nghèo mà có đạo đức còn hơn là quyền quí mà gian ác

 Dòng máu thì có di truyền, còn việc làm tốt đẹp thì phải trau dồi mới có. Đạo đứ , tự bản thân nó có giá trị gấp bao lần dòng máu .

Quan niệm về giai cấp như thế trong thời đại phong kiến thật là mới mẻ, nhờ có thời Phục Hưng mới có được .

Yêu chính nghĩa và đạo đức là nét tính cách của hiệp sĩ Don Quijote. Trước khi lên đường ông đã tuyên bố như vậy và luôn luôn làm như vậy :

 Có những kẻ dấn bước trên con đường đầy tham vọng và vênh vang đắc ý . Lại có những kẻ dấn mình vào nẻo tối tăm của thói xu nịnh đê tiện , có kẻ đi trên con đường đạo đức giả , lừa bịp . . . Còn ta , ta đi theo ngôi sao định mệnh trên con đường gian nan chật vật của người hiệp sĩ lang thang . Ta khinh bỉ hết thảy mọi vinh hoa phù phiếm, nhưng ta không bao giờ vứt bỏ danh dự .

Hành động và lời nói của ông đi đôi với nhau , khi được viên quận công nhường chức cho, liền nhường ngay cho bác  Sancho và một mình đi tiếp con đường đã chọn.

Về già, y tỉnh ngộ, nhưng rồi cũng rơi vào bế tắc và buồn rầu. Y chết trong sự thương tiếc của mọi người – một  con người vừa đáng cười ,đáng giận vừa đáng thương đáng quí. Thật vậy, mĩ học đã gọi Don Quijote là nhân vật bi – hài kịch của cái cũ- cái  tốt đẹp nhưng đã cũ. Một hiệp sĩ đơn thương độc mã cưỡi ngựa xông vào  cái xã hội đang tư sản hóa trùng trùng điệp điệp kia thì thất bại là hiển nhiên không tránh khỏi.

Sancho Pancha

 Bác nông dân Sancho Pancha đi làm giám mã trong hai chuyến giang hồ với Don Quijote  và cuối cùng quấn quýt bên hiệp sĩ  trong những giờ phút lâm chung của  con người trong sạch và đáng quí trọng này. Bác thật xứng đáng với lòng tin cậy và yêu mến của người quí tộc già ngây thơ .

  Bác là dân cày, mang trong dòng máu tính nết hồn nhiên, chất phác, thực tế và cuối cùng bác là người chiến thắng. Sau hai cuộc phiêu lưu, bác trở về có ít tiền trao cho vợ, lại thêm những đức tính tốt học được của Don Quijote: lòng yêu tự do, công bằng, chính nghĩa, lòng yêu người. Tuy nhiên, là anh nông dân tư hữu, bác cũng có những thói xấu tham lam, ranh mãnh, tính toán muốn làm giàu bằng mọi cách, kể cả thủ đoạn vặt vãnh. Bác đi theo hiệp sĩ vì lời hứa hẹn sẽ được làm quan với những quyền lợi vật chất. Khi có ít tiền bác nghĩ đến việc đi châu Phi buôn nô lệ da đen nếu hiệp sĩ lo cho bác làm “vua châu Ph ” .

 May mắn thay, bác lại được đi bên cạnh Don Quijote. Lương tri cao cả của hiệp sĩ đã kìm hãm bớt cái thói hám lợi của bác, nên bác đã không sa xuống con đường tội lỗ . Khi đã chán ngán hư danh và cảm thấy chức quan không hợp với mình, bác nói :

Hãy lùi xa ra , các ngài thân mến , hãy để cho tôi trở về với ý muốn trước đây của tôi . Cho phép tôi dời bỏ nơi này , để thoát cái chết dang đe dọa tôi . Các ngài hãy thưa lại với công tước [ quận công ] rằng tôi sinh ra trần truồng . Tôi không thua cuộc mà cũng không chiến thắng – tôi muốn nói rằng khi tôi đến đây cai trị không có một đồng xu thì bây giờ khi từ giã nơi này tôi đi với hai bàn tay trắng . Những cánh chim sếu mang tôi lên tận trời cao để cho lũ chim chích và các loài chim khác mổ chết tôi, hãy bỏ nó ở chuồng ngựa. Tốt hơn hết chúng ta tụt xuống đất và đi bằng hai chân.

Hình ảnh Sancho là nhân vật tương phản với Don Quijote, tương phản từ hình dáng đến tâm hồn nhưng không đối lập mà lại hòa hợp, bổ sung cho nhau. Hai nhân vật đi bên nhau, soi sáng cho nhau và chịu ảnh hưởng lẫn nhau. Một tính cách thực tế đi bên một tính cách mộng tưởng điên rồ. Họ đã trở nên thân thiết như đôi bạn chứ không phải ông chủ và đầy tớ . Nhờ sự can ngăn rỉ rả của bác, lão Don Quijote cuối cùng cũng tỉnh ngộ. Trái lại , nhờ gần gũi nhà hiệp sĩ lãng mạn, bác nông dân thêm giàu lòng yêu người, yêu tự do công bằng và chính nghĩa. Thật ra bản chất vốn có của hai con người ấy cũng chẳng phải là ham muốn làm giàu và khao khát hư danh – đó chỉ là cái vỏ tạm thời. Cái gì đã gắn bó hai tính cách trái ngược ? – chỉ có thể là một tính cách  giống nhau căn bản giữa hai người mà thôi – ấy là truyền thống nhân văn chủ nghĩa.

Tiểu thuyết Don Quijote đặt nền móng vững chắc cho tiểu thuyết hiện thực :

Quang cảnh đât nước Tây ban nha với những làng mạc phố phường chợ búa, quán trọ  hiện lên thật sinh động dưới ngòi bút Cervantes. Mấy trăm nhân vật tiêu biểu đủ mọi tầng lớp xã hội  quí tộc, tăng lữ, nông dân thợ thuyền, lái buôn, sinh viên, kẻ cướp, gái điếm, thợ hớt tóc, gã ảo thuật rong . . . đều có mặt trong tác phẩm. Nhũng cảnh áp bức bóc lột và nhũng tệ nạn xã hội đều được phơi bày. Những lực lượng xã hội mới, những tư tưởng cải cách đòi giải phóng cá nhân đang bừng dậy … Cuốn tiểu thuyết 12 chương giúp người đời sau xem laị xã hội Tây ban nha thế kỉ 16 ồn ào náo động – xã hội quá độ từ phong kiến lên chủ nghĩa tư bản ở châu Âu.

Hai tính cách chính không đứng im bất động mà vận động theo cùng tác phẩm, sống động phức tạp. Đó là dấu hiệu cơ bản của chủ nghĩa hiện thực.

Nghệ thuật  kể chuyện của nhà văn rất phong phú, nhiều giọng điệu, khi dí dỏm bông đùa, khi trầm lắng suy tư lúc từ tốn khoan thai khi sôi nổi thúc giục, tùy theo hoàn cảnh mà biến đổi thích hợp.

Hình bóng chàng hiệp sĩ Don Quijote và bác giám mã Sancho Pancha vừa buồn cười vừa đáng yêu ấy vẫn còn đi lang thang mãi mãi khắp cõi nhân gian. Hai nhân vật bất hủ này đến với mọi người với tấm lòng thiết tha yêu tự do, lẽ phải và chính nghĩa ở đời, họ đã lên đường từ phong trào văn hóa Phục Hưng đến tận bây giờ.

Ì

CHƯƠNG VII –  VĂN HỌC PHỤC HƯNG ANH

NƯỚC ANH BƯỚC VÀO THỜI ĐẠI PHỤC HƯNG muộn hơn so với Ý, Pháp,Tây ban nha và các nước Tây Âu khác. Bởi trong hai thế kỉ 14 và 15 nước Anh mắc vào hai cuộc chiến tranh: chiến tranh 100 năm với Pháp tuy không diễn ra trên đất Anh nhưng cũng làm đất nước này kiệt quệ. Hai năm sau khi kết thúc cuộc chiến với Pháp, nước Anh lại xảy ra nội chiến kéo dài 30 năm- gọi là chiến tranh “hai hoa hồng” do hai tập đoàn phong kiến York và Lancaster [biểu tượng hoa hồng trắng và đỏ] tranh giành quyền thống trị. Cuối cùng cả hai đều kiệt sức. Dòng họ Thewdor thừa cơ nhảy lên nắm chính quyền. Đến cuối thế kỉ 16, nước Anh mới có thể tập trung ổn định xây dựng đất nước, mở mang văn hóa.

Xu thế lịch sử ở châu Âu bấy giờ là tiến tới chủ nghĩa tư bản, nước Anh cũng vậy. Từ thế kỉ 16 nước Anh mau chóng đuổi kịp và vượt những nước đi trước. Quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa từng bước hình thành phát triển ở miềnNamnước Anh. nơi đây có truyền thống công thương nghiệp với mặt hàng len dạ xuất khẩu , kéo theo sự phát triển nghề chăn nuôi cừu. Bọn địa chủ mới được nhà vua hỗ trợ bằng các đạo luật đã rào đất cướp ruộng, xua đuổi hàng ngàn nông dân ra khỏi làng quê, chiềm đất làm bãi cỏ nuôi cừu . Nông dân đi lang thang  kiếm sống đầy đường xá, rồi bị hút về những xí nghiệp, công trường với đồng lương rẻ mạt. Nhà nước ban đạo luật “cấm lang thang”để tiếp tay cho giới chủ công thương. [Dưới triều vua Henry III 1509 -1547, cha của nữ hoàng Elisabeth I 1558-1603 – đã có 72000 người dân lang thang bị giết hại dã man: nung sắt đỏ dí bả vai, tái phạm bị chặt đầu hoặc treo cổ]. Nhiều cuộc khởi nghĩa nổ ra, đặc biệt năm 1607 lôi cuốn cả miển Trung nước Anh và bị dìm trong máu lựa. Nước Anh thời  hakespeare tua tủa những giá treo cổ và thớt chặt đầu. Thợ thủ công bị rút kiệt sức trong hầm mỏ, công trường. Ngày làm việc không giới hạn từ 12 đến 14 giờ , tiền công rẻ mạt. Nữ nhận tiền công ít hơn nam, thợ học việc không có lương. Khi nông dân khởi nghĩa có công nhân hỗ trợ. Còn giai cấp tư sản và quí tộc mới lên đã ủng hộ nhà vua chống lại các lãnh chúa địa phương nhằm thống nhất đất nước, thống nhất thị trường và bành trướng thế lực ra nước ngoài.

Kết quả là dưới thời Thewdor, nước Anh trở thành quốc gia thống nhất. Đến thời Nữ hoàng Elisabeth I, nước Anh trở thành cường quốc cạnh tranh với Tây ban nha -nước mạnh nhất thời đó. Sau khi đánh thắng hạm đội Tây ban nha 1588, Anh trở thành bá chủ Đại Tây Dương, từ đó giao thông buôn bán, mở thêm thị trường và thuộc địa của Anh càng phát đạt .

Các sử gia Anh thường ca ngợi thời kì này  là  thời kì “The Merry England” khi nó trở thành cường quốc số 1 của châu Âu. Hạm đội Anh dẫn đầu các thuyền buôn đi khắp các châu Mĩ Á Phi. Vàng bạc của cải trên các thuyền tàu Tây ban nha, Bồ Đào nha từ châu Mĩ trở về bị tàu Anh cướp lại khá nhiều. Thị trường Anh sầm uất, đất nước phồn vinh.Londonthủ đô Anh trở thành trung tâm văn minh của cả châu Âu.

Triết học, kinh tế học, khoa học tự nhiên, kĩ thuật và văn học nghệ thuật Anh vuợt lên địa vị tiên tiến ở châu Âu. Tuy nhiên đằng sau bộ mặt vui vẻ phồn vinh đó là những biến động dữ dội của sự quá độ lên chủ nghĩa tư bản chứa đầy mâu thuẫn giai cấp gay gắt săn sàng bùng nổ. Cũng không nên quên rằng sự phồn vinh ấy dựa trên máu và nước mắt của dân chúng thợ thuyền Anh nữa, ấy là chưa kể đồ ăn cướp và bóc lột thuộc địa .

VĂN HÓA PHỤC HƯNG ANH ra đời muộn trong bối cảnh nói trên nhưng khi bùng phát thì nó lại đạt thành tựu lớn như đà tăng trưởng nhanh của nền kinh tế nước này. Nhìn chung nó cũng mang những tính chất Phục Hưng như các nước Tây Âu khác ở lục địa:

            + tinh thần chống chủ nghĩa ngu dân, chủ nghĩa giáo điều kinh viện trung cổ nhằm giải phóng trí tuệ  con người

            + tinh thần khẳng định cuộc sống trần thế

            + tinh thần đòi hỏi tự do cá nhân

            + niềm phấn khởi trước chân trời rộng mở của khoa học [ thiên văn địa lí …]

            + niềm say mê vẻ đẹp của những tác phẩm cổ đại Hi Lạp  vừa được phát hiện .

Bên cạnh những tính chung, văn học Phục Hưng  Anh còn có những nét riêng của đất nước và lịch sử Anh, truyền thống văn nghệ Anh chi phối. Mâu thuẫn nội bộ giai cấp Anh – một quốc gia tư bản điển hình là gay gắt nhất. Ở đây sự cạnh tranh, phân biệt phân hóa giàu nghèo ghê gớm, sự lộng hành của đồng tiền và tội lỗi, lương tâm nhân phẩm bị thử thách dữ dội, cuộc đấu tranh thật khốc liệt .

 Hơn đâu hết, ở nước Anh hai mặt tươi sáng  và đen tối tương phản  đối lập nhau rõ rệt . Để phản ánh sự đối lập  và mâu thuẫn gay gắt ấy, văn học Anh đã tìm thấy thể loại kịch đáp ứng tốt hơn cả. Nước Anh vốn có truyền thống kịch dân gian lâu đời từ thời trung cổ . Dòng kịch tôn giáo và kịch dân giã đã từng phát triển tuy còn thô sơ nhưng cũng phần nào đáp ứng dân chúng. cuối thời trung cổ, kịch tôn giáo mờ nhạt tính thần bí nhường chỗ cho luân lí đạo đức .

Sang thế kỉ 15, các tác phẩm văn nghệ Hi Lạp La mã và Phục Hưng Ý, Tây ban nha lan toả đến nước Anh. Nền kịch Anh học tập được rất nhiều ở hai nguồn này, nhất là nguồn bi kịch và hài kịch. Trong khoảng từ 1580- 1642 sân khấu Anh sôi động chưa từng thấy  . Nhiều tác giả, nhiều xu hướng đua nhau nảy nở. Thủ đô Londonlúc ấy có hai trăm nghìn dân mà có đến 10 rạp hát. Những rạp lớn chứa được cả nghìn người, như rạp The Swan  [Thiên Nga], rạp The Globe [Địa Cầu] có thể chứa 3000 chỗ  kể cả đứng. Rạp hát  phân ra nhiều hạng vé, thường diễn vào buổi chiều.

Trước khi nhà thơ Shakespeare chiếm lĩnh sân khấu Anh thì hai nhà soạn kịch Keat và Maclove là hai tác gỉa lớn nhất trên kịch trường Anh. Shakespeare tiếp thu cả hai ông và sáng tạo một phong cách nghệ thuật  kịch đặc sắc làm rạng rỡ nền kịch Anh và kết thúc giai đoạn cuối Phục Hưng Tây Âu.

WILLIAM  SHAKESPEARE

[1564 – 1616]

NHÀ THƠ – NHÀ SOẠN KỊCH THIÊN TÀI

1 – Từ bóng tối vươn lên chiếm lĩnh đỉnh cao của nghệ thuật 

 Shakespeare sinh ngày 23 tháng 4 năm 1564 tại thị trấn Stratford on Avon River- thị trấn nho hai ngàn dân thuộc miền Trung Nước Anh. Cha ông bỏ nghề nông ra thị trấn làm nghề bao tay. Về sau khá giả, mở thêm cửa hiệu bán len dạ và bao tay tự chế. Ông lại được dân chúng tín nhiệm bầu làm thị trưởng thị trấn mấy nhiệm kì liền. Lên bảy tuối, cậu bé  Shakespeare cắp sách đếntrườngGrammar Schoolở thị trấn [loại trường hỗn hợp tiểu học và trung học khá phổ biến thời đó. Trường dạy các môn phổ thông, tiếng Hi Lạp, tiếng Latin, ngữ pháp Anh và một ít văn chương cổ Hi lạp La mã]. Nhưng anh không thể học hết trung học , năm 14 tuổi gia đình nợ nần sa sút, cha mất chức thị trưởng, anh phải bỏ học đi làm kiếm sống. Năm 18 tuổi anh cưới một phụ nữ hơn mình 8 tuổi tên là Anne Hathaway. Sau ba năm có con gái đầu lòng, kế đó sinh đôi một  trai một gái, đứa con trai tên là Hamnet, được 11 tuổi thì nó ốm chết.

Năm 23 tuổi, Shakespeare để lại vợ con ở quê, lên đường ra kinh đôLondonvới hai bàn tay trắng và trái tim hăm hở. Ông làm nhiều nghề kiếm sông. Rồi ông đến với rạp hát đầu tiên của nước Anh – rạp Theater. Ông giữ ngựa cho khán giả, soát vé, nhắc vở và làm diễn viên. Ông soạn lại, cải biên một số vở cũ, viết chung với người khác vài vở mới. Sau đó  Shakespeare sáng tác một mình. Ông say mê đọc nghiên cứu cuốn sách “Sử biên niên củaAnh,IrelandvàScotland” coi đó là sách gối đầu giường nhằm nắm chắc lịch sử dân tộc. Ông đọc sách “Truyện danh nhân” để hiểu rõ lịch sử La Mã cổ đại. Để hiểu về đất nước Ý hiện đại ông làm quen với học giả người Ý Jovani Florio đang sống lưu vong ở Anh có mang theo nhiều sách quí, bản thân ông đã là pho từ điển sống hỗ trợ đắc lực cho  Shakespeare. Nhờ có máy in, sách dịch, các thứ sách tiếng Anh Latin Hi Lạp Pháp Ý Do thái rất nhiều cho người đọc. Nhưng còn vốn sống chưa đủ, nhất là sự hiểu biết về đời sông thượng lưu quí tộc cung đình và xã hộiLondon,  Shakespeare tìm cách giao du tiếp xúc với bá tướcSouthampton. Nhà quí tộc này đã bắc cầu cho ông đến với giới thượng lưu. Lại thêm dăm năm sống gần gũi một nhà buôn người Pháp ở khu trung tâm thương mạiLondongiúp ông thêm vốn sống và tìm hiểu văn hóa và ngôn ngữ  Pháp.

 Shakespeare nhanh chóng nổi bật trên văn đàn và kịch trường, chỉ sau 5 năm ở kinh đô, tên tuổi ông đã vang dội. Hai mươi năm cần mẫn ở đây ông để lại gần 40 vở kịch, hai bản trường ca và một tập thơ 154 bài sonnet. Trung bình mỗi năm viết hai vở,  Shakespeare được coi là nhà thơ và nhà viết kịch lớn nhất của thời đại. Thời ấy người ta gọi ông là The Honey- Tougued Poet [nhà thơ có giọng nói ngọt ngào], là The Swan on Avon River [con thiên nga sôngAvon], là “người vung ngọn giáo náo động kịch trường Anh” . Johnson nhà viết kịch Anh nổi tiếng đã nhận xét sau khi Shakespeare mất: “Shakespeare không chỉ thuộc về thời đại mình, ông còn là nghệ sĩ của muôn đời”. Các nhà thơ Victor Hugo [Pháp], Bielinski, Liev Tolstoi và Maxim Gorki [Nga] đều coi ông là bậc thầy . Trong các bài viết về nghệ thuật, Karl Marx, Engels cũng yêu cầu nghệ sĩ học tập Shakespeare theo phương hướng “Shakespeare hóa” .

 2 – Vui buồn bốn đoạn đời  sáng tác của  Shakespeare

Giai đoạn 1

Từ 1590 đến 1594 với các vở Hài kịch của những hiểu lầm, Hai chàng công tử thành Verona,Công cốc vất vả vì tình, vở kịch lịch sử Henry IX và kịch rùng rợn Titert Andronicot. Đây là giai đoạn tập sự chập chũng vào nghề, đang tìm đường cho cây bút, chưa tạo được bản sắc riêng, còn bị ràng buộc với quá khứ truyền thống của kịch Anh.

Sau đó ông viết Hai bản trường ca là:

            Venus và Adonis – dựa theo thần thoại Hi Lạp, miêu tả mối tình say đắm và bi thảm của nữ thần Tình yêu và Sắc đẹp với chàng trai Adonis .

            Rape of Lucrece [vụ cưỡng bức nàng Lucrece]

            Và một số bài sonnet làm say mê độc giả. Đến đây, nhà thơ  Shakespeare  được coi là bá chủ thi đàn Anh .

Cuối giai đoạn này, ông viết vở Romeo and Juliet với tất cả cảm hứng lạc quan tươi sáng

Giai đoạn hai: Lạc quan và yêu nước

Từ 1594 đến 1600,  Shakespeare cho ra mắt khán giả các vở kịch lịch sử  “Henry IV ” phần sau, “Henry V” và hàng loạt vở hài kịch vui nhộn tươi sáng như “Ầm ĩ vì chuyện không đâu   Xin tùy thích” [As you like it], The Twefth Night, The Dream of Summer Night,The Merchant Of Venice, The Merry Ladies  in Windsor . . .  Tài năng nhà thơ bừng nở, vẫn lạc quan yêu đời yêu người, tự hào say sưa yêu nước Anh.

Giai đoạn ba: Bi kịch  thật sự của thời đại

 Từ 1601 đến 1608

Những vở bi kịch xuất sắc nhất của Shakespeare ra đời như Hamlet, Othello, Macbeth, Anthony and Cleopatre, King Lear… Xen kẽ vẫn có những vở hài kịch như : All ‘s well when it ends well ,Troileis and Creida. Những cảm hứng lạc quan của nhà thơ đã giảm dần, cơ hồ biến mất nhường chỗ cho cảm hứng bi quan sâu sắc: phê phán những mặt đen tối xấu xa, lên án cái ác, cường quyền và bạo lực, báo trước sự bế tắc của thời đại . Những tác phẩm thời kì này mang tầm cao tư tưởng nghệ thuật, chiều sâu tâm lí đã nâng vị trí của  Shakespeare lên đỉnh cao trong lịch sử văn học thế giới.

Giai đoạn cuối  1609 -1613 -Tiếng hót về chiều của con thiên nga sôngAvon  .

 Bế tắc, nhà thơ quay laị với những đề tài tình duyên thơ mộng trắc trở và kết thúc có hậu tốt đẹp theo kiểu lãng mạn trung cổ. Như các vở Periclet, Simbeliner,The Tempest, A Winter Story. Vở kịch lịch sử Henry VIII ra mắt cuối giai đoạn này.  Điều đáng chú ý là mâu thuẫn trong kịch đã trùng xuống, dịu đi, không còn quyết liệt như giai đoạn trước.

 Từ 1613  Shakespeare ngừng viết, trở về quê nhà, thi thoảng mới ra thăm thủ đô. Ông viết sẵn chúc thư và từ giã cuộc đời bi kịch vào ngày 23 tháng 4 năm 1616 ở tuổi 52. Nhà thơ được an táng tại nhà thờ Holi Trinity, thị trấnStratfordonAvon. Đài tưởng niệm và tượng bán thân của ông được đắp vào bức tường ngôi giáo đường sau khi ông qua đời.

GIỚI THIỆU TÁC PHẨM KỊCH CỦA  SHAKESPEARE

KỊCH LỊCH SỬ

Nhóm 1: đề tài lịch sử nước Anh, dựa vào cuốn lịch sử  “Sử biên niên của nước Anh nướcIrelandvàScotland” .

Nhóm 2: đề tài lịch sử La Mã cổ đại .

Shakespeare bước vào kịch trường giữa lúc tình cảm yêu nước và tinh thần dân tộc của dân Anh bốc lên cao chưa từng thấy. Chiến thắng đánh tan hạm đội vô địch Acmanda của Tây ban nha khiến hải quân Anh trở thành “con sói biển” tung hoành khắp các đại dương đưa nước Anh lên địa vị cường quốc hùng mạnh nhất châu Âu. Triều đại Elizabethđang được quần chúng ngưỡng mộ, nữ hoàng được ca ngợi là người chèo lái đưa con tàu Anh quốc vượt muôn trùng sóng bể cập bến vinh quang. Cảm xúc đó được bộc lộ cuồng nhiệt ở London. Hai chục vạn dân kinh thành sẵn sàng đổ ra đường phố tung hô nữ hoàng vạn tuế khi bà xuất hiện, rồi nhảy múa ca hát. Shakespeare đắm mình trong bầu không khí đó, ông dựng lại quá khứ lịch sử hào hùng để ca ngợi nhân dân mình, ca tụng những ông vua, những tướng lĩnh anh hùng có tên và vô danh đã làm rạng rỡ đất nước. Nhà thơ ủng hộ chế độ quân chủ tập trung thống nhất quốc gia và khát vọng hòa bình của nhân dân. Ông cũng rút ra những bài học lịch sử khi dựng lên những hôn quân bạo chúa, nhu nhược bất tài, quan chức đắm đuối hưởng lạc thì hậu quả diệt vong thật khó tránh khỏi. Ông nhìn thấy sức mạnh của nhân dân có thể làm nghiêng ngả ngai vàng. Nhà thơ nhắc nhở nhân dân đừng quên cảnh giác với  mọi  âm mưu  thủ đoạn  lừa gạt  của  bọn  quí  tộc [kịch Julius Caesar, Coriolanus] .

Kịch lịch sử của Shakespeare là những bức tranh hoành tráng miêu tả những sự kiện biến cố tiêu biểu của các giai đoạn lịch sử. Xem kịch chúng ta thấy cả cuộc chiến tranh trăm năm Anh – Pháp, Cuộc chiến Hai hoa hồng . . . Nhiều vở kịch lịch sử của ông được phổ biến rộng khắp thế giới bốn thế kỉ qua.

HÀI KỊCH

Hai giai đoạn đầu  Shakespeare viết nhiều hài kịch – giai đoạn lạc quan , nhưng càng về sau tiếng cười đã dần dần thay bằng nước mắt bi kịch. Nhà thơ viết hài kịch để mua vui cho công chúng, khẳng định tình yêu là chất men say cho cuộc sống, là hạnh phúc tuyệt vời nhất trên cõi thế gian, là nguồn sức mạnh chiến thắng tất cả những gì chống lại con người . Nhìn chung hài kịch  Shakespeare tràn ngập cảm hứng khẳng định cuộc sống. Tuy nhiên đến vở hài kịch Chàng thương gia ở thành Venice mặc dù tiếng cười sảng khoái cất lên mừng thắng lợi của tình bạn và tình yêu thì hình tượng gã Shylock vẫn còn đó như một mối đe dọa ngầm, ám ảnh tâm trí người xem. Đây là vở hài kịch có tính hiện thực.

BI KỊCH – TẦM CAO CỦA THIÊN TÀI

Ngay trong giai đoạn đầu khi đang say sưa với hài kịch và kịch lịch sử ,  Shakespeare đã viết vở bi kịch đầu tiên  Romeo and Juliet , kế đó Julius Caesar. Có lẽ khi đang chiều chuộng công chúng bằng những hài kịch, nhà thơ đã cảm nhận được mối nguy cơ đe dọa  con người, đe dọa chủ nghĩa nhân văn, mưu toan bóp nghẹt tiếng cười, lăm le gây tang tóc đau thương . Kể từ năm 1600 về sau, ông viết hàng loạt bi kịch với chủ đề cuộc sống đấu tranh khốc liệt giữa cá nhân và xã hội, trong đó những thế lực đen tối quyết tâm tiêu diệt những ai định cản trở nó, chống lại tham vọng thống trị của nó. Đặc biệt, nhà thơ phát hiện một thế lực đen tối đang sinh sôi nảy nở nhưng cực kì nguy hiểm- đó là đồng tiền và những kẻ nắm giữ nó. Nhà thơ báo động rằng giờ đây “nó” đang vượt ra khỏi  những giới hạn nhỏ hẹp để vươn lên địa vị thống trị những quốc gia, mưu toan thống trị toàn thế giới, “biến cả thế giới thành nhà tù mà nó là cai ngục”. Trong vở kịch Hamlet, tác giả đã tố cáo nó như thế, đến vở Timont at Athens, ông lại vạch mặt nó :

            . . . Vàng , hoàng kim óng ánh quí giá vô ngần,  chỉ bấy nhiêu cũng đủ đổi trắng thay đe , biến tốt thành xấu, biến kẻ gian thành người ngay, hèn hạ thành cao sang , già cả thành trẻ trung , khiếp nhược thành dũng cảm !

            Đó là cái gì vậy hỡi thần linh bất tử  ?

            Đó là cái vật khiến các cha cố và tín đồ ngoảnh mặt làm ngơ bàn thờ của các vị

            Tên nô lệ màu vàng ấy xây dựng và phá hủy tôn giáo của các vị , làm cho kẻ độc ác được hưởng phước lành , làm cho những kẻ ghê tởm được tôn sùng , đặt bọn trộm cắp lên ghế nguyên lão .

            Và làm cho chúng được hưởng chức tước danh vọng và được người ta quị lụy .

            Nó làm cho mụ đàn bà góa già nua tàn tạ thành cô dâu mới

            Hãy thôi đi, kẻ đáng bị đày xuống địa ngục, con đĩ chung của loài người . . .

Nhà thơ còn tố cáo sự câu kết giữa thế lực mới và cũ [tư sản và phong kiến với thế lực mới hình thành] để bóc lột áp bức  con người. Sự câu kết khiến Hamlet phải kêu lên:

“Đan Mạch là nhà tù đen tối nhất trong cái nhà tù thế giới này”. Chúng đẩy  con người lùi dần tới bờ vực thẳm. Những gì mà chủ nghĩa nhân văn Phục Hưng hứa đem lại cho  con người thì giờ đây đang bị các thế lực đen tối chà đạp và tước bỏ không thương tiếc. Bi kịch  Shakespeare phản ánh sự bế tắc và tan vỡ của chủ nghĩa nhân văn trước sức công phá của những thế lực phản nhân văn. Nhưng nhà thơ không truyền bá chủ nghĩa bi quan, chủ nghĩa thất bại. Nhà thơ tin tưởng  con người có thiên hướng vươn lên tới đỉnh cao Chân – Thiện – Mĩ, tin vào khả năng vô tận, lí trí sáng suốt và lương tri của họ. Hamlet và Ophelia, Othello và Desdemona, vua Lear và Cordelia con gái ông tuy đều phải chết bi thảm oan uổng nhưng đó là những cái chết tràn đầy sức mạnh tố cáo và lời hiệu triệu đấu tranh cho sự sống.

Cái gì làm nên sức mạnh nghệ thuật  của bi kịch  Shakespeare ?

 Bên cạnh những khám phá, phát hiện và dự báo nói trên còn có khả năng miêu tả và thể hiện những khám phá đó trong nghệ thuật  kịch.

 Khi viết bi kịch nhà thơ đã trộn lẫn bi với hài, cái cao cả với cái ti tiện, bi với hùng … như là hiện thực vậy .

            Hành động kịch của Shakespeare theo qui tắc cổ đại Hi Lạp là duy nhất [Arietote đã đúc kết] nhưng không phải là đơn nhấ .Ông đưa thêm những hành động phụ nhằm mở rộng khoét sâu mâu thuẫn khiến cho bi kịch càng phát triển kích thước qui mô và phức tạp gay gắt hơn.

ROMEO AND JULIET

Vở bi kịch đầu tay nhưng đã được công chúng Anh ngay lập tức chào đón nồng nhiệt. Vở kịch gây xúc động chưa từng thấy trên sân khấu Anh và trong giới phê bình nghệ thuật. Cho đến bây giờ nó vẫn được coi là kiệt tác hàng đầu. Toàn bộ nội dung vở kịch được nhà thơ tóm tắt trong “Lời giáo đầu”:

            Ngày xưa ở thành Verona xinh đẹp

            Có hai nhà dòng thế phiệt trâm anh

            Mối thù xưa bỗng gây gây cảnh bất hòa

            Máu lương thiện khiến người lành máu đổ   

Số phận éo le thâm thù hai họ

Lại khéo xui sinh hạ đôi tình nhân

             Mối tình si thê thảm muôn phần

             Chôn lời hận chỉ còn đành thác

            Tình lứa đôi thảm thương tan nát

            Trên xác con cha mẹ mới quên thù

            Chuyện thương tâm trình diễn đôi giờ          

xin quí vị ráng xem và chiếu cố

sức mọn , tài hèn tôi xin gắng trổ .

Câu chuyện mối tình oan trái bi thảm của Romeo và Juliet là câu chuyện thật xảy ra ở nước Italia thời trung cổ, đã từng được một số nhà văn nhà thơ Ý ghi chép và nhuận sắc. Do đó câu chuyện tình này đã được phổ biến rộng ở các nước Ý, Tây ban nha, Pháp và An .

 Shakespeare chỉ mượn cốt truyện để gia công xây dựng thành vở kịch .Với ngòi bút tài hoa, R&J đã trở thành bất tử. Qua đó công lao của những người viết truyện trước  Shakespeare cũng được ghi nhận góp phần vào kiệt tác của Shakespeare. Nhà thơ  Shakespeare là người trả nợ văn chương rất hậu hĩ , ông luôn trả nhiều hơn những gì đã vay .

Trong vở kịch, ông dồn hết sự cảm thông đồng tình cho đôi uyên ương. Trước hết nhà thơ miêu tả một bản tình ca say đắm nhất và bất khuất kiên định vô cùng. Dưới đây trích một đoạn trong Hồi II cảnh 2, gọi là cảnh “Đêm trăng thề hẹn” :

            Sau đêm vũ hội hóa trang ở lâu đài nhà Capulet, Romeo cảm thấy yêu Juliet thật sự . Chàng quay lại, trèo tường hàng rào vào vườn nhà, hai người gặp nhau trên ban công chuyện trò, tỏ tình và thề hẹn:

            Romeo – Thưa tiểu thư, tôi xin thề có mảnh trăng thiêng liêng kia đang dát bạc trewn những ngọn cât trĩu quả . . .

            Juliet – Em xin chàng đừng lấy trăng kia thề thốt. Vầng trăng nghiêng ngả, mổi tháng lại thay đổi đường đi lối về. Em sợ tình chàng cũng như trăng kia thay đổi.

            Romeo – Tôi phải lấy gì mà thề ?

            Juliet – Xin chàng đừng thề nguyền chi cả. Hay nếu chàng muốn thì chàng hãy đem tấm thân tuấn nhã của chàng mà thề – đó là vị thần mà em thờ phụng, và em sẽ tin chàng .

            Romeo –  Tôi xin thề trên linh hồn . . .

         Juliet – Xin nghìn lần chúc chàng một đêm tốt lành [nàng rời cửa sổ đi vào phòng]

            Romeo – Thiếu ánh sáng của nàng thì đêm tối  hóa ra muôn nghìn lần xấu xa .

[chậm chạp quay ra] Tình yêu đi tìm tình yêu vui như cậu bé học sinh được rời ra sách vở  . Tình yêu phải xa tình yêu buồn như chú bé trở lại nhà trường.

[Juliet lại xuất hiện bên cửa sổ, hai người tiếp tục tình tự và hẹn ngày giờ làm lễ tuyên hôn bí mật ở nhà thờ] .

GỢI Ý PHÂN TÍCH 

Chỉ trong một đoạn đối thoại ngắn, nhà thơ đã thể hiện nồng nàn tư tưởng nhân văn chủ nghĩa của thời đại. Khi Romeo muốn thề nguyền bằng ánh trăng sáng trên trời, Juliet gạt đi bảo không cần thề [ý nói: lời nói của con người tự nó đã là sự bảo đảm], còn nếu chàng thích thề [ý thích cá nhân] thì lấy ngay tấm thân chàng – bởi con người là vị thần đối với nàng. Rõ ràng con người kể cả thân thể của nó cũng được coi là thiêng liêng – vị thần tối cao của thế giới. Đó là sự phủ định mọi thứ thánh thần huyền bí xa xôi. Và sau đó, Romeo cũng cảm thấy nàng sáng đẹp hơn tất cả trăng sao tinh tú trên trời – những thứ cao xa đại diện của Chúa Trời. Hai người thật là đồng cảm, đồng điệu và đồng quan niệm.

Nhưng rồi đôi uyên ương phải chết oan uổng, kéo theo cái chết của những người khác và nỗi đau lòng tổn thất lớn của cả hai dòng họ. Chế độ phong kiến và lòng hận thù đã giết chết họ .

 [thảo luận – Vì lí do gì  nhà thơ kết tội chế độ phong kiến ? ]

Cái bi kịch trong tác phẩm này không nằm trong tính cách, cái bi do hoàn cảnh gây ra, xô đẩy họ vào chỗ hủy diệt – đây là bi kịch kiểu cũ – bi kịch truyền thống – nghĩa là kết thúc vẫn là “có hậu”. Bi kịch này chưa đến mức sâu sắc như các bi kịch về sau .

Nhân vật chính nổi bật trong vở kịch là Juliet, thiếu nữ 14 tuổi lần đầu bước vào ngưỡng cửa tình yêu. Tình yêu đến bất ngờ như chớp lóe trong đêm vũ hội hóa trang ở ngay nhà mình. Khi nghe chàng tỏ tình, nàng chẳng hề e thẹn hoặc kiêu kì, khách sáo. Nàng chỉ nghe lời mách bảo của trái tim, tin tưởng nhanh chóng vào tình yêu tuyệt đối.

Nhà thơ  Shakespeare đã xây dựng được một Juliet hồn nhiên ngây thơ trong trắng và nồng nhiệt như là một hình tượng thiếu nữ yêu đương đẹp nhất đầu tiên của văn học thế giới vậy.

 Kết thúc vở kịch là hai cái chết của đôi uyên ương nhưng không gợi lên cảm xúc bi quan tuyệt vọng. Hai gia đình đau đớn hối hận, cha Romeo xin phép đón Juliet cùng Romeo trở về hầm mộ của dòng họ Montague. Mối hận thù được hóa giải. «Về mặt tinh thần, đôi uyên ương đã chiến thắng, chiến thắng hai lần. Romeo và Juliet là vở bi kịch lạc quan » . Thảm kịch của họ đem lại nhận thức, niềm tin và hi vọng cho ý thức nhân loại về sau.

Câu hỏi  thảo luận : Giải thích nhận định trên .

 OTHELLO – TẤN BI KỊCH CỦA LÒNG TIN TAN VỠ

Như một số vở bi kịch, khi viết Othello nhà thơ cũng mượn câu chuyện có sẵn, đó là truyện  Người Moor ở Venice của nhà văn Italia Sintio. Cốt truyện như sau:

            Một viên tướng người dân tộc Moor da đen được triều đình Venice trọng dụng. Cảm phục  con người dũng cảm tài ba từng trải ấy, Desdemona – con gái một viên đại thần thượng nghị sĩ – tiểu thư đẹp nhất thành Venice đem lòng yêu thương Othello . Họ bí mật làm lễ cưới. Nhưng tên tùy tướng của anh vốn theo đuổi Desdemona bị nàng lạnh nhạt đã nổi cơn ghen căm giận cả hai người . Hắn đặt điều vu khống nàng là cô gái lẳng lơ . Viên tướng da đen sinh lòng ngờ vực, rồi ghen tuông lồng lộn. Y bàn bạc với tên tùy tướng cách trừng phạt nàng. Chúng dùng bao cát đánh nàng đến chết. Để phi tang, chúng phá sập nhà vùi xác nàng rồi bỏ trốn. Câu chuyện thật thương tâm và ghê tởm này sau được vợ tên tùy tướng tố giác khi y đã bỏ trốn và bỏ rơi nàng.

Nhà văn Sintio chỉ muốn kể một câu chuyện ghen tuông li kì rùng rợn man rợ của hai kẻ tàn bạo như nhau .

Nhà thơ Shakespeare viết Othello hướng người xem chú ý một vấn đề có ý nghĩa thời đại sâu sắc hơn nhiều.

Các nhân vật :

   Othello – viên tướng da đen

                           Brabantio – nguyên lão thành Venice , cha của Desdemona

                           Cassio – một sĩ quan dưới quyền Othello

                           Iago – phó tướng của Othello

                           Desdemona – tiểu thư , con Brabantio

                           Emilia – vợ của Iago           

 Cốt truyện :

Brabantio nguyên lão giàu có thành Venice có cô con gái xinh đẹp dịu hiền là nàng Desdemona . Nhiều người xin cưới  nhưng nàng vẫn chưa chọn được người vừa ý .Nàng gặp viên tướng da đen do cha nàng mời tới nhà kể chuyện trận mạc , chiến công . Chàng quả là người dũng cảm lập nhiều chiến tích trong cuộc chiến tranh chống quân Thổ nhĩ kỳ . Nàng cũng say mê cùng cha nghe chàng kể những cuộc phiêu lưu , chiến trận gian lao , li kì và anh dũng , những cảnh lạ phương xa . . .  Nàng đã khóc khi chàng kể những tai họa khủng khiếp mà chàng từng gánh chịu . Khi nghe xong , nàng cảm ơn anh và bảo chàng rằng : ” nếu chàng có người bạn trai nào thích yêu nàng , chàng hãy dạy anh ta cách kể chuyện đời mình  như vậy là đủ chiếm được trái tim em ” . Nói xong nàng đỏ mặt . Và Othello đã hiểu ý nàng . Hai người bí mật làm lễ kết hôn . Ông già Brabantio phản đối quyết liệt . Tại cuộc họp viện nguyên lão , ông đã tố cáo chàng Othello dùng ma thuật quyến rũ con gái ông . Vừa lúc ấy , nghe tin báo một đoàn chiến thuyề Thổ Nhĩ kì đang trên đường đánh chiếm đảo Cyprus nơi quan Venice đang canh giữ . Triều đình cho gọi tướng Othello giao nhiệm vụ đồng thời xét xử vụ tố cáo mà nếu đúng như vậy chàng sẽ bị tử hình theo luật thành Venice. Viện nguyên lão chất vấn chàng và tranh luận . Othello thành thực kể lại quan hệ của hai người . Ông già Brabantio điên cuồng buộc tội chàng một cách vô lí . Viên chánh án thừa nhận rằng lối kể chuyện và cách ứng xử cao thượng , trung thực của Othello có thể chiếm được cả lòng yêu mến của con gái ông nữa . Họ thừa nhận Othello chỉ dùng nghệ thuật  chính đáng của đàn ông khi yêu và đang yêu mà thôi . Cái gọi là ma thuật ấy chỉ là tài khéo léo kể chuyện lãng mạn để thuyế phục đôi tai của một công nương . Tiểu thư Desdemona xuất hiện trước tòa . Nàng nói bổn phận của nàng là biết ơn người cha có công sinh thành nuôi dưỡng  nhưng nàng cầu xin cha cho nàng thực hiện một bổn phận cao quí khác là đấng phu quân của nàng . Ông già tỉnh ngộ và hối hận . Triều đình sai chàng cầm quân ra trận .

 Nàng cũng xin đi theo chồng đến đảo Cyprus . May mắn thay , một trận bvão biển dữ dội đã nhấn chìm quân Thổ xâm lược . Hòn đảo bình an . Họ hạ trại nghỉ quân ở hòn đảo ấy .

Othello có một người bạn thân thiết nhất , đó là chàng Cassio đẹp trai , vui tính ăn nói có duyên . Anh ta đã từng làm cố vấn ái tình cho Othello khi chàng đang yêu nàng . Sau đám cưới tình bạn của ba người vẫn tốt đẹp. Anh thường đến thăm viếng hai vợ chồng như một người bạn . Othello tin tưởng giao chức vụ phó tướng cho Cassio . Điều này làm cho Iago một viên tướng  sinh ra ghen tức đố kị , hận thù . Y nghĩ rằng mình là kẻ xứng đáng phó tướng hơn ai hết . Y mỉa mai châm chọc Cassio chỉ là anh chàng giỏi gần gũi phụ nữ hơn là tài năng quân sự  , Y lại còn nghi ngờ Othello yêu vợ  y là Emilia . Iago bắt đầu nghĩ kế ám hại họ . Y bắt đầu nghĩ kế gây hại cho Othello . Là kẻ hiểu biết tậm lí  con người , y  cho rằng sự ghen tuông nghi ngờ là mối đau đớn gây lầm lỗi , rối trí khủng khiếp  nhất cho người đàn ông . . .

Một ngày hội mừng hòa bình được tổ chức trên hòn đảo , tất cả tham gia bữa tiệc và vui chơi . Riêng Cassio nhận nhiệm vu phụ trách đội quân ï canh gác theo qui chế quân đội . Rượu nho tuôn tràn , những ly rượu quay vòng chúc mừng  chúc mừng sức khỏe chủ tướng Othello và phu nhân . Cassio đã nhận lệnh không cho lính uống rượu quá nhiều sẽ gây náo loạn dân chúng địa phương sợ hãi . Iago cố ép Cassio uống rượu . Từ chối mãi không đành , Cassio đành phải uống theo những ly rượu chúc mừng của Iago hướng về nàng Desdemona xinh đẹp . Một mặt Iago xúi giục một tên sĩ quan gây gổ với Cassio . Hai kẻ say rượu tuốt gươm xông vào nhau . Một sĩ quan khác can ngăn không được còn bị trúng gươm . Rồi Iago lên tiếng báo động đầu tiên . Othello thức dậy đến chất vấn kẻ gây rối .Cassio đã tỉnh rượu rất xấu hổ không trả lời được . Iago làm ra vẻ bênh vực Cassio , khi bị ép phải nói thật y ra vẻ làm giảm sự nghiêm trọng của vụ đánh lộn nhưng ngầm ý buộc tội vào Cassio và lánh xa trách nhiệm của y . Cassio chưa tỉnh hẳn nên không nhớ rõ tình tiết câu chuyện . Othello là người nghiêm khắc nên đã phải ra lệnh cách chức phó tướng của Cassio .

