Ngôn ngữ so sánh như thế này năm 2024

Thử ngỏ gửi TS Vũ Thị Phương Anh và những người đồng tình với quan điểm của bài báo trên (bấm vào link để đọc)

Tôi vẫn hay quan tâm tới các bài viết của chị, nhiều bài thể hiện góc nhìn sắc, sâu. Nhưng lần này, có vẻ chị hơi nhầm lẫn một chút, liên quan tới cái danh tiến sĩ ngôn ngữ so sánh và tiến sĩ tiếng Anh mà chị đề cập tới đầy mỉa mai (không biết khi truyền đạt lại ý của chị phóng viên có nhầm lẫn gì không).

1. Ngôn ngữ học là một ngành khoa học. Học bằng tiếng nào đó là công cụ, chứ không phải nội dung đào tạo. Không có ngành tiến sĩ tiếng Anh chị ạ. Chỉ có ngành tiến sĩ về một chuyên ngành cụ thể như: ngôn ngữ học (linguistics), Phương pháp giảng dạy tiếng (Anh, Nga, Pháp, Nhật v.v.), Ngôn ngữ học ứng dụng (thực chất vẫn là phương pháp giảng dạy, +++), giáo dục học v.v. Thực thà là tới giờ tôi chưa từng nghe thấy có bằng cấp nào là Tiến sĩ tiếng Anh như chị nói cả. Có lẽ chị muốn nói là tiến sĩ học bằng tiếng Anh chăng? Chị học tiến sĩ tiếng Anh? Bằng của chị nó ghi thế ạ? Chắc chắn không, đúng không ạ vì tôi dám khẳng định, chẳng có giáo viên tiếng Anh nào ở Việt Nam đi học nước ngoài mà có bằng thạc sĩ hay tiến sĩ tiếng Anh cả.

Còn nếu muốn có chuyên ngành đó, chính xác phải học ngành Tiếng Anh và Văn học ở các khoa giống như khoa ngữ văn của ta, khoa ngữ văn của đại học Oxford, hay các khoa ngữ văn của các trường của Nga, khi mà họ đào tạo chuyên sâu về ngành ngôn ngữ học nói chung và ngôn ngữ đặc thù từng thứ tiếng của phân khoa. Ở các khoa này họ dạy bài bản các vấn đề từ ngữ âm, âm vị học, từ vựng học, cú pháp học, lịch sử ngôn ngữ học, phương ngữ học, ngữ pháp học chức năng, ngữ dụng học, phong cách học v.v. và văn học Anh từ văn hoc lịch sử tới văn học hiện đại qua nhiều thời kì, từ văn học trong nước tới văn học nước ngoài và đọc hàng đống đầu sách, viết hàng đống tiểu luận v.v. (hoàn toàn chẳng có môn nào gọi là môn thực hành tiếng như trong các chương trình cử nhân ngôn ngữ Anh của ta cả). Nếu các trường có định hướng sư phạm thì còn phải học thêm nhiều chuyên ngành khác như là tâm lí học, sư phạm học, lịch sử sư phạm v.v. Học tiếng Anh kiểu này chắc Việt Nam chưa có ai (từ cử nhân lên thạc sĩ, tiến sĩ), dù chương trình có na ná (như chương trình của khoa tiếng Anh – ULIS) mà học sinh kêu oai oái vì không học nổi (như ở một số diễn đàn).

Nói như vậy để thấy cái chữ “bèn” của chị phải dùng ngược lại. “thay vì học các môn chuyên ngành họ bèn đi học phương pháp giảng dạy” (vì có giỏi phương pháp mà không giỏi tiếng cũng như chuyên ngành thì chẳng bao giờ có thể là giáo viên tiếng giỏi cả).

Còn người học tiếng để đi dạy thì phải khác với học tiếng để đi làm việc khác.

Các chị mỉa mai mấy ông trưởng khoa tiếng Anh đi học ngôn ngữ học so sánh thì không đúng, ấy là chưa nói họ thật dũng cảm.

2. Một giáo viên đi dạy tiếng lấy học vị ở bậc đại học, kiến thức chuyên ngành về ngôn ngữ học là rất quan trọng, bên cạnh kiến thức phương pháp giảng dạy và khả năng sử dụng ngôn ngữ đó. Khả năng giảng dạy tiếng thì được đo bằng năng lực sử dụng ngôn ngữ. Tiếng Anh đo được cái này qua hệ thống thi kiểm tra năng lực ngôn ngữ. Chắc chị không xa lạ với vấn đề này.

Ngôn ngữ học so sánh là một ngành của ngôn ngữ học nói chung. Nếu giảng viên dạy tiếng Anh mà có chuyên ngành ngôn ngữ học so sánh đối chiếu, hay học lý luận ngôn ngữ thì quá tốt chứ không phải chỉ đơn thuần là tốt.

(Còn chuyện chị nói là đi học “trái ngành” cho nó dễ thì mong chị xem lại vì thứ nhất là nó không trái ngành, và thứ hai là nó không dễ hơn. Đấy là còn chưa kể nó rất bổ ích, rất thiết yếu, và rất không dễ ạ).

Còn nếu nói là phải học phương pháp giảng dạy bằng tiếng Anh, viết luận án bằng tiếng Anh thì mới gọi là tiến sĩ tiếng Anh thì mong chị xem lại ạ.

