Bác sĩ cai nghiện ma túy tại nhà

PhuthoPortal - Trên địa bàn toàn tỉnh hiện nay có 1.180 người nghiện ma túy, trong đó số người nghiện đang cai nghiện ở các cơ sở cai nghiện tập trung là 94 người; số người nghiện ngoài cộng đồng là 1.086 người. Con số trên cho thấy vai trò quan trọng của gia đình và cộng đồng trong việc giúp đỡ các đối tượng đang cai nghiện ma túy. Tuy nhiên thực tế của việc cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn.

Anh Bùi Hoài Sơn đã được gia đình, chính quyền xã tạo điều kiện

Anh Bùi Hoài Sơn, sinh năm 1973 tại khu 3, xã Hương Nộn là một trong số ít những người nghiện ma túy của xã đã cai nghiện thành công tại gia đình. Từng có gần 10 năm đánh mất tuổi trẻ, sa chân vào ma túy, khiến gia đình tan nát, 2 vợ chồng anh Sơn phải li dị. Cuối năm 2009, anh thuộc diện đi cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội của tỉnh. Hết thời hạn cai nghiện tại Trung tâm, anh Sơn về tiếp tục cai nghiện tại gia đình. Với ý chí quyết tâm từ bỏ ma túy, anh đã được gia đình giúp đỡ, động viên để làm lại cuộc đời.

Anh Sơn tâm sự: “Sau khi hết thời gian cai nghiện tại Trung tâm, tôi vào làm tại trang trại nuôi gà thịt của gia đình anh trai, với mức lương trung bình hơn 6 triệu đồng/tháng. Có công ăn việc làm ổn định, nhìn thấy tương lai phía trước, tôi quyết tâm cai nghiện và đã thành công”. Hiện tại, anh Sơn đã lập gia đình, có một cậu con trai 1 tuổi kháu khỉnh. Công việc thuận lợi, anh đã tách ra làm trang trại riêng với đàn lợn gần 50 con và hơn 1.000 con vịt.

Chia sẻ về con đường cai nghiện của những người bạn cũng đã từng lầm lỡ như mình, anh Sơn cho biết: Quan trọng nhất vẫn là quyết tâm của bản thân. Nhưng nếu không có cơ hội tìm được việc làm ổn định, phải đi làm ăn xa, không có tương lai phía trước, bản thân người nghiện ma túy rất dễ từ bỏ quyết tâm, lại quay trở lại con đường nghiện ngập.

Thời gian qua, hình thức cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng đã được lựa chọn nhiều hơn so với trước, song hiệu quả mang lại chưa được như mong muốn. Nghị định số 94/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng nêu rõ: Đối với trường hợp cai nghiện ma túy tại gia đình thì người cai nghiện hoặc gia đình người cai nghiện có trách nhiệm đăng ký tự nguyện cai nghiện tại gia đình với UBND. Nhưng thực tế cho thấy, các đối tượng nghiện ma túy thường là các đối tượng có tiền án, tiền sự, không tự giác khai báo và thiếu tinh thần hợp tác với lực lượng chức năng để thực hiện các hoạt động vận động, tư vấn cai nghiện, điều trị nghiện. Một số gia đình người nghiện vẫn còn mặc cảm, tự ti khi có con em là người nghiện nên không tự nguyện khai báo, đăng ký cai nghiện tự nguyện.

Còn đối với trường hợp tự nguyện cai nghiện ma túy tại cộng đồng, thì cơ sở y tế cấp xã, bác sĩ điều trị cắt cơn có trách nhiệm khám sức khỏe ban đầu, làm hồ sơ bệnh án cho người nghiện; xét nghiệm để chuẩn bị điều trị cắt cơn; xây dựng kế hoạch điều trị, cai nghiện phù hợp với từng đối tượng. Nhưng thực tế tại các trạm y tế cấp xã, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, phác đồ cắt cơn nghiện không còn phù hợp; chưa có nhiều điểm cai nghiện tập trung tại các địa phương.

Bệnh nhân cai nghiện tại cộng đồng đến đăng ký và uống Methadone tại cơ sở

điều trị thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật

Trao đổi về vấn đề này, ông Đỗ Hữu Sạ - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hương Nộn cho biết: Hiện nay, Trạm Y tế mới chỉ thực hiện được nhiệm vụ tư vấn cai nghiện cho người nghiện ma túy. Còn những nhiệm vụ khác, Trạm Y tế chưa có cán bộ chuyên trách hay bất cứ một thiết bị nào để thực hiện việc xét nghiệm chất ma túy hay triển khai các xét nghiệm khác và điều trị cắt cơn cho người nghiện. Hiện trên địa bàn huyện Tam Nông, chỉ có Trạm Y tế xã Cổ Tiết được bố trí làm điểm điều trị cai nghiện bằng thuốc Methadone và được đầu tư trang thiết bị, phác đồ cắt cơn nghiện.

