Tạo thị trường cho khoa học và công nghệ

Cập nhật vào: Thứ hai - 10/10/2022 08:48 Cỡ chữ

Tạo thị trường cho khoa học và công nghệ
 
Tạo thị trường cho khoa học và công nghệ

Ngày 5/10/2022, Văn phòng Chính phủ ra Thông báo số 317/TB-VPCP về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập diễn ra ngày 23 tháng 9 năm 2022 tại trụ sở Chính phủ.

Tạo thị trường cho khoa học và công nghệ

Quang cảnh Hội nghị Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập diễn ra ngày 23/9/2022

Theo Thông báo, để phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các bộ, ngành và địa phương tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp sau:

Về quan điểm chung:

Thứ nhất, thị trường khoa học và công nghệ là một bộ phận cấu thành của thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có vai trò then chốt trong việc thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, chất lượng hàng hóa, dịch vụ và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.

Thứ hai, phải lấy nghiên cứu khoa học làm nền tảng, nhà khoa học là động lực và doanh nghiệp là trung tâm, phù hợp với bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế; huy động tối đa nguồn lực từ khu vực tư nhân và quốc tế, đẩy nhanh tốc độ đổi mới sản phẩm và dịch vụ có độ tích hợp cao về công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhanh chóng gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu và chiếm lĩnh thị trường quốc tế.

Thứ ba, cần có chính sách đồng bộ, sự sẵn sàng của nguồn cung và nguồn cầu công nghệ, hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại cùng năng lực, uy tín và thương hiệu của các tổ chức trung gian.

Thứ tư, hoạt động phát triển thị trường khoa học và công nghệ phải được đặt trong mối quan hệ biện chứng, liên thông, đồng bộ với phát triển thị trường hàng hóa, dịch vụ, lao động, tài chính và các thị trường khác; gắn kết sự phát triển của thị trường trong nước với thị trường toàn cầu và khu vực, phù hợp với cam kết quốc tế của Việt Nam và thông lệ quốc tế.

Thứ năm, để phát triển bền vững thị trường khoa học và công nghệ phải tuân thủ quy luật thị trường, quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh, phải lành mạnh, công khai và minh bạch.

Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:

(1) Tập trung rà soát, tháo gỡ các khó khăn, điểm nghẽn về thể chế, cơ chế, chính sách để thị trường khoa học và công nghệ phát triển đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết của Bộ Chính trị và chiến lược, chương trình phát triển khoa học và công nghệ của Chính phủ. Các bộ, ngành, cơ quan, địa phương xây dựng và lồng ghép nhiệm vụ, kế hoạch/đề án phát triển thị trường khoa học và công nghệ vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm. Đẩy mạnh hơn nữa việc thể chế hóa đường lối của Đảng trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, nhất là đối với các ngành, lĩnh vực mới nổi, thúc đẩy nghiên cứu, đổi mới công nghệ góp phần giải quyết các vấn đề về môi trường, chống biến đổi khí hậu, khuyến khích chuyển đổi số và phát triển xanh.

(2) Tổ chức triển khai và thực hiện hiệu quả 2 mục tiêu lớn và 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ quốc gia đến năm 2030, trong đó:

- Thúc đẩy phát triển nguồn cung và cầu của thị trường khoa học và công nghệ, nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp, đẩy mạnh hợp tác giữa doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học và kết nối cung cầu giữa bên mua và bên bán để phục vụ thương mại hoá sản phẩm.

- Nâng cao năng lực hoạt động các tổ chức trung gian, nhất là các tổ chức lớn, đa ngành và gắn với các ngành hàng xuất khẩu chủ lực; khuyến khích, hỗ trợ phát triển tổ chức trung gian thuộc khu vực tư nhân. Đẩy mạnh việc phát triển mạng lưới tổ chức trung gian trên cơ sở kết nối các sàn giao dịch công nghệ, các tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ tại các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp với các trung tâm ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ.

- Đầu tư phát triển các sàn giao dịch công nghệ quốc gia tại một số thành phố lớn và khu vực kinh tế trọng điểm, kết nối liên thông với hệ thống các trung tâm ứng dụng và chuyển giao công nghệ của các tỉnh, thành phố, kết nối với các sàn giao dịch công nghệ khu vực và thế giới.

