Dịch vụ logistics đánh giá kêu khó doanh nghiệp năm 2024

(HQ Online) - Chi phí logistics đang là “gánh nặng” trên vai các doanh nghiệp, tuy nhiên chi phí logistics có thể giảm xuống tương đương 16 - 18% GDP vào năm 2030. Đây là mục tiêu được đặt ra tại dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Dịch vụ logistics đánh giá kêu khó doanh nghiệp năm 2024
Đoàn tàu chở lô hàng đầu tiên xuất khẩu từ Bình Dương đi Trung Quốc tại ga Sóng Thần (tỉnh Bình Dương), ngày 27/9/2023. Ảnh: T.D

Đánh giá về những dấu ấn nổi bật trong hoạt động logistics Việt Nam năm 2023, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, logistics Việt Nam hiện đứng thứ 43 theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB)

Theo báo cáo của WB công bố Chỉ số Hiệu quả Logistics (LPI - Logistics Performance Index) năm 2023, Việt Nam xếp thứ 43, nằm trong nhóm 5 nước ASEAN xếp hạng cao nhất. Tốc độ tăng trưởng thị trường logistics của Việt Nam bình quân hàng năm đạt 14 - 16%.

Trước đó, trong lần công bố xếp hạng gần nhất vào năm 2018, Việt Nam đã có bước nhảy vọt ngoạn mục từ vị trí 64 lên vị trí 39. Như vậy sau 5 năm, Việt Nam bị tụt 4 hạng, nhưng số điểm LPI của nước ta đã tăng từ 3,27 (năm 2018) lên 3,3 điểm (năm 2023).

Khởi công và hoàn thành nhiều dự án trọng điểm về hạ tầng giao thông

Trong thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải đã xây dựng, triển khai các quy hoạch chuyên ngành giao thông vận tải thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gồm quy hoạch mạng lưới đường bộ, quy hoạch mạng lưới đường sắt, quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển, quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc, quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa) nhằm đẩy mạnh việc hoàn thiện hạ tầng thương mại phục vụ lưu thông, trong đó có lưu thông hàng hóa.

Về đường bộ, đã hoàn thành đưa vào khai thác nhiều đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam. Về đường sắt, đưa thêm một số ga vào khai thác liên vận quốc tế như ga Kép (Bắc Giang), ga Sóng Thần (Bình Dương), nghiên cứu ga liên vận quốc tế Cao Xá (Hải Dương) phục vụ kết nối với Trung Quốc,… Về đường thủy nội địa, đã hoàn thành và đưa vào khai thác cụm công trình kênh nối sông Đáy với sông Ninh Cơ. Về đường biển, đã nạo vét nhiều luồng hàng hải quan trọng. Về đường hàng không, triển khai xây dựng sân bay Long Thành và nâng cấp cải tạo nhiều sân bay khác như Côn Đảo, Điện Biên,… góp phần thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông tăng trưởng so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Theo Bộ Công Thương, logistics có vai trò quan trọng đối với toàn bộ quá trình từ sản xuất, xuất nhập khẩu, lưu thông phân phối đến tiêu dùng, tạo ra giá trị gia tăng, đóng góp ngày càng lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt trong công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế.

Bên cạnh đó, Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế trong phát triển dịch vụ logistics, nằm ở vị trí chiến lược trong khu vực phát triển năng động của thế giới, có nền kinh tế đang trên đà phát triển, hội nhập quốc tế sâu rộng, là thị trường có sức tiêu thụ lớn, thương mại điện tử có xu hướng phát triển mạnh, có lợi thế về vị trí địa lý thuận lợi cho vận tải quốc tế,… Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới, tham gia tích cực vào các Hiệp định thương mại tự do và với lợi thế địa kinh tế, dịch vụ logistics Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng logistics toàn cầu.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành dịch vụ logistics Việt Nam giai đoạn vừa qua còn những hạn chế như năng lực cạnh tranh vẫn còn thấp, chi phí logistics cao hơn nhiều so với các nước trên thế giới, đóng góp vào GDP chỉ từ 4% - 5%...

Tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030 nêu rõ: “Đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số, phát triển các loại dịch vụ mới, xây dựng hệ sinh thái dịch vụ trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, pháp lý, y tế, giáo dục - đào tạo, viễn thông và công nghệ thông tin, logistics và vận tải phân phối”.

Hiện nay, Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với nhiều con số và giải pháp đã được đưa ra. Dự thảo đặt mục tiêu phát triển ngành dịch vụ logistics Việt Nam bền vững, hiệu quả, chất lượng và có giá trị gia tăng cao, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và thế giới, phát huy lợi thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Mục tiêu đến năm 2030, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 6%-8%; tốc độ tăng trưởng trung bình của ngành dịch vụ logistics hàng năm đạt 15%-20%; tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 60%-70%.

Đặc biệt, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16%-18% GDP; xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ 45 trở lên.

Đến năm 2050, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 12%-15%; tốc độ tăng trưởng trung bình của ngành dịch vụ logistics hàng năm đạt 10%-12%; tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 70%-90%; chi phí logistics giảm xuống tương đương 10%-12% GDP; xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ 30 trở lên.

Để đạt được mục tiêu, Bộ Công Thương dự kiến bên cạnh việc hoàn thiện thể chế pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ logistics, sẽ đổi mới quy hoạch, đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng phát triển dịch vụ logistics Việt Nam theo hướng đồng bộ, hiện đại.

Phát triển thị trường logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, thúc đẩy liên kết vùng kinh tế, hành lang kinh tế, khu vực và quốc tế bảo đảm tăng trưởng bền vững, đồng thời nâng cao chất lượng và xanh hóa các hoạt động dịch vụ logistics dựa trên nền tảng số. Đẩy mạnh chuyển đổi số và chuyển đổi xanh trong lĩnh vực dịch vụ logistics. Đồng thời, nâng cao vai trò của các hiệp hội và các doanh nghiệp hạt nhân trong lĩnh vực dịch vụ logistics, thúc đẩy hình thành các chuỗi cung ứng hiện đại, phát triển đa dạng các dịch vụ logistics giá trị gia tăng đáp ứng nhu cầu trong nước và quốc tế...