Tỷ lệ tiêm vaccine covid các tỉnh ở việt nam

Sáng 7/7: Biến thể BA.4, BA.5 đã xâm nhập nhưng hàng chục tỉnh vẫn tiêm vaccine COVID-19 mũi 3 và 4 chậm

Bộ Y tế sáng 7/7 cho biết, đến nay cả nước mới tiêm được khoảng 51 triệu liều vaccine COVID-19 mũi 3 và 4; hàng chục tỉnh, thành vẫn tiêm chậm trong khi biến thể BA.4 và BA.5 đã xâm nhập vào Việt Nam.

Cả nước mới tiêm được khoảng 51 triệu liều vaccine COVID-19 mũi 3 và 4; hàng chục tỉnh, thành tiêm chậm

Sáng 7/7, Bộ Y tế cho biết, trong thời gian qua, Bộ Y tế đã liên tục nhắc nhở các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine COVID-19, tuy nhiên vẫn có hàng chục tỉnh, thành đã liên tục nằm trong danh sách tiêm chậm các mũi nhắc lại: mũi 3 và mũi 4 cho cả đối tượng trên 18 tuổi và trẻ từ 12- 17 tuổi.

Đối với nhóm từ 18 tuổi trở lên, kết quả tiêm nhắc lần 1 (mũi 3): Tổng số có 46.158.580 mũi tiêm (đạt tỷ lệ 68,8%), trong ngày có 27 tỉnh triển khai với 57.365 người được tiêm:

Tỉnh có tỷ lệ tiêm nhắc mũi 1 thấp: Hải Phòng (43,1%); Quảng Nam (45,4%); Đồng Nai (43,7%); Cà Mau (42,9%); Hậu Giang (35,1%).

Tỉnh có tỷ lệ tiêm nhắc mũi 1 cao: Thanh Hóa (93,8%); Bắc Giang (95,8%); Nghệ An (95,0%).

Về kết qủa tiêm nhắc lần 2 (mũi 4): Tổng số có 4.851.371 mũi tiêm (34,0%), trong ngày có 27 tỉnh triển khai với 60.628 người được tiêm.

Tỉnh có tỷ lệ tiêm nhắc mũi 2 thấp: Hà Nội (15,8%); Bắc Cạn (3,2%); Nghệ An (9,8%); Lai Châu (14,5%); Đồng Tháp (8,8%).

Tỉnh có tỷ lệ tiêm nhắc mũi 2 cao: Quảng Ninh (77,1%); BR-VT (83,9%); Cà Mau (79,1%);

Đối với nhóm từ 12-17 tuổi: Ghi nhận 8.653.309 trẻ tiêm đủ 2 mũi đạt 98,7%; Tiêm nhắc: 999.345 trẻ (11,4%).

Tỉnh tiêm mũi nhắc thấp dưới 5% gồm: Miền Bắc (14 tỉnh, thành): Hà Nội; Nam Định;Hà Nam; Phú Thọ; Vĩnh Phúc; Hải Dương; Quảng Ninh; Nghệ An; Lạng Sơn; Hà Giang;Cao Bằng; Yên Bái; Điện Biên.

Miền Trung (2 tỉnh): Quảng Nam; Bình Thuận

Miền Nam (9 tỉnh): Tiền Giang, Long An; Sóc Trăng; Trà Vinh; Vĩnh Long; Đồng Tháp; Bình Phước; Kiên Giang; Hậu Giang.

Các tỉnh có kết quả tiêm nhắc tốt: Ninh Bình (47,9%); Thanh Hóa (47,3%); Tây Ninh (47,0%).

Ca mắc mới COVID-19 có xu hướng tăng nhẹ khoảng 200 ca/ngày

Bộ Y tế cho biết, ngày 6/7 có 913 ca mắc COVID-19 mới. Trong ngày có hơn 7.600 bệnh nhân khỏi, cao gấp 8 lần số mắc mới

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.751.227 ca nhiễm, đứng thứ 12/227quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.495 ca nhiễm).

Đến nay tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi ở nước ta là: 9.732.548 ca. Trong số các bệnh nhân đang theo dõi, giám sát có 29 trường hợp thở ô xy, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 21 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 4 ca; Thở máy xâm lấn: 4 ca.

Theo Bộ Y tế, số ca mắc mới COVID-19 trong 2 ngày qua có xu hướng tăng nhẹ khoảng 200 ca so với mấy ngày trước đó) và chỉ ghi nhận 2 ca tử vong trong 7 ngày qua. Trong bối cảnh biến thể BA.4 và BA.5 đã xâm nhập vào nước ta thì vaccine vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch, Bộ Y tế tăng cường đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị, địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19, đặc biệt bảo đảm tiến độ tiêm đối với trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi và tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên;

Tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên thế giới, nhất là sự xuất hiện của các biến chủng mới của COVID-19; chủ động có giải pháp ứng phó với các dịch bệnh mới phát sinh, ngăn chặn, kiểm soát ngay tại cửa khẩu, không để xâm nhập vào nước ta; Đẩy nhanh triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2022-2023.

