Lão Hạc quê ở đâu

Nhằm mục đích giúp học sinh nắm vững kiến thức tác phẩm Lão Hạc Ngữ văn lớp 8, bài học tác giả - tác phẩm Lão Hạc trình bày đầy đủ nội dung, bố cục, tóm tắt, dàn ý phân tích, sơ đồ tư duy và bài văn phân tích tác phẩm.

A. Nội dung tác phẩm Lão Hạc

* Tóm tắt văn bản:

Truyện kể về lão Hạc - một người nông dân nghèo, sống cô độc chỉ có con chó vàng làm bạn. Con trai lão vì nghèo không lấy được vợ đã phẫn chí bỏ làng đi làm ăn xa. Lão Hạc ở nhà chờ con về, làm thuê để sống. Dù đói lão vẫn quyết không bán mảnh vườn và không ăn vào số tiền dành dụm được do thu hoạch từ mảnh vườn; lão giữ cả cho con trai. Sau một trận ốm dai dẳng lão không còn sức đi làm thuê nữa. Không còn đường sinh sống, lão Hạc lặng lẽ đi đến một quyết định quan trọng. Lão bán con chó vàng lão rất mực yêu thương, mang hết số tiền dành dụm được và mảnh vườn gửi cho ông giáo trông coi hộ đặng sau này con trai trở về còn có cái sinh sống. Lão chịu đói ăn khoai và sau đó chế được món gì ăn món ấy. Cuối cùng lão ăn bả chó để tự tử. Ông giáo hiểu ra tất cả, vô cùng đau đớn nghĩ về cái chết của lão Hạc và chiêm nghiệm về cuộc đời.

B. Tìm hiểu tác phẩm Lão Hạc

1. Tác giả

- Nam Cao [1915- 1951], tên khai sinh là Trần Hữu Tri, quê ở Lí Nhân – Hà Nam

- Là nhà văn hiện thực phê phán đầu thế kỉ XX.

- Sáng tác của ông tập trung vào hai đề tài: người tri thức tiểu tư sản và người nông dân.

2. Tác phẩm

a, Hoàn cảnh sáng tác:

- “Lão Hạc” được đăng báo lần đầu năm 1943. Là truyện ngắn xuất sắc về người nông dân trong xã hội phong kiến của Nam Cao.

b, Bố cục: 3 phần

- Phần 1: Từ đầu → cũng xong: Lão Hạc kể chuyện bán chó và nhờ ông giáo hai việc.

- Phần 2: Tiếp theo → đáng buồn: Cuộc sống của lão sau khi bán chó.

- Phần 3: Còn lại: Cái chết của lão Hạc.

c, Thể loại: Truyện ngắn.

d, PTBĐ: Tự sự, miêu tả, biểu cảm.

e, Giá trị nội dung:

- Qua đoạn trích tác giả đã thể hiện sự chân thực và cảm động về số phận đau thương của người nông dân trong xã hội phong kiến cũ và ca ngợi những phẩm chất cao quí của họ. Đồng thời cũng cho thấy sự yêu thương trân trọng của Nam Cao đối với những người nông dân như thế.

f, Giá trị nghệ thuật:

- Kết hợp yếu tố tự sự, miêu tả, biểu cảm.

- Kể chuyện tự nhiên, linh hoạt, khách quan.

- Xây dựng nhân vật tiêu biểu, điển hình

- Kết hợp triết lí và trữ tình.

C. Sơ đồ tư duy Lão Hạc

D. Đọc hiểu văn bản Lão Hạc

1. Nhân vật lão Hạc.

a. Hoàn cảnh Lão Hạc

- Lão nông già yếu, nghèo khó

- Vợ chết sớm

- Con trai bỏ đi đồn điền cao su, để lão ở nhà với “cậu Vàng”

→ Hoàn cảnh cô đơn, đáng thương

b. Tình cảm của lão Hạc với cậu Vàng trước khi bán:

- Gọi con chó là cậu Vàng như một bà hiếm hoi gọi con cái

- Bắt rận, đem ra ao tắm

- Cho ăn cơm….cái bát như một nhà giàu

- Nhắm vài miếng lại gắp cho nó một miếng

- Chửi yêu, nói với nó như nói một đứa cháu

- Không đủ sức nuôi nó, lão suy tính đắn đo, coi việc bán chó là việc rất hệ trọng.

→ Tình yêu tha thiết với loài vật, một người giàu tình cảm

c. Tâm trạng của lão Hạc sau khi bán chó:

- Thái độ, cử chỉ:

+ Lão cố làm ra vui vẻ, cười như mếu

+ Đôi mắt lão ầng ậng nước

+ Mặt … co rúm, vết nhăn xô lại, ép …nước mắt

+ Cái đầu ….ngoẹo, miệng móm mém…mếu

+ Lão hu hu khóc

- Suy nghĩ: con chó không biết gì, già rồi còn đánh lừa một con chó.