Bên cạnh đó, việc theo dõi, quản lý và tiếp cận người nghiện gặp khó khăn vì người nghiện thường đi làm ăn xa, thường xuyên đi lang thang, không có mặt tại nơi cư trú. Một số người nghiện tham gia điều trị bằng thuốc Methadone luôn biến động, thất thường, vẫn còn tình trạng bỏ liều, bỏ điều trị hoặc đồng thời sử dụng các loại ma túy khác. Do quá trình cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, người nghiện dễ dàng gặp gỡ, tiếp xúc với các đối tượng xấu, nếu không được quản lý, giám sát chặt chẽ từ phía gia đình và địa phương sẽ rất dễ tái nghiện.

Trước những khó khăn trong công tác cai nghiện ở cộng đồng, thời gian qua, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh đã chủ động, phối hợp các ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng các mô hình cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng. Duy trì mô hình Câu lạc bộ “Nối những vòng tay” và “Cành cọ xanh”; xây dựng các Điểm tư vấn, hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng, thành lập 20 Đội Công tác xã hội tình nguyện để tư vấn, tuyên truyền, giúp đỡ người sau cai nghiện, người nhiễm HIV hoà nhập cộng đồng.

Việc triển khai hoạt động cho các điểm tư vấn đã góp phần giảm sự kì thị với người nghiện trong cộng đồng, giúp họ có nơi để chia sẻ, tư vấn, hướng dẫn trong quá trình điều trị tự nguyện. Và quan trọng hơn, đã huy động được sự vào cuộc của cộng đồng trong việc giúp đỡ người nghiện ma túy cai.

Trao đổi với chúng tôi về công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng hiện nay, ông Trần Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Tuyên truyền - Tư vấn, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội cho biết: Cai nghiện tại gia đình, cộng đồng là một trong những giải pháp cần thiết nhằm giúp người nghiện không bị cách ly khỏi xã hội; không gián đoạn học tập, việc làm; giảm sự kỳ thị và có cơ hội hòa nhập cộng đồng.

Để cai nghiện thành công và tránh trường hợp tái nghiện, bên cạnh sự quyết tâm của bản thân người nghiện rất cần sự chung tay của chính quyền, đoàn thể các cấp. Nhất là cấp xã, phường, thị trấn cần chủ động giúp đỡ người sau cai nghiện có công ăn việc làm, hỗ trợ kinh nghiệm và vốn để phát triển kinh tế nhằm từng bước ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Đúng như mong muốn của anh Bùi Hoài Sơn và những người bạn đã từng lẫm lỡ vì ma túy: Hãy giúp đỡ họ, tạo điều kiện cho họ có việc làm ổn định, nhìn thấy tương lai phía trước, để có quyết tâm đẩy lùi ma túy.

Phóng viên - 28/09/2021 | 13:28 [GTM + 7]

Luật Phòng, chống ma túy [sửa đổi] năm 2008 và Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 cùng các nghị định hướng dẫn thực thi trong thời gian qua đã góp phần quan trọng trong công tác tổ chức cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện, giảm tốc độ gia tăng người nghiện mới, giúp người được cai nghiện phục hồi sức khỏe, nâng cao nhận thức và hành vi.

Tuy nhiên, đến nay đã bộc lộ nhiều hạn chế, vướng mắc, 2 bộ luật này đã được Quốc hội khóa XIV thông qua việc sửa đổi, bổ sung và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022. Vì vậy đòi hỏi các nghị định hướng dẫn phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.

Trước tình hình đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã xây dựng Dự thảo Nghị định Quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy [gọi tắt là Nghị định về phòng chống ma túy, cai nghiện và quản lý sau cai].

Ảnh minh hoạ [Đài PTTH An Giang]

Dự thảo Nghị định về phòng chống ma túy, cai nghiện và quản lý sau cai gồm: 10 Chương, 90 Điều, hướng tới đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của những người cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy.

Theo dự thảo nghị định, đối với người nghiện ma túy từ 12 tuổi đến đủ 18 tuổi, được tự nguyện đăng ký cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc tại các cơ sở cai nghiện, cho đến khi gia đình, người giám hộ không đăng ký cai nghiện nữa nhưng các em vẫn còn nghiện thì sẽ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Điều này thể hiện tính nhân văn, sự quan tâm, chăm lo của nhà nước, nhưng cũng là biện pháp theo dõi, quản lý chặt chẽ hơn đối với trẻ em nghiện, bảo đảm quyền được bảo vệ khỏi chất ma túy. Thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy từ đủ 6 tháng đến 12 tháng.