- Đẩy mạnh việc xúc tiến thị trường khoa học và công nghệ tại các địa bàn có nhiều nguồn cung công nghệ cao, tiên tiến và thân thiện môi trường, các thị trường tiềm năng mà Việt Nam có lợi thế thông qua các hiệp định thương mại tự do. Tăng cường tổ chức các sự kiện xúc tiến thị trường khoa học và công nghệ quy mô vùng, quốc gia và quốc tế; quảng bá thị trường khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo; lồng ghép, phối hợp với các sự kiện xúc tiến thương mại và đầu tư với xúc tiến thị trường khoa học và công nghệ.

- Phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng quốc gia của thị trường khoa học và công nghệ, đẩy mạnh kết nối trung ương với địa phương, viện, trường với doanh nghiệp và người dân. Từng bước liên thông, tích hợp với các nền tảng kỹ thuật về thị trường khoa học và công nghệ trong nước và quốc tế.

- Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực khoa học, công nghệ. Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của thị trường khoa học và công nghệ. Phát triển các doanh nghiệp tiên phong trong mua bán công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ nguồn.

(3) Đẩy mạnh kết nối liên thông, tiến tới đồng bộ hóa thị trường khoa học và công nghệ với các thị trường hàng hóa, dịch vụ, lao động và tài chính. Đẩy mạnh hợp tác công tư, huy động vốn từ doanh nghiệp, người dân, và xã hội để phát triển thị trường khoa học và công nghệ.

(4) Tập trung xây dựng và triển khai thí điểm chính sách tạo động lực thương mại hoá, đưa nhanh kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ nguồn ngân sách nhà nước, hợp tác công - tư và đầu tư tư nhân vào sản xuất, kinh doanh, trong đó chú trọng chính sách chấp nhận rủi ro trong hoạt động khoa học và công nghệ; khuyến khích hợp tác công - tư và đầu tư tư nhân trong các dự án thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ.

(5) Có chính sách khuyến khích doanh nghiệp nhập khẩu công nghệ lõi thông qua các viện nghiên cứu, trường đại học để giải mã, hấp thụ và làm chủ công nghệ, đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.

(6) Xây dựng chính sách khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển cơ sở dữ liệu lớn, chia sẻ dữ liệu, thông tin để đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái khoa học và công nghệ, khởi nghiệp một cách toàn diện và đồng bộ.

Thông báo cũng nêu rõ: Giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các bộ, cơ quan, các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và các tổ chức liên quan tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu tham dự Hội nghị, xây dựng dự thảo Chỉ thị về phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10 năm 2022.

P.A.T (Tổng hợp)

(HNM) - Thúc đẩy thương mại hóa sáng chế, đẩy nhanh ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn cuộc sống có thể coi là yếu tố quyết định, giúp phát triển thị trường khoa học - công nghệ, nhằm nâng cao trình độ lĩnh vực này ở Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề liên kết, hợp tác và chuyển giao công nghệ hiện vẫn còn nhiều hạn chế, vướng mắc, cần phải được tháo gỡ.

Tạo thị trường cho khoa học và công nghệ

Việc ứng dụng giải pháp chiếu sáng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh của Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp. Trong ảnh: Giới thiệu sản phẩm đèn Led smart đa năng ứng dụng trong nhân giống nuôi cấy mô, cây dược liệu.

Khó khăn trong thương mại hóa sáng chế 

Việc sáng tạo, chuyển giao tri thức và thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ từ các viện, trường, các tổ chức nghiên cứu… vào sản xuất, tuy đã đạt được nhiều thành công, song vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.

Là đơn vị nghiên cứu khoa học và công nghệ công lập lớn nhất trong lĩnh vực trồng trọt, hằng năm, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (Bộ NN&PTNT) tạo ra hàng chục loại giống cây trồng và tiến bộ kỹ thuật mới, cũng như chuyển giao một loạt thành quả nghiên cứu khoa học, công nghệ cho các bên liên quan. Thế nhưng, theo Tiến sĩ Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, việc quản trị và phát triển các tài sản trí tuệ vẫn còn quá ít.

