Tập thơ nhật ký trong tù có bao nhiêu bài

Nhật ký trong tù - tập thơ tên gốc chữ Hán là Ngục trung nhật ký, gồm 133 bài, được Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng tác trong thời gian bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam ở Quảng Tây [Trung Quốc], từ tháng 8/1942 đến 9/1943. Tác phẩm được dịch ra tiếng Việt lần đầu năm 1960. Đến nay, Nhật ký trong tù đã được dịch ra gần 40 thứ tiếng, trong đó có tiếng Anh, Pháp, Hàn Quốc. Tính từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh hoàn thiện bài thơ cuối cùng năm 1943, tập thơ ra đời đến nay đã tròn 80 năm, nhưng giá trị nghệ thuật, giá trị nhân văn, khát vọng xây dựng quê hương đất nước vẫn còn nguyên giá trị.

Cả cuộc đời Hồ Chí Minh luôn khát vọng đấu tranh cho tự do, độc lập của dân tộc. Đó là khát vọng trọn đời: tự do cho Tổ quốc, tự do cho Nhân dân, tự do cho chính mình. Vì vậy, khi bị cầm tù, Hồ Chí Minh thấm thía vô hạn nỗi mất tự do của chính mình. Nhưng trong nhà tù, Hồ Chí Minh lại xem mình là khách tự do. Hai trạng thái cảm xúc trái chiều nhau phản ánh quan niệm tích cực và cao quý của tác giả Nhật ký trong tù.

Nhật ký trong tù nói về nỗi niềm của một người chiến sĩ trên con đường tìm tự do cho dân tộc mình, lại bị rời vào cảnh mất tự do. Vì vậy, tập thơ là nỗi chua xót bất bình vì bị trước mất quyền tự do một cách vô lý.

Trong Nhật ký trong tù, ta bắt gặp cảm nhận thấm thía vì mất tự do của tác giả

Trên đời ngàn vạn điều cay đắng

Cay đắng chi bằng mất tự do

Mỗi việc mỗi lời không tự chủ

Để cho người dắt tựa trâu bò

[Cảnh binh khiêng lợn cùng đi]

Sau ba mươi năm hoạt động ở nước ngoài, cuối tháng 01- 1941, Nguyễn Ái Quốc về nước hoạt động, tiến hành Hội nghị Trung ương lần thứ VIII và thành lập Mặt trận Việt minh, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đưa phong trào cách mạng nước ta tiến vào một thời kỳ mới. Tháng 8 năm 1942, Nguyễn Ái Quốc lấy tên là Hồ Chí Minh lên đường trở lại Trung Quốc với danh nghĩa là đại biểu của Việt Nam độc lập đồng minh và Phân bộ quốc tế phản xâm lược của Việt Nam để tranh thủ sự viện trợ của nước ngoài. Trên đường đi đến Túc Vinh, Quảng Tây [ ngày 29 - 8 - 1942], Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam và bị chúng đầy ải. Trong thời gian này, Hồ Chí Minh gặp nhiều sự bất công phi lý mà trước hết là đối với một người yêu nước chân chính. Vì vậy, Nhật ký trong tù, nhiều bài thơ nói lên nỗi xót xa cay đắng:

Khiêng lợn, lính cùng đi một lối

Ta thì người dắt, lợn người khiêng

Con người coi rẻ hơn con lợn

Người có còn đâu được chủ quyền

[Cảnh binh khiêng lợn cùng đi]

Nỗi đau mất tự do được diễn tả trong Nhật ký trong tù nhiều khi là nỗi đau xương thịt. Hình ảnh tác giả sống trong cảnh xiếng xích thay dây trói, lủng lẳng chân treo tự dáo hình... Nhưng với Hồ Chí Minh, nỗi xót xa cay đắng, nỗi uất hận vì mất tự do còn là nỗi xót xa cay đắng của một người chiến sĩ bị tách khỏi cộng đồng: Xót mình giam hãm trong tù ngục/ Không được xông pha giữa trận tiền [Việt hữu tao động]; Trong bài Buồn bực, tác giả viết: "Tráng sĩ đua nhau ra mặt trận/ Hoàn cầu bốc lửa rực trời xanh/ Trong ngục người nhàn nhàn quá đỗi/ Chí cao mà chẳng đáng đồng chinh".

Đó không chỉ là nỗi đau cá nhân mà còn là nỗi buồn của một con người mang chí lớn, khao khát giành tự do cho dân tộc, nhưng phải sống trong cảnh tù đày. Nhưng vượt lên trên hoàn cảnh bị giam cầm thể xác, với khát vọng độc lập cho tổ quốc, độc lập cho dân tộc, tinh thần lạc quan, yêu đời ở Hồ Chí Minh vẫn là nguồn sức sống mãnh liệt vượt lên gian khổ. Hình ảnh tác giả Nhật ký trong tù, "Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do [Đêm không ngủ] hay "Hai giờ ngục mở thông hơi/ Tù nhân ngẩng mặt ngắm trời tự do" [Quá trưa]. Đó là tự do tinh thần, tự do tâm hồn. Nhật ký trong tù là bức chân dung tự họa hoàn toàn về một con người tự do trong tù ngục. Mở đầu tập thơ, tác giả viết:

Thân thể ở trong lao

Tinh thần ở ngoài lao

Muốn nên sự nghiệp lớn

Tinh thần càng phải cao

[Vô đề]

Suốt 13 tháng bị tù đày, tác giả Nhật ký trong tù luôn ví mình như là một khách tự do, khách tiên: Tự do tiên khách trên trời/ Biết đâu trong ngục có người khách tiên [Quá trưa]. Đó là một tâm hồn giàu tự do, giàu giao cảm với thiên nhiên trên con đường đày ải. Tự do bộc lộ rung cảm của mình trước cuộc sống và trước số phận người tù.

Tập thơ Nhật ký trong tù biểu hiện tự do tinh thần của một con người có trí tuệ lớn, có nhân cách lớn và có tâm hồn lớn mà không có một hoàn cảnh bất công nào ngăn cản nổi. Cảm hứng về tự do trong Nhật ký trong tù chính là cách ứng xử quan niệm về tự do rất tích cực, cao đẹp trong tác giả - người có lý tưởng cả cuộc đời đấu tranh, hy sinh để giành độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam. Tâm hồn ấy, tiếng thơ ấy “lay động đất trời” xua đi bóng tối làm trong sáng con người, thiên nhiên, làm sống dậy cuộc đời chung và tương lai tươi đẹp.

Hôm nay, chúng ta đọc, ngẫm về tập thơ Nhật ký trong tù, chúng ta cảm nhận thấm thía hơn, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, Người cũng dành trọn tâm trí nghĩ suy vì dân, vì nước,... để thực hiện khát vọng hành trình “tìm đường cứu nước”, mong cho độc lập, tự do của dân tộc, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành... Với tất cả lòng thành kính và xiết bao thương nhớ, chúng ta bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Lãnh tụ thiên tài của Đảng và dân tộc ta, Người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hoá thế giới - Người "làm rạng rỡ dân tộc ta, Nhân dân ta và non sông đất nước ta".

Chủ Đề