Sau nhiễm COVID-19, trẻ em có thể mắc hội chứng MIS-C

Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, đa số trẻ nhiễm SARS-CoV-2 sẽ không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ.

Tuy nhiên, sau khi khỏi bệnh vẫn có một số trẻ có hội chứng sau nhiễm COVID-19 cấp tính. Hội chứng sau nhiễm COVID-19 cấp tính khi các triệu chứng xuất hiện sau ≥ 04 tuần khi trẻ đã khỏi bệnh và không giải thích được bởi bất kỳ chẩn đoán nào khác.

Hội chứng sau nhiễm COVID-19 bao gồm:

- Triệu chứng hô hấp là thường gặp nhất.

- Hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C) ở trẻ em ít gặp nhưng nặng cần nhập viện cấp cứu. Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em xuất hiện sau mắc COVID-19 khoảng 02 - 06 tuần khi trẻ bị: Sốt; Tăng các chỉ số viêm (CRP ≥ 5 mg/L, máu lắng, procalcitonin); Tổn thương ≥ 2 cơ quan (da niêm, tiêu hóa, tim mạch, thận, hô hấp, huyết học, thần kinh).

Báo Sức khỏe và đời sống

Rượu bia là nguyên nhân gây ra hơn 40.000 ca tử vong mỗi năm

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, trong số 548.000 ca tử vong/năm ở nước ta thì nguyên nhân liên quan đến rượu bia lên tới 40.000 ca (trên 7%)

Thông tin trên được TS Trần Quốc Bảo- Trưởng phòng Kiểm soát bệnh không lây nhiễm, Cục Y tế dự phòng đưa ra tại hội nghị tập huấn cung cấp thông tin về tác hại của thuốc lá, rượu bia  đồ uống có đường, do Bộ Thông tin và truyền thông phối hợp với Tổ chức HealthBridge tổ chức trong 2 ngày 4-5/7.

Tại hội nghị, các chuyên gia đến từ Cục Y tế dự phòng, Tổ chức Y tế thế giới và và Tổ chức HealthBridge đều nhấn mạnh sử dụng rượu bia ở Việt Nam đang gia tăng ở mức báo động, đặc biệt là ở giới trẻ và được thể hiện ở ba tiêu chí: mức tiêu thụ bình quân/đầu người quy đổi ra lượng cồn nguyên chất, tỷ lệ sử dụng rượu bia ở cả hai giới, sử dụng ở mức nguy hại đều ở mức cao.

Rượu bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh, chấn thương và nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh

Theo TS Trần Quốc Bảo, trong giai đoạn 2015-2019, sản lượng bia ở nước ta tăng trung bình 7,5%/năm; sản lượng rượu tăng 1,5%/năm. Đó là chưa kể đến số lượng rất lớn rượu thủ công, tự nấu không được thống kê.

Mức tiêu thụ rượu, bia ở người >=15 tuổi ở nước ta tăng dần qua các năm. Nếu như năm 2005, mức tiêu thụ là 2,9 lít cồn nguyên chất/ người/ năm, thì đến năm 2018 và 2019, con số này đã tăng lên 7.9 lít.

Bổ sung thêm thông tin, ThS Nguyễn Tuấn Lâm - Chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho hay, Việt Nam xếp thứ hai trong các nước khu vực Đông Nam Á, xếp thứ 3 châu Á về mức tiêu thụ bình quân rượu bia/người. Tình trạng uống quá độ đến mức nguy hại cũng đang rất phổ biến ở người trưởng thành Việt Nam: 44,2% nam giới, 2015; tăng gần gấp 2 lần so với năm 2010 (25,1%).

"Số ca tử vong do rượu bia khi tổng kết lại với con số khá lớn. Sử dụng rượu bia đã và đang gây nên gánh nặng đối với y tế, kinh tế và gia tăng các vấn đề xã hội. Theo thống kê gần đây nhất, mỗi năm có khoảng hơn 548.000 trường hợp tử vong do ung thư, bệnh tim mạch, tâm thần, tiêu hoá, nhiễm trùng và do một số bệnh khác, trong đó ước lượng có khoảng hơn 40.800 ca tử vong liên quan đến bia rượu (chiếm tỷ lệ 7,5%)"- TS Trần Quốc Bảo nói.

