Giới và phát triển là gì

Học viện Phụ nữ Việt Nam là cơ sở giáo dục công lập đầu tiên được phép đào tạo cử nhân chính quy ngành Giới và Phát triển theo Quyết định số 2181/QĐ-BGDĐT ngày 25/6/2015 [mã ngành 52310399] nhằm đào tạo đội ngũ nhân lực về giới và các lĩnh vực phát triển cộng đồng, phát triển xã hội, hoạch định và thực thi, thúc đẩy các chính sách, chương trình, dự án phát triển. Ngành Giới và Phát triển có đội ngũ giảng viên tâm huyết và sáng tạo, chương trình đào tạo mang tính toàn diện, môi trường học tập năng động mở ra nhiều cơ hội việc làm cho các cử nhân chuyên ngành.

Năm học 2017 – 2018, Học viện Phụ nữ Việt Nam tuyển 80 sinh viên cử nhân hệ chính quy ngành Giới và Phát triển, trong tổng số 700 chỉ tiêu các ngành [Giới và Phát triển, Luật, Công tác Xã hội và Quản trị Kinh doanh, Quản trị Du lịch và lữ hành, Truyền thông đa phương tiện].

Tại sao ngành Giới và phát triển lại mở ra nhiều cơ hội việc làm trong hiện tại và tương lai?

Việt Nam cũng như các nền kinh tế trên thế giới đang phải đối mặt với xu hướng phát triển kinh tế chậm lại, do đó thúc đẩy cải cách kinh tế đi đôi với đảm bảo công bằng xã hội là việc làm cấp thiết với mỗi quốc gia. Các chiến lược thúc đẩy tăng trưởng bao trùm và bền vững, trong đó đảm bảo bình đẳng giới, sẽ là quan trọng cho sự thành công của các nền kinh tế, đảm bảo nam và nữ đều hưởng lợi từ tăng trưởng trong hiện tại và tương lai.

Bình đẳng giới đã trở thành mục tiêu quan trọng trong Chương trình Nghị sự  về Phát triển bền vững, tầm nhìn đến năm 2030 – được triển khai trên toàn cầu [cụ thể là Mục tiêu SDG5]; bình đẳng giới và trao quyền cũng có liên quan trực tiếp, gián tiếp tới 16 mục tiêu SDG còn lại. Tại Việt Nam, mục tiêu thúc đẩy Bình đẳng giới cũng như yêu cầu lồng ghép giới từng bước được nội luật hoá trong pháp luật, chính sách, định hướng phát triển của Việt Nam như Hiến pháp 2013, Luật Bình đẳng giới [2006], Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, các luật pháp về quyền con người và nhiều văn bản pháp lý quan trọng khác.

Yêu cầu thực tiễn trên đòi hỏi Việt Nam phải có nguồn nhân lực về giới. Tuy nhiên, nhân lực về giới và phát triển cũng như về lồng ghép giới, tư vấn giới cho chính sách, pháp luật, chương trình, dự án còn thiếu hụt, thiếu bộ phận nhân lực được đào tạo bài bản trong nước. Đề tài nghiên cứu cấp học viện Phụ nữ Việt Nam “Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng Tập bài giảng Học phần Lồng ghép giới và Thực hành lồng ghép giới” thực hiện năm 2016 đã chỉ ra rằng Việt Nam thiếu nhân lực thực hiện Lồng ghép giới,  số lượng đội ngũ nhân lực có chất lượng còn hạn chế [chiếm 71,6% số ý kiến chuyên gia ]. Khó khăn này cũng được nhấn mạnh trong Báo cáo rà soát và kiểm điểm 20 năm Việt Nam thực hiện cương lĩnh Hành động Bắc Kinh [Bộ LĐTB&XH, 2014]. Báo cáo nêu rõ: Chỉ có 13/63 tỉnh thành lập Phòng Bình đẳng giới và các tỉnh thành còn lại đã bố trí 01 cán bộ đầu mối làm công tác bình đẳng giới. Trong chỉ đạo, điều hành, một số chính quyền địa phương chưa thể bố trí cán bộ đủ kiến thức và kỹ năng chuyên môn. Trong các địa phương còn lại, đa số cán bộ chuyên trách về bình đẳng giới là cán bộ kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác nhau vì thế hiệu quả lồng ghép giới còn hạn chế. Trong các chương trình dự án về phát triển cũng như các cơ quan, ban ngành, đoàn thể đều thiếu cán bộ, chuyên gia, tư vấn về giới.

