Tiểu luận khuynh hướng Thiền trong văn học trung đại Việt Nam

Với Tuệ Trung Thượng Sĩ, đó là hình tượng con người trí tuệ, bản lĩnh, tự tin ở năng lực và sức mạnh của mình, không ỷ lại hay nương tựa vào bất kỳ một thế lực nào khác

Thi pháp thơ Thiền 

TS THÍCH HANH TUỆ

Ngôn ngữ thông thường khó có thể diễn tả, thể hiện được trọn vẹn cái tĩnh mà động, thường mà biến, hư mà thật của vạn pháp. Ngôn ngữ thơ Thiền được dùng đạt đến đỉnh điểm của tính hàm súc, cô đúc.

Nói đến thơ Thiền là nói đến một hiện tượng văn học độc đáo, một bông hoa đẹp đẽ, kỳ diệu và có sức cuốn hút hấp dẫn kỳ lạ nhất trong vườn thơ ca. Thơ Thiền gắn với tư tưởng Thiền tông Phật giáo và mỹ học Thiền nên ngoài chất thơ ra nó còn có thêm một chất đặc trưng khác: chất Thiền. Nhờ chất này mà thơ Thiền mang một nét độc đáo, đặc sắc, góp phần làm cho thế giới thơ ca trở nên phong phú và hấp dẫn hơn.

Nghiên cứu thơ Thiền dưới góc độ thi pháp học là xem xét ở cấp độ hình thức nghệ thuật mang nội dung trong tính chỉnh thể, tính quan niệm. Nhờ thế, mới có thể nhận ra được chiều sâu của tầm vóc tư duy và cách thức phản ánh hiện thực [vạn pháp] của các thiền gia – thi nhân. Và cũng chỉ có như vậy, mới nhận thức được những đóng góp của thơ Thiền cho sự phát triển của văn học.

Văn tâm điêu long của Lưu Hiệp, pháp hiệu Tuệ Địa là một công trình lý luận văn học lớn nhất châu Á thời trung đại, được viết dưới ánh sáng của lý luận tư tưởng Thiền học Phật giáo hơn một nghìn năm trăm năm về trước. công trình mang nội dung tư tưởng vĩ đại này có thể sánh ngang với nghệ thuật thơ ca của Aristote thời cổ đại phương Tây, cách đây hai nghìn ba trăm năm. Có thể xem Văn tâm điêu long là tác phẩm đặt nền móng ban đầu mang tính định hướng để tìm hiểu thi pháp thơ Thiền.

Mặc dù, mới nhìn sẽ thấy thơ và Thiền rất khác xa nhau. Thiền là phương pháp tu tập, dùng để luyện cho tâm tập trung chuyên nhất, thuộc Phật giáo; còn thơ dùng để bộc lộ cảm xúc, tâm trạng của con người đối với cuộc sống, thuộc văn học. Xét về nguồn gốc, thơ đã ra đời và rất thịnh hành trước khi Thiền đạo trở thành một tông phái của Phật giáo. Xét về cứu cánh, Thiền tông nhắm đến giác ngộ tự tính; còn thơ dùng để chia sẻ tâm tình, truyền tải đạo lý. Tuy thơ và Thiền có nhiều chỗ dị biệt như vậy, nhưng đã có một sự thật hiển nhiên là từ giai đoạn khởi đầu với bài kệ bằng thể thơ ngũ ngôn tuyệt cú “Thân thị bồ đề thụ…” của Thần Tú đậm tư tưởng Thiền, rồi bài “Bồ đề bổn vô thụ…” của Huệ Năng cũng bằng thể thơ ngũ ngôn tuyệt cú thì lại là bài kệ – thơ mở đầu cho sự dung hợp tuyệt diệu giữa Thiền và thơ, chẳng khác nào như nước với sữa hoà quyện vào nhau. Chính sự dung hợp này đã là một trong những nhân tố quan trọng tạo nên sự phát triển rực rỡ của thơ ca Trung Quốc thời Đường – Tống, thơ ca Việt Nam thời Lý – Trần. Nguyễn Hiếu Vấn đời Nam Tống đã lý giải sự dung hợp kỳ diệu này bằng một hình tượng sống động đầy chất thơ, mà sự lý giải ấy đã được hầu hết các thi hào, thi bá đời sau tán thành: Thi vi thiền khách y hoa cẩm, Thiền thị thi gia thiết ngọc đao. [Thơ là chiếc áo thêu hoa của Thiền khách, Thiền là con dao gọt ngọc của nhà thơ][1].

