Soạn văn 10 khai quat van hoc dan gian vn

Soạn Văn 10 bài Khái quát văn học dân gian Việt Nam rất hay bao gồm các phần: Hướng dẫn soạn bài; Kiến thức trọng tâm.

KHÁI QUÁT VĂN HỌC DÂN GIAN VIỆT NAM

  1. HƯỚNG DẪN SOẠN BÀI

Câu 1. (Sách giáo khoa Ngữ văn 10, tập 1 – trang 19)

Các đặc trưng cơ bản của văn học dân gian Việt Nam:

1. Tính truyền miệng

– Truyền miệng là sự ghi nhớ theo kiểu nhập tâm và phổ biến bằng lời nói hoặc bằng trình diễn cho người khác nghe, xem

– Truyền miệng tác phẩm văn học dân gian:

+ Truyền miệng theo không gian: Sự di chuyển tác phẩm từ nơi này đến nơi khác

+ Truyền miệng theo thời gian: Sự di chuyển tác phẩm từ đời này sang đời khác

– Quá trình truyền miệng được thực hiện thông qua diễn xướng dân gian:

+ Diễn xướng dân gian là hình thức trình bày tác phẩm một cách tổng hợp

+ Các hình thức của diễn xướng: kể, hát, diễn tác phẩm văn học dân gian

→ Truyền miệng là phương thức lưu truyền tác phẩm duy nhất và tất yếu khi chưa có chữ viết. Đây là đặc tính cơ bản hàng đầu của VHDG. Vì vậy dân gian có câu:

Trăm năm bia đá thì mòn

Nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ

2. Tính tập thể

– Tác phẩm VHDG là sáng tác của nhiều người, không biết ai là tác giả và tác giả đầu tiên là ai.

– Cơ chế của sáng tác tập thể:

Trong quá trình sinh hoạt, lao động cộng đồng, ai đó có cảm hứng bật ra một câu ca hoặc kể một câu chuyện. Mọi người khen hay và thêm bớt, sửa chữa. Trong quá trình truyền miệng, tác phẩm văn học dân gian được gia công hoàn chỉnh và trở thành tài sản chung của cộng đồng.

* Tính truyền miệng và tính tập thể là những đặc trưng cơ bản, xuyên suốt quá trình sáng tạo và lưu truyền tác phẩm VHDG, thể hện sự gắn bó mật thiết của văn học dân gian với đời sống cộng đồng.

Câu 2. (Sách giáo khoa Ngữ văn 10, tập 1 – trang 19)

Các thể loại và đặc trưng của các thể loại:

1. Thần thoại là tác phẩm tự sự dân gian kể về các vị thần, giải thích hiện tượng thiên nhiên, khát vọng chinh phục tự nhiên của con người thời cổ đại.

Ví dụ: Thần Sấm, Thần Sét, Thần Mặt Trời, Thần Đá,..

2. Sử thi là tác phẩm tự sự dân gian có quy mô lớn, có vần nhịp, xây dựng hình tượng nghệ thuật hoành tráng, hào hùng kể về một hoặc nhiều biến cố lến trong xã hội thời cổ đại.

Ví dụ: Đẻ Đất Đẻ Nước, Đăm – Săn,…

3. Truyền thuyết là tác phẩm tự sự dân gian có chứa các yếu tố kì ảo để ca ngợi các sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử có công lao to lớn với cộng đồng, quốc gia, dân tộc.

Ví dụ: Con Rồng cháu Tiên, Bánh chưng – bành giầy,…

4 . Truyện cổ tích là tác phẩm tự sự dân gian có yếu tố hư cấu, kì ảo kể về những mâu thuẫn xuất hiện trong xã hội thể hiện niềm lạc quan và tinh thần nhân đạo của nhân dân lao động.

Ví dụ: Trầu cau, Tấm Cám, Cây khế,..

5. Truyện ngụ ngôn là tác phẩm tự sự dân gian ngắn, có kết cấu chặt chẽ thông qua các ẩn dụ để nêu lên triết lí nhân sinh hoặc bài học kinh nghiệm sâu sắc.

Ví dụ: Ếch ngồi đáy giếng

6. Truyện cười là tác phẩm tự sự dân gian ngắn, có kết cấu chặt chẽ, kết thúc bất ngờ, trái quy luật tư duy của con người để tạo tiếng cười, châm biếm.