Tất nhiên, nếu được học các chuyên ngành ngôn ngữ bằng tiếng Anh (hay bất cứ thứ tiếng nào mà người dạy tiếng đó phải biết) thì có lẽ tốt, nhưng chưa hẳn là phương pháp tối ưu.

Mà nếu áp dụng phổ quát cho các giảng viên dạy các thứ tiếng khác – các thứ tiếng được gọi là hiếm – thì e rằng, tình hình còn “thê thảm” hơn nhiều.

Bổ sung: Ngôn ngữ học bao gồm ngôn ngữ học có hai ngành chính: lí luận ngôn ngữ và ngôn ngữ học ứng dụng. Phương pháp giảng dạy tiếng, ngôn ngữ học so sánh, dịch thuật v.v. thuộc một ngành hẹp của ngôn ngữ học ứng dụng) Các lí thuyết về phương pháp giảng dạy đều bắt nguồn từ các quan điểm luận của ngôn ngữ học nói chung. Ví dụ chị thấy các bài tập viết lại câu trong FCE là dựa vào lí thuyết ngữ pháp cải biên và tạo sinh của Chomsky)

3. Thế nên, nếu một người làm trưởng khoa hay hiệu trưởng mà có học quản lí giáo dục thì là tốt chứ chị. Nhưng người làm chủ nhiệm bộ môn, ví dụ lý thuyết tiếng thì có lẽ cái bằng chuyên ngành ngôn ngữ học nó đúng hơn là ngành phương pháp giảng dạy. Đúng không chị nhỉ?

4. Một giảng viên đại học dạy các môn chuyên ngành bằng tiếng Anh như lý thuyết ngôn ngữ học (ngữ âm, ngữ pháp, từ vựng học, ngữ dụng, ngôn ngữ học so sánh đối chiếu, phong cách học, phân tích văn bản v.v.) thì đúng chuyên ngành hơn là một người có chuyên ngành về phương pháp giảng dạy tiếng Anh chị ạ. Miễn sao họ chứng tỏ được là họ có khả năng truyền đạt ngôn ngữ đó bằng tiếng Anh. Lí do là: dù một ngôn ngữ có được dạy bằng tiếng nào thì nó vẫn phải được dạy trên nền của khoa học ngôn ngữ, chị ạ.

5. Nếu muốn yêu cầu dạy đúng chuyên ngành thì chắc chẳng tìm nổi giáo viên mà giảng dạy. Ví dụ, thạc sĩ hay tiến sĩ TESOL hay TEFL hay Ed. thì chỉ được dạy các môn lí thuyết về phương pháp giảng dạy tiếng, quản lí giáo dục, hoặc chỉ được phép dạy “món” thực hành tiếng thôi – mà nói thật, dạy thực hành tiếng thì cần gì phải có bằng cấp đâu, ai dạy mà chả được miễn là họ dạy được.

Còn các thạc sĩ, tiến sĩ ngôn ngữ mới là đúng chuyên ngành để dạy các môn lý thuyết tiếng (các môn chuyên ngành) theo đúng nghĩa.

Nếu được phép dùng từ “bèn” như trong bài báo, tôi cũng muốn dùng lại thế này: thay vì đi học ngôn ngữ học để đủ trình độ dạy ở khoa ngôn ngữ (Anh) thì hầu hết lại đi học phương pháp giảng dạy môn đó, cho nó dễ vì học ngôn ngữ học nó không dễ “nhằn” như học phương pháp giảng dạy – vốn chẳng giúp gì về năng lực chuyên môn cả (Không tin chị cứ kiểm tra xem các thạc sĩ TESOL học ở trong nước xem họ có công nhận là họ giỏi năng lực ngôn ngữ hơn sau khi nhận bằng không).

(vui một tí: Có giáo sư ngôn ngữ học (không phải người Việt nhé) còn không coi phương pháp giảng dạy là một ngành khoa học nữa).

6. Đương nhiên, khi nói tới vấn đề này, tôi phải bổ sung thêm và khẳng định lại, không phải ai tốt nghiệp ngành ngôn ngữ học nói chung cũng dạy được bằng tiếng Anh nếu họ không có những kiến thức đặc thù về ngôn ngữ đó. Và không phải ai có bằng tiến sĩ về phương pháp giảng dạy tiếng Anh cũng đi dạy được các môn cơ sở ngành bằng tiếng Anh được. Phải không chị?

Đơn giản để dạy ngành tiếng (cho các khoa ngôn ngũ tiếng a b c đó) nó gồm ba cạnh của một tam giác thế này (quan trọng như nhau):

  1. Năng lực ngoại ngữ dùng để giảng dạy (quan trọng số 1)
  2. Kiến thức ngành (quan trọng không kém – nó phân biệt một giáo viên nghiệp dư với giáo viên chuyên nghiệp)
  3. Nghiệp vụ sư phạm (quan trọng không kém – dạy học không chỉ dạy kiến thức mà còn dạy hành vi

Ngoài ra, năng lực nghiên cứu và phổ biến kết quả nghiên cứu của giảng viên đại học, dù trường thực hành hay trường lí thuyết đều quan trọng. Cái này tôi công nhận với chị, rất yếu. Nhưng nó yếu còn nhiều lí do khác, không chỉ đơn giản là từ phía giảng viên.