- Nghệ thuật: sử dụng các từ tượng hình, tượng thanh, động từ có sức gợi tả cao.

→ Tâm trạng đau đớn, xót xa, dằn vặt, ân hận, tự trách mình

=> Lão Hạc là người nhân hậu, tình nghĩa, thuỷ chung, giàu tình yêu thương.

d. Cuộc sống của lão Hạc sau khi bán chó.

- Lão nhờ ông giáo hai việc:

+ Giữ hộ mảnh vườn cho con

+ Gửi tiền để lo ma cho mình

→ Thương con sâu sắc, cẩn thận, chu đáo, không muốn phiền luỵ đến láng giềng.

- Chỉ ăn khoai, củ chuối, củ ráy, sung luộc, rau má, trai, ốc.

- Từ chối gần như hách dịch sự giúp đỡ của ông giáo

→ Cuộc sống cùng cực, khổ sở

=> Lão Hạc giàu lòng tự trọng.

e. Cái chết của lão Hạc

- Lão vật vã ở trên giường, đầu tóc rũ rượi, quần áo xộc xệch, hai mắt long sòng sọc, lão tru tréo, bọt mép trào ra, chốc chốc lại bị giật mạnh nảy lên, vật vã đến hai giờ mới chết

- Miêu tả cái chết cụ thể, chi tiết cận cảnh sử dụng liên tiếp từ tượng thanh, tượng hình

→ Cái chết đau đớn, dữ dội, thê thảm và thương tâm.

=> Là người có ý thức cao về lẽ sống, coi trọng nhân phẩm, sống trong sạch, lương thiện

=> Là điển hình của người nông dân trước Cách mạng tháng 8 với số phận cơ cực, đáng thương nhưng có phẩm chất tốt đẹp, đáng kính trọng.

2. Nhân vật ông giáo

- Muốn ôm choàng lấy lão oà lên khóc, ái ngại, an ủi, bùi ngùi...

- Giấu giếm vợ giúp lão Hạc.

- Tôn trọng, cảm thông, xót thương tình cảnh của lão Hạc.

- Những ý nghĩ thấm đẫm triết lý nhân sinh, thâm trầm, sâu sắc.

=> Ông giáo là người hiểu đời, hiểu người, chan chứa tình yêu thương và lòng nhân ái sâu sắc. Người trọng nhân cách không mất niềm tin vào những điều tốt đẹp của con người.

Lão Hạc là một trong những truyện ngắn theo chủ nghĩa hiện thực tiêu biểu của Nam Cao được viết vào năm 1943.

Tác phẩm như một thước phim tái hiện chân thực cuộc sống của người nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám đồng thời lên án tội ác của chế độ phong kiến mục ruỗng đã đẩy nhân dân vào cảnh sống cùng cực. 

Đôi nét về tác giả Nam Cao và tác phẩm Lão Hạc

Nam Cao là một nhà nhân đạo lớn trong xã hội đương thời, ông phê phán những mộng cảnh xa vời của văn học lãng mạn và coi đó như  “ánh trăng lừa dối ”. Đồng thời, Nam Cao cho rằng văn học chân chính là cần nhìn thẳng vào sự thật, phản ánh đúng hiện thực đời sống xã hội lúc bấy giờ. 

Hình ảnh nhà văn Nam Cao.

Thật vậy, ông là một trong những nhà văn tiêu biểu góp tiếng nói to lớn của mình cho chủ nghĩa hiện thực thời kỳ đó, trong các tác phẩm của Nam Cao luôn xuất hiện hai đối tượng chính là người tri thức nghèo sống mòn mỏi và người nông dân lầm than trong xã hội đầy bất công trước Cách mạng tháng Tám.

Những tác phẩm tiêu biểu của ông khi viết về đề tài này phải kể đến Chí Phèo, Đời Thừa, Mua Nhà, Dì Hảo, Nghèo, Một bữa no và Lão Hạc.

Sáng tác của Nam Cao luôn chứa đựng những triết lý sâu sắc về cuộc đời và luôn đau đáu, day dứt trước thực trạng xã hội vô nhân đạo đã đẩy con người vào cảnh sống khổ cực, tăm tối.

Lão Hạc là một trong những tác phẩm tiêu biểu mang đậm dấu ấn cá nhân của Nam Cao, đây là một truyện ngắn được sáng tác vào năm 1943 trong lúc đất nước đang bị Pháp xâm lược, cùng với đó là sự tàn suy của chế độ phong kiến khiến cho đời sống nhân dân rơi vào cảnh khốn cùng.