Dự thảo Nghị định quy định rõ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền quyết định thành lập, giải thể cơ sở cai nghiện ma túy, thay vì do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cấp phép như trước đây, điều này tạo thuận lợi và giảm bớt khâu trung gian khi thành lập các cơ sở cai nghiện ma túy.

Một điểm mới nữa là trước đây việc cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng được giao cho chủ tịch UBND cấp xã tổ chức, thì nay giao cho Chủ tịch UBND cấp huyện chỉ định cơ sở dịch vụ hoặc cơ sở y tế đủ điều kiện tổ chức hoạt động cai nghiện tự nguyện cho người nghiện.

Như vậy các điều kiện về trang thiết bị y tế, cơ sở dịch vụ và đội ngũ y bác sĩ cấp huyện sẽ được đảm bảo. Đồng thời việc chú trọng chính sách xã hội hóa công tác cai nghiện, giúp tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người cai nghiện ma túy được tham gia cai nghiện tại gia đình, cộng đồng.

Đặc biệt, điều kiện về nhân lực tại các cơ sở cai nghiện phải đáp ứng các quy định của Bộ Y tế. Theo đó, người phụ trách chuyên môn về y tế của cơ sở cai nghiện phải là bác sĩ tâm thần, nếu là bác sĩ đa khoa thì phải được đào tạo, tập huấn và có chứng chỉ chuyên môn về cai nghiện. Điều này hết sức cần thiết, bởi hiện nay xu hướng loạn thần ngày càng gia tăng do sử dụng ma túy tổng hợp. Vì thế cần phải có bác sĩ chuyên khoa tâm thần điều trị cắt cơn, giải độc.

Học viên tại trung tâm cai nghiện [ảnh: dangcongsan.vn]

Dự thảo Nghị định về phòng chống ma túy, cai nghiện và quản lý sau cai có sự khác biệt như thế nào so với trước đây? PV VOV Giao thông có cuộc phỏng vấn ông Trần Ngọc Túy, Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội  - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

PV: Ông có thể chia sẻ những điểm mới về hoạt động cai nghiện tại gia đình cộng đồng trong dự thảo nghị định lần này?

Ông Trần Ngọc Túy: Hoạt động cai nghiện so với trước đây hoàn toàn khác về bản chất. Trước đây việc tổ chức hoạt động cai nghiện tại gia đình cộng đồng giao hết cho cấp xã, cán bộ y tế không có chuyên môn, làm kiêm nhiệm và việc quản lý các đối tượng này rất khó khăn nên việc quản lý tại gia đình, cộng đồng cực kỳ khó trong tổ chức cai nghiện.

Chính sách đối với người tham gia tổ chức hoạt động cai nghiện do kinh phí, nguồn lực hỗ trợ không đáng kể, nên việc tổ chức rất khó. Theo quy định mới giao cho chủ tịch UBND cấp huyện sẽ chỉ định một tổ chức dịch vụ cai nghiện, cơ sở y tế nào đó đủ điều kiện để tổ chức cai nghiện.

Điều kiện để cơ sở y tế này được thực hiện cai nghiện phải theo quy định của Bộ Y tế. Trước đây y sĩ được đào tạo qua một lớp có chứng chỉ về cai nghiện là được, bây giờ Bộ Y tế đang dự thảo người đứng ra chịu trách nhiệm tổ chức hoạt động cai nghiện phải là bác sĩ tâm thần, nếu là bác sĩ đa khoa thì phải được đào tạo một phần chuyên môn để đáp ứng yêu cầu về cai nghiện.

Còn cấp xã sẽ phối hợp cùng để hỗ trợ trong quá trình tổ chức hoạt động dịch vụ cai nghiện và quản lý về mặt hành chính. Hy vọng cách này hoạt động cai nghiện tại gia đình cộng đồng sẽ tốt hơn trước đây.

PV: Việc giao cho chủ tịch UBND cấp huyện chỉ định cơ sở y tế hoặc cơ sở cung cấp dịch vụ trên địa bàn thực hiện công tác cai nghiện tại gia đình cộng đồng liệu có khả thi? Bởi thực tế các cơ sở y tế cấp huyện rất khó đáp ứng các điều kiện về cai nghiện?

Ông Trần Ngọc Túy: Dịch vụ cai nghiện tại gia đình, cộng đồng có 2 hình thức. Một là tổ chức ngay tại cơ sở y tế, ngay tại bệnh viện hoặc ngay tại cơ sở dịch vụ mà cá nhân, tổ chức lập ra.

Thứ hai là tổ chức thực hiện dịch vụ cai nghiện tại gia đình, gia đình phối hợp quản lý đối tượng nghiện tại nhà và họ sẽ đến tận nơi để tổ chức hoạt động cắt cơn, giải độc, tư vấn hỗ trợ sau cai.

