Một trong 4 nội dung về xây dựng chính quy là

QPTD -Thứ Hai, 08/08/2011, 06:31 [GMT+7]

Quân đội tiếp tục đẩy mạnh xây dựng chính quy trong tình hình mới

Xây dựng chính quy là nội dung xuyên suốt trong sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân [QĐND], dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong giai đoạn mới, để bảo đảm cho quân đội phát huy tốt vai trò nòng cốt trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc XHCN, việc đẩy mạnh xây dựng quân đội chính quy càng có ý nghĩa quan trọng, cấp thiết.


Ảnh mang tính minh họa [Nguồn: Báo QĐND]

Trong đường lối, quan điểm quốc phòng, quân sự của Đảng, vấn đề xây dựng lực lượng vũ trang nói chung, QĐND nói riêng luôn là chủ trương chiến lược, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng quyết định tới thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Trong đó, xây dựng quân đội chính quy là nội dung trọng tâm, xuyên suốt, góp phần to lớn vào quá trình trưởng thành, chiến đấu và chiến thắng của QĐND trong từng giai đoạn cách mạng.

Trong những năm qua, nhằm cụ thể hoá đường lối của Đảng về xây dựng QĐND trong giai đoạn mới, Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng đã ban hành nhiều chỉ thị, hướng dẫn về xây dựng quân đội chính quy, triển khai thực hiện nghiêm túc và đạt được kết quả quan trọng. Nổi bật là, đã nâng cao một bước nhận thức, trách nhiệm và quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ đối với nhiệm vụ này. Việc chấn chỉnh tổ chức biên chế, trang bị được thực hiện tích cực theo hướng tinh, gọn, mạnh, bảo đảm thống nhất theo biểu tổ chức biên chế mới cho từng loại hình cơ quan, đơn vị, quân chủng, binh chủng, ngành nghề và phù hợp với nhiệm vụ được giao. Nhiệm vụ huấn luyện được đổi mới theo phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu; chương trình, nội dung, công tác tổ chức, điều hành, kiểm tra, bảo đảm huấn luyện ngày càng đi vào nền nếp, chính quy, thống nhất. Công tác quản lý bộ đội, quản lý vũ khí trang bị [VKTB] có nhiều tiến bộ; tình trạng vi phạm kỷ luật, nhất là vi phạm kỷ luật nghiêm trọng được hạn chế. Hệ thống bảo đảm hậu cần, kỹ thuật từng bước được đồng bộ, thống nhất, nhất là bảo đảm về VKTB, phương tiện làm việc, hệ thống doanh trại và trang phục cho bộ đội, góp phần đẩy mạnh chính quy hoá quân đội lên một bước mới.

Bên cạnh kết quả đã đạt được, nhận thức về vị trí, tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng quân đội chính quy của một số cán bộ, chiến sĩ còn hạn chế; việc chấn chỉnh tổ chức biên chế có mặt chưa khoa học, hợp lý, còn dàn trải, thiếu tập trung. Chất lượng xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, xây dựng nền nếp chính quy ở một số đơn vị chưa vững chắc.

Hiện nay, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc XHCN đặt ra những yêu cầu mới cao hơn, nặng nề hơn; trong đó, xuất hiện nhiều nhân tố mới tác động trực tiếp đến quá trình xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng. Các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hoà bình”, trọng tâm là âm mưu thúc đẩy “tự diễn biến”, “phi chính trị hóa quân đội”, hòng chia rẽ Đảng, Nhà nước và quân đội, làm cho quân đội mất phương hướng, lý tưởng, mục tiêu chiến đấu, tiến tới xoá bỏ sự lãnh đạo của Đảng đối với QĐND. Tình hình đó đòi hỏi phải đẩy mạnh xây dựng QĐND theo hướng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”; trong đó, xây dựng quân đội chính quy là nội dung quan trọng, thường xuyên, cần được triển khai thực hiện với các nội dung cơ bản sau.

