Váy đình bảng buông chùng cửa võng là gì

Váy đình bảng buông chùng cửa võng là gì
Tôi đã tìm thấy một “Người chị trong thơ Nguyễn Bính” (xem bài cùng tên, cùng tác giả). Bây giờ, tôi cũng tìm thấy một người chị nữa trong thơ Hoàng Cầm, hai nhà thơ cùng thời.

Thi nhân thường lãng mạn! Điều ấy rõ lắm, từ trong thơ cổ: “Ta cũng nòi tình, thương người đồng điệu”. Đó là lời Chu Mệnh Trinh trong “Bài tựa truyện Kiều”. Người “đồng điệu” mà Chu Mệnh Trinh nói ở đây là ai? Cũng có thể cô Kiều, cũng có thể là Nguyễn Du, vì cả hai, cũng giống như Chu Mệnh Trinh, đều thuộc “nòi tình”.

Đâu có phải chỉ có người xưa mới có cái “nòi tình” ấy! Người đời nay thì sao? Hầu như số đông thi sĩ tiền chiến đều thuộc “nòi tình” cả, từ Phan Khôi cho tới những nhà thơ mới nổi tiếng cuối thời tiền chiến như Hữu Loan.

Người ta thường cho cái “nòi tình” thời tiền chiến là do ảnh hưởng thi ca lãng mạn Pháp. Nói như thế, tôi e chỉ đúng một phần, bởi vì cái “nòi tình” thời tiền chiến không mang tính kế thừa của ông cha chúng ta trong cổ thi hay sao?

Vậy thì Nguyễn Du không lãng mạn, Chu Mệnh Trinh không lãng mạn, Hồ Xuân Hương không lãng mạn, và cả Bà Huyện Thanh Quan không lãng mạn chút nào hay sao? Ví dụ: “Dừng chân đứng lại trời non nước, Một mảnh tình riêng ta với ta!” Chỉ cần ba chữ “ta với ta” thì người đọc hiểu được tâm hồn bà Huyện như thế nào?

Theo kinh nghiệm của nhiều người thì ca dao Việt Nam lãng mạn nhứt, không thua gì thơ văn lãng mạn đông tây kim cổ. Sống trong một xã hội Tống nho nặng nề như xã hội ta ngày trước, vậy mà vẫn có những cô thiếu nữ “Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen” (bỏ quên thiệt hay cố ý bỏ quên?) hoặc “Về nhà mẹ hỏi qua cầu gió bay”, hoặc như cô Hời trong “Quê Người” của Tô Hoài, trước khi đi xem hội đêm ở làng bên, còn lén vào bàn thờ, lấy giấy bao hương (nhang) đỏ, thấm vào nước miếng để bôi lên môi cho môi mình đỏ thêm một chút, thì cái lãng mạng ấy, vừa kín đáo, vừa e thẹn hiếm có trên đời.

Khung cảnh làng quê Việt Nam vừa đẹp vừa yên tĩnh, lại “mênh mông trời rộng nhớ sông dài” (HC) đã đóng một vai trò không nhỏ trong cái tâm tình lãng mạn của người dân quê Việt Nam.

Tính cách lãng mạn của người nhà quê Việt Nam, cộng với những yếu tố văn học, bản sắc dân tộc Việt đã sáng tác nên những vần thơ tràn trề tình yêu thơ ngây, non nớt vụng dại mà sâu lắng, lâu bền trong thơ Hoàng Cầm. Nó bàng bạc khắp trong nhiều bài thơ của ông, nhưng có lẽ rõ nhất ở hai bài: “Là diêu bông” và “Cây tam cúc”.

Mở đầu bài thơ “Lá diêu bông” là hình ảnh một cái… váy đàn bà: “Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng”.

Sao lại không thấy cái gì trước cả mà lại cái váy? Bởi vì cô Vinh thì đã lớn mà cậu bé Bùi Tằng Việt (tức Hoàng Cầm) lúc đó thì dưới 12 tuổi, (không chắc ở tuổi nào), lúc thúc đi theo cô chị.

Hoàng Cầm kể:

“…Chị ấy tên là Vinh, bố mất sớm, nhà rất nghèo, chị ở cùng mẹ và một đứa em lên 5 tuổi. Họ cất một gian nhà ở phố để bán hàng kiếm ăn. Suốt từ năm 8 đến 12, 13 tuổi, lúc nào đi theo chị được là tôi đi ngay, không rời nửa bước. Cũng nhờ đi theo chị, tôi mới có những kỷ niệm để sau này trở thành “Lá diêu bông”.

“Trong một buổi tối, thanh niên, trai gái ở làng tụ họp nhau hát đối, chị vịn lấy vai tôi mà hát. Rồi chị bảo bọn trẻ chúng tôi: “Đứa nào tìm được lá diêu bông, ta sẽ gọi là chồng”. Nghe thấy thế, mặt tôi đỏ lên. Rồi một hôm nắng vàng giời lạnh, buổi chiều tha thẩn ra sân, tôi thấy chị đi ra phía cánh đồng, liền cũng đi theo. Giữa đồng, chị một mình mê mải vạch từng cái lá, cành cây như đang tìm cái gì đó. Tôi liền hỏi: Chị Vinh ơi chị tìm cái gì đấy? Chị nhìn tôi đáp lời: Ờ chị đi tìm cái lá… (chị nói tên một cái lá gì như là lá thuốc).

