Nguyên tắc hôn nhân tự nguyện tiến bộ là gì năm 2024

Luật Hôn nhân và gia đình chứa đựng các quy phạm pháp luật điều chỉnh các mối quan hệ về hôn nhân, quan hệ về gia đình như quan hệ giữa vợ và chồng, quan hệ giữa cha mẹ và con cái, quan hệ giữa anh, chị, em với nhau,… Đồng thời, Luật hôn nhân và gia đình cũng ghi nhận các nguyên tắc cơ bản làm cơ sở nền tảng cho việc điều chỉnh các quan hệ xã hội về hôn nhân và gia đình. Bài viết dưới đây sẽ đi vào phân tích, giúp bạn đọc hiểu rõ hơn từng nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân gia đình.

Căn cứ pháp lý:

– Luật hôn nhân và gia đình năm 2014;

1. Nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình là gì?

Nguyên tắc cơ bản của Luật Hôn nhân và gia đình là tư tưởng chỉ đạo cho việc xây dựng hệ thống các quy phạm pháp luật hôn nhân và gia đình.

Từ khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời cho đến nay, Nhà nước ta đã ban hành bốn đạo luật về hôn nhân và gia đình: Luật Hôn nhân và gia đình được Quốc hội thông qua ngày 29/12/1959 và có hiệu lực kể từ ngày 13/01/1960 (gọi là Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959); Luật Hôn nhân và gia đình được Quốc hội thông qua ngày 29/12/1986 và có hiệu lực kể từ ngày 03/01/1987 (gọi là Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986); Luật Hôn nhân và gia đình được Quốc hội thông qua ngày 9/6/2000 và có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2001 (gọi là Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000); Luật Hôn nhân và gia đình được Quốc hội thông qua ngày 19/6/2014 và có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2015.

Trong mỗi thời kỳ phát triển của xã hội, do điều kiện kinh tế – văn hóa – xã hội khác nhau nên Luật Hôn nhân và gia đình được xây dựng trên các nguyên tắc cơ bản khác nhau.

Để đảm bảo cho quan hệ hôn nhân được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, Luật Hôn nhân và gia đình đưa ra những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình như sau:

– Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng.

– Hôn nhân giữa công dân Việt Nam thuộc các dân tộc, tôn giáo, giữa người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người có tín ngưỡng với người không có tín ngưỡng, giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

– Xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; các thành viên gia đình có nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; không phân biệt đối xử giữa các con.

– Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ, hỗ trợ trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật thực hiện các quyền về hôn nhân và gia đình; giúp đỡ các bà mẹ thực hiện tốt chức năng cao quý của người mẹ; thực hiện kế hoạch hóa gia đình.

– Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam về hôn nhân và gia đình.

2. Phân tích những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình

2.1 Nguyên tắc hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng

– Nguyên tắc hôn nhân tự nguyện, tiến bộ: Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ được hiểu là mỗi bên nam nữ được tự mình quyết định việc kết hôn. Mọi hành vi cưỡng ép két hôn, lừa dối để kết hôn, cản trở việc kết hôn tự nguyện, tiến bộ đều bị coi là vi phạm pháp luật. Khi vợ chồng đang chung sống hòa thuận, hạnh phúc thì không ai có thể buộc họ ly hôn. Nhưng khi cuộc sống chung của vợ chồng phát sinh mâu thuẫn và bản thân vợ, chồng mong muốn được chấm dứt cuộc sống chung thì họ có quyền yêu cầu ly hôn. Việc kết hôn dựa trên cơ sở tình yêu giữa nam và nữ, việc ly hôn dựa trên thực chất quan hệ vợ chồng không thể tiếp tục tồn tại.

– Nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng: Hôn nhân một vợ một chồng là vào thời điểm xác lập quan hệ hôn nhân (thời điểm đăng ký kết hôn), các bên kết hôn đang không có vợ hoặc có chồng. Có nghĩa là vào một thời điểm, một người đàn ông chỉ có một người vợ, một người đàn bà chỉ có một người chồng.

Luật Hôn nhân và gia đình xây dựng trên nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng nhằm xoá bỏ chế độ nhiều vợ của người đàn ông trong pháp luật thời kỳ phong kiến. Để đảm bảo hôn nhân được xây dựng trên nguyên tắc một vợ, một chồng, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: cấm người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ (điểm c khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014).

– Nguyên tắc vợ chồng bình đẳng: Nguyên tắc vợ chồng bình đẳng được thể hiện trong các quy định về quyền và nghĩa vụ nhân thân và tài sản của vợ chồng.