Thiền như cơn gió nhẹ thổi vào vườn hoa thơ, làm cho những cánh hoa thơ ánh lên muôn hồng nghìn tía. Ở đây, các thiền sư – thi sĩ đã hoà chất Thiền với chất thơ vào làm một, để tạo nên chất bay bổng, phiêu diêu, lãng đãng, dạt dào cảm hứng, thấm đẫm ý vị sâu lắng, chẳng khác nào như ngàn hoa đang lung linh khoe sắc rực rỡ, toả hương ngào ngạt, nhờ gió thụ phấn, để tạo hạt, rồi trong tương lai không xa, hạt thành cây và lại tiếp tục trổ chồi đơm hoa. Ở Trung Hoa, các ông Hàn Câu, Lữ Bổn Trung là những người đã đem phương pháp tham Thiền để giảng dạy cho người học làm thơ. Họ còn làm ra bốn bài thơ chỉ rõ mục đích tham Thiền học thơ. Hãy đọc một trong những bài thơ ấy:

Học thi đương như sơ học Thiền,

Vị ngộ thả biến tham chư phương.

Nhất triêu ngộ bãi chánh pháp nhãn,

Tín thủ niêm xuất giá thành chương.

[Học thơ phải như mới học Thiền,

Chưa ngộ phải tham vấn khắp nơi.

Một sáng ngộ được mắt chánh pháp,

Những gì tay viết thảy văn chương][2]

Tư tưởng Thiền ảnh hưởng rất lớn đến văn học. Sở dĩ thời Đường – Tống là thời kỳ vàng son nhất của thơ ca Trung Quốc, được tôn xưng là “Thịnh Đường, long Tống”, đã để lại cho nhân loại một khối lượng tác phẩm đồ sộ với hàng trăm tác gia nổi tiếng cùng nhiều tuyệt tác, chính là nhờ cảm thức Thiền trong thơ. Thời đó, rất nhiều tác gia tên tuổi đã dùng phương pháp tham Thiền để làm thơ hoặc chịu ảnh hưởng Thiền lý trong thơ như: thi Phật Vương Duy, Lý Bạch, Bạch Cư Dị, Liễu Tông Nguyên, Tô Đông Pha, Tô Triệt, Kiểu Nhiên, Tư Không Đồ, Nghiêm Thương  Lãng,v.v.. rất nhiều tác phẩm lý luận thi ca dựa trên nền tảng lý luận triết học tư tưởng Thiền như: Thương lãng thi thoại của Nghiêm Vũ, Thi thức của Thích Kiểu Nhiên, Tùy viên thi thoại của Viên Mai v.v.. Thiền đã hoá thân thành phương thức sáng tạo và chiếm lĩnh nghệ thuật đã tạo nên một thời huy hoàng vô tiền khoáng hậu với những đặc trưng của thi ca thời này.

Ở Việt nam, thơ Thiền Lý – Trần [thế kỷ X – XIV] là một bộ phận văn học đã cắm cái mốc mở đầu cho nền văn học viết Việt Nam. Nó có phong vị riêng, rất đặc trưng, dễ dàng khu biệt với thơ ca các giai đoạn khác. Ở đó, nó đã đề cập nhiều về con người, nhất là con người bản thể siêu việt, thể hiện quan niệm của các Thiền gia – thi sĩ thời Lý – Trần.

Con người vừa là đối tượng vừa là cứu cánh của văn học, là yếu tố trung tâm của thế giới nghệ thuật, góp phần bộc lộ quan niệm nghệ thuật về con người và thế giới của tác giả. Đây là một trong những vấn đề cốt lõi của sáng tạo nghệ thuật. Với thơ Thiền Lý – Trần, hình tượng con người được thể hiện thông qua cảm quan Thiền.

Đó là vô vị chân nhân tức con người thật không địa vị. Nói cách khác là con người trong tính bản thể. Con người này không phải là con người vật lý, con người tứ đại mà cũng không ngoài con người tứ đại. Biểu hiện của con người thật không địa vị này được các Thiền gia – thi sĩ biểu đạt với những danh xưng khác nhau. Đó là hình tượng nương sinh diện [khuôn mặt mẹ], vô vị chân nhân [con người thật không địa vị] của Trần Thái Tông; là chân diện mục [khuôn mặt thật], là đồng tử [trẻ thơ] của Tuệ Trung; là đông hoàng diện [mặt chúa xuân] của Trần Nhân Tông; là bản lai nhân [người gốc xưa] của Trần Minh Tông; là tự tại nhân [người tự do] của Hiện Quang v.v.. Thơ Thiền gắn với tư tưởng Thiền và mỹ học Thiền, nó thường tập trung bàn về những vấn đề liên quan đến bản thể luận và giải thoát luận. Vì thế, con người thật không địa vị vừa là đối tượng phản ánh, chiêm nghiệm, lại vừa là mục đích cứu cánh của các Thiền gia – thi sĩ.