Còn theo Giáo sư Nguyễn Quang Liêm, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học vật liệu (Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam), mặc dù các nhà khoa học đã có nhiều kết quả nghiên cứu về vật liệu tiên tiến ở rất nhiều hướng hiện đại, nhưng việc đưa các vật liệu ấy vào ứng dụng trong sản xuất vẫn còn điểm nghẽn. Điều đó thể hiện chủ yếu ở hai điểm: Doanh nghiệp chưa có xu hướng đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và phát triển để tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa; ngành công nghiệp chưa thực sự tin tưởng và chia sẻ với các cơ sở nghiên cứu trong nước. Bên cạnh đó, việc thiếu kiến thức về vấn đề liên quan tới quyền sở hữu trí tuệ, quy định phân chia lợi nhuận trong các hoạt động chuyển giao khoa học và công nghệ cũng là rào cản lớn. Có doanh nghiệp ký hợp đồng nhận chuyển giao công nghệ của nhà khoa học, nhưng chỉ một thời gian sau khi tiếp thu được công nghệ, thì không cần đến nhà khoa học nữa...

Trưởng ban Khoa học - Công nghệ, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh Lâm Quang Vinh cho rằng, thương mại hóa sáng chế khó khăn, dẫn đến nhà khoa học thiếu động lực đăng ký sáng chế; chưa có mô hình tổ chức khoa học và công nghệ mới để áp dụng cơ chế và chính sách đặc biệt.

Tạo thị trường cho khoa học và công nghệ

Khai trương “Sàn giao dịch Thông tin công nghệ và thiết bị” - nơi cung cấp thông tin, dịch vụ chuyển giao, tư vấn mua bán công nghệ, góp phần phát triển thị trường khoa học và công nghệ Việt Nam.

Cần sự phối hợp toàn diện

Theo các chuyên gia, giải bài toán thương mại hóa kết quả nghiên cứu không chỉ là việc của các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, mà phải là một sự phối hợp toàn diện từ tất cả các bên. Nói cách khác, cần một sự hợp tác để xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa 3 nhà: Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học.

Ông Lâm Quang Vinh cho rằng, để thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ hình thành từ kết quả nghiên cứu trong trường đại học, cần lấy đổi mới mô hình quản trị làm “nền tảng”, nhân sự - hợp tác - tài chính là “trụ cột” và các định hướng đột phá là “mũi nhọn”. Còn theo Trưởng ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ (Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam) Phan Tiến Dũng, Nhà nước cần giao quyền sở hữu trí tuệ của các kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước cho cơ quan chủ trì nghiên cứu để thúc đẩy thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, cần thử nghiệm mô hình thương mại hóa công nghệ đặc thù, với một cơ chế đặc biệt tại các trường đại học, viện nghiên cứu lớn…

Là đại học hàng đầu về khoa học và công nghệ tại Việt Nam, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép thí điểm thành lập hệ thống doanh nghiệp BK Holdings, từ đó vốn hóa được tài sản tri thức là các kết quả nghiên cứu khoa học của nhà trường. Tiến sĩ Nguyễn Trung Dũng, Tổng Giám đốc BK Holdings cho biết, để đưa được sáng chế ra thị trường cần hội tụ 3 yếu tố: Sáng chế có tính ứng dụng cao, giải quyết nhu cầu cụ thể và đủ lớn của thị trường; nhà khoa học có nguồn tài chính ươm tạo hỗ trợ ban đầu và phải có tổ chức hỗ trợ trung gian chuyên nghiệp, độc lập với hệ thống hàn lâm trong trường đại học, viện nghiên cứu.

Hiện tại, Bộ Khoa học và Công nghệ đang xây dựng Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030. Tiến sĩ Hoàng Minh, Giám đốc Học viện Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cho hay, trong xu thế ngày nay, khoa học, công nghệ gắn liền với sản xuất, kinh doanh và song hành với việc thương mại hóa kết quả, tạo thành chuỗi khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong đó, khoa học và công nghệ tạo ra tri thức, còn đổi mới sáng tạo nhằm biến tri thức thành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ ứng dụng vào cuộc sống. Thương mại hóa thành công các sáng chế sẽ trở thành yếu tố quan trọng trong tăng trưởng của đổi mới sáng tạo, đồng thời tránh hiện tượng chảy máu chất xám. Việc ra đời của Sàn giao dịch Thông tin công nghệ và thiết bị là kênh quan trọng giúp kết nối cung - cầu công nghệ.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, định hướng của Bộ trong thời gian tới là ủng hộ những đề tài xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội, làm sao để các giao dịch mua - bán công nghệ trên thị trường phải sôi động, đủ hấp dẫn để đưa lên sàn chứng khoán, mua bán ở các sàn giao dịch công nghệ… Trước mắt, Bộ đang tổ chức nghiên cứu, xây dựng, thử nghiệm chính sách về thương mại hóa các kết quả nghiên cứu có sử dụng ngân sách nhà nước.