Cassio buồn bã , than thở với Iago vì anh vẫn tưởng y là người bạn tốt . Iago bảo ” vợ của vị tướng cũng là vị tướng ” và y khuyên anh nói với Desdemona nhờ nàng can thiệp hòa giải . Cassio đến gặp Desdemona . Nàng hứa sẽ hết sức cố gắng giúp bạn . Nói chuyện với chồng , nàng ra sức bênh vực Cassio với giọng nói dễ thương và nghiêm trang . Othello thật khó mà ngắt lời hoặc tranh cãi với nàng .Chàng chưa thể quyết định xóa tội cho Cassio , cho rằng thế là quá sớm . Nàng nôn nóng nêu ra thời hạn hôm sau hoặc hôm sau nữa là chậm nhất . nàng lưu ý chồng rằng Cassio thật đáng thương đã biết hối lỗi và khiêm tốn . nàng nhắc đến công lao Cassio làm ” sứ giả tình yêu ” cho họ . Có lẽ anh ấy đã bị phạt quá nặng  [ ! ] . Othello đành phải hứa sẽ trọng dụng lại Cassio nhưng  chần chừ kéo dài thêm ít ngày .

Trong khi đó, Iago gặp gỡ chủ tướng trò chuyện, mỗi ngày một chút y xúc xiểm khéo léo khiến Othello bắt đầu ngờ vực mối quan hệ của vợ và bạn Cassio. Tên Iago lại xảo quyệt an ủi chủ tướng không nên tự làm khổ mình với sự ghen tuông. Tên đê hèn càng làm Othello chất phác tò mò , anh phân vân :”Vợ ta xinh đẹp, thích giao thiệp tiệc tùng , nói năng phóng khoáng tự nhiên , múa hát hay đàn giỏi . Nhưng chỉ nơi nào có đức hạnh thì những phẩm chất ấy mới tốt đẹp như thế. . . Ta phải có bằng cớ trước khi nghĩ rằng nàng giả dối” .

Tên xảo quyệt lại tỏ ra vui mừng rằng Othello vẫn giữ vững lòng tin tưởng vcào người vợ hiền . Hắn còn nói hắn cũng chẳng thấy có bằng chứng nào cả . nhưng hắn lại nhắc anh hãy chú ý thái độ của nàng khi tiếp xúc với Cassio . Hắn nói thêm rằng hắn quá hiểu rõ tính nết đàn bà Ý quê hương hắn hơn Othello: “Ở Venice , các bà vợ để cho Thượng đế biết nhiều thủ đoạn mà không để cho chồng biết”. Hắn gợi ý rằng Desdemona đã từng dối cha thật khôn ngoan khi bí mật kết hôn với chàng  khiến chẳng ai hay biết gì .Lập luận này đã tác động mạnh đến tâm trí Othello. Bằng nhiều thủ đoạn tinh vi khác , Iago đã đẩy Othello càng lúc lún sâu xuống vực thẳm nghi ngờ và đau khổ tự dày vò .  Iago đã giăng cái bẫy bằng chính lòng nhân hậu bao dung ngây thơ của nàng để hại nàng . Hắn lại khuyên Othello kiên nhẫn cho tới khi có bằng chứng xác đáng . Nhưng chính Othello cả tin lại càng nôn nóng sốt ruột, chẳng còn yên ổn, anh trở nên mệt mỏi uể oải chán nản việc quân .

Iago lại hỏi anh về chiếc khăn tay thêu hoa của Desdemona. Anh đáp đó là kỉ vật của anh tặng nàng khi đám cưới. Iago nói có lần nhìn thấy Cassio lau mặt bằng chiếc khăn ấy  . Othello lạnh lùng đáp: “Nếu ngươi nói thật , ta sẽ không yên nghỉ cho đến khi nào sự báo thù của ta đã nuốt chửng bọn chúng . Trước hết để thử lòng trung thành của ngươi, ta giao cho ngươi giám sát việc hành hình tên Cassio trong vòng ba ngày nữa. Còn phần con quỉ xinh đẹp kia, ta sẽ đi xa và nghĩ ra một cái chết cho nó ” .

Othello giả bộ nhức đầu, gọi vợ đưa chiếc khăn tay để anh ta buộc trán . Nàng làm theo , “không phải cái này, cái mà ta tặng nàng hồi trướ ” . Nàng không thể tìm ra chiếc khăn ấy . Nàng đâu có  ngờ được rằng Iago đã sai vợ y là Emilia đánh cắp chiếc khăn với lí do mượn về làm mẫu thêu một cái giống như vậy ; Rồi hắn thả rơi chiếc khăn trên đường đi của Cassio khiến chàng vô tình nhặt lấy . Othello bảo nàng rằng chiếc khăn ấy vốn của mẹ chàng để lại , dặn chàng hãy dành tặng người phụ nữ mà chàng yêu quí nhất . Chiếc khăn có phép màu nhiệm giữ gìn tình yêu trọn vẹn , cần phải giữ gìn như con ngươi của mắt mình . Nàng hoảng sợ gần như ngất đi khi thấy chiếc khăn không còn . Othello vẫn khăng khăng đòi dùng chiếc khăn . Nàng tìm mọi cách an ủi chồng . Còn Othello càng điên dại , lao ra khỏi phòng . nàng biết chồng đang ghen , nhưng nghĩ mãi không biết mình có lỗi gì, đã mắc sai lầm gì khiến chồng đau khổ . nàng buồn nả , thất vọng . Khi Othello trở lại chàng lên án gay gắt rằng nàng đã phản bội, đã yêu một người khá , chàng khóc. Desdemona than thở “Hỡi ôi cái ngày hôm nay mới nặng nề làm sao ! Vì sao anh lại khóc ?” . Chàng bỏ ra ngoài. Vợ chàng bàng hoàn , kinh ngạc và đến kiệt sức  , nàng đi nằm nghỉ . nằm xuống giường mệt mỏi , mong đợi phu quân quay lại  với nàng . nàng thiếp đi với giấc ngủ nặng nề . Othello quay lại , hầm hầm sát khí . thấy vợ nằm ngủ có vẻ ngon lành thanh thản , chàng càng uất giận. Othello quyết định giết chết nàng . Không muốn làm người vợ xinh đẹp phải đổ máu trên làn da trắng như tuyết anh ta nghĩ cách giết vợ sao cho êm ái nhất . Anh ta tuyên bố:  nàng phải chết, nếu không nàng sẽ còn phản bội nhiều người đàn ông khác nữa” . Rồi chàng cúi xuống hôn nàng một lần cuối và chàng khóc . nàng thức dậy vì những cái hôn nồng nàn. nàng mừng rằng chồng đã nghĩ lại. Nhưng khi nhìn thấy nét  mặt chồng đầy sát khí, nàng hoảng sợ. Othello bảo nàng hãy đọc kinh thánh, cầu nguyện đi, rằng chàng không muốn giết một linh hồn chưa rửa sạch tội . người vợ đáng thương cầu xin chàng cho biết tội lỗi của mình . Othello nói tên Cassio và chiếc khăn kỉ vật thiêng liên . Rồi mặc cho nàng cố sức giãi bày, y gạt đi , lấy chiếc gối phủ kín mặt nàng và đè xuống đến khi nàng ngạt thở… Thấy vợ đã chế , Othello rút kiếm định tự sát. Vừa lúc ấy quân lính đưa Cassio bị thương do tên Iago giết hụt an .  Cassio xin lỗi chủ tướng và hỏi anh đã xúc phạm Othello như thế nào mà anh bị hành hìn .  Emilia vợ Iago chạy vào thú nhận tội lỗi về chiếc khăn tay  vì nàng hối hận, nghĩ đến hậu quả khủng khiếp của mình tiếp tay chồng làm việc xấu xa.

Sự thật như một đòn sấm sét giáng xuống đầu Othello. Chàng nhận ra mình là kẻ xấu xa tột bậc, chàng mừng rỡ vì thấy Desdemona vẫn là người phụ nữ chung thủy tuyệt vời. Nhưng nỗi đau đớn hối hận đã kéo chàng gục xuống bên xác vợ. Chàng nói một điều gì đó rồi rút kiếm tự sá . Quân lính đuổi theo Iago…

            PHÂN TÍCH TÁC PHẨM

IAGO ngay từ đầu  đã có thái độ thù ghét Othello. Y nói với bạn: “Nếu tôi không thù ghét hắn thì thật đáng để ngài khinh bỉ . Ba nhân vật danh tiếng ở kinh đô đã đích thân vận động khẩn nài hắn cử tôi làm phó tướng. Mà thành thật mà nói -tôi biết tài tôi lắm chứ . Tôi hèn gì mà không xứng với chức vụ ấy ? ” [hồi I cảnh 1]Hắn còn ghét anh vì anh là một “gã ngoại nhân không nhà không cửa, một tên nhọ đen” – hắn tâm sự với ông già Brabantio .

Tai hại thay, Othello, Desdemona và cả Cassio đều tin tưởng hắn. Họ tin ở phẩm chất con người cao đẹp như chủ nghĩa nhân văn Phục Hưng đã khẳng định. Vở kịch diễn ra vào cái thờixã hội còn ngập trong không khí hận thu đáng ghê tởm về tôn giáo, màu da, chủng tộc và đẳng cấp- điều này chứng tỏ bản lĩnh dũng cảm cao độ của nhà thơ  Ông đã miêu tả sự hòa hợp giữa những người khác biệt về tất cả những mặt trên nếu không bị cản trở phá hoại của những kẻ xấu xa đê tiện, hẹp hòi. Othello là bản tình ca đẹp đẽ nhất và cũng là tấn bi kịch thê thảm xót xa nhất .Bi kịch ấy do tính cách của Othello, Desdemona và Iago quyết định.

Tính cách của đôi tình nhân giống nhau là đều tin tưởng tuyệ đối vào sự lương thiện của  con người. Còn Iago đi theo cái triết lí “cuộc sống của y là trên hết ! “bất chấp đạo lí và lương tâm. Hắn còn có tài che đậy dã tâmnên nhiều người đã lầm lẫn, Othello thường gọi hắn la “Iago trung thực”. Othello vì ghen tuông mà mất hết lí trí, nhưng ghen tuông chỉ là biểu hiện bề ngoài, chẳng phải là bản tính của chàng. Chính Iago mới là kẻ ghen tuông đố kị. Hắn ghen với Othello và vợ hắn, đố kị với Cassio. Othello cao thượng yêu thương Desdemona tha thiết và tin rằng nàng cũng yêu mình nồng nàn chung thủy. Dẫu sao chàng vẫn còn mặc cảm tự ti về màu da và tuổi tác[chàng lớn tuổi hơn vợ khá nhiều], buồn vì sự giao thiệp vụng về của mình nữa. Do đó khi bị xúc xiểm Othello dễ sinh ngờ vực. Tuy thế chàng vẫn cố sức gạt bỏ mối nghi ngờ. Niềm tin chàng đặt vào Desdemona là hoàn toàn đúng đắn. Chàng chỉ sai lầm khi tin cậy Iago. Đến khi nhìn thấy rõ  bằng chứng” [chiếc khăn tay] chàng mới điên cuồng giận dữ . . . Vợ chàng ngây thơ hỏi chàng cảm thấy đau ở đâu, Othello chỉ tay vào đầu mà nói chàng bị thương ở đó . Nếu là nỗi đau ghen tuông , người ta thường nói trái tim bị tổn thương – nơi biểu tượng của tình cảm. Nỗi đau của Othello ở đây lớn lao sâu sắc hơn, khủng khiếp hơn – chàng đau đớn vì tin rằng mọi  sự trên đời đều là dối trá. Sự dối trá được che ngoài bằng vẻ xinh đẹp lại càng ghê tởm biết bao ! Chàng đã từng tin tưởng rằng nàng là hiện thân cái đẹp hoàn hảo của  con người, thế mà sự thật phũ phàng cay đắng đến thế này ư !

Vậy là sư trừng phạt của Othello dành cho Desdemona chẳng phải vì ghen tuông. Đó là sự trừng phạt dành cho kẻ phản bội niềm tin, theo Othello, đó là tội lỗi lớn nhất của con người. Trước khi hành động, Othello đau khổ đến tột cùng [chàng không hề tỏ ra hả hê khoái trá được thỏa chí trả thù], chàng quì xuống bên giường Desdemona:

            Hãy để ta hôn một lần nữa , một lần nữa

            Em chết đi cứ giữ nguyên vẻ yêu kiều diễm lệ

            Như thế dù ta sắp phải ra tay hành quyết

            Tình yêu sẽ lại đằm thắm trong lòng ta

            Hãy để ta hôn một lần nữa

            một lần cuối cùng . Trời hỡi !

            Có bao giờ cái hôn dịu dàng nhường này mà cũng ác nghiệt nhường này

            Nước mắt ta khôn cầm

            Đây là những giọt lệ hà khắc mà thượng đế rỏ xuống

            Khi Người phải dằn lòng trừng phạt đứa con yêu .

Quả là Othello đã trừng phạt vợ trong sự tiếc nuối, trong tình yêu nồng nàn không kìm lại được.

Nhưng sau đó, khi chàng phát hiện ra sự nhầm lẫn vô phương cứu chữa, chàng lại khóc rống lên trong một niềm vui thú lạ lùng. Tâm trạng Othello chứa đựng nghịch lí phức tạp: đau đớn tột cùng vì hối hận, giận mình ngu dại, căm thù kẻ khốn kiếp Iago và niềm vui bừng sáng khi biết niềm tin và tình yêu Desademona vẫn còn đó. Nỗi đau khổ nghi ngờ tình yêu đã tan biến , niềm tin được khôi phục.  Othello cầm kiếm tự kết liễu cuộc đời  gục xuống bên nàng  Hành động ấy nhằm tôn trọng sự công bằng, hay chứng minh lời thề chung thủy với nàng ?

Othello là hình tượng  con người cao quí nhất và đau khổ nhất trong văn học thế giới.

Bên cạnh anh còn hai nhân vật phụ nữ cao quí: Desdemona và Emilia. Tình yêu của Desdemona thật là vô tư trong sáng nồng nhiệt và dũng cảm. Ngay cả người cha khắc nghiệt hẹp hòi cũng không thể giận trách nàng. Còn Emilia là một phụ nữ bình thường với những khuyết điểm nhưng nhờ lòng dũng cảm nói lên sự thật cứu người mà trở nên  con người phi thường cho dù bản thân phải chịu thiệt thòi Bản thân chị cũng phải chịu đựng một tấn bi kịch – làm vợ một kẻ mặt người dạ thú như Iago.

[Bài tập thực hành: Phân tích tấn bi kịch Emilia] .

Hành động kịch  xoay quanh một cái trục: mối quan hệ Othello và Iago. Kết cục: Othello thất bại thảm khốc, còn Iago khi bị phát hiện , y còn chạy trốn – Lời cảnh báo của nhà thơ .

CÂU HỎI THẢO LUẬN

1/ Chúng ta hãy cùng nhau thảo luận để giải thích hành động tự sát của Othello theo quan điểm của chính nhà thơ  Shakespeare. Có ý kiến còn cho rằng Othello thất vọng với cuộc đời giả trá, chàng tìm cái chết để tránh xa nó ? Anh chị nghĩ sao ?

2/ Tư tưởng của vở bi kịch là gì ?

–          Hãy tin tưởng ở tình yêu ? Hay là luôn luôn cảnh giác với  con người ? [Dù câu trả lời ra sao, chủ nghĩa nhân văn đang bị đe dọa, vở kịch là lời cảnh  báo của nhà thơ].

KING LEAR –  TÌNH TRẠNG XÃ HỘI ĐẢO ĐIÊN TAN TÁC

Vở bi kịch Vua Lia  đã  từng gây tranh cãi cho nhiều thời đại.Tóm tắt cốt truyện kịch :

Lia là vua nước Anh, có ba cô con gái. Chị lớn nhất lá Goneril, vợ công tước xứ Albany . Chị thứ hai là Regan vợ công tước xứ Cornwall. Cô gái út là Cordelia chưa lấy chồng . Có hai vị khách cầu hôn cô là  vua nước Pháp và công tước xứ Burgundy đang ở thăm triều đình .

Vua Lia đã hơn tám chục tuổi, nghĩ rằng mình đã già yếu mệt mỏi nên quyết định thôi không giữ việc cai trị đất nước, bèn chuẩn bị giao cho ba con, mỗi cô một phần đất nước . Ngài cho gọi ba con đến , ngài  muốn thăm dò xem sau này các con sẽ đối xử với cha như thế nào. Theo đó vua sẽ có cách chia phần cho họ .

Cô chị lớn , Goneril thưa rằng cô yêu cha nhiều hơn mức độ mà lời nói có thể mô tả được . Rằng người cha còn quí hơn cả mạng sống và tự do . . . Vua Lia nghe thế rất vui thích , ngài tuyên bố chia cho cô và chồng một phần ba đất nước .

Regan cô thứ hai nói rằng những gì người chị nói còn kém xa tình yêu mà nàng sẽ dành cho cha. Nàng nói thêm: mọi niềm vui khác đã chết  trong niềm vui nàng được sống với vua cha yêu quí”

Vua Lia sung sướng tự hào tin tưởng với hai con gái lớn và cùng chia cho họ như nhau .

Ngài quay sang cô gái út – Cordelia  mà ngài thường gọi là “niềm vui cvủa chính mình” . Ngài hỏi con có gì để nói với cha  và ngài chờ đợi những lời nói dễ thương , êm tai và mãnh liệt  hơn tất cả bởi nàng là đứa con gái út được ngài cưng chiều hơn ai hết  . . . Công chúa út  Cordelia nghe cha hỏi thì e thẹn khi phải bày tỏ tình cảm thầm kín của mìn . Cô nghĩ mình không thể nói những lời lẽ khoa trương giả dối như hai người chị. Cô chỉ nói giản dị « con yêu cha theo bổn phận của mình không hơn không kém” .

Vua Lia sửng sốt trước câu nói đơn sơ của đứa con gái mà ông yêu quí nhấ . Ngài bảo cô nhắc lại lời nói và hãy cân nhắc kĩ trước khi nói lại.

Cordelia nó , đại ý là – nhà vua là cha c , đã dạy bảo và yêu thương nàng, và nàng sẽ vâng lời và yêu thương kính trọng . Nhưng nàng không thể nói như hai chị, không thể hứa hẹn sẽ không yêu thương ai khác trên thế gian này. Nếu đi lấy chồng nàng tin rằng chồng nàng muốn có ít nhất một nửa tình yêu của nàng, một nửa sự chăm sóc của nàng , một nửa bổn phận của nàng . . .nếu có con . . .Chỉ khi nàng khô ng đi lấy chồng, nàng mới có thể yêu thương cha hơn tất cả .

Tuổi già làm cho Lia không thể phân biệt đâu là chân thực, đâu là giả dối. Ngài giận dữ tuyên bố cô gái út đã nói những lời kiêu ngạo, ngài tước bỏ quyền thừa kế của cô và đem chia nốt cho hai cô chị .

Ngài  cho họp  triều đình công bố quyết định: chía đất nước hai phần giao cho hai cô gái lớn, ngài chỉ giữ danh hiệu nhà vua và một trăm lính hầu cận. Mỗi tháng ngài sống luân phiên ở cung điện của hai cô . Các vị đại thần vô cùng ngạc nhiên sửng sốt , bá tước Kent – vị đại thần trung thành  bước ra can ngăn . Vua Lia nổi giân tuyên bố sẽ xử tử bất kì kẻ nào dám ngăn cản ngài  . Bá tước Kent vẫn cất lời cầu xin vua hãy nghe lời ông như từ trước đến giờ . Kent thưa rằng cô út Cordelia yêu thương cha không ít hơn các chị đâu . . . Vua Lia càng nổi giận , tuyên bố cách chức và đuổi bá tước ra khỏi nước Anh trong thời hạn năm ngày , nếu còn chần chừ sẽ bị xử tử . Bá tước Kent vội vàng  quay ra từ giã mọi người , dặn dò các quan hãy chăm sóc cô học trò Cordelia . Vua Lia lại cho mời hai vị khách cầu hôn ra hỏi họ có còn giữ lời cầu hôn nếu công chúa út đã bị truất quyền thừa kế . Công tước xứ Burgundy rút lại lời cầu hôn , vua nước Pháp sau khi đã hiểu rõ sự tình thì nắm tay Cordelia và tuyên bố : đối với ngài , những đức tính cao đẹp của nàng còn quí hơn cả một vương quốc . Vua Pháp bảo nàng đi từ giã vua cha và các chị mặc dù họ  đối xử tàn nhẫn , ngài an ủi nàng sẽ làm hoàng hậu một vương quốc đẹp hơn đất nước của hai bà chị . . .

CORDELIA  đôi mắt đẫm lệ lạy chào cha và từ biệt các chị , nàng dặn các chị hãy cố giữ lời hứa chăm sóc cho cha . Hai cô chị nói chẳng cần em phải dặn , họ biết bổn phận mình phải làm gì . Họ còn  khuyên bảo nàng với những lời mai mỉa .

Ngay trong tháng đầu vua Lia sống với cô gái lớn Goneril ngài đã sớm nhận thấy nết giả dối của nó . Nàng không chịu đựng nổi một trăm hiệp sĩ tùy tòng của vua cha nên tỏ thái độ khó chịu ra mặt .Đám gia nhân của nàng cũng theo gương nàng tỏ ra thờ ơ lạnh nhạt với vua Lia , thậm chí không thèm tuân lệnh ngài . Ngài bàng hoàng không ngờ sự đời lại tệ hại đến vậy , nhưng ngài cố chịu đựng . Bá tước Kent cải trang làm một gia nhân xin vào giúp việc nhà vua già dưới cái tên mới Caius . Caius tận tâm chăm sóc vua . Một hôm ông đã đánh gục một tên lính hầu dám nói năng cộc cằn bất kính với vua Lia . Vua càng thêm quí mến Caius .

Goneril ngày càng trắng trợn đòi vua cha giảm bớt số hiệp sĩ , chỉ  giữ lại những người già yếu .Vua Lia nổi giận kéo đám tùy  tùng rời khỏi nhà chuyển đến lâu đàicủa  con gái thứ hai – Reagan . Ngài nguyền rủa đứa con gái lớn bất hiếu với những lời lẽ khủng khiếp nhất  . Công tước xứ Albany chồng nàng xin lỗi vua  cha nhưng Lia gạt đi không thèm nghe nữa . Ngài lên đường và nghĩ lại thấy lỗi lầm của con gái út thật là nhỏ bé . . . Ngài cho gia nhân đem thư đi báo trước cho Reagan biết trước , nhưng Goneril cũng vội gửi thư cho cô em báo rằng cha rất khó tính , nàng khuyên cô em chớ có tiếp nhận hết số hiệp sĩ tùy tùng vua cha… Sứ giả Caius đi đưa thư đến nơi gặp tên lính đưa thư của Goneril – kẻ đã bị ông đánh gục bữa trước . Ông lại thách hắn đánh nhau , hắn từ chối , ông xông vào đánh hắn tơi bời . Vợ chồng Reagan cho lính bắt cùm chân ông bất chấp ông là sứ giả của vua cha . Khi vua bước vào lâu đài , nhìn thấy  gia nhân của mình bị cùm chân ngồi nhục nhã . Lính của con gái ra báo rằng vợ chồng công tước mới đi xa về mệt mỏi chưa đón tiếp cha được . Ngài giận dữ quyết đòi gặp con . Họ bất đắc dĩ ra tiếp cùng với cả cô gái lớn Goneril , hai chị em còn nắm tay nhau . Reagan khuyên cha nên trở lsại sống với chị Goneril và khuyên ngài giảm đi một nửa số tùy tùng . Cuộc tranh cãi nổ ra , hai chị em mặc cả với cha giảm dần từng người phục vụ từ 50 xuống tới 25 , rồi 10 và 5 . . . Từ một ông vua oai quyền , Lia đã trở thành một kẻ ăn xin như thế khiến ngài bấn loạn khủng hoảng . Ngài nguyền rủa hai đứa con gái bội bạc . . .

Lúc ấy đêm đã xuống , một cơn bão táp mưa gió sấm sét dữ dội nổi lên  . Reagan ngăn không cho tất cả đoàn tùy tùng chạy vào cung điện . Vua Lia nhảy lên mình ngựa phóng thẳng vào trong giông bão và đêm tối , suốt mấy dặm đường không nơi trú ẩn . Vua Lia đã hóa điên , nói năng lảm nhảm  , kêu gọi Thượng đế hãy  gọi gió thổi mạnh nữa , sóng biển dâng cao nữa để xóa sạch dấu vết những con vật vô ơn bạc nghĩa gọi là ”  con người ” ấy  . . . Chỉ có một anh hề  chạy theo Lia , sau đó  bá tước mang cái tên lính hầu Caius đuổi kịp vua . Ông khuyên ngài tìm nơi trú ẩn không nên tự hành hậ mình nữa  . Họ chui vào một cái lều , nơi ấy có một người ăn mày .

Bá tước Kent bàn bạc kế hoạch phục thù  , gọi một số hiệp sĩ đưa vua về lâu đài của ông ở xứ Dover. Rồi ông giong buồm vượt biển sang đất nước Pháp tìm hoàng hậu Cordelia  . Ông kể hết sự tình đáng thương của vua Lia và yêu cầu nàng đem quân Pháp về trừng phạt hai người chị , lấy lại giang sơn cho vua Lia . Được vua Pháp ủng hộ , nàng dẫn quân về nước Anh . Lúc này vua Lia đã trốn khỏi lâu đài  Dover bỏ đi lang thanh trong cơn điên dại , quần áo tơi tả đầu đội vương miện bằng cỏ và rơm , miệng hát vangnlang thang trên cánh đồng . Hai cha con gặp nhau xiết bao vui mừng cảm động . Vua Lia vừa mừng vừa thẹn , ngài không tin rằng cô là Cordelia tội nghiệp ngày xưa . Ngài quì xuống xin con tha thứ , nàng phải quì theo xin cha quên mọi chuyện cũ . Nàng hôn cha , để như nàng nói : hôn sạch đi tất cả thói vô ơn của các chị . . . ” .

Trong khi đó , hai cô chị đã chán nản hai ông chồng công tước . Họ đi yêu một kẻ đàn ông khác – Edmun . Tên này là đứa con hoang của bá tước Glouceter – người đã nghe lời xúc xiểm của y mà từ bỏ đứa con chính thức Edgar . Y đã đuổi anh trai khỏi nhà để chiếm lấy quyền thừa kế sau khi bá tước từ trần .Công tước xứ Corwall chồng của reagan qua đời , nàng tuyên bố sẽ cưới gã Edmun . Cô chị Goneril nổi cơn ghen liền đầu độc em gái phải chết . Chồng nàng – công tước xứ Albany phát hiện đã cho bắt giam nàng vào ngục . Đội quân của Edmun đi chống trả đội quân Pháp . Tiếc thay số phận đáng buồn lại rơi vào Cordelia . Nàng bị gã Edmun bắt ,giam lại rồi giết chết . Sau cái chết của cô con gái út , vua Lia chỉ còn sống thoi thóp . Bá tước Kent gỡ bỏ cải trang nhận mình là bá tước Kent , Vua Lia một lần nữa kinh ngạc bàng hoàng . Vua tắt thở ra đi . Ít lâu sau bá tước Kent trung thành cũng đi theo vua Lia . Đội quân của Edgar nổi lên , giao chiến với tên em trai phản bội và giết chết y . Công tước xứ Albany – người chồng không đồng tình với vợ –  đã lên giữ ngôi vua nước Anh .

Xưa nay người ta thường xem kịch vua Lia như là một tác phẩm giáo huấn luân lí gia đình.Tuy nhiên nội dung tư tưởng của Shakespeare sâu rộng hơn ý nghĩa đó. Thực ra cốt truyện vua Lia có trong nhiều truyện dân các nước Tây Âu. Đến thế kỉ 19 nhà văn Balzac vẫn còn sử dụng đề tài đó để viết tiểu thuyết “Lão Goriot” .

Phân tích nhân vật vua Lear, thấy bi kịch của ông cũng tương tự Othello. Đó là sự sụp đổ của lòng tin vào những gì tốt đẹp truyền thống. Cái chết của ông  cũng mang tính chất tự huỷ hoại như Othello vậy, nhưng bi thảm hơn nữa .

Một thủ pháp đặc sắc của  Shakespeare là trộn lẫn bi và hài trong vở King Lear cho chúng hỗ trợ lẫn nhau. Anh hề nói năng thâm thúy  khác người bình thường. Vua Lia nói năng khi sáng suốt khi điên dại. Bá tước Gloucester bị chọc mù hai mắt lại bảo rằng “nhìn thấy sáng hơn xưa” . . .

MACBETH – LỊCH SỬ MỘT TỘI ÁC ĐƯỢC PHƠI BÀY

Thoạt tiên người ta tưởng vở bi kịch này giống như bi kịch dục vọng thời cổ đại Hi Lạp  [dục vọng quyền lực]. Thật ra Macbeth vẫn nằm trong dòng mạch bi kịch  Shakespeare với cảm hứng đi tìm nguyên nhân của thời đại đảo điên tan tác. Nhà thơ đã phơi bày trong vở kịch này lịch sử một tội ác từ khi phát sinh đến hậu quả của nó .

         “Ban đầu Macbeth là một viên tướng giỏi,  bầy tôi trung thành của nhà vua . Y lập được nhiều chiến công bảo vệ đất nướ , danh tiếng vang dội. Y được tướng sĩ khâm phục, nhân dân chào đón hoan hỉ và nhà vua trọng nể . Mặc dầu vậy y vẫn khiêm tốn không hề tự phụ, kiêu ngạo coi mình là người duy nhất có công lao chiến thắng vinh quang .

         Thế rồi một mụ phù thủy xuất hiệ . Cứ mỗi lần chúc tụng y , mụ lại tôn xưng y với chức vụ cao hơ . Y thoáng thấy mình giữ vai trò quyết định vận mệnh quốc gia và bị chiếc  ngai vàng ám ảnh. Mụ vợ cũng tiếp sức xúi giục y hành động . Một cơ hội thuận lợi ngẫu nhiên đến với y: nhà vua đến thăm y và ngủ lại nhà  . Thế là y giết vua rồi bước lên ngai vàng trong sự chào mừng hoan hỉ của bọn nịnh thần . Lên tới tuyệt đỉnh quyền uy rồi nhưng vợ chồng y luôn bị ám ảnh về tội giết vua . Khi ăn khi ngủ đều chẳng được yên , hinnh ảnh nhà vua đầm đìa máu không lúc nào dời khỏi tâm trí chúng . Rồi y nảy sinh mối ngờ vực những tên cận thần sẽ noi gương y mà chiếm ngai vàng . Y chẳng còn tin tưởng ai nữa. Y tiếp tục giết những kẻ nghi ngờ . Và y vẫn sống trong tâm trạng lo âu sợ hãi . Càng hoảng sợ y càng mạnh tay giết chóc , càng giết càng run sợ . Những cơn ác mộng ban đêm , hoang tưởng ban ngày hành hạ y . Tội ác càng chồng chất , nhân tâm li tán , sự phẫn nộ căm thù y càng tăn . những người thân thiết bỏ dần đi . Vợ chồng y cảm thấy vô cùng cô đơn .

            Những đội quân trừng phạt từ mọi ngả kéo về triều đình. Đêm trước khi ra trận chống trả, y gặp ác mộng tất cả những oan hồn kéo về đòi y trả mạng và báo ngày tận số của y .

            Chủ đề tư tưởng của vở kịch khá rõ ràng: cái ác không chỉ tàn phá một con người [vua]  mà còn gây tình trạng đảo điên tan tác suy sụp cả xã hội. Nhân vật Macbeth tuy gây tội ác nhưng y vẫn là nhân vật bi kịch.

Phân tích nhân vật Macbeth, chúng ta thấy nghệ thuật phân tích tâm lí tuyệt vời của  Shakespeare. Đây là vở kịch ngắn nhất của  Shakespeare  nhưng rất hàm súc và chặt chẽ. Ngòi bút nhà thơ đã phơi bày nội tâm nhân vật từ lúc ấp ủ  lòng tham cho đến lúc nó tàn phá  con người không thể ngăn cản nổi nữa. Trí tưởng tượng phong phú của nhà thơ dựng lên những cảnh hoang đường mà sinh động – cảnh chót các oan hồn chen chúc kéo vào phòng ngủ của Macbeth.

 [Mĩ học xếp vở này vào loại  Bi kịch của chính cái xấu].

HAMLET

            Lermontov nhà thơ Nga nổi tiếng thế kỉ 19 đã từng say sưa ca ngợi:”nếu như nhà thơ  Shakespeare  vĩ đại thì đó là Hamlet. Nếu như Shakespeare thật là  Shakespeare một thiên tài vô cùng rộng lớn đi sâu vào lòng người và những qui luật của vận mệnh, một thiên tài độc đáo không ai bắt chước được thì đó chính là Hamlet” .

 Không thể kể xiết những lời ngợi ca vở bi kịch kiệt tác này . Mấy trăm năm qua vở kịch vẫn sống động trên sân khấu toàn thế giới. Từ kịch chuyển thể thành phim ảnh lớn nhỏ. Giới nghiên cứu phê bình lí luận nghệ thuật  không ngừng nghiên cứu và phát hiện những giá trị luôn luôn ẩn giấu trong tác phẩm. Điều đó chứng tỏ sự phong phú của vở kịch là vô tận. Tuy nhiên do chỗ đứng cách nhìn và thời đại khác nhau, những kết luận chẳng mấy khi thống nhất, thậm chí trái ngược nhau .

Một số cách nhìn hẹp hòi cho rằng vở kịch chỉ là một truyện trả thù đẫm máu. Hoặc,  Shakespeare chỉ muốn xây dựng một kiểu nhân vật yếu đuối luôn luôn hoài nghi bi quan chán đời do gặp hoàn cảnh bất như ý. Hoặc khi so sánh với nhân vật Don Quijote, họ cho rằng Don Quijote thì hành động mà không suy nghĩ còn Hamlet chỉ suy nghĩ mà không hành động. Nhìn chung  người ta không thấy hoặc cố ý không thấy ý nghĩa chính trị xã hội sâu xa của tác phẩm.

Cốt truyện vốn có từ trong kho tàng truyện dân gian Đan Mạch vùng Bắc Âu. Cuối thế kỉ 16 nhà văn Anh Thomas Keat đã dựng thành vở kịch Hamlet cũng gây tiếng vang trên sân khấu Anh [ngày nay không còn kịch bản]. Shakespeare đã thừa hưởng khá nhiều khi bắt tay xây dựng vở kịch này . Nhưng ông đã bỏ vào đó nhiều công phu và sức sáng tạo kì tài đủ sức vượt thời gian không gian để trở thành đỉnh cao tác phẩm bi kịch của nhân loại. Cống hiến to lớn của Shakespeare là ông đã biến một câu chuyện trả thù xưa cũ thành một bi kịch phản ánh sâu sắc bản chất của thời đại mình, nói lên được nỗi băn khoăn trăn trở về lẽ sống và ước vọng của  con người  thời đại một cách vô cùng thống thiết.

Hamlet là sự kết hợp tuyệt vời giữa thi ca và triết học, giữa nghệ thuật  và tư tưởng, giữa sân khấu và cuộc đời.

Nguyên văn: The Tragical History of Hamlet, Prince of Denmark

 Bảng nhân vật [Dramatis Personae]

Hồn ma vua cha Hamlet [The Ghost of Hamlet’ s Father]

Claudius – vua Đan Mạch [King of Denmark]

Hamlet – con trai của vua trước, cháu ruột của vua hiên thời [son of the late, and Nephew to the present King]

Gertrude- hoàng hậu hai đời vua, mẹ của Hamlet [Queen of Denmark, and Mother to Hamlet]

Polonius- quan đại thần [Lord Chamberlain]

Laertes- con trai của Polonius [son to Polonius]

Ophelia con gái của  Pololius [daughter to Polonius]

Horatio – bạn của Hamlet [friend to Hamlet]

Fortinbras – hoàng tử xứ Na uy [Prince of Norway]

Và các vai quan chức, quan toà, sĩ quan, lính, sứ giả, ngườI hầu, phu nhân, hai anh hề, hai ngườI phu đào huyệt, linh mục, diễn viên kịch, một thuyền trưởng, đại sứ Anh [and Courtiers, Officer , Soldiers ,Sailers , Messengers, Attendants , Lords, Ladies ,Two Clowns, Two Grave-Diggers, Players, a Priest, a Servant, a Captain, English Ambassador]

             Tóm tắt cốt truyện kịch :

Hamlet, hoàng tử Đan Mạch đang du học nước ngoài, trường đại họcWitternburg , được tin cha chết vội trở về triều đình. Chú ruột là Claudius lên ngôi vua ,sau đám tang chưa đầy tháng  mẹ chàng, Gertrude vội vàng tái giá với gã em chồng. Dân chúng nghi ngờ về cái chết của vua  Trở về nước Hamlet đau buồn khôn tả . Hồn ma vua cha hiện về kể cho chàng nghe sự thật về cái chết của mình – kẻ thủ phạm chính là Claudius , giết vua và chiếm ngai vàng . Hồn ma đòi Hamlet phải trả thù. Từ đó lòng chàng đầy căm phẫn, ghê tởm và chán ghét cuộc đời nhưng chàng cố gắng làm tròn bổn phận người con trai.

 Hamlet giả điên để che mắt kẻ thù. Kẻ thù và lũ tay sai cũng cố gắng dò xét xem Hamlet có thật điên khùng hay giả tạo. Hamlet bắt đầu điều tra xác minh lại lời báo mộng của vua cha Tình hình căng thẳng hơn sau khi chàng cho một gánh hát diễn vở ” Vụ mưu sát Gondago ” do chàng soạn và đạo diễn, nội dung vở kịch tương tự vụ mưu sát của Claudius  giết cha chàng  nhằm dò xét thái độ phản ứng tâm lí của kẻ thù . Xem đến cảnh đôi gian phu dâm phụ ám hại nhà vua , tên Claudius hoảng sợ, tâm thần rối loạn, bỏ ra ngoài, về phòng riêng quì cầu nguyện trước tượng Chúa. Hamlet xách gươm đi theo khi đã tin chắc y là thủ phạm . Thời cơ hành động đã đến . Chàng lại ngừng tay vì thấy hắn đã cầu nguyện xong . Nếu giết y lúc này linh hồn y đã rửa sạch tội mà lên thiên đàng. Xử tội y lúc này thì không thể gọi là trả thù thích đáng . Vậy là chàng tự nhủ hãy chờ khi hắn đang ở trên chiếc giường tội lỗi hãy hành động cũng chưa muộn .   . .

Qua cơn hoảng loạn, Claudius khẩn trương hành động. Hắn và tên cận thần Polonius bố trí cho tiểu thư Ophelia , hoàng hậu lần lượt gặp gỡ Hamlet để chúng theo rình dò xét chàng. Với Ophelia là người yêu của mình, chàng cố gắng giả điên chót lọt, nhưng khi gặp mẹ thì Hamlet không kìm được nỗi giận hờn, nổi nóng bộc lộ tâm trạng thật của mình . Mẹ chàng hoảng hốt tưởng chàng nổi cơn điên vội kêu cứu. Thấy tấm màn trong phòng hoàng hậu lay động , Hamlet nghĩ đó là tên vua Claudius nên rút kiếm đâm xuyên qua . Nhưng tiếc thay đó lại là lão Pololius – cha người yêu của chàng. Tiếp tục giả điên Hamlet đem giấu biệt cái xác chết , mãi sau họ mới tìm thấy xác y đem chôn cất. Claudius không dám công khai xử tội chàng ở trong nước , phần vì sợ dư luận nhân dân phản đối phần vì khó xử với hoàng hậu . Y bàn với hoàng hậu cử Hamlet sang nước Anh   đòi nợ . Y sai hai tên cận thần vốn là bạn thân của Hamlet đi áp giải . 

Trên đường sang nước Anh, Hamlet xem trộm được văn thư gởi vua Anh khi hai tên kia sơ suất  Bức thư yêu cầu vua Anh giết chết Hamlet. Chàng viết thư khác thay thế rồi quay về Đan Mạch. Về tới ngoại thành, Hamlet ghé vào một nghĩa địa trò chuyện với hai người phu đào mộ để thăm dò lòng dân. Một đám tang đi vào nghĩa địa, Hamlet nhận ra đám tang của Ophelia. Chàng đau đớn khóc than, anh trai của nàng là Laertes cũng du học nước ngoài, nghe tin cha chết thì trở về,  lại gặp ngay tang em gái chết đuối vì quá đau khổ phát điên . Chàng Laertes nổi giận xung đột với Hamlet tại nghĩa đị . Hoàng hậu can ngăn . Trở về triều đình, Hamlet  gặp vua báo rằng đoàn sứ giả sang Anh bị bọn cướp biển giết hết riêng chàng được tha.

Tên vua bàn với Laertes lập kế giết hại Hamlet . Theo đó , Laertes thách chàng đấu kiếm . Mũi kiếm của anh ta sẽ được tẩm thuốc độc cực mạnh , lại còn pha sẵn một ly rượu độc phòng khi Hamlet không bị thương tích . Mọi người coi đây là trận đấu kiếm “hòa giải” , hoàng hậu cũng đồng tình và hào hứng cổ vũ cho con trai. Tên vua cũng làm bộ cổ vũ cho hoàng tử cháu y . Hamlet dẫu là người cảnh giác đề phòng thế mà lần này chàng mắc bẫy kẻ thù . Lúc đầu chàng nhường cho bạn tấn công , chàng chỉ giữ thế thủ . Khi Hamlet thắng điểm,  tạm nghỉ , mẹ chàng gọi ra, lau mặt cho con và  đưa rượu mời chàng . Hamlet từ chố . Tiếp tục cuộc đấu . Hoàng hậu kêu khát và vội uống ngay chai rượu độ , tên Claudius ngăn không kịp . Hamlet bị trúng mũi kiếm của Laertes tổn thương nhẹ . Hai thanh kiếm đều bị rơi khỏi tay trong một đợt giằng c , người này nhặt phải kiếm của người kia . Chàng chuyển thế tấn công dữ dội , đâm đối phương một đòn quyết liệt. Trên khán đài , hoàng hậu bị ngấm độc ngã lăn ra , ai nấy hoảng hố . Laertes thấy mình đã trúng độc thì tỉnh ngộ . Hamlet ra lệnh đóng chặt cửa để truy bắt thủ phạm . Laertes lảo đảo cất tiếng vạch trần sự thật và âm mưu của tên Claudius “Hamlet bạn ơi chúng ta cũng sắp chết cả rồi . . . Thủ phạm chính là Claudius. ». Căm phẫn tột cùng, Hamlet đuổi theo tên vua , vung kiếm thét “Hỡi thuốc độc ! Hãy làm nhiệm vụ của mi đi !” và giết chết tên độc á . Laertes gục hẳ , còn Hamlet  quằn quại trong cơn hấp hối. Vừa lúc ấ , nghe tin báo hiệp sĩ Fortinbras – hoàng tử Na Uy – dẫn quân đi ngang qua Đan Mạch, Hamlet tuyên bố nhường ngôi vua cho anh ta, lại bảo người bạn thân là Horatio rằng hãy công bố cho mọi người biết tất cả sự thật .H ngã xuống. Vở kịch kết thúc trong tiếng súng đại bác và quân nhạc tiễn đưa linh hồn Hamlet về nơi an nghỉ. Vua mới Fortinbras lên tiếng:

        “Xin bốn vị tướng quân

        hãy khiêng Hamlet  như khiêng một chiến sĩ

đặt lên ngai vàng

bởi nếu lên ngôi trị vì

ngài sẽ chứng tỏ là đấng quân vương cao quí nhất

khi rước người đi

nhạc binh và nghi thức

sẽ tấu lên dâng người khúc tráng sĩ ca

tuyên cáo uy danh lớn lao của Người

quang cảnh triều đình thành chiến địa

hãy nhìn  xem cảnh ngang trái lạ lùng

hãy thu nhặt thây người chết

nào, ba quân nổ súng chào ! “

Xác định vai trò của nhân vật hoàng hậu Gertrude:

Bà là con người cá nhân của thời đại  Phục hưng – tự do tìm kiếm hạnh phúc cho mình. Chồng chết, bà tái giá vì không chịu được cảnh cô đơn. Quyền hạnh phúc  trong hôn nhân được thời đại tư sản cổ vũ  gạt bỏ mọi lễ nghi  của chế độ phong kiến trung cổ, hoàng hậu là con người của thời đại này  Nhà thơ Phục hưng Shakespeare phê phán bà một cách nhẹ nhàng, cảm thông và tha thứ [Lời hồn ma vua cha Hamlet:” . . .nhưng con đừng trả thù mẹ” Hamlet cũng nghĩ đàn bà là giống nhẹ dạ ,đáng cảm thông .

PHÂN TÍCH NHÂN VẬT HAM LET

Cái chết đột ngột của vua cha, sự tái giá vội vàng của mẹ với chu ruột của Hamlet đã khơi nên nhiều đau khổ và nghi ngờ trong tâm tư chàng. Chàng mai mỉa :”để tiết kiệm mà. Thịt quay trong đám tang đem dùng làm đồ nguội trong đám cưới“. Nghi ngờ cái chết của cha, chàng nghi ngờ cả lòng chunh thủy của mẹ và tình yêu của người phụ nữ nói chung. Hamlet chua chát nói :”nhẹ dạ – tên gọi của mi phải là đàn bà mới đúng”. Hơn cả nhẹ dạ, đó là loạn luân. Mẹ và chú nhởn nhơ đắc ý ngày đêm phè phỡn tiệc tùng và đắm đuối trong chăn gối.Họ còn khuyên chàng nên vất bỏ bộ mặt rầu rĩ đau thương mà tận hưởng lạc thú cõi đời như họ. Tư tưởng nhân văn đã tha hóa suy đồi đến mức này sao ?!