Một là, tập trung giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về nhiệm vụ xây dựng quân đội chính quy trong tình hình mới. Xây dựng quân đội chính quy là quá trình nhằm tạo ra sự thống nhất về nhận thức tư tưởng; về tổ chức biên chế, trang bị; về huấn luyện, giáo dục - đào tạo và thực hiện các chế độ, nền nếp… làm cho quân đội có tính tổ chức, tính kỷ luật, tính tập trung thống nhất cao hơn, khoa học hơn. Điều đó đòi hỏi trước hết đối với từng cá nhân và tập thể quân nhân phải có chiều sâu nhận thức, sự hiểu biết toàn diện và thái độ, hành động mẫu mực đối với nhiệm vụ này. Vì vậy, nâng cao nhận thức cho bộ đội, nhất là đội ngũ cán bộ các cấp về mục tiêu, yêu cầu, nội dung của xây dựng chính quy là vấn đề quan trọng, có ý nghĩa quyết định tới chất lượng xây dựng quân đội chính quy. Để làm được điều đó, lãnh đạo, chỉ huy, chính uỷ, chính trị viên các đơn vị cần tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, của Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu về xây dựng quân đội chính quy, trọng tâm là Chỉ thị 37/CT-ĐUQSTW của Thường vụ Đảng uỷ Quân sự Trung ương [nay là Quân uỷ Trung ương] và Chỉ thị 85/CT-TM của Tổng Tham mưu trưởng về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng chính quy QĐND Việt Nam trong những năm tới. Thông qua đó, làm cho mọi quân nhân có nhận thức đúng về vị trí, mục tiêu, nội dung, yêu cầu của xây dựng quân đội chính quy; thấy rõ xây dựng chính quy là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của đơn vị. Trên cơ sở đó, nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong thực hiện nhiệm vụ này. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, giáo dục phải làm cho mọi người hiểu rõ: xây dựng quân đội chính quy là nhiệm vụ có nội hàm rộng, diễn ra trên các mặt công tác, ở tất cả các cấp, các ngành và mang tính thống nhất cao, đòi hỏi mỗi quân nhân phải xây dựng cho mình ý thức tự giác, lòng tự trọng, tính tổ chức, kỷ luật cao, tạo sức mạnh tổng hợp, xây dựng quân đội chính quy, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Trong quá trình tuyên truyền, giáo dục cần tích cực đổi mới hình thức và phương pháp phù hợp với từng đối tượng; chú trọng tiếp cận, khai thác và sử dụng các phương tiện thông tin hiện đại, hình thức thông tin hấp dẫn, có sức thuyết phục cao, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, chiến sĩ về xây dựng quân đội chính quy trong điều kiện mới.

Hai là, nâng cao chất lượng công tác huấn luyện điều lệnh trong toàn quân. Phải khẳng định rằng, hệ thống điều lệnh, điều lệ của quân đội ta thực chất là sự phản ánh sâu sắc đường lối chính trị, đường lối quân sự của Đảng; quy định về nhiệm vụ, chức trách chủ yếu của quân nhân cũng như các mối quan hệ cơ bản trong nội bộ quân đội và mối quan hệ giữa quân đội với Đảng, Nhà nước và nhân dân, làm cho quân đội thống nhất cao cả về ý chí và hành động, thực hiện “triệu người như một”, tạo sức mạnh tổng hợp hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Vì vậy, nâng cao chất lượng huấn luyện điều lệnh là nội dung quan trọng trong xây dựng quân đội chính quy thời kỳ mới.

Trên cơ sở quán triệt và thực hiện nghiêm túc chỉ lệnh huấn luyện của Tổng Tham mưu trưởng, các đơn vị chú trọng thích đáng đến công tác huấn luyện điều lệnh, bao gồm cả huấn luyện Điều lệnh Quản lý bộ đội và Điều lệnh Đội ngũ theo đúng chương trình quy định cho từng đối tượng. Trong đó, phải tập trung đổi mới toàn diện và thống nhất về chương trình, nội dung, phương pháp cũng như bảo đảm cơ sở vật chất và công tác chỉ đạo điều hành huấn luyện, tạo bước chuyển biến cơ bản, vững chắc về lễ tiết tác phong quân nhân để thực hiện thống nhất trong toàn quân. Đối với huấn luyện Điều lệnh Quản lý bộ đội, phải thực hiện đầy đủ các nội dung theo quy định, trọng tâm là công tác quản lý con người và VKTB. Trong đó, việc quản lý con người phải bảo đảm toàn diện cả về số lượng, chất lượng quản lý mọi lúc, mọi nơi trong suốt thời gian quân nhân tại ngũ; chú trọng quản lý bộ đội thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ, mệnh lệnh, chỉ thị cấp trên và kỷ luật quân đội, pháp luật Nhà nước, bảo đảm hạn chế thấp nhất các vi phạm kỷ luật thông thường, không có vụ việc kỷ luật nghiêm trọng xảy ra. Đối với huấn luyện Điều lệnh Đội ngũ, phải thực hiện nghiêm chương trình, nội dung, thời gian và tổ chức, phương pháp huấn luyện; trong đó, việc xác định nội dung, xây dựng chương trình phải bảo đảm khoa học, hợp lý và cân đối giữa tỷ lệ lý thuyết và thực hành. Chương trình huấn luyện đội ngũ phải bảo đảm tính hệ thống từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ phân đoạn đến tổng hợp, làm cho bộ đội nắm vững lý thuyết, thuần thục động tác, yếu lĩnh chuẩn xác, thích ứng nhanh, linh hoạt trong điều kiện sinh hoạt, học tập ở từng đơn vị. Thời gian tới, để nâng cao chất lượng huấn luyện Điều lệnh Đội ngũ, lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị cần quan tâm dành nhiều thời gian cho nội dung này; duy trì rèn luyện một cách thường xuyên, coi việc rèn luyện điều lệnh là công việc hằng ngày của bộ đội. Cùng với đó, tập trung nâng cao năng lực thực hành Điều lệnh Đội ngũ cho cán bộ các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ ở cơ sở, tạo cơ sở, nền tảng để nâng cao chất lượng thực hành điều lệnh ở đơn vị một cách vững chắc; đồng thời, lấy đó là một tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ và đơn vị.