Với Tuệ Trung Thượng Sĩ, đó là hình tượng con người trí tuệ, bản lĩnh, tự tin ở năng lực và sức mạnh của mình, không ỷ lại hay nương tựa vào bất kỳ một thế lực nào khác. Tuệ Trung mở đầu bài kệ – thơ Thị chúng bằng: Hưu tầm Thiếu Thất dữ Tào Khê [Chớ tìm Thiếu Thất với Tào Khê]. Và kết thúc bằng: Mạc tầm Nam Bắc dữ Đông Tây [Đừng tìm Nam Bắc với Đông Tây.][3]

Ở đây, Tuệ Trung đã dùng chữ “Hưu” là phủ định từ, mang nét nghĩa như lời khuyên bảo; còn “Mạc” lại có ý phủ định mạnh mẽ. Ý phủ định này được tăng dần lên theo ngữ điệu. Từ “hưu” đến “mạc”, từ những địa danh cụ thể, có giới hạn: Thiếu Thất, Tào Khê cho đến không gian bao la rộng lớn: Nam, Bắc, Đông, Tây chính là để biểu đạt cái bản lĩnh, tự tin vô biên của con người trí tuệ.

Trong khi đó, Trần Minh Tông thì dùng từ “hưu”, “phất” ở thể trùng điệp để thể hiện sự tự tin vào bản lĩnh của chính mình trong bài Giới am ngâm:

Hưu hưu ngoại mịch khổ thi công,

Phất phất tỵ khổng cổ kim đồng.

[Thôi thôi tìm ở ngoài vô ích,

Phập phồng cánh mũi xưa nay chung.][4]

Thế giới ngôn từ của thơ Thiền là thế giới ưu tiên cho những dạng câu phủ định, số lượng những bài thơ có dạng câu phủ định chiếm khoảng 60% trong toàn bộ tác phẩm thơ Thiền. Có lúc, nó được sử dụng nhiều lần ngay cả trong một bài thơ, như Trần nhân Tông đã viết trong bài kệ kết thúc bài cư trần lạc đạo phú:

Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch,

Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền.

[Của báu đầy nhà thôi tìm kiếm,

Gặp cảnh không tâm chớ hỏi Thiền.][5]

Sở dĩ có hiện tượng này hẳn là do chức năng đặc trưng của thơ Thiền, bởi câu phủ định rất có hiệu quả trong việc truy bức, dồn ép người nghe, người học đạo vào tuyệt lộ của tư duy lý tính, tư duy lô gíc, để khai thông trí tuệ giác ngộ tiềm ẩn trong mỗi con người.

Con người trí tuệ ở đây còn thể hiện ở sự thông đời liễu đạo, am hiểu Phật – Đạo – Nho, dung thông Tam giáo, đem hết sức mình làm lợi ích cho tất cả chúng sinh, góp phần an bang định quốc, tự tin vào mình, không nương tựa vào tha lực, cho dù đó là bậc đạo sư của họ như Quảng Nghiêm trong bài Thị tịch:

Nam nhi tự hữu xung thiên chí,

Hưu hướng Như Lai hành xứ hành.

[Nam nhi tự có chí ngút trời,

Đừng đi theo lối mòn của Như Lai.][6]

Hiện lên trong thơ Thiền còn là con người tự tại với phong thái ung dung trầm tĩnh, tiêu diêu thanh thoát, hoà mình vào thiên nhiên vạn vật, sống trọn vẹn với thực tại, hết mình với cuộc sống. Họ không truy cầu quá khứ, không mơ tưởng hão huyền ở tương lai. Giá trị chân thực của cuộc sống dưới nhãn quan của thi sĩ Thiền không phải là những gì bí mật xa vời mà là ở ngay trước mắt, ngay trong sát na hiện thực tĩnh giác. Quan niệm “Nhất thiết duy tâm tạo” từ kinh Hoa Nghiêm đã tạo nên cảm quan và tư tưởng vô ngại cho các Thiền sư. Hãy hình dung phong thái của Hiện Quang trong bài Đạo:

Vô vi cư khoáng dã,

Tiêu dao tự tại nhân.

[Vô vi sống đồng rộng,

Người tự tại thung dung.][7]

Đó còn là con người vô ngã vị tha thể hiện rất rõ trong thơ Thiền. Vô ngã là không chấp cái “Ta” và cái “Của ta”; Vị tha là vì chúng sinh, vì mọi người. một phần biểu hiện cụ thể là những con người vừa có tấm lòng khoan dung độ lượng; vừa yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước; đem hết năng lực, trí tuệ của mình để phục vụ nhân dân, đất nước. Vô ngã nghĩa là không còn chấp ngã, không còn chấp pháp; tức không còn phân biệt cái này của ta, cái kia thuộc về ta; không còn lo lợi ích cho riêng mình, khư khư bám víu vào lòng ham muốn của ta.