Hoàng hậu –  con chẳng biết đó  [cái chết của vua] là luật chung của Tạo hóa ư, cái gì có sống ắt phải có chết  .

Hamlet  – Đúng thế , đó là luật chung mà .

Hoàng hậu – Đã biết thế sao con vẫn coi hình như  là chuyện lạ lùng ?

Hamlet –  Hình như ư thưa lệnh bà ? Không  , là thực đấy chứ ! Con không biết chuyện hình như , vì người ta có thể đón kịch ra như thế .

Sự khác biệt giữa “hình như” và “thực đấy” là sự khác nhau giữa hiện tượng và bản chất . Hoàng hậu và những kẻ xấu coi cái chết của Vua là chuyện bình thường thì Hamlet coi đó là chuyện lạ lùng .

Càng trăn trở suy tư, hình tượng Hamlet  cứ lớn lao lên mãi . Nỗi đau khổ riêng tư mở rộng , lớn lên trong Hamlet khiến chàng chú ý tới  tình trạng đất nước đảo điên :” Đất nước là một cái nhà tù ghê tởm nằm trong cái thế giới cũng là một nhà tù đen tối .  Con người đang rên xiết trong xiềng xích , đang bị tước quyền tự do . . . “

Nhận thức đó đã  dẫn dắt hoàng tử Hamlet ra khỏi cung đình đến với nhân dân và nhân loại

Hamlet đã từng phấn khởi, hi vọng: Kì diệu thay là  con người ! Con người mới cao quí làm sao về mặt lí trí, vô tận làm sao về năng khiếu. Về thân hình và dáng điệu của nó thật giàu ý nghĩa và đáng kính làm sao ! Về hành động nó khác nào thần thánh. Về trí tuệ nó có thể sánh với Thượng đế. Thật là vẻ đẹp của thế giớ , kiểu mẫu của muôn loà .

 Thế mà giờ đây chàng thất vọng ghê gớm: Đối với tôi , cát bụi kia nghĩa là gì nhỉ ? Đàn ông không làm cho tôi vui. Không, cả đàn bà cũng vậy. Chàng đau khổ vì nhận ra sự thoái hóa biến chất của con người : “ôi dơ bẩn, dơ bẩn ! Thật là một vườn hoang mọc lên những hạt giống độc đầy rác rưởi thối tha”.

Có khi chán chường tuyệt vọng chàng muốn tự sát: ôi thịt da rắn chắc này hãy chảy ra đi, tan đi như một giọt sương. Mong sao Đấng bất diệt đừng trừng phạt kẻ tự hủy đời mình.

Nhưng rồi chàng đã cố đứng dậy không chịu gục ngã sau những lúc yếu đuối. Nhà phê bình văn học Nga Bielinski đã nhận xét “Hamlet mạnh khỏe và vĩ đại trong sự yếu đuối của mình. Một người mạnh khỏe về tinh thần khi suy sụp vẫn đứng cao hơn một người yếu đuối đang vùng lên”. Đó là vì Hamlet dũng cảm tự mổ xẻ bản thân mình. Lần đầu tiên trong văn học thế giới xuất hiện nhân vật “con người tự mổ xẻ” để giúp công chúng hiểu biết sâu hơn về con người, về chính mình. Hình tượng Hamlet là sản phẩm của thời đại Phục Hưng mà Shakespear là người có công khám phá.

Bản chất của  con người là gì ? Theo Hamlet, con người là lí trí và tư duy: “tạo hóa cho ta trí xét đoán mẫn tiệp, biết lường trước tính sau” [hồi 4]. Nghe bạn nói hồn ma vua cha hiện về trong đêm, chàng thức canh để tự mình gặp gỡ. Khi nghe hồn ma kể lại toàn bộ vụ mưu sát, nghe cha dặn phải trả thù và măc cho mẹ tự vấn lương tâm, Hamlet gỡ được mối nghi ngờ nhưng chàng vẫn tiếp tục tìm cách xác minh. Chàng cho rằng “hồn ma vẫn có thể là ảo giác” .  Sau khi bày trò diễn kịch, Hamlet mới xác định rõ thủ phạm, bởi vì chàng tin vào sức mạnh của văn học nghệ thuật. Nhưng chàng lại chần chừ. . .

Và bây giờ Hamlet vẫn phải trả lời câu hỏi: “sống hay không sống ?” .

TO BE OR NOT TO BE ?

Act III – Scene 1

A Room in the Castle

SỐNG HAY KHÔNG SỐNG ?

[tồn tại hay không tồn tại ?]

  Hồi III cảnh 1

Một phòng trong lâu đàiTo be, or not to be,  that is the question !

Whether ‘ tis nobler in the mind to suffer

The slings and arrows of outrageous fortune,

Or to take arms against a sea of troubles

And by opposing end them ?

To die, to sleep – No more ;

 and by a sleep to say we end

The heart-ache, and the thousand natural shocks . That flesh is heir to, tis a con sum matio. Devoutly to be wish’d. To die – to sleep – To sleep ! perchance to dream ! Ay , there’s the rub. For in that sleep of death what dreams may come, when we have shuffled off this mortal coil  must give us pause: there ‘s the respect. That makes calamity of so long life. For who would bear the whips and scorns of time .The oppressor’s wrong , the proud man ‘s contumely. The pangs of disprized love, the law’s delay. The insolence of office, and thespurns.That patient merit of the unworthy takes . When he himself might his quiet us make . With a bare bodkin ? Who would fardels bear . To grunt and sweat under a weary life. But that the dread of something after death. The undiscover’d country from whose hourn. No traveler returns puzzles the will. And makes us rather bear those ills we have, than fly to others that we know not of  it ? Thus conscience does make cowards of us all. And thus the native hue of resolution. Is sicklied o’er with the pale cast of thought .

And enterprises of great pitch and moment .

With this regard their currunts turn awry.

And lose the name of action.

Soft you now !

The fair Ophelia ? Nymph, in thy orisons.

Be all my sins remember’ d . Sống hay không sống – đó là một vấn đề !

Chịu đựng tất cả những viên đá, những mũi tên của số phận phũ phàng hay là cầm vũ khí vùng lên mà chống lại sóng gió của biển khổ? Chống lại để mà tiêu diệt chúng đi. Đằng nào cao quí hơn ?

Chết là ngủ, không hơn ! và tự nhủ rằng ngủ tức là chấm dứt mọi đau khổ của cõi lòng và muôn vàn vết tử thương mà hình hài phải chịu đựng. Kết liễu cuộc đời như thế chẳng đáng mong muốn sao ? chết là ngủ. Ngủ có thể là mơ. Đây mới là điều khó khăn. Vì trong cái giấc ngủ của cõi chết khi ta đã thoát khỏi cái thể xác trần tục này những giấc mơ nào sẽ tới ? Điều đó làm cho ta phải ngừng lại mà suy nghĩ. Chính điều đó gây ra bao tai họa cho cuộc sống dằng dặc này !. Bởi vì, ai là người có thể chịu đựng được những roi vọt và sự khinh rẻ của thời đại, sự áp bức của kẻ bạo tàn, hống hách của kẻ kiêu căng, những nỗi dày vò của tình yêu tuyệt vọng, sự trì trệ của công lí, hỗn xược của cường quyền, sự miệt thị của kẻ bất tài đối với người tài đức nhẫn nhục khi chỉ cần một mũi dùi là có thể đủ đưa mình đến chỗ tên nghỉ ? Có ai đành cam chịu than vãn rên rỉ đổ mồ hôi dưới gánh nặng của cuộc đời mệt mỏi nếu không phải chỉ vì sợ một cái gì mênh mang sau khi chết, cả một thế giới huyền bí – cõi chết – mà đã vượt biên cương thì không ù một du khách nào có thể quay trở lại. Nỗi sợ làm cho tâm trí rối bời và bắt ta phải cam chịu mọi khổ nhục trên cõi đời này còn hơn là bay tới những nỗi khổ nhục khác mà ta chưa hề biết đến. Đấy, chính nỗi vướng mắc của tâm tư làm cho chúng ta trở thành hèn mạt tất cả, và ngọn lửa của quyết tâm vừa bùng lên đã mờ nhạt ốm yếu đi trước ánh leo lét của ý nghĩ đó. Bao dự kiến lớn lao cao quí cũng phải xoay chiều đổi hướng, chẳng thể biến thành hành động .

Thôi khẽ chứ ! Kìa Ophelia yêu kiều ? Nữ thần của ta ơi, khi nàng cầu nguyện xin đừng quên những tội lỗi của ta .

Vấn đề của Hamlet cũng là vấn đề của mọi thời đại .

Trong đoạn độc thoại trên, hoàng tử Hamlet suy nghĩ  để lựa chọn :

Sống chịu đựng nhẫn nhục hay sống đấu tranh ?

Không sống , nghĩa là ngủ. Điều đó không phù hợp bản chất Con Người là danh hiệu cao quí nhất .

Sau khi so sánh hai cách sống , Hamlet khẳng định :  con người còn ra gì nếu đem tất cả phần tinh túy và giá trị đời mình vào việc ăn và ngủ ! Chỉ là một con vật – không hơn !

Vậy thì phải sống, theo Hamlet, là phải chiến đấu để tiêu diệt khổ đau, khôi phục lại trật tự  làm cho cái thời đại đảo điên tan tác trở nên “ngay ngắn, vững vàng”. Chàng lớn tiếng hạ quyết tâm “ôi từ giờ phút này, ý nghĩ của ta phải đẫm máu, nấu không sẽ chẳng có giá trị gì ! ” [hồi 4] [đẫm máu – nghĩa là quyết tâm chiến đấu – PHN ] .

Trong trận quyết chiến đấu với Laertes- một nạn nhân của tấn bi kịch- Hamlet đã quay kiếm trừng trị tên vua bất lương. Nhưng việc đó vẫn là sự bất ngờ ngoài dự kiến của Hamlet – người chiến sĩ của thời đại. “Mũi gươm này tẩm độc ư ? Thế thì độc dược ơi hãy hoàn thành nhiệm vụ của mi đi”. Giết vua chẳng phải nhiệm vụ của Hamlet, chỉ là nhiệm vụ của thuốc độc [ý nói: ác giả ác báo, Claudius dùng thuốc độc hại người thì y chết vì thuốc độc] . Nhiệm vụ cao cả của chàng chưa hoàn thành, chàng chết mà không yên lòng:

            Phải chi ta còn đủ thời gian kể ra

            Cho mọi người nghe hết chuyện ta [. . .]

            Hãy tường thuật đúng nguyên nhân sự tình

            Cho ai ngờ vực bất bình

            Thị phi chưa rõ trắng đen

            Danh nhơ ắt lưu truyền nghìn sau  [. . .]

            Chuyện ta đem kể thế gian am tường

Lần thứ ba khi hấp hối chàng dặn lại bạn thân :

            Hãy cho khách biết ngọn ngành việc qua

            Đã thôi thúc hành động của ta

            Còn thì muôn sự chỉ là hư không [ ngã chết ]

Tính bi kịch của Hamlet không phải do cái chết gợi nên. Cái chết của Hamlet khiến người xem xúc động thương tiếc là cái chết không thể tránh khỏi. Sự tất yếu ấy đã gợi ra cái Bi của vở kịch. Tính tất yếu này do hai nguyên nhân: nguyên nhân lịchsử và tính cách nhân vật Hamlet.

Lịch sử chưa sẵn sàng tiếp nhận cái lí tưởng mà Hamlet đấu tranh. Thời đại Phục Hưng chưa có đủ điều kiện thực tế để thực hiện yêu cầu đó. Đây mới là giai đoạn mở đường cho kỉ nguyên của sa đọa và tội ác. Bộ óc vĩ đại và trái tim nhạy cảm của nhà thơ Shakespear đã sớm nhận ra bộ mặt trái của nó mà lên tiếng cảnh giác con người. Vở kịch gieo âm vang sâu sa đến tận thời đại hôm nay khi  con người đã bước sang thế kỉ 21.

Bản thân tính cách Hamlet quyết định số phận chàng phải là một nhân vật bi kịch:

 Nỗi đau của chàng không ngừng lớn dần lên bởi chàng là người thông minh nhạy cảm. Hamlet luôn luôn muốn khám phá, phát hiện chân lí mà không bằng lòng với những cách nhìn và lí giải có sẵn. Trí tuệ cũng là một nỗi khổ, nhờ nó chàng nhận ra độ chênh lệch giữa thực tiễn và khả năng của bản thân. Thái độ băn khoăn do dự của Hamlet là tất yếu trong hoàn cảnh đó. Phương pháp tư duy của Hamlet rõ ràng là rất triệt để: đào sâu suy nghĩ, lật đi lật lại vấn đề, tự phê phán mình và chàng đã đi tới đích. Nhà triết học cổ điển Đức đã giải thích thái độ của Hamlet “kể ra Hamlet có băn khoăn do dự, song điều chàng ngờ vực không phải là “làm gì ” mà là  phải làm việc ấy “như thế nào”[Mĩ học – Hegel ] .

Hamlet cô độc,  đó là một nét tính cách nữa. Quần chúng đông đảo bị bưng tai bịt mắt , lại bị đe dọa đàn áp nên chưa thức tỉnh. Hamlet tin vào chân lí nhưng chưa tin vào quần chúng nhân dân. Bi kịch của Hamlet còn do “quẫn trí chẳng còn biết tin ai” !

Thi hào Đức W. Goeth nhận xét về kịch Shakespeare trong cảm xúc bàng hoàng ngây ngất   Tôi không nhớ có biến cố nào, quyển sách nào trong đời sống của tôi mà lại gây cho tôi một ấn tượng mãnh liệt như những vở kịch cùa Shakespeare. Đó không phải là tác phẩm thơ nữa . Khi đọc nó, người ta sợ hãi thấy trước mắt là quyển sách của vận mệnh con người , và người ta ngh cơn lốc của cuộc sống đang lật mạnh từng trang . . . Nếu chúng ta cho rằng Shakespeare là một trong những nhà thơ vĩ đại nhất thì có nghĩa là chúng ta đã thừa nhận rằng không có mấy người nhận thức được thế giới như ông đã nhận thức, không có mấy người biết nâng độc giả lên sự nhận thức thế giới như vậy” .

Cống hiến về nghệ thuật qua vở Hamlet  thật là to lớn  Ông đã giành thắng lợi cho thể loại bi kịch tính cách. Vở kịch còn là một công trình lí luận văn học của chủnghĩa hiện thực , trong đó nghệ thuật  điển hình hóa kiểu Shakespeare đã trở thành cổ điển, đặc biệt là cá tính hóa ngôn ngữ và xây dựng hoàn cảnh điển hình cho nhân vật hoạt động và tự bộc lộ tính cách .

To be or not to be [cũng có thể dịch là: tồn tại hay không tồn tại] là câu hỏi mà nhân vật Hamlet  đã đặt ra và cố gắng giải đáp. Một câu hỏi có tầm quan trọng khái quát và có ý nghĩa phổ biến nhân loại. Mỗi người chúng ta không thể tránh khỏi có lúc phải nhắc lại câu hỏi ấy mà trả lời. Sống như thế nào cho xứng đáng là cuộc sống – Đó là giá trị chắc chắn ổn định bất chấp thời đại của vở bi kịch Hamlet.

Chúng ta hãy xem lại những cảm nhận khác nhau trong bốn thế kỉ qua  về  Hamlet :

            1 – Thế kỉ 17 cho rằng Hamlet là bi kịch giữa đam mê và nghĩa vụ bổn phậnĐó là quan điểm của chủ nghĩa cổ điển ngụ ý phê bình Hamlet]

            2- Thế kỉ 18 nhận định: Hamlet là con người có tinh thần khỏe mạnh trong một thân thể yếu đuối, như cây sồi mọc trong chậu kiểng. [tư tưởng Ánh sáng]

            3 – Thế kỉ 19 cho rằng Hamlet là hiện thân của chủ nghĩa hoài nghi không hành động.

            4 – Thế kỉ 20 Hamlet là nhân vật bi kịch của người chiến sĩ cách mạng .

            5 – Cuối thế kỉ 20 có ý kiến cho rằng: Hamlet là bi kịch của  con người thời đại khổ vì trí tuệ, nhận thức được tất cả cái xấu của thời đại nhưng không có khả năng sửa chữa được.

           Một tác phẩm đem lại nhiều thu hoạch khác nhau như thế là một kiệt tác nghệ thuật  .

CÁC TÁC PHẨM GIAI ĐOẠN CUỐI CÙNG CỦA SHAKESPEARE 

               [Tiếng hót về chiều của con thiên nga sông Avon]

 Nhân dân Anh đã từng gọi nhà thơ Shakespeare là “con thiên nga sôngAvon”

Từ 1608 đến khi rời kịch trường [1612-13]  Shakspear viết thêm một số vở  bi- hài kịch, tuy cái bi có đậm nét hơn nhưng kết cục vẫn là vui vẻ [happy ends] . Cốt truyện vẫn chủ yếu lấy từ truyền thuyết cổ tích rất xa xưa đưa khán giả vào quá khứ với cảm hứng trữ tình lãng mạn. Đó là các vở Perricles, Simbeliner, Câu chuyện mùa đông, The Tempes [§], . . . và vở cuối cùng là Henry VIII .

Đến đây hình như có sự chuyển biến tư tương và cảm quan nghệ thuật Shakespeare. Tuy không xao lãng những vấn đề thời cuộc nhưng nhà thơ không mấy hăm hở hào hứng như trước nữa. Ông tiếp tục phê phán thói hư tật xấu hám lợi ghen tuông đố kị … Theo ông có lẽ đấy là những thói xấu muôn thuở mà riêng ở thời đại Phục Hưng nó mạnh hơn lên. Muốn diệt trừ nó quả là rất khó. Nhà thơ không giấu được cảm xúc bất lực vì ông mang máng hiểu ra rằng những thói xấu ấy chủ yếu do chế độ tư hữu tạo ra.

Gần năm mươi tuổi, tâm hồn nhà thơ vẫn trẻ trung. Ông viết những vở cho tình yêu đôi lứa thắm thiết nồng hậu. Nhà thơ đặt niềm tin hi vọng vào tuổi trẻ, xe duyên kết đôi cho các nhân vật. Trong những tác phẩm cuối đời, nhà thơ chỉ còn một cảm hứng chủ đạo: Tình yêu [theo nghĩa rộng] và chỉ có nó mới giúp diệt trừ điều ác [! ?]. Sau đó nhà thơ rời bỏ sân khấu gác bút trở về quê nhà. Tiếng hót của con thiên nga về chiều đã mệt mỏi uể oải rồi !

KẾT LUẬN VỀ SHAKESPEARE

Cống hiến của Shakspeare là giúp cho con người hiểu sâu sắc hơn chính mình. Nhà thơ còn sáng tạo nên những mẫu người cần có cho đương thời và cho cả tương lai.

Yêu thương  con người, yêu thương đồng loại, trước hết là yêu quý đồng bào mình, yêu cha mẹ anh chị em bè bạn, nhà thơ còn lên án những kẻ chà đạp lên những tình cảm đó  và ca ngợi những ai vun đáp cho tình yêu đơm hoa kết trái. Đặc biệt ca ngợi tình yêu nam nữ, theo nhà thơ tình yêu là sức mạnh có khả năng chinh phục hết thảy kể cả hận thù và có thể dẩy lùi cái chết. Tình yêu là đôi cánh nâng  con người  bay cao bay xa. Nhà thơ cũng ca ngợi trí tuệ  con người và những khả năng vô tận của nó, đồng thời lên án những thế lực đen tối kìm hãm con người trong ngu dốt bằng những tín điều  giáo điều cũ kĩ lỗi thời phản chân lý. Tư tưởng đó là tư tưởng nhân văn chủ nghĩa tiên tiến của thời đại làm nên sức sống lâu bền của sự nghiệp kịch Shakespeare để lại.

Đóng góp nghệ thuật  của Shakespeare thật là to lớn  Ông đã phản ánh sâu sắc hơn những người cùng thời về hai chế độ phong kiến và tư bản chủ nghĩa trong đó cuộc đấu tranh giữa mới và cũ diễn ra vô cùng gay gắt và sinh động dưới ngòi bút ông. Nhân vật  thuộc đủ mọi tầng lớp xã hội lứa tuổi nghề nghiệp, trình độ cá tính… Đó là chủ nghĩa hiện thực Phục Hưng  mà Shakespeare có công lớn xây dựng nên cho các thế kỉ sau làm mẫu mực và tiếp tục hoàn chỉnh nó vào thế kỉ 19. Marx và Engels thường coi kịch Shakspear là mẫu mực khi các ông bàn về văn học nghệ thuật. Hai ông kêu gọi văn nghệ sĩ học tập Shakspeare, nên Shakespeare hóa. Nhiều nhà văn lớn trên thế giới thừa nhận chịu ảnh hưởng sâu sắc của SP .

Ở ViệtNam, từ trước Cách mạng Tháng Tám, giới trí thức và sinh viên học sinh đã từng say mê thưởng thức kịch Shakespeare bằng tiếng Anh hoặc qua bản tiếng Pháp. Một số vở của ông được dịch ra tiếng Việt. Từ sau  ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc 1954 tác phẩm Shakespeare mới được phổ biến rộng rãi, còn được đưa vào chương trình môn văn trung học, đại học, được nghiên cứu phê bình và dàn dựng trên sân khấu  Việt Nam.

G

Hướng dẫn ôn tập

1/ Phân tích nhận định của Engels: “Thời đại Phục Hưng là bước ngoặt tiến bộ vĩ đại nhất từ trước đến giờ trong lịch sử văn hóa nhân loại”.

2/ Nội dung, giá trị, ý nghĩa của chủ nghĩa nhân văn Phục Hưng ?

3/ Vai trò của Cervantes và nét độc đáo của văn học Phục Hưng Tây ban nha

4/ Đóng góp chủ yếu của văn học Phục Hưng Anh

5/ Ý nghĩa sự nghiệp sáng tác của W. Shakespeare .

PHẦN III

VĂN HỌC CỔ ĐIỂN THẾ KỈ 17- CHỦ NGHĨA CỔ ĐIỂN PHÁP

CHƯƠNG VIII – KHÁI QUÁT

1 – NƯỚC PHÁP TRÊN ĐƯỜNG TIẾN TỚI MỘT QUỐC GIA THỐNG NHẤT HÙNG MẠNH

1.1 – Đến cuối thế kỉ 16 nước Pháp nghèo nàn bị chia cắt bởi nhiều lãnh chúa phong kiến .Chiến tranh tôn giáo và phong kiến liên miên và tàn khố: cuộc viễn chinh sang Italia vừa chấm dứt thì nội chiến tôn giáo đẫm máu giữa đạo Thiên Chúa và đạo Tin Lành xảy ra suốt hơn 30 năm [1562 – 1598]. Nước Pháp bị tàn phá khủng khiếp, thành thị và nông thôn đều hoang tàn xơ xác. Người thất nghiệp, đói khổ bệnh tật nhan nhản khắp nơi. Tài chính kiệt quệ. Quan lại địa phương và thị dân giành lấy quyền tự trị. Nông dân và dân nghèo nổi dậy ở nhiều nơi . . .Chế độ phong kiến cát cứ trở thành vật chướng ngại lớn trên bước đường đi tới của lịch sử dân tộc Pháp .

Trong khi đó, giai cấp tư sản Pháp hình thành từ thế kỉ 16 đang lớn dần lênnhờ phương thức kinh doanh tư bản – đặc biệt các ngành công nghiệp dệt, hàng xa xỉ, ngoại thương, nông nghiệp … Tình trạng phong kiến cát cứ gây trở ngại quá trình phát triển tư bản chủ nghĩa. Giai cấp tư sản khao khát giành lấy chính quyền, tuy có ưu thế về chính trị nhưng chưa thể lật đổ g/c phong kiến thống trị. Họ quay ra dựa vào nhà nước phong kiến tập quyền để mở rộng kinh doanh. G/c phong kiến  đang sa sút nhưng vẫn cố giữ chính quyền, tự biết còn đủ mạnh để ngăn trở tư sản. Mặt khác, g/c phong kiến cũng muốn lợi dụng khả năng kinh tế tư bản để tồn tại. Tình trạng đó tạo ra thế quân bình tạm thời giữa quí tộc và tư sản dưới hình thức Nhà nước quân chủ chuyên chế [quân chủ tập trung tuyệt đối] . Đó là nền quân chủ cố giữ vai trò trung gian giữa quí tộc và tư sản – cố gắng dung hòa bảo vệ quyền lợi của cả hai.

1.2- Nền quân chủ chuyên chế Pháp trải qua ba triều đại  dòng họ Bourbon

Vua Henry IV lên ngôi giữa cảnh hoang tàn của nước Pháp sau chiến tranh trong khi ấy các lãnh chúa địa phương bạo loạn lung tung. Henry  thực hiện đương lốì cứng rắn xen kẽ mềm dẻo về chính trị, tôn giáo nhằm củng cố chính quyền trung ương. Vua chủ trương nâng đỡ nông dân, giảm thuế xóa nợ, đẩy mạnh công thương nghiệp, ngoại thương, kí kết nhiều hiệp ước thương mại. Nhà vua rời bỏ đạo Tin Lành, theo đạo Thiên Chúa [Cơ đốc, Gia Tô] đã được coi là quốc giáo. Năm 1598 vua ban hành pháp lệnh Nante bảo đảm tự do tín ngưỡng và tự do chính trị. Vua bị ám sát, con trai là Louis 13 lên ngôi giữa lúc bọn lãnh chúa phong kiến lại nổi lên khắp nơi.

Vua Louis 13 [1610-1643] dựa vào Giáo chủ Richelieu nắm quyền tể tướng, tiếp tục sự nghiệp của Henry 4, quyết tâm xây dựng một nhà nước dân tộc thống nhất, phát triển nhiều mặt chiếm vị trí cao trên trường quốc tế. Richelieu kiên quyết bảo vệ thống nhất quốc gia, trấn áp Tin Lành và các lãnh chúa địa phương ngoan cố, mở mang thêm lãnh thổ, đặt Pháp viện tối cao dưới quyền vua, ban bố chính sách đặc quyền cho giai cấp tư sản phát triển  kinh tế, đẩy mạnh công thương, qui định thuế khóa thống nhất, chiếm thêm thuộc địa [quần đảo Angti, đảo Madagasca] .Thống nhất hoạt động văn hóa tư tưởng dưới sự lãnh đạo tập trung của nhà nước chuyên chế. Thành lập Viện Hàn lâm năm 1634, trợ cấp văn nghệ sĩ, mở ra những cuộc phê bình văn học . . . Những hoạt động đó còn nhằm thống nhất ngôn ngữ Pháp, tách nhà văn ra khỏi ảnh hưởng quí tộc phong kiến, đàn áp nhà văn chống chế độ quân chủ chuyên chế. Sự cứng rắn của tể tướng – giáo chủRichelieubị nhiều người thù ghét phản ứng. Tuy nhiên ông ta vẫn là một nhà chính trọ nhà hoạt động xã hội xuất sắc, người sáng lập thực sự, trực tiếp của nhà nước mang tính dân tộc Pháp.

 Louis 14 [1643 – 1715] lên ngôi lúc 15 tuổi. Nhà nước do giáo chủ Madarin lãnh đạo thực sự. Giáo chủ cho tăng thuế, bán quan chứclấy tiền nuôi quân đội tham gia chiến tranh Trung Âu 1618 -1648. Chính sách đó khiến nhân dân bất bình , nhất là nông dân và nghị viện [phần lớn là đại biểu tư sản và quí tộc] đều căm giận. Kết quả là một cuộc nội chiến nổ ra ởParisvà một số tỉnh miền Bắc, miền Đông nước Pháp. Giai cấp tư sản và quí tộc, do quyền lợi ích kỉ, cuối cùng đã phản bội, bỏ mặc quần chúng khiến khởi nghĩa thất bại. Sự thất bại này chấm dứt tình trạng rối ren nhưng vẫn chưa bảo đảm cho đất nước thống nhất. Cuộc khởi nghĩa chia thế kỉ ra hai phần – nửa sau sẽ là thời kì  phát triển huy hoàng của chế độ quân chủ chuyên chế.  Năm 1661, Madarin chết, Louis mới thực sự nắm chính quyền. Vua tuyên bố “nhà nước chính là ta !” và khẳng định sự tập trung quyền lực cao độ trong tay nhà vua. Mười hai năm đầu của triều đại Louis thanh bình êm ả thuận lợi cho những cuộc cải cách và những dự án lớn:

            Về kinh tế – chính trị:  Colbert trợ thủ đắc lực của nhà vua đã tích cực bảo hộ các hình thức  kinh doanh tư bản chủ nghĩa, khuyến thương nhằm thu lợi nhuận cho công quĩ. Tăng cường quân đội làm áp lực cho kinh tế .Kiến thiết nhiều lâu đài nguy nga đồ sộ.

            Về văn hóa nghệ thuật: Chaplin cánh tay phải của “vua mặt trời” đã cho lập thêm hàng loạt viện hàn lâm nghệ thuật  và khoa học, bảo trợ các nhà nghệ sĩ , tổ chức sinh hoạt văn nghệ ở cung đình, biến cung điện Verseille thành trung tâm văn hóa quốc gia. . . Tất cả nhằm đề cao cá nhân vua Louis 14, thúc đẩy văn hóa, củng cố quốc phòng nâng cao địa vị uy tín nước Pháp. Người ta gọi thế kỉ 17 là “thế kỉ của Louis 14” hoặc “thế kỉ vĩ đại” [đại thế kỉ]. Năm 1803, Colbert chết, sinh ra sự chuyển biến mới của đời sống vật chất tinh thần nước Pháp cuối thế kỉ này: chính sách kinh tế của Colbert bị vứt bỏ, nền kinh tế suy sụp vì gánh nặng chiến tranh chống Hà Lan và Anh. Hủy bỏ pháp lệnh Nante, khủng bố tàn bạo những người dị giáo, đi xâm lược láng giềng. Nhà nước độc tài không chịu được khuynh hướng tự do dân chủ và cản trở giai cấp tư sản. Làn sóng khổng lồ hàng chục vạn  nhà công thương nghiệp bỏ chạy ra nước ngoài gây chảy máu nghiêm trọng về dân số, tiền của  tài năng trí tuệ của dân tộc.

 Nhận xét chung về Nhà nước quân chủ thế kỉ 17:

 Một mặt nhà nước là nhân tố lịch sử tiến bộ tích cực góp phần thống nhất đất nước, khôi phục và mở mang văn hóa dân tộc. Mặt khác, nền quân chủ chuyên chế vẫn là hình thức thống trị ựa trên sự liên minh giai cấp tạm thời giữa hai g/c bóc lột. Nó vừa hòa giải vừa đối kháng với nhau, lại vừa đàn áp và bóc lột nhân dân. Càng về cuối thế kỉ, nhà nước thoái hóa, phản động và trở thành đối tượng bị phê phán của lịch sử

2 – ẢNH HƯỞNG SÂU SẮC RỘNG LỚN CỦA TRIẾT HỌC GASSENDY VÀ TRIẾT HỌC DESCARTES TRONG TINH THẦN PHÁP THẾ KỈ 17 .

Cùng ra đời vào nửa đầu thế kỉ 17, mỗi học thuyết có cống hiến riêng. Triết học duy vật của Gassendy và triết học duy lí của Descartes có điểm chung, đều là thành tựu văn hóa tư tưởng cvủa một thế kỉ lớn, đều có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống tinh thần của thời đại

Gassendy:1592-1655. Nhà toán học, nhà khoa học lớn hiểu biết nhiều về vật lí thiên văn . Hoạt động trong nhóm bác học, thường tổ chức kín đáo những cuộc hội thảo khoa học quan trọng với tinh thần tự do, chống chủ nghĩa ngu dân của các thế lực phong kiến và tôn giáo. Gassendy bỏ nhiều công phu viết cuốn “Triết học đại toàn”, công trình in sau khi ông mất

Học thuyết của ông dựa trên “học thuyết về nguyên tử” của hai nhà bác học cổ Hi Lạp Epiccure và Lucres. Trong khi phát biểu thuyết nguyên tử ông đề xướng “cảm giác luận duy vật”: cho rằng  con người có thể nhờ cảm giác để nhận thức thế giới ,”cảm giác không bao giờ lừa dối”. Tin tưởng vàocảm giác, đánh giá cao cảm giác, Gassendy chống lại “duy lí luận” của Descartes và bác bỏ triết học kinh viện duy tâm trung cổ. Về đạo đức học, ông tập trung ca ngợi  niềm vui sướng cuộc đời và sự trong sáng tâm hồn . Theo ông hạnh phúc  con người là ở sức khỏe thể xác và sự thanh tĩnh tâm hồn.

Các nhà văn tiến bộ của thế kỉ 17 đã chịu ảnh hưởng triết học Gassendy như : nhà hài kịch Molier nhà ngụ ngôn La Fontaine nhà văn La Brue.

Descartes:1596-1650: Là nhà triết học và khoa học lớn có ảnh hưởng mạnh mẽ và lâu dài đến thời đại và lịch sử dân tộc Pháp. Có nhiều khám phá trong hình học vật lí vũ trụ học. Trong tiểu luận triết học nổi tiếng Bàn về phương pháp [1637] ông đề cao vai trò lí trí trong nghiên cứu khoa học và xác định nhiệm vụ của mình là “bàn về phương pháp hướng dẫn tốt lí trí và tìm tòi chân lí trong khoa học” :

Tác  phẩm này đề xướng triết học duy lí, đánh giá cao vai trò của tư duy lí luận. Lí trí là giai đoạn cao của sự nhận thức thế giới, nó độc lập không phụ thuộc vào tri giác cảm tính. Theo ông, lí trí có thể đem lại sự hiểu biết tất cả những gì mà giác quan con người  không đạt tới. Ánh sáng của lí trí có thể rọi thấu [nhận thức] được thế giới tự nhiên một cách vô hạn. Chỉ có lí trí là có thực  và đáng tin cậy , lí trí là quan tòa tối cao của chân lí

 Bàn về một vấn đề cơ bản của triết học- mối quan hệ giữa tư duy và tồn tại –ông nêu lên một nguyên lí: “Tôi tư duy, vậy tôi tồn tại”. Nghĩa là nếu sống mà chỉ biết tin tưởng mù quáng vào mọi tín điều tôn giáo thì chưa phải là sống. Descartes đã đánh đòn quyết liệt vào triết lí kinh viện nhà thờ trung cổ, tiếp tục giương cao lá cờ nhân văn chủ nghĩa Phục Hưng, ca ngợi  con người vớiù hoạt động tư duy sáng suốt.

 Bàn về phương pháp nghiên cứu, ông chủ trương phương pháp phân tích. Khâu đầu tiên là “hoài nghi”- đó là điểm xuất phát của khoa học chân chính. Cần phải nghi ngờ tất cả những gì mà người ta đã tin là chân lí. Sự hoài nghi này nhằm ngăn ngừa những kết luận mù quáng. Bước thứ hai là phân chia nhỏ đến tận cùng các hiện tượng để giải quyết. Bước thứ ba là hướng dẫn tư duy theo thứ tự từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp. Cuối cùng là thao tác tổng hợp, xem xét lại từng chi tiết nhỏ đã phân tích để dẫn tới kết luận.

Tiểu luận Bàn về phương pháp là lời tuyên chiến chống lại tất cả những gì  hỗn độn bừa bãi tùy tiện giáo điều để hướng tới một trật tự sáng sủa, chặt chẽ, chính xác – đó là triết học duy lí Descartes. Tư tưởng triết học Descartes là thành tựu lớn của tư tưởng Pháp thế kỉ 17, sản phẩm tiến bộ của khoa học và của ý thức hệ tư sản đang trưởng thành. Nó đạt cơ sở cho thế giới quan khoa học của thời đại. Trước hết nó tích cực chống phong kiến và tôn giáo. Thời ấy, ông đã bị Nhà thờ và những kẻ cuồng tín lên án chỉ trích, thù ghét.

Triết học Descartes cũng còn có nhược điểm không nhỏ: tính cách mạng nửa vời vừa duy tâm vừa duy vật [nhị nguyên luận] .

Triết lí Descartes đã in dấu đậm nét trong văn học cổ điển Pháp thế kỉ 17.

3  – TÌNH HÌNH VĂN HỌC VÀ CHỦ NGHĨA CỔ ĐIỂN PHÁP THẾ KỈ 17

3.1 BA DÒNG VĂN HỌC TÁC ĐỘNG LẪN NHAU

3.1.1 – Dòng văn học kiểu cách :tiếng nói của tầng lớp qúi tộc phong kiến  thất thế. Bị sa sút về chính trị, giai cấp quí tộc ra sức vớt vát bằng những vinh quang giả tạo bằng hình thức văn nghệ. Họ tụ tập ở các sa-lông [salon: phòng khách quí tộc] bàn chuyện văn chương nghệ thuật. Sinh hoạt salon trở thành phong trào thời thượng của xã hội thượng lưu. Những salon nổi tiếng trở thành những trung tâm văn hóa quí tộc đối lập với cung đình của vua Louis 13. Những văn nghệ sĩ lớn thường lui tới các salon ấy. Nơi đây ấp ủ những tiểu thuyết mục đồng tràng giang đại hải với những mối tình hiệp sĩ lí tưởng cầu kì tế nhị . Nhân vật chính là kiểu “con người quí tộc hào hoa phong nhã” với ngôn ngữ chau chuốt khác hẳn với ngôn ngữ thô mộc của đời sống thường ngày. Nội dung chính là đào sâu tâm lí trình bày dục vọng quanh co phức tạp kì thú của “tâm hồn quí tộc”. Bên cạnh tiểu thuyết mục đồng còn có loại thư từ chuyền tay nhau đọc, nối tiếp những cuộc đàm thoại nơi phòng khách salon.Thơ cầu kì  cũng là phản ứng của quí tộc đối với thị hiếu thẩm mĩ tư sản mới [thơ phá cách, trần trụi] đang được ưa chuộng ở đô thị. Cảm hứng chủ đạo của dòng văn học kiểu cách là phản ứng lại cuộc sống mới, rút vào cố thủ trong văn chương kiểu cách. Họ không đóng góp được bao nhiêu cho văn học và bị công kích từ nhiều phía. Tuy nhiên dòng này cũng có ảnh hưởng ít nhiều đến trào lưu văn học cổ điển chính thống của thế kỉ .

3.1.2 – Dòng văn học hiện thực dung tục đối lập với dòng văn học kiểu cách gồm truyện và thơ. Đó là văn chương cười cợt nghịch ngợm khôi hài thô lỗ của những người tự do cố ý chế giễu văn học quí tộc kiểu cách salon. Dòng văn này phác họa những bức tranh cuộc sống hiện thực, phơi bày thực trạng những thế lực lỗi thời, bộc lộ khát khao xã hội lí tưởng tốt đẹp- đó là tinnh tích cực tiến bộ của nó. Tuy nhiên nó còn nhược điểm là  tư tưởng nông cạn tầm thường đôi khi rơi vào vô chính phủ, tầm nhìn cuộc sống hạn chế. Dòng này có ảnh hưởng tới nhà hài kịch Molier và nhà văn ngụ ngôn La Fontaine.

3.1.3 – Dòng văn học cổ điển chủ nghĩa cùng tồn tại song song với hai dòng kia nhưng lại vượt lên một tầm cao rõ rệt. Đây là tiếng nói nghệ thuật của bộ phận tiên tiến trong giai cấp tư sản đang lên, tiếng nói mạnh mẽ tích cực và có sức sống lâu dài về sau.

3.2. VĂN HỌC CỔ ĐIỂN CHỦ NGHĨA – DÒNG TIÊU BIỂU CỦA THỜI ĐẠI

Văn học  cổ điển phát triển liền mạch mạnh mẽ sôi nổi suốt từ những năm 30 đến cuối thế kỉ có lúc độc chiếm văn đàn. Họ có quan điểm mĩ học tiến bộ, tư tưởng chống phong kiến tôn giáo cùng những thói hư tật xấu tư sản và có những đóng góp nghệ thuật mới. Nhiều cuộc tranh luận nghệ thuật  nổ ra kéo dài nửa thế kỉ, nhất là sự kiện vở kịch Le Cid của Corneill và cuộc tranh luận giữa Phái Mới và Phái Cũ.

Phân biệt các thuật ngữ: chủ nghĩa cổ điển, văn học cổ điển chủ nghĩa. Nguyên văn là Classicisme bắt đầu dùng từ thế kỉ 18 để chỉ trào lưu văn học tiến bộ nhất của thế kỉ 17. Lúc đó nhà trường Pháp muốn nêu cao tinh thần dân tộc nên đã dùng văn học ấy đưa vào nhà trường thay thế văn chương Hi Lạp- La Mã bấy lâu vẫn chiếm lĩnh văn đàn và nhà trường. Từ đây lần đầu tiên văn học Pháp mới được đưa vào lớp học [class]. Nghĩa là từ đây văn học thế kỉ 17 được coi là mẫu mực, do đó phải cho học sinh được học như khuôn mẫu. [Về sau người ta dùng từ Classique / Classic [tính từ] để chỉ những tác phẩm ưu tú mẫu mực của cả những giai đoạn văn học khác].

3.2.1 Những nguyên lí mĩ học cổ điển chủ nghĩa

Tac phẩm Nghệ thuật  thơ  của Boileau là cuốn sách lí luận văn học viết bằng thơ – được coi là bộ luật thơ của chủ nghĩa cổ điển, nhà văn Boileau được coi là nhà lập pháp của phương thức sáng tác và trào lưu văn học này. Từ đó rút ra ba tiêu chuẩn của classicisme là :

            + Tôn sùng lí trí [theo Decartes – chủ ngĩa duy lý]

            + Theo mẫu mực tự nhiên [ theo Gassendy – chủ nghĩa duy cảm]

            + Theo mẫu mực cổ đại [Hi – La  truyền thống, nhắc lại  từ Phục Hưng]

Nhà hài kịch Moliere viết: “Tôi muốn  biết rõ rằng qui tắc lớn nhất của mọi qui tắc có phải là không được làm vui hay không, và một số vở kịch đã đạt được mục đích có phải đã không đi theo một con đường đúng hay không  [. . .] Nếu các vở kịch làm theo qui tắc mà lại không được vui thích và những vở kịch gây được vui thích lại không theo qui tắc thì cần phải thấy rằng qui tắc đã sai”  [trích phê bình vở kịch Trường học làm vợ – hài kịch Moliere ] .

La Fontaine viết: “Ở Pháp, người ta chỉ xem cái vui là qui tắc lớn nhất và cũng là qui tắc duy nhất” [bài thơ  Mục đồng và sư tử ] .

Racine viết: “Qui tắc chính là làm vui và xúc động. Tất cả các qui tắc làm ra chỉ để đạt tới qui tắc đó” [Lời tựa vở kịch Berenix ] .

Boileau nói về bi kịch: “Bí mật trước hết là làm vui và làm cho xúc động” [Nghệ thuật  thơ – bài ca số Mười]

Nhìn chung, các nhà cổ điển chủ nghĩa chỉ coi trọng hiệu quả thực tế của sáng tác nghệ thuật mà không thích lí luận trừu tượng. Theo họ, vui là hiểu biết tự nhiên, vui là được thanh lọc cảm xúc, vui gắn bó hơn với đất nước dân tộc đang lớn dậy trong khi đang gạt bỏ những trở ngại của cái cũ và phê phán ngay những cái xấu thói hư mới, nhằm khẳng định một tương lai tự do, dân chủ và nhân đạo.

3.2.2 Hai giai đoạn tương phản của chủ nghĩa cổ điển :

Giai đoạn trước 1660 :

 Nước Pháp đã thống nhất nhưng chưa ổn định, chế độ quân chủ chuyên chế đang được củng cố. Văn học cổ điển là tiếng nói ủng hộ nhà nước phong kiến tập quyền vì nhà nước này đang khuyến khích sự phát triển tư bản chủ nghĩa đưa nước Pháp đến thống nhất quốc gia. Trong giai đoạn này có sự kiện đáng chú ý nữa là cuộc cải cách ngôn ngữ lịch sự của Malecber, tác phẩm văn của Pascal và kịch Corneill .

Giai đoạn sau 1660 :

Thời kì phát triển toàn diện rực rỡ  của chủ nghĩa cổ điển. Nổi bật là:

Bốn đỉnh cao văn học Pháp thế kỷ 17 : Thơ châm biếm của Boileau, thơ ngụ ngôn của La Fontain, bi kịch của Racine, hài kịch Moliere và văn tiểu luận của La Brue.

Nhìn chung văn học chính thống giai đoạn này là tiếng nói phản kháng chế độ phong kiến độc tài , đả kích giai cấp quí tộc và chế giễu những thói xấu tư bản chủ nghĩa .

3.2.3 Một số nhà văn và tác phẩm tiêu biểu

Malecber [1555- 1628]. Là nhà thơ cung đình được ưu đãi dưới triều vua Henry IV và Louis XIII, Malecber sáng tác một số thơ trữ tình, thù tạc, ít có giá trị . . . Nhưng đối với sự nghiệp cải cách ngôn ngữ thơ ca dân tộc, ông là người có công đầu. Ông thường viết  chú giải, bình luận về sáng tác của Deport – một nhà thơ kiểu cách – qua đó thể hiện xu hướng cải cách của mình .

Về mặt ngôn ngữ : Ông chống lại những thói kiểu cách và những thói dung tục , phản đối thói lạm dụng tiếng nước ngoài, tiếng cổ và tiếng địa phưng. Ông đòi hỏi sự trong sáng  ngôn ngữ. Do cố gắng của ông, tiếng thành thị đã thắng tiếng nông thôn, tiếng Paris trở thành chuẩn mực của nước Pháp.

Về nghê thuật thơ  : Malecber  yêu cầu câu thơ phải cân đối , bài thơ phải chia đoạn mạch rõ ràng , đề tài thông thường dễ hiểu .