Vậy trong cái việc “đi theo”, nghĩa là cô gái đi trước, Bùi Tằng Việt theo sau, cái mà ông ta thấy trước tiên, nếu không là cái váy thì là cái gì?

“Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng”

Làng Đình Bảng (xưa có tên là làng Cổ Pháp), thuộc phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, là quê hương của nhà Lý trong lịch sử nước ta. Bắc Ninh cách Hà Nội 31 Km. Hà Nội là nơi Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về Đại La, sau đổi tên là Thăng Long, Hà Nội.

Bắc Ninh nổi tiếng con gái đẹp (“Đâu cũng là những cô gái Bắc Ninh” – “Việt Nam Độc Lập”, thơ của Xuân Diệu). Bắc Ninh là quê hương của hát Quan họ. Ngoài đình làng nổi tiếng to và đẹp, làng còn có nhiều chùa và hội chùa rất nổi tiếng như lễ hội Phù Đổng, lễ hội Chùa Lim, chùa Dâu. Xin đọc câu tục ngữ:

Mồng bẩy hội Khám

Mồng tám hội Dâu

Mồng chín hội Gióng

Mồng mười hội Bưởi

Đâu đâu cũng về…

Bắc Ninh cũng có nhiều nghề truyền thống như nghề mộc, nghề giấy, đúc đồng, mỹ nghệ và nghề dệt ở Hội Quan. Tôi không rõ Hội Quan là một làng thuộc phủ nào ở Bắc Ninh, nhưng làng Đình Bảng tuy ngày xưa có trồng dâu nuôi tằm nhưng không nổi tiếng nghề dệt. Đình Bảng nổi tiếng với rượu nấu từ nếp cái, bánh phu thê, giò lụa, thịt chuột.

Vậy thì “Váy Đình Bảng” có nghĩa gì? Váy dệt ở làng Đình Bảng hay váy của cô Vinh, con gái làng Đình Bảng, hay đó chỉ là cách nói của Hoàng Cầm và có thể là một câu ca dao?

Đến đầu thế kỷ 20, con gái thôn quê miền Bắc vẫn còn mạc váy, mặc dù, từ đời Minh Mạng đã có lệnh cấm:

“Tháng tám (?) có chiếu vua ra

Cấm quần không đáy người ta hãi hùng!

Không đi thì chợ không đông

Mà đi lột lấy quần chồng sao đang.”

Quần không đáy là cái váy. (1) Theo quan điểm của vua quan đời Minh Mạng, quần không đáy là thiếu văn minh, không có phong hóa.

Vừa là quê hương của vua, vừa sát bên Hà Nội, “đất ngàn năm văn vật” nên Bắc Ninh văn minh hơn các vùng quê khác, nơi một thời được gọi là Kinh Bắc (Bắc Ninh, Bắc Giang) cho nên con gái ăn mặc cũng văn minh hơn: Cái váy hơi chùng xuống một chút, hai nên hông vẫn giữ cao như cái cửa võng.

Cửa võng là cái gì?

Cửa võng là một kiểu trang trí bằng gỗ ở ngưỡng cửa nhà thờ và nhà ở thường làm theo lối chạm thủng, mô phỏng theo hình dáng như một bức màn bằng vải, trông như giải “đăng ten” có hoa lá và chim chóc, hai bên trông như treo trên hai góc trên cửa, có khi được sơn đỏ thếp vàng.

Chỉ một câu thơ đầu đã thấy “rắc rối” rồi, nói chi cả bài thơ “Lá diêu bông”.

Với một tâm tính lãng mạn, cậu bé Bùi Tằng Việt đi theo chị Vinh tìm lá diêu bông, (một thứ lá không có trong đời thực mà cậu không biết!) để hy vọng được chị “gọi là chồng”.

1)- Mối hy vọng lần thứ nhứt:

“Hai ngày sau em tìm thấy lá Chị chau mày Đâu phải lá diêu bông!”

Chị phủ nhận, không nhận chiếc lá bé Việt tìm được là lá diêu bông. Cậu bé cũng không hết hy vọng.

2)- Trong những ngày đông lạnh lẽo, cậu bé Bùi Tằng Việt thơ thẩn qua những cánh “đồng chiều” chỉ còn trơ “cuống rạ” và cậu bé tìm thấy lá, đem về cho chị, và hy vọng:

“Mùa đông sau em tìm thấy lá Chị lắc đầu trông nắng vãn bên sông

Nắng vãn là nắng chiều, nắng sắp tắt ở bên sông. Hai hình ảnh: “nắng vãn” và “bên sông” nói lên điều gì? Nắng vãn là hình ảnh một ngày sắp hết, chấm dứt, là cảnh buồn. Nó có tượng trưng cho mối tình của cậu bé Việt và chị Vinh, một đời con gái sắp chấm dứt để đi lấy chồng? Bên sông là hình ảnh xa cách, ly biệt của hai bờ song mà cũng là của đời người.