Cũng theo TS Trần Quốc Bảo, rượu/bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh, chấn thương và là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh tật nằm trong danh mục phân loại bệnh tật quốc tế. Rượu bia là yếu tố nguy cơ xếp thứ 2 trong 10 nguy cơ gây tàn tật và tử vong hàng đầu tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, rượu bia cũng là nguyên nhân lớn nhất gây ra 30% các vụ gây rối trật tự xã hội và 33,7% các vụ bạo lực gia đình ở Việt Nam. Sử dụng rượu bia cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng bất bình đẳng giới và bất bình đẳng kinh tế xã hội, thách thức các nỗ lực giảm nghèo bền vững.

Theo Điều tra yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm năm 2021 cho thấy tỷ lệ nam giới Việt Nam uống rượu bia rất cao. Theo thống kê, năm 2021 có tới 64% nam giới và 10% nữ giới hiện có uống rượu bia 30 ngày qua. Đáng lưu ý, tỷ lệ uống ở mức nguy hại đều tăng cao qua các năm, nhất là ở nam giới. Cứ 3 nam giới thì có 1 người uống ở mức nguy hại.

Tỷ lệ sử dụng rượu bia ở thanh thiếu niên nam giảm nhẹ nhưng tỷ lệ sử dụng rượu bia ở nữ lại tăng. Theo điều tra sức khỏe học sinh trường học 2019, tỷ lệ sử dụng rượu bia ở nam trẻ vị thành niên (13-17 tuổi) là 24.6% (giảm so với 33.2% năm 2013) và ở nữ là 20% (tăng so với 17.6% năm 2013). Trong đó, tỷ lệ đã từng uống say ở cả vị thành niên nam và nữ đều ở mức cao với 22.1% ở nam và 19.3% ở nữ.

Khuyến nghị về tăng thuế, hạn chế quảng cáo tiếp thị rượu bia

Ước tính chi phí trực tiếp cho tiêu dùng rượu bia ở Việt Nam vào năm 2017 là 4 tỷ USD, gần bằng 7% số thu ngân sách của nhà nước (chưa tính đến chi phí gián tiếp)  trong khi đóng góp cho ngân sách nhà nước toàn ngành năm 2017 là khoảng 50.000 tỷ đồng (tương đương với 2 tỷ USD).

ThS Nguyễn Tuấn Lâm cho hay hiện nay thuế rượu bia tại Việt Nam vẫn đang ở mức thấp. Theo tính toán tỷ trọng thuế trên giá bán lẻ chỉ chiếm khoảng 30%, trong khi đó, ở nhiều nước thuế rượu bia chiếm khoảng 40%-85 % giá bán lẻ. Trong khi WHO đã khuyến cáo, chính sách thuế là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để kiểm soát tác hại của rượu bia, giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong do rượu bia gây ra.

Khi giá của rượu bia tăng lên, lượng tiêu thụ và tác hại cũng sẽ giảm. Ngay cả những người uống nhiều hoặc lệ thuộc vào rượu bia cũng sẽ giảm lượng uống khi giá tăng lên

Giá rượu bia tăng 20% có thể làm giảm 13% mức tiêu thụ rượu, bia (giảm 10% mức tiêu thụ bia, 16% mức tiêu thụ rượu mạnh và rượu vang)

Vì vậy, tại hội nghị, nhiều ý kiến từ chuyên gia của Cục Y tế dự phòng, WHO và Tổ chức HealthBridge nhấn mạnh kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế gới cho thấy, cần phải tăng thuế để ít nhất giữ cho sức mua không tăng và cần tăng thuế mạnh để giảm sức mua từ đó giảm thiểu hậu quả đối với sức khỏe, kinh tế, xã hội.

Bởi việc tăng thuế để tăng giá các mặt hàng rượu bia đem lại nhiều lợi ích cho y tế công cộng, kinh tế và xã hội. Những lợi ích này bao gồm: làm giảm tiêu dùng, giảm tử vong, bệnh tật liên quan đến rượu bia, giảm chi phí y tế, cải thiện hiệu quả làm việc, giảm hậu quả về mặt xã hội của lạm dụng rượu bia và tăng thu ngân sách cho Chính phủ. Đây là chính sách hai bên (Nhà nước và người dân) cùng hưởng lợi.

Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam cần tăng mạnh thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia để có thể giảm tiêu thụ rượu bia hoặc ít nhất giữ sức mua rượu bia không gia tăng.

Bên cạnh đó, cũng nên bổ sung thêm thuế tuyệt đối và chuyển sang cơ chế thuế hỗn hợp để có thể hạn chế các điểm yếu của thuế tỷ lệ như vấn đề chuyển giá và chuyển dịch tiêu dùng giữa các loại sản phẩm.

Một góc độ khác cũng được TS Trần Quốc Bảo đưa ra thông tin đó là nghiên cứu ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình cho thấy: hạn chế quảng cáo tiếp thị rượu bia, đặc biệt là bia, làm giảm được tổng lượng uống và lượng uống trung bình thường xuyên.