Nhìn chung lí luận của Malecber tạo ra cuộc đấu tranh thống nhất ngôn ngữ phù hợp với cuộc đấu tranh thống nhất đất nước của thời đại .

Pascal [1623 – 1662]: Nhà khoa học – nhà văn nổi tiếng đầu thế kỉ 17. Có nhiều phát minh giá trị về Toán và Lý. Mang tinh thần duy vật và duy lí, công trình của Pascal phản đối sự sùng bái quá khứ, phủ nhận những tín điều giả dối mặc dù ông là tín đồ tôn giáo với niềm tin hạn chế. Là nhà văn, Pascal viết tác phẩm “Những bức thư tỉnh nhỏ” – tập bút chiến gồm 18 bức thư viết cho một người ở tỉnh nhỏ, kịch liệt phê phán thói vô luân của những nhà thần học ở Đại học Sorbone, nhất là những người theo giáo phái Jesus. Nhà văn vách trần thứ lí luận bào chữa cho tội ác cho phép những kẻ quyền thế đứng trên cả pháp luật. Tin tưởng ở chân lí tuyệt đối, ông dám chống lại bất kì thứ quyền lực nào kể cả giáo hoàng. Mặc dù đả kích mạnh mẽ nhà thờ và bị họ thù ghét, Pascal vẫn chưa thoát khỏi ảnh hưởng của tôn giáo, ông vẫn đề cao sức mạnh của “đức tin” .

“Những tư tưởng”  là cuốn sách của Pascal ghi chép tản mạn xoay quanh đạo Cơ đốc. Theo ông, thế giới là mênh mang vô tận. Trong cái cõi vô tận ấy, con người cảm thấy mình chỉ là một “cây sậy nhỏ bé yếu ớt” nên cần phải có thượng đế và Tôn giáo giúp đứng vững. Nhận thức về con người, Pascal vạch ra hai mặt đối lập tự nhiên: Cái cao cả và cái khốn cùng. Chỉ có tư tưởng mới đem lại sự cao cả cho  con người. Ông khâm phục những người có tư tưởng như nhà bác học, triết gia, nhà thơ và nhà tâm lí học. Theo ông, chính dục vọng đã đẩy  con người vào chỗ khốn cùng.

Pascal thể hiện một bút pháp phân tích sâu sắc, biện chứng khi phân tích tâm lí  tiêu biểu cho ngôn ngữ thế kỉ 17.

Ð

CHƯƠNG IX       THƠ NGỤ NGÔN LA FONTAINE

[1621 – 1695]

La Fontaine làm thơ viết văn, nổi bật nhất là viết truyện kể ngụ ngôn, Tác phẩm  Những truyện kể [1665] nội dung bắt nguồn từ kho tàng truyện dân gian, kể cả những truyện thơ ngụ ngôn trung cổ của Rabelais thời Phục Hưng và những truyện trong văn học Phục Hưng Italia. Những mối tình vụng trộm lén lút của các thầy tu, ca ngợi những thú vui trần tục, tự nhiên, bác bỏ luân lí khổ hạnh của nhà thơ. Ông đã chịu ảnh hưởng thật rõ nét triết lí Gassendy.  Thơ ngụ ngôn La Fontaine vươn lên ngang tầm mọi loại thơ khác trên văn đàn , gồm ba tập viết trong 26 năm.

Nhân vật trong truyện thơ ông thường là con sư tử. Là chúa sơn lâm, sư tử quen ăn bám phè phỡn trên sự đói khổ cực nhọc của muôn loài. Nó ưa phỉnh nịnh, luôn luôn hống hách. Nó kết thân với một lũ tay chân luồn cúi bợ đỡ, lập ra một chế độ cai trị hà khắc bịp bợm xảo trá. Các loài vật bé nhỏ hiền lành chỉ biết cắn răng chịu đựng. Tiêu biểu là truyện Các loài vật bị dịch hạch .

Tôn giáo – chỗ dựa của nền chuyên chế quân chủ cũng xuất hiện trong thơ ông, như: Chó sói và Cáo, Đám ma sư tử, Cụ cố đạo và Thần chết, Thầy bói rơi xuống giếng, Lá s , Động vật trên cung trăng . . . 

La Fontaine cũng đả kích giai cấp tư sản – những thói hợm hĩnh và thói xấu khác, như Cây sồi và cây sậy và tính háo danh, bạc bẽo của chúng.

Quay về với nhân dân, La Fontaine có cái nhìn đúng đắn sâu sắc về người lao động. Lão nông và các con .  Nhà thơ ca ngợi niềm vui thanh thản của họ: Cô hàng sũa và bình sữa ,Thần chết và bác tiều phu.  Ca ngợi tình yêu tự do và chung thủy, dũng cảm chống áp bức của dân chúng: Người nông dân sông Danub .

Nhà văn có lòng yêu thiên nhiên nổi hơn hẳn các nhà văn cùng thời. Hình ảnh đó được mô tả đầy cảm hứng, tạo vật hùng vĩ, tươi sáng đầy sức sống trong thơ văn ông.

Bên cạnh chủ đề lên án chế độ chuyên chế như một thế lực đe dọa cuộc sống  và tự do của nhân dân, ông không quên giáo dục sửa chũa cả những thói xấu của quần chúng. Nhà thơ nói “tôi dùng loài vật để dạy người đời một cách có tình có lý, đồng thời phải làm cho người ta vui vẻ” .

Ở Việt Nam, thơ ngụ ngôn La Fontaine được dịch từ trước Cách mạng Tháng Tám, sau 1954 tiếp tục được phổ biến. Gần bốn thế kỉ qua, đối với loài người , thơ La Fontaine vẫn còn giá trị và rất hiện đại.

MỘT SỐ BÀI NGỤ NGÔN TIÊU BIỂU CỦA LA FONTAINE

THỎ VÀ RÙA

         Chạy tốt nhỉ, cốt đi đúng lúc .

Chuyện Thỏ, Rùa ngẫm thực rõ thay

Rùa rằng: Ta đánh cuộc này

Đích kia chạy đến, anh tày tôi chăng?

Chị điên chắc! Nghĩ xằng mơ hão

Chạy hơn ta? Tẩy não đi thôi

Khăng khăng mà cứ giũ lời

“Điên hay không, tôi vẫn chơi cuộc này”

Họ vào cuộc theo như Rùa thách,

Giải hai bên cạnh đích cùng bày.

Hỏi chi vật nọ món này !

Lại cần chi biết ai đây trọng tài !

Thỏ chỉ việc nhảy vài bốn cái.

[Cái nhảy khi xuýt phải xa cơ,

từng làm bày chó ngẩn ngơ ,

Rượt theo mà chẳng bao giờ bén chân]

Vâng ! Thỏ đủ giờ ăn giờ ngủ.

Giờ vểnh tai nghe ngóng đông tây,

Mặc cho cái ả Rùa này

Như ông quan cụ khoan thai lê mình

Rùa rời gót tận tình tận lực,

Ỳ ạch lê từng bước cố  mau

Hợm mình thỏ định chạy sau

Khởi hành cùng lúc hơn nhau quá thường

Thỏ nghĩ bụng, “không bươn bả vội

Càng phất phơ càng nổi tài ba ! “

Thỏ gặm cỏ, thỏ lê la,

Thỏ nằm Thỏ nghỉ nhởn nhơ đủ trò

Nhơn nhơn chẳng buồn lo tranh cuộc

Cuối cùng … khi Thỏ ngước nhìn lên,

Đích kia Rùa đã kế bên

Thỏ ta vội phóng như tên bay vù.

Nhưng bay vội quá ư vô ích

Chị Rùa ta tới đích nhanh thay !

Rùa cười : Tôi nói chẳng sai,

Có ai ăn được cái tài chạy nhanh ?

                       [Huỳnh Lý – Nguyễn Đình dịch]

ÔNG GIÀ VÀ CÁC CON

Phú nông gần đất xa trời,

Họp riêng con lại ngỏ lời thiết tha

Rằng: ruộng đất ông cha để lại

Các con đừng khờ dại bán đi

Kho vàng chôn dưới đất kia

Cha không biết chỗ, kiên trì gắng công

Tìm khắc thấy, cuối cùng sẽ thắng

Xốc ruộng lên, tháng tám sau mùa,

Taycày, tay cuốc, tay bừa,

Xới qua xới lại chẳng chừa chỗ không.

Bố chết. Các con cùng gắng gổ

Lật tung đồng đây đó khắp nơi

Kỹ càng công việc xong xuôi

Cuối năm lúa tốt bời bời bội thu .

Vàng với bạc giấu mô chẳng thấy

Rõ ràng ông bố ấy khôn ngoan.

Trước khi từ giã trần gian,

Lấy câu “lao động là vàng” dạy con.

[Tú Mỡ dịch]

CÁC LOÀI VẬT BỊ DỊCH HẠCH

Một hoạ lớn gây tai dữ dội.

Hoạ trời gieo lúc nổi lôi đình

Để trừng trị tội chúng sinh.

Chính là dịch hạch- âu đành gọi tên

Cái hoạ một ngày đêm cũng đủ,

Làm ngổn ngang đầy ứ tuyền đài.

Hoạ nhè loài vật gieo tai.

Dù không chết hết muôn loài đều vương,

Chán cuộc sống đau thương hấp hối.

Kế bảo sinh chẳng đoái chẳng hoài,

Cao lương cũng chẳng buồn xơi.

Thờ ơ, chồn sói mặc mồi thơ ngây.

Chim gáy cũng lìa bầy lánh bạn.

Hết ái ân, thôi cạn nguồn vui !

Thiết triều, Sư tử phán lời :

“Chưkhanh thân ái nếu tôi không lầm,

Trời cố phạt lỗi lầm ta đấy,

Nên bắt ta gánh lấy hoạ này

Tội tình ai nặng nhất đây

Phải hy sinh để chịu ngay lòng Trời,

May ra bệnh muôn loài được khỏi.

Sử sách xưa đã nói rành rành

Gặp tai biến ấy âu đành

Vì nhau ta phải quên mình cứu nguy.

Đừng tự dối làm chi các bạn,

Nghiêm xét mình cho tận lương tâm …

Trẫm thì tham thực quên thân,

Miệng rỗng trót nhá hàng trăm cừu rồi!

Cừu đâu đụng đến người của trẫm?

Không dối vua chẳng dám khinh nhờn

Đôi khi tội trẫm còn hơn,

Ngon mồm có lúc xơi luôn mục đồng.

Nếu cần trẫm vui lòng hiến mạng

Nhưng xét ra muốn đặng phân minh,

Mỗi khanh nên thú tội mình.

Theo gương của trẫm chí tình mới hay…

 Phải hy sinh mới thật công bình” .

Cáo ta đứng dậy tấu trình :

“Muôn tâu thánh thượng anh minh tuyệt trần,

Lệnh ngài quả băn khoăn quá mức,

Nhá cừu ư ? giống ngốc, giống tồi,

Có gì đáng tội ngài ơi ?

Chúng còn hân hạnh được ngài nhá cho !

Thằng chăn nữa ! cái đồ vô lại !

Chính hắn nên chịu mọi nhục hình,

Cái đồ ngợm quá hợm mình,

Toan trên muôn vật ngông nghênh trị vì !”

Cáo vừa tấu lời ty tiện đó,

Lũ nịnh thần rầm rộ vỗ tay,

Chẳng ai động đến tội dày

Của Hùm, của Gấu, của bầy đầu to

Loài vật gây sự  đồ chó má,

Theo lời cung đều hoá thành oan !

Lừa ta đến lượt mở mồm :

“Thưa, tôi còn nhớ một hôm thế này :

Qua bãi cỏ nhà thày tu nọ,

Đói, thời cơ, ngọn cỏ mịn màng,

Ma đưa lối, quỷ dẫn đàng,

Cỏ kia tôi gặm khoảng bằng lưỡi tôi

Tôi nào có quyền xơi thế chứ,

Vì lẽ công xin thú rạch ròi.”

Lừa ta chưa kịp dứt lời,

Nhao nhao kết tội, tiếng sôi cả triều

Sói am hiểu ít nhiều pháp luật,

Liền hô hào, diễn thuyết ba hoa,

Rằng cần hiến mạng lừa ta,

Cái con ghẻ lở gây ra vạ trời !

Lỗi tí tẹo tức thời thành  án,

xử giảo ngay mới đáng tội đày !

Gặm cỏ người ! Tội ghê thay !

Tội kia chỉ có cách này : Giết thôi !

Để Lừa biết tội trời đầy đủ,

Chúng lôi ngay cổ nó hành hình

Lạ chi công lý triều đình,

Sang hèn thay đổi tội tình trắng đen

                       [Nguyễn Đình dịch]

ÿ

CHƯƠNG X

 BI KỊCH CỔ ĐIỂN PHÁP

CORNEILL và RACINE –  HAI KHUÔN MẶT TIÊU BIỂU

Bi kịch là thể loại nghệ thuật  phát triển nhanh mạnh và liên tục, đạt tới tột đỉnh vinh quang và gây nhiều chấn động lớn. Corneill vàRacinelà hai gương mặt khác nhau đại biểu ưu tú cho hai thời kì và hai phong cách khác nhau của bi kịch cổ điển Pháp.

I – Piere Corneill 1606 -1684  người mở đường vinh quang cho bi kịch Pháp

Ông được coi là người khai sinh nền nghệ thuật  sân khấu Pháp. Trước ông, nền kịch dân gian Pháp còn rất non nớt, chưa có tổ chức, chưa có qui tắc sáng tác chưa thành một loại hình nghệ thuật  hẳn hoi, chỉ giải trí thuần túy với tiếng cười dễ dãi. Trên sân khấu chuyên nghiệp đã có một số cây bút đáng chú ý nhưng phải chờ đến Corneill mới thỏa mãn được đòi hỏi của công chúng nghệ thuật  và chiếm lĩnh sân khấu Pháp.

Corneill- người anh hùng của những bi kịch anh hùng – sinh tại Ruan xứ Normandie trong một gia đình công chức. Sau khi tốt nghiệp trường dòng, anh học luật và đỗ luật sư [1624]. Cuộc sống dễ chịu ở quê nhà, Corneill say mê thơ ca và sân khấu, năm 1629 anh viết vở kịch đầu tay “Meliter”, đưa cho chủ gánh hát kiêm diễn viên là Mondori. Thành công đầu tiên khiến anh phấn khởi dời Ruan đi Paris, và viết tiếp một số hài kịch về tình yêu với những đối thoại sinh động hấp dẫn. Năm 1635 chuyển sang viết vở bi kịch đầu tiên là Medee [thuộc truyền thuyết  Hi Lạp, tác giả tiền bối là Euripide]. Dù Corneill cố gắng sáng tạo cho hình tượng nhân vật chính Medee có tính người hơn thời cổ đại nhưng vở kịch vẫn chưa thu được kết quả mong đợi. Sau đó chuyển sang đề tài Tây ban nha, Corneill viết một số bi hài kịch trong đó nổi bật như ngôi sao là Le Cid [1637]. Vở kịch châm ngòi cho một cuộc bút chiến nảy lửa, lôi cuốn hầu khắp mọi tầng lớp xã hội chú ý, xôn xao. Tể tướngRichelieu không tán thành cách lựa chọn và giải quyết vấn đề của tác giả nên đã ra lệnh cho Viện Hàn lâm mang vở kịch ra kết án một cách bất công. Mặc dù vậy  quần chúng vẫn nhiệt liệt hoan nghênh kiệt tác của Corneill. Chính quyền quân chủ chuyên chế phản ứng quyết liệt, buộc Corneill phải im lặng nghỉ viết một thời gian, lui về Ruan, xem xét lại nghệ thuật của mình và nghiên cứu kĩ hơn nghệ thuật kịch của thời đại. Thời kì sáng tác thứ nhất của ông kết thúc tại đây.

Năm 1640 lấy đề tài từ cổ La  mã , ông viết hai vở  Orax và Sinna ca ngợi những nhân vật luôn luôn gạt bỏ lợi ích cá nhân, dù phải tàn nhẫn với cả người thân thích, quyết  đặt quyền lợi quốc gia lên trên hết.

Năm 1644, vở kịch Rodoguine đánh dấu bước ngoặt mới trong sáng tác của Corneill. Vẫn dựa vào sự kiện thời cổ Hi Lạp , tác giả muốn miêu tả tập trung sự thèm khát quyền lực và yêu đương của một số nhân vật quí tộc phong kiến. Những dục vọng ích kỉ này đã vượt lên, đẩy lùi lí trí, dẫn họ đến tội lỗi. Tiếc rằng về sau ông lại viết tiếp những vở kịch sút kém, khoa trương giả tạo. Mặt trời bi kịch Corneill bắt đầu lu mờ báo hiệu sự khủng hoảng  nghiêm trọng của nhà thơ trước thời đại và nghệ thuật cung đình. Cái mới trong giai đoạn ba này là: bên cạnh đấu tranh nội tâm diễn ra ở người anh hùng dũng cảm luôn luôn gạt bỏ tình cảm riêng tư vì lợi ích quốc gia, xung đột bên trong đã được chuyển ra ngoài thành xung đột hai lực lượng xã hội : chính  nghĩa  và phi nghĩa .. .

Vở bi kịch  Le Cid

Ra mắt công diễn tại rạp hát Mare thủ đô Paris tháng 12 năm 1636. Thắng lợi của nó thật huy hoàng, công chúng nồng nhiệt chào đón. Khi đánh giá những tác phẩm khác, người ta lấy Le Cid làm mẫu mực, “đẹp như / hoặc không bằng Le Cid” .Vở kịch được trình diễn nhiều lần trước hoàng hậu và tể tướng, được thưởng 15000 livre. Vở kịch in thành sách hai lần trong năm đầu . Nhờ vở kịch, cha của Corneill được phong tước quí tộc.

Lấy đề tài từ kịch Tây Ban Nha, sở trường của sân khấu Pháp, Le Cid là tiếng Ả rập nghĩa là “đức ông” – biệt hiệu của nhân vật chính Rodrigu . Rodriguevốn là nhân vật lịch sử có thật , một chiến binh anh hùng có công đánh thắng quân Ả rập nên được binh lính gọi là Đức ông . Anh trở thành anh hùng dân tộc, theo đạo Cơ đốc. Truyền thuyết dân gian và truyện thơ dân gian đã kể nhiều về anh… Corneill đã sử dụng tài liệu sưu tầm, sử liệu, chọn lọc chi tiết, thêm vào những chất thời sự nước Pháp để xây dựng thành vở bi kịch điển hình chung của Tây Âu.

CỐT TRUYỆN

Tiểu thư Simen và công tử Rodrigue yêu nhau , được hai gia đình thuận tình cho đính hôn . Trước khi cưới, một sự cố xảy r . Trong một hội nghị ở triều đìn , cha của Simen gây xung đột với cha của Rodrigue  [nguyên sự việc là: Don Diego – cha của Rodrigue – được bổ nhiệm chức quân sư phó, bá tước Don Gormas – cha của Simen – một võ tướng lão thành – phản đối, cãi cọ và tát vào mặt Don Diego. Bá tước Diego ôm hận về nhà kể cho con nghe và bảo con rửa nhục cho cha . Anh tự đấu tranh dằn vặt , cuối cùng đành đến gặp lão tướng Don Gormas cha vợ tương lai . Trước hết anh tha thiết đề nghị ông giảng hòa với cha mình . Nhưng lão tướng từ chối .

Buộc lòng , anh phải thách đấu . Kết quả lão tướng đã ngã gục dưới lưỡi kiếm của anh . Tiểu thư Simen quá đau đớn , đòi nhà vua phải xử tội Rodrigue đền mạng .Lão đại thần Don Diego xin vua cho ông nhận án tử hình thay con trai . Vua còn đang phân vân khó xử . Rodrigue đến gặp Simen , nghe được tâm sự day dứt khổ đau của nàng giữa tình yêu và bổn phận , anh tình nguyện nộp mình cho nàng trả thù nhà . Nhưng Simen từ chối và bảo :” chàng đã làm đúng bổn phận ! “. Còn nàng , để xứng đáng với chàng Simen  cũng sẽ làm tròn  bổn phận – nghĩa là đòi nhà vua xét xử anh . Một cuộc xâm lấn của quân Moore khiến triều đình phải lo đối phó . Vụ xét xử Rodrigue hoãn lại . Vua cử chàng cầm quân ra trận . Simen phản đối nhà vua , vua khuyên giải : ” chừng nào Rodrigue chiến thắng trở về hãy xét xử cũng chưa muộn , còn nếu anh ta hy sinh thì coi như quân Moore đã thay chúng ta thi hành án [ ! ]

Rodrigue lập nhiều chiến công , đang trên đường thắng trận trở về . Nhà vua giả bộ báo tin cho Simen biết chàng đã tử trận . Nàng đau đớn thương xót chàng , khóc ngất đi . Khi biết mình lầm , nàng lại đòi triều đình phải thi hành công lý . Trở về , Rodrigue lại đến nhận tội với Simen và xin chờ nàng ra tay hành động . Nàng chối từ nhưng nghĩ cách khác . Có một gã quí tộc tên Don Sanche vốn theo đuổi nàng từ lâu , nay chộp cơ hội tiếp tục theo đuổi , đến an ủi Simen . Nàng bảo gã thay mặt nàng ra tay bảo vệ danh dự nàng bằng một cuộc quyết đấu với Rodrigue , sau đó nàng sẽ nhận lời cầu hôn của hắn . Rodrigue chối từ , một mực chấp nhận chịu chết dưới tay nàng để giúp nàng làm tròn bổn phận người con . Nàng yêu cầu anh nhận lời thách đấu của Don Sanche với điều kiện ai thắng nàng sẽ cưới người ấy . Anh không còn cách lựa chọn nào khác . Simen ở nhà nôn nao chờ đợi kết quả . Khi nhìn thấy gã Don Sanche xách kiếm trở về , Simen nhào ra cào xé gã , xỉ mắng gã đã nhẫn tâm giết chàng . Sự thật là Rodrigue thắng trận nhưng anh đã tha chết cho đối phương . Nhà vua can thiệp , tuyên bố xóa tội cho Rodrigue và an ủi và nhắc Simen thực hiện cam kết trước khi quyết đấu . Hai người chấp hành lệnh của hoàng đế , chuẩn bị đám cưới mở đầu một cuộc sống hạnh phúc lâu dài .

GỢI Ý PHÂN TÍCH  VỞ KỊCH

[Tìm hiểu mâu thuẫn dẫn tới xung đột, cách giải quyết xung đột, ai là nhân vật bi kịch ?  tính chất của bi kịch là gì ?

Vở kịch khẳng định thắng lợi oanh liệt của lí trí [ý thức về nghĩa vụ] vượt qua dục vọng cá nhân [tình yêu đôi lứa] và danh dự dòng họ [bổn phận gia đình]. Xung đột bi kịch nổ ra từ mâu thuẫn không thể hòa giải được giữa Cái Chung và Cái Riêng, tức là giữa xã hội và cá nhân, lí trí và tình cảm .

Các nhân vật trung tâm có tính cách anh hùng kiểu mới xuất hiện trên sân khấu. Họ có sức sống nội tâm mãnh liệt. Những đầu óc tỉnh táo sáng suốt có ý thức sâu sắc về nghĩa vụ – trước hết là nghĩa vụ gia đình [cần bảo vệ danh dự gia đình]. Mặt khác họ là những trái tim nồng cháy yêu thương [tình yêu lứa đôi]. Cả hai nhân vật đều mạnh mẽ, rạch ròi phân minh nhưng đi ngược chiều nhau và mâu thuẫn phát triển dần tới xung đột – phải loại bỏ lẫn nhau ! Tình cảm mặn nồng chính đáng vẫn không làm lu mờ ý thức nghĩa vụ, ý thức danh dự, nó phải khuất phục trước ý chí. Nói cách khác, ý thức nghĩa vụ, ý thức danh dự trở thành nền tảng của mọi tình cảm kể cả tình yêu. Lí trí thắng lợi làm nên phẩm chất , đức hạnh người anh hùng kiểu mới của thời đại và là tiêu chuẩn của vẻ đẹp mới mẻ của thế kỉ.

Rodrigue và Simen đáng yêu đáng kính vì họ đã mang lí tưởng của thời đại. Sự kiện chàng Rodrigue đánh thắng quân xâm lượcMoorecó ý nghĩa quan trọng về tư tưởng nghệ thuật, góp phần giải quyết gỡ nút được ổn thỏa. Tư tưởng ấy là: dốc sức giữ gìn đất nước dù phải hy sinh tình nhà và tình yêu đôi lứa [cá nhân]. Bổn phận gia đình dòng họ tuy lớn lao hơn cá nhân song cũng phải nhường bước cho nghĩa vụ công dân trước vận mệnh quốc gia. Rodrigue – người con hiếu thảo, người công dân anh hùng và người tình chung thủy – chàng đã khéo hành động sao cho trọn vẹn. Rodrigue và Simen, họ tự hào vì được chiến đấu hi sinh cho nghĩa vụ lớn lao [gia đình, đất nước]. Lí tưởng của họ vấp phải trở lực của  tình cảm riêng tư, một tình cảm nồng nhiệt. Tình yêu có sức hấp dẫn say người không dễ gì cưỡng lại được. Còn lí trí thì đòi họ phải tuân lện. Cuộc vật lộn nội tâm gây chảy máu tâm hồn nhưng họ đã tự thắng mình, tiến tới thắng lợi vinh quang.

Rodrigue chẳng phải ngay từ đầu anh đã đứng hẳn về phía bổn phận gia đình. Anh cố gắng tìm cách hòa giải, nhưng thất vọng. Khi đã hành động, anh không hối hận. Anh nói với Simen: “Anh sẽ còn làm như thế nếu anh phải làm” – và trái tim yêu thương của anh tan vỡ cùng với nỗi đau đớn của người yêu. Anh muốn tìm một cái chết để trọn vẹn đôi đường [bổn phận gia đình và tình yêu]. Nếu không xảy ra cuộc xâm lược của quânMoorethì kết cục kể như thế là xong. Khi ra trận anh dồn hết sức chiến đấu, thắng lợi vinh quang trở về. Anh quay trở lại với món nợ tình cần phải trả bằng máu. Rodrigue là hình ảnh mẫu mực cao đẹp trọn vẹn của  con người lí tưởng của thời đại.

Simen  yêu say đắm đến mức sẵn sàng chết theo anh nhưng cũng rất phân minh khi giải quyết mối quan hệ cá nhân và gia đình. Thù cha cao hơn tình yêu, rồi đến nghĩa vụ công dân cao hơn danh dự gia đình. Khi đòi trừng phạt người yêu, cô vẫn thừa nhận anh đã hành động đúng, “và em cũng phải xứng đáng với chàng”. Cô vẫn khâm phục anh là  con người cao thượng đáng kính: “anh đã làm bổn phận  của một người có danh dự. . . xúc phạm đến em, anh đã tỏ ra xứng đáng với em. Thì bằng cái chết của anh, em cũng phải tỏ ra xứng đáng với anh”. Lí trí soi sáng mọi hành động của Simen [ SV hãy so sánh với trường hợp Juliet tha thứ cho Romeo  tội giết Tibalt anh họ thân thiết của nàng – nhưng khác nhau về tình hình thời đại, dẫn đến lí tưởng khác nhau – giống nhau là lí trí chiến thắng . . .]

Don Diego cha của Rodrigue, lúc đầu chỉ nghĩ đến thù riêng, sau khi thù đã rửa ông lại tỉnh ngộ trở về với lí trí. Ông tự nhận tội mình ,xin đổi mạng cho con, tích cực bào chữa cho con vì ông nhận thức rằng Rodrigue là tấm lá chắn của nền an ninh đất nước Tây Ban Nha trước kẻ thù bên ngoài. Ông giục giã con đi ngay ra tiền tuyến, nhắc con làm tròn bổn phận dù phải hi sinh thân mình.

 Vở bi kịch “Le Cid” là một điển hình sân khấu với đề tài mang tính phi thường đột xuất [[nghĩa là không phải chuyện đời thường], cốt truyện phức tạp nhiều biến cố lớn, nhân vật siêu phàm về tính cách, có tính cách quả cảm, ý chí mãnh liệt. Hành động kịch chặt chẽ dồn dập, đối thoại và độc thoại sắc bén, khí thế bi hùng của cuộc đọ kiếm nảy lửa. Sự thống nhất giữa nội dung và nghệ thuật  kịch khiến cho tác phẩm không gây ra sự nghi ngờ của khán giả về sự giả tạo khoa trương mà còn chứa chan ý vị lạc quan thôi thúc công chúng vượt qua tất cả vì sự chiến thắng của lí tưởng cao đẹp.

Vở bi kịch Le Cid vừa ra mắt khán giả lập tức thu hút dư luậnParis, gây tiếng vang lớn trên kịch trường Pháp. Tên tuổi Corneill nổi như sóng cồn. Những nhà văn vốn không ưa thích tác giả đã phải thốt lên: “Mặt trời đã mọc rồi, các ngôi sao hãy lặn cả đi”. Về sau có nhà phê bình đã nhận xét: “Tác phẩm Le Cid không phải chỉ là sự khởi đầu của một người, đó là sự khởi đầu cuả một nền thi ca và là rạng đông của một thế kỉ lớn”. Tuy nhiên những lời công kích phê phán tác giả và tác phẩm cũng không ít và chẳng kém phần nặng nề gay gắt. Một số nhà văn không tên tuổi được triều đình nâng đỡ đã ghen ghét Corneill, vu cáo ông “ăn cắp văn của Tây ban nha, thiếu đạo đức khi cho Simen hứa hôn với kẻ đã giết cha mình”.v.v…

Nhận chỉ thị của giáo chủ tể tướngRichelieu, Viện hàn lâm Pháp đã công bố nhận xét [1638] nhằm chỉ trích vở kịch một cách nghiệt ngã. Họ nhằm vào một số chi tiết vụn vặt: không tuân theo qui tắc cổ điển của Aristote – thời gian truyện kịch dài quá 24 giờ [nhà văn Voltaire chỉ ra điều đó ở câu thứ 1169: lời hoàng hậu nói với Simen]. Kịch không đạt duy nhất về hành động: cả công chúa cũng yêu Rodrigue. Kịch đã viết một đoạn tình ca thất luật. Kết thúc kịch không phù hợp thể bi kịch  và  “không  giống như thật”. Nhà thơ Corneill bị cấm không được viết bài tranh luận trước sự kết án bất công đó. Thực chất, lời buộc tội của viện hàn lâm che giấu một thái độ chính trị- các nhà cầm quyền bất mãn với tư tưởng tự do của Corneill. Dưới con mắt của giáo chủ tể tướng và bọn thống trị, Rodrigue người anh hùng lí tưởng của vở kịch đã coi thường pháp luật, thiếu tôn trọng triều đình [đấu kiếm để giải quyết mâu thuẫn cá nhân trong khi pháp luật cấm đấu kiếm]. Nào là vở kịch đề cao anh hùng Tây ban nha là trái với tinh thần dân tộc Pháp [hồi đó xung đột chiến tranh giữa Pháp và Tây ban nha còn dai dẳng ác liệt] .

Mặc dù Corneill nhiều lúc xa rời qui tắc cổ điển mà các nhà lí luận cung đình đòi hỏi khắt khe, nhưng chính điểm đó là sự lôi cuốn mạnh mẽ nhất đối với nhà văn lãng mạn sau này. Phải mất nhiều thời gian tranh luận, hội thảo. thăm dò dư luận quần chúng, khi tình hình chính trị thay đổi vở kịch Le Cid mới được chính thức công nhận . [*]*

2. Racine [1639-1699] và bi kịch Andromaque

Nhà thơ Racine- người kế tục nhưng trước đó là đối thủ số một của Corneill trên sân khấu. Thực sự nổi tiếng ở  nửa sau thế kỉ XVII, Racine làm cho kịch cổ điển đạt tới đỉnh cao hoàn hảo về nghệ thuật  xây dựng mẫu nhân vật và sự phân tích tâm lí tinh tế. Với Racine, những người phụ nữ và những nhà vua chúa yêu đương  nạn nhân khốn khổ của sự thèm khát chaý bỏng -đã chiếm lĩnh sân khấu, thay thế cho những tâm hồn cao thượng của thời Corneill, đã phản ánh bước ngoặt phức tạp của lịch sử và văn học, tâm trạng chán chường của những tầng lớp tiến bộ nhất của xã hội Pháp những năm cuối triều vua Louis XIV. Racine  sáng tác một cách tự nhiên, tài tình khi phản ánh chân thực hiện thực Pháp trong khuôn khổ tù túng của qui tắc cổ điển chủ nghĩa chính thống. Nhà phê bình văn học Boileau viết cuốn “Nghệ thuật thi ca” [hoặc Nghệ thuật thơ] tổng kết lí luận văn học ưu tú của “đại thế kỉ” chủ yếu dựa vào sự nghiên cứu những vở kịch thơ xuất sắc của Racine.

Nghệ thuật kịch của Racine liên tục đặt ra những vấn đề lí luận mới cho thế kỉ XVII và cả những giai đoạn sau nữa . Có lúc, nhà nghệ sĩ được sùng bái hết mức, lúc khác lại bị coi là thứ đồ cổ trong viện bảo tàng. Nghệ thuật Racine luôn luôn là chỗ dựa cho nhiều trường phái nghệ thuật mới , nhất là các trường phái hiện đại ở Phương Tây . Racine vừa cổ điển lại vừa hiện đại .

Racine- nhà bi kịch của con người hai mặt– sinh ngày 22 tháng 12 năm 1639 tại Ferte Milon trong một gia đình công chức khá giả … Lên bốn tuổi đã mồ côi cả cha lẫn mẹ, Racine ở với bà nội và cô ruột. Cô đi tu, cậu bé cũng theo vào học luôn ở tu viện Po Royal. Vài năm sau, cậu bé được gửi tới trường trung học Bove để học các khoa học nhân văn . Trở lại Po Royan, Racine tiếp tục thụ giáo những người thầy uyên bác của giáo phái Jeansenis nổi tiếng về sự khắc kỉ đạo đức, bi quan yếm thế về thế giới và nhân sinh. Họ cho anh tiếp xúc với  thi ca của Homer, triết học Platon . . .[cổ Hi Lạp]. Nói chung anh được học nhiều về văn hoá cổ Hi-La. Họ cố gắng làm cho Racine cậu học trò trung học rung động với vẻ đẹp của tiếng Pháp. Sự đào tạo có tính chất tôn giáo đạo đức và những kiến thức  theo quan điểm Jeansenis đã đặt cơ sở vững chắc , để lại ảnh hưởng sâu xa trong nhà nghệ sĩ Racine sau này. Những ảnh hưởng đó là: Cảm quan đen tối về cuộc đời . Mầm mống yếu hèn, tội lỗi trong bản chất con người và sự bất lực của nó trước sự xô đẩy của những thế lực thù địch. Những ước mơ thầm kín về tự do, dân chủ và nhân đạo. Nỗi khát khao hướng về cuộc sống vô thần và những thú vui trần tục. Đó là những mâu thuẫn rồi sẽ chi phối cuộc đời và sáng tác văn học của Racine.

Rời khỏi tu viện Po Royal, Racine đi Paris, tiếp xúc với các nhà văn và những người trí thức tiến bộ . Anh bắt đầu làm thơ và say mê sân khấu. Năm 1660, nhân lễ cưới của nhà vua, Racine viết bài thơ “Tiên nữ sông Seine” dâng lên vua, được thưởng 100 đồng livre . Racine thử viết kịch . Lo lắng trước con đường đời của Racine , gia đình tìm cách kéo con ra khỏi cái thế giới văn học nghệ thuật đáng lo ngại. Racine phải đến thị trấn Undex chuẩn bị nhận chức thày dòng .Trong khi chờ đợi , Racine tranh thủ làm thơ . . .

Năm 1663 , Racine trở lại Paris, cho xuất bản hai tập thơ “Đức vua bình phục” và”Vinh quang  của các thi thần”. Hai tập thơ được dư luận chú ý , tác giả được mời gặp mặt ở triều đình. Racine kết thân với nhà phê bình Boileau và chuyển hẳn sang viết kịch .Hai vở đầu tay “Người thành Thebes” và “Alexandre đại đế” được biểu diễn  kết quả tốt nhờ đoàn Kịch hoàng gia của Moliere. Sau đó ông chê diễn viên của Moliere , đưa vở kịch kế tiếp  cho đoàn kịch khác diễn. Việc này gây ra mối bất hoà với  vua hài kịch Moliere. Mấy tháng sau, nhận được một bức thư của một thầy học cũ thuộc giáo phái Jeansenic viết :” Nhà văn nhà viết kịch là những kẻ đầu độc, không phải thể xác mà tâm hồn những người sùng tín”, Racine nghĩ rằng thầy cũ có ý ám chỉ mình, ông viết thư trả lời gay gắt bênh vực nhà văn nhà thơ và phê phán giáo phái Jeansenis . Từ đó Racine đoạn tuyệt với tu viện Po Royal .

Thắng lợi đầu tiên đem lại niềm tự hào lớn  và khẳng định vững chắc vị trí và tài năng của Racine là vở bi kịch Andromaque được công diễn lần đầu tại triều đình năm 1667. Vở kcih5 tác động mạnh đến công chúng Pháp và chia họ thành hai trận tuyến đối lập. Nó báo hiệu sự xuất hiện một phong cách bi  kịch mới lạ so với bi kịch anh hùng của Corneill giai đoạn trước. . . Sau đó liên tục trong 10 năm Racine cho ra mỗi năm một vở, vừa dần dần chinh phục khán giả vừa đẩy lùi các khuynh hướng đối lập . . . Racine bị phê phán là “kịch mang tính phi đạo đức” từ  những kẻ bất tài đố kị đối lập, thù địch. Ông trở nên nản lòng, ngừng sáng tác và trở lại hoà giải với tu viện Jeansenis. Tuy thế, ông vẫn được vua Louis chọn làm thư kí riêng, rồi làm nhà viết sử của triều đình. Năm 1689 theo yêu cầu của hoàng hậu, ông viết vở kịch dựa theo Kinh Thánh dành cho những nữ sinh của nhà tu Saint Sier tập diễn trong nội bộ. Vở kịch có một phong vị riêng,  dàn đồng ca phụ hoạ, nội dung đề cao lòng nhân ái và sự khoan dung tôn giáo của nhà vua. Sau đó ông viết vở kịch tôn giáo thứ hai Atali” – đây là vở kịch cuối cùng của sự đổi mới lớn lao táo bạo.

Sau Atali, Racine soạn cuốn “Lược sử Po Royal” in đậm tư tưởng giáo phái Jeansenis. Rồi ông nghỉ viết lui về giao thiệp với những người Jeansenis. Lúc này giáo phái không ủng hộ sự độc đoán của nhà nước chuyên chế nên Racine bị vua Louis XIV nghi ngờ, bỏ rơi. Racine chết năm 1699, chôn tại tu viện Po Royal.

Bi kịch của Racine được chia làm 3 giai đoạn trong 30 năm sáng tác .

Giai đoạn 1- hai vở kịch có nguồn gốc văn học cổ Hi Lạp- La mã, chưa hình thành phong cách riêng, chỉ là sự nối tiếp bi kịch anh hùng [kiểu Corneill] hoặc bi kịch phong nhã .

Giai đoạn 2- bước đi mạnh mẽ dứt khoát lộng lẫy hào quang, liền một mạch từ vở  Andromaque đến Federer. Đây là giai đoạn của những vở bi kịch hay nhất. Những nhân vật luôn luôn chất chứa trong lòng nỗi thèm khát cá nhân ghê gớm, thèm khát yêu đương hoặc quyền thế mang tính đen tối, tội lỗi. Nó nung nấu ruột gan con người, thôi thúc người ta tìm cách thoả mãn mau chóng bằng mọi giá. Nó được miêu tả như một định mệnh khắt khe không rõ nguyên nhân nào thôi thúc. Sụ thèm khát đó vấp phải  trở lực cũng mạnh mẽ chẳng kém- đó là Lí trí luôn cố giữ con người theo lẽ phải. Cuộc xung đột âm thầm mà quyết liệt giữa thèm khát tội lỗi và lương tri sáng suốt là xung đột cơ bản trong kịch Racine. Thèm khát  không thoả mãn càng nóng bỏng và chuyên chế. Kết quả là sự thất bại của Lí trí, gây ra kết cục đau thương khủng khiếp của nhân vật chính. Racine mở ra loại thể mới – bi kịch tâm lí .

Bi kịch tâm lí của Racine có giá trị hiện thực và nhân văn sâu sắc. Nó phản ánh thực tế lịch sử sinh động của xã hội Pháp dưới cái nhìn tiến bộ của nhà văn . Sang nửa sau thế kỉ XVII , chế độ quân chủ pháp bước vào thời kì ổn định và thịnh vượng khi các thế lực phong kiến cát cứ địa phương đã tê liệt chịu qui phục triều đình của hoàng đế, họ được phong tước và sống bám lấy triều đình. Quan chức trở thành lũ ăn bám, lượn lờ xu nịnh, cầu cạnh ân huệ bổng lộc, sớm tối lu bù yến tiệc, vũ hội, săn bắn, biểu diễn văn nghệ . . .Họ không bàn chuyện chính trị và lợi ích quốc gia dân tộc. Không dễ dàng gạt bỏ lợi ích cá nhân vì một nghĩa vụ chung . Sống nhàn tản, họ vùi đầu vào những chuyện riêng tư trong phạm vi xã hội thượng lưu. Người ta thích tỏ ra tế nhị, lịch sự, ăn nói có duyên, hiểu tâm lí, chiều chuộng phụ nữ . . . Yêu đương không chỉ là nhu cầu mà còn là thú vui thời thượng. “Con người phong nhã” đã thay thế “con người anh hùng cứu nước” của nửa đầu thế kỉ.

Tình trạng ấy phù hợp cuộc sống xa hoa phù phiếm chốn cung đình nhưng rất xa lạ thậm chí đối nghịch với kì vọng của nhân dân và trí thức về một chế độ quân chủ tập trung có khả năng phát huy hơn nữa “sự vĩ đại Pháp” .

Là một nghệ sĩ cũng là một quan chức nhiều năm gắn bó với triều đình Louis XIV, Racine đã thấy và phản ánh được  cả một tầng lớp xã hội Pháp vào tác phẩm. Những vở kịch tâm lí của Racine đã thoả mãn được cơn khát văn hoá nghệ thuật của thời đại. Càng về cuối thế kỉ XVII, chính quyền Louis XIV càng tha hoá và độc đoán, trở nên thù địch với nhân dân. Quần chúng bất bình, các nhà văn nghệ sĩ cổ điển tiến bộ đã dũng cảm tố cáo nạn chuyên chế đó. Những vở bi kịch của Racine xây dựng đề tài từ những thèm khát uy quyền  địa vị cá nhân . . . đã trở thành vũ khí sắc bén chống cường quyền bạo chúa, phát ngôn lời kết án của lịch sử và nguyện vọng chính đáng của xã hội, đấu tranh cho tự do dân chủ.

Trong khi phản ánh cuộc sống hiện thực, Racine để lại những dấu ấn riêng của nghệ sĩ. Đó là  tâm hồn nồng nhiệt, dễ bị kích động và những mâu thuẫn bên trong của mình: Sùng đạo nhưng lại say mê vẻ đẹp nhân văn cổ đại Hi Lạp La mã; Ràng buộc với tu viện Po Royal nhưng lại khó dứt ra khỏi cung điện Verseill [cung vua] hoa đăng lộng lẫy; Vừa muốn làm nhà giáo dục đạo đức chính thống vừa náo nức muốn làm người thức dậy tâm hồn quần chúng; Cố tỏ ra làm tròn bổn phận nhưng lại mắc lỗi với vua, với thầy cũ, với bạn và vợ . . .Hình như có hai con người đối lập giành giật chiếm giữ con người Racine: một con người lí trí chịu ảnh hưởng tôn giáo và phong kiến, người kia là con người đầy cảm tính luôn hướng về cuộc sống thực tế đầy hấp dẫn, cám dỗ. Chính tác giả đã có lần tự thú như vậy. Tính bi kịch “con người hai mặt” trong cuộc sống của Racine là yếu tố quan trọng làn nên tính bi kịch trong tác phẩm nghệ thuật của ông.

Có lẽ Racine đã từng nghiền ngẫm cuốn tiểu luận khoa học của Descartes  “Bàn về những thèm khát của tâm hồn”. Racine đã đào sâu vào tâm lí con người, chọn những thèm khát cá nhân làm đối tượng miêu tả chính. Nhà triết học đã lôi kéo nhà văn cùng góp phần giải quyết vấn đề có tính thời sự của xã hội Pháp nửa sau thế kỉ XVII.

Trong tác phẩm, Racine không kết tội, đôi khi có vẻ đồng tình với thèm khát. Thật ra , nỗi thèm khát là một hiện tượng tâm lý nếu được dẫn đắt thích hợp thì có thể nâng tâm hồn đến với những công việc vĩ đại [Luận văn của Diderot – thế kỉ Ánh sáng 18]. Những nhân vật bi kịch của Racine thất bại đáng kết tội chẳng phải vì họ thèm khát đắm say một con người hay ham mê cái ngai vàng. Theo Racine cái khát vọng ấy vốn là có sẵn trong con người, ở ngoài sự lựa chọn của con người. Đó là thèm khát chống phong kiến để giải phóng bản năng, tự do dân chủ. Nó khát vọng muốn nâng cao con người nhân văn chủ nghĩa Phục Hưng từng một thời được thể hiện ào ạt, nay cần được thể hiện trong phạm vi hẹp và sâu sắc hơn.  Nó chính là nhu cầu của giai cấp tư sản đang tiến lên. Nó đi tìm một sự quân bình mới, sự thăng bằng của lí trí và tình cảm cảm xúc khiến cho cá nhân có thể phát triển cân đối hài hoà . . . Nhìn thấy được những nét lành mạnh quí hiếm trong các tâm hồn tội lỗi, tác phẩm của Racine in dấu một tinh thần nhân đạo chủ nghĩa chân chính.