3)- Tới ngày chị làm đám cưới, cậu bé vẫn chưa tuyệt vọng, vẫn còn đi tìm lá diêu bông:

“Ngày cưới chị Em tìm thấy lá Chị cười xe chỉ ấm trôn kim.”

Chị cười? Sao lại cười? Cười buồn hay cười thương hại cho bé Việt. Đời chị bây giờ như “chỉ luồn trôn kim”, có nghĩa là theo chồng, là thuộc về chồng chị rồi.

4)- Mối hy vọng của bé Việt bao giờ nguôi khi chị đã có ba con với chồng:

“Chị ba con Em tìm thấy lá Xòe tay phủ mặt chị không nhìn”.

Xòe tay che mặt không nhìn là coi như chị chấm dứt. Nhưng Bùi Tằng Việt thì không! Anh chàng yêu vớ vẩn cũng cứ cầm chiếc lá kiếm được để đi tìm chị. Tội nghiệp cho Bùi Tằng Việt, chàng lang thang đi tìm chị “đầu non, cuối bể”, giữa “gió quê vi vút” cầm chiếc lá diêu bông mà gọi chị như “Thằng Cuội đứng giữa mặt trăng, cầm rìu cầm rạ gọi trâu ời ời”

5)- Từ thuở ấy Em cầm chiếc lá đi đầu non cuối bể Gió quê vi vút gọi Diêu bông hời… …ới diêu bông…!

Anh ta mang cái hy vọng ấy dài bao lâu?

Cho đến khi ông ta già cụm, sắp lìa đời chăng?

Hoàng Cầm sinh nam 1922, yêu “chị Vinh” lúc ông khoảng 10 tuổi, tức là khoảng năm 1934. Năm 1959, bài thờ “Lá diêu bông” mới ra đời, nghĩa là 25 năm sau “ngày cưới chị”, ông vẫn chưa quên người con gái ấy. Sau đó, mối tình lặng lẽ trong lòng ông kéo dài bao lâu nữa thì khó mà biết được, không nghe ông tâm sự với ai.

Đó chỉ là chuyện trong tâm tưởng. Còn trong đời thực thì sao?

Trích “Yếm thắm Hương xưa”, của Phí Ngọc Hùng, Tân Văn số 32 tháng 3 – 2010:

“Vào truyện:

“Bố tôi có cụ bạn già rất thân… Nhà cụ ba đời uống nước máy “phong tên” Hà Nội, nói trắng ra cụ bương trải đến… lõi đời. Vô phép vô tắc nói xấu sau lưng cụ chứ đôi khi tửu nhập ngôn xuất, cụ có hơi “hoang đàng” một tí tị. Cụ lang bạt kỳ hồ, cụ đi tứ phương tám hướng, thổ ngơi tập tục đất Bắc cụ kể vanh vách như chẩu chuộc…

. . . . . . . . . . . . . .

“Sau nầy lớn lên tôi chỉ hiểu lơ mơ lỗ mỗ là ai cũng vậy, lúc nhỏ có những chuyện cỏn con không đâu của người lớn. Ngẫu nhiên nó vận vào người như cái lưới tình, làm thân con nhện mấy lần vương tơ và không thoát được như tôi vậy. Nhưng ấy là chuyện sau, cũng như Hoàng Cầm, chỉ vì mảng thịt, miếng da để gắn bó suốt đời với một bài thơ. Quên không kể cho anh nghe tôi là bạn của Hoàng Cầm, thấy hắn làm thơ tôi cũng bày đặt làm thơ…”

. . . . . . . . . . . . . .

“… Trở lại chuyện tình yêu ở cái tuổi học trò, hắn (Hoàng Cầm – Tg) kể tôi nghe cũng bằng tuổi ấy… Hắn yêu thầm trộm nhớ một cô gái tên Vinh, hơn hắn tám tuổi. Cô cũng là người dạy hắn hát quan họ, trống quân vào những ngày cuối tuần. Một lần hắn rình cô ra ngoài đồng, trên một cái gò nhỏ có nhiều bụi dại, người hắn đang háo hức vì cái mông trắng như cùi bưởi. Cô ta ngẩng lên bắt gặp và mắng: “Sao mày cứ lẵng nhẵng theo tao thế nầy nhỉ?” Xong, cô giả bộ như lúi cúi tìm cái gì ấy, rồi đứng thẳng người lên, nhìn vào mắt hắn và nói: Chị tìm cái lá…” Rồi cô tiếp: “Đứa nào tìm được tao gọi làm chồng…” và hắn cũng chẳng nhớ lá gì nữa.

Vào một đêm năm 1959, khoảng ba giờ sáng, hắn chợt tỉnh giấc rồi thao thức không ngủ được. Căn nhà phố Lý Quốc Sư nằm sâu phía trong im ắng, hắn chợt nghe bà hàng xóm văng vẳng ngâm thơ “Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng…” Thế là hắn bật dậy, lấy bút chì và tập giấy ra ghi chép. Ký ức người con gái ngoài đồng năm xưa lại hiện ra:

Chị thơ thẩn đi tìm

Đồng chiều

Cuống rạ

Chị bảo:

Đứa nào tìm được lá diêu bông

Từ nay ta gọi làm chồng.

