Rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng

Xây dựng và rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, công chức theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Ngày đăng: 14/12/2020 01:59
Mặc định Cỡ chữ
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng và rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, công chức. Trong giai đoạn cách mạng mới, để góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, cần tiếp tục nghiên cứu và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, công chức.

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ, công chức

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém, cán bộ là cái gốc của mọi công việc[1] bởi vì đội ngũ cán bộ, công chức là cầu nối Đảng và Nhà nước với nhân dân. Nếu đội ngũ cán bộ, công chức yếu kém thì dù có đường lối, chính sách đúng cũng không thể đi vào cuộc sống. Người khẳng định: Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của Đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được[2]. Do đó, Người luôn chú trọng đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, thông qua các khâu như: tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng và bãi nhiệm, kỷ luật...

Dù ở vị trí nào, mỗi cán bộ, công chức đều phải làm tròn nhiệm vụ với dân, với nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra yêu cầu: cán bộ, công chức phải thường xuyên tự phê bình, tự giáo dục để khắc phục khuyết điểm trong mỗi người và trong bộ máy. Việc sửa chữa sai lầm, trước hết phải dùng cách giải thích thuyết phục, cảm hóa, dạy bảo; nhưng thuyết phục, cảm hóa, dạy bảo mà không được thì phải dùng biện pháp xử phạt. Bên cạnh đó, phải thực hiện tốt chính sách và rèn luyện, thực hành đạo đức đối với cán bộ, công chức nhằm tạo ra động lực vật chất, tinh thần để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã quán triệt, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào việc rèn luyện đạo đức cho đội ngũ cán bộ, công chức. Qua đó, đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước đã được rèn luyện và trưởng thành; số lượng, chất lượng và cơ cấu, trình độ có sự chuyển biến theo hướng tích cực... Tuy nhiên, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã đánh giá: Nhìn tổng thể, đội ngũ cán bộ đông, nhưng chưa mạnh; tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ xảy ra ở nhiều nơi; sự liên thông giữa các cấp, các ngành còn hạn chế... Năng lực của đội ngũ cán bộ chưa đồng đều, có mặt còn hạn chế, yếu kém; nhiều cán bộ, trong đó có cả cán bộ cấp cao thiếu tính chuyên nghiệp, làm việc không đúng chuyên môn, sở trường; trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp và khả năng làm việc trong môi trường quốc tế còn nhiều hạn chế. Không ít cán bộ trẻ thiếu bản lĩnh, ngại rèn luyện[3].

Do đó, học tập và làm theo những quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cán bộ, công chức và rèn luyện đạo đức cách mạng là việc làm cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng

Chủ tịch Hồ Chí Minh thường sử dụng cụm từ đạo đức cách mạng để chỉ đạo đức của người làm cách mạng - thực chất là đạo đức của thời đại mới, đạo đức của những người phụng sự cho sự nghiệp cách mạng. Người đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của đạo đức cách mạng: Người làm cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ vẻ vang[4].

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng và rèn luyện đạo đức cách mạng cho người làm việc trong bộ máy công quyền. Đầu năm 1947, Người viết tác phẩm Đời sống mới để giáo dục cho cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện lối sống mới, đạo đức mới nói chung, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính nói riêng. Tháng 10/1947, Người viết tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, trong đó phần quan trọng là căn dặn mọi người, nhất là cán bộ, đảng viên phải thường xuyên ra sức rèn luyện đạo đức cách mạng và cùng nhau quyết tâm chống lại những thói hư tật xấu.

Tháng 12/1958, trên Tạp chí Học tập, Người viết bài Đạo đức cách mạng [với bút danh Trần Lực] để nhắc nhở cán bộ, đảng viên về đạo đức cách mạng: Cán bộ Đảng, cán bộ chính quyền không phải làm quan cách mạng, ăn trên ngồi trốc. Cán bộ Đảng cũng như cán bộ chính quyền, ngay cả Bác là cán bộ cao nhất đều là đầy tớ của nhân dân, phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, phải cần, kiệm, liêm, chính[5].