Giai đoạn 3 –  không có nhiều tác phẩm như hai giai đoạn trước , nhưng lại là bước ngoặt quan trọng đảo lộn cả cuộc sống và nghệ thuật bi kịch.

GIỚI THIỆU HAI VỞ KỊCH TIÊU BIỂU: ANDROMAQUE VÀ ATALI

BI KỊCH ANDROMAQUE

Bối cảnh: thành Troie [Ilion] thời hậu chiến .

Nhân vật:

Andromaque – vợ goá của dũng sĩ hoàng tử Hector [thành Troie thất thủ]

Pyrus – lãnh chúa mới của thành Troie, gốc người Akay, con trai của anh hùng Achill quá cố trong cuộc chinế tranh 10 năm đánh thành Troie ..

Ecmion – công chúa con vua Menelax xứ Hi Lạp [Akay], người yêu của Pyrus

Oreste – tướng Hi Lạp, say mê đeo đuổi Ecmion .

Tóm tắt cốt truyện kịch :

Pyrus đã đính hôn với công chúa Ecmion nhưng khi đến cai quản thành Troie anh lại đem lòng yêu Andromaque vợ goá của dũng sĩ Hector . Andromaque tỏ ra một mực giữ thuỷ chung với chồng và trọng danh dự thành bang, nàng  kiên nhẫn chối từ lời cầu hôn của con trai kẻ thù. Nàng cố không bị nao núng trước sự cầu hôn nồng nhiệt thiết tha của tướng trẻ Pyrus. Trong khi đó , biết tin người yêu đang bỏ rơi  mình, công chúa Ecmion lo lắng bồn chồn . . . Giữa lúc đó, Oreste viên tướng trẻ – người đang theo đuổi  công chúa Ecmion nhận được lệnh nhà vua Menelax đến thành Troie truyền lệnh cho Pyrus phải bắt đứa con trai nhỏ của Hector [tên cậu bé: Astianax] đem về xứ Hi Lạp để trừ hậu hoạ .

Thừa dịp này Pyrus ép nàng Andromaque nhận lời lấy y và hứa sẽ bảo toàn tính mạng đứa con trai. Còn Oreste nhân chuyện này cũng lo tính giành lấy tình yêu của công chúa Ecmion. Nàng Andromaque lo sợ bàng hoàng trước tình thế nan giải . Chịu nhục kết hôn với kẻ thù thì cứu được con trai , chưa có cách nào hơn , nàng đành  ưng thuận lời cầu hôn của Pyrus . Tướng trẻ Pyrus quên hẳn mệnh lệnh của nhà vua , anh ta vui mừng chuẩn bị đám cưới. Còn Ecmion căm hờn vị bị ruồng bỏ, nàng hứa sẽ nhận lời cầu hôn của Oreste và yêu cầu anh ta giết chết Pyrus cho hả giận. Tướng Oreste  cũng  vì say mê nàng công chúa mà liều lĩnh ra tay sát hại Pyrus sau giờ hôn lễ .. . Nàng công chúa Ecmion vẫn còn nặng  tình yêu Pyrus, hối hận , nàng xỉ mắng Oreste rồi tự vẫn bên xác người yêu . Còn Oreste nhực nhã tuyệt vọng phát điên và bị hoàng hậu Andromaque   vừa lên ngôi cai trị thành Troie phát lệnh truy nã, y được đám lính đưa đi chạy trốn biệt xứ .

GỢI Ý PHÂN TÍCH :

Xét về mặt hình thức, Andromaque là nhân vật chính – nhân vật nữ anh hùng chiến thắng  [được nhà thơ đặt tên vở bi kịch]. Nàng cố bảo vệ danh dự của chồng và danh dự thành bang công đồng Troie. Nàng ứng biến tuỳ thời để bảo vệ sinh mạng con trai – nó cũng niềm hi vọng của thành bang. Nhưng khi chúng ta xét toàn bộ vở kịch , thực sự nàng chỉ là nhân vật chính giả. Ý đồ nghệ thuật xây dựng nhân vật này để làm điểm tựa cho bối cảnh, mặt khác để nguỵ trang vượt qua kiểm duyệt và mũi nhọn chỉ trích của triều đình. Thực sự những nhân vật còn lại mới là nhân vật bi kịch chính thức.

Hành động kịch của Andromaque bề ngoài có vẻ phức tạp quyết liệt song thực tế vẫn là đơn giản, chưa phải là hành động bi kịch. Tuy nhiên nàng vẫn được coi là hình ảnh người vợ người mẹ đẹp đẽ và cao cả, đáng ngợi ca trên những vần thơ vì tấm gương quên mình…  Nàng khéo léo chối từ kẻ cầu hôn, rồi lại nhẫn nhục đến gặp công chúa Ecmion để cầu xin cho con trai  nhưng vô hiệu quả. Nàng biết khéo léo nhen nhóm hi vọng cho kẻ si tình để kéo dài thời gian …  Nàng là hình ảnh người vợ, người mẹ lí tưởng biết xử lý hài hoà giữa lí trí và tình cảm.

Pyrus mới thực sự là hình ảnh  đại diện của con người đương thời nửa sau thế kỉ 17. Anh ta luôn luôn bị mối tình si lôi cuốn. Bản chất của anh hiền lành, quảng đại, khiêm nhường có thể trở nên ông vua tốt của xứ sở Troie mới chinh phục. Nhưng vì tuổi trẻ bị cơn thèm khát chiến thắng thúc giục, anh trở nên nóng nảy. Hai tính cách: lãnh chúa thô bạo và anh hùng phong nhã giành nhau trong bản thân Pyrus. Tuy là kẻ anh hùng chiến thắng, vì say mê sắc đẹp của Andromaque đến nỗi anh hạ mình hết mức cầu xin tình yêu của người phụ nữ yếu đuối. Nàng chẳng có gì ngoài sắc đẹp và nỗi khổ đau. Những cuộc đối thoại giữa hai con người thay bậc đổi ngôi: nàng là nữ hoàng còn chàng là kẻ  đầy tớ, thật éo le, dồi dào kịch tính. Say đắm Andromaque, anh ta quên hết lời hẹn ước hôn nhân với công chúa con vua Menelax. Say mê Andromaque, anh khinh rẻ cả đống tro tàn còn âm ỉ cháy ngọn lửa hận thù ở thành Troie. Say mê Andromaque, anh ta dám chống lại cả vương triều tổ quốc Hi Lạp hùng mạnh.Và say đắm Andromaque, anh ta quên cả cảnh giác giữ gìn tính mạng. Tình yêu làm anh ta trở nên hung dữ, đáng sợ càng thèm khát ráo riết hơn. Anh ta dùng mọi thủ đoạn để chinh phục trái tim Andromaque -người vợ goá, không bận tâm vì cái tang chồng của nàng. Và khi nàng chấp thuận lời cầu hôn thì Pyrus lại chứng tỏ là kẻ nam nhi có tình yêu chân chính cao thượng, sẵn sàng từ bỏ tổ quốc Hi Lạp để bảo vệ  đứa con trai của người mình yêu. Đó là những tình huống bi kịch thật sự, không hề giản đơn, một chiều và chưa thấu tâm lí như Andromaque…

 Đôi khi nghe lời cận thần can ngăn, thực ra là do nản chí, Pyrus nổi cơn giận dữ với người đẹp và anh dừng bước lại . . . Nhưng rồi không thể quên được nàng, anh tiến tới dứt khoát hơn. Cuộc sống của một đế vương trẻ tràn ngập trong khổ đau dằn vặt với tâm trạng bất an này mới là nội dung chính của vở kịch.

Cái chết của Pyrus mang tính tất yếu, khi hết khổ đau nhân vật này không còn lí do để tồn tại. Nó củng cố nhận xét của ai đó về con người thượng lưu Pháp thế kỉ XVII:”Cảm giác, ngay cả cảm giác khổ đau, là cuộc sống duy nhất đáng mong ước” .

Ecmion là nhân vật sáng tạo của Racinetừ nguyên mẫu của truyền thuyết Hi Lạp và kịch cổ của Euripide. Nàng là người có địa vị cao, rất dễ hợm hĩnh, kênh kiệu, tự tin. Nhưng khi thấy mình chông chênh trong  hạnh phúc mong manh trước vị hôn phu dễ thay lòng đổi dạ thì Ecmion chao đảo từ cực này sang cực khác, hoang mang bối rối khủng khiếp , mất hết tự chủ. Nóng vội, nàng đã làm trái với tâm hồn mình và gây tai hoạ không thể cứu vãn. Nàng cũng chỉ là một nạn nhân của bi kịch.

 Oreste  là một tính cách ít thành công hơn, chưa đủ gọi là nhân vật bi kịch. Hắn chỉ là con người thiếu tự chủ nhất thời bị cơn thèm khát tình yêu đẩy vào kết cục bi đát nhục nhã. Anh ta chỉ là một nạn nhân đau khổ của định mệnh [ngụ ý: không hiểu nổi việc mình làm, ngu dốt. Khác với Pyrus hiểu rất rõ hậu quả mà vẫn hành động !] .

Vở kịch Andromaque thể hiện rõ nét nhất nghệ thuật bi kịchRacine. Kịch của ông không quá lạ lùng siêu việt phức tạp ngổn ngang mà hấp dẫn khán giả bằng sự miêu tả tinh vi đời sống tình cảm của con người thời đại trong một khuôn khổ hẹp nhất.

BI KỊCH ATALI 

Mượn một côt truyện trong Kinh Thánh, vừa tiếp tục chủ đề quen thuộc vừa chuyển mạnh sang phê phán chế độ quân chủ Pháp khi nó trắng trợn đối đầu với  quần chúng nhân dân .

Sơ lược nội dung kịch: 

Nữ hoàng Atali là nhân vật trung tâm, hiện thân của một nỗi thèm khát trả  thù lớn lao nhằm thanh toán một món nợ thù và cũng để củng cố, duy trì địa vị tối cao của mình. Là một phụ nữ đã làm mẹ,  làm bà nhưng cuồng vọng đến mức ráo riết săn đuổi đứa cháu nội – giọt máu còn sót lại của dòng họ David, càng chất thêm oán thù với quần chúng Do thái [bị coi là dị giáo]. Do mối thù của dòng họ lại thêm tín ngưỡng tôn giáo kích thích, Atali càng điên cuồng khát máu. Bất chấp tinh thần đức tin  Đức Chúa Trời, Đấng vĩnh cửu mà chính bà thường tâm niệm nói ra, tiếng gọi của dục vọng trả thù vẫn chiếm được bà. Lo sợ cái chết thường xuyên ám ảnh, cố chống lại nó bà vẫn không tránh khỏi. Tư tưởng chống khủng bố chống chuyên chế thấm đẫm trong nội dung kịch đã  dẫn tới sự “nổi loạn” của nghệ thuật bi kịch – nghĩa là vi phạm rõ rệt qui tắc cổ điển chủ nghĩa , nhất là cảnh quần chúng Do Thái kéo nhau vũ trang diệt bạo chúa.

Vở kịch đã không làm hài lòng vua Louis XIV nên không được phép công diễn trên sân khấu. Tuy vậy dư luận tiến bộ vẫn đánh giá cao Atali như vở bi kịch cổ điển có ý nghĩa xã hội sâu rộng nhất .

HƯỚNG DẪN ÔN TẬP

So sánh bi kịch Andromaque với bi kịch Le Cid ? Tính cổ điển là gì ?

[ gợi ý : tính cổ điển về lịch sử là : bi kịch chọn những hoàn cảnh thường gặp , của bi kịch nhân loại, của mọi dân tộc . Nó còn là tình huống tâm lí cổ điển ].   

G

CHƯƠNG XI    MOLIERE VÀ HÀI KỊCH CỔ ĐIỂN

Moliere “người hề vĩ đại”- một trong những tên tuổi lớn của chủ nghĩa cổ điển Pháp , của lịch sử văn học Pháp và là một trong những nhà viết hài kịch lớn nhất của lịch sử sân khấu thế giới. Cả cuộc đời ông là một tấm gương sáng của một nghệ sĩ chân chính luôn luôn bảo vệ chân lí của thời đại chống các thế lực phản động bảo thủ tiêu cực.Hoạt động cùng thời với các nhà thơ nhà văn Racine, Boileau, La Fontaine . . . Moliere đem đến cho văn đàn Pháp những cống hiến lớn lao – người sáng lập hài kịch cổ điển và đưa nó tới đỉnh cao xán lạn. Là nghệ sĩ ưu tú kết tinh những truyền thống tốt đẹp của nhân dân và dân tộc Pháp, sáng tác của ông chuyển nhanh về phía cuộc sống hiện thực phong phú sôi động trong đó quần chúng lao động đang tiến lên đảm nhiệm vai trò mới của lịch sử. Ba trăm năm lẻ đã qua, tiếng cười của Moliere không lúc nào vắng trên sân khấu Pháp và thế giới trong đó có sân khấu Việt Nam. Hài kịch của Moliere đã đóng góp đáng quí cho việc xây dựng nền văn học hiện đại và sân khấu kịch nói Việt Nam.

1- MỘT TÀI NĂNG NẢY SINH TRONG RÈN LUYỆN ĐẤU TRANH GIAN KHỔ

  • Jean Baptiste Poquelin sinh tại Paris trong một gia đình tư sản – tiểu quí tộc cận thần của nhà vua. Ông được dạy dỗ chu đáo ba năm trong trường trung học Clémonde nổi tiếng.Lúc ấy ông đã tỏ rõ sở thích văn chương, triết học, chịu ảnh hưởng triết học Gassendy [cảm giác luận]. Cha dự định cho ông học luật và thừa kế chức vụ quan hầu của nhà vua nhưng Poquelin lại chọn sân khấu – một nghề nghiệp đương thời coi là thấp kém.
  • Năm 1643, Poquelin quen biết một nữ diễn viên Madelaine Béjart cùng một số bạn thành lập “Đoàn kịch trứ danh”. Do thiếu kịch bản và diễn viên giỏi nên đoàn kịch chưa có tăm tiếng mặc dù rất cố gắng. Poquelin chọn biệt danh “Moliere” năm 1644. Đoàn kịch tan rã năm 1645. Cuối năm đó, Moliere cùng với anh em nhà Béjart dời khỏi Paris đi về các tỉnh nhỏ để lưu diễn.
  • Suốt 13 năm trời [1645 – 1658] chịu đựng khó khăn thiếu thốn, gánh hát nhỏ chưa nổi tiếng của Moliere lang thang hầu khắp nước Pháp. Dọc đường, gánh sáp nhập với một gánh khác khác. Mười ba năm phiêu bạt giang hồ chính là thời gian chuẩn bị một sự nghiệp lớn lao của Moliere. Nó giúp ông hiểu biết, tích lũy vốn sống về một xã hội Pháp, lúc ấy đang có cuộc nổi loạn La Frode. Nó giúp nhà văn tiếp xúc rộng rãi với các gánh hát rong địa phương, học tập họ rồi cạnh tranh với họ. Nó giúp Moliere kiểm tra lại nhận thức của mình, biết chỗ mạnh chỗ yếu từ đó vạch hướng đi lâu dài. Moliere diễn viên, đạo diễn, nhà sáng tác hài kịch và trưởng đoàn kịch đã trưởng thành qua 13 năm gian khổ như thế.
  • Từ 1650 Moliere đứng đầu gánh hát và bắt đầu xây dựng một số tiết mục đặc sắc . Ông bắt tay viết những vở “kịch hề” trong đó vận dụng những kinh nghiệm của loại “kịch mặt nạ Italia” về kĩ thuậ , hành động, tính cách nhân vật. Như các vở “Chàng Ngốc” , ” Ghen” đã báo hiệu một tài năng.
  • Thành công của Moliere vang dội đến tận kinh đô. Năm 1658 , đoàn kịch Moliere được nhà vua gọi về Pari. Moliere ra mắt cung đình với vở hài “Thầy thuốc si tình”. Buổi diễn có kết quả tốt, đoàn được giữ lại Paris, được nhà vua cấp cho rạp hát Peuti Bourbon vốn là rạp hát của triều đình để đoàn biểu diễn thường xuyên . Sau một năm hoạt động vừa diễn vở cũ vừa dựng vở mới, đoàn tuyển mộ thêm những diễn viên có tài .
  • Năm 1659, Moliere đưa lên sân khấu các vở “Những ả kiểu cách lố bịch”. Tác giả bị bọn quí tộc căm ghét mặc dù ông chỉ đả kích bọn “giả làm quí tộc”. Từ đây cuộc đời Moliere chuyển sang giai đoạn xây dựng một nền nghệ thuật sân khấu dân tộc hiện thực và tiến bộ. những tác phẩm lớn của Moliere ra đời liên tiếp, mỗi vở là một đòn giáng vào giới quí tộc, nhà thờ và chế độ chuyên chế. Và Moliere không ngừng phải chống trả quyết liệt những phản ứng điên cuồng của các thế lực thù địch. Mặt khác, Moliere còn phải đương đầu với những nhà soạn kịch và diễn viên đố kị thù ghét ông, lên án ông không tôn trọng những qui tắc cổ điển, báng bổ tôn giáo, làm hại khiếu thẩm mĩ của công chúng. Quá trình đấu tranh này  đã khiến Moliere trở thành nhà sáng tác hài kịch vĩ đại, nhà nghệ sĩ lão luyện và nhà tổ chức giáo dục tài năng.
  • Năm 1662 Moliere cho diễn vở “Trường học làm vợ” lên án quan điểm phong kiến vô nhân đạo, trái tự nhiên vô hiệu quả trong việc giáo dục phụ nữ. Bọn phản động tức tối, xúm lại công kích Moliere. Chỉ có Boileau tỉnh táo, vẫn viết bài phê bình bênh vực Moliere. Để trả lời những kẻ thù địch, Moliere viết tiếp hai vở kịch ngắn “Phê bình trường học làm vợ” và “Kịch ứng diễn ở Verseill” [1663] đưa luôn các nhà phê bình đố kị lên sân khấu mà châm biếm.
  • Trong thời gian 1664 – 1666, Moliere viết ba vở hài kịch lớn với tư tưởng triết học xã hội phong phú “Tactuff”, “Don Joan”,”Anh ghét đời”. Là những đòn trí mạng giáng vảo nhà thờ, giai cấp quí tộc thế kỉ 17. Những thế lực phản động  núp bóng triều đình la ó om xòm, hùa nhau đe dọa hành hung nhà văn. Đây là giai đoạn căng thẳng nhất trong cuộc đời nhà văn nghệ sĩ Moliere .
  • Từ đây hoạt động nghệ thuật của Moliere giảm bớt sôi nổi với các vở Lão hà tiện  [1668], Trưởng giả học làm sang [1670], Những bà thông thái [1672], Người bệnh tưởng [1673].
  • Ngày 17-2-1673 trong đêm diễn thứ tư vở “Người bệnh tưởng”, đang đóng nhân vật chính Moliere kiệt sức ngã trên sàn diễn. Ông được đưa ngay về nhà và một giờ sau trút hơi thở cuối cùng. Nhà thờ vốn thù ghét Moliere nên đã ngăn cản việc mai táng ông theo nghi thức tôn giáo. Vợ ông phải quì phục dưới chân nhà vua hết lời khẩn cầu mới xin được phép chôn cất ông ở nghĩa địa nhà thờ vào lúc đêm khuya.

2- NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA MOLIERE VÀO HÀI KỊCH DÂN TỘC PHÁP

Công lao của Moliere trước hết là kế tục và phát huy mạnh mẽ kịch hề dân gian Pháp , sau đó nâng cao thành hài kịch cổ điển. Moliere đã xác định và nâng cao vai trò địa vị hài kịch vốn bị coi rẻ trong xã hội Pháp. Xã hội Pháp vốn chỉ coi trọng bi kịch vì cho nó nghiêm túc, cao quí. Moliere chứng minh rằng hài kịch cũng nghiêm túc và là một nghệ thuật  chân chính, nó chứa đựng những cái cười thâm thúy, thông minh chớ không phải “rẻ tiền” như người ta chê trách. Với Moliere, hài kịch còn là công cụ đấu tranh xã hội lợi hại chẳng có gì sánh được. Hài kịch chứng tỏ tinh thần trách nhiệm xây dựng xã hội lành mạnh phát triển chứ không phải chỉ để mua vui giải trí đơn thuần. Tóm lại, nhờ Moliere, hài kịch có vai trò ngang hàng với mọi loại hình nghệ thuật và đáp ứng được nhu cầu thẩm mĩ của thời đại.

2.1 – TÍNH CỔ ĐIỂN CỦA HÀI KỊCH MOLIERE

Quan điểm nghệ thuật của Moliere là tinh thần duy lí, duy vật của thời đại. Theo quan điểm chung của chủ nghĩa cổ điển, hài kịch nhằm đả phá những tệ nạn xã hội và nhược điểm tâm lí của con người thời đại. Lí luận này yêu cầu hài kịch “sửa chữa phong hóa bằng tiếng cười”, giúp người có lương tri xa lánh cái sai và thói xấu. Moliere viết “nếu tác dụng của hài kịch là sửa chữa tính xấu của  con người thì tôi tin rằng không cần bỏ qua bất kì kiểu tính xấu nào. Những bài học luân lí nghiêm trang chưa hẳn có tác dụng bằng những nét châm biếm của một bài thơ trào phúng . . . Mô tả những thói xấu của  con người là cách tuyệt diệu để sửa chữa nó” [Lời Tựa vở Tactuff – 1669] .

Tuy nhiên, nhiệm vụ hàng đầu của hài kịch là “làm vui” cho khán giả, độc giả. Muốn đạt được như thế trước hết phải “theo tự nhiên”. Tự nhiên được hiểu là đáy sâu của những tâm hồn kín đáo mà chỉ có những cái nhìn tinh tường mới soi thấu được” [Boileau]. “Tự nhiên” còn có nghĩa là theo truyền thống xã hội đã được thừa nhận [danh chính ngôn thuận]. Moliere nói qua lời một diễn viên “Khi anh vẽ người, anh phải vẽ theo tự nhiên. Nếu anh không làm cho người ta nhận ra những con người của thời đại mình thì anh chẳng làm được gì hết” – Moliere trình bày lí luận của mình ngay trong tác phẩm như vậy.

Về đề tài: Moliere cho rằng có thể chọn bất kì đề tài nào kể cả cổ đại Hi Lạp – La Mã, miễn là đề tài ấy có sức thể hiện phong phú. Nhưng ông thích lấy ngay đề tài trong đời sống tâm hồn xã hội Pháp đương thời từ trong cung đình đến thành thị nông thôn nhờ vốn sống những nămgiang hồ phiêu dạt khắp nơi tiếp xúc đủ mọi loại người. Nhờ vậy Moliere sáng tạo được những tính cách điển hình. Chỉ ngoại trừ một mẫu người – kẻ đứng đầu triều đình – mọi loại người Pháp khác đều có mặt trên sân khấu Moliere. Tuy vậy nhân vật có mặt thường xuyên là nhân vật quí tộc, ngài hầu tước – hiện thân của chế độ phong kiến lỗi thời. . Moliere nói đại ý rằng: trong mọi vở kịch hề cổ xưa đều có một tên ăn cắp có nhiệm vụ gây cười cho khán giả thì trong các vở kịch ngày nay luôn luôn phải có một vị hầu tước lố lăng làm trò cười cho công chúng” [Vở Ứng diễn ở Verseill].

Nhìn chung Moliere không tự hạn chế kịch của mình trong khuôn khổ hạn chế của chủ nghĩa cổ điển nhằm phản ánh chân thực cuộc sống.

2.2 – NGHỆ THUẬT  XÂY DỰNG TÍNH CÁCH

Số lượng lớn hài kịch của Moliere thuộc loại hài kịch tính cách. Để làm cho tính cách đạt tới mức độ điển hình [nghĩa là có thể tồn tại vĩnh cửu], Moliere tập trung miêu tả những nét cơ bản nhất. Ông tước bỏ những chi tiết phụ không có ích cho sự theo dõi của khán giả. Mỗi nhân vật là hiện thân của một tính cách nhất định. Ví dụ: đạo đức giả, hà tiện, thông thái rởm… những nét tính cách khác bị đẩy xuống hàng thứ yếu, ví dụ ngộ nhận, chủ quan, cố chấp . . .

 Nhìn chung, những thói xấu và sai lầm của nhân vật không gây ra những tai họa chết người nhưng sẽ phải thất bại. Những kẻ ấy cứ tin mình làm đúng, mình nắm lẽ phải và không chịu thừa nhận thực tế  khách quan. Nhân vật ấy đầy ảo tưởng và trở nên lố bịch hài hước và bị chê cười. 

Biện pháp cường điệu khoa trương  nhằm làm tăng cường tính hài   đẩy nhân vật tới sát với ranh giới sự phi lí khó tin. Nhưng Moliere không cường điệu tùy tiện bừa bãi mà gắn bó với hiện thực. Đối với khán giả, trước mắt họ là nhân vật cụ thể sinh động tính cách rõ nét và mạnh mẽ khiến họ không thể nhịn được cười.

2.3 – NGHỆ THUẬT  GÂY CƯỜI

Sự vĩ đại của Moliere không chỉ là xây đựng tính cách mà còn nghệ thuật gây cười. Sự tinh tế nhạy cảm của nhà tư tượng nhà nghệ sĩ tài ba khiến ông khi quan sát cuộc sống phát hiện ra những khía cạnh hài hước với vẻ ngoài có vẻ trang nghiêm đáng kính. ông nhìn thấy thực chất ở đằng sau sự lộng lẫy vàng son cung điện triều đình Louis 14, lối sống hào hoa phong nhã của quí tộc nhàn hạ, bộ mặt uy nghi của tôn giáo, ánh lấp lánh của đồng tiền vàng tư bản chủ nghĩa. Những thứ dễ dàng đánh lừa con mắt người đời. Ông có cái nhìn của quần chúng lao động và tầng lớp tư sản tiên tiến đang lên. Moliere khám phá thấy những mâu thuẫn kín đáo, những nét kệch cỡm của cái xã hội đang lỗi thời để mà cất tiếng cười tống tiễn nó vào quá khứ.

Tiếp thu kế thừa những biện pháp gây cười của nghệ thuật kịch dân gian, nghệ thuật  trong con mắt quần chúng [ví dụ cảnh đánh lộn, lầm lẫn, huyên náo…] . Hình ảnh người bình dân hiện ra khỏe khoắn, nhanh nhẹn tự tin với tiếng cười lạc quan, tuy ở địa vị thấp hèn nhưng họ được miêu tả đẹp đẽ chính nghĩa với tiếng nói tích cực của nhân dân.

Phát hiện những khía cạnh bi đát của cuộc sống rồi thể hiện dưới hình thức hài kịch- đây là điểm độc đáo nhất của Moliere. Nhiều vở của ông khiến khán giả cười vỡ bụng nhưng sau lại nhận ra dư vị đắng cay đến rơi nước mắt. Nhà thơ Alfred de Muset thế kỉ 19 đã nói về “sự buồn thảm”,”sự sâu sắc” trong cái hài của Moliere. Khác với cái hài của Shakespear cười vui vẻ trong cuộc đời  lạc quan [hòa bình, ấm no hạnh phúc tình yêu…], Moliere cười phê phán mong chôn vùi những thói tật, “những hình thái lịch sử” đã hết thời mà còn cố gượng. Ông giấu kín sau tiếng cười những điều nghiêm trang của thời đạ , những nỗi đau những lo toan về cuộc sống trong thời cai trị độc đoán nghẹt thở của vua Louis 14, tiếng cười của Moliere đậm ý nghĩa triết lí và xã hội.

Moliere là nhà hài kịch đầy bản lĩnh nên ông biết dừng lại đúng lúc khi sân khấu của ông đã nhích dần tới ranh giới bi kịch. Chỉ cần dùng một vài tiểu xảo, một lớp hề cũng đủ xua tan những ám ảnh nặng nề u tối … đưa khán giả quay về cuộc sống trước mắt. Cái hài hước lố bịch còn nhiều nhưng ông tin vào lương tri quần chúng có thể cải tạo được chúng.

2.4    – GIÁ TRỊ HIỆN THỰC TRONG  KỊCH CỦA MOLIERE

2.4.1. Tính hiện thực phong phú

Hài kịch Moliere hướng tới một hiện thực phong phú, bên cạnh những nghịch cảnh là cơ sở của hài kịch. Cuộc sống nước Pháp quí tộc tư sản hoá thế kĩ XVII hiện ra muôn hình muôn vẻ. Cuộc sống của ngườI bình dân lao động – những ngườI đang tiến lên đảm nhận vai trò chủ yếu của lịch sử – bắt đầu được miêu tả, tuy chưa phải bối cảnh chính những đã thấp thoảng đằng sau những cảnh đờI quí tộc tư sản.

2.4.2. Tính chiến đấu:

Mặc dù tuân theo quí tắc cổ điển  là đặt lợi ích quốc gia dân tộc, tạm gác cuộc đấu tranh giai cấp một bên, nhưng Moliere không quên đấu tranh giai cấp, ông vẫn đứng về phía nhân dân lao động chống lại cả hai giai cấp đó, tuy có châm trước phần nào cho giai cấp tư sản.

2.4.3. Nhân vật phong phú:

Đủ mọi loạI người trong xã hội quí tộc- tư sản hiện lên với những chân dung ngộ nghĩnh hài hước che nkhuất những thói xấu. Cả một quần chúng lao động, không chỉ có mặt cơ bản là lương thiện cũng có những bình dân nhếch nhác đáng cườI chê. Chỉ trừ hình ảnh nhà vua lúc này trở thành biểu tượng dân tộc quốc gia, ngoài ra không thiếu một ai, kể cả hình ảnh những tu sĩ đạo đức giả, một thế lực uy quyền đầy bí ẩn, một thứ ‘siêu quyền lực” .

Nhân vật tiêu cực đương nhiên phảI là nhân vật trung tâm: quí tộc gàn dở, dối trá, văn hóa rỗng tuếch, thầy tu đầy âm mưu, lừa bịp. Tư sản lớp trên tham lam ích kỉ học đòi sang trọng như quí tộc. Quan chức cao cấp huênh hoang bất nhân bất nghĩa.v.v.. . .

Nhân vật tích cực: hầu hết là người bình dân có lương tri sáng suốt, sống theo lẽ tự nhiên, luôn luôn chiến thắng trong các nghịch cảnh tuy rằng họ cũng có những nhược điểm nhất định.

2.5     HÀNH ĐỘNG KỊCH MOLIERE

Hành động kịch của Moliere khá đơn giản, mỗi lúc một tăng mạnh hơn xoay quanh những thói giả dối kệch cỡm. Sự thái quá của những hành động trái tự nhiên nảy sinh xung đột, không phức tạp gay gắt đến mức phải có giải pháp quyết liệt như bi kịch. Với ông chỉ cần một biện pháp nhỏ [bất ngờ , từ bên ngoài] đủ khiến cái hài phải hiện nguyên hình . Màn chót của xung đột lại diễn ra nhẹ nhàng cùng với tiếng cười .

3 – MỘT SỐ HÀI KỊCH TIÊU BIỂU CỦA MOLIERE

SAU 30 NĂM SÁNG TÁC VÀ BIỂU DIỄN, MOLIERE  để lại  khoảng 40 hài kịch, gồm hài kịch phong tục, hài kịch tính cách và hài kịch ballet. Được nhắc tới nhiều nhất là các vở hài tính cách: Tactuff, Don Juan, Người Ghét Đời, Trưởng Giả Học Làm Sang, Lão Hà Tiện … Loại hài kịch tính cách có khả năng tồn tại lâu bền qua nhiều thời đại vì nó cung cấp những “hằng số tính cách” bên cạnh ý nghĩa lịch sử của nó [nói đơn giản là: tính cách điển hình của  con người chậm thay đổi đến mức gọi là tính cố hữu của  con người]

CHẾ GIỄU QUÍ TỘC

Những ả kiểu cách lố bịch, vở ra mắt đầu tiên tại cung Peutie Bourbon.Tác giả chế giễu thói cầu kỳ, rởm đời, kiểu cách của bọn quý tộc: Madelon và Catos. Do nhiễm phải thứ văn hoá quý tộc kiểu cách mà hai cô gái Madelon và Catos trở thành những cô gái cầu kỳ. Họ đã cự tuyệt hai chàng trai đến cầu hôn, đơn giản là hai anh chàng này không theo mốt yêu đương quý tộc. Bị sỉ nhục hai anh tìm cách trả thù bằng cách cho hai tên đày tớ cải trang thành quý tộc [huênh hoang, giả dối] đến cầu hôn. Trong lúc hai cô bị mê hoặc bởi vẻ bề ngoài của hai anh quý tộc thì hai ông chủ hiện ra, bắt hai anh lột hết hoá trang để lộ nguyên hình đầy tớ. Hai cô gái bị một vố tưng hửng đến mức phải xấu hổ ê chề. Vở hài kịch được công chúng hoan nghênh nhiệt liệt. Một cụ già reo lên: “Hay lắm! Moliere hãy dũng cảm lên”, còn bọn quý tộc thì trở nên cay cú, gầm ghè, hậm hực!

 Don Juan: Hình tượng Don Juan rất quen thuộc trong văn học dân gian và văn học viết Tây Ban Nha và cũng khá quen thuộc với công chúng phương Tây. Đến Moliere, Don Juan trở nên một hình tượng nghệ thuật sắc sảo giáng một đòn nặng vào chế độ phong kiến và tôn giáo. Don Juan hấp dẫn trước hết ở diện mạo thể chất, trí tuệ và tư tưởng tự do vô thần. Mặt khác y cũng tham tàn, phóng đãng và trơ trẽn như những kẻ quí tộc hết thời. Hai mặt trên xen kẽ chi phối nhau khiến cho nhân vật này rất sống động phong phú. Bổ sung và đối lập với Don Juan làanh đầy tớ Saganaren một kẻ hèn nhát, ngốc nghếch, bẻm mép  và thường kết tội ông chủ Don Juan.

CHÂM BIẾM TƯ SẢN

3- Trưởng giả học làm sang [hoặc Gã tư sản học đòi quí tộc]

[nguyên văn: Le Bourgeois Gentilhomme, sáng tác 1670]

Hình thức sân khấu: hỗn hợp nhạc vũ kịch.

Nhà văn Moliere cộng tác với nhạc sĩ Lulli.

Truyện xảy ra tại Paris. Lão Jurdin giàu có nhờ thừa kế cửa hàng buôn bán lớn của cha mẹ. Khao khát trở thành nhà quí tộc, lão mướn hai người hầu nhưng chẳng biết sai bảo điều gì. Lão lại mời các thầy dạy nhạc, thầy khiêu vũ về nhà. Rồi thầy dạy đấu kiếm, thầy triết học. Lão nhờ thầy triết học dạy nguyên âm, phụ âm và cách viết bức thư tình để gửi cho bà hầu tước Dorimen. Lão thuê thợ may chuẩn bị bộ đồ quí tộc, khi áo may hoa ngược lão tức giận nhưng nghe giải thích quí tộc ăn mặc như vậy thì lão lại hài lòng. Bà vợ chất phác can ngăn lão nhưng vô hiệu. Bá tước Dorent lợi dụng lão để lấy tiền xài khi nhận làm cố vấn ái tình cho lão với bà hầu tước mà bà ta lại là nhân tình của y. Những quà tặng của lão Jourdin nhờ y chuyển cho nữ hầu tước lại trở thành quà của y. Mộng trở thành quí tộc khiến lão mê muội  khiến lão không chịu gả con gái Lucin cho anh chàng Cleant vì chàng không phải con nhà quí tộc. Lão chỉ lo tìm nhà quí tộc để gả con. Anh đầy tớ Covien bày mưu  cho Cleon đóng giả hoàng tử Thổ nhĩ kì phong tước quí tộc Thổ nhĩ kì cho lão  để lão đồng ý gả Lucine cho hoàng tử .

 Lão hà tiện  [L’avare]

Vở kịch tiêu biểu để đả kích giai cấp tư sản là “Lão hà tiện”. Tác giả lấy đề tài từ tác phẩm “Cái nồi” của Plote, nhà viết kịch nổi tiếng La Mã cổ đại. Tác phẩm dựng lên câu chuyện về một người nghèo khổ tự nhiên phát hiện được cái nồi vàng, không dám tiêu pha, chỉ nghĩ đến việc chôn giấu và luôn luôn lo lắng sợ có người lấy trộm. Đến khi cho con gái làm của hồi môn thì cái tâm trạng lo sợ đó khỏi hẳn. Đến Moliere vẽ lên được một điển hình về lão hà tiện với tất cả cái lố bịch, khả ố của một tên tư sản hám tiền, cho vay nặng lãi, mất hết tính người.

   “Lão hà tiện” là vở kịch năm hồi bằng văn xuôi. H’Acpagon, một gã tư sản giàu có, goá vợ, có một con trai là Cleant và một con gái là Elise. Lão định gã con gái cho Angxenmo lắm của, không đòi của hồi môn và lão bắt con trai lấy bà goá đã ngoài 50 tuổi lắm tiền, trong lúc con trai lão yêu Mariane, một cô gái sống nghèo khổ, bản tính chất phác. Còn H’Arpagon lại đam mê chính người yêu của con trai mình. Thế là cha con trở thành tình địch của nhau. Nhờ sự giúp đỡ của người đày tớ ranh mãnh La Flese đã đánh cấp tráp bạc mà H’Arpagon giấu ngoài vườn. Bi mất tráp bạc, lão kêu la lồng lộn và bị đặc trước một điều kiện :Nếu lão đồng ý để con trai lão Cleant lấy Mariane thì tráp bạc sẽ được trả lại nguyên vẹn. Vì hám tiền, lão đã chấp nhận điều kiện đó. Vở kịch kết thúc, mọi người hoan hỉ, riêng H’Acpagon :”Còn ta, mau đi thăm cái tráp yêu quý của ta”.

  Marx chỉ ra rằng: «Khi mới có những mầm mống lịch sử của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa mà bất cứ tên Parvenu [mới phất] tư bản chủ nghĩa nào cũng trải qua giai đoạn lịch sử này- sự khao khát làm giàu và thói keo kiệt thống trị như là những dục vọng tuyệt đối”. Lý luận của Marx cho chúng ta thấy rằng H’Arpagon là sản phẩm của một thời đại mà sự tha hoá của đồng tiền đã huỷ hoại ở con người lão tình cha con, tình yêu, tình chủ tớ, tình đồng loại như thế nào.

Sự tha hoá của đồng tiền:”Đồng tiền là năng lực đã bị tha hoá của loài người”. [Marx]

 Moliere nói: « Nếu tác dụng của hài kịch là sửa chữa các tính xâú của con người, thì tôi tin rằng không phải chừa ra một loạt tính xấu nào cả […] Những bài học hay nhất của một bài học luân lý trang nghiêm không có hiệu quả bằng những nét châm biếm của một bài thơ trào phúng; mô tả những thói xấu của con người, đó là cách tuyệt diệu để giáo dục họ”.

Nét độc đáo nhất ở nhà hài kịch vô song này là sự phát hiện ra những khía cạnh bi đát của cuộc sống rồi biểu hiện nó dưới hình thức hài kịch. Đằng sau những trận cười lại là một dư vị đắng cay, tê tái đến mức có thể làm rơi nước mắt. Moliere cười để phê phán, để góp sức chôn vùi những thói tật “những hình thái lịch sử” đã hết thời, và để sửa chữa những tính cách chủ quan phi lý, đầy ảo tưởng, mâu thuẫn với chiều hướng phát triển tự nhiên của sự việc.

Tiếng cười của Moliere không chỉ làm rơi mặt nạ những kẻ giả dối mà còn giấu kín ở bên trong những vấn đề nghiêm trang nhất, những vấn đề lớn của xã hội, những nỗi đau, những mối lo toan về cuộc sống trong những năm nghẹt thở dưới nền độc đoán của Lui XIV. Cho nên tiếng cười của Moliere có ý nghĩa triết lý .

Vở kịch được công diễn lần đầu ngày 9/9/1668 trên sân khấu hoàng cung.Ban đầu không được khán giả tán thưởng nhiều vì lời kịch viết bằng văn xuôi, không hợp với thị hiếu thẩm mĩ quen thuộc của công chúng Pháp thế kỉ 17, cũng còn vì tính chất khoa trương cường điệu quá đáng của tính cách nhân vật “lão hà tiện”. Nghĩa là nhân vật này không giống “như thật”, và tiếng cười có vẻ đắng cay. Chỉ có một số nhà phê bình văn học như Boileau tích cực ủng hộ. Dần dần về sau vở kịch đã chinh phục được quần chúng  bằng nội dung  xã hội sâu xa và nghệ thuật  gây cười đặc sắc của nó. Từ bấy đến nay, “Lão Hà Tiện” vẫn là một trong những kiệt tác hàng đầu của Moliere .

Vở kịch này mượn đề tài từ vở “Cái nồi” của Plaude nhà hài kịch La Mã cổ đại [250 – 184 trCN] Câu chuyện kể một người nghèo khổ bỗng nhiên phát hiện một cái nồi chứa đầy vàng, không dám tiêu xài chỉ lo cất giấu, đêm ngày lo lắng sợ kẻ trộm. Lão nghi ngờ hết thảy, đuổi bớt những người giúp việc trong nhà. Lão chỉ bằng lòng gả con gái cho ai không đòi của hồi môn. Một anh đầy tớ theo dõi, biết cái nồi đựng vàng  cất giấu liền đào lên đem giấu chỗ khác. Lão thấy mất của kêu la đau xót gần chết. Cho đến khi lão chịu tuyên bố cho con gái nồi vàng làm của hồi môn thì tâm hồn lão mới thực sự thanh thản sung sướng. Vở kịch cổ đại không miêu tả lão già hà tiện và ham giàu, Pluade chỉ xoáy vào tâm trạng người giàu lo mất của.

Moliere sửa đổi ít nhiều, tạo cho vở kịch một bộ mặt mới. Với Moliere, lão H’Arpagon là một lão già rất giàu và rất mê vàng. Quí tiền hơn con cái, lão keo kiệt tới mức con trai Cleante phải mượn một người bạn đến vay nợ lão  để có tiền tiêu xài. Lão định cưới cho con trai một bà góa giàu có và tính cách gả con gái Elise cho Anselme- một ông già góa vợ giàu có vì ông ta không đòi của hồi môn. Còn lão thì đang theo đuổi một cô gái nghèo trẻ đẹp tên Mariane mà không muốn bỏ tiền ra, lại còn dò la xem nhà cô có của hồi môn hay không  Con gái lão là Elise đang yêu chàng trai Valere. Anh ta đành phải giả làm người  giúp việc cho nhà lão để được gần gũi người yêu. Anh đầy tớ La Flech lấy trộm cái tráp bạc của lão và chỉ chịu trả lại với điều kiện ông chủ đồng ý cho Cleante cưới Mariane [họ đang yêu nhau  nhưng lão không biết] và cho Elise lấy Valere. Vở kịch kết thúc vui vẻ nhờ cuộc đoàn tụ bất ngờ: ông lão góa vợ Anselme nhận được con trai là Valere và con gái Mariane sau nhiều năm thất lạc. Hai nhà kết thông gia.

Phân tích hài kịch Lão hà tiện

Lão già H’Arpagon giàu có nhờ cho vay nặng lãi. Tiền bạc của lão luân chuyển và sinh sôi nảy nở. Lão thực là điển hình những mầm mống tiền thân cho giới tư sản tài chính. Nhân vật này không luẩn quẩn trong nhà chật hẹp, lão là  con người của thời đại vàng đang giành lấy thế lực thống trị tất cả. “Mối tình” của lão đã đẩy lão vào tình trạng xung đột vừa hài hước vừa bi thảm – cha con xỉ vả nhau vì tiền và tình. Anh con trai mong cha chết sớm. Cũng vì tiền mà cô Mariane sinh ra nhu nhược, bà mối Frosine lanh lợi hóa ra điêu ngoa gian trá.

 Vở kịch này nối tiếp hình thái bi kịch Phục Hưng nhưng chuyển hóa thành dạng bi -hài kịch [từ thời bi kịch Shakespeare đã có nhân vật Shylock tha hóa vì tiền]. Nhưng đến lão H’arpagon thì thói tham vàng đạt đến độ tinh vi quỉ quyệt nhưng vẫn không kém phần tàn nhẫn. [Bản khế ước cho vay 26 %, pháp luật chỉ cho 5%, con nợ phải có lí lịch xác minh ,v.v… Lão còn giả bộ đi vay hộ để dụ mồi và tránh tiếng dư luận] .

Lão giàu có nhưng lại keo kiệt, chắt chiu từng xu nhỏ. Bỏ mặc con thiếu thốn, với kẻ hầu hạ lão tìm mọi cách  cướp lại tiền công. Chẳng những thế, lão còn coi rẻ tình yêu hôn nhân của hai đứa con. Lão chẳng những không muốn bỏ tiền cho đám cưới con mà còn muốn ép duyên con để kiếm lợi. Con trai lão hư hỏng lão chẳng thèm quan tâm, còn dạy con khi thắng cờ bạc thì đem cho vay lãi. Khi thấy con đi vay lãi lấy tiền xài [nhờ người khác vay của lão] thì lão mắng con là ngu ngốc .

Lí tưởng đồng tiền của lão phơi ra lộ liễu nhất khi lão mất cái tráp bạc . Lão cảm thấy cô đơn hoàn toàn  – lão cảm thấy đời chẳng còn ý nghĩa gì nữa .

TRÍCH HỒI IV CẢNH 7

[Màn độc thoại của lão H’arpagon] :

H’arpagon [từ ngoài vườn kêu la, chạy vào]: Ối kẻ trộm ! Ối quân giết người. Pháp lí ơi, trời đất công minh ơi ! Tôi chết rồ , tôi bị giết, người ta cắt cổ tôi, người ta lấy trộm tiền của tôi. Đứa nào đó ? Nó ra sao rồi, nó ở đâu ? Nó ở đó phải không ? Ai đấy, bắt nó đi  !