“Hai mươi năm sau, từ trong bụi dại, cái tên của bài thơ gắn bó với Hoàng Cầm, như một dòng sinh mệnh, để hắn nhẹ tênh như cuống rạ và thảnh thơi như cánh đồng chiều. Trong khi tôi còn lang thang, thơ thẩn với bà Hồ Xuân Hương “Yếm đào trễ xuống dưới nương long – Đôi gò bồng đảo hương còn ngậm…” để gần hết quảng đời, tôi cứ bị dằn vặt và lận đận đi tìm một lá diêu bông.

“Tôi quen với Hoàng Cầm từ Hà Nội khi hai đứa học tú tài, nhưng lại gặp hắn ở tiệm nhẩy Asia phố hàng Bông. Thoạt đầu, thân thì không hẵn là thân, gần nhau qua men rượu thì đúng hơn, sau hợp nhau ở điểm, xin lỗi anh, tụi tôi đang ở cái tuổi mới lớn nên cả hai đều săm soi tìm hiểu về… đàn bà, con gái nên đi đâu cũng có nhau, như bóng với hình…”

. . . . . . . . . . . . . . .

“Ngày ngày ra ngơ vào ngẩn, mò tới phố Sinh Từ tìm Hoàng Cầm để thăm dò. Nhưng hắn đã theo cô Tuyết, người Hải Phòng, gái nhẩy ở tiệm Asia và về phố Đường Thành sống chung với nhau. Cô Tuyết nầy cũng khác người, khi không mang hắn về nuôi báo cô đến mấy tháng, cái thằng bố lếu bố láo ấy vậy mà hay không bằng hên. Gặp tôi hắn tỉ tê ngay: “Tối đầu tiên tớ nằm cạnh Tuyết, khi đó tớ không gọi là chị nữa, vì Tuyết hơn tớ ba tuổi, mà gọi là “đằng ấy”. Tớ ôm Tuyết, hai tay sờ soạng ngoài bộ quần áo ngủ, Tuyết tự cởi áo ra. Rồi lại cởi áo cho tớ, sau đó bảo tớ cởi hết ra, tớ làm theo…”.

. . . . . . .

“Tin hay không tùy anh, như một cái điềm, đưa khăn cởi áo qua cầu gió bay. Và y như rằng, về đến Hà Nội, tôi với Hoàng Cầm như cùng lụy một con đò. Số là, cũng vừa lúc cô Tuyết của hắn, không nói không rằng lẵng lặng bỏ vào Nam bằng chuyến tầu đêm, hắn chạy đôn chạy đáo tìm cô Tuyết như thể tìm chim. Như cái rớt, tháng sau trở lại phiên chợ, tôi không gặp cô ấy nữa, cũng như hắn, tôi tìm cô tứ phương tám hướng, chim bay biển bắc tôi tìm biển đông, rồi tôi đâm lo…”

. . . . .

“Anh còn trẻ, anh không biết đấy thôi chứ bức tranh sơn dầu với cô gái đứng bên cạnh cái chum, có dính dáng đến Hoàng Cầm cả đấy. Để tôi kể anh nghe: Hắn giống Nguyễn Bính, hắn chỉ thích yêu người bằng tuổi chị và không hiểu sao, ngoài tình yêu, điều gợi cảm nhất đối với hắn là bộ ngực ngốt người. Vì vậy mới yêu cô Vinh hát quan họ, rồi cô làm lẽ cho ông Quản đóng lính cho Tây. Đến năm mười lăm tuổi, hắn gặp chị Nghĩa, còn có cái tên khác là chị Bống. Hắn thố lộ với tôi: “Nhà không có ai, chị thường ôm ghì lấy tớ, dần dần quen tớ cũng sờ soạng bên ngoài áo. Từ đấy, mỗi khi được chị ôm, tớ đưa thẳng tay vào trong yếm. Một hôm cả nhà đi vắng, qua mấy kẻ hở của cái phên liếp, hắn lò dò nhìn trộm chị Nghĩa đang kỳ cọ. Ở quê mình tắm táp thì vẫn mặc quần và đeo yếm, nước ngấm qua vải, nghe hắn diển tả thì cũng gợi tình và rạo rực lắm. Đang chổng mông ngỏng cổ cò, bỗng hắn nghe giọng chị Nghĩa rất thản nhiên nói vọng ra: “Cứ đẩy rộng cửa ra mà vào.”

“Từ mành thưa phên liếp ở cái tuổi mười mấy, mãi đến năm 1960 hắn làm thêm bài thơ về chị Bống. Tựa đề bài ấy, tôi lại quên khuấy đi mất. Hình như “Sáo tắm” thì phải, tôi chỉ nhớ lõm bõm mấy câu cuối:

Lý lý ơi khát khô cả họng

Tình tình ơi chớ động mành thưa

Chìa vôi quệt gió hững hờ

Bờ ao sáo tắm bao giờ hả em.”