Lão Hạc lôi cuốn người đọc bởi sự chân thực trong từng câu chữ

Đến với tác phẩm, ta sẽ gặp lão Hạc là biểu trưng cho người người nông dân thật thà, chất phác nhưng bị cuộc đời đày đọa và hình ảnh ông giáo với số kiếp mòn mỏi cũng như bao nhà tri thức khác trong xã hội phong kiến xưa.

Cuộc đời của lão Hạc được miêu tả qua cái nhìn của ông giáo, đó là một người hàng xóm thân thiết của lão, khiến cho câu chuyện thêm phần chân thực và sống động.

Hình ảnh một người nông dân hiền lành nhưng bị cuộc đời đày đọa

Hình ảnh lão Hạc trong tác phẩm là một người nông dân nghèo, vợ mất sớm, con trai vì không đủ tiền lấy vợ nên phẫn chí đi làm đồn điền cao su bao năm chưa thấy trở về. Lão có một con chó tên là  “cậu Vàng”, lão coi nó như một người bạn trong suốt quãng thời gian tuổi già cô độc:

“Những lúc buồn, có con chó bầu bạn cũng đỡ buồn một chút. Lão gọi nó là “cậu Vàng” như một bà hiếm hoi gọi đứa con cầu tự.”

Lão Hạc thương cậu Vàng nhưng bất hạnh thay, sống trong xã hội đó người ta không có quyền lựa chọn cho chính mình. Thế rồi, lão vẫn quyết định cắn răng bán đi “người bạn tâm giao” ấy.

Do rơi vào cảnh khốn cùng nên lão phải cắn răng bán đi cậu Vàng

Khi bán cậu Vàng, thân tâm lão ngập tràn trong nỗi xót xa, tủi nhục khi đã trót lừa một con chó: 

 “Khốn nạn… Ông giáo ơi! Nó có biết gì đâu! Nó thấy tôi gọi về thì chạy ngay về, vẫy đuôi mừng. Tôi cho nó ăn cơm. Nó đang ăn thì thằng Mục nấp trong nhà, ngay đằng sau nó, tóm lấy hai cẳng sau nó dốc ngược nó lên. Cứ thế là thằng Mục với thằng Xiên, hai thằng chúng nó chỉ loay hoay một lúc đã trói chặt cả bốn chân nó lại. Bấy giờ cu cậu mới biết là cu cậu chết! Này! Ông giáo ạ! Cái giống nó cũng khôn! Nó cứ làm in như nó trách tôi; nó kêu ư ử, nhìn tôi như muốn bảo tôi rằng: “A! Lão già tệ lắm! Tôi ăn ở với lão như thế mà lão xử với tôi như thế này?”. Thì ra tôi già bằng này tuổi đầu rồi còn đánh lừa một con chó, nó không ngờ tôi nỡ tâm lừa nó!”

Cả cuộc đời lão Hạc chìm đắm trong cái nghèo đói và bất công, tâm nguyện duy nhất của lão là trông nom mảnh vườn để con trai về còn có cái để làm ăn. Sau khi bán đi cậu Vàng, lão đã nhờ ông giáo giữ hộ mảnh vườn cùng với việc hậu sự sau này của mình.

Tâm nguyện được gửi gắm thành công thì cũng là lúc lão xa cách với mọi người, lủi thủi một mình trong tuổi già cùng với khó khăn và sự tủi nhục khi trót “đánh lừa một con chó”.

Sau khi bán cậu Vàng, lão tìm đến ông giáo để gửi gắm tâm nguyện cuối cùng

Trong những dòng cuối cùng của tác phẩm Lão Hạc, để kết thúc cho những tháng ngày đầy những dằn vặt ấy, lão đã xin ít bả chó của binh Tư, một người hàng xóm đã từng thiện lương nhưng bị cuộc đời khổ hạnh tha hóa, biến chất trở thành một tên lưu manh.

Những tưởng lão Hạc cũng đã bị cái nghèo đói dồn ép đến mức bán đi phẩm cách của mình chỉ để kiếm miếng cơm, nhưng không phải, lão dành cho mình ít bả chó ấy và đón lấy cái chết một cách thật đau đớn.

Ông giáo là một nhân vật quan trọng trong tác phẩm

Ông giáo trong Lão Hạc là một nhà tri thức nghèo, ông yêu những cuốn sách của mình bằng cả trái tim. Thế rồi, vì con mang bệnh mà không có tiền mua thuốc nên ông đã phải bán dần những cuốn sách mà mình coi như sinh mệnh.