 [Lão tự nắm tay mình] Trả tiền tao đây, thằng xỏ lá. À, tôi đây mà. Trí óc tôi loạn rồi. Tôi ở đâu ? Tôi là ai, tôi làm gì ? Than ôi tiền tội nghiệp của tôi !, bạn chí thân của tôi ơi, nó làm tao mất mày rồi. Mày đã mất , tao cũng mất nơi nương tựa , niềm an ủi nỗi vui sướng. Thế là xong đời tôi, tôi chẳng còn việc gì làm trên đời này ! Không có mày tao không thể nào sống nổi nữa .Thế là xong, tôi không chịu được nữa, tôi đang chết . . . tôi chết rồi, tôi bị chôn rồi. Không ai muốn hoàn sinh cho tôi bằng cách trả lại tiền cho tôi, hoặc cho tôi biết đứa nào đã lấy tiền của tôi. Hử , ngài bảo gì ?  Chẳng có ai cả. Dù đứa nào chơi tôi vố này, hẳn nó đã phải dày công rình mò cái giờ ấy. Nó đã chọn đúng lúc tôi phải nói chuyện với thằng con phản phúc của tôi. Nào đi , tôi muốn đi tìm công lí để tra khảo tất cả nhà này, đầy tớ gái đầy tớ trai, con trai, con gái và cả tôi nữa. Người đâu mà tụ tập đông thế kia ? Tôi chẳng nhìn ai mà không thấy nghi ngờ. Người nào cũng  giống như đứa ăn trộm tiền của tôi . Kìa đằng ấy người ta đang nói gì đấy ? Nói về thằng ăn trộm của tôi ư ? Trên kia làm gì mà ồn lên thế ? Thằng ăn trộm có đấy không ? Tôi van, nếu ai biết tăm hơi thằng ăn trộm, xin làm phúc bảo tôi. Nó có trốn giữa các ngài không ? …Tất cả nhìn tôi mà cười. Chắc hẳn họ đều có dính phần vào vụ trộm. Nào mau lên các ông cảnh sát , các ông xạ thủ, quan tòa, thẩm phán, các ông đao phủ tra tấn, xử giảo, xử trảm !  Tôi muốn treo cổ tất cả thiên hạ. Nếu tôi không tìm thấy tiền của tôi, tôi sẽ treo cổ luôn cả tôi .

TRÍCH HỒI V CẢNH 1

Viên cảnh sát – cứ để mặc tôi làm, nhờ Chúa tôi biết làm nghề của tôi . Không phải chỉ hôm nay tôi mới dính vào chuyện đi khám phá các vụ trộm.

 H’arpagon – Tất cả các quan thẩm phán đều quan tâm tới vụ này, đều muốn tự tay làm cho ra .Vì nếu không làm cho tôi thấy lại tiền của tôi thì tôi sẽ đưa cả công lí ra trước công lí  đấy nhé.

Viên cảnh sát –  Ông có nghi ngờ ai trong vụ này ?

H’arpagon – Tất cả thiên hạ, tôi muốn ông bắt bỏ tù tất cả dân thành phố và cả dân ngoại ô nữa .

PHÊ PHÁN NHÀ THỜ TRUNG CỔ với vở  Tactuff

Các vở tiêu biểu có ngụ ý phê phán nhà thờ như “Trường học làm vợ”, “Phê phán trường học làm vợ”, “Kịch ứng tác ở Verseille”, nổi tiếng hơn cả là vở Tactuff. Đây là vở kịch gây ra nhiều xôn xao và bị ngược đãi một thời gian. Một linh mục thời bấy giờ nói: “Con quỷ [ám chỉ Moliere] đã tao ra một tác phẩm chế giễu nhà thờ”. Tactuff đựơc  diễn lần đầu tiên tại cung điện Verseille [12.5.64], rồi bị cấm, bị Nhà thờ công kích dữ dội, đòi đốt tác phẩm và thiêu tác giả. Mãi đến năm năm sau 1669 vở kịch lại ra mắt công chúng và được hoan nghênh nhiệt liệt nhờ sự ủng hộ của bạn bè trong đó có Boileau, nhất là sau khi hoàng thái hậu Androtrise, mẹ của vua Lui XIV qua đời.

            Tactuff  là vở kịch bằng thơ gồm năm hồi. Vở kịch diễn ra tại nhà Oron, một tư sản goá vợ, giàu có và sùng đạo. Lần đầu tiên gặp nhau ở nhà thờ, Tactuff [một gã chân tu] đã được lòng Oron, được lão đưa về sống trong gia đình và hết mực tin cậy. Đến nỗi lão giao cả tráp tài liệu bí mật cho gã, hứa gả con gái Marian cho gã, và làm chúc thư giao toàn bộ tài sản cho gã. Enmia “vợ kế”, Marian “con gái”, Đamix “con trai”, và cả Dorine “người đầy tớ gái” của lão khuyên can nhưng không được. Đamix bắt quả tang Tactuff tán tỉnh mẹ của mình và tố cáo với cha hành động của Tactuff nhưng vì quá tin gã mà lão đuổi con trai ra khỏi nhà và buộc Marian lấy Tactuff. Enmia quyết định lập mưu vạch mặt Tactuff, bằng cách cho chồng [Oron] nấp dưới gầm bàn để mắt thấy tai nghe sự thật. Oron đã muộn màng khi nhận ra bộ mặt của tên đạo đức giả. Ngay lúc ấy Tactuff trở  mặt đuổi Oron ra khỏi nhà và tố giác Oron với chính quyền. Thời may có lệnh của nhà vua bắt giữ Tactuff. Gia đình Oron thoát nạn. Vấn đề được đặt ra trong vở kịch này là Moliere chỉ vạch mặt kẻ đạo đức giả hay cả tôn giáo ? Cha cố Bourdalue thừa nhận: “Dù cho Tactuff là tên sùng đạo giả thì vở kịch cũng chẳng kiêng dè gì tôn giáo và các nhà chân tu”.

            Tactuff xuất hiện với vẻ của một nhà tu hành, cũng áo gai, cũng cầu nguyện và làm dấu thánh. Khi thấy Dorine, người đầy tớ gái, Tactufftỏ ra là một chân tu thật sự vội rút khăn đưa cho Dorine: “Chao ôi ! Lạy chúa tôi, xin chị hãy cầm lấy cái khăn này, rồi hẵng nói. Chị che cái ngực của chị lại. Tôi không sao nhìn được, những thứ ấy làm tổn thương linh hồn và làm nảy nở những ý nghĩ tội lỗi !”

            Trước mặt Dorine, Tactuff ra vẻ là một con người đạo đức nhưng khi gặp Enmia thì lại ra sức tán tỉnh, dở trò bậy bạ.

 Enmia : Ông làm gì thế ?

 Tactuff : Tôi sờ cái áo, thứ vải này mịn quá nhỉ !

 T : Thưa bà, bà mà chưa tỏ tình yêu bằng những hành động cụ thể thì tôi chả tin đâu !

 E : Trời ơi ! Tình yêu của ông thật y như một tên bạo chúa. Nó hùng hổ muốn chiếm cứ lấy lòng người ta. Thôi, thế này thì em cũng đành chịu, không thế thì người ta chưa vừa lòng lại chả tin em !”. [Lúc này, Oron chui ra khỏi gầm bàn]:

     “Hừ bây giờ, tao mới biết là thằng chó má … khéo đóng cái vai ấy để lừa tao … lấy con gái tao … lại còn chim cả vợ tao … cút khỏi đây ngay tức khắc”.

 T: Ông hãy khoan nói giọng chủ nhà. Ông bước ngay khỏi đây thì có ! Nhà này là nhà của tao, tao sẽ làm ra lẽ cho mà xem. Chớ nên hí hửng, vì tưởng đã làm nhục được thằng này, thằng này có cách làm cho bẻ bàng và trừng trị việc lừa bịp này, thằng này sẽ báo thù những kẻ xúc phạm đến Chúa.

     Và khi bị lột mặt nạ thì gã liền vứt cái đạo đức giả tôn giáo để lấy cái đạo đức giả chính trị.

 T : Ấy chớ ! thưa ngài, ngài chạy đi đâu nhanh thế! Thay mặt đức vua, chúng tôi đến đay bắt ngài !

 Oron : Thằng chó đểu! mày muốn kết liễu đời tao bằng miếng hiểm này, tức là mày đạt đến chỗ tột cùng của sự tráo trở rồi đấy !

 T : Đức vua phái tôi đến đây… tôi có bổn phận phải trung thành với đức vua. Tôi có thể hy sinh bạn bè, vợ con, họ hàng và cả bản thân tôi nữa để làm bổn phận kẻ bầy tôi !

 E : Đồ bịp bợm !

 Dorine : Sao nó quỷ quyệt đến thế ! khéo vơ tất cả cái gì ta tôn kính để khoác lên người.

 T : Thưa ông, đừng để họ lảm nhảm nữa, xin ông hãy làm nhiệm vụ. [nói với quan cấm vệ]

 Quan cấm vệ: Vâng ! kể ra thì đợi ông hơi lâu rồi đấy ! Ông giục tôi làm việc rất kịp thời. Vậy ông đi ngay theo tôi về nhà lao là nơi ở của ông kể từ hôm nay.

Đồng nhất giữa cái giả và cái thật :

     Tactuff đồng nhất việc ham mê tiền tài của cải với lòng từ thiện của Chúa : “Tôi thiết tiền ở trên đời này đâu … Tôi có nhận cái gia tài ông ấy sang tên cho tôi, nói cho đúng, cũng chỉ vì tôi sợ nó rơi vào tay kẻ xấu, sợ người ta dùng nó để gây nên những tội ác ở thế gian này, sợ người ta không dùng nó vào việc thờ phụng Chúa, làm việc thiện, việc nghĩa như dự định của tôi”. Gã đồng nhất giữa những thèm khát sắc dục với lòng kính yêu Chúa :” Con người say sưa với cái đẹp vĩnh cửu, nhưng cũng không vì thế mà không thích cái đẹp trần tục. Chúng ta dễ đắm say trước những công trình hoàn mĩ của Chúa sáng tạo. Ở người phụ nữ có hình ảnh diễm lệ của Chúa , còn riêng ở bà [Enmia] thì Chúa đã phơi bày những nét kỳ diệu hiếm có của Người ! Người đã ban cho bà một nhan sắc lộng lẫy, làm cho mọi con mắt phải kinh hoàng, mọi tấm lòng đều xao xuyến. Trông thấy bà, lòng tôi bừng cháy một tình yêu nồng nàn trước cái hình ảnh tuyệt mĩ của Chúa là bà. Thoạt tiên tôi e rằng lòng thương vụng nhớ thầm là do ma quỷ khéo đưa đường dẫn lối, và tôi tưởng rằng hình ảnh bà làm trở ngại con đường cứu vớt linh hồn của tôi, nên tôi quyết định lẫn trốn bà. Nhưng về sau tôi biết là mối tình ấy có thể là không tội lỗi và có thể dung hoà với đức hạnh. Ấy thưa bà, dù sùng đạo, tôi cũng chỉ là một con người. Trước nhan sắc thần tiên của bà, người ta chỉ có đắm đuối mà thôi, chứ không lý luận … Tôi thổ lộ như thế, nếu đáng trách cứ thì trước hết phải trách cứ nhan sắc đầy cám dỗ của bà. Tôi  đã cầu nguyện, tôi đã nhỏ những giọt nước mắt, nhưng vô hiệu, đôi mắt dịu hiền kia đã thắng tất cả …

Bọn chúng tôi yêu thì rất kín đáo, không bao giờ để lộ mảy may, Chúa có cấm một vài khoái lạc thật, nhưng cũng có cách châm chước được với Chúa. Có cách chữa những hành động xấu xa bằng ý định trong sạch … Phạm tội mà không ai biết thì đâu có phải là phạm tộI ”.[!]

Lý luận của Tactuff làm cho hư thật lẫn lộn, chân nguỵ khó phân. Puskin cho rằng : “Tactuff là tác phẩm bất hủ. Tài năng hài kịch của Moliere đã đạt đến cường độ cao nhất của nó”.

NHÂN VẬT LÍ TƯỞNG:

Người ghét đời [hoặc  Anh ghét đời] :

Vở hài kịch trí tuệ và triết học sâu sắc. Với kiệt tác này, Moliere đạt tới đỉnh vinh quang nghệ thuật. Nhân vật trung tâm là Ansest một anh ghét đời. Anh đúng là  con người của tự nhiên, trước sau vẫn ngay thật bình dị cao thượng và thèm khát chân lí. Anh mâu thuẫn với toàn thể cái xã hội gồm khoảng 20 nhân vật đại diện ở phòng khách [salon] của Selimen, những người quí tộc, tư sản, phu nhân . . . Dưới mắt Ansest tất cả bọn họ đều ích kỉ giả dối phản trắc, anh đòi hỏi những phẩm chất không thể có . Anh không hiểu hết  cuộc sống thực tiễn mà chỉ đắm đuối trong những ước mơ xa vời, trừu tượng như một Don Quijote nhân vật đồng hương tiền bối của anh. Anh trở thành gàn dở, hài hước khi đối mặt với cuộc sống xung quanh. Thất vọng anh sinh ra bi quan chán nản cuộc đời và căm ghét sự tha hóa của  con người.

Ansest chỉ liên hệ với cuộc đời qua cái salon của Selimen. Anh đã lầm khi tin và yêu một tâm hồn trống rỗng, giả dối độc ác và khó cải biến nhất. Kết thúc vở kịch, cả cái xã hội phòng khách đáng nguyền rủa kia vẫn ngênh ngang tồn tại, còn anh vật vờ như một hình bóng cô đơn vừa đáng cười lại vừa đáng phục. Tính hài kịch đã bắt đầu nhuốm màu bi kịch khiến tiếng cười đã trở nên đắng cay chua chát.

Hình tượng Ansest còn mang tính chất trữ tình. Tư tưởng tình cảm của nhân vật này phản ánh nguyện vọng thiết tha của nhà văn là phá bỏ xã hội cũ tìm về một cuộc sống hợp tự nhiên. Đó là tính chất nhân đạo chủ nghĩa tích cực của Moliere.

KẾT LUẬN

NHỮNG CỐNG HIẾN VÀ HẠN CHẾ CỦA CHỦ NGHĨA CỔ ĐIỂN

Thấm nhuần những tư tưởng triết học tiến bộ cách mạng của thời đại như chủ nghĩa duy lí Descartes, chủ nghĩa duy vật – cảm giác luận Gassendy, nhà văn cổ điển đi vào quan sát mô tả hiện thực nên đã phản ánh chân thật, sâu sắc nhiều mặt của đời sống nội tâm con người thời đại – tiêu biểu là quí tộc và tư sản. Mỗi tác phẩm là một thế giới riêng về tâm lí,dục vọng của quí tộc thượng lưu trước những bước ngoặt lịch sử khó khăn phức tạp, qua đó gợi lên một thái độ nhận thức ở người đọc. Văn học cổ điển chủ nghĩa đã làm được chức năng giáo dục quần chúng.

Văn học cổ điển đã đáp ứng được đòi hỏi của lịch sử, khắc phục tình trạng phân tán cục bộ tùy hứng của một tình hình văn học nghệ thuật  Pháp vô tổ chức, mở đầu hình thành nền văn học dân tộc, góp phần củng cố xây dựng đất nước thống nhất, vững mạnh, đảm bảo quyền tự do dân chủ dựa trên một lí trí sáng suốt phù hợp qui luật khách quan.

Văn học cổ điển đã có những sáng tác độc đáo – những bức tranh tâm lý tinh vi đa dạng, những tính cách điển hình bất hủ, những thể loại nghệ thuật  già dặn giàu sức biểu hiện, những vẻ đẹp cổ điển phù hợp và nâng cao khiếu thẩm mĩ của một thế kỉ lớn.

Tuy nhiên, do quá thiên về lí trí, thiên về sự thể hiện đời sống bên trong của những lớp người sống loay hoay chốn cung đình và thành thị nên nhà văn chưa quan tâm đến hoàn cảnh xã hội rộng rãi và đời sống bình thường của  con người, coi nhẹ vai trò của quần chúng lao động. Vì còn thiếu cảm hứng lịch sử nên văn học cổ điển chủ nghĩa chưa phản ánh được đầy đủ hiện thực nước Pháp trong thế kỉ 17 sôi động. Những điển hình nghệ thuật thường có tính biệt lập, trừu tượng do tính cách bị tách rời khỏi hoàn cảnh, không được giải thích bằng hoàn cảnh và vân động theo hoàn cảnh. Mặt khác, tính cách cổ điển hầu như chỉ có giá trị tự nó chứ không gây tác động ảnh hưởng gì đến hoàn cảnh. [Sinh viên cần so sánh với chủ nghĩa hiện thực sau này].

 CÂU HỎI và HƯỚNG DẪN ÔN TẬP

[PHẦN CHỦ NGHĨA CỔ ĐIỂN]

1/ Văn học cổ điển Pháp – tiến bộ và nhượng bộ, lại tiếp tục tiến lên. Hãy chứng minh quá trình đó.

2/  Corneill và Racine – hai vẻ mặt tiêu biểu – hai giai đoạn của bi kịch cổ điển. Hãy trình bày đặc điểm của mổi tác giả .

3/ Những chủ đề ngụ ngôn của La Fontaine

4 / Nội dung chủ yếu của hài kịch Moliere và sức sống của  cái hài cổ điển  .

Phần IV

VĂN HỌC PHƯƠNG TÂY THẾ KỈ 18

[Văn học Ánh sáng]

Trước thế kỉ 18 chưa từng có giai đoạn nào văn học hào hứng sôi động như thời kì này. Đây là giai đoạn chuyển mình quan trọng của văn học Tây Âu và thế giới.

Hoàn thành cách mạng tư sản ở nước Pháp.

“Ánh sáng”:  Có hai luồng ánh sáng

1. Ánh sáng khoa học kĩ thuật

                           2. Ánh sáng  tư tưởng cách mạng tư sản

Khái quát thế kỉ XVIII

Ánh sáng Pháp

Thế kỷ của bốn nhà lập pháp của nền cộng hòa:

Jean Jacques Rousseau [17121778] viết công trình “Khế ước xã hội” [Contrat de sociale], Montesquieu [1689 – 1775] viết công trình Tinh thần pháp luật  [L’Esprit des Lois], nhà văn Voltaire và nhà văn D.Diderot.

1. Jean Jacques Rousseau và “Khế ước Xã hội” [Contrate de sociale]

Khế ước xã hội là tác phẩm phác họa trật tự chính trị hợp lý của ông. Xuất bản năm 1762, tác phẩm đã có nhiều ảnh hưởng tới triết học phương Tây. Rousseau cho rằng trạng thái tự nhiên bị tha hóa trở thành một tình trạng dã man không còn luật pháp hay đạo đức, nên loài người cần một thể chế để tồn tại, vì bên cạnh đó, sự cạnh tranh lẫn nhau loài người cũng phụ thuộc vào nhau. Theo Rousseau, bằng cách sát cánh bên nhau thông qua một khế ước xã hội và từ bỏ các quyền tự nhiên, cá nhân sẽ giải thoát cả hai áp lực nói trên, tức là vẫn tồn tại và vẫn tự do. Bởi vì khi đã trao quyền lực cho những người đại diện cho nguyện vọng và ý chí chung của quảng đại quần chúng, thì chính điều này đảm bảo cho cá nhân khỏi bị lệ thuộc vào ý chí của các cá nhân khác.

Mặc dù ông cho rằng chủ quyền phải thuộc về nhân dân, nhưng ông  phân biệt chủ quyền và chính quyền. Chính quyền là người thực hiện chủ quyền, tức ý chí và nguyện vọng chung của quảng đại quần chúng. Tuy chính quyền chỉ là một phần nhỏ trong dân chúng, nhưng lại là những người nắm vững pháp luật nhất, họ chính là các quan tòa – những người áp đặt việc thực thi ý chí nguyện vọng chung của dân chúng. Ông cho rằng luật pháp phải do dân chúng trực tiếp lập ra, thay vì được lập ra thông qua các cơ quan đại diện.

2. Montesquieu viết công trình Tinh thần của pháp luật [ L’Esprit des Lois  hoặc The Spirit of Law], cùng với J.J.Rousseau [tác giả Khế ước xã hội] đã xây dựng cơ sở lý luận cho chế độ Pháp quyền, Tam quyền phân lập, hạt nhân của nền Cộng hòa – thành tựu vĩ đại của nước Pháp dâng cho toàn Nhân loại.

3. Voltaire và Diderot- hai triết gia, nhà văn Pháp

Điđơrô  [1713- 1784]

Danis Diderot- nhà triết học, nhà văn, nhà bác học, người đã đặt nền móng cho phong cách hiện thực, mở đầu nền văn học tiến bộ Pháp thế kỉ 18.

Cha của Điđơrô là một người thợ thủ công luôn luôn mong sao cho con mình trở thành một linh mục để có cuộc sống sung túc và được trọng vọng. Điđơrô không đi theo con đường mà người cha đã vạch ra, ông đi vào cuộc sống đói nghèo, thiếu thốn của người trí thức Pari đi tìm tự do.

Trong các tác phẩm của ông như Tư tưởng triết học, các tiểu thuyết Nữ tu sĩ, Giắc tín đồ định mệnh, Cháu ông Ramô, ông đả phá kịch liệt giáo hội Thiên chúa giáo và bọn quý tộc phong kiến.

Cuốn sách đã làm cho ông đạt tới tuyệt đỉnh vinh quang là bộ Bách khoa toàn thư hay Từ điển lý luận về khoa học, nghệ thuật và nghề nghiệp [gồm 35 cuối]. Bộ sách này do ông chủ trì đã tập hợp rất nhiều học giả tiến bộ, các nhà bác học và chuyên gia về tất cả các bộ môn tham gia vào việc biên soạn. Bộ Bách khoa toàn thư mang khuynh hướng chính trị, chiến đấu rõ rệt. Nó khai chiến với giáo hội Thiên chúa giáo, kịch liệt công kích những quy định của chế độ phong kiến và chính quyền chuyên chế. Do đó, việc xuất bản bộ Bách khoa toàn thư nhiều lần bị đình chỉ và bị cấm. Tuy vậy, toàn bộ bộ sách này cũng đã được lần lượt xuất bản trong hơn hai mươi năm [1751 – 1772].

F. Engels đã viết về Điđơrô: “Nếu như có một người nào đó đã cống hiến trọn cuộc đời mình cho chân lý và lẽ phải, thì người đó chính là Điđơrô”. Và Cac Mac coi Điđơrô là nhà văn mà mình yêu thích.

Cháu ông Rameau: Các danh tác châm biếm tinh tế, sắc sảo và cả tinh quái của những Molière, La Bruyère, Voltaire… trong đó Cháu ông Rameau, một kiệt tác độc đáo của Denis Diderot [1]. Tác phẩm độc đáo cả về ba phương diện: số phận long đong của nó; các ngụ ý hàm hồ, đa nghĩa nơi các nhân vật; và ảnh hưởng mạnh mẽ đến bất ngờ của nó đối với cuộc thảo luận về biện chứng của khai sáng từ đầu thế kỷ XIX cho đến tâm thức hậu-hiện đại ngày nay. Bài viết sau đây xin góp thêm mấy ý nhỏ về giá trị tư tưởng vẫn còn tươi mới của tác phẩm, sau khi được may mắn là một trong những người đầu tiên thưởng thức bản dịch tuyệt vời này.

1. Như ta đã biết, tác phẩm có lẽ được viết trong khoảng thời gian 1761-1772. Nhưng, Diderot lại không hề nhắc đến nó trong tất cả những thư từ và tác phẩm khác của mình và cũng không có một tác giả đương thời nào nhắc đến nó cả. Điều ấy thật đáng ngạc nhiên vì đã thấy lưu hành nhiều bản sao trước khi kết thúc thế kỷ XVIII. Mãi đến mấy mươi năm sau, bản in đầu tiên mới xuất hiện vào năm 1805, nhưng không phải bằng tiếng Pháp mà bằng tiếng Đức qua ngòi bút bậc thầy của một nhân vật không phải tầm thường: đại thi hào Goethe! Bản nền mà Goethe sử dụng sau đó cũng mất, và chính bản tiếng Đức này lại được hai cây bút đáng ngờ là De Saur và Saint-Geniès dịch lại sang tiếng Pháp, công bố năm 1821, và cố tình làm cho người ta lầm tưởng đó là nguyên tác của Diderot. Nguyên bản tiếng Pháp thực sự xuất hiện vào năm 1823 trong ấn bản Brière về các tác phẩm của Diderot. Tuy bị cắt xén và thiếu chính xác, bản in này dù sao cũng dựa vào một bản thảo tiếng Pháp, sử dụng một trong nhiều bản sao thuộc về con gái của Diderot hiện đang tàng trữ tại Thư viện Quốc gia Pháp [Bibliothèque nationale de Paris]. Các bản sao khác – đều đáng ngờ – cũng lưu hành trong thế kỷ XIX và được các nhà ấn hành sử dụng ít nhiều thiếu khảo chứng. Một ấn bản nghiêm chỉnh, công bố ở Paris năm 1884, sử dụng bản chép tay [đáng tin cậy] từ thư viện của chính Diderot do Nữ hoàng Catherine II mua trọn gói và chuyển về St Petersburg sau khi Diderot qua đời. Nhưng, câu chuyện chưa dừng lại ở đó: một bản thảo khác xuất hiện năm 1890 trong một tập hợp những vở kịch rất khó phân loại được bày bán ở quầy bán sách cũ trên bờ sông Seine ởParis. Một viên thủ thư ở Comédie-Française là Georges Monval may mắn mua được “của hiếm” này và công bố vào năm 1891. Bản thảo này trở thành bản nền cho tất cả mọi ấn bản hiện đại, và sau đó được Thư viện Pierpont Morgan Library ở New York mua đứt và hiện đang được tàng trữ ở đó.

Vài nét phác họa về số phận long đong của một tác phẩm từ tay một cây đại bút lừng danh là Diderot – đồng tác giả và hầu như là người phụ trách chính của bộ Đại Bách khoa thư khổng lồ đánh dấu cả một thời đại: thời đại Khai sáng – tự nó đã nói lên nhiều điều về nội tâm của chính tác giả. Rồi khi nhận được một bản sao, Goethe đã hào hứng dịch ngay sang tiếng Đức; một bản dịch tuyệt vời đến nỗi gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp sáng tác đồ sộ của bậc thi hào, và cơ hồ như là tác phẩm của chính bản thân Goethe! Và một trong những người được đọc đầu tiên và tiếp thu nó một cách chủ động và sáng tạo chính là Hegel, vì chỉ hai năm sau khi bản dịch ra đời [1805], trong tác phẩm lớn đầu tay [Hiện tượng học Tinh thần, 1807], Hegel đã tìm cách “tát cạn” ý nghĩa của Cháu ông Rameau như một hình thái ý thức tiêu biểu của thời Khai sáng, đêm trước của Đại Cách mạng Pháp [1789]. Hình tượng Cháu ông Rameau [Hắn] và hình tượng nhà triết gia [Tôi] của Diderot trở thành bất tử trong tác phẩm vĩ đại ấy của Hegel, dẫn đến sự đánh giá cao của Marx và Engels sau này về Cháu ông Rameau như một “kiệt tác về phép biện chứng”. Quả có một sự đồng điệu giữa Diderot thế kỷ XVIII với các tâm hồn Đức thế kỷ XIX, nhưng, giữa họ đã có một khoảng cách lịch sử cần thiết: những gì còn là tự-mình, mặc nhiên cần phải giấu kín trong tâm tư đã có thể trở thành cho-mình, minh nhiên như một tấn trò đời!

2. Trước hết ta tự hỏi: Tại sao Goethe lại hào hứng dịch Cháu ông Rameau sang tiếng Đức, một tác phẩm hầu như còn vô danh trên nước Pháp láng giềng? Khó mà biết được hết lý do, nhưng ta không thể không nhận ra những nét tương đồng nào đó về mặt cấu trúc giữa Cháu ông Rameau với Faust, tác phẩm lớn được Goethe ôm ấp suốt đời. Sự đồng cảm, đồng điệu giữa hai tác giả phải chăng là ở tính biện chứng nơi cả hai tác phẩm? Biện chứng – thuật ngữ chưa có nơi các nhà bách khoa Pháp và trở thành tiêu ngữ cho tư tưởng Đức đầu thế kỷ XIX, nói đơn giản, bao giờ cũng cần đến ba hạn từ: hai hạn từ đối lập và một hạn từ làm trung giới. Faust và Mephisto là cặp đối lập, nhưng cũng tiềm ẩn trong đó bản chất nhị nguyên của con người [“Ôi, trong lồng ngực ta có hai linh hồn cùng ở”, Faust]. Trong mỗi con người đều có chất Faust và chất Mephisto như là hai mặt của thực thể người. Cả hai tính chất luôn là đối trọng và lực tác động ngược lại trong quá trình con người trưởng thành trong bi kịch. Hạn từ trung giới ở đây là Chúa Trời, cho phép hai cái đối cực tự do hành động và giữ vai trò của ý thức quan sát, phê phán như là người lược trận trước sự xung đột giữa chính đề và phản đề trong các nghịch lý [Antinomien] của Kant! Trong Cháu ông Rameau, Hắn và Tôi [Rameau và ông triết gia] là cặp đối lập, còn Người dẫn chuyện làm hạn từ trung giới. Ba mà là một, một mà là ba, giống như bản tính trôi chảy của cuộc sống! Nhưng, Rameau [Hắn] là… Rameau, chứ không [còn] phải là chàng Werther ẻo lả của Goethe luôn khổ sở với chính mình, cũng không [còn] phải là ông nghè Faust cao ngạo luôn bận tâm đến việc hiện thực hóa cá nhân mình giữa dòng đời ô trọc. Rameau bảo: “Tôi chịu đựng dễ dàng hơn tình trạng tầm thường của tôi.”  Với nhận xét ấy, Rameau đã ở vào một tâm thế khác, thậm chí, một thời đại khác. Và có lẽ chính chỗ khác ấy đã hấp dẫn và kích thích Goethe!

3. Hegel đã sớm nhận ra chỗ khác này và vì thế, ông yêu tác phẩm và tuyên bố rằng Hắn là một bước tiến lớn trong các hình thái ý thức. Hình thái này không chỉ vượt bỏ cái hình thái “tự ngã ngay thật” tĩnh tại, giản đơn, cứng nhắc, thiếu sáng tạo của Tôi mà còn bỏ xa các hình thái “cá nhân thực tồn” trước đó, hiện thân nơi những Werther, Faust, Karl Moor, Don Quichotte…Bước tiến lớn ở đây được Hegel hiểu theo nghĩa biện chứng, tức đầy nghịch lý. Nó không phải là sự tiến bộ đơn giản, trái lại, chứa đựng cả hai mô men: một mặt là sự trưởng thành của tâm thức, của sự mất ảo tưởng và mặt kia là sự tha hóa trầm trọng. Và với Hegel, việc khắc phục sự tha hóa không phải là quay trở về lại với trạng thái tự nhiên nguyên thủy mà là đẩy sự tha hóa đến cùng cực để có thể chuyển hóa nó.

Thật thế, môi trường xã hội và điều kiện lịch sử đã đổi khác. Bối cảnh của câu chuyện là khu vực trung tâm củaParis, trái tim của nền văn minh khai sáng, thị trường kinh tế và thương mại phồn hoa nhất của nước Pháp. Ta biết rằng ta đang chứng kiến một xã hội đô thị vào loại tiên tiến nhất thời bấy giờ. Xã hội ấy là con đẻ của chủ nghĩa tự do kinh tế “laisser-faire” sơ kỳ của Adam Smith và của lòng tin mãnh liệt vào sức mạnh của giáo dục, khai sáng và khoa học của Diderot, Voltaire… Nhưng, đằng sau mọi sự phồn hoa, tinh tế và bao dung là sự xu thời, ích kỷ, vô luân trong những cảnh báo của J. J. Rousseau.

Xã hội ấy vừa là miếng đất lý tưởng cho những Rameau và… Xuân Tóc Đỏ tung hoành, vừa không có chỗ cho anh ta và đồng bọn! Rameau là một kẻ đầy tính cách – yêu vợ con, yêu cái đẹp, nhiều tài nghệ, biết cắn rứt lương tâm, biết khinh bỉ bản thân mình, nhất là khi phải đóng vai trò đểu cáng, đê tiện, nhưng tính cách cơ bản nhất của anh ta lại là không có tính cách nào cả. Xã hội hiện đại tôn thờ đồng tiền và chỉ có đồng tiền mới mang lại vị trí và danh dự xã hội. Xã hội đầy những kẻ mang mặt nạ để đóng vai vì quyền lợi ích kỷ của mình [xem: Rousseau, Luận văn về các nguồn gốc của sự bất bình đẳng].

Xã hội ấy cũng ngày càng chuyên môn hóa cao độ với đặc điểm nổi bật là sự phân công lao động, khiến con người khó mà phát triển được toàn diện tính cách. Ngay cả những tài năng lớn cũng bị chuyên môn hóa. Lý thú là, tuy Adam Smith ca tụng sự tiến bộ nhờ sự phân công lao động mang lại, nhưng ông đã lo ngại trước tác động tha hóa của nó lên con người bình thường, và, vì thế, ông – cũng như nhiều nhà Khai sáng khác, trong đó có Diderot – tin vào sức mạnh của giáo dục để cải tạo con người và xã hội, để phát triển toàn diện tính cách và mang lại ý nghĩa cho cuộc sống. Nhưng, Rameau cười nhạo và cho rằng giáo dục thực chất chỉ là trò học gạo. Trong xã hội hiện đại, người ta đâu thực sự quan tâm đến việc học; điều họ muốn học là những kỹ năng, những mánh lới để kiếm tiền và thăng tiến nghề nghiệp. Giáo dục trở thành dạy nghề để cung ứng nguồn nhân lực hơn là để tạo ra một thế giới nhân đạo hơn và hợp lý tính hơn. Rameau, trong bối cảnh ấy, sa đọa thành một tay lưu manh chính hiệu, một “chân tiểu nhân” có cái nhìn khinh bỉ đối với mọi thứ “ngụy quân tử” chung quanh mình; và chính những hoài bão, lương tri và tài năng không được thi thố của mình đã làm cho anh ta tha hóa, tức trở thành xa lạ với xã hội anh ta đang sống. Trong khi đó, Tôi hay nhân vật Triết gia hầu như đứng bên lề, đặt cho Rameau những câu hỏi ngây thơ từ vị trí cao đạo của một kẻ bề trên hạ cố và thương hại cho sự sa đọa về luân lý và nhân cách của Rameau. Sự đối lập này làm Hegel thích thú. Ông gọi loại ý thức của triết gia là “ý thức ngay thật, thẳng đuột” [“Tôi”: Tôi là một người thật thà, ngay thẳng và những nguyên tắc của anh bạn không phải là những nguyên tắc của tôi”; “tôi là một người thật thà chất phác, mong anh bạn nói với tôi một cách chân phương hơn và đừng dùng đến nghệ thuật của anh bạn”]. Ngược lại, ý thức của Rameau là ý thức bị giằng xé, đổ vỡ, một ý thức đã từng trải, “đã nhìn thấu hết” [hindurchgesehen] hiện thực bên ngoài đúng như chúng trong sự thực. Trong khi sự ngây thơ, tĩnh tại của phong cách trước chỉ có thể phát ngôn theo kiểu đơn âm thì phong cách sau – đã trải nghiệm sự giằng xé của thế giới văn hóa bị tha hóa – là đa âm, có thể dệt nên cả một diễn từ đầy màu sắc và cung bậc. Nó nói lên được sự đảo điên tuyệt đối, phổ biến giữa thực tại và tư tưởng, giữa danh và thực cũng như sự xa lạ, tha hóa giữa chúng với nhau. Vì thế, ngôn ngữ của sự giằng xé, đổ vỡ là có tính phá hủy, phân hóa mọi sự, cho thấy mọi giá trị đều bị xáo trộn, biến đổi, “cá mè một lứa”.

Ngôn ngữ trào phúng sắc bén [geistreich] ấy của phong cách sau [cũng như của bản thân tác phẩm như một sản phẩm của thời đại] được Hegel gọi là sự “thức nhận” [Einsicht], vừa là tiền đề vừa là kết quả của phong trào khai sáng. Nói cách khác, bây giờ, con người có thể hiểu quyền lực nhà nước và quyền lực kinh tế [vốn xa lạ và đầy quyền uy trước đây] như là những hiện tượng giống như những hiện tượng khác trong thế giới,  tức chúng cũng phải phục tùng các quy luật, cũng là những thực thể có mâu thuẫn nội tại [vừa tốt vừa xấu, vừa cao cả vừa thấp hèn…], nghĩa là, chúng cũng hữu tận và sẽ phải tiêu vong. Vì thế, như đã nói, theo Hegel, giải pháp bước đầu để đi tới sự khắc phục tha hóa không phải là đồng nhất hóa trực tiếp với bản thể xã hội mà là tăng cường sự tha hóa bằng ý thức sắc sảo như hình tượng của Rameau. Hegel có cái nhìn lạc quan: … “Chỉ với tư cách là Tự-ý thức phẫn nộ, nổi loạn, Tự ngã mới nhận biết về tình trạng tự giằng xé, đổ vỡ của chính mình; và ngay trong sự thức nhận ấy, thực tế Tự ngã đã tự nâng mình lên khỏi tình trạng ấy” [Sđd, §526]. Vì theo Hegel, “có ý thức tự giác về tình trạng bị giằng xé, đổ vỡ của chính mình và tự mình phát biểu công khai ra điều ấy chính là tiếng cười chế nhạo dành cho sự hiện hữu, cho sự hỗn loạn của cái toàn bộ, cũng như cho chính mình”… [§525].

4. Ta có quyền chia sẻ sự lạc quan cùng với Hegel cũng như có quyền nghi ngờ sự lạc quan ấy. Quả thật, hình tượng của Rameau tập hợp tất cả những gì đã bị khái niệm lý tính đang vươn lên vị trí thống trị của thời Khai sáng tìm cách đẩy lùi: kinh nghiệm cảm tính, những đam mê và dục vọng, những kinh nghiệm thẩm mỹ theo nghĩa hẹp và nghĩa rộng. Bản thân việc Diderot không công bố tác phẩm của mình trong lúc sinh thời có thể là do ông không muốn cung cấp thêm đạn dược cho những đối thủ phản-khai sáng, chống lại sự tiến bộ, lý tính và sự khoan dung. Ông đã bàn đến những vấn đề “nhạy cảm” đi ngược lại với lý tưởng và tinh thần lạc quan của phong trào khai sáng. Trong chừng mực đó, Cháu ông Rameau có thể được xem là sự tự-phê phán đầu tiên của khai sáng, nhất là đối với quan niệm cho rằng một hệ thống xã hội vẫn có thể gặt hái được nhiều thành công và cả sự lương thiện, liêm khiết cho dù trong lòng nó chứa đầy những bọn đạo đức giả, vô lại. Dựa theo một cách nói của Hegel, ta có thể thấy rằng sau thời kỳ đầu tiên đầy tính sử thi hào hùng của phong trào Khai sáng, Diderot [và các “philosophes” – danh xưng tiêu biểu cho những nhà triết học duy vật cơ giới đương thời] bắt đầu âm thầm nếm trải tính bi kịch của nó, để, từ thời Hegel – sau kinh nghiệm của Đại cách mạng Pháp – người ta đã có thể thanh thản hơn khi nhận ra tính hài kịch của nó. Và hài kịch, như Hegel tinh tế nhận xét, là “một sự xác tín, qua đó, hoàn toàn mất đi nỗi sợ hãi trước bất kỳ cái gì xa lạ cũng như hoàn toàn làm mất đi tính bản chất của tất cả cái gì xa lạ. Sự xác tín như thế chính là một tình trạng khỏe khoắn và được khỏe khoắn của Ý thức”… [Sđd, §747].

Không phải ngẫu nhiên khi các tính chất tự tha hóa và bị lệch lạc trong tính cách không có tính cách của Rameau đã mở đường cho nghị luận tâm lý học và nhân loại học ở thế kỷ XIX và còn âm vang trong văn học và triết học thế kỷ XX. Lionel Trilling, trong Sincerity and Authenticity  [Sự trung thực và đích thực], xem Hắn [Rameau] là bước đầu tiên dẫn đến sự phân tích đạo đức học của Nietzsche không phải bằng cách kết án luân lý mà bằng cách cho rằng luân lý không phải là một sự thể hiện đích thực [authentic performance]; nó có thể không phản ánh đúng những gì có trong lòng người [đó cũng là nhược điểm cơ bản của đạo đức học thời khai sáng như nhận định của Alasdair MacIntyre trong tác phẩm After Virtue [Sau đức hạnh] cực hay của ông].

Rameau là hình mẫu kinh điển của các xu hướng hư vô chủ nghĩa; anh ta hầu như tiếp thu hết mọi luận cứ phản căn [anti-foundational] chống lại các hình thức truyền thống của quyền uy luân lý, Nhà thờ và Nhà nước, tự nhận mình là hoàn toàn phi-luân và hư vô chủ nghĩa. Rameau toát lên tinh thần của thời đại [Zeitgeist] như là kẻ tiền phong cho tâm thức hậu hiện đại đang lan tràn hiện nay, nếu ta hỏi về hậu hiện đại như Lyotard [Hoàn cảnh hậu-hiện đại/La condition post-moderne] rằng: “Hậu hiện đại là gì?… Rõ ràng nó là một bộ phận của hiện đại… Một tác phẩm chỉ có thể trở thành hiện đại nếu trước đó nó đã là hậu-hiện đại. Hiểu như thế, chủ nghĩa hậu-hiện đại không phải là chủ nghĩa hiện đại ở điểm kết thúc của nó mà là ở trạng thái khai sinh của nó, và trạng thái này là hằng cửu”. Cách nói nghịch lý này có nghĩa: hậu-hiện đại là tâm thức, là thử nghiệm có tính tiền phong trong lúc mới ra đời khi nó vi phạm những quy ước, vi phạm sự đồng thuận và các giá trị hiện hành. Trạng thái này là hằng cửu trong mọi lĩnh vực – văn hóa, chính trị, xã hội… ,  trước khi có nỗ lực thiết lập lại trật tự của hiện đại! Như thế, đạo đức học hậu-hiện đại có người tiền phong là Diderot, ít ra trong nhận thức rằng ta không cần phải ra sức xóa bỏ tính hàm hồ, nước đôi của cuộc sống mà phải biết học cách đối diện với nó, sống chung với nó.

Tuy nhiên, ta không thể quá lạc quan. Thật có ý nghĩa khi ta nghĩ đến tâm thế và cách hành xử của ông triết gia, nhân vật xưng Tôi trong tác phẩm: “Tôi ngẫm nghĩ, tất cả những điều anh bạn vừa nói nghe hay ho hơn là xác đáng.” Sau khi âm thầm thừa nhận tính giả đạo đức của chính hàng ngũ của mình, Tôi vẫn không thực sự đi vào đối thoại mà chỉ bình luận kiểu dấm dẳn, nhát gừng. Tôi liên tục trách Hắn đã thiếu nhất quán. Hắn vừa ngán ngẩm xã hội thối nát, muốn học theo Diogène sống trong thùng gỗ để theo đuổi chân lý, vừa thú nhận rằng không thể từ bỏ được bao cám dỗ của cuộc sống “haute couture”.  Tôi vội phê phán Hắn là đớn hèn [và Hắn vui vẻ đồng ý!] Tôi thừa nhận những điểm do Hắn vạch trần, nhưng chỉ thừa nhận cho chính mình thôi, chứ không tự lên án chính mình đã sống và làm việc bên trong lòng xã hội ấy. Trong khi Hắn công khai thú nhận việc thủ lợi trong hệ thống thối nát là sự phản bội, thì phải chăng lợi ích của Tôi là ở chỗ bảo vệ cho luật chơi bên trong hệ thống mà Hắn đã lên án.

Tác phẩm đặc biệt sâu sắc ở nhân vật Tôi: vừa biết nghe và hiểu sự phê phán đối với hệ thống, vừa sẵn sàng lên án kẻ phê phán! Trong thâm tâm, Tôi thừa nhận sự phê phán nghiêm khắc của Hắn, nhưng, về mặt công khai, vẫn lên án Hắn là không xác đáng. Sự đời là vậy: sự xác đáng của kẻ phê phán khó mà được công khai thừa nhận khi anh ta dại dột phê phán trực diện một hệ thống hay một xã hội nhất định. Hắn vốn thừa biết cách nói cho hay điều dối trá để kiếm miếng ăn hàng ngày, nhưng lại không biết ăn nói [giả đạo đức] sao cho có thể chấp nhận được, vì thế, đã bị mất uy tín ngay trong hệ thống mà Hắn phê phán. Luận cứ và tâm thế của Tôi là một phiên bản tinh vi hơn, sành sỏi hơn của lối sống “makeno” [“mặc kệ nó”]: nói gì thì nói, phải giữ đúng luật chơi. Ai không thích thì đi chỗ khác!

Diderot “trải đời”, và, nơi mọi góc khuất của xã hội hiện đại và… “không có vua” , đâu đâu cũng thấy những Rameau đang sống giữa chúng ta.

š

Voltaire

Zadich [hay  Số mệnh]

Candide [Ngay thẳng hay chủ nghĩa lạc quan]

Voltaire sinh năm 1694 tại Paris ra trong một gia đình cha là một quan chức thuế và mẹ là quý tộc dòng dõi. Ông được giáo dục bởi các giáo sĩ dòng Tên, được học tiếng Hy Lạptiếng Latin. Sau này ông còn thành thạo các tiếng Anh, ÝTây Ban Nha. Ông ban đầu làm thư ký rồi sau chuyển hẳn sang nghiệp viết. Ông chủ yếu viết văn thơ chỉ trích xã hội đương thời và do vậy bị đày sang Anh. Nơi ông chịu nhiều ảnh hưởng và sau ba năm đi đày ông đã viết Lettres philosophiques [Những lá thư triết học về nước Anh].