Ví dụ: Lợn cưới áo mới, Thầy bói xem voi,..

7. Vè là tác phẩm tự sự dân gian bằng văn vần, lối kể mộc mạc, phần lớn nói về các sự việc, sự kiện của làng, nước mang tính thời sự.

Ví dụ: Vè nói ngược, Vè trái cây,..

8. Truyện thơ là tác phẩm tự sự dân gian bằng thơ, phản ánh số phận và khát vọng của con người về hạnh phúc lứa đôi và công bằng xã hội.

Ví dụ: Tiễn dặn người yêu, Chim sáo, Nàng Nga Hai Mối,…

9. Tục ngữ là câu nói ngắn gọn, hàm súc có vần nhịp thường để đúc kết những kinh nghiệm thực tiễn trong dân gian.

Ví dụ: Có công mài sắt có ngày nên kim,…

10. Câu đố là những bài văn vần hoặc câu nói thường có vần mô tả sự vật bằng ẩn dụ hoặc những hình ảnh khác lạ để người nghe tìm ra câu trả lời nhằm giải trí hoặc rèn luyện tư duy.

Ví dụ: Mình rồng, đuôi phụng le te. Mùa Đông ấp trứng, mùa Hè nở con. (Là gì?).

Đáp án: Cây cau.

11. Ca dao là tác phẩm trữ tình dân gian, thường kết hợp với âm nhạc khi diễn xướng thể hiện thế giới nội tâm của con người.

Ví dụ: Thân em như tấm lụa đào/ Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai.

12. Chèo là tác phẩm kịch hát dân gian, kết hợp yếu tố trữ tình và trào lộng để ngợi ca những tấm gương đạo đức và phê phán những cái xấu trong xã hội.

Ví dụ: Quan Âm Thị Kính, Lưu Bình- Dương Lễ.

Câu 3. (Sách giáo khoa Ngữ văn 100, tập 1 – trang 19)

Giá trị của Văn học dân gian:

1. Văn học dân gian là kho tri thức vô cùng phong phú về đời sống các dân tộc

– Tri thức trong văn học dân gian thuộc đủ mọi lĩnh vực của đời sống: tự nhiên, xã hội và con người

– Đặc điểm của tri thức dân gian:

+ Là kinh nghiêm lâu đời được đúc kết từ thực tiễn

+ Được trình bày bằng ngôn ngữ nghệ thuật giàu sức hấp dẫn, có sức sống lâu bền với thời gian

+ Thể hiện quan điểm và trình độ nhận thức của nhân dân nên có phần khác biệt với quan diểm và nhận thức của giai cấp thống trị cùng thời

VD: Con vua thì lại làm vua

Con vua thất thế lại ra quét chùa

2. Văn học dân gian có giá trị giáo dục sâu sắc về đạo lí làm người

– Giáo dục tinh thần nhân đạo và lạc quan

+ Yêu thương đồng loại

+ Đấu tranh để bảo vệ và giải phóng con người.

+ Niềm tin vào chính nghĩa, vào cái thiện

– Góp phần hình thành những phẩm chất tốt đẹp cho con người

3. Văn học dân gian có giá trị thẩm mĩ to lớn, góp phần quan trọng tạo nên bản sắc cho nền văn học dân tộc

– Khi chưa có văn học viết, VHDG đóng vai trò chủ đạo. Khi có văn học viết, VHDG là nguồn nuôi dưỡng văn học viết, phát triển song song với văn học viết.

– Tác phẩm VHDG trở thành mẫu mực nghệ thuật cho người đời sau truyền tụng và học tập (các nhà văn học tập nhiều ở VHDG

II. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM

– Văn học dân gian là kết quả của quá trình sáng tác tập thể, tồn tại dưới hình thức truyền miệng thông qua diễn xướng. Trong quá trình lưu truyền, tác phẩm văn học dân gian được tập thể không ngừng hoàn thiện. Văn học dân gian gắn bó và phục vụ trực tiếp cho sinh hoạt khác nhau trong đời sống cộng đồng.

– Văn học dân gian có nhiều giá trị to lớn về nhận thức, giáo dục, thẩm mĩ, cần được trân trọng và phát huy.