Vô ngã là giải thoát, là niết bàn, nó không mang ý nghĩa phủ nhận giá trị con người, xoá bỏ con người; không mang ý nghĩa phi nhân bản, mà chính là giải thoát con người ra khỏi tù ngục của sự cố chấp, thành kiến; giải phóng con người ra khỏi mọi thúc phược của mọi sự tác động từ ảnh hưởng bên ngoài, nhất là sự trói buộc tham dục và thành kiến của chính mình, hướng tới giá trị đích thực của con người tự do với ý nghĩa tuyệt đối. con người vô ngã trước hết là con người tự do tuyệt đối, gắn với trạng thái lãng quên kỳ diệu. có lẽ ở trong trạng thái lãng quên đó, con người dễ dàng đạt đến cảnh giới “Vô ngã”. Trạng thái đó cũng là trạng thái thứ tám trong Thập mục ngưu đồ “tương vong” [cùng quên]. Kinh nghiệm của trạng huống “vật ngã câu vong” [ta, vật đều quên] được Huyền Quang ghi lại trong bài cúc hoa, số 3:

Vong thân vương thế dĩ đô vong,

Toạ cửu tiêu nhiên nhất tháp hương.

[Quên mình, quên đời, quên tất cả,

Yên lặng ngồi lâu lạnh cả giường.][8]

Lúc đó, con người và vạn vật hoà quyện vào nhau không còn hiện hữu sự tách bạch. Giây phút ấy, cái “tôi” phân biệt như đã tan vào trong vũ trụ vạn vật bao la, không còn bóng dáng. con người ở đây như nhận thức được sự hữu hạn của cuộc đời, sự ngắn ngủi của cuộc sống với qui luật “Hữu thành tất hữu hoại” [có thành tựu ắt có huỷ hoại]. Hãy mở rộng tâm hồn đến vô biên hoà vào thể tính bao la của vũ trụ, hoá thân vào sum la vạn tượng, tồn tại mãi với thời gian.

Một trong những đặc trưng khu biệt thơ Thiền với những dòng thơ khác chính là ở cách sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật của thơ Thiền. Với quan niệm “Ngôn ngữ đạo đoạn”, lời nói ngôn từ hữu hạn ở đây không thể diễn tả trọn vẹn và đầy đủ cái chân lý vô cùng, thể hiện rõ nét quan điểm mỹ học phương Đông. Ngôn ngữ thông thường khó có thể diễn tả, thể hiện được trọn vẹn cái tĩnh mà động, thường mà biến, hư mà thật của vạn pháp. Ngôn ngữ thơ Thiền được dùng đạt đến đỉnh điểm của tính hàm súc, cô đúc. Mặc dù vậy, cái hiện ra qua bề mặt ngôn ngữ cũng chỉ là một phần nổi của tảng băng trôi, phần chính yếu, ngôn ngữ không thể diễn tả hết được chẳng khác nào như chín phần còn lại chìm dưới của tảng băng, ẩn tàng sau lớp từ ngữ. Cho nên ngôn ngữ thơ Thiền không có quá kỳ vọng diễn đạt toàn vẹn đối tượng mà cốt chỉ khơi gợi hướng tới chiếm lĩnh đối tượng. Đó là thứ ngôn ngữ siêu ý tại ngôn ngoại.

Hơn nữa, các Thiền sư – thi sĩ thường thấy rõ ràng là từ ý tưởng đến diễn đạt thành lời thơ còn có một khoảng cách vô hình. Đối với những tác gia thiên tài, hay các thi sĩ Thiền, cái khoảng cách vô hình từ ý tưởng đến ngôn từ chỉ có thể tiệm tiến dần đến số không chứ hoàn toàn không thể xoá bỏ hẳn. Đó là chưa nói bản thân ngôn ngữ vốn không thể nào thể hiện được một cách trọn vẹn đối tượng, nếu miễn cưỡng thì có lẽ sẽ không bao giờ tiếp cận chân lý đích thực. Những tuyệt tác của thi ca phương Đông thường là những tác phẩm dường như chưa hoàn tất, chưa đầy đủ, chưa kết thúc. Chính điều này, tạo nên sự lung linh mờ ảo, huyền bí với sức sống vô hạn, sức cuốn hút vô biên. Những tác phẩm ấy, không những khắc phục được sự nhàm chán mà còn tạo được sức kích thích lớn lao của sự hấp dẫn trong việc khám phá được sự kì diệu và bí ẩn của thi ca. Đúng như cách nói của nhà Phật: Mỗi người uống nước sẽ tự cảm nhận được sự nóng lạnh của nó; ai ăn sẽ tự cảm nhận được mùi vị của món ăn, dù có diễn tả hay cách mấy cũng không nói hết được.