Về Pháp ông ở tại lâu đài Château de Cirey tại mạn biên giới giữa vùng ChampagneLorraine. Chính nơi đây ông bắt đầu quan hệ với Émile của Châtelet, vợ của người chủ lâu đài. Voltaire cùng bà nữ hầu tước này đã sưu tập nhiều sách vở tài liệu và cùng nhau nghiên cứu chúng lại cùng nhau làm thí nghiệm “khoa học tự nhiên” ngay tại lâu đài. Bên cạnh say mê khoa học tự nhiên và là tín đồ của Newton ông cũng nghiên cứu sử học và viết Essay upon the Civil Wars in France [Luận văn về Nội chiến ở Pháp] bằng tiếng Anh. Với tiểu sử vua Karl XII của Thụy Điển ông bắt đầu quan điểm phản đối tôn giáo của mình. Ông cùng bà nữ hầu tước còn cùng nhau nghiên cứu triết học, nhất là siêu hình học. Ông cùng nghiên cứu Kinh thánh và cho rằng cần phân tách nhà thờ ra khỏi nhà nước.

Sau khi Nữ hầu tước mất, ông sang Phổ phục vụ Friedrich Đại Đế. Mặc dù cuộc sống vương giả nhưng Voltaire vẫn giữ thói chỉ trích của mình và với tác phẩm Diatribe du docteur Akakia [Chỉ trích Bác sĩ Akkakia; tên đầy đủ Histoire du Docteur Akakia et du Natif de St Malo] mà ông phê phán vị chủ tịch Viện Hàn lâm Berlin đã khiến Friedrich nổi giận. Ông quay về Pháp nhưng vua Louise XV của Pháp cấm ông trở về Paris nên ông quay sang Genève. Tuy ban đầu được đón chào nhưng ông lại viết luận văn chỉ trích triết học của Gottfried Leibniz qua tác phẩm Candide, ou l’Optimisme [Ngay thẳng, hay lạc quan; 1759] và ông lại rời thành phố.

Vắn tắt về tác phẩm…

Voltaire để lại một di sản các tác phẩm đồ sộ bao gồm tiểu thuyết, kịch, thơ, luận văn và các công trình nghiên cứu khoa học và sử học. Ông còn viết nhiều sách, rất nhiều tờ rơi và trên 20000 thư từ trao đổi.

Quan điểm về tôn giáo

Qua các tác phẩm Voltaire thể hiện quan điểm rằng không cần đức tin để tin vào Chúa. Ông tin vào Chúa nhưng là niềm tin lý tính. Ông cũng phản đối đạo Ki-tô quyết liệt nhưng không nhất quán. Một mặt ông cho rằng Giê-su không tồn tại và các sách Phúc âm là nguỵ tạo nên chứa đầy mâu thuẫn nhưng mặt khác ông lại cho rằng cũng chính công đồng đó đã gìn giữ nguyên bản mà không thay đổi gì để giải thích cho những mâu thuẫn trong các sách Phúc âm. Ông cũng gọi người da đen là động vật [trong Essai sur les mœurs] và thấp kém so với con người cả về mặt thể chất và tinh thần. Ông cũng viét nhiều về các chủng thổ dân khác nhau và có quan điểm bài Do thái.

Triết học

Tác phẩm lớn nhất của ông để lại là Dictionnaire philosophique [Từ điển Triết học] tập hợp nhiều bài viết riêng của ông và các bài ông viết trong Encyclopédie [Bách khoa thư] của Diderot. Trong đó ông phản bác thể chế chính trị đương thời của Pháp, nhà thờ Công giáo, Kinh Thánh và thể hiện văn phong, tính cách riêng của mình, Voltaire. Qua đó ông nhấn mạnh vai trò của tôn giáo lý tưởng là giáo dục đạo đức chứ không phải giáo điều.

Ông cũng phản bác chế độ thuộc địa của Pháp ở Bắc Mỹ. Ảnh hưởng

Voltaire xem giai cấp tư sản Pháp quá nhỏ bế và yếu ớt, giai cấp quý tộc thì tham nhũng và ăn bám, còn người dân thường thì dốt nát và mê tín, và nhà thờ thì giúp thêm cho các nhà cách mạng bằng thuế thập phân.

Voltaire cũng không tin tưởng ở chế độ dân chủ mà ông xem là chỉ tuyên truyền những tôn sùng của quần chúng. Theo ông chỉ có các đức quân vương Khai sáng với sự hỗ trợ của các nhà triết học như ông mới có thể dẫn tới sự thay đổi vì chỉ với những tính toán lợi ích hợp lý của nhà vua mới mang lại quyền lợi và thịnh vượng cho vương quốc và thần dân. Trong thư gửi Ekaterina II của Nga và Friedrich II của Phổ ông nhấn mạnh đến vai trò của quân đội và sử dụng vũ lực để “mang lại trật tự” như ông viết ủng hộ việc chia tách Liên minh Ba Lan – Litva. Nhưng ông cũng phản đối việc sử dụng vũ lực để giải quyết các vấn đề tranh chấp như trong Dictionnaire philosophique ông xem chiến tranh là “cỗ máy địa ngục” và người sử dụng chúng là “những kẻ giết người ngu ngốc”.

Voltaire còn được nhớ đến như một người tranh đấu cho quyền tự do cá nhân, tự do tôn giáo trong đó có quyền được xét xử công bằng và vạch rõ sự giả dối và không công bằng của chế độ ba đẳng cấp.

Voltaire sống hai mươi năm cuối đời ở Ferney và mất ở Paris. Nay Ferney được đặt theo tên ông là Ferney-Voltaire. Lâu đài ông ở giờ là bảo tàng L’Auberge de l’Europe còn toàn bộ thư viện của ông vẫn được giữ nguyên tại bảo tàng quốc gia Nga tại Sankt-Peterburg.

]

Daniel Defoe  và tiểu thuyết du ký “Robinson Crusoe”

            1. Robinson trước khi ra đảo – phác thảo nhân vật của thời đại

Khác với những chuyện phiêu lưu cùng thời, nhân vật Robinson không phải trải qua nhiều biến cố khác nhau. Chỉ sau một vài sự kiện, tiểu thuyết dừng lại ở đảo hoang và triển khai phần lớn tác phẩm cho đến kết thúc. Ngày Robinson đặt chân lên đảo có thể xem là cột mốc ranh giới đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời và cả trong tính cách của anh.

Robinson đã được xây dựng thành một mẫu người tiêu biểu của thời đại. Ðây là hình tượng tầng lớp trung lưu ở nước Anh thế kỉ 18 trong đó có bản thân nhà văn. Nếu có bóng dáng nhà văn trong nhân vật Robinson thì chủ yếu là ở nhữngđường nét khái quát ấy. Tài năng và công phu sáng tạo nghệ thuật của Defoe chính ở chỗ khác nhau giữa người mẫu Selkirk và Robinson. Robinson không phải là Selkirk- một thuỷ thủ rủi ro lâm nạn- mà là một sự hoá thân. Nhà văn đã biến anh thuỷ thủ kia thành một hình tượng nghệ thuật, mang tầm vóc và ý nghĩa thời đại.

            Tầng lớp trung lưu ở Anh  thế kỉ 18 là một quần thể phức tạp. Những yếu tố tích cực và tiêu cực, tiến bộ và hạn chế xen kẽ nhau. Một mặt, tầng lớp này có tâm tư, hoài bão gắn liền với giai cấp tư sản thời ánh sáng với tất cả những ưu nhựơc điểm do lịch sử qui định. Mặt khác, nó chưa mất liên hệ với quảng đại nhân dân, và về nhiều mặt nó vẫn cất lên tiếng nói cho quyền lợi và nguyện vọng của những người lao động. Do đó, Robinson là một hình tượng phong phú không đơn điệu .

Robinson thích đi phiêu lưu đây đó, bất chấp gian ngu chẳng phải chỉ như một khách du lịch bình thường ham chuộng phong cảnh lạ, hoặc một nhà thám hiểm say mê phát kiến khoa học. Các chuyến đi của anh về sau ngày càng gắn liền với mục đích kinhdoanh với những tàu buôn. Robinson đã “trở thành một lái buôn thực thụ” như chính anh đã thú nhận. Anh được chia lời lãi, anh tính toán, càng nhiều lãi càng ham, có khi đã sướng run lên khi nghĩ đến chuyến hàng có thể sẽ phất to. Thậm chí Robinson còn tham gia cả vào việc buôn bán nô lệ .

Trong giai đoạn tan rã của chế độ phong kiến, nền kinh tế công thương nghiệp phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy giai cấp tư sản các nứơc đua nhau đi tìm những thị trường mới. Thế giới bao la đầy sức hấp dẫn, tầm mắt con người được mở rộng ngoài khuôn khổ ranh giới quốc gia. Kiểu người ham thích đặt chân đến những miền núi non xa lạ như Robinson trở thành mẫu ngườicủa thời đại Trong lịch sử văn học thời kì đó xuất hiện nhiều chuyện phiêu lưu đáp ứng nhu cầu tâm lí của độc giả. Nhân vật Robinson thuộc về xu hướng đó Tuy nhiên, trung tâm của tiểu thuyết là chuyện Robinson từ khi đắm tàu dạt vào đảo hoang . Trong những năm dài dằng dặc sống nơi đây, hình ảnh Robinson cá nhân tư sản bước đầu dấn thân vào con đường kinh doanh ở phần đầu đã lu mờ và nhường chỗ cho một Robinson mới với ý nghĩa, tính cách khác hẳn .

2. Robinson trên đảo hoang- “người lao động chân chính”

Cảnh ngộ vô cùng gian nan ở hòn đảo không khắc phục được Robinson. Vừa đặt chân lên đảo, anh bắt tay ngay vào cuộc đấu tranh quyết liệt với hoàn cảnh, và không chịu để một khoảnh khắc cho những ý nghĩ tuyệt vọng đen tối len lỏi vào tâm hồn mình. Ðơn độc một thân trước thiên nhiên hoang vu, nhiều lần phải đương đầu khó khăn tưởng chừng không thể nào khắc phục được, nhưng anh đã vượt qua tất cả. Trong tay thiếu thốn dụng cụ nên mỗi việc làm cần thiết để đảm bảo cuộc sống tối thiểu cũng đòi hỏi ở Robinson những nổ lực và ý chí phi thường quá sức tưởng tượng: vào rừng chặt cây về  làm cọc rào quanh nhà để chống thú dữ, mỗi cọc phải làm mất một ngày, hàng rào phải mất gần cả năm mmới xong. Anh làm một tấm ván mặt bàn mất bốn mươi hai ngày; hai tháng để làm được mấy cái vại [lu] để đựng lương thực; đóng chiếc thuyền đầu tiên để đựng lương thực; đóng chiếc thuyền đầu tiên để vựơt biển mất năm tháng. Anh san phẳng mặt đất thoai thoải từ chỗ đóng xuồng ra mặt nước, nhưng rồi không làm cách nào cho xuồng hạ thuỷ được. Chỉ còn một cách đào một cái lạch. Anh tính toán rằng muốn đào được cái lạch đó phải mất trên mười năm. Anh bỏ xuồng, đi tìm một địa điểm gần sát nước biển, đóng một cái xuồng khác, đào một cái lạch khác, dài nửa dặm sâu bốn bộ, rộng sáu bộ sẽ hoàn thành trong hai năm. Robinson đẽo một cái cuốc bằng gỗ, vỡ đất gieo hạt lúa mì [số lúa mì dành trên tàu dành cho chim ăn còn sót lại]. Do thiếu thốn kinh nghiệm trồng lúa lại thêm hạn hán và chim chóc phá hoại, vụ đầu tiên mất mùa. Anh không sờn lòng, kiên trì làm vụ khác. Cứ như thế từ chỗ may mắn còn sót lại mười ba hạt lúa sau bốn năm ròng rã, trồng và gặt hái  dành dụm từng hạt, anh đã gặt được một số lúa và được “vuốt ve cái bánh mì đầu tiên “do tự tay mình làm ra”. “Tôi quyết chí không bao giờ chán nản bất cứ công việc gì “ Robinson kể “Khi đã thấy rằng việc ấy có thể làm được thì tôi làm bằng xong mới thôi”. Ý nghĩ ấy luôn luôn gắn chặt với Robinson.

Mỗi nỗ lực của Robinson không chỉ để đáp ứng nhu cầu tối thiểu, anh luôn luôn có ý thức phấn đấu làm cho đời sống trên đảo ngày một tốt đẹp hơn: chỗ ở phải khang trang, quần áo mũ phải đàng hoàng, đồ ăn uống tử tế. Khác xa với nguyên mẫu là thuỷ thủ Selkirk sau bốn năm ở đảo hoang khi được cứu thoát đã gần trở thành “người rừng”, Robinson diễn ra theo chiều hướng ngược lại.

Không thể cho rằng nhà văn đã xây dựng Robinson thành một nhân vật phát huy mọi nghị lực và khả năng để làm giàu, đúng như yêu cầu của thế giới quan tư sản thời đại. Robinson chính là sự khẳng định chân lí cao đẹp, niềm tin của nhà văn vào những phẩm chất cao quí của người lao động. Nghị lực và trí tuệ, tinh thần dũng cảm và khả năng lao động của họ có thể chiến thắng thiên nhiên phục vụ lợi ích con người.

Tầm vóc “Robinson trên đảo hoang” rõ ràng có những phẩm chất cao hơn giai cấp tư sản ngay cả khi giai cấp này còn có vai trò tiến bộ lịch sử  

Anh hưởng thụ thành quả vật chất do chính bàn tay lao động của mình tạo ra , trong khi giai cấp tư sản thời đó dù có một số đức tính tốt như ý chí khắc phục khó khăn coi thường nguy hiểm, có công đóng góp vào sư phát triển kinh tế dất nước nhưng vẫn tồn tại trong quỹ đạo bóc lột sức lao động của người khác, Robinson lại là người có lòng tốt, sẵn sàng hi sinh thân mình cứu giúp những người hoạn nạn. Anh đã cứu sống hai cha con thứ Sáu, viên thuyền trưỏng và mấy người da trắng. Nếu trước khi ra đảo anh đã có lần bán đứa bé da đen Sury cho một thuyền trưởng Bồ Ðào Nha chuyên môn bán nô lệ thì khi ra đảo anh đã có điều kiện thay đổi quan niệm về người da đen tên là Thứ Sáu. Tuy anh vẫn coi mình là ông chủ và người da đen là đầy tớ nhưng tình cảm thật sự của hai người là tình bạn thân thiết. Và nhờ vậy, cuộc sống mấy năm cuối trên đảo xa xôi bớt đi nỗi cô độc dđ¸ng sợ .

3. Robin son “vừa thống nhất vừa đối lập”

Tính cách phân đôi của Robinson, con người tư sản và con người lao động vừa là thống nhất vừa là đối lập, xét theo những góc độ, bình diện khác nhau. Trong loại truyện phiêu lưu , nhân vật thường chỉ đóng vai trò dẫn dắt như sọi chỉ đan kết các sự kiện vốn được coi là trung tâm hấp dẫn người đọc, nhà văn ít quan tâm đến việc khắc hoạ tính cách nhân vật. Còn ở tiểu thuyết này, Robinson đã được nhà văn dụng công xây dựng thành một hình tượng nghệ thuật độc đáo .

Tính cách phức tạp của Robinson thể hiện trong thế giới quan, đó là sự giằng co của Thanh giáo [Purism: Sự trong sạch] và ảnh hưởng của tiết học duy vật .Ðó cũng chính là sự giằng co trong tư tưởng tác giả .Vừa đặt chân lên đảo ít lâu, nhìn thấy những mẫu lúa mì mọc lên lơ thơ trước của lều anh sung sướng nghĩ có lẽ “trời thương nên sinh ra lúa mì để nuôi sống mình đây”. Nhưng rồi anh cố gắng nhớ ra có lần đã giũ bao tải đựng lúa vốn dành cho chim, vịt ăn đã bị chuột nhằn hết chỉ còn toàn trấu .An đã hiểu ra rằng “ chẳng có phép lạ gì xảy ra trong chuyện này cả”. Ðến năm thứ mười tám, khi phát hiện những dấu chân lạ trên bãi cát anh kinh hoàng như thấy “ma quỷ hiện hình”. Nhưng chẳng bao lâu tình trang mê tín ấy tan đi, anh phân tích và khẳng dịnh có người lạ mới xâm nhập hòn đảo, vội vàng củng cố chỗ ở, phòng ngự và chuẩn bị vũ khí. Tuy vậy đôi khi do cô đơn anh vẫn sống với một tin tôn giáo mơ hồ, tin vào vai trò của một Ðấng tối cao nào đó đang tồn tại.

Sự tồn tại một tính cách đối lập trong nhân vật Robinson chỉ rõ sự phân biệt giữa hai giai đoạn. Trước khi ra đảo hoang, anh mang đậm tính cách tư sản [và sau khi rời đảo trở về tổ quốc]. Khi ở trên hòn đảo vắng vẻ chỉ có Robinson đối diện với thiên nhiên , nơi đây vắng bóng quan hệ tư bản chủ nghĩa và cả đời sống xã hội anh trở thành Robinson khác tuy vẫn còn chút Robinson cũ. Như vậy người đọc bắt gặp hai Robinson trong tác phẩm. Robinson trên đảo mới thực sự chiếm đựoc cảm tình của bạn đọc. Khi nhân vật cởi bỏ bộ quần áo kì dị và chiếc mũ da dê tự làm để khoác trở lại bộ đồ bình thường đúng mốt thời trang của người tư sản ở phần cuối của tác phẩm thì cũng là lúc hứng thú của người đọc tan biến. Trở lại với thời điểm giáp ranh giữa hai Robinson khi sắp lên định cư ở đảo hoang. Anh do dự nhưng cuối cùng quyết định mang theo lên đảo một số tiền vàng nhiều loại lục lọi được trong ngăn kéo viên thuyền trưởng trên chiếc tàu đắm. Anh đã giữ cẩn thận những đồng tiền vàng “vô dụng” ấy suốt muời chín năm trời sức sống dai dẳng của Robinson nhà tư sản tạm ngủ yên, cho đến ngày trở lại với xã hội tư sản Anh nơi chúng được trong vọng.

            Sự đối lập giữa “hai Robinson” khiến người đọc liên  tưởng đến quan điểm triết học của J.J.Rousseau về con người tự nhiên và con người xã hội. Theo Rousseau, con người tự nhiên tốt đẹp bao nhiêu thì xã hội làm cho nó hư hỏng bấy nhiêu. Lí thuyết của ông bắt nguồn từ lòng căm ghét những quan hệ phong kiến và tư sản đang chi phối xã hội Pháp thế kỉ 18. Còn Defoe với tiểu thuyết của mình thì vừa nghiêng hẳn sang phía Robinson người lao động nhưng vừa giữ lấy chút tình cảm với Robinson- nhà doanh nghiệp.

4. Robinson – vai trò cá nhân

Cuộc sống của Robinson trên đảo hoang trải qua những chặng đường khác nhau. Thoạt đầu, anh kiếm ăn bằng cách hái quả, săn bắn chim thú và bắt cá đó là những sản phẩm của thiên nhiên. Sau đó anh thuần dưỡng dê rừng, tiến hành chăn nuôi trồng trọt. Khi có thêm Thứ Sáu, mối quan hệ giữa hai người giống như quan hệ thời phong kiến gia trưởng. Vào những năm cuối cùng, trên đảo đã có đông người hơn. Khi Robinson về nước, bỏ lại số thuỷ thủ phạm tội nổi loạn cướp tàu. Những người này sẽ phải tổ chức cuộc sống chung. Có nhà nghiên cứu nhận xét rằng, về mặt nào đó hòn đảo của Robinson gần như diễn lại toàn bộ quá trình của lịch sử nhân loại từ thượng cổ đến“Khế ước xã hội” hình thức nhà nước lí tưởng của nhiều triết gia Ánh  sáng.

Qua nhân vật Robinson, tác giả chỉ ra rằng: cơ sở của sự phát triển xã hội không phải là những chiến công hoặc tài năng của bậc vua chúa tướng lĩnh mà chính là hoạt động sản xuất của những người lao động bình thường .

Ðó là một cái nhìn tiến bộ. Tuy nhiên, ở đây cũng bộc lộ mặt hạn chế rõ rệt khi nhà văn đánh giá cá nhân như  là xuất phát điểm của lịch sử nhân loại. Ðó cũng là quan điểm của nhiều nhà triết học, kinh tế học, nhà văn trong thế kỉ 18. Thực tế là từ thời kì xa xưa nhất con người đã sống thành xã hội. Chỉ sau quá trình phát triển lâu dài của lịch sử , cá nhân riêng tư mới xuất hiện. Nó là sản phẩm sự tan rã của xã hội phong kiến và sự hình thành những lực lượng sản xuất mới. Cá nhân là kết quả chứ không phải là xuất phát điểm của lịch sử.

Dù D.Defoe có dụng ý hay không, trong Robinson Cruchot, vai trò cá nhân, xét theo ý nghĩa khách quan của tác phẩm, cũng đã được thổi phồng, khoa trương quá đáng. Tác phẩm có thể gây ấn tượng lệch lạc ở độc giả, rằng một cá nhân sống tách rời tập thể, cộng đồng xã hội vẫn có thể tồn tại, phát triển thậm chí phong lưu nữa. Thời bấy giờ quan điểm đề cao Cá nhân đã xuất hiện trong các lĩnh vực triết học, chính thị học, kinh tế học  chính là đặc điểm của giai đoạn tư bản chủ nghĩa với cơ sở ý thức tự do cạnh tranh. Tron tác phẩm góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị, Karl Marx đã nghĩ tới hình tượng Robinson khi phê phán khuynh hướng đề cao vai trò cá nhân của các nhà kinh tế học tư sản “ Người đi săn và người đánh cá đơn độc và riêng lẻ mà Smith và Ricardo lấy làm điểm xuất phát khi nghiên cứu chỉ là phần nào những điều tưởng tượng vô vị của thế kỉ 18. Những chuyện như kiểu Robinson quyết chẳng phải như mấy nhà nghiên cú­ lịch sử văn hoá nào đó vẫn tưởng, là một sự phản ứng giản đơn chống những lối kiểu thái quá và là một lối quay về một trạng thái tự nhiên đã bị hiểu sai lệch.…

Chính ra, các tiểu thuyết đó là một thứ tiên đoán các xã hội tư sản đã phôi thai từ thế kỉ 16, và đến thế kỉ 18 thì đã phi nước đại tới giai đoạn chín muồi.

Trong cái xã hội thịnh hành chế dộ cạnh tranh tự do thì cá nhân có vẻ như là đã thoát khỏi các mối liên hệ tự nhiên v.v, là những cái, trong các thời đại lịch sử trước kia vẫn làm cho cá nhân thành một bộ phận khăng khít của một tập đoàn nhân laọi nhất định, rõ rệt. Ðối với các nhà tiên tri thế kỉ 18 Smith và Ricardo vẫn còn hoàn toàn đứng trên lập trường của họ- thì cá nhân đó của thế kỉ 18 vốn là sản phẩm, một mặt thì của sự tan ra õcủa các hình thái xã hội phong kiến, mặt khác thì của các lực lượng sản xuất vừa mới phát triển lên từ thế kỉ 16, – hiện ra như một lí tưởng đã qua. Nhưng không phải như là một kết quả lịch sử. Vì họ coi cá nhân đó như là một cái gì tự nhiên, phù hợp với họ về bản chất con người, họ coi nó không phải là một sản phẩm lịch sử.

Tuy nhiên bằng hình tượng nghệ thuật, Defoe cũng đã phần nào chỉ ra được rằng con người không thể tồn tại đơn độc ngoài tập thể xã hội. Bản thân Robinson trên đảo hoang chắc sẽ không tồn tại được lâu bền nếu không có trong tay các vật dụng cần thiết như: búa, rìu, đá mài, đinh, thanh sắt, súng dđ¹n, hạt lúa giống và nhiều thứ khác mà Robinson thu vét từ chiếc tàu đắm vốn là kết quả công sức, trí tuệ của rất nhiều người. Ngoài ra còn phải kể đếnn những thứ trừu tượng không kém quan trọng đó là vốn liếng kinh nghiệm, kiến thức mà Robinson đã thừa hưởng của cả nhân loại đúc kết và truyền qua nhiều thế hệ;Nhờ cái vốn đó mà Robinson biết dựng nhà, chống thú dữ, trồng trọt chăn nuôi và làm nhiều việc khác.

                                      *

Mặt hạn chế vừa phân tích trên kia thực ra không che lấp đựơc những giá trị lớn của cuốn tiểu thuyết. Defoe đã xây dựng được một hình tượng nghệ thuật có sức sống lâu dài, có ý nghĩa tiến bộ. Ðó là một đóng góp đáng kể là phong phú thêm cho loại truyện phiêu lưu nói riêng và tiểu thuyết nói chung.

Robinson là một tác phẩm có tác dụng tốt đặc biệt đối với lứa tuổi thiếu niên. Tiểu thuyết này bồi dưỡng cho các em tinh thần yêu lao động, kính trọng con người, rèn luyện cho các em ý chí quyết tâm hành động, khắc phục khó khăn, kiên trì bền bỉ, dũng cảm tự lực và biết phát huy sáng kiến. Tình tiết của truyện với lối văn trong sáng, giản dị cũng phù hợp với tuổi trẻ. Nhà triết học, nhà văn Pháp J.J.Rousseau đánh giá cao Robinson Cruchot. Ông viết: “Nhưng vì nhất thiết chúng ta cần đến sách, nên theo ý kiến tôi, có một cuốn sách cung cấp thiên khái luận hay nhất về giáo dục tự nhiên. Ðó là cuốn sách đầu tiên em Ê min của tôi sẽ đọc; trong một thời gian dài, tủ sách của em chỉ có một cuốn sách duy nhất ấy thôi. Quyển sách kì diệu ấy là cuốn gì thế ? Aristote chăng ?- Không phải, đó là cuốn Robinson Cruchot của Daniel Defoe”.

Kịch “Âm mưu và tình yêu” của  Friederich Schiller [1759-1805]

 Friederich Schiller là kịch tác gia vĩ đại, “viên công tố của toàn nhân loại đã kêu gọi loài người cùng hướng về trời sao”. Cùng với Gớt, Sile là một trong hai ngôi sao sáng trên bầu trời văn học Đức thế kỷ 18.

 Tác phẩm kịch gồm có: Những tên cướp [1780], Âm mưu và tình yêu [1784], Người thiếu nữ ở Orlêăng [1801], Vinhem Ten [1804],… Sile đã xây dựng thành công những vở kịch có xung đột dữ dội, những nhân vật, tính cách điển hình thể hiện mãnh liệt khát vọng tự do và tinh thần bất khuất chống cường quyền bạo lực.

Tóm tắt vở kịch “Âm mưu và tình yêu”

    Vở kịch có 5 hồi bằng văn xuôi.

 1

    Luizơ là con gái nhạc công Mile yêu thiếu tá Fecđinăng là con trai Tể tướng Fôn Vante. Phu nhân Minfo là tình nhân của Công tước nay đã bị Công tước chán bỏ. Tể tướng bắt ép thiếu tá phải kết duyên cùng phu nhân Minfo để lấy lòng Công tước. Fecđinăng gặp Minfo nói cho phu nhân biết là chàng đã có người yêu là nang Luizơ, cô vô cùng xấu hổ. Tể tướng làm nhục Luizơ, gọi nàng là con đĩ, mạt sát ông bà Minle. Tể tướng và thiếu tá đấu khẩu dữ dội. Thiếu tá kiếm tuốt trần, đâm bị thương một số nhân viên pháp đình.

    Đổng lí Vuôm hiến kế bắt giam ông bà Mile. Muốn cứu bố mẹ, Luizơ phải viết một bức thư tình gửi cho Thị vệ trưởng Fôn Canbơ do chúng đọc. Chúng đưa bức thư tình ấy cho Fecđinăng. Fecđinăng thách Thị vệ trưởng đấu súng làm cho hắn vô cùng sợ hãi. Đau khổ…Fecđinăng pha thuốc độc bắt người yêu cùng mình uống. Uống xong thuốc độc, Luizơ mới nói ra sự thật đau lòng! Cùng lúc ấy, Tể tướng phải nộp mình cho nhân viên pháp đình.

2. Xung đột diễn ra dữ dội tại nhà nhạc công Mile [Hồi hai: Ngang trái]

    Luizơ bị Tể tướng sỉ nhục đã ngất đi. Fecđinăng đỡ lấy người yêu rồi kêu lên hoảng hốt: “Cứu nàng với, nàng sợ hãi ngất đi rồi!”. Trong lúc đó, nhạc công Mile nắm lấy gậy, căm giận nhìn Tể tướng, bà Mile vô cùng sợ hãi, quỳ sụp xuống chân Tể tướng. Tể tướng ra lệnh bắt giam Luizơ: “Bắt lấy nó, dù nó ngất hay tỉnh. Khi nào vòng sắt gông vào cổ nó rồi, người ta sẽ dùng đá ném cho nó tỉnh lại”. Bà Mile cất tiếng kêu van, trái lại, ông nhạc công Mile thì giận dữ khinh bỉ gọi Tể tướng và các nhân viên pháp đình là “lũ vô lại”.

3. Cuộc đấu khẩu dữ dội giữa hai cha con – Thiếu tá và Tể tướng.

    – Tể tướng ra lệnh cho các nhân viên pháp đình bắt Luizơ. Thiếu tá bảo vệ người yêu, tuốt kiếm. Nhân viên pháp đình sợ hãi lùi ra, lại xông vào. Thiếu tá đâm bị thương vài tên.

    Thiếu tá cầu xin Tể tướng “đừng dồn ép con thêm nữa”. Lại cầu xin: “… đừng dồn ép con đến chỗ cùng đường cha ơi!”. Tể tướng mắng nhiếc bọn nhân viêc pháp đình là “quân tôi đòi hèn mạt”, tự tay túm lấy Luizơ, giao cho một tên nhân viên pháp đình, đồng thời thách thức Thiếu tá: “Tao muốn xem liệu chính ta có phải nếm lưỡi kiếm này không?”.

    – Vấn đề đạo lý được đặt ra: liệu con có dám đâm cha để bảo vệ người yêu hay không? Xung đột kịch diễn biến đến cao trào.

    – Thiếu tá mạt sát Tể tướng:… “Thượng đế đã lầm, đã lẫn chọn tên đao phủ đê hèn lên làm Tể tướng mạt hạng”. Không chỉ là con lên án cha mà đó là tiếng nói nhân danh công lý và nhân dân lên án bạo quyền, lên án một xã hội – phong kiến cát cứ – đã lỗi thời.

    – Fecđinăng dọa: “Nếu nàng lên giá nhục hình, nhưng là cùng với Thiếu tá con trai Tể tướng…” – Một sự ngập ngừng đầy tính kịch. Và Tể tướng châm biếm: “Tức thì cuộc trừng bày sẽ càng thú vị!”. Kiên quyết ra lệnh bắt Luizơ: “Lôi nó đi!”.

    – Lại van xin! Tất cả vì tình yêu mà Fecđinăng vẫn chưa tìm được, chưa lựa chọn được cách ứng xử. Một mặt chàng quyết dùng thanh kiếm sĩ quan [danh dự và quyền lực] mà “che phủ cho người thiếu nữ này”; mặt khác lại van xin một chút tình cha con nào đó còn sót lại trong lòng Tể tướng: – “Cha vẫn cương quyết ư?” – Xung đột càng trở nên dữ dội, khi Tể tướng vừa châm biếm vừa ra lện: “Lên giá nhục hình mà mang kiếm bên mình thì chẳng hợp chút nào… Lôi nó lôi nó đi, đi, chúng mày rõ ý tao rồi đấy!”.

    4. Có thể xem đây là “bước đột biến” của Hồi hai này!

    Lưỡi kiếm lại xuất hiện, tiếng nói của Fecđinăng càng quyết liệt hơn. Giằng lấy Luizơ từ tay nhân viên pháp đình, ôm lấy Luizơ, chĩa lưỡi kiếm vào nàng và nói: “Thà tôi đâm lưỡi kiếm này qua xác vợ tôi còn hơn nhìn nàng bị cha sỉ nhục!” – Từ người yêu, Luizơ đã trở thành vợ, Thiếu tá khẳng định quyết tâm bảo vệ người yêu của mình. Tể tướng vẫn thách thức. Xung đột kịch càng trở nên quyết liệt: “Đâm đi, nếu mũi kiếm của mày còn đủ nhọn!”. Đó là sự thách thức của cường quyền! Tể tướng muốn ép con trai mình kết duyên cùng phu nhân Minfo. Trở lực lớn nhất là tình yêu của Luizơ. Phải bắt nàng để triệt phá, để thực hiện “âm mưu” và để tấn công bề trên, đó là Công tước! Cái ác đi kèm cái hèn hạ, sự đê tiện và sỉ nhục, đó là nhân cách của Tể tướng, và buồn thay, đó còn là một người cha – một người cha đã bán mình cho quỷ dữ.

    5. “Mở nút” – xung đột được đẩy lên đến đỉnh điểm rồi chùng lại, mâu thuẫn được giải quyết. Cử chỉ Fecđinăng buông Luizơ, ngước mắt nhìn trời ghê gớm. Thiếu tá độc thoại. Chàng cầu đến Chúa. Sức chịu đựng của một con người đã vượt quá giới hạn và chỉ một cách “dùng đến thủ đoạn của loài ma quỷ!”. Sẵn sàng trả giá, và thách thức: “Được các người cứ đưa nàng lên giá nhục hình đi!”. Như một cú đánh trời giáng khi Fecđinăng thét vào tai Tể tướng: “Ta sẽ đi kể cho tất cả cung điện này nghe một câu chuyện nhan đề là: Người ta đã leo lên ghế Tể tướng bằng cách nào!”. Như bị sét đánh, Tể tướng sụp đỏ. Như loài ma quỷ sợ ánh sáng. Hắn đã kinh hoàng kêu lên: “Thế là thế nào, Fecđinăng! Hắn ra lệnh: buông con bé ra!” rồi chạy theo Thiếu tá.

Kết luận

    Nhạc công Mile xuất thân bình dân và Fecđinăng xuất thân quyền quý đã dũng cảm và ngoan cường chống bạo quyền vì khát vọng tự do và hạnh phúc. Hồi hai đầy kịch tính. Có lúc ta xúc động về lưỡi kiếm của Fecđinăng sẽ vang lên, hoặc là đâm chết người yêu và tự sát, hoặc là đâm vào Tể tướng. Và thật thú vị, bạo quyền đã bị đánh gục chỉ bằnh một câu nói mạnh như sấm sét. Tình yêu làm nên sức mạnh phi thường.

    Xung đột dữ dội. Chỉ một hồi kịch ngắn, ta vần tìm ra năm bước như một vở kịch: giao đãi, phát triển, cao trào, đột biến và mở nút. Và đó là nét đặc sắc của kịch Sile và kịch cổ điển Đức trong thế kỷ 18.

Johan Wolfgan Goethe [1749 – 1832] và vở kịch thơ “Faust”

Goethe là ngôi sao sáng trong văn học Đức thế kỉ 18, trải qua thời gian cho đến nay tên tuổi của ông vẫn là niềm tự hào của nhân dân Đức và của nhân loại tiến bộ nói chung. Ông là nhà thơ, nhà tiểu tuyết, nhà soạn kịch giàu sáng tạo mà chỉ cần một vở kịch Faust đã đủ khiến ông trở thành bất tử. Ông còn là nhà bác học có nhiều công trình nghiên cứu về khoa học tự nhiên. Sự nghiệp sáng tác văn nghệ của ông vừa phong phú vừa sâu sắc. Các nhà nghiên cứu bàn luận nhiều về kịch Faust và các tác phẩm khác của ông đã nhiều song càng đi sâu càng phát hiện thêm những điều mới mẻ nên đã có người đánh giá ông là một kho vô tận. Cùng với Eschill và Shakespear, Goethe là một trong ba nhà thơ được Mác yêu thích nhất.

Trang tiểu sử đơn giản

Ít có nhà văn nào như Goethe sống một cuộc đời dài trên tám mươinăm qua hai thế kỉ với nhiều sự kiện lớn lao nhưng tiểu sử lại khá đơn giản, chẳng có mấy khúc quanh co hoặc những bước thăng trầm. J.W.Goethe sinh ngày 28 tháng 8 năm 1749 tại thànhphố Fran Furk trên sông Main. Xuất thân trong môt gia đình tư sản khá giả, Goethe có người cha là một nhà luật học, đỗ tiến sĩ luật trở thành nghị viên, mẹ là con một quan chức quyền thế và giàu có trong thành phố tuy thế ông nôi của Goethe còn là thợ may, sau mở quán trọ…và cụ là con của một người thợ đóng móng ngựa.

Thuở nhỏ, Goethe được hưởng một nền giáo dục nhiều mặt nhưng có tính kinh điển “thông thái rởm” dưới sự chỉ đạo của bố. Goethe biết nhiều cổ ngữ, sinh ngữ, toán học, sử và một số môn nghệ thuật như hội hoạ, âm nhạc.Song, có lẽ cái tủ sách phong phú của ông nội kiếm cho là những yếu tố góp phần nhiều hơn vào sự hình thành tài năng của Goethe sau này.

Tháng 10/1765, Goethe đi học khoa luật ở trường đại học Laixich, một thành phố lớn. Ông chán nản đời sinh viên bị nhồi nhét mớ kiến thức lỗi thời với phương pháp giảng dạy lạc hậu. Không thích nghề luật sư, G thường đọc sách văn chương và đi xem các viện bảo tàng nghệ thuật. Biết đến tên tuổi của nhà văn Lessingvà xem diễn kịch của nhà văn Ánh sáng tiền bối. Tháng 7 – 1768, Goethe ốm nặng, bỏ học về an dưỡng ở quê nhà. Sau hai tháng, khoẻ lại, ông trở về Stratsburg tiếp tục học. Tốt nghiệp tiến sĩ luật khoa, đi làm bồi thẩm ở Vetsleur, rồi về làm luật sư ở tại thành phố quê nhà. Những năm tháng ở Stratsburg ghi cái mốc quantrọng trong cuộc đời ông vì đó là nơi đang diễn ra cuộc đấu tranh gay gắt của khuynh hướng dân tộc chống lại ảnh hưởng Pháp trong lĩnh vực văn học nghệ thuậtcũng là nơi trung tâm của phong trào Bão táp và Xung kích. Goethe đã gặp và quen thân với nhà văn Ánh sáng Hecdez – bậc đàn anh, nhà lí luận của phong trào văn học Ánh sáng. Tham gia phong trào Bão táp và Xung kích chẳng bao lâu Goethe trở thành một trong những người dẫn đầu phong trào, viết hàng loạt các tác phẩm, chứa chan nhiệt tình sôi nổi và tinh thần phản kháng. Tiếp xúc với tác phẩm của triết gia Spinoza, chủ nghĩa phiếm thần luận màu sắc duy vật đã để lại cho Goethe nhiều ấn tượng sâu sắc. Về sau chính Goethe đã thừa nhận Spinoza là nhà tư tưởng có ảnh hưởng quyết định đối với ông. Ông tiếp tục phát triển học thuyết của Spinoza trong lĩnh vực sáng tác.Thời gian làm luật ở Franfurk kéo dài mấy năm, Goethe tham gia cãi gần ba mươi vụ án nhưng vẫn dành phần lớn thời gian cho sự nghiệp văn chương. Tháng 11/1775, nhận lời mời của công tước August, Goethe đến triều đình Vaima và ở lại đó. Năm ấy nhà thơ mới hai mươi sáu tuổi. Vaima là một công quốc nhỏ bé dân số hai mươi vạn dưới quyền caitrị của vị Công tước trẻ 18 tuổi, Goethe được cử làm cố vấn, uỷ viên chính trị rồi giám đốc nghành khai mỏ, ngành xây dựng cầu đường, làm bộ trưởng chiến tranh rồi bộ trưởng tài chính và phụ trách nghành thuế, Goethe đi sâu nghiên cứu nhiều ngành khoa học như địa chất, khoáng vật, thực vật giải phẩu…, thu được một số thành tựu đáng kể, Goethe đã thực sự là một nhà bác học .

Bỗng nhiên tháng chín 1786, Goethe bí mật từ bỏ triều đình Vaima ra đi. Nhà thơ sang Italia đi khắp nước để ngiên cứu văn học cổ đại Hy-La, học vẽ và du ngoạn những di tích thời cổ, thực hiện điều mơ ước mười sáu năm về truớc khi ông còn là một chàng sinh viên sôi nổi “sang Italia/Paris sẽ là trường đại học của ta, Roma sẽ là trường đại học của ta ; ai thấy Roma là đã thấy tất cả “ [năm 1770 – nhật ký].

Goethe – nhà thơ

Trước hết Goethe là một nhà thơ lớn tuy rằng hễ nói đến Goethe người ta nghĩ ngay đến tiểu thuyết Vacte hay vở kịch Faust. Thơ của Goethe chiếm một vị trí đặc biệt có một không hai trong văn học Đức. Riêng về thơ trữ tình Goethe vẫn là một trong những nhà thơ vĩ đại của nhân loại .

Một bộ phận lớn trong gia tài thơ của ông là thơ về tình yêu chính bản thân nhà thơ đã nếm trải, với rung động thầm kín say sưa, với trái tim chân thành, bộc lộ qua những đoạn đời khác nhau. Như ông viết, thơ tình yêu của ông là “một sự thú nhận lớn”. Đây là một mảng đóng góp rất lớn của Goethe vì nền thơ ca trước ông thường khô khan, thiên về giáo huấn, đạo đức học. Mối tình của chàng sinh viên  Goethe khi đang học Stratsburglà cô Fidric Brion con gái một vị mục sư. Chúm thơ về mối tình đầu này gồm “Hoa hồng trện nội cỏ “, “Bài ca tháng năm”, “Với  một dải băng vẽ hoa hồng” “Đón chào và vĩnh biệt”… là những bài thơ giản dị, giàu nhạc điệu, gần gũi dân ca, gần gũi thiên nhiên phơi phới yêu đời và rộn ràng tuổi trẻ… Tháng giêng 1775, khi đang ở quê nhà , một mối tình khác đến với Goethe , ông đính hôn với cô Lili Soenneman con gái một gia đình giàu có, và một chùm thơ khác ra đời, “Tình yêu mới cuộc đời mới”, “Gửi Belider”tức Lili], “Công viên của Lili”, “Hân hoan vì đau khổ”… trong đó âm điệu hân hoan xen lẫn lo lắng vì ông tiên cảm thấy sự khác nhau trong mối trường sống của hai ngưòi rồi sẽ tổn hại đến sự tự do sáng tác của nhà thơ…Một chùm thơ kế tiếp về cô Liza khi ông đến sống ở Vaima, Gửi Charlot PlionStein”[tên Lida] “Vĩnh viễn”…Ở đây tình yêu bộc lộ ra sâu lắng hơn, chất trí tuệt rõ nét thay cho cảm xúc tuôn trào trước kia. Mối tình thứ ba này rồi cũng dang dở như hai kẻ đến trứơc nó.

Thơ tình yêu của Goethe tuy đi sâu vào những nếm trải cá nhân, nhưng đó không phải cá nhân riêng tư nhỏ bé. “cái tôi trong thơ Goethe đồng thời cũng là cái ta của thế hệ thanh niên tư sản đầy nhiệt tình” Ý nghĩa xã hôi rộng lớn trong mảng thơ này chính là ở “cái ta” của Goethe.

Thơ thời trẻ của Goethe còn nổi lên một chủ đề khác – thơ phản ánh tâm hồn bất khuất, ý chí quật cườngcủa con người tham gia phong trào Bão táp và Xung kích. Bài thơ “Promethé” là bài tụng ca tiêu biểu, hừng hực khí thế bão táp và Xung kích. Bài thơ gồm sáu đoạn, là lời của Promethe kiêu hãnh, hiên ngang tuẫn tiết vì con người, vì triết học của nhân loại, đó là lời đối thoại với Zeus – Thần tối cao, không hề run sợ trước uy lực bạo tàn “… Hãy để đấy cho ta, trái dất của ta. Và túp lều của ta. Mà mi không dựng. Và bếp lửa của ta. Mà mi ghen tị. Với lửa hồng của nó…” bài thơ này có tứ thơ độc đáo trái ngược với thần thoại Hy Lạp. Không phải Promete đánh cắp lửa của thiên đình mà lại là Zeus thèm muốn ngọn lửa hồng của trần gian. Loài người được nâng lên ngang tầm thần thánh ở đoạn kết thúc bài thơ :

                      “Ta ngồi đây cấu tạo con người

                         theo hình ảnh của ta

                         một loài người cũng như ta

                         biết khóc than đau khổ

                         biết vui mừng hưởng thụ

                         và biết không kính trọng mi như ta vậy “.

Nhà nghiên cứu văn học Bielinski [Nga] đánh giá rất cao bài thơ của Goethe :

“Các Promethe của thời đại chúng ta /biểu dương trước thắng lợi và không còn sợ diều hâu bạo tàn nữa. Promethe của Goethe là một bài thơ của thời đại chúng ta”. [Thời đại Bielinski – thời đại chuẩn bị đánh đổ Nga Hoàng, thế kỉ 19 – nước Nga].

Tuy vậy, đến giai đoạn sau [1781] Goethe lại viết bài “Những giới hạn của nhân loại “ có đoạn :

                         Với thần thánh không người nào,

                         Đọ sức được. Nếu ai cố rướn lên

                         đầu chạm các vì sao. Chân chới với

                         mất nơi bấu víu.

 Thế mà trước đó chưa lâu tác giả đã say mê với Promethe !

Đó là một khối mâu thuẫn lớn trong nhà thơ Goethe.