(hết trích)

Người ta cho rằng người đa tình thường cũng đa dâm. Điều ấy đúng chăng?

Trong cuốn Văn chương truyện Kiều, Nguyễn Bách Khoa dựa trên duy vật chủ nghĩa, phê phán rằng cô Thúy Kiều là người có tính dâm. Bên cạnh đó, những nhà nho nổi tiếng hồi đầu thế kỷ 20 như cụ Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng, qua nhân vật chính của truyện Kiều, đều phê phán truyện Kiều là một thứ truyện phong tình, dâm thư, không nên đưa vào chương trình giáo dục, chống lại chủ trương của Nam Phong và Phạm Quỳnh. Ở thế kỷ thứ 19, ông Nguyễn Công Trứ thì giáng ngay một câu: “Đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm, Đố đem chữ hiếu mà lầm được ai.”

Ở đây, tôi không nhận xét gì cuộc tranh luận nói trên, chỉ đặt vấn đề trường hợp ông Hoàng Cầm. Ông là người đa tình mà có đa dâm hay không? Thơ ông có dục tính hay không?

Chỉ có mấy câu “ống quần xo xắn lên đầu gối, – Da thịt, trời ơi! Trắng rợn mình”, những “Ô kìa, bóng nguyệt trần truồng tắm – Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe” mà Hàn Mặc Tử đã bị Hoài Thanh, trong cuốn Thi Nhân Việt Nam chê là nặng dục tính thì huống gì thơ Hoàng Cầm.

Như trên đã nhắc lại, Hoàng Cầm thường kể tới ba mối tình lớn trong đời ông. Thứ nhất là mối tình với cô Vinh hơn ông 7, 8 tuổi khi ông mới 10 tuổi. Thứ hai là mối tình với cô Nghĩa, cũng lớn tuổi hơn ông và thứ ba là với một cô gái nhảy, cô Tuyết, 20 tuổi, lớn hơn ông vài ba tuổi.

Có lẽ vì chưa tới tuổi dậy thì, mối tình của ông với cô Vinh thiên về tình cảm hơn tình dục. Ông viết “Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng” là viết theo ca dao hay một câu nói thông thường, chưa hẵn ông bị cái đít của người đàn bà lôi cuốn ông khiến ông phải đi theo. Tuy nhiên, qua sự tiếp xúc với đàn bà, dần dà ông phát hiện cái hấp dẫn của họ. Hoàng Cầm thuật lại việc ông đi hát với chị Vinh của ông khi ông mới 12 tuổi:

“Mỗi khi đứng hát, tôi thường chen vào đứng cạnh chị, có khi tôi đứng trước chị, đầu tôi vừa đúng ngang tầm ngực của chị. Có khi chị ôm lấy vai tôi, tôi hơi ngã đầu vào người chị, chị khe khẽ vuốt cổ xoa lên hai vai tôi. Tôi có một cảm giác là lạ, đó là những giờ phút say sưa nhất của tôi. Những đêm tháng chín tháng mười, trời hơi se lạnh, đứng dưới gốc cây trên bãi cỏ, tôi được hơi ấm từ người chị truyền sang. Hình như chị cũng cảm thấy sự ham muốn của tôi….”

Kỷ niệm dục tính với cô Nghĩa lúc ông 15 tuổi thì bạo dạn hơn, Hoàng Cầm kể:

“Trong nhà có chị Nghĩa, còn gọi là Bống, lớn hơn tôi nhiều, đã 18, 19 rồi. Không hiểu sao chị lại thích tôi, thỉnh thoảng khi nhà không có ai, chị thường ôm ghì lấy tôi. Tôi chưa có khái niệm gì về yêu đương, nhưng được chị ôm thì cũng thấy thích. Dần dần quen, khi được chị ôm, tôi cũng đưa tay sờ soạng ở ngực bên ngoài áo.

“Một hôm nhà đi vắng hết, chị Nghĩa tắm ở buồng tắm cạnh nhà. Từ trong nhà, tôi có thể thấy cánh cửa buồng tắm. Mọi khi đi tắm, chị thường chốt cửa lại, nhưng hôm ấy chị không cài chốt. Thấy không có ai, tôi lén đến gần khẽ đẩy cửa nhìn vào. Chị nói với ra: “Cứ đẩy rộng cửa ra”. Mạnh dạn, tôi bước hẳn vào trong. Ðấy là lần đầu tiên tôi được biết thế nào là cơ thể một người đàn bà. Tôi bàng hoàng lặng người, khi đó mới biết được thế nào là cái đẹp. Chị Nghĩa cứ tự nhiên tắm, quay lưng ra rồi lại quay người ra. Tôi có thể ngắm nhìn hết mọi phía. Tôi không dám đứng lâu, sợ nhỡ người nhà về bắt gặp thì khốn. Từ đấy mỗi khi được chị ôm, tôi đưa hẳn tay vào trong yếm, sờ thẳng lên bộ ngực rắn chắc, cũng có khi tôi sờ xuống dưới, nhưng chỉ bên ngoài quần. Một tuần sau đó, lần đầu tiên tôi xuất tinh…”

“Hình ảnh chị Nghĩa đã trở lại với tôi trong bài thơ “Cây tam cúc”.