Nhấn mạnh vai trò của đạo đức [hồng], trong tương quan với năng lực, tài năng [chuyên], Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi đến mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân[6]. Theo đó, đạo đức cách mạng là cơ sở, nền tảng của nhân cách, là điều kiện cơ bản để cán bộ, đảng viên thực hiện mục tiêu, lý tưởng của mình.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của cán bộ, đảng viên trong thực hành đạo đức để nêu gương. Nếu cấp trên không gương mẫu thì không thể hướng dẫn được cấp dưới, không thể duy trì được kỷ luật Đảng và trật tự kỷ cương phép nước. Người rất đề cao vị thế xã hội của cán bộ, công chức và cho rằng nếu không có nhân dân thì Chính phủ không đủ lực lượng; nếu không có Chính phủ thì nhân dân không có ai dẫn đường. Theo Người, để xứng đáng với vị thế xã hội của người lãnh đạo, người đầy tớ của nhân dân thì cán bộ, công chức phải biết tự ý thức giữ gìn địa vị và nâng cao phẩm giá của mình, tức là phải biết tu dưỡng đạo đức cá nhân. Muốn tu dưỡng đạo đức cá nhân cần phải biết liêm sỉ. Vì liêm sỉ, cán bộ, công chức phải biết vượt qua khát vọng quyền lực hoặc từ bỏ địa vị, quyền lực nếu không xứng đáng. Cán bộ, công chức đề cao liêm sỉ là phải biết đề cao giá trị nhân cách, đặt phẩm chất tinh thần cao hơn nhu cầu vật chất, coi danh dự như là linh hồn, như phẩm giá cá nhân. Địa vị xã hội càng cao, phẩm chất đó càng phải tương xứng. Cán bộ, công chức biết liêm sỉ là người phải nói đi đôi với làm, nói thì phải làm, không nói một đằng làm một nẻo, nói nhiều làm ít; không lẩn tránh trách nhiệm, không tư biện, không ngụy biện trước những sai lầm, khuyết điểm của mình.

3. Xây dựng, rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, công chức theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Việc tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức Việt Nam vừa hồng, vừa chuyên, vừa có đức, vừa có tài, trong đó đức là gốc theo tư tưởng đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là việc làm cần thiết trong giai đoạn hiện nay, vì vậy cần tập trung thực hiện một số nội dung sau:

Một là, cán bộ, công chức phải có tinh thần trách nhiệm cao với công việc.

Khi được giao việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, cũng phải đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công; là cán bộ, công chức không nên suy bì xem công việc của mình có quan trọng hay không. Công việc nào cũng cần thiết đối với cách mạng. Đặc biệt, khi đã làm việc gì dù gặp khó khăn, trở ngại cũng phải quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ; đã phụ trách việc gì thì quyết làm cho kỳ được, cho đến nơi đến chốn, không sợ khó nhọc, không sợ nguy hiểm.

Hai là, chấp hành nghiêm kỷ luật, có tinh thần sáng tạo trong thi hành công vụ.

Mỗi cán bộ, công chức khi thi hành công vụ cần phải gương mẫu về đạo đức, tự giác tuân thủ kỷ luật của cơ quan, giữ vững nền nếp công tác, tránh được những cám dỗ. Tinh thần sáng tạo trong công việc cũng là một chuẩn mực đạo đức mà cán bộ, công chức phải phát huy - cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý phải theo đường lối chung, nhưng cũng cần có những sáng kiến riêng của mình, theo tinh thần tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.

Ba là, có ý chí cầu tiến bộ, luôn luôn phấn đấu trong công việc.

Tinh thần cầu tiến bộ, học tập không ngừng là một yêu cầu cao đối với mỗi cán bộ, công chức - phải có thái độ khiêm tốn; càng giỏi, càng phải khiêm tốn, phải có lòng cầu tiến bộ.

Bốn là, có tinh thần thân ái, hợp tác với đồng nghiệp trong thực hiện công việc.

Mọi người cần đoàn kết, hợp tác chặt chẽ thì công việc mới hoàn thành được. Người cho rằng: Đối với đồng chí mình phải thế nào? Thân ái với nhau, nhưng không che đậy những điều dở. Học cái hay, sửa chữa cái dở. Không nên tranh giành ảnh hưởng của nhau. Không nên ghen ghét đố kỵ và khinh kẻ không bằng mình. Bỏ lối hiếu danh, hiếu vị[7]. Tuy nhiên, thân ái, hợp tác ở đây không phải là bao che khuyết điểm cho đồng nghiệp mà để giúp đỡ nhau cùng tiến bộ và kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn những hành vi vi phạm kỷ luật trong thi hành công vụ và cuộc sống.

Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn, mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng, ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng. Đối với những người có thói hư tật xấu, từ hạng người phản lại Tổ quốc và nhân dân, ta cũng phải giúp họ tiến bộ bằng cách làm cho cái phần thiện trong con người nảy nở để đẩy lùi phần ác, chứ không phải đập cho tơi bời.

Những chuẩn mực đạo đức cách mạng này có quan hệ, tác động lẫn nhau trong một hệ thống chuẩn mực thống nhất. Có lòng trung với nước, hiếu với dân, có lòng yêu thương con người thì mới hết lòng, hết sức đem tài đức của mình phục vụ nhân dân. Có như vậy mới thực hiện được cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, tận tụy vì công việc chung. Nhờ vậy mới giữ được kỷ luật của cơ quan, tổ chức, mới rèn được tinh thần trách nhiệm cao với công việc và ý chí phấn đấu vươn lên không ngừng. Khi giữ được phẩm chất trong sạch, không tham địa vị, danh vọng, tiền tài, có lòng chính trực thì chắc chắn sẽ có tình thân ái, hợp tác với đồng nghiệp trong công việc.

