Hướng dẫn về báo cáo đánh giá giám sát năm 2024

Ngày 30/6/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư số 05/2023/TT-BKHĐT Quy định về mẫu báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư, chế độ báo cáo trực tuyến và quản lý vận hành Hệ thống thông tin về giám sát, đánh giá đầu tư chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước.

Nội dung chi tiết:

Báo cáo đầu tư trực tuyến là một hình thức thực hiện chế độ báo cáo hoạt động đầu tư tại Việt Nam, nằm trong hoạt động quản lý nhà nước về đầu tư.

Các Tổ chức kinh tế thực hiện dự án đầu tư gửi các báo cáo trực tuyến thông qua Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư.

Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư chính thức để nộp báo cáo đầu tư hiện nay có tên miền là https://fdi.gov.vn.

Hướng dẫn thực hiện báo cáo đầu tư trực tuyến

i) Đối tượng nộp báo cáo đầu tư trực tuyến

Đối tượng nộp báo cáo đầu tư trực tuyến là Tổ chức kinh tế thực hiện dự án đầu tư.

Như vậy, chỉ những tổ chức kinh tế có dự án đầu tư (có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư) mới thực hiện nộp báo cáo này. Những công ty có vốn đầu tư nước ngoài chỉ có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (thành lập theo hình thức gián tiếp) thì không cần phải nộp báo cáo đầu tư trực tuyến.

ii) Nội dung báo cáo và kỳ báo cáo của tổ chức kinh tế thực hiện dự án đầu tư

Tổ chức kinh tế thực hiện dự án đầu tư báo cáo cơ quan đăng ký đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước về thống kê tại địa phương.

Báo cáo quý được thực hiện trước ngày 10 của tháng đầu quý sau quý báo cáo, gồm các nội dung: Vốn đầu tư thực hiện, doanh thu thuần, xuất khẩu, nhập khẩu, lao động, thuế và các khoản nộp ngân sách, tình hình sử dụng đất, mặt nước. (Mẫu A.III.1)

Báo cáo năm được thực hiện trước ngày 31 tháng 3 năm sau của năm báo cáo, gồm các chỉ tiêu của báo cáo quý và chỉ tiêu về lợi nhuận, thu nhập của người lao động, các khoản chi và đầu tư cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, xử lý và bảo vệ môi trường, nguồn gốc công nghệ sử dụng (Mẫu A.III.2)

Xử lý vi phạm trong báo cáo hoạt động đầu tư trực tuyến

Vi phạm về chế độ thông tin, báo cáo hoạt động đầu tư tại Việt Nam:

  • Không thực hiện chế độ báo cáo hoạt động đầu tư hoặc báo cáo không đúng thời hạn theo quy định:
    • Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng;
    • Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thực hiện chế độ báo cáo hoạt động đầu tư trong trường hợp không thực hiện chế độ báo cáo.
  • Báo cáo không trung thực, không chính xác về hoạt động đầu tư.
    • Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Căn cứ pháp lý về báo cáo đầu tư

BÁO CÁO GIÁM SÁT

Báo cáo giám sát là gì?

Báo cáo giám sát là văn bản báo cáo tổng hợp các hoạt động theo dõi, kiểm tra, đánh giá dự án đầu tư cách định kỳ theo kế hoạch hoặc đột xuất.

Theo quy định pháp luật Việt Nam, đối với trường hợp tổ chức kinh tế thực hiện dự án sử dụng các nguồn vốn khác có trách nhiệm thực hiện theo dõi, kiểm tra, giám sát đối với dự án đầu tư, cụ thể:

  • Tổ chức thực hiện giám sát, đánh giá dự án theo quy định;
  • Thiết lập hệ thống thông tin nội bộ, thu thập và lưu trữ đầy đủ thông tin, dữ liệu, hồ sơ, tài liệu, sổ sách, chứng từ của dự án, báo cáo của nhà thầu liên quan đến việc quản lý thực hiện dự án;
  • Báo cáo kịp thời cơ quan quản lý xử lý các vướng mắc, phát sinh vượt thẩm quyền;
  • Lập báo cáo giám sát và đánh giá dự án theo quy định;
  • Cập nhật đầy đủ, kịp thời, chính xác các thông tin báo cáo vào Hệ thống thông tin về giám sát, đánh giá đầu tư theo quy định;
  • Chịu trách nhiệm về nội dung báo cáo và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật do báo cáo, cung cấp thông tin không chính xác về tình hình thực hiện đầu tư trong phạm vi quản lý.