Ba là, đẩy mạnh việc thực hiện đúng chức trách, nền nếp chế độ quy định trong các đơn vị. Đây là nội dung có vị trí hết sức quan trọng trong xây dựng quân đội chính quy và là nhân tố chủ yếu để nâng cao hiệu lực chỉ huy, quản lý đơn vị, thực hiện tốt kế hoạch công tác và duy trì nghiêm việc chấp hành pháp luật, điều lệnh, điều lệ của đơn vị. Để thực hiện đúng chức trách, nền nếp chế độ quy định, lãnh đạo, chỉ huy, chính uỷ, chính trị viên các đơn vị cần phân định rõ thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ giải quyết công việc, nhằm tạo cơ chế điều hành thông suốt, có hiệu quả cao trong mọi hoạt động. Mọi quân nhân phải xây dựng ý thức tự giác chấp hành nền nếp, chế độ quy định, thực hiện giờ nào việc nấy theo đúng chức trách, nhiệm vụ được giao. Riêng cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, chính uỷ, chính trị viên các cấp phải thực sự gương mẫu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, nói đi đôi với làm để cấp dưới học tập, làm theo. Trong tình hình hiện nay, cần xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ có tác phong chính quy, ý thức tổ chức kỷ luật và năng lực quản lý chính quy ở đơn vị mình. Cán bộ chỉ huy phải có tác phong xông xáo, miệng nói tay làm, quyết đoán, làm đúng chức trách, quyền hạn và dám chịu trách nhiệm. Đồng thời, chú trọng rèn luyện cán bộ trong việc sử dụng ngôn ngữ chỉ huy thống nhất, ngắn gọn, mạch lạc, dứt khoát, bảo đảm tính khẩn trương, chính xác cao; từng bước khắc phục việc nói dài, thiếu trọng tâm, trọng điểm.

Cùng với đó, chỉ huy các cấp phải duy trì nghiêm các nền nếp, chế độ trong ngày, trong tuần, nhất là chế độ huấn luyện chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, giáo dục - đào tạo; tổ chức thực hiện nhiệm vụ đạt hiệu quả cao, gắn việc chấp hành và thực hiện nền nếp chính quy với thực hiện nhiệm vụ ở mọi lúc, mọi nơi; thực hiện mọi quân nhân “làm việc theo chức trách, hành động theo điều lệnh”.

Bốn là, coi trọng việc bảo đảm cơ sở vật chất cho nhiệm vụ xây dựng quân đội chính quy. Trên cơ sở yêu cầu, nội dung và tiêu chí xây dựng QĐND chính quy thời kỳ mới, Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng cần quan tâm ưu tiên việc bảo đảm cơ sở vật chất, trang bị kỹ thuật để xây dựng quân đội chính quy ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ. Yêu cầu của công tác bảo đảm phải toàn diện, đầy đủ, kịp thời, đáp ứng nhiệm vụ xây dựng chính quy ở từng cơ quan, đơn vị và nhà trường quân đội. Mặt khác, các đơn vị trong toàn quân, nhất là các đơn vị làm nhiệm vụ bảo đảm, phải phát huy tinh thần tự lực, tự cường, khắc phục khó khăn, phát huy nội lực, tích cực tạo nguồn ngân sách, tài chính, cơ sở vật chất để bảo đảm cho xây dựng đơn vị chính quy theo lộ trình, bước đi đã được xác định. Trong công tác bảo đảm, phải tích cực đổi mới phương thức bảo đảm, nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và sử dụng cơ sở vật chất, trang bị kỹ thuật trong quân đội. Trước mắt, cần làm tốt các khâu: xây dựng kế hoạch phân cấp bảo đảm, tổ chức đấu thầu trong khai thác tạo nguồn, từng bước xã hội hoá một số nội dung bảo đảm như: chăm sóc sức khoẻ, nuôi dưỡng bộ đội, bảo đảm quân trang,… vừa giảm lực lượng biên chế, vừa nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm. Về lâu dài, cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, áp dụng các thành tựu khoa học tiên tiến vào công tác bảo đảm, nhất là trong nghiên cứu, sản xuất các mô hình học cụ tiên tiến; cải tiến VKTB và chế biến, bảo quản lương thực, thực phẩm… Bên cạnh đó, cần có kế hoạch và cơ chế bảo đảm kinh phí hợp lý, đáp ứng nhu cầu mua sắm VKTB, phương tiện kỹ thuật mới, hiện đại; xây dựng doanh trại chính quy, thống nhất phục vụ cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, giáo dục - đào tạo và bảo đảm đời sống bộ đội, góp phần xây dựng QĐND “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại” trong tình hình mới.

Trung tướng TÔ ĐÌNH PHÙNG

Cục trưởng Cục Quân huấn, Bộ Tổng tham mưu

Video liên quan

Chủ Đề