Nghiên cứu ở 17 quốc gia với thời gian theo dõi trong 13 năm cho thấy so với các quốc gia không áp dụng cấm quảng cáo rượu bia trên đài phát thanh và truyền hình, tỷ lệ tiêu thụ rượu bia ở quốc gia cấm các hình thức quảng cáo này thấp hơn 11% và tỷ lệ tai nạn giao thông cũng thấp hơn 23%.

Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cùng thực hiện khảo sát và vừa thông báo một phần kết quả, cho biết sau 2 năm thực hiện Luật phòng chống tác hại lạm dụng rượu bia, các quy định trong luật thực sự có hiệu quả trong cuộc sống.

Cụ thể, với quy định phạt nặng hành vi lái xe khi đã uống rượu bia, khảo sát năm 2015 cho thấy có 45% nam giới được hỏi cho biết có lái xe trong 2 giờ sau khi uống rượu bia, khảo sát năm 2021 tỉ lệ này chỉ còn 27%.

Ông Nguyễn Tuấn Lâm (Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam) cũng cho hay số tử vong do tai nạn giao thông giảm khoảng 1.000 ca/năm trong các năm 2020-2021 do nhiều nguyên nhân, nhưng trong số này có nguyên nhân số người uống rượu bia và tham gia giao thông đã giảm bớt.

Báo Sức khỏe và đời sống

Thêm nhiều quốc gia ghi nhận bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ

Cộng hòa Dominicana, Ecuador và Singapore thông báo ghi nhận các trường hợp đầu tiên mắc bệnh đậu mùa khỉ với những triệu chứng tương tự như bệnh đậu mùa nhưng nhẹ hơn.

Ngày 6/7, Bộ trưởng Y tế Cộng hòa Dominicana Daniel Rivera xác nhận nước này đã ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc bệnh đậu mùa khỉ.

Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Mỹ Latinh, tại một cuộc họp báo, Bộ trưởng Rivera cho biết bệnh nhân là công dân Cộng hòa Dominicana 25 tuổi vừa trở về từ Mỹ và đã được cách ly tại Bệnh viện Ramón de Lara ở thủ đô Santo Domingo.

Bệnh nhân nhập cảnh hôm 28/6 và đã tự đến bệnh viện ngay sau khi nhận được thông báo từ Mỹ về khả năng nhiễm virus đậu mùa khỉ.

Bệnh nhân chỉ tiếp xúc gần với 4 người thân và cơ quan y tế hiện đang theo dõi chặt chẽ các trường hợp này.

Bộ Y tế kêu gọi người dân không nên lo lắng vì bệnh chỉ lây truyền qua tiếp xúc rất gần với người nhiễm virus và các cơ quan chức năng đã tăng cường giám sát dịch tễ.

Bộ trưởng Rivera khẳng định nước này sẽ không áp dụng bất cứ giới hạn nào đối với việc nhập cảnh của khách du lịch, nhưng sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ để phát hiện các trường hợp khả nghi.

Trong khi đó, cùng ngày, Bộ Y tế Ecuador thông báo xác nhận trường hợp đầu tiên mắc bệnh đậu mùa khỉ ở nước này. Bệnh nhân là nam giới 30 tuổi, có các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ như sốt và nổi mụn trên da.

Hiện người này đã được cách ly và theo dõi bệnh tình chặt chẽ, trong khi cơ quan chức năng đang truy vết những trường hợp đã có tiếp xúc gần.

Bộ Y tế Singapore ngày 7/7 đã ra thông báo xác nhận về trường hợp đầu tiên mắc bệnh đậu mùa khỉ ở nước này.

Thông báo cho biết bệnh nhân là nam giới quốc tịch Malaysia 45 tuổi, người sống ở Singapore. Người này làm xét nghiệm hôm 6/7 và hiện đang được cách ly tại Trung tâm Các bệnh truyền nhiễm quốc gia.

Bệnh đậu mùa khỉ là một bệnh lây truyền hiếm gặp từ động vật sang người. Bệnh có thể lây lan khi tiếp xúc với người, linh trưởng, động vật gặm nhấm... bị nhiễm virus, qua đường hô hấp, mắt, mũi, miệng và có thời gian ủ bệnh từ 6-13 ngày.

Bệnh đậu mùa khỉ có các triệu chứng tương tự như bệnh đậu mùa nhưng nhẹ hơn, bao gồm các biểu hiện như sốt, đau đầu, đau cơ, ớn lạnh, mệt mỏi, phát ban và nổi hạch bạch huyết.

Gần đây nhiều quốc gia châu Âu và Mỹ đã ghi nhận các ca bệnh đậu mùa khỉ, vốn có nguồn gốc từ châu Phi.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết hiện có hơn 6.000 người nhiễm bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện ở 58 quốc gia, 85% các ca bệnh được phát hiện ở châu Âu. Tiếp đến là châu Phi và châu Mỹ./.

Báo Thông tấn xã Việt Nam