Hướng dẫn thực hiện báo cáo giám sát

i) Tổ chức thực hiện báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư

Trong quá trình thực hiện dự án, Nhà đầu tư, Tổ chức kinh tế tự tổ chức thực hiện theo dõi, kiểm tra dự án đầu tư và báo cáo các nội dung:

  • Tiến độ thực hiện dự án và tiến độ thực hiện mục tiêu của dự án.
  • Tiến độ góp vốn đầu tư, vốn điều lệ, góp vốn pháp định (đối với các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có yêu cầu phải có vốn pháp định).
  • Tình hình khai thác, vận hành dự án: Kết quả hoạt động đầu tư kinh doanh, thông tin về lao động, nộp ngân sách nhà nước, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, tình hình tài chính của doanh nghiệp và các chỉ tiêu chuyên ngành theo lĩnh vực hoạt động.
  • Việc thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường, sử dụng đất đai, sử dụng tài nguyên khoáng sản theo quy định.
  • Việc thực hiện quy định tại văn bản quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có).
  • Việc đáp ứng các điều kiện đầu tư kinh doanh đối với các dự án thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
  • Tình hình thực hiện ưu đãi đầu tư (nếu có).
ii) Lập và gửi báo cáo giám sát, đánh giá dự án đầu tư

Nhà đầu tư các dự án sử dụng nguồn vốn khác lập và gửi cơ quan đăng ký đầu tư và cơ quan đầu mối thực hiện công tác giám sát, đánh giá đầu tư của địa phương nơi thực hiện dự án đầu tư các loại báo cáo sau:

  • Báo cáo giám sát, đánh giá định kỳ: 6 tháng và cả năm.
    • Thời gian thực hiện:
      • Gửi báo cáo 6 tháng: trước ngày 10 tháng 7 của năm báo cáo;
      • Gửi báo cáo hàng năm: trước ngày 10 tháng 02 năm sau;
    • Biểu mẫu thực hiện: Mẫu số 13 và Mẫu số 17
  • Báo cáo giám sát, đánh giá trước khi điều chỉnh dự án:
    • Thời gian thực hiện: Gửi báo cáo trước khi trình điều chỉnh chương trình dự án;
    • Biểu mẫu thực hiện: Mẫu số 15
  • Báo cáo đánh giá kết thúc (nếu có);

Xử lý vi phạm trong báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư

Vi phạm về chế độ thông tin, báo cáo hoạt động đầu tư tại Việt Nam:

  • Lập báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư không đúng thời hạn hoặc không đầy đủ nội dung theo quy định:
    • Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng;
    • Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc bổ sung các nội dung còn thiếu trong trường hợp báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư không đầy đủ nội dung:
  • Không thực hiện chế độ báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư định kỳ theo quy định.
    • Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng;
    • Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thực hiện chế độ báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư định kỳ;

Căn cứ pháp lý về báo cáo giám sát

Thực hiện các nội dung trên đòi hỏi sự chú tâm và chuyên môn trong việc quản lý và báo cáo về dự án đầu tư. Chúng tôi hiểu rằng việc này có thể đầy thách thức và yêu cầu kiến thức sâu rộng về tài chính, kế toán, và thuế.

Giải pháp hữu ích là hợp tác với chuyên gia về tư vấn đầu tư tại Việt Nam và chuyên gia kế toán thuế. Chúng tôi cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp để đảm bảo rằng bạn thực hiện đúng quy trình và tuân thủ các quy định pháp luật một cách hiệu quả.

Liên hệ với chúng tôi để biết thêm chi tiết và khám phá cách chúng tôi có thể hỗ trợ doanh nghiệp của bạn trong quá trình thực hiện dự án đầu tư và báo cáo liên quan.

Câu hỏi thường gặp

Quy định về báo cáo đối với việc giám sát, đánh giá đầu tư của các dự án sử dụng vốn đầu tư công gồm những gì?

Trả lời:

Căn cứ Điều 100 Nghị định 29/2021/NĐ-CP quy định về báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư như sau:

Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư hằng năm, trong đó bao gồm nội dung báo cáo tổng hợp giám sát, đánh giá dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A trong phạm vi toàn quốc.

Các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước lập và gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư các loại báo cáo sau:

  • Báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư hàng năm;
  • Báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể hoạt động đầu tư ra nước ngoài hằng năm.

Cơ quan đăng ký đầu tư lập và gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh Báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư hằng năm.

Chủ chương trình, chủ đầu tư các chương trình, dự án đầu tư công Lập và gửi người có thẩm quyền quyết định đầu tư, cơ quan chủ quản và đơn vị đầu mối thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư các loại báo cáo sau:

  • Báo cáo giám sát, đánh giá định kỳ: 6 tháng và cả năm;
  • Báo cáo giám sát, đánh giá trước khi điều chỉnh chương trình, dự án;
  • Báo cáo giám sát, đánh giá kết thúc chương trình, dự án;
  • Báo cáo đánh giá chương trình, dự án đầu tư do mình tổ chức thực hiện;
  • Báo cáo tổng hợp công tác giám sát, đánh giá hàng năm các chương trình, dự án đầu tư do mình quản lý.

Chủ sử dụng dự án đầu tư công lập và gửi người có thẩm quyền quyết định đầu tư, cơ quan đầu mối thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư các loại báo cáo sau:

  • Báo cáo giám sát, đánh giá tình hình khai thác, vận hành dự án hằng năm trong thời gian từ khi đưa dự án vào khai thác, vận hành đến khi có Báo cáo đánh giá tác động dự án;
  • Báo cáo đánh giá tác động dự án.