Kỷ niệm dục tính thứ ba của ông là với cô Tuyết, một gái nhảy.Qua lần đó, ông biết thế nào là giao hợp. Hoàng Cầm kể:

“Tôi nằm cạnh Tuyết, khi đó tôi không gọi là chị nữa, mà gọi là “đằng ấy”. Tôi ôm Tuyết, hai tay sờ soạng bên ngoài bộ quần áo ngủ. Tuyết chủ động cởi áo ra, rồi lại cởi áo cho tôi, sau đó bảo tôi cởi hết ra, tôi làm theo…”

Cái dục tính của ông trong thơ phát triển ngày càng nhiều, càng mạnh. Hình như không có bài thơ nào là không có nó. Khi còn là sinh viên ở Hà Nội, ông cùng người bạn cùng tìm tòi, khám phá những bí ẩn của người đàn bà. Từ đó, ông biết thêm về nhân tướng học của phụ nữ. Nói trắng ra là những nét dâm của họ.

Sách tướng của người Tầu nói đàn bà có 72 tướng dâm như tướng da, tướng mắt, tướng tóc, tướng lông, tướng chân dài, tay dài, tướng chân gắn tay ngắn (ngũ đoản), v.v…Người ta thường nói tới câu sau:

Hồng diện đa dâm thủy Đa mi đa hộ mao Tiểu yêu âm hộ đại Trường túc bất tri lao.

Nghĩa là:

Mặt đỏ dâm thủy nhiều

Lông mày rậm, lông âm hộ rậm

Eo nhỏ thì âm hộ lớn

Chân dài không biết mệt.

Mấy câu nói bình thường nói trên được ca dao Việt

Nam diễn dịch một cách trào phúng như sau:

“Những cô má đỏ hồng hồng, Nước l… tát mấy gầu sòng cho vơi. Lại kìa mấy ả mi dài, Lông l… đốt được một vài thúng tro. Những cô lưng thắt tò vò, L… kia có thể chở đò sang ngang. Những cô cao cẳng chân giang, Một đêm đéo hết cả làng trai tơ.

Hoàng Cầm biết ứng dụng những câu thơ ấy, ý tưởng ấy đưa vào trong thơ của ông:

“Thực ra, lúc mới viết, mình chỉ nghĩ đến việc theo đuổi một cô gái đẹp sau đêm hội ở làng quê ra về:

“Em ơi thử đếm mấy giêng hai Ðêm hội Lim về đê quai rảo bước Ðuổi tà lụa nhạt ánh trăng đầm thấm đường sương ấy bởi thương em mái nhà um cỏ Chim vào ra vách đứng cột ngồi Em về đồng chiêm đất rạn chân chim Em đi mưa ngâu nước ngập đồi chè Hồ nghe đêm hội ới a

“Nhưng từ sau câu “Em mi trường”, thì chợt ý tưởng

về những câu thơ trên kia hiện lên trong đầu, khiến mình liên tưởng ngay đến vấn đề tình dục, và đưa đến câu “Lòng tay êm mát rừng tơ xa”. Có biết đến câu thơ trên thì mới hiểu hết ẩn ý của những câu này, từ đôi mi dài mà liên tưởng đến bàn tay được xoa lên những chỗ khác:

“Lại xót mắt Em mi trường khép bóng Lòng tay êm mát rừng tơ xa Lại xót tay Em đêm trường ru võng Rừng chân mây chưa động sấm quê nhà

“Ðến câu “chân em dài” đưa đến “không biết mỏi”, rồi “má hồng em lại nổi” chuyển sang “nước lụt mông mênh”, và “lưng thon thon” để “cắm sào em đợi”, đã liên hệ đến mấy câu thơ xem tướng ở trên:

“Chân em dài đi không biết mỏi Má hồng em lại nổi đồng mùa nước lụt mông mênh Lưng thon thon cắm sào Em đợi Ðào giếng sâu rồi đứng lấp vội đầu xanh

“Cuối cùng là những câu kết thúc bài thơ:

“Lý lý ơi khát khô cả giọng Tình tình ơi chớ động mành thưa Chìa vôi quệt gió hững hờ Bờ ao sáo tắm bao giờ… … hở Em?

Cá tính tình dục của ông là một nỗi đam mê quá lớn trong đời ông, từ khi ông còn bé. Chính ông tâm sự:

“Mình có cái đam mê từ bé. Ðối với đàn bà không phải chỉ có tình yêu, mà còn có tình dục. Mình nhạy cảm với vấn đề đó từ khi còn là một cậu bé nhà quê ở nông thôn.”

Ông nói rõ hơn:

“Ðiều gợi cảm nhất ở người đàn bà đối với tôi là bộ ngực.”

Có điều lạ, ông từng ăn ở với cô Tuyết là một gái nhảy, các bà vợ ông là người thành phố, những những người ông yêu trong thơ đều là gái quê.