Để bắt kịp với xu hướng, yêu cầu phát triển trong nước và như quốc tế, ngành Giới và phát triển – Học viện Phụ nữ Việt Nam ra đời như một trong những giải pháp cung cấp nguồn nhân lực về giới và phát triển, đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Cử nhân ngành Giới và Phát triển có những cơ hội việc làm gì?

Ảnh 1: Sinh viên, giảng viên ngành Giới và Phát triển làm việc với GS. TS. Rene Wadlow – Chủ tịch Hiệp hội Công dân toàn cầu

Với chương trình đào tạo tiên tiến, cập nhật với xu hướng phát triển, sinh viên ngành Giới và phát triển sẽ không thiếu cơ hội việc làm khi nhân sự ngành này còn thiếu và có xu hướng tăng mạnh trong tương lai.

Sinh viên tốt nghiệp ngành Giới và phát triển có thể làm trong rất nhiều lĩnh vực – bao gồm kinh tế, kinh doanh, giáo dục, y tế, truyền thông, chính trị, luật, công tác xã hội, an sinh xã hội, môi trường và nghiên cứu. Sinh viên tốt nghiệp ngành Giới và phát triển có thể đảm nhận những vị trí công việc như nhà hoạt động xã hội vì phụ nữ và trẻ em, nhân viên công tác xác hội cho nam giới và phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, nhà quản lý, cán bộ cho các tổ chức phát triển và các tổ chức bảo vệ quyền con người, tư vấn truyền thông, tư vấn phát triển, điều phối viên/ trợ lý các chương trình dự án, nhà quản lý/ nhân viên các cơ quan về dịch vụ xã hội, nhà báo, nhân viên tư vấn pháp luật chính sách, nhà quản lý/nhân viên các trung tâm cứu trợ xã hội, nhà giáo dục/ cán bộ đào tạo, nhân viên xã hội, quản lý/ nhân viên các tổ chức cơ quan đoàn thể, quản trị về nhân sự…

Bao quát hơn, sinh viên ngành Giới và phát triển có thể làm rất nhiều vị trí việc làm trong lĩnh vực phát triển. Cử nhân ngành Giới và phát triển có thể làm cán bộ, chuyên viên trong các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức đoàn thể; các cơ quan, ban ngành; cán bộ, chuyên viên trong các cơ quan, các tổ chức chính phủ, phi chính phủ; giảng viên, nghiên cứu viên trong các nhà trường, học viện, trung tâm nghiên cứu; các công việc liên quan đến phát triển cộng đồng, phát triển con người; tư vấn giới; điều phối viên, cán bộ của các chương trình, dự án phát triển, v.v.

Ảnh 2: Sinh viên ngành Giới và phát triển làm việc và thực hành với chuyên gia người Mỹ gốc Việt Tuyết Lê Brown – chuyên gia trị liệu và tâm lý học.

Chia sẻ về việc áp dụng những kiến thức kỹ năng về Giới và phát triển trong công việc, một số chuyên gia phát biểu:

“Những kiến thức về giới và phát triển đã thay đổi sự nghiệp của tôi. Tôi đã thực sự suy nghĩ nghiêm túc về bạo lực giới. Hiện tôi đang làm việc trong tổ chức giúp đỡ những nạn nhân của bạo lực tình dục, bạo lực gia đình và nạn nhân buôn bán người. Tôi đã áp dụng những kiến thức về giới rất nhiều trong công việc của mình”

[PVS nhân viên công tác xã hội].