Ngôn ngữ thơ Thiền, bên cạnh những nét chung của ngôn ngữ nghệ thuật trung đại phương Đông, nó còn mang trong mình triết lý Thiền với sự uyên áo, kỳ bí và gợi mở giống như luồng nội lực đả thông kinh mạch, khai nguồn cho dòng thác trí tuệ vụt lên. Tính bất toàn của ngôn ngữ Thiền kích thích mãnh liệt sự tò mò và lòng ham hiểu biết chân lý, đó là cách thức giải phóng, khai thông những tiềm lực to lớn vô biên ẩn tàng trong sâu thẳm ở mỗi con người. Tính chất “ý tại ngôn ngoại, huyền ngoại chi âm, cam dư chi vị” ở đây không thể chỉ hiểu theo nghĩa lời ít ý sâu, có nhiều tầng ý nghĩa để đối tượng tiếp nhận, có thể lĩnh hội theo cơ chế của sự liên tưởng mà là lắm khi còn vượt ra ngoài khuôn sáo ngữ nghĩa thông thường của ngôn ngữ. Nói cách khác, thông điệp mà thơ Thiền phát ra không thể nào cảm nhận trọn vẹn bằng tư duy logic thông thường mà chỉ có thể đạt tới bằng phương pháp Thiền trực hội. Như có người hỏi: “Ngôn ngữ đạo đoạn là thế nào?” Thiền sư Viên chiếu đáp:

Giốc hưởng tuỳ phong xuyên trúc đáo,

Sơn nham đái nguyệt quá tường lai.

[Tiếng sừng theo gió xuyên rặng trúc,

Vầng trăng vượt núi đến bên tường.][9]

Hai câu thơ đầy hình ảnh sinh động này nếu dùng tư duy lý tính, suy luận theo cầu trường liên tưởng thì sẽ dễ rơi vào suy diễn tư biện, không hiểu được ý của tác giả muốn thể hiện.

Đặc biệt là ngôn ngữ thơ Thiền được các thi gia xem như một “Pháp” bình đẳng với những pháp khác, vượt ra ngoài mọi qui ước về mặt ý nghĩa, tạo nên một thứ siêu ngôn ngữ. Bước đột phá này bổ túc cho sự bất toàn của ngôn ngữ trong việc phản ánh, biểu hiện, tái tạo hiện thực và chiều sâu vô tận của tâm hồn con người mà ngôn ngữ thông thường không thể nào biểu hiện được. Thứ siêu ngôn ngữ này còn mở rộng khả năng biểu hiện của ngôn ngữ đến mức vô giới hạn. Có như vậy mới đáp ứng được nhu cầu phản ánh và biểu hiện sự muôn màu muôn vẻ của cuộc sống và con người, mà chiều sâu tâm hồn con người là mảnh đất màu mỡ nhất. Tính gợi mở khai thông của ngôn ngữ thơ Thiền kích thích mạnh mẽ vào sự hoạt động tâm trí giúp độc giả ngộ ra chân lý. Điều này kích thích sự sáng tạo tự thân, khắc phục thái độ sáo mòn, theo vết, dọn sẵn.

Đọc thơ Thiền không phải chỉ đọc những gì ở ý nghĩa của ngôn ngữ thông thường mà là lĩnh hội trực tiếp thông điệp bằng cách “lấy tâm hội tâm”, không thông qua tư duy lôgic lý tính. chỉ có như vậy mới có thể đọc được cách nói nghịch lý khác thường, phi lô gíc, không thể thấy được trong cuộc sống:

Dục tri đoan đích ý,

Thạch hổ giảo kim ngưu.

[Muốn biết ý nghĩa thật,

Hổ đá cắn dê vàng.]

Tuệ Trung, Thị đồ đệ[10]

Để trả lời câu hỏi: Thế nào là bản ý? Thiền sư Viên Chiếu đáp bằng hai câu thơ: Xuân chức như hoa cẩm, Thu lai diệp tự hoàng. [Xuân dệt muôn hoa như gấm thêu, Thu sang ngàn lá tựa vàng gieo][11]. Những câu thơ giàu hình ảnh tuyệt mỹ này mới nghe tưởng chừng như chẳng ăn nhập gì với câu hỏi đặt ra. Có biểu đạt với ngôn ngữ phi lôgic như trên thì mới ngỏ hầu đập tan những cố chấp, vướng mắc của người học, nhằm khai thông trí tuệ chân thật của họ.