Nguyên tắc vợ chồng bình đẳng góp phần xoá bỏ sự bất bình đẳng giữa vợ vả chồng trong gia đình phong kiến, khẳng định quyền bình đẳng về mọi mặt giữa nam và nữ, góp phần vào sự nghiệp giải phóng phụ nữ. •Nguyên tắc vợ chồng bình đẳng còn thể hiện rõ quan điểm của Nhà nước Việt Nam là không phân biệt dân tộc, tôn giáo, quốc tịch trong quan hệ hôn nhân. Khi đã xác lập quan hệ vợ chồng, không phụ thuộc vào việc người tham gia quan hệ hôn nhân có dân tộc gì, theo hoặc không theo tôn giáo, mang quốc tịch Việt Nam hay nước ngoài, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

2.2 Hôn nhân giữa công dân Việt Nam thuộc các dân tộc, tôn giáo, giữa người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người có tín ngưỡng với người không có tín ngưỡng, giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ

Quyền tự do về quan hệ hôn nhân giữa các dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, người Việt Nam với người nước ngoài được ghi nhận và bảo vệ trong các quy định của pháp luật nói chung và luật hôn nhân và gia đình nói riêng trước hết là để bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật, tuân thủ theo quy định của Hiến pháp, bảo đảm nhà nước pháp chế XHCN, sau đó là bảo đảm phù hợp với nguyên tắc tự nguyện bình đẳng trong hôn nhân. Theo đó Hiến pháp năm 2013 ghi nhận tại khoản 1, Điều 24:

“Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.”

2.3 Xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; các thành viên gia đình có nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; không phân biệt đối xử giữa các con

Gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa họ với nhau. Gia đình có ấm no hạnh phúc thì hôn nhân mới bền vững, xã hội mới phát triển, thành viên trong gia đình có quyền và nghĩa vụ yêu thương chăm sóc lẫn nhau là điều tất yếu trong đời sống xã hội, việc quy định điều này là nguyên tắc cơ bản là ghi nhận lại điều đó trong văn bản pháp luật, là cơ sở để xử phạt những hành vi vi phạm quy định nêu trên.

Trên cơ sở Hiến pháp, Luật Hôn nhân và gia đình quy định cha mẹ có nghĩa vụ nuôi dạy con; con cháu có nghĩa vụ kính trọng, chăm sóc, nuôi dưỡng ông bà, cha mẹ; các thành viên khác trong gia đình có nghĩa vụ quan tâm, chăm sóc giúp đỡ lẫn nhau.

Để bảo vệ quyền lợi của con, Luật Hôn nhân và gia đình quy định các nghĩa vụ của cha mẹ đối với con và khẳng định quyền bình đẳng giữa con trai, con gái, con đẻ, con nuôi, con trong giá thú và con ngoài giá thú.

Để bảo vệ quyền lợi của cha mẹ và các thành viên khác trong gia đình, đảm bảo cho cha mẹ, ông bà được quan tâm, chăm sóc, nuôi dưỡng khi tuổi già sức yếu, Luật Hôn nhân và gia đình quy định các nghĩa vụ của con, cháu đối với cha mẹ, công bà và của các thành viên khác trong gia đình.

2.4 Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ, hỗ trợ trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật thực hiện các quyền về hôn nhân và gia đình; giúp đỡ các bà mẹ thực hiện tốt chức năng cao quý của người mẹ; thực hiện kế hoạch hóa gia đình

Nguyên tắc này ghi nhận trách nhiệm về phía cơ quan tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc bảo vệ người già, phụ nữ và trẻ em nói riêng và xã hội hay bản thân các gia đình Việt Nam nói chung. Thực hiện tốt nguyên tắc này gia đình sẽ hạnh phúc, vợ chồng có thời gian quan tâm con cái; Người mẹ được bảo đảm quyền bình đẳng trong gia đình đẩy lùi những tư tưởng lạc hậu về hôn nhân gia đình.

Bảo vệ bà mẹ và trẻ em không chỉ là nguyên tắc cơ bản của Luật Hôn nhân và gia đình mà còn là tư tưởng chỉ đạo trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Bà mẹ và trẻ em nói chung cần được bảo vệ, đặc biệt là các bà mẹ đơn thân và trẻ em là con ngoài giá thú. Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ, hỗ trợ trẻ em…; giúp đỡ các bà mẹ thực hiện tốt chức năng cao quý của người mẹ (khoản 4 Điều 2 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014).

Xuất phát từ vai trò xã hội của phụ nữ, của các bà mẹ trong gia đình và ý nghĩa của gia đình trong việc hình thành nhân cách của con người (đặc biệt là trẻ em), có thể nhận định rằng bảo vệ bà mẹ và trẻ em có ý nghĩa rất lớn trong sự nghiệp phát triển nguồn nhân lực của đất nước.

Nguyên tắc bảo vệ bà mẹ và trẻ em được cụ thể hóa trong các chế định của Luật Hôn nhân và gia đình như: Kết hôn; ly hôn; quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ và con; xác định cha, mẹ, con; cấp dưỡng…

2.5 Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam về hôn nhân và gia đình

Cùng với sự phát triển của đất nước, việc tiếp thu những tinh hoa văn hóa của nhân loại trong thời kỳ hội nhập là điều tích cực, tuy nhiên việc tiếp thu phải có chọn lọc không nên để ảnh hưởng tới truyền thống văn hóa, đạo đức của dân tộc ta về hôn nhân và gia đình.

Như vậy, bài viết trên đây đã làm rõ nội dung về những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006568 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.