Vi sao phải kết hợp xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân với thế trận an ninh nhân dân

4/27/2021 6:51:31 AM

Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân là một nội dung trọng tâm trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, trực tiếp nâng cao sức mạnh quốc phòng của đất nước đáp ứng yêu cầu cao của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; là vấn đề lớn cần được quan tâm nghiên cứu.

Theo Luật Quốc phòng năm 2018, thế trận quốc phòng toàn dân là việc tổ chức, triển khai bố trí lực lượng, tiềm lực quốc phòng trên toàn bộ lãnh thổ theo kế hoạch thống nhất, phù hợp với chiến lược bảo vệ Tổ quốc để ngăn ngừa, đối phó thắng lợi với mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, sẵn sàng chuyển đất nước từ thời bình sang thời chiến.

Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân là một nội dung trọng tâm trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, toàn quân và toàn dân. Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, nhiệm vụ quan trọng này đã được Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, đơn vị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, tiến hành nghiêm túc, đạt được kết quả tích cực. Cùng với tăng cường xây dựng tiềm lực, thế trận quốc phòng toàn dân được củng cố, xây dựng ngày càng vững chắc, nhất là trên các địa bàn chiến lược, biên giới, biển, đảo và gắn kết chặt chẽ với thế trận an ninh nhân dân, biên phòng toàn dân. Trong đó, việc xây dựng khu vực phòng thủ theo Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị [khóa X], Chỉ thị số 07-CT/TW của Ban Bí thư [khóa XI], Nghị định số 152/2007/NĐ-CP và Nghị định số  02/2016/NĐ-CP của Chính phủ đi vào chiều sâu; thế trận quân sự được tăng cường một bước. Thực hiện kết hợp phát triển kinh tế với quốc phòng, an ninh, đối ngoại đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả, tạo thế và lực mới cho thế trận quốc phòng toàn dân ở từng địa phương, khu vực và trên phạm vi cả nước, hình thành thế trận bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan, việc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân còn bộc lộ một số hạn chế nhất định. Việc thể chế hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng về xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân còn chậm, có lĩnh vực còn bất cập. Nội dung, biện pháp tiến hành của một số bộ, ngành, địa phương còn chung chung; sự phối hợp thực hiện chưa thống nhất, đồng bộ. Việc kết hợp phát triển kinh tế với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, triển khai bố trí lực lượng, tiềm lực quốc phòng chưa đồng bộ, có lúc, có nơi còn sơ hở, thiếu sót. Nguồn lực đầu tư cho xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, khu vực phòng thủ của một số địa phương còn thấp; “thế trận lòng dân” ở một số địa bàn chưa thực sự vững chắc, v.v.

Hiện nay, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc diễn ra trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng; các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống gia tăng, ngày càng gay gắt,... đặt ra yêu cầu cao và đứng trước cả cơ hội thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen. Tình hình đó, đòi hỏi cần tăng cường hơn nữa việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân trong tình hình mới. Để khắc phục những hạn chế và thực hiện có hiệu quả chủ trương chiến lược của Đảng về vấn đề này, cần lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về nhiệm vụ xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân. Đây là giải pháp có ý nghĩa quan trọng nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, ngành và toàn dân trong thực hiện. Theo đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm cho toàn dân, trước hết là cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân. Chú trọng làm rõ sự cần thiết, khách quan, nội dung cơ bản về xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân; những khó khăn, thách thức, yêu cầu mới đặt ra và đẩy mạnh tuyên truyền kết quả, kinh nghiệm trong thực hiện của các địa phương. Để đạt hiệu quả cao, cần vận dụng đa dạng hình thức, biện pháp tuyên truyền; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục, bồi dưỡng, phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng; phát huy hơn nữa hiệu quả của các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội; chú trọng địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, v.v. Quá trình thực hiện, gắn kết chặt chẽ giữa xây và chống; phát hiện, đấu tranh với tư tưởng, nhận thức lệch lạc, biểu hiện hình thức, trông chờ ỷ lại.

Hai là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân. Đây là nguyên tắc, vấn đề quan trọng hàng đầu, đảm bảo cho việc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân tiến hành đúng hướng, đạt mục tiêu đề ra. Thực hiện nội dung này, các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa chủ trương chiến lược của Đảng về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ bằng nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch, đề án với lộ trình, biện pháp đồng bộ, khả thi. Nâng cao năng lực hoạch định đường lối, thể chế hóa và tổ chức thực hiện chủ trương, nghị quyết về quốc phòng của các cấp ủy đảng từ Trung ương đến cơ sở. Bổ sung, hoàn thiện chức năng, mối quan hệ công tác, tăng cường vai trò lãnh đạo của Quân ủy Trung ương trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng; hoàn thiện và vận hành tốt cơ chế phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo giữa đảng ủy, bộ tư lệnh các quân khu với các tỉnh [thành] ủy, ủy ban nhân dân tỉnh [thành phố] trên địa bàn trong lĩnh vực quốc phòng, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân. Tiếp tục đổi mới phương thức, cơ chế, kiện toàn cơ cấu, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của đảng ủy quân sự địa phương trong xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ.