Một đặc trưng nữa của ngôn ngữ thơ Thiền là vô ngôn. Để biểu lộ, hiển bày chân tâm trong sáng, u huyền, tịch diệu, không màu không mùi, không hình không dáng, không vuông không tròn, hoặc diễn tả trạng huống giác ngộ, bừng vỡ chân lý, giây phút thăng hoa trí tuệ không gì hơn là vô ngôn. cùng với Thiền ngữ [siêu ngôn ngữ], vô ngôn sẽ bổ túc thêm cho sự bất toàn, bất cập của ngôn ngữ. Ngôn ngữ dù được sử dụng tuyệt vời đến đâu cũng mang một ý nghĩa giới hạn nhất định, vô ngôn đưa nó đến cõi vô hạn. Hãy lắng lòng cùng Trần Quang Triều hoà mình vào cảnh chiều hôm nơi ngôi chùa cổ trong bài Đề Gia Lâm tự:

… Xuân vãn hoa dung bạc,

Lâm u thiền vận trường.

Vũ thu thiên nhất bích,

Trì tĩnh nguyệt phân lương.

Khách khứ tăng vô ngữ,

Tùng hoa mãn địa hương.

[Xuân chày hoa mỏng mảnh,

Rừng thẳm ve ngân nga.

Mưa lạnh da trời biếc,

Ao trong ánh trăng ngà.

Khách về tăng không nói,

Thông rụng nức mùi hoa.][12]

Lúc này, thật không một ngôn ngữ nào diễn tả hết được cái không gian trong sáng của cảnh. Cảnh vật thanh u, tĩnh lặng, không khí mát mẻ. Một sự thanh khiết vô biên tuyệt diệu của đất trời khiến cho con người thanh lọc hết mọi ưu tư phiền não, vướng mắc, để đạt tới sự yên bình thanh thản vô hạn. Trạng thái lặng yên không nói, hoà nhập tâm mình với vạn vật như trên, còn được Trần Nhân Tông bộc bạch trong bài Xuân Cảnh:

Khách lai bất vấn nhân gian sự,

Cộng ỷ lan can khán thuý vi.

[Khách đến không hỏi chuyện đời,

Cùng tựa lan can ngắm màu xanh.][13]

Bằng nghệ thuật ngôn ngữ vô ngôn, Thiền gia – thi sĩ đã mở ra một cầu trường cảm nhận vô biên giữa tác giả và người đọc. Mỹ học của thơ Thiền đã mang đến cho thơ ca giai đoạn này một luồng sinh khí tràn đầy sức sống với một thế giới cảm xúc mới lạ và rộng mở đến vô hạn.

Những thủ pháp nghệ thuật nhân hoá, thậm xưng, nhất là ẩn dụ chiếm khoảng 70% trên tổng số tác phẩm thơ Thiền thời Lý – Trần. Những thủ pháp nghệ thuật này được hầu hết các thi sĩ Thiền sử dụng nhiều đến mức trở thành ước lệ. Chữ gia trong câu thơ sau trong bài Đạo của Thường Chiếu dùng để chỉ cội nguồn, bản thể, tự tính của mỗi người:

Đại thiên sa giới ngoại,

Hà xứ bất vi gia.

[Cả hà sa thế giới,

Đâu chẳng phải là nhà.][14]

Không gian vũ trụ là đặc trưng cảm nhận thế giới của con người thời trung đại. Không gian trong thơ Thiền trước hết là không gian trong tính bản thể của nó. Dưới tuệ nhãn của các Thiền sư, không gian cũng là một pháp, bản thể của nó không khác gì với bản thể của vũ trụ, trong đó có con người:

Đạo lữ bất tu thương vĩnh biệt,

Viện tiền sơn thuỷ thị chân hình.

[Bạn đạo thôi hãy đừng thương xót,

Non nước ngoài am ấy dáng xưa.]

Đoàn Văn Khâm, Vãn Quảng Trí thiền sư[15]

Không gian trong thơ Thiền đã được tâm hoá nên nó được tái hiện bởi quan niệm một là tất cả, tất cả là một, như thiền sư Khánh Hỷ trả lời câu hỏi của Pháp Dung về phàm thánh khác nhau như thế nào?:

Càn khôn tận thị mao đầu thượng,

Nhật nguyệt bao hàm giới tử trung.

[Trời đất ở trên đầu một sợi lông,

Mặt trăng, mặt trời đựng trong hạt cải.]

