Luật hành chính về loan truyền tin hàng hóa năm 2024

Việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 và Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính đã đánh dấu một bước phát triển mới trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính nói riêng và hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung. Theo đó, đã hoàn thiện các cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục trong pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và khắc phục tối đa những hạn chế, bất cập trong các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành, góp phần bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên thực tế. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu, triển khai, nhận thấy một số quy định của Luật còn những khó khăn, vướng mắc như sau:

Một là, theo quy định tại khoản 5 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 29 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2020 thì: “…trường hợp vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản thì biên bản và các tài liệu khác phải được chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản, trừ trường hợp biên bản vi phạm hành chính được lập trên tàu bay, tàu biển, tàu hỏa”. Theo quy định trên thì thời gian 24 giờ là thời hạn liên tục (cả giờ hành chính và ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ, lễ). Tuy nhiên, trong trường hợp người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính vào ngày nghỉ, lễ, tết thì việc chuyển biên bản và hồ sơ đề nghị người có thẩm quyền xử phạt sẽ gặp khó khăn, trong khi có những hành vi vi phạm nếu không lập biên bản vi phạm hành chính ngay thì việc tìm đối tượng để lập biên bản là rất khó.

Hai là, điểm b khoản 4 Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 65 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung năm 2020 quy định “Hết thời hạn 01 năm, kể từ ngày thông báo lần thứ hai nếu người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính”. Tuy nhiên, việc quy định như trên sẽ dẫn đến có một số trường hợp khi hết thời hạn 01 năm thì một số hàng hóa là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính sẽ bị hết hạn sử dụng hoặc bị hư hỏng, gây khó khăn trong quá trình xử lý trong thực tiễn.

Ba là, Theo quy định tại khoản 8 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 64 Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung năm 2020 thì "Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề không quá 07 ngày làm việc, kể từ ngày tạm giữ; trường hợp vụ việc phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt thì thời hạn tạm giữ không quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày tạm giữ"

Điểm a khoản 1 Điều 66 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 34 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung năm 2020 quy định "vụ việc thuộc trường hợp phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 10 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 63 của Luật này".

Như vậy, trong trường hợp việc tạm giữ được thực hiện trước khi lập biên bản vi phạm hành chính thì khi ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì sẽ bị quá thời hạn tạm giữ 02 ngày. Vì vậy, đề nghị xem xét hướng dẫn đối với trường hợp này.

Đồng thời, quy định về thời hạn tạm giữ như trên là quá ngắn, gây không ít khó khăn trong quá trình xử lý vụ việc, đặc biệt là việc tạm giữ, thực hiện giám định về hàng hóa. Vì đối với các trường hợp để lấy mẫu kiểm nghiệm, giám định thì thời hạn thường trên 10 ngày mới có kết quả.

Bốn là, tại Điều 9 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định có 08 tình tiết giảm nhẹ. Tuy nhiên, các tình tiết giảm nhẹ phần lớn còn quy định khá chung chung, định tính và chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trên thực tế như: “Người vi phạm hành chính đã có hành vi ngăn chặn, làm giảm bớt hậu quả của vi phạm hoặc tự nguyện khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại"; “Người vi phạm hành chính đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi; tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng phát hiện vi phạm hành chính, XLVPHC”…Do đó, khi căn cứ các quy định nói trên, người có thẩm quyền xử phạt có tâm lý “sợ sai” nên không áp dụng cho “an toàn”, đồng thời dẫn đến tình trạng thiếu thống nhất trong việc áp dụng quy định của pháp luật.

Trên đây là một số khó khăn, vướng mắc trong quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020). Trong thời gian tới, mong rằng các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương tiếp tục nghiên cứu để có giải pháp khắc phục những tồn tại trên, rà soát để tham mưu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, đảm bảo khả thi nhằm hướng tới hoàn thiện pháp luật về lĩnh vực này, đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu quản lý Nhà nước, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong giai đoạn hiện nay./.