Nhà đầu tư các dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công lập và gửi cơ quan chủ quản, người có thẩm quyền quyết định đầu tư và đơn vị đầu mối thực hiện công tác giám sát, đánh giá đầu tư các loại báo cáo sau:

  • Báo cáo giám sát, đánh giá định kỳ: 6 tháng và cả năm;
  • Báo cáo giám sát, đánh giá trước khi điều chỉnh dự án;
  • Báo cáo đánh giá dự án đầu tư do mình tổ chức thực hiện;
  • Báo cáo tổng hợp công tác giám sát, đánh giá hàng năm các chương trình, dự án đầu tư do mình quản lý.

Nhà đầu tư thực hiện dự án PPP lập và gửi cơ quan ký kết hợp đồng dự án và cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư theo phương thức đối tác công tư các loại báo cáo sau:

  • Báo cáo giám sát, đánh giá định kỳ: 6 tháng và cả năm;
  • Báo cáo giám sát, đánh giá trước khi điều chỉnh dự án;
  • Báo cáo đánh giá dự án đầu tư do mình tổ chức thực hiện.

Nhà đầu tư các dự án sử dụng nguồn vốn khác lập và gửi cơ quan đăng ký đầu tư và cơ quan đầu mối thực hiện công tác giám sát, đánh giá đầu tư của địa phương nơi thực hiện dự án đầu tư các loại báo cáo sau:

  • Báo cáo giám sát, đánh giá định kỳ: 6 tháng và cả năm;
  • Báo cáo giám sát, đánh giá trước khi điều chỉnh dự án;
  • Báo cáo đánh giá kết thúc (nếu có);

Nhà đầu tư các dự án đầu tư ra nước ngoài lập và gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi nhà đầu tư đặt trụ sở chính và cơ quan đại diện Việt Nam tại nước tiếp nhận đầu tư các loại báo cáo sau:

  • Báo cáo giám sát, đánh giá định kỳ: 6 tháng và cả năm;
  • Báo cáo giám sát, đánh giá trước khi điều chỉnh dự án (đối với trường hợp điều chỉnh dự án dẫn đến phải điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư);
  • Báo cáo đánh giá kết thúc.

Chế độ báo cáo giám sát đầu tư của cộng đồng:

  • Ban giám sát đầu tư của cộng đồng định kỳ hằng quý báo cáo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã về tình hình thực hiện giám sát đầu tư của cộng đồng đối với chương trình, dự án trên địa bàn. Trường hợp phát hiện các vấn đề vi phạm hoặc có các kiến nghị khác về các chương trình, dự án trong quá trình giám sát đầu tư của cộng đồng, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng tổng hợp trình Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã để gửi kiến nghị tới các cơ quan liên quan;
  • Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã định kỳ hằng năm tổng hợp kết quả giám sát đầu tư của cộng đồng trên địa bàn xã gửi Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện, cấp tỉnh;
  • Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh định kỳ hằng năm tổng hợp, lập báo cáo kết quả giám sát đầu tư của cộng đồng tại địa phương, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Công ty có 50,5% cổ phần của một tổng công ty (tổng công ty đã cổ phần hóa 95,76% vốn của tập đoàn Nhà nước). Căn cứ Nghị định số 84/2015/NĐ-CP về giám sát và đánh giá đầu tư và Thông tư số 22/2015/TT-BKHĐT quy định chi tiết mẫu báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư, công ty phải thực hiện báo cáo theo “Dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn khác” hay “Dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn Nhà nước”?

Trả lời:

Theo khoản 44 Điều 4 Luật Đấu thầu quy định: “Vốn Nhà nước bao gồm vốn ngân sách Nhà nước; công trái quốc gia, trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương; vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ; vốn từ quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp; vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước; vốn tín dụng do Chính phủ bảo lãnh; vốn vay được bảo đảm bằng tài sản của Nhà nước; vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp Nhà nước; giá trị quyền sử dụng đất”.

Khoản 8 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp quy định: “Vốn Nhà nước tại doanh nghiệp bao gồm vốn từ ngân sách Nhà nước, vốn tiếp nhận có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước; vốn từ quỹ đầu tư phát triển tại doanh nghiệp, quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp; vốn tín dụng do Chính phủ bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước và vốn khác được Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp”.

Theo thông tin trên, công ty có 50,5% cổ phần của một tổng công ty (tổng công ty đã cổ phần hóa 95,76% vốn của tập đoàn Nhà nước), tuy nhiên, chưa có thông tin dự án do công ty làm sử dụng nguồn vốn gì nên không có cơ sở để hướng dẫn cụ thể.

Theo quy định tại Nghị định số 84/2015/NĐ-CP, việc thực hiện báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư được quy định theo nguồn vốn sử dụng để đầu tư dự án, không quy định theo chủ thể đầu tư dự án.

Do đó, trường hợp dự án có sử dụng vốn Nhà nước như đã nêu trên thì công ty sẽ thực hiện báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư theo mẫu dự án đầu tư sử dụng vốn Nhà nước.