Khánh Hỷ, Đáp Pháp Dung phàm thánh chi vấn[16]

Không gian ấy không chỉ là không gian bao la rộng lớn, nó không giới hạn trong thái dương hệ của chúng ta mà còn mở rộng đến các cõi khác:

Tam giới mang mang tâm liễu liễu,

Nguyệt hoa tây một nhật thăng đông.

[Ba cõi mênh mông lòng sáng rỡ,

Trăng lặn phía tây, mọc đằng đông.][17]

Hình tượng không gian bao la vô cùng vô tận thường được dụ cho Phật tính, là biểu trưng của bản thể vũ trụ. chỉ có sự bao la vô biên của không gian mới là cái đắc giá cho các thi sĩ chọn làm biểu tượng ẩn dụ cho chân tâm viên giác tròn đầy.

Nếu như thế giới tồn tại trong không gian, thời gian thực tại, thì thế giới nghệ thuật chỉ có thể tồn tại trong thời gian và không gian nghệ thuật. Thời gian nghệ thuật trong thơ không chỉ là quan niệm của tác giả về thời gian, mà còn là hình tượng thời gian sinh động, là sự cảm thụ, ý thức về thời gian như là hình thức nghệ thuật phản ánh hiện thực, lý giải con người. Thời gian luân hồi tuần hoàn theo chu kỳ được Mãn Giác thể hiện chỉ với bốn câu, hai mươi chữ mà đã khái quát toàn bộ qui luật sinh trụ dị diệt [sinh ra, tồn tại, biến đổi, hoại diệt] của vạn vật và qui luật sinh lão bệnh tử [sinh, già, bịnh, chết] của con người, bằng hình tượng sinh động trong bài kệ giàu chất thi ca :

Xuân khứ bách hoa lạc,

Xuân đáo bách hoa khai.

Sự trục nhãn tiền quá,

Lão tùng đầu thượng lai.

[Xuân đi trăm hoa rụng,

Xuân đến trăm hoa cười,

Sự việc qua trước mắt,

Trên đầu già đến rồi.][18]

Tác giả đã vẽ ra vòng tuần hoàn liên miên bất tận bằng cách gợi lên hình tượng hoa rụng trước, hoa nở sau để dẫn ra những vòng đời tiếp theo của hoa. Các cặp ngữ động từ đối nhau: khứ – đáo; lạc – khai ; nhãn tiền quá – đầu thượng lai; và các từ được dùng trùng điệp: xuân, hoa như để chỉ ra qui luật này chẳng khác gì bánh xe luân hồi tuần hoàn mãi không dứt. Chữ bách được dùng lặp lại không chỉ là chỉ số trăm mà hàm ý vũ trụ vạn vật muôn loài kể cả con người, không loài nào thoát ra ngoài qui luật đó được. Hình ảnh mái tóc bạc là biểu tượng của dấu ấn thời gian hằng in trong tâm khảm của mọi người.

Thời gian qua nhanh, cuộc đời ngắn ngủi như băng dưới nắng, đuốc trước gió như trong mấy câu thơ sau của Trần Thái Tông:

Nhật xuất hoàn tương một,

Thân phù hựu phục trầm.

[Mặt trời mọc rồi lặn,

Thân nổi chìm luân hồi.][19]

Thơ Thiền đề cập đến thời gian ngắn ngủi, chóng vánh nhằm cảnh tỉnh mọi người không nên chìm đắm trong mộng tưởng điên đảo mà phải nỗ lực chuyên cần tu tập, vượt ra ngoài mọi sự câu thúc của thời gian hữu hạn, để đạt tới cảnh giới siêu việt thời gian. Tức là hiểu thấu thời gian trong tính bản thể của nó. Nhìn thời gian trong bản chất của nó, không dài, không ngắn; không nhanh, không chậm; không đến, không đi; vô thuỷ vô chung; xem sát na và khoảnh khắc là mãi mãi. Đó chính là thời gian thực tướng được lọc qua cảm quan Thiền của các Thiền gia – thi sĩ. Lúc này, họ không còn phân biệt: năm ngoái, năm nay; đêm hôm trước, đêm hôm nay, như Tuệ Trung viết trong bài Đốn tỉnh:

Tạc dạ nguyệt minh kim dạ nguyệt,

Tân niên hoa phát cố niên hoa.

[Đêm qua trăng sáng, trăng đêm nay,

Năm mới hoa nở, hoa năm cũ.][20]

Quan niện về thời gian thực tướng là nét đặc trưng của nghệ thuật về thời gian trong thơ Thiền, khó có thể tìm thấy trong các bộ phận thơ ca khác.