Ông giáo hiện lên trước mắt độc giả là một nhà tri thức nghèo có tình yêu lớn lao với con chữ

Cái nghèo khổ của một đời tri thức được thể hiện lên trong lời nói của vợ ông giáo: 

 “Nhà mình có sung sướng gì mà giúp lão, chính con mình cũng đói…” 

Sự nghèo đói, túng quẫn đã khiến con người trở nên cộc cằn và thô lỗ, họ làm sao có thể nghĩ cho người khác trong khi cuộc đời của họ cũng bị chèn ép bởi xã hội đương thời. Điều này được thể hiện rõ ràng qua lời của ông giáo trong truyện ngắn Lão Hạc: 

“Vợ tôi không ác, nhưng thị khổ quá rồi. Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu…? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng bao giờ nghĩ đến ai được nữa.”

– Lão Hạc

Ông giáo hiện lên trong mắt người đọc là một người biết thương cảm cho những số phận bất hạnh ở quanh mình mặc dù chính ông cũng là một trí thức sống mòn mỏi, chết chìm trong cái nghèo đói như bao người khác trong xã hội đương thời. 

Giá trị nhân đạo cao quý được gửi gắm qua tác phẩm

Qua truyện ngắn Lão Hạc, Nam Cao đã góp một tiếng nói to lớn cho chủ nghĩa hiện thực, thể hiện quan điểm cá nhân một cách rõ ràng và riêng biệt.

Hiện thực xã hội trước Cách mạng tháng Tám cũng được phơi bày một cách trần trụi trong Lão Hạc, đó là một xã hội bất công, mục ruỗng luôn đẩy người ta đến tận cùng của khốn khổ.

Như lão Hạc trong câu chuyện này, dù là một người nông dân lương thiện nhỏ bé nhưng đã bị chèn ép đến mức phải tìm đến cái chết để giữ lấy tôn nghiêm của bản thân.

Lão đã phải tìm đến cái chết để giữ lấy tôn nghiêm của mình

Hay như một nhân vật khác trong tác phẩm Lão Hạc là ông giáo, dù yêu những cuốn sách của mình đến mức nào thì khi bị cái đói khổ và bệnh tật đè nén, ông cũng phải cắn răng mà bán chúng đi.

Ôi! Những thứ mà người ta trân trọng, yêu quý đến thế nhưng cũng bị cuộc đời bòn rút từng chút một, đến mức trắng tay, đến mức phải lấy mạng sống của mình để bảo toàn cho chút tôn nghiêm cuối cùng.

Tuy sống trong hoàn cảnh tàn nhẫn cùng đầy rẫy bất công nhưng cái đẹp phẩm chất con người lại len lỏi ngời sáng như bông sen trắng giữa mặt nước phẳng lặng, cao quý và đáng trân trọng hơn bao giờ hết. Đó cũng chính là tư tưởng nhân đạo mà Nam Cao gửi gắm qua Lão Hạc. 

Những thành công mà Lão Hạc đem lại 

Truyện ngắn Lão Hạc đã thành công trong lòng khán giả bởi tính chân thực không tô vẽ và giọng văn giản dị chất phác của Nam Cao.

Khi đến với tác phẩm, độc giả sẽ không khỏi xót thương cho những kiếp người bị bần cùng hóa trước Các mạng tháng Tám, đồng thời là thái độ lên án, căm ghét xã hội phong kiến mục ruỗng xưa đã cướp đi quyền sống, quyền tự do và hạnh phúc của con người.

Truyện ngắn Lão Hạc cùng với hai tác phẩm khác của Nam Cao là Chí Phèo và Sống Mòn đã được kết hợp lại rồi chuyển thể thành phim Làng Vũ Đại Ngày Ấy vào năm 1980.

Vai lão Hạc trong phim được lột tả hết sức chân thực qua diễn xuất của nhà văn, diễn viên Kim Lân, ông cũng được biết đến là một cây bút tiêu biểu viết cho chủ nghĩa hiện thực qua tác phẩm Vợ Nhặt và Làng.

Nhà văn, diễn viên Kim Lân đảm nhận vai lão Hạc trong phim Làng Vũ Đại Ngày Ấy

Lão Hạc là một tác phẩm lớn, lên án mạnh mẽ chế độ phong kiến mục ruỗng đã khiến cho người dân rơi vào cảnh bần cùng hóa. Đồng thời, nhà văn cũng ca ngợi phẩm chất tốt đẹp của người dân Việt Nam xưa, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào vẫn âm thầm tỏa sáng, để lại cho hậu thế những bài học vô cùng sâu sắc!

Huyền Trang

Video liên quan

Chủ Đề