Cùng với đó, tiến hành rà soát, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân; quy chế phối hợp giữa Bộ Quốc phòng với các ban, bộ, ngành trong quản lý nhà nước về quốc phòng. Quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu ở các cấp, ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân, phù hợp với sự phát triển của thực tiễn.

Ba là, triển khai đồng bộ các biện pháp xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, gắn kết chặt chẽ với thế trận an ninh nhân dân. Nội hàm của thế trận quốc phòng toàn dân rất rộng, nhưng cốt lõi là “thế trận lòng dân”, đặc trưng là thế trận khu vực phòng thủ cấp tỉnh, huyện, thế trận phòng thủ quân khu. Để đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, yêu cầu xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân phải vững chắc ở tất cả các cấp, các địa bàn, cả trong nội địa, biên giới, biển, đảo và trên các môi trường [bộ, không, biển, không gian mạng], sẵn sàng đáp ứng nhiệm vụ quốc phòng thời bình và chuyển hóa thành thế trận chiến tranh nhân dân khi đất nước có chiến tranh. Từ kinh nghiệm, kết quả đạt được và yêu cầu đặt ra, thời gian tới, cùng với xây dựng “thế trận lòng dân” vững mạnh, cần rà soát, làm tốt việc phân vùng chiến lược về quốc phòng, an ninh, quy hoạch khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất gắn với quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng, quy hoạch thế trận quân sự các khu vực phòng thủ. Đẩy mạnh kết hợp phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng, an ninh, nhất là điều chỉnh bố trí lại dân cư, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng lưỡng dụng, hiện đại, đồng bộ, nhất là trên các địa bàn trọng điểm, chiến lược, biên giới, biển, đảo. Trung ương và các địa phương tiếp tục huy động nguồn lực cho xây dựng khu vực phòng thủ, nhất là xây dựng thế trận quân sự; ưu tiên xây dựng các công trình phòng thủ thiết yếu [căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương, căn cứ hậu cần, kỹ thuật,...] gắn với phòng thủ dân sự; quản lý chặt chẽ các công trình quốc phòng, địa hình có giá trị,... tạo lập thế trận rộng khắp, liên hoàn, vững chắc giữa các khu vực và trên từng hướng chiến lược. Cùng với đó, đẩy mạnh xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; điều chỉnh bố trí lực lượng quốc phòng, lực lượng an ninh hình thành thế chiến lược mới đảm bảo sẵn sàng xử lý thắng lợi các tình huống quốc phòng, an ninh, không để bị động, bất ngờ.

Bốn là, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng, tạo thế và lực xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân từ xa. Đây là giải pháp có ý nghĩa quan trọng nhằm xây dựng thế trận “giữ nước từ khi nước chưa nguy”, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay. Theo đó, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện tốt nội dung hội nhập quốc tế, đối ngoại quốc phòng theo định hướng của Đảng; đa dạng hóa nội dung, hình thức quan hệ quốc phòng song phương và đa phương phù hợp với quan hệ chính trị, kinh tế, ngoại giao. Tăng cường, mở rộng hợp tác tin cậy với các đối tác, nhất là đối tác chiến lược. Ưu tiên quan hệ, hợp tác với các nước có biên giới liền kề, các nước Cộng đồng ASEAN, thúc đẩy hợp tác biên giới, giải quyết các vấn đề tồn đọng, bất đồng, tranh chấp, củng cố đường biên, hướng phòng thủ chiến lược. Tiếp tục củng cố, phát triển quan hệ đối tác, đối tác chiến lược với các nước bạn bè truyền thống; tập trung vào những lĩnh vực các bên có thế mạnh. Chủ động tham gia có trách nhiệm các cơ chế, diễn đàn quốc phòng đa phương, nhất là các cơ chế do ASEAN giữ vai trò chủ đạo tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc,… góp phần nâng cao vị thế, uy tín của đất nước và Quân đội trên trường quốc tế. Trước tình hình hiện nay, cần nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, quy chế, quy định nhằm phối hợp chặt chẽ giữa các ban, bộ, ngành, địa phương; gắn kết hoạt động hội nhập, đối ngoại quốc phòng với các lĩnh vực khác, đảm bảo toàn diện, nhưng có trọng tâm, trọng điểm, trong một kế hoạch tổng thể. Quá trình thực hiện, luôn chấp hành nghiêm đường lối, nguyên tắc, phương châm đối ngoại của Đảng, Nhà nước, quy định của Bộ Quốc phòng; phân biệt rõ đối tác, đối tượng, kết hợp chặt chẽ hợp tác và đấu tranh, kiên quyết, kiên trì giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn, khác biệt trên cơ sở luật pháp quốc tế theo phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, kiên định mục tiêu chiến lược, linh hoạt, mềm dẻo về sách lược, lấy bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia, dân tộc là mục tiêu tối thượng.

Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân là chủ trương chiến lược của Đảng, Nhà nước. Đây là vấn đề lớn, công việc hệ trọng cần phải được nghiên cứu, tổng kết cả về lý luận, thực tiễn, làm cơ sở để triển khai thực hiện, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Thiếu tướng ĐÀO TUẤN ANH, Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng

Video liên quan

Chủ Đề