Khoảnh khắc chợt tỉnh cũng tức là thời gian giao điểm giữa mê và ngộ, thời gian chuyển đổi lớn lao từ cái nhìn nhị nguyên đến cái nhìn triệt ngộ, khoảnh khắc đó tuy ngắn ngủi nhưng có ý nghĩa vô cùng to lớn:

Thụy khởi châm thanh vô mịch xứ,

Mộc tê hoa thượng nguyệt lai sơ.

[Tỉnh giấc tiếng chày đâu chẳng biết,

Trên cành hoa quế trăng mới lên].

Trần Nhân Tông, nguyệt[21]

Thời gian trong thơ Thiền là thời gian hiện tại, không hoài cổ như thường thấy trong thơ Đường. Thời gian tĩnh giác trong phút giây hiện tại, không hoài niệm quá khứ, không mơ mộng tương lai. Đặc biệt, mùa thu và ban đêm thường được các thi nhân chọn làm hình tượng thời gian. Có lẽ cái không gian trong trẻo, tĩnh mịch của ban đêm vào mùa thu là thời khắc của sự hoà điệu giữa con người và vũ trụ, và là thời điểm thích hợp nhất để biểu hiện cái chân tâm Phật tính, cũng là lúc thuận lợi nhất cho sự bừng vỡ giác ngộ. Con người đứng trước không gian trong lặng của đất trời, muôn vạn phiền não vô minh như được rũ sạch, chẳng khác nào như mây đen nhờ gió cuốn đi, để hiện rõ mặt trời tự tính trong sáng thuần khiết vô biên.

Như vậy, để nghiên cứu một đối tượng văn học đậm tính ảo diệu, kỳ bí, uẩn súc, uyên áo và có lịch sử lâu đời như thơ Thiền, thì ngoài những phương pháp tiếp cận thông thường, có lẽ thi pháp học là một trong những cách tiếp cận hữu hiệu nhất. Hướng nghiên cứu thi pháp học để giải mã thơ Thiền phải chăng cần được vận dụng nhiều hơn nữa, mà bài viết này mới chỉ là những bước đi đầu tiên mà thôi.

TS THÍCH HANH TUỆ

Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 3/2014

Chú thích:

[1] Đỗ Tùng Bách, Thơ Thiền Đường – Tống, NXB Đồng Nai,

2000, tr 102.

[2] Đỗ Tùng Bách, Thơ Thiền Đường – Tống, NXB Đồng Nai, 2000, tr 349.

[3] Viện Văn học, Thơ văn Lý – Trần, tập 2, quyển thượng, NXB KHXH, HN, 1989, tr 231.

[4] Viện Văn học, Thơ văn Lý – Trần, tập 2, quyển thượng, NXB KHXH, HN, 1989, tr 231.

[5] Viện Văn học, Thơ văn Lý – Trần, tập 2, quyển thượng, NXB KHXH, HN, 1989, tr 504.

[6] Tổng tập văn học Việt Nam, tập 2, NXB KHXH, HN, tr 646.

[7] Tổng tập văn học Việt Nam, tập 2, NXB KHXH, HN, tr 656.

[8] Tổng tập văn học Việt Nam, tập 2, NXB KHXH, HN, tr 415.

[9] Tổng tập văn học Việt Nam, tập 2, NXB KHXH, HN, tr 595.

[10] Viện Văn học, Thơ văn Lý – Trần, tập 2, quyển  thượng, NXB KHXH, HN, 1989, tr 245.

[11] Viện Văn học, Thơ văn Lý – Trần, tập 1, NXB KHXH, HN, 1989, tr 280.

[12] Viện Văn học, Thơ văn Lý – Trần, tập 2, quyển  thượng, NXB KHXH, HN, 1989, tr 614.

[13] Viện Văn học, Thơ văn Lý – Trần, tập 2, quyển  thượng, NXB KHXH, HN, 1989, tr 460.

[14] Tổng tập văn học Việt Nam, tập 2, NXB KHXH, HN, tr 649.

[15] Tổng tập văn học Việt Nam, tập 1, NXB KHXH, HN, tr 291.

[16] Tổng tập văn học Việt Nam, tập 2, NXB KHXH, HN, tr 691.

[17] Tổng tập văn học Việt Nam, tập 1, NXB KHXH, HN, tr 179.

[18] Tổng tập văn học Việt Nam, tập 2, NXB KHXH, HN, tr 610.

[19] Tổng tập văn học Việt Nam, tập 2, NXB KHXH, HN, tr 190.

[20] Viện Văn học, Thơ văn Lý – Trần, tập 2, quyển  thượng, NXB KHXH, HN, 1989, tr 269.

[21] Viện Văn học, Thơ văn Lý – Trần, tập 2, quyển  thượng, NXB KHXH, HN, 1989, tr 455.

Video liên quan

Chủ Đề