Tính chất lãng mạn của thi ca và tính dục, đã bị không ít “thi sĩ” lợi dụng để…cua gái. Trong thơ, họ ca ngợi tình yêu cao quí, lòng chung thủy, v.v… nhưng trong thực tế, họ dùng thơ của họ để tán tỉnh các bà các cô cũng có tính… lãng mạn.

(Kỳ tới: Tiếng gà trong thơ Hoàng Cầm)

hoànglonghải

(1) Mặc váy là tục người Việt. Người Tầu từ xưa đã mặc quần. Ta có câu ca dao nói về cái váy:

Cái ống mà thủng hai đầu Bên ta thì có bên Tàu thì không.

Giai thoại làng văn thuật câu chuyện một ông đồ đi dạy học ở nhà gia chủ. Một hôm ông ra bờ ao ngồi chơi thì cô con gái chủ nhà cũng ra cầu ao hái hoa. Đàn bà con gái ngày xưa không mặc đồ lót nên cái “đồ” của cô chiếu xuống mặt ao rất rõ, khiến ông thầy “đồ” trông thấy mà ngẩn ngơ. Vì vậy nên có bài thơ sau:

“Thầy Đồ là người tài bộ Quảy cầm thư sang giáo thọ Phủ Vĩnh-tường Trước nha môn thiết lập học đường Dạy dăm đứa chi, hồ, giả, dã Gặp nhân lúc thầy đồ nhàn hạ Ra hồ sen ngắm ả hái hoa Ả hớ-hênh ả để đồ ra Đồ nọ thấy ngâm-nga tức khắc: “Xuân tiền lạn mạn hoa sinh sắc Thủy diện đa ba bạng thổ thần”(1) Đồ ngâm rồi, đồ đứng tần ngần Đồ nọ tưởng đồ kia thêm thắc mắc Đêm năm canh đồ nằm khôn nhắp Những mơ màng đồ nọ tưởng đồ kia Đồ ơi, gặp gỡ làm chi?

(1) Trước gió lăn tăn làm hoa thêm đẹp Trên mặt nước cái trai thè lưỡi ra.

Vua Minh Mạng cho rằng mặc váy là không văn minh như người Tầu nên mới “cấm quần không đáy”. Có lẽ quan niệm đó chỉ đúng vào thời kỳ ấy. Bây giờ, ở Mỹ có đúng không? Khi bà Barbara Bush, nguyên là cô giáo, mới lên làm đệ nhứt phu nhân, xuất hiện trước công chúng bà thướng mặc quần. Một thời gian sau, bà thường mặc váy với áo veston. Mặc vậy trông đẹp và văn minh hơn nhưng cũng hơi “phiền” khi lên xuống cầu thang máy bay!

(2) Ông Phí Ngọc Hùng, trong Tân Văn số 32, tháng 3-2010, bài “Yếm thắm Hương xưa”, phần phụ đính viết về Bắc Ninh như sau:

“Tục ngữ có câu “Ăn Bắc, mặc Kinh”; Kinh là kinh đô Thăng Long, còn Bắc đây là chỉ xứ Kinh Bắc cổ xưa với thành Cổ Loa có từ thời An Dương Vương và thôn Cổ Pháp, quê hương của Lý Công Uẩn, người sáng lập ra triều Lý. Theo thuyết cũ, dựa heo nghiên cứu của ngành khảo cổ thì người Việt cổ đã cư trú cả ngàn năm trước đây, những dấu vết của thị trấn cổ Luy Lâu đã chứng minh rằng Bắc Ninh là một nơi thị tứ phồn thịnh từ thế kỷ thứ 2 đến thế kỷ thứ 10. Văn hóa nhà Phật từ Ấn Độ ghé trung tâm Luy Lâu trước khi thâm nhập vào Trung Quốc, như kinh kệ đã để lại trong tàng kinh của các chùa chiền nơi đây, cũng có ghi chú điều ấy. Đời vua Lý Anh Tông, nhà Tống thừa nhận nước ta qua cái tên An Nam Quốc vương. Vì vậy, không thể phủ nhận Bắc Ninh là cái nôi của lịch sử nước nhà từ khi lập quốc cho đến ngày nay.

Thế nhưng lại có thuyết cho rằng: “Trấn Kinh Bắc được thành lập vào thời vua Lê Thánh Tông vào năm 1469 vì rằng sau trận chiến với quân Minh của vua Lê Lợi, để bảo vệ thành Thăng Long, vua Lê Thánh Tôn cho lập bốn trấn chung quanh hoàng thành là Trấn Hải Dương, Trấn Sơn Nam (Nam Định), Trấn Sơn Nam Thượng (Hưng Yên) và Trấn Kinh Bắc. Năm 1822, vua Minh Mạng đổi trấn Kinh Bắc thành trấn Bắc Ninh và tới năm 1831 đổi thành tỉnh Bắc Ninh.

Trở về cổ sử, năm 210 trước tây lịch, Triệu Đà mang quân sang đánh nước ta và đóng quân ở núi Tiên Du (Bắc Ninh). Trận chiến với An Dương Vương ở làng Đông Mại (Đông Hồ) cạnh sông Tiểu Giang (sông Đuống) bất phân thắng bại. Sau hai bên giảng hòa và lấy con sông nhỏ nầy làm ranh giới, phía bắc thuộc Triệu Đà và người Trung Hoa đặt tên là Bắc Giang.

