Mối quan hệ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa

[TBTCO] - Việt Nam đã bắt đầu bước vào giai đoạn phục hồi sau đại dịch và các phương án hỗ trợ cho quá trình phục hồi này đang được bàn thảo. Bài toán lớn đặt ra với các nhà hoạch định chính sách lúc này là việc cân bằng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để kích thích tăng trưởng và hỗ trợ phục hồi kinh tế trong giai đoạn tới.

Chia sẻ với phóng viên xung quanh vấn đề này, TS. Jacques Morisset - Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới [WB] tại Việt Nam cho biết, chúng ta đang ở trong đại dịch Covid-19, trong thời kỳ khủng hoảng, do đó cần hỗ trợ người dân và cả các doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Đối với Chính phủ, để ổn định kinh tế, có hai công cụ hỗ trợ đắc lực trong ngắn hạn là chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Như đa phần các quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam đã áp dụng chính sách tiền tệ, cụ thể là sử dụng các công cụ chính sách để khuyến khích hoạt động ngân hàng, giảm lãi suất, giảm chi phí vốn vay và mở rộng tín dụng cho người dân và doanh nghiệp.

“Việt Nam đã và đang triển khai chính sách này trong vòng 2 năm qua và theo tôi đây là hướng đi đúng đắn, cũng giống như nhiều quốc gia khác, vì chính sách này hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Tất nhiên chính sách hỗ trợ này chưa đồng đều vì mới chỉ nhắm tới các hoạt động kinh doanh có liên quan tới ngân hàng, trong khi ở Việt Nam có ít nhất 50% các hoạt động kinh doanh ngoài ngân hàng. Bởi vậy có thể nói, dù chỉ là sự hỗ trợ cho một phần nền kinh tế, nhưng sự hỗ trợ này rất quan trọng” – TS. Morisset nhận định.

Việt Nam đã áp dụng chính sách tiền tệ, để khuyến khích hoạt động ngân hàng, giảm lãi suất, giảm chi phí vốn vay và mở rộng tín dụng cho người dân và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, TS. Morisset cũng chỉ ra rằng, chính sách tiền tệ cũng có những rủi ro bởi vì có thể tiền sẽ chảy vào túi những doanh nghiệp sẽ phá sản. Đó là kịch bản xấu nhất. Hay một kịch bản khác là các doanh nghiệp không thể trả tiền vay ngân hàng, như vậy vấn đề chỉ chuyển từ doanh nghiệp sang ngân hàng. Đó là một rủi ro lớn và bắt đầu có những lo ngại rằng, những rủi ro này ngày càng tăng, nhất là khi Việt Nam đã triển khai chính sách tiền tệ này được hai năm.

Bởi vậy, TS. Morisset cho rằng, Việt Nam cần thận trọng hơn đối với chính sách tiền tệ đã triển khai trong vòng hai năm qua, nhưng không có nghĩa là nên ngừng chính sách này mà cần thận trọng hơn, có thể là minh bạch hơn về tình hình hoạt động của các ngân hàng và doanh nghiệp hoặc của những người vay vốn trong hệ thống tài chính. Trong thời gian tới, các nhà hoạch định chính sách cần phải theo dõi sát sao tình hình “sức khỏe” của khu vực tài chính, để tránh những rủi ro hệ thống.

Bên cạnh đó, theo vị chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam, qua những diễn biến gần đây của kinh tế thế giới và Việt Nam có thể thấy vấn đề về lạm phát có khả năng quay trở lại, không chỉ ở Việt Nam mà ở tất cả các quốc gia khác. Bởi vậy, Ngân hàng Nhà nước cần kiểm soát lạm phát thận trọng hơn so với thời gian đầu năm 2020.

Thực hiện các biện pháp kích cầu mạnh mẽ hơn

Về chính sách tài khóa, TS. Morisset phân tích, chính sách tài khóa là việc bơm tiền vào nền kinh tế, có thể thông qua đầu tư cho các dự án, tạo công ăn việc làm, mua bán nguyên vật liệu, hỗ trợ cho các tổ chức nhà nước để tiêu dùng và đưa vào nền kinh tế hoặc hỗ trợ tiền mặt cho người dân để kích cầu tiêu dùng. Theo ông, Việt Nam đã triển khai tất cả các hoạt động này, trong năm 2020 Việt Nam đã bơm tiền vào các hoạt động đầu tư, hỗ trợ tiền cho người dân nhưng việc thực hiện còn khá “rụt rè” trong năm 2020 và rụt rè hơn nữa trong năm 2021.

Lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam

“Tôi rất lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam, tất nhiên với điều kiện là Chính phủ kiểm soát tốt chính sách tài khóa và nền kinh tế không bị đóng cửa trở lại vì đại dịch Covid-19”. - TS. Jacques Morisset

TS. Morisset cho biết: “Theo như Bộ Tài chính chia sẻ với chúng tôi, ngân sách dự kiến chi 4% GDP để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân nhưng tiến độ thực hiện thực tế hiện mới chỉ giải ngân được khoảng trên 2,8% và trong 2,8% này có tới 1,6% là từ việc gia hạn thời gian nộp thuế”.