Đạo đức công chức không phải tự thân mà có. Vì vậy, đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức phải tích cực tu dưỡng, rèn luyện theo các chuẩn mực đạo đức công vụ để trở thành đội ngũ cán bộ vừa hồng, vừa chuyên. Hiện nay, xây dựng và hoàn thiện đạo đức công vụ là một yêu cầu cấp bách vì sự tồn tại, phát triển của chế độ, của đất nước. Nội dung xây dựng và hoàn thiện đạo đức công vụ hướng vào hai đối tượng: đội ngũ công chức với tư cách là chủ thể của đạo đức; Nhà nước và các cơ quan nhà nước với tư cách là nhân tố bảo đảm cho quá trình xây dựng và phát triển đạo đức công vụ, cụ thể:

- Với đội ngũ cán bộ, công chức: không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, học tập nâng cao trình độ, năng lực; luôn bám sát thực tiễn, vận dụng kiến thức vào thực tiễn; rèn luyện bản lĩnh và năng lực lãnh đạo, quản lý, khả năng cùng làm việc với tập thể, khả năng tổ chức thực hiện và sự chịu trách nhiệm [đặc biệt là trách nhiệm cá nhân người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị]. Cần chú trọng tinh thần rèn luyện phẩm hạnh, lòng tự trọng; phải coi việc rèn luyện đạo đức của cán bộ, công chức theo hướng trong sạch, liêm chính là biện pháp quan trọng đầu tiên để hạn chế tham nhũng, làm cho công chức tự thấy được rằng không nên, không muốn, không dám và nhất là không thể tham nhũng.

- Với cơ quan nhà nước:

Thứ nhất, xây dựng và hoàn thiện quy chế công vụ, đạo đức công vụ, thông qua hệ thống pháp luật và các văn bản pháp quy của các cơ quan nhà nước cho từng loại, từng chức danh công chức: những chuẩn mực về đạo đức công vụ; chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp; chuẩn mực về tính hợp pháp của hành vi công vụ; chuẩn mực về niềm tin nội tâm của công chức. Cụ thể hóa những giá trị đạo đức như: lòng trung thành, cần, kiệm, liêm, chính... thành những chuẩn mực cụ thể trong hành vi công vụ, trong những bối cảnh và quan hệ xác định.

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy định pháp lý về dân chủ, để người dân được thực sự, thực chất tham gia giám sát hoạt động của cán bộ, công chức và cơ quan nhà nước.

Thứ ba, xây dựng và hoàn thiện quy chế đánh giá cán bộ, công chức theo hướng công khai, dân chủ, có sự tham gia, đóng góp ý kiến của xã hội và người dân.

Thứ tư, xây dựng quy chế về cam kết và lời thề công vụ của cán bộ, công chức khi được bổ nhiệm.

Thứ năm, đầu tư nghiên cứu về đạo đức công vụ; về những giá trị, lý tưởng đạo đức công vụ để từng bước cụ thể hóa thành những chuẩn mực pháp luật; nhất là, nghiên cứu về đạo đức công vụ trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay.

Một trong những mục tiêu của xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức là nâng cao nhận thức về vấn đề đạo đức cách mạng; hình thành thái độ, nghĩa vụ, trách nhiệm cá nhân trong thực thi công vụ; nhận thức được các chuẩn mực đạo đức của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Đạo đức cách mạng là một yếu tố trong tổng thể các phẩm chất của cán bộ, công chức, vì vậy ở bất kỳ một vị trí nào trong nền công vụ mà họ đảm nhiệm cũng đòi hỏi những chuẩn mực đạo đức chung và cần thiết phải rèn luyện. Giáo dục đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, công chức là nhiệm vụ hết sức khó khăn và phức tạp, vừa cấp bách vừa lâu dài; thực hiện bằng nhiều biện pháp, nhiều hình thức khác nhau. Trong đó những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn sâu sắc, là kim chỉ nam cho việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức Việt Nam đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ./.

-----------------------------------------------

Ghi chú:

[1],[2],[6],[7] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.309, tr.68, tr.292, tr.68.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H.2018, tr.47.

[4],[5] Sđd, tập 11, tr.601, tr.113.

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Đình Bắc, Học tập phong cách Hồ Chí Minh trong rèn luyện phẩm chất, đạo đức công chức hiện nay, Tạp chí Tổ chức nhà nước số 11/2014.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H.2016.

3. Võ Nguyên Giáp [chủ biên], Tư tưởng Hồ Chí Minh với con đường cách mạng Việt Nam, Nxb CTQG, H.2002.

4. Trần Trọng Kim, Nho giáo, Nxb Văn hóa thông tin, H.2001.

5. Lưu Kiếm Thanh, Hiện đại hóa đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, tầm nhìn, mục tiêu, sứ mệnh, Tạp chí Tổ chức nhà nước số 4/2016.

6. Nguyễn Đăng Thành, Giáo trình đạo đức công vụ, Nxb Lao động, H.2012.

PGS.TS Trương Quốc Chính - Học viện Chính trị khu vực I,Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

tcnn.vn

Về trang trước
Gửi email In trang

Video liên quan

Chủ Đề