“Việc có hiểu biết chuyên sâu về giới không chỉ giúp bạn thực hiện công việc chuyên môn của bạn tốt hơn vì bạn luôn biết cân nhắc sự khác biệt của nam và nữ trong nhóm đối tượng mà bạn sẽ làm việc cùng để tìm ra các biện pháp hỗ trợ phù hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho nam và nữ có thể phát huy tối đa tiềm năng và năng lực của họ và như vậy chất lượng hoạt động chuyên môn cao hơn”

[PVS chuyên gia độc lập về Giới]

“So với trước kia, vấn đề giới và phát triển hiện nay đã được nói đến và quan tâm nhiều hơn. Tuy nhiên, rất nhiều văn bản luật pháp chính sách cũng như chương trình, hoạt động không tính đến biện pháp này. Đặc biệt trong khu vực tư nhân, đây là vấn đề hầu như bỏ ngỏ. Do đó, nhu cầu nhân lực về lồng ghép giới trong công việc thực sự bức thiết.”

[PVS Nữ giảng viên đại học, chuyên gia tư vấn giới tại NGO].

Cơ hội việc làm rộng mở trong tương lai

Ngày nay trước yêu cầu phát triển bền vững và tăng trưởng bao trùm cũng như việc nội luật hoá lồng ghép giới trong mọi văn bản pháp luật, chính sách, chương trình, dự án, nhu cầu về nhân sự/chuyên gia am hiểu về ngành giới và phát triển sẽ ngày càng cao; các chuyên gia về giới và phát triển hiện nay đang hy vọng cũng như gửi gắm rất nhiều lời nhắn nhủ tới sinh viên ngành.

“Có một thực tế đó là thiếu hụt đội ngũ cán bộ có hiểu biết chuyên sâu về bình đẳng giới trong các cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới ví dụ như cán bộ  LĐTBXH và UBND các cấp chưa có kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về Bình đẳng giới và Lồng ghép giới nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc tham mưu cho lãnh đạo chính quyền đia phương về việc lồng ghép bình đẳng giới trong các lĩnh vực. Do đó, khi có một đội ngữ sinh viên được đào tạo bài bản và chính quy về bình đẳng giới sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện chất lượng đội ngũ cán bộ kế cận sau này của các cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về bình đẳng giới.”

[PVS chuyên gia độc lập về Giới]

“Tôi mong sinh viên ngành Giới và phát triển hãy luôn học hỏi và trau dồi khả năng tự học, quan sát và đặt câu hỏi về các vấn đề giới trong cuộc sống của các em và đang diễn ra ngoài xã hội, tham gia vào các dự án của các tổ chức phát triển [ví dụ như tình nguyện viên] khi có điều kiện, góp phần giải quyết các bất bình đẳng giới trong chính cuộc sống của mình và thúc đẩy tiến bộ cho phụ nữ, phát huy tiềm năng của cả hai giới.”

[PVS chuyên gia về Giới, làm việc tại NGO]

Ảnh 3: Sinh viên ngành Giới và phát triển thảo luận cơ hội nghề nghiệp với chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong các chương trình dự án phát triển – TS.Donna Doane từ Viện AIT Châu Á.

Khoa Giới và Phát triển chào đón các tân sinh viên K5 ngành Giới và Phát triển. Thí sinh, phụ huynh quan tâm đến ngành Giới và Phát triển vui lòng liên lạc: Khoa Giới và Phát triển, Học viện Phụ nữ Việt Nam. Điện thoại: [04]38355243; 01643347091; 097734 7986. Email: Hoặc Phòng Đào tạo, Điện thoại: [043] 775 1750. Email: .

Fanpage khoa: //www.facebook.com/gioivaphattrien

ThS. Nguyễn Phương Chi – Giảng viên khoa Giới và phát triển, Học viện Phụ nữ Việt Nam.  

Video liên quan

Chủ Đề