Vị chuyên gia WB cho rằng, Chính phủ có thực hiện hỗ trợ nhưng vẫn còn ở mức khá khiêm tốn, nhất là so với nhiều quốc gia khác trên thế giới, hay ngay cả các quốc gia ở châu Á như Nhật Bản, Malaysia, Hồng Kông... Vì vậy, trong thời gian tới, Chính phủ cần triển khai các biện pháp kích cầu mạnh mẽ hơn nữa, ví dụ như ban hành các gói tài khóa mạnh hơn như nhiều quốc gia khác đã thực hiện.

Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn còn dư địa tài khóa khi tỷ lệ nợ công mới chỉ ở mức 44% trong khi trần nợ công được Quốc hội thông qua ở mức hơn 60%. Việt Nam vẫn còn dư địa để vay vốn, cho dù không đẩy mạnh vay vốn thì Việt Nam cũng có thể tăng chi ngân sách vì dự trữ tiền mặt của Chính phủ vẫn tốt. Tóm lại, để đẩy nhanh quá trình phục hồi, điều Chính phủ cần lưu ý là chi ngân sách nhiều hơn, và giảm các khoản đóng góp cho người dân.

“Chính sách tài khóa có thể là một công cụ rất hiệu quả nếu Chính phủ có tiền để triển khai và Việt Nam vẫn còn dư địa để triển khai chính sách này. Tuy nhiên, đề xuất của tôi là Chính phủ cũng không nên sử dụng công cụ này mãi mà hãy chỉ sử dụng nó khi cần để kích thích tăng trưởng kinh tế và sử dụng nó để quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng đã có từ trước thời kỳ đại dịch” – Chuyên gia kinh tế trưởng của WB Việt Nam TS. Morisset khuyến nghị.

[TBTCO] - Thực hiện các chủ trương của Đảng và Chính phủ, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước [NHNN] đã tăng cường phối hợp trong quản lý và điều hành các chính sách kinh tế vĩ mô, thể hiện rõ qua việc thực hiện đồng bộ các giải pháp về tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Chính phủ đã ban hành các nghị định miễn, giảm, giãn thuế, tiền thuê đất, các loại phí, lệ phí hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất.

Phối hợp đồng bộ, chặt chẽ

Về chính sách tài khóa [CSTK], mặc dù ngân sách nhà nước [NSNN] gặp khó khăn nhưng nhờ chủ động trong điều hành, nên cân đối ngân sách trung ương và các địa phương vẫn được đảm bảo, tập trung cho an sinh xã hội và ứng phó với dịch Covid-19. Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành các nghị định miễn, giảm, giãn thuế, tiền thuê đất, các loại phí, lệ phí. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2021, đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn khoảng 27,5 nghìn tỷ đồng. Không chỉ vậy, tính từ năm 2020 đến hết tháng 6/2021, NSNN đã chi 21,5 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Gần đây, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid-19. Đến cuối tháng 7/2021, với hơn 8.000 tỷ đồng huy động được, cùng kinh phí bố trí từ NSNN, tổng nguồn lực của Quỹ đạt khoảng 25.000 tỷ đồng, mua đủ 150 triệu liều tiêm cho 70% dân số cả nước.

Đồng thời, để hỗ trợ cho tăng trưởng và đầu tư, các biện pháp để tháo gỡ khó khăn về thủ tục, đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công được triển khai quyết liệt. Vốn từ NSNN thực hiện năm 2020 ước đạt 91,1% kế hoạch năm và tăng 34,5% so với năm 2019, đóng góp 64% vào đầu tư của khu vực Nhà nước năm 2020.

Nâng cao hiệu quả quản lý ngân quỹ và giúp điều tiết nguồn vốn chủ động

"Trong công tác quản lý ngân quỹ nhà nước, từ cuối năm 2019, tiền gửi thanh toán của Kho bạc Nhà nước [KBNN] tại các ngân hàng thương mại đã được chuyển về tài khoản tổng hợp của KBNN tại Trung ương và tài khoản này tập trung tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước [NHNN]. Theo đó, không chỉ giúp KBNN nâng cao hiệu quả quản lý ngân quỹ và năng lực quản trị dòng tiền, mà còn giúp NHNN điều tiết nguồn vốn trong hệ thống hàng ngày chủ động hơn.

Việc NHNN điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ và thực hiện giảm lãi suất đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát hành trái phiếu chính phủ, đảm bảo khối lượng huy động và tiết kiệm cho ngân sách nhà nước [NSNN]. Đồng thời, cơ cấu lại NSNN và nợ công đã giúp cải thiện bền vững tài khóa; công tác phát hành trái phiếu chính phủ có những cải tiến đáng kể với kỳ hạn phát hành được mở rộng dần. Nhờ đó, đã góp phần hạn chế áp lực lên lãi suất và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô".

Bà Trần Thu Thủy - Ban Kinh tế vĩ mô và Dự báo, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính.