Về hình thức thơ, Goethe không còn sử dụng đỏan ca hay tụng ca như giai đoạn đầu, mà chuyển sang viết bi ca [elegic] và sonet. Mỗi bài sonet  có 14 câu chia ra 14 khổ [4-4-4-2], vvần luật nghiêm túc. Tập “ những bài bi ca La Mã ‘’ viết về chủ đề thành La mã cổ, bên cạnh là chủ đề tình yêu được khơi nguồn từ cuộc tình với Cristian Wunpiut dẫn đến hôn nhân [1788]. Đó là cô gái bình dân làm nghề tết hoa giả sống ở Vaima. Bất chấp dị nghị của giới thượng lưu Vaima, hai người có con với nhau [1789] đến năm 1806 hai người đám cưới chính thức. Tình yêu trong tập thơ này không có chất men say tuổi trẻ mà toát lên cảm giác hạnh phúc vợ chồng, gia đình đầm ấm, trong đó có nhiều bài hay được Karl Marx và Engels ưa thích.

Đỉnh cao thơ ca cuối cùng của Goethe là “Tập thơ Tây Đông” gồm 335 bài khi nhà thơ ngoài 65 tuổi. Hình ảnh nhân vật trữ tình đã về già, chín chắn, điềm đạm, sâu lắng, triết lí mà vẫn uy thế ngời ngời. Một quyển trong tập thơ dành riêng cho mối tình mới đến với thiếu phụ Suleyka [tên thực có thể là Marian phon Vinlemer, nhưng có nhà nghiên cứu cho rằng Suleyka “chỉ là một hình ảnh tượng trưng”.

Nhìn chung, cống hiến của Goethe trong lĩnh vực thơ ca là đã khám phá ra thế giới tâm hồn của chủ thể, đã vượt qua tình trạng làm thơ tả cảnh, giáo huấn đạo đức; cống hiến của ông đã làm phong phú nghệ thuật thi ca bằng nhưng hình thức mới thay những hình thức quá cổ xưa mà đương thời ở Đức chưa ai biết.

Goethe – nhà  tiểu thuyết.

Tiểu thuyết“Nỗi đau của chàng Vecte”[Wecthers]

Tiểu thuyết viết dưới dạng những bức thư, thể loại quen thuộc của văn học phương Tây thế kỉ 18. Những bức thư của nhân vật Vecte gửi cho người bạn thân Vinhem kể cho bạn nghe cuộc sống của mình – đó là kết cấu hình thức của tiểu thuyết

[Sáng tác năm 1774]

Vecte là một thanh niên có học thức, tài hoa thuộc tầng lớp thị dân. Sau mối tình dang dở với Leonor, lại chán nản và mòn mỏi tháng ngày trong công việc phục vụ giới quí tộc, chàng rời thành phố về một thị  trấn nhỏ miền quê yên tĩnh, sống giữa khung cảnh thiên nhiên bao la với những người dân quê thật thà chất phácmong được khâuy khoả tâm hồn. Đến khi tưởng chừng đã lấy lại được tâm hồn thư thái thì tình cờ đi tham dự một đêm vũ hội ở địa phương, Vecte quen biết với Lother một thiếu nữ xinh đẹp con một vị pháp quan. Nhan sắc và tính tình giản dị, chân thật, nhạy cảm của nàng lập tức chinh phục Vecte. Đồng thời Vecte cũng đau khổ vì biết Lother đã đính hôn với Anbec. Còn cô thiếu nữ quí tộc địa phưong kia mặc dù quả có cảm tình với Vecte vẫn quyết giữ vững lời hẹn hôn nhân với Anbec. Tuyệt vọng, Vecte quay trở về thành phố.

 Nghe theo lời mẹ, chàng  làm thư kí cho một viên sứ thần, mong tìm sự lãng quên trong công việc. Chưa bao giờ cái hố ngăn cách giữa chàng và xã hội quí tộc lại hiện ra rõ rệt như trong thời gian ấy. Bọn chúng tỏ thái độ khinh miệt chàng khiến Vecte không sao chịu nổi, lại bỏ việc và quay về miền quê tìm Lother lúc này đã là vợ của Anbec. Chàng thừa nhận là không thể nào sống thiếu Lother được. Tình yêu giữa hai người lại bùng dậy với những buổi trò chuyện, những cuộc dạo chơi, tuy cả hai đều cố nén tình cảm để khỏi vượt quá giới hạn của tình bạn. Có một lần Vecte không tự chủ được mình đã ôm hôn Lother say đắm. Sau đó chàng lại càng tuyệt vọngnhiều hơn, lấy cớ đi xa, chàng từ biệt Lother và Anbec rồi sai đầy tớ đến mượn Anbec súng lục. Chính Lother trao súng, người run lên vì linh cảm một  điều chẳng lành. Vecte tự sát, cuốn tiểu thuyết Emilia Galotti của Lessing còn để mở trên bàn.

Goethe đã mượn nhữg là thư tâm tình của nhân vật để dễ dàng miêu tả nỗi lòng của nhân vật, bộc lộ được những uẩn khúc quanh co của trái tim sâu kín. Tất cả số thư đến là của Vecte gửi đi , do đó cuộc sống của nhân vật này được miêu tả liền mạch. Vinhem là một nhân vật đặc biệt  tuy không được miêu tả trực tiếp nhưng chân dung và tính cách vẫn hiện ra.

Tiểu thuyết bằng thư rất sinh động, chân thật với những rung động tinh tế của con tim như tuôn trào khỏi trang giấy trắng.

Không ít người hiểu lầm ý nghiã của tiểu thuyết này khi nhìn nhận nó như một tiểu thuyết tình. Thậm chí ngay cả Napoleon cũng chê Goethe đã “gắn những xung đột xã hội vào bi kịch tình yêu làm cho tác phẩm giảm hay một phần”. Lại có cách nhận định khác cố ý tách nội dung ra hai chủ đề – chủ đề tình yêu và chủ đề xã hội.

Thực ra hai khía cạnh ấy quyện chặt với nhau, hoà nhập để tạo thành tư tưởng- nghệ thuật độc đáo của cuốn tiểu thuyết.

Tình yêu tuyệt vọng của Vecte và Lother trải qua hai giai đoạn và xen giữa làa nỗi đau khổ của Vecte khi làm thư kí cho viên sứ thần. Đấy là chưa kể nguyên nhân ban đầu thúc đẩy vectye tìm về miền quê.

            Còn Lother đã thực sự yêu say đắm chàng Vecte nhưng không thể vựơt qua tập tục xã hội phong kiến quí tộc, dù chỉ đính ước, nàng đã bị coi là vợ của Anbec.

Những nỗi đau khổ của chàng Vecte phản ánh tâm trạng của tầng lớp thanh niên tư sản mới xuất hiện trong xã hôi phong kiến Đức đầy rẫy những thành kiến bất bình đẳng. Rõ ràng Vecte đã mang hơi thở và nhịp đập của trái tim phản kháng xã hội. Tiểu thuyết còn có hạn chế là nghiêng về chủ nghĩa duy cảm [coi nhẹ lí trí].Một năm sau khi cuốn sách ra đời, Goethe làm thêm bài thơ nhan đề “Nỗi đau của chàng Vecte” có câu “Bạn ơi hãy làm người dũng cảm chớ theo gương tôi”.

Vở kich Faust

  1. 1.      Faust và kết cấu độc đáo

Faust là kiệt tác lớn nhất của Goethe, vở kịch thơ độc đáo và đồ sộ gồm trên 1200 câu thơ và chia là hai phần “Faust I” và “Faust II” có cấu tạo khác nhau chưa kể 32 câu thơ “đề tặng” và hai màn phụ “giáo đầu ở nhà hát” và “giáo đầu trên thiên đường”. Nhà thơ bắt đầu thai nghén “Faust I” từ 1769 khi còn đang học đại học luật. Khi đến Vaima, ông mang theo bản thảo. Sau nhiều lần bổ sung, sưả chữa, Faust I ra đời năm 1808, Tiếp tục viết phần hai, hoàn thành 7-1831 và được in sau khi ông ra đời.

“Đề tặng” mở đầu vở khịch với 32 câu thơ nói với các nhân vật. Ngoài ý nghĩa tặng cho bạn bè thân quen lúc ấy đã mỗi người mỗi ngã, còn là lời giải thích lí do nhà thơ chọn đề tài. Hình bóng Faust chập chờn ám ảnh thôi thúc ông. Truyền thuyết về bác sĩ Faust đã đáp ứng những tâm tư tình cảm của Goethe.

Tiếp theo là màn “giáo đầu ở nhà hát” với ba nhân vật : giám đốc nhà hát, nhà thơ và diễn viên. Mỗi người trình bày ý kiến củ mình. Giám đốc nhà hát yêu cầu nhà thơ viết gấp cho những kịch bản đáp ứng “khẩu vị của đám khán giả cứ hàng ngày kéo đến rạp đông như thác lũ, ông khuyên nhà thơ chẳng cần viết những gì cao siêu. Nhà thơ  phản dđèi quan điểm thực dụng của giám đốc. Anh muốn bảo toàn thiên chức cao cả của thi nhân, thà lui về một góc trời viết thơ giành cho thế hệ mai sau chứ không thể viết những tác phẩm nhất thời, hay trở thành bồi bút. Diễn viên vừa tỏ ra đồng tình lại vừa tỏ ra băn khoăn rằng nếu chỉ nghĩ đến mai sau thì “ ai lo giải trí cho khán giả đương thời “.

Dù ý kiến của ba nhân vật vừa phủ định lại vừa bổ sung cho nhau, từ đó toát lên quan điểm thẩm mĩ tiến bộ của nhà thơ. Phải hướng tới mục đích cao cả của nghệ thuật, phải sáng tác để phục vụ công chúng đông đảo chứ kohông phải những kẻ giàu sang với những đàn bà quí tộc chán chường Phải dùng ngòi bút để ca ngợi cái tốt, phê phán cái xấu, động viên tình yêu và ý chí vươn lên của con người

Kế tiếp là “màn giáo đầu trên thiên đường”. Các thiên thần đang ca ngợi kì công của Chuá thì xuất hiện con quỉ Mephisto đến để báo cáo tình hình con người ở chốn trần gian. Hắn chế giễu con người là “ông thánh con lố bịch”; hắn phàn nàn rằng Chúa ban cho họ trí khôn để họ đem sử dụng linh tinh bừa bãi nên con người lại còn “súc sinh hơn con vật”. Hắn khẳng định tiến sĩ Faust chỉ là một người mất trí, ngông cuồng muốn hái những ngôi sao xa xôi, muốn tận hưởng lạc thú ỏ mặt dất trong khi Chúa đánh giá bản chất của Faust là tốt. Hắn đánh cuộc với Chúa là sẽ làm cho Faust “ ăn dất bùn mà lấy làm thú vị”, nghĩa là y sẽ thoả mãn với những dục vọng thấp hèn.

Faust I gồm 25 cảnh liên tiếp, mỗi cảnh chuyển tới một địa điểm khác. Thời gian trong cốt truyện kéo dài hàng năm. Từ căn phòng làm việc của tiến sĩ Faust đến cổng thành, từ quán rượu Auebec ở Laixich đến một cánh đồng u ám hoang vu, từ rừng thẳm hang sâu đến nhà giam… Nhà học giả Faust ngồi trong phòng làm việc suy nghĩ miên man, cảm thấy đau khổ tột cùng vì biết mình tuy học rộng hiểu nhiều, biết rõ những giá trị kiến thức của mình còn kém xa bao điều bí ẩn chưa tìm ra được. Faust dùng ma thuật gọi Thần Đất lên để tìm hiểu về những đieuà huyền bí của vũ trụ, nhưng khi thần xuất hiện chói lọi quá ông không chịu đựng nổi, lại càng tuyệt vọng khi nghe Thần phán rằng Faust không thể nào sánh kịp với Thần, Faust định dùng thuốc độc tự sát thì vừa lúc tiếng chuông nhà thờ ngân vang mở đầu ngày lễ Phục sinh làm ông bừng tỉnh lại. Sáng hôm sau, Faust và người trợ lí Vacne đi dạo ngoài cổng thành, lúc trở về có con chó mực đi theo vào phòng. Con chó hiện nguyên hình chính là quỉ Mephisto. Hai bên trao đổi và giao ước. Mephisto hứa thoả mãn mọi ý muốn của Faust với điều kiện khi Faust đã thoả mãn rồi [tức là khi chết] linh hồn ông sẽ thuộc về quỉ  Về phần mình, Faust muốn lợi dụng những phép thuật của Mephisto để đạt được bao điều ấp ủ bấy lâu.

Quỉ dẫn Faust đến quán Auebach nơi rượu chè bê tha của các sinh viên rồi đưa ông tới lò luyện đan của mụ phù thuỷ để uống thuốc cải lão hoàn đồng. Trở ra phố, Faust gặp và si mê cô Macgret [Gretchen]. Quỉ giúp Faust quyến rũ và làm hại đời cô. Với lọ thuốc ngủ Faust đưa cho Macgret định làm cho mẹ ngủ say để hai người tình tự. Nhưng rồi bà mẹ không bao giờ thức dậy đượcvì liều thuốc quá nặng. Anh trai của Macgret cũng bị Faust dùng kiếm của Mephisto đâm chết… Macgret sinh con, cô sợ bị xã hội chê cười xỉ nhục liền đem con quẳng xuống cái ao trong rừng, do đó bị bắt giam chờ ngày hành hình. Trong khi ấy Mephisto dẫn Faust lên núi dự đêm hội yêu ma để chàng quên lãng Macgret. Nhưng Faust không thể quên được người yêu đang đau khổ nên đòi quỉ phải đưa chàng vào nhà giam để cứu cô. Không ngờ Macgret cự và chọn cái chết.

Faust II chia làm 5 hồi, về hình thức là trở lại cấu trúc của bi kịch cổ điển chủ nghĩa. Vừa ở trại giam đi ra, Faust đau đớn ngã ramê man giữa cánh đồng cỏ dại. Các nàng tiên nữ bay liệng, múa hát ru cho Faust ngủ yên. Sau khi phục hồi sinh lực và sức lực, Faust lại cùng Mephisto tiếp tục cuộc hành trình. Hai người xin vào triều đình gặp vua. Vua tỏ ý muốn xem mặt nàng Helene [Helene – hoàng hậu Hi Lạp, bỏ vua chạy theo chàng Paris về thành Troice], người mĩ nữ nổi tiếng xinh đẹp nhất thời cổ đại Hi Lạp. Nhờ phép thuật của Quỉ, Faust đã gọi được nàng về cõi thế. Faust bỗng say đắm nàng, chạy lại ôm chầm lấy Helene và ngất lịm đi khi nàng biến mất, để lại trong tay chàng chiếc áo mỏng hơi sương. Quỉ đưa Faust trở lại phòng làm việc của tiến sĩ ngày xưa. Bao nhiêu năm đã trôi qua, Vacne đã trở thành giáo sư, và chế tạo được hình nhân nhỏ [homonculus] sống trong ống nghiệm. Một hình nhân tí hon đi cùng Faust và Quỉ xuống âm phủ, tìm kiếm thế giới Hi Lạp cổ đại. Ở đây, Faust gặp lại nàng Helene mà tưởng như nàng vừa rời bỏ thành Troie trở về cung điện của vua Menelax. Quỉ Mephisto đe doạ nàng khó tránh khỏi trừng phạt, rồi khuyên nàng vào lánh nạn trong toà lâu đài của tiến sĩ Faust…Hai người đã ăn ở với nhau, sinh được một con trai đặt tên là Euphorion. Chú bé thích bay nhảy nên cha cậu đã gắn cho con đôi cánh sáp ong, cậu bé ngã xuống từ trên cao mà chết. Helene đau buồn bay đi theo linh hồn con, để lại một chiếc áo dài biến thành đám mây đưa Faust trở về cõi trần gian… Faust giúp nhà vua đánh giặc phép thuật quỉ ; được nhà vua cấp cho khu đất hoang ngoài bãi biển. Từ đó Faust tổ chức nhân dân đào kênh dắp đập, biến chốn hoang vu thành miền trù phú. Lúc này Faust đã được trăm tuổi. Quỉ hà hơi vào mắt khiến cho ông bị mù .Nghe tiếng cuốc xẻng đào huyệt, Faust tưởng đó là tiếng nông dân làm ruộng; ông cảm thấy toại nguyện và thốt lên lời “ta đã được thoả mãn”. Mephisto nghĩ đã hoàn thành bản hợp đồng giao ước nên bước tới bắt linh hồn Faust; nhưng các thiên thần nhanh hơn đã đón linh hồn ông đưa về cõi thiên đường.

Bi kịch Faust là một bản anh hùng ca. Trong văn học thế giới, hiếm có tác phẩm nội dung phong phú, tư tưởng sâu sắc, phương tiện văn chư­ơng biến đổi linh hoạt đến như thế. Lối thơ và vần điệu cũng thay đổi theo sát hành động kịch. Các đoạn đối thoại triết học xen kẻ với cảnh sinh hoạt, khúc ca trữ tình xen kẽ với văn xuôi. Toàn bộ lịch sử nhân loại được khơi dậy dọc theo cuộc hành trình của Faust, từ cuộc chiến tranh thành Troie  đến sự sụp đổ của Misolonghi, từ bi kịch Euripide [Hi Lap cổ] đến nhà thơ Anh Byron từ Thales triết gia – nhà toán học cổ đại Hy Lạp đến Alexan de Humbon triết học gia Ánh sáng.

  1. 2.      Faust và bóng dáng thời đại

      Faust là một nhân vật có thật trong lịch sử dân tộc Đức, một nhà chiêm tinh biết làm trò ảo thuật, sống vào khoảng 1480 đến 1540. Nhưng quanh con người ấy,  nhân dân đã thêu dệt nhiều huyền thoại khiến cho Faust chẳng bao lâu trở thành nhân vật hư cấu hoàn toàn.

Năm 1587, ở quê hương Goethe, xuất hiện cuốn truyện khuyết danh “Lai lịch bác sĩ Faust, thầy phù thuỷ và nhà ảo thuật nổi tiếng”. Theo cuốn truyện này, Faust tìm được Mephisto kí giao kèo bán linh hồn cho quỉ, ngược lại quỉ hứa phục vụ Faust trong 24 năm, giúp anh đi sây vào các khoa học thần bí. Về sau nhiều lúc hói hận, Faust muốn cưỡng lại quỉ nhưng không được. Hết hạn kì, quỉ phanh thây faust để đoạt lấy linh hồn. Cuốn truyện viết dưới tác động của đạo Thiên chúa có ý khuyên răn con chiên đừng xa rời đức tin, chớ lao theo con đường khoa học mà sa ngã vào những vực thẳm tội lỗi và hãy trở về kính sợ Thượng đế.

Năm 1588, nhà văn Anh Cristophe Maclo viết “Bi kịch về bác sĩ Faust “ , xây dựng nhân vật chính thành nhân vật chính thành mẫu người của thời đại Phục hưng khát khao hiểu biết, dũng cảm, có nghị lực, dám quay lưng lại với Thưọng đế.

Tuy nhiên, cuối tác phẩm, tác giả vẫn để cho quỉ sứ đánh chết Faust sau khi bác sĩ cầu xin các vị thiên thần cứu giúp không được.

Viết bi kịch Faust, Goethe hướng về nguồn cam hứng dân tộc, đó là việc làm có ý nghĩa lớn trong hoàn cảnh xã hội Đức lúc bấy giờ. So với trước, Faust của Goethe có những biến đổi quan trọng và sâu sắc hơn nhiều. Trước hết, vở kịch này phản ánh những vấn đề lớn của thời đại nhà thơ, trải qua những chặng đường lịch sử khác nhau vì vở kịch này được viết trong thời gian kéo dài trên sáu mươ năm.

“Faust I” được sáng tác ở nửa sau thế kỉ 18, chủ yếu vào thời kì Goethe đang ở tưổi thanh niên toát lên tâm trạng chán ghét, nổi loạn chống lại “sự cùng khổ Đức” của thế hệ tham gia Bão táp và Xung kích. Màn một bắt đầu ở chốn nhân gian trong một đêm tối trời trong căn phòng tăm tối. Nhà bác học Faust chán ngấy cuộc sống tù túng, chật hẹp trong xã hội phong kiến đầy rẫy những cái xấu xa. Cuộc sống ấy được dàn cảnh rất cụ thể, từ căn phòng làm việc theo kiểu Gotique, có vòm cao, kính màn như nhà thờ và nặng nề như nhà ngục, lại có chai lọ ngổn ngang, khói mù, mốc ẩm. Trong văn học thế giới, nhiều tác giả đã tả hình tượng nhà ngục để ngụ ý chế độ phong kiến. Ở đấy, hình tượng đó xuất hiện ngột ngạt hơn, dai dẳng hơn có tính chất thi pháp [cảnh mở đầu, cảnh nhà ngục giữ Macgret; mở đầu là đêm tối trước khi màn hạ lại là đêm tối].

Tâm hồn Faust rất nặng nề vì ông cảm thấy mình là nạn nhân của hệ thống giáo dục phản động. Ông đã học qua cả bốn khoa của trường đại học thời đó, đỗ tiến sĩ, được phong làm tôn sư mà theo ông “rốt cục thử nhìn lại xem, thầy với trò vẫn dốt!” với mớ kiến thức nghèo nàn, vô nghĩa, giả trá, vô tích sự.

Những băn khoăn day dứt của Faust nhiều khi được tác giả đặt vào miệng Quỉ. Đó là lúc Quỉ giả trang làm Faust để tiếp xúc với đám học trò trẻ tuổi đến xi thụ giáo, hắn đã phê phán không thương xót các môn Triết, môn Luật, đặc biệt môn thần học và phần nào cả môn Y học trong trường đại học đương thời.

Rộng hơn trường đại học, đó là chế độ phong kiến bất công, những kẻ bất tài thì quyền cao chức trọng đè đầu cưỡi cổ người khác…Thêm vào đó là nhân tình thế thái đen bạc, người đời ưa chế giễu khi thấy ai làm được việc tốt đẹp.

Faust trong phần đầu vở kịch là kiểu nhân vật khổng lồ thoe kiểu hậu sinh củ Promethe [cổ Hi Lap]. Tâm trạng phản kháng của Faust lên tới đỉnh cao khi ông bảo quỉ Mephisto “thế giới này, anh cứ mặc sức mà tàn phá nát”. Rồi ông kí giao kèo với Quỉ, muốn tạm thời lợi dụng phép thuật của Quỉ muốn tạm thời lợi dụng phép thuật của Quỉ để thoát khỏi cuộc sống ngột ngạt để đi tìm chân lí và lẽ sống.

Bóng dáng xã hội phong kiến sau đó lại hiện lên dđËm nét trong tấn bi kịch Macgret– một trong các sự kiện chính của vở kịch và chiếm 19/25 cảnh của Faust I. Macgret là một hình tượng nhân vật nữ đẹp trong văn học thế giới. Cô là con nhà bình dân, ngây thơ trong trắng. Gặp Faust chẳng phải cô không đắn đo, suy nghĩ, tuổi tác chênh lệch [cô mới 14 tuổi], gia cảnh khác nhau, cô lại là người ngoan đạo, còn Faust theo thuyết phiếm thần luận chẳng bao giờ di lễ nhà thờ hay di xưng tội. Cô đã lường hết tất cả những trở ngại đó trong mấy lần đi dạo với Faust trong vườn nhà chị hàng xóm Macther. Rồi cô đã vựơt tất cả để đến với tình yêu. Đó là tình yêu chân chính, mang tính chất thách thức với trật tự và đạo lí phong kiến. Macgret đã cảm thấy rằng lao vào mối tình này sẽ phải đau khổ. Điệp khúc thôi rồi những ngày hớn hở; thôi rồi tình yêu đời ta” trong bài hát của cô khi ngồi quay sợi chỉ [dệt] như báo trước nỗi đắng cay. Macgret là một tính cách bi kịch. Ta thấy toát lên ở nhân vật cái đẹp, cái hùng bị thủ tiêu nhưng được ý thức rõ rệt.

Tình yêu bị phá hoại trước hết do con quỉ Mephisto. Kế đó những thành kiến khắc nghiệt của xã hội phong kiến về “tội lỗi” của người phụ nữ có con hoang đã đẩy cô vào vũng bùn tội lỗi. Trong xã hội ấy, tình yêu chân chính không có dất sống. Macgret không chịu theo Faust trốn khỏi nhà ngục vì ở đó cô cảm thấy an toàn dễ chịu hơncái xã hội ghê rợn bên ngoài. Quyết định đó là lời tố cáo mãnh liệt xã hội phong kiến chớ không phải cô muốn sám hối rồi đền tội

Faust II  sáng tác vào thời kì cách mạng tư sản đang diễn ra sôi sục ở nhiều nước châu Aâu tiếp sau Cacùh mạng tư sản Pháp 1789. Nhà thơ có dịp đưa vào tác phẩm cái hình ảnh toà lâu đài phong kiến đang tan rã và có nguy cơ bị ngọn lửa cách mạng thiêu cháy. Trong màn khiêu vũ hoá trang [hồi I], đám cháy tượng trưng cho Cách mạng.

Trong lúc nhà vua gặp cơn khốn quẫn, Mephisto đã giúp vua chế ra tiền giấy để tạm thời thanh toán những nỗi khó khăn. Những tờ giấy bạc gây nên cảnh phồn vinh giả tạo và chỉ làm cho sự tan rã của chế độ phong kiến thêm trầm trọng và nhanh chóng. Chúng tượng trưng cho những nhân tố tư bản chủ nghĩa đang xâm nhập, phá huỷ cơ sở của chế độ phong kiến đồng thời hé mở cho thấy mặt trái của chủ nghĩa tư bản. Vàng bạc trở thành tiêu chuẩn của nhan sắc, đạo đức, tài năng và cả vương quyền: “những thỏi vàng óng a óng ánh, tôn dung nhau và tô điểm oai vua”. […] Lời con quỉ huênh hoang về sự giàu có của hắn là một điển hình.

Faust cũng ít nhiều phản ánh sinh động quá trình làm giàu chất dầy tội lỗi của chủ nghĩa tư bản. Ngay cả nhân vật chính Faust căn bản là người tốt, mang trong mình khí thế của giai cấp tư sản đứng lên chống phong kiến nhưng có quỉ đằng sau nên cũng bị kích thích lộ ra mặt trái của ông. Quỉ đã giúp Faust cướp những thuyền buôn trên biển, giết hại đôi vợ chồng già lương thiện cướp dất đai của họ. Lời nói của Quỉ “chiến tranh , buôn bán và cướp biển- ba thứ này không thể tách rời nhau” ở hồi cuối của vở kịch  đã tóm tắt quá trình hình thành đẫm máu và nước mắt nhân dân của chủ nghĩa tư bản.

  1. 3.      Faust và triết lí hành động

Nhà khoa học Faust và Quỉ Mephisto đi cùng nhau suốt chặng đường dài, cùng chung một giao kèo nhưng khác nhau cái đich tới. Faust mong tìm ra lẽ sống ở đời, quỉ muốn chiếm linh hồn Faust. Quỉ luôn luon tin tưởng ở thắng lợi vì hắn nhận định rằng con người là tầm thường, dễ dàng thoả mãn với dục vọng thấp hèn.

Quỉ dẫn Faust tới quán rượu Auơbach nhằm quyến rũ Faust bằng con đường ăn chơi nhậu nhẹt. Để dựng cảnh này, nhà thơ đã tái hiện những cảnh mắt thấy tai nghe trong cuộc sống ăn chơi sa đoạ của sinh viên Laixich. Thực tế là đã không có không ít thanh niên sinh viên đã tiêu ma sự nghiệp trong những nơi như thế. Nhưng Quỉ đã đánh giá lầm Faust. Cái bả tầm thường ấy không lung lạc được ông. Ông chỉ ngắm nhìn dửng dưng và bảo Mephisto dời đi chỗ khác.

Thất bại keo đầu, Mephisto chuyển sang dùng bả sắc dục. Trước hết phải làm cho Faust trẻ lại trong lò luyện đan của mụ phù thuỷ rồi sau đó mới đẩy Faust đến chỗ cô gái đẹp Macgret. Có thể nói Macgret  là lời cám dỗ đầu tiên đối với Faust. Ông khát khao cô gái và doạ sẽ từ bỏ Quỉ nếu y không giúp ông đón Macgret ngả vào cánh tay mình tối hôm đó…

Nhưng khi đến được phòng riêng của Macgret, Faust tận mắt ngắm nhìn căn phòng ngủ xinh xắn, giản dị trang nhã, phản ánh một tâm hồn trinh bạch, tuy nghèo nàn mà đượm vẻ thần tiên [thánh thiện] thì đam mê dục vọng tan biến nhường chỗ cho tình yêu trọn vẹn. Vừa bồi hồi sung sướng vừa ân hận, Faust muốn bỏ ra đi chẳng bao giờ trở lại… Faust thoát khỏi cạm bẫy của Quỉ. Về sau này Faust tìm đến Macgret bằng tình yêu chân thành, điều đó vựơt ngoài kế hoạch của Mephisto.

Thất bại lần thứ hai, Quỉ lại dùng bả vinh hoa, dẫn Faust vào triều dình gặp vua. Nhưng danh vọng, địa vị, tiền bạc chưa có tác dụng gì đối với Faust và sự xuất hiện của mỹ nhân Helene năm ngoài dự kiến. Mephisto bị động, phải lẽo đẽo đi theo Faust xuống âm phủ tìm người mĩ nữ Hy lạp cổ đại.

Những chuỵên ăn chơi sắc dục và vinh hoa đã chứng tỏ không phải là lẽ sống của nhà khoa học Faust trong khi những thứ đó đã là những cám dỗ phổ biến chôn vùi sự nghiệp bao người trên thế gian này.

Mối quan hệ Faust-Macgret-Helene có ý nghĩa phức tạp hơn.

Sau khi thoát khỏi cạm bẫy sắc dục, Faust đến với Macgret là xây dựng một tình yêu chân chính, là đến với cuộc sống bình thường của con người. Tuy vậy Faust vẫn còn băn khoăn day dứt. Ông nghĩ về khuôn khổ chật hẹp trong hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ. Tình yêu bé nhỏ ấy đã phải là lẽ sống cao nhất của đời ông chưa ? hay nó sẽ níu áo ông – nhà khoa học trên con đường vươn tới những khát vọng cao cả ? Tình yêu của Macgret đem tới cho Faust cả niềm hạnh phúc cả nỗi đau đớn. Hai linh hồn tranh chấp trong con người ông như có lần ông đã tự thú. Chắc hẳn  Faust sẽ không thoả mãn với hạnh phúc êm đềm, phẳng lặng trong tình yêu của Macgret và bi kịch Macgret không bao giờ tránh khỏi.

Trái với truyền thuyết, trong bi kịch Faust sự kiện Helene không phải do âm mưu của Quỉ nhưng nàng vẫn là một thử thách thực sự đối với Faust. Helene tượng trưng cho Cái Đẹp và Nghệ Thuật. Tin rằng nghệ thuật là cao quí nhưng nhà thơ đã phải tự đặt ra câu hỏi – hiến mình cho Nghệ Thuật có phải là lẽ sống cao nhất hay chưa ?! Bản thân nhà thơ Goethe suốt đời tận tuỵ với sự nghiệp sáng tác, đã từng rời bỏ triều đình Vaima, sang Italia nghiên cứu  nghệ thuật cổ đại Hy – La. Nhà thơ đã xây dựng hình tượng chú bé Euphorion – nhân vật mang dòng máu của cha [Faust] có ý chí và hoài bão lớn lao, muốn bay nhảy chứ không chịu bò lết, muốn xông vào nơi mũi nhọn của cuộc chiến đấu. Qua hình tượng này, Goethe ngụ ý ca ngợi và thương tiếc nhà thơ Byron – người đã sang tham gia chiến đấu cùng với nghĩa quân Hy Lạp chống quân xâm lược Thổ và vừa ngã xuống năm 1824. Trong vở kịch, cái chết của Euphorion chấm dứt cuộc tình Faust – Helene. Nhà thơ chưa muốn để cho Faust gác lại ý chí ở mối tình. Nghệ thuật thuần tuý chưa phải là mục đích cao nhất mà chỉ có thể coi nó như phương tiêu để đạt tới chân lí .

Bao nhiêu mưu ma chước quỉ của Mephisto đều không làm cho Faust  sa ngã Faust. Quỉ thất vọng, tưởng chừng không còn lạc thú nào ở trần gian có thể khiến Faust ham muốn thì ông nói với Quỉ “hành động là tất cả, danh vọng không nghĩa lí gì”. Faust đã tìm thấy lạc thú và lẽ sống: sự nghiệp khai khẩn đất hoang, hành động thực tiễn vì lợi ích của mọi người.

Thực ra không phải đến lúc này Faust mới nhận thức được điuề đó. Ngay từ đầu tác phẩm, khán giả đã nhận thấy nhân vật này gần gũi và yêu mến nhân dân. Trong buổi đi chơi ra cổng thành, ông cảm thấy sung sướng được tiếp xúc với nhân dân lao động, thoát khỏi thấy độ cau có, khó chịu của trợ lí Vacne. Đến lúc quay về phòng, ngồi dịc Kinh Thánh [tiếng Latinh] ra tiếng Đức, Faust loay hoay mãi với câu đầu tiên :” khởi thuỷ là Lời” [In intio erat verbum]. Ông không thể tán đồng quan điểm đề cao Lời nói [lời Thượng đế phán truyền]. Đắn đo cân nhắc mãi xem có nên dịch “khởi thuỷ là tư tưởng”, “khởi  thuỷ là sức mạnh” hay không, cuối cùng  nhà khoa học hạ bút viết: “Khởi thuỷ là hành động”. Ngay từ đầu ông đã thoáng thấy hình dáng chân lí. Quá trình làm bạn với Quỉ Mephisto là quá trình kiểm nghiệm chân lí. Cuối cùng nhà thơ đã giác ngộ hoàn toàn : đọc thiên kinh vạn quyển như ông mà không hướng tới một hành động vì nhân dân thì vốn kiến thức ấy chỉ là mớ lí tưởng suông, xám xịt, còn cây đời thì mãi mãi xanh tươi “.

Nhân vật Vacne là kiểu học giả tương phản với tính cách Faust. Y thích ứng với hoàn cảnh xã hội phong kiến, thoả mãn với cuộc sống chật hẹp, với lối học sách vở, tầm chương trích cú. Y không muốn hoà mình vào cuộc đời sinh động mà chỉ thích chúi mũi vào đống lí thuyết xám xịt. Y có một thành tựu là chế tạo được một “hình nhân nhỏ” trong phòng thí ngiệm. Nhưng nhà thơ vạch ra rằng Vacne giỏi lắm cũng chỉ chế tạo ra một “con người” không hoàn thiện chưa hẳn là người vì chỉ sống trong bình thuỷ tinh có hồn nhưng không có xác. Hình nhân nhỏ đụng phải cái gai khi đang dự đám cưới ở âm phủ nên bị vỡ tan. Y tan vỡ trước cuộc sống sinh động hoặc phải nhập vào cuộc sống để hoá thân.

Triết lí hành động là một trong tư tưởng sâu sắc nhất của kịch Faust. Tuy nhiên ở đây cũng thể hiện phần nào những hạn chế của Goethe. Trong phần một, Faust có khát vọng và tinh thần phản kháng mạnh mẽ bao nhiêu thì sang phần II tư tưởng của ông trở nên hoà hoãn bấy nhiêu. Màn độc thoại của nhân vật chính mở đầu “ Faust II”, nhà thơ lại để cho nhân vật nói lên những hạn chế, nhược điểm của nhân loại. Hành động thực tiễn là đúng, nhưng trong hoàn cảnh nước Đức phong kiến chưa hoàn thành Cách mạng tư sản mà đưa ra hình ảnh “khai mương đắp đập” có hợp lí không ? Tất nhiên không nên hiểu đắp đập khai mương theo nghĩa đen cũng như không cần phải băn khoăn vì sao nhà thơ lại dịch “khởi thuỷ là Lời” biến thành “ khởi thuỷ là hành động”.

4. Faust và chủ nghĩa nhân đạo

 Cách tổ chức sự kiện và tình tiết trong kịch Faust là một trong những biểu hiện chủ nghĩa nhân đạo của nhà thơ. Đó là tình trạng Faust mắc vào một mâu thuẫn khó giải quyết giữa tình yêu và lí tưởng của chính mình. Faust có ý chí vươn lên mãnh liệt nhưng ông cũng yêu Macgret với tất cả tâm hồn mình. Nếu Faust đắm mình trọn vẹn  trong tình yêu nhỏ bé này thì ông là người tầm thường. Nhưng nếu ông lạnh lùng dứt áo ra đi [coi tình yêu nhẹ như lông hồng] để tiếp tục sự nghiệp thì ông cũng là một kiểu người tầm thường khác, thậm chí còn là kẻ nhẫn tâm nữa.

Dưới ngòi bút của Goethe, Faust cố sức tìm cách cứu Macgret ra khỏi nhà ngục,  chỉ thất vọng khi chính cô không chịu ra. Giải quyết như thế vừa tăng cường âm hưởng chống phong kiến, vừa mở đường cho Faust tiếp tục cuộc hành trình để tìm lẽ sống mà Faust vẫn là một con người thuỷ chung nhất mực, giàu lòng nhân đạo.

Tinh thần nhân đạo cao cả của Goethe chủ yếu toát lên từ chủ đề vở kịch, qua mối quan hệ giữa Faust và Mephisto. Mephisto là con quỉ hư vô chủ nghĩa tuyệt đối. Hắn tự giới thiệu bản chất của hắn là loại “ yêu ma luôn luôn phủ nhận “, là “tội lỗi”, là “phá huỷ”, tóm lại là cái Aùc. Do đó hắn có hai mặt. Một mặt hắn tung ra những ý kiến sâu sắc vạch trần các ung nhọt của xã hội phong kiến và xã hội tư bản. Những lúc ấy, khán giả đồng tình với hắn. Mặt khác, hắn lại không tin vào bất cứ cái gì tốt đẹp trên đời. Hắn phỉ báng con người trước mặt Đức Chúa Trời.

Mephistophen và Faust là hai tính cách hoàn toàn đối lập nhau nhưng lại gặp nhau ở một điểm là cùng phủ nhận cái trật tự xã hội trước mắt . Chính từ đấy xuất hiện tình huống kịch : Faust kí giao kèo với Mephisto. Cả hai đều tin mình sẽ thắng. Quỉ tin chắc có thể dễ dàng làm cho Faust hài lòng thoả mãn. Còn Faust tin ở ý chí vươn lên của ông sẽ không bao giờ tàn lụi.

Bao nhiêu cám dỗ của quỉ đưa ra đều không lung lạc được Faust. Hắn không lôi kéo được Faust vào những thú vui thấp hèn, không làm cho Faust “ ăn đất bùn mà lấy làm thú vị “. Cuối vở kịch Faust đã thoả mãn, nhưng không phải những dục vọng tầm thường, cũng không nhờ âm mưu, phép thuật của Quỉ. Việc tổ chức nhân dân đào mương đắp đập, khai khẩn đất hoang là một hành động cao quí. Chính vì thế mà các thiên thần xuống đón linh hồn Faust lên thiên đường còn quỉ Mephisto tưởng lầm hắn đã có quyền thực hiện điều ứơc trong bản giao kèo.

Trong vở kịch này, các hình  tượng Chúa, quỉ, thiên thần và những chi tiết thiên đường, địa ngục, tiếng chuông nhà thờ, ngày lễ Phục Sinh…chỉ là những biểu tượng nghệ thuật chứ không phải mang ý nghĩa tôn giáo. Goethe cũng như Faust vốn chẳng tin gì ma quỉ thánh thần, “việc cõi bên kia ta ít cần chú ý”. Căn bản Goethe là một nhà duy vật. Engels nhận xét rất thú vị “Goethe không muốn dính dáng gì tới Thượng đế cả ; tiếng đó làm cho ông khó chịu, Goethe sở dĩ vĩ đại là do lòng nhân đạo ấy…”

Xét về một phương diện triết học, Faust và Mephisto là hai mặt của một vấn đề. Mephisto gợi lên cho ta nững yếu tố tiêu cực, lầm lạc, trì trệ của con người, còn Faust tiêu biểu cho những yếu tố tích cực, tiến bộ. Faust kí giao kèo với Mephisto tức là con người tự thách thức với bản thân mình. Cuộc đấu tranh diễn ra dai dẳng, quyết liệt.  Những ham muốn nhất thời nhiều lần làm cho Faust phạm phải những sai lầm đáng tiếc, và ông không chịu trách nhiệm một phần về những nỗi đau đớn của Macgret… Nhưng cuối cùng  cái Thiện đã thắng cái Ac. Tác phẩm bộc lộ niềm tin sâu sắc của nhà thơ vào con người tuy lúc này hay lúc khác có thể phạm sai lầm khuyết điểm nhưng rồi sẽ vươn lên tới Ánh sáng và tìm ra đường sống chân chính. Đúng như lời Chúa bảo Quỉ: “ở nhánh cây non, người làm vườn sớm nhìn thấy rõ – Năm tháng tưới cành tươi sẽ sai hoa trĩu quả”.

Sống là vươn lên không ngừng; dừng lại có nghĩa là chết. Con người vươn lên bằng cách không ngừng khắc phục những mặt tiuê cực, trì trệ, ngưng đọng.Vì thế “quỉ Mephisto “xét về ý nghĩa nào đó lại cần thiết cho con người, “do Chúa ban cho con người”. [Ý nói: chính Chúa tạo điều kiện cho Mephisto đến thử thách con người], để nó kích thích, hoành hành, gây sự. Bởi nếu thiếu nó thì con người không biết khắc phục cái gì và cuộc sống sẽ dừng lại.

 Faust là một bi kịch nhưng lại đậm đà hương vị lạc quan.

 Ở Đức, cùng lúc với Goethe còn có Lessing, Clinge cũng viết đề tài Faust.

HƯỚNG DẪN  HỌC TẬP

1-     Vận dụng nhận định của Engels về mâu thuẫn của Goethe để tìm hiểu diễn biến tư tưởng và sáng tác của ông. Chỉ ra những khía cạnh tạo nên sự vĩ đại của Goethe.

2-     Tìm đọc văn bản kịch Faust, đây là phần trọng tâm của chương trình văn học phương Tây thế kỉ 18.

Chú ý kết cấu độc đáo của vở kịch so với kịch truyền thống [kịch cổ điển, kịch phục hưng]. Đặc biệt nghệ thuật xây dựng kiểu nhân vật nhiều bình diện Faust, Mephistophen

3-     Trình bày những vấn đề xã hội và nội dung tư tưởng lớn của vở kịch [ 2 cấp độ – xã hội Đức thế kỉ 18 và vấn đề con người vĩnh cửu]

4-     Tại sao có thể nói Macgret là một nhân vật bi kịch chân chính và là một hình tượng phụ nữ đẹp trong văn học thế giới ?

k

THƯ MỤC THAM KHẢO

1-  Lịch sử văn học Anh, Viện Hàn Lâm Khoa học Liên Xô, Nxb Moskva, 1945 [dịch]

2- Lịch sử văn học Pháp, Viện Hàn Lâm Khoa học Liên Xô, Nxb Moskva,1946 [dịch]

3- Nguyên lí mĩ học Mác- Lê nin, NXB Sự thật, H 1963 [dịch]

4- Tuyển tập kịch Shakespeare, Nxb Văn hóa, H 1976 [dịch]

5- Bi kịch cổ điển Pháp, Nxb Văn hóa, H,1978 [dịch]

6- Lão hà tiện – Đỗ Đức Hiểu  dịch, Nxb ĐH và THCN 1978

7- Tư liệu tham khảo văn học phương Tây, tài liệu roneo, nội bộ, ĐHSP Hà Nội

8- Kể chuyện Shakespeare, Vũ Đình Phòng dịch ,Nxb Văn hóa, H,1978

9 -Anh hùng ca của Homer, Nxb Đại Học, HN,1978

10- Kịch “Những ả kiểu cách lố bịch”, Moliere, Tôn Gia Ngân dịch,Nxb Văn hoá Hà Nội .1979 .

11- Đông Ki hô tê, M.Cervantes, dịch Nxb Văn học. H 1979

12- Mười ngày, Bocacio, Nxb Văn học,1979

13- Bi kịch Hi Lạp  : Promethe bị xiềng, Hoàng Hữu Đản dịch,Nxb Đại học, HN,1983

14- Thần thoại Hi Lạp, tập I và II, Nguyễn Văn Khỏa  NXB Đại Học HN,1984

15- Chuyện kể từ kịch Shakespeare. Nhà xuất bảnMoscow,1984

16 -Kịch Eschile,,tuyển tập, Nguyễn Giang dịch, Nxb Văn học  HN,1984

17- Kịch Sophocle, tuyển tập,  Nguyễn Giang dịch –Nxb Văn học .HN .1985

18. Văn học Phưong Tây, tập thể tác giả, chủ biên GS Lưong Duy Trung và Nguyễn ĐứcNam, NXB Giáo Dục, tái bản 1999 .

19. Những tác phẩm, tài liệu, báo chí khác.

ĐẠI HỌC AN GiANG

1989 – 2003

Ths. Phùng Hoài Ngọc

* Engels: Bài mở đầu cuốn Phép biện chứng của tự  nhiên . Nhóm VH Phưong Tây, khoa Văn ĐHSP Hà Nội biên soạn .

The Tempes [§] :Cơn bão táp. Tên vở kịch của Shakespeare. Trong kịch có câu “A brave new world arrives” [Một thế giới mới rực rỡ đã đến].  Nhạc sĩ nhóm ABBA đã sáng tác bài hát Happy New Year có câu: “Sometimes I see how the brave new world arrives” ngày nay vang lên khắp thế giới mỗi độ Tết về.

*Ghi chú: Trên sân khấu Việt Nam, vở Le Cid  được chuyển thể kịch nói, cải lương với các tựa đề:  Mối tình oan nghiệt, Lưỡi gươm oan nghiệ , Tình yêu và danh dự] .

[1] Phùng Văn Tửu dịch sang tiếng Việt

Chủ Đề