Phía nam thuộc An Dương Vương, nhưng vùng đất nầy chưa có tên. Đời vua Đinh Tiên Hoàng được gọi là châu Cổ Lãm, qua tới đời Lý Thái Tổ đổi thành Cổ Pháp, sông Bắc Giang thành sông Thiên Đức. Từ đấy trong sử Bắc Ninh được ghi là “Bắc Giang” và Bắc Ninh chỉ được nhắc đến vào thời chúa Trịnh Sâm, nhà Lê.

Nhà Lý đưa đạo Phật vào nước ta, vì vậy có thể nói Bắc Ninh là đất của đình chùa. Nhưng đặc thù của chùa Bắc Ninh là chùa Cổ Pháp với Lục tổ Thiền sư Vạn Hạnh. Chùa Tiêu Sơn, nơi nhà văn Khái Hưng trú ngụ một thời gian để viết “Tiêu Sơn Tráng Sĩ”. Chùa Bắc Ninh nổi tiếng như chùa Thầy, Sơn Tây, chùa Keo, Thái Bình với gỗ kèo dầy đặc. Nhưng đình thì phải ghi nhận đình Bảng, thuộc làng Bảng là đình lớn nhất với kiến trúc cổ truyền và cũng lâu đời nhất.

Có chùa có chợ, không thể không nói đến làng nghề Đông Hồ bên bờ sông Đuống. Xưa gọi là làng Đông Mại (hay Mái) thuộc tổng Hồ, huyện Siêu Loại. Làng được dựng lên từ đời nhà Mạc, 1680, chuyên làm tranh dân gian, còn gọi là tranh gà lợn hay tranh Tết trên giấy dó. Ngoài ra họ còn làm giấy ho chùa in kinh cho vua quan để viết chiếu chỉ.

Đất Bắc Ninh là quê hương của 49 làng quan họ, khởi thủy ở Phù Lưu, nhưng từ đâu mà ra thì họ dựa vào nhiều thuyết là từ các “quan” ở kinh đô mang nhạc cung đình về đình chùa để cúng tế, chầu văn sau lan tới dân gian. Vì tránh tiềng “xướng ca vô loài” với ả đào, con hát nên dân làng nầy sang làng khác để nhận “họ” nhận hàng, hát với nhau, để có cái tên quan họ. Về nhận họ hàng, làng nầy mang trầu cau qua làng kia để nhận là anh chị em, họ coi cha mẹ hai bên như cha mẹ mình, vui buồn qua lại thăm hỏi. Mặc dù thân tình như vậy, với tục “làng quan họ nghĩa”, như một gia đình nên họ không được lấy nhau.

Sau Tết, họ chọn ngày 13 tháng Giêng là ngày hội quan họ, và hẹn nhau tụ về làng Lim. Lim là tên tục của làng Nội Duệ, huyện Tiên Du. Có hai loại hát là hát ngoài trời, bốn người với nhau với đôi nam đôi nữ, thường là hỏi han và tình tự. Hát trong nhà ngồi thành nhóm đối đáp, vì đối đáp như hát đố. Cũng từ hát trong nhà, hát quan họ lan qua vùng Phú Thọ để thành “hát ghẹo”.

Lá diêu bông

Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng Chị thẩn thơ đi tìm Đồng chiều Cuống rạ Chị bảo Đứa nào tìm được lá diêu bông Từ nay ta gọi là chồng

Hai ngày sau em tìm thấy lá Chị chau mày Đâu phải lá diêu bông

Mùa đông sau em tìm thấy lá Chị lắc đầu trông nắng vãn bên sông

Ngày cưới chị Em tìm thấy lá Chị cười xe chỉ ấm trôn kim

Chị ba con Em tìm thấy lá Xòe tay phủ mặt chị không nhìn

Từ thuở ấy Em cầm chiếc lá đi đầu non cuối bể Gió quê vi vút gọi Diêu bông hời… …ới diêu bông…!

Cây tam cúc

Cỗ bài tam cúc mép cong cong Rút trộm rơm nhà đi trải ổ Chị gọi đôi cây Trầu cay má đỏ Kết xe hồng đưa Chị đến quê Em Nghé cây bài tìm hơi tóc ấm Em đừng lớn nữa Chị đừng đi Tướng sĩ đỏ đen chui sấp ngửa Ổ rơm thơm đọng tuổi đương thì Đứa được chinh truyền xủng xoẻng Đứa thua Đáo gỡ ngoài thềm Em đi đêm tướng điều, sĩ đỏ Đổi xe hồng đưa Chị đến quê Em Năm sau giặc giã Quan Đốc đồng áo đen, nẹp đỏ Thả tịnh vàng cưới Chị võng mây trôi Em đứng nhìn theo, Em gọi đôi.

(tra cứu: “Yếm thắm Hương Xưa” của Phí Ngọc Hùng – Tân Văn số 32 tháng 3- 2010 – “Tính dâm trong thơ Hoàng Cầm” (Lý Nguyên Anh)