Cùng với đó, chính sách tiền tệ [CSTT] cũng được điều hành linh hoạt, đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối. Năm 2020, NHNN đã 3 lần giảm lãi suất điều hành, tạo điều kiện để hạ mặt bằng lãi suất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19, được sự cho phép của NHNN, các tổ chức tín dụng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm, hạ lãi suất cho khách hàng có dư nợ; cho vay mới lãi suất ưu đãi... NHNN cũng gia hạn thời hạn áp dụng tỷ lệ cho vay trung dài hạn từ nguồn vốn ngắn hạn để hỗ trợ tổ chức tín dụng tháo gỡ khó khăn cho người đi vay, nhất là vay dài hạn…

Bên cạnh đó, CSTK và CSTT đã phối hợp chặt chẽ trong điều hành giá cả và đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Cụ thể, Bộ Tài chính và NHNN thời gian qua thường xuyên trao đổi thông tin trong việc theo dõi và đánh giá diễn biến kinh tế vĩ mô, biến động thị trường [chứng khoán, tiền tệ, ngoại hối…], tình hình giá cả thế giới và trong nước để thống nhất quan điểm chỉ đạo, điều hành. Đồng thời, Bộ Tài chính và NHNN đã phối hợp chặt chẽ, kịp thời tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo điều hành giá các giải pháp kết hợp điều hành CSTK và CSTT trong quá trình điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý. Nhờ vậy, đã góp phần kiểm soát lạm phát dưới mục tiêu 4%, giúp tạo dư địa để Chính phủ điều chỉnh giá các mặt hàng và dịch vụ Nhà nước quản lý. Ổn định kinh tế vĩ mô cũng giúp tạo niềm tin cho nhà đầu tư trong và ngoài nước, duy trì dòng vốn FDI và đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Dư địa chính sách không còn nhiều

Bên cạnh các kết quả tích cực, phối hợp CSTK và CSTT để thực hiện mục tiêu kép thời gian tới cũng phải đối mặt với những thách thức không nhỏ, khi dư địa các chính sách không còn nhiều.

Về CSTK, thu ngân sách trong những tháng cuối năm 2021 sẽ gặp nhiều khó khăn do tác động nặng nề của dịch Covid-19 đến nền kinh tế cũng như việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ tài khóa. Trong khi đó, mặc dù đầu tư công hiện là một trong các “mũi giáp công” để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng giải ngân vẫn chậm tiến độ, 7 tháng năm 2021 mới đạt 44,7% kế hoạch năm. Bên cạnh các vướng mắc về mặt thủ tục, giải ngân vốn đầu tư công cũng vấp phải khó khăn do dịch bùng phát và giá cả nguyên vật liệu tăng cao đột biến so với thời điểm đấu thầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến huy động nguồn lực và tiến độ thi công.

Về CSTT, rủi ro thị trường tiền tệ và xử lý nợ xấu đang tăng lên ở nửa cuối năm 2021. Tình hình sản xuất kinh doanh và việc làm đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, khiến các rủi ro về nợ xấu đang gia tăng. Trong khi đó, dòng vốn đang phân tán mạnh vào các kênh có độ rủi ro cao như chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp…, tiềm ẩn các nguy cơ làm mất cân bằng thị trường tài chính, tiền tệ và không đạt được mục tiêu hạ lãi suất để hỗ trợ sản xuất kinh doanh.

Trước những khó khăn như vậy, trong những tháng cuối năm 2021, Bộ Tài chính và NHNN cần tiếp tục phối hợp theo dõi sát diễn biến của nền kinh tế để ứng phó kịp thời với các cú sốc và triển khai các giải pháp hỗ trợ kinh tế phục hồi ngay khi dịch bệnh trong nước được kiểm soát. Bên cạnh đó, để có dư địa chính sách thực hiện mục tiêu kép, CSTK cần siết chặt kỷ luật tài khóa, huy động các nguồn lực ngoài nhà nước cho công tác phòng chống dịch và đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời, đối với CSTT, cần giám sát tăng trưởng tín dụng để đảm bảo dòng vốn chảy vào sản xuất kinh doanh thay vì các kênh đầu cơ.

Chính sách tài khóa và tiền tệ phối hợp tương đối tốt, hiệu quả

"Sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ là rất cần thiết để tránh việc “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” trong điều hành các chính sách về kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Tham mưu cho Chính phủ về chính sách tài khóa là Bộ Tài chính, về chính sách tiền tệ là Ngân hàng Nhà nước. Hai cơ quan này đã có sự trao đổi, thống nhất về các chính sách hỗ trợ để các chính sách không bị “giẫm chân lên nhau”, không mâu thuẫn nhau.

Theo quan sát của cá nhân tôi, sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ thời gian qua là tương đối tốt, hiệu quả. Sự phối hợp hiệu quả này đã đem lại những tín hiệu tích cực cho quá trình phục hồi của các doanh nghiệp, hỗ trợ thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ".

TS. Nguyễn Văn Hiến - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing.

[Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ]

Video liên quan

Chủ Đề