Nghị định quy định tổ chức ở đâu thì phải đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn, nếu cả 2 hình thức đều không đáp ứng được thì buộc phải vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Tức là mở ra hướng làm sao vận động được toàn xã hội tham gia vào việc này.

PV:Xin cảm ơn ông!

Học viên học nghề tại cơ sở cai nghiện [ảnh: dangcongsan.vn]

Những quy định mới về nhân sự trong các cơ sở cai nghiện và công tác quản lý sau cai trong dự thảo nghị định đã phù hợp hay sẽ phải điều chỉnh theo hướng nào? PV VOV Giao thông phỏng vấn Thượng tá Ngô Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công An.

PV: Liên quan đến trình độ nhân sự trong các cơ sở cai nghiện ma túy, theo Bộ Y tế phải có bác sĩ chuyên khoa về tâm thần thay vì chức danh y sĩ hiện nay, quan điểm của ông như thế nào?

Thượng tá Ngô Thanh Bình: Bộ phận y tế trong các cơ sở cai nghiện đáp ứng các tiêu chuẩn bằng cấp là đương nhiên, do mình phải đi theo xu hướng.

Vì hiện có sự dịch chuyển của dòng ma túy sử dụng từ nhóm Opiads [tức là thuốc phiện, heroin] sang ma túy tổng hợp gây ra loạn thần, xu hướng loạn thần gia tăng.

Bây giờ Bộ Y tế đòi hỏi cơ sở cai nghiện phải có chuyên khoa về tâm thần hoặc chuyên khoa nội có đào tạo chứng chỉ về cai nghiện cắt cơn. Để khắc phục thì ưu tiên hàng đầu phải có bác sĩ chuyên khoa về tâm thần, nếu là bác sĩ bình thường có chứng chỉ khám chữa bệnh thì chỉ cần tập huấn thêm về điều trị cắt cơn và cai nghiện.

Còn chức danh y sĩ 10 năm nay Bộ Y tế không còn đào tạo và tiến tới bỏ chức danh này. Và sẽ đưa ra điều kiện chuyển tiếp trong nghị định mới, tức là vẫn tiếp tục sử dụng y sĩ đã được đào tạo tập huấn cấp chứng chỉ về xác định tình trạng nghiện cho đến khi nhà nước cắt bỏ chức danh này. 

PV: Công tác quản lý cai nghiện lần này được thực hiện theo nguyên tắc nào?

Thượng tá Ngô Thanh Bình: Nguyên tắc của cai nghiện là khuyến khích tinh thần tự nguyện, cộng tác của người nghiện ma túy, có sự hỗ trợ của gia đình, cộng đồng.

Ban đầu tự giác đi cai nghiện tự nguyện có thể đăng ký tại gia đình cộng đồng hoặc sở sở cai nghiện tư nhân hoặc cai nghiện tự nguyện tại cơ sở công lập.

Tùy theo mức độ tín nhiệm của họ có thể từ tỉnh này đăng ký ở tỉnh khác cũng không cấm. Với điều kiện nguyên tắc của cai nghiện tự nguyện là phải đóng phí, trừ trường hợp khó khăn làm đơn để các cơ quan chức năng xem xét để miễn kinh phí.

Cai nghiện tự nguyện nhà nước khuyến khích trong 5 quy trình của cai nghiện mà người nghiện thực hiện được quy trình 1,2,3 nhà nước có thể trả kinh phí cai nghiện, tức là bồi hoàn kinh phí mà họ đã đóng, theo hình thức tăng dần. Thứ 2 người nghiện không đăng kí cai nghiện tự nguyện thì buộc phải đi cai nghiện bắt buộc.

Tuy nhiên thời gian cai nghiện tự nguyện ngắn hơn, từ 6 tháng đến 1 năm, còn cai nghiện bắt buộc thì 2 năm.

PV: Ông nhận định như thế nào về công tác lý sau cai nghiện trong dự thảo nghị định lần này?

Quản lý sau cai lần này khép kín, khắc phục được những kẽ hở của lần trước và chu trình tuần hoàn. Ví dụ đối tượng phải chấp nhận test ma túy khi công an cấp xã yêu cầu, khi cần thiết bất cứ lúc nào cũng phải chấp hành trong thời hạn 2 năm đối với sau cai nghiện bắt buộc và 1 năm với sau cai nghiện tự nguyện. Trong khoảng thời gian này nếu có nghi ngờ thì có thể xác định tình trạng nghiện.

Còn về chịu sự giáo dục tác hại của ma túy, tạo công ăn việc làm, giáo dục nghề nghiệp và tìm kiếm cơ hội việc làm vẫn chung chung, nên rất khó khả thi, cái này mang tính nhân văn nhiều hơn thực tiễn. Cách quản lý này phòng ngừa các hành vi vi phạm do người nghiện ma túy sau cai có khả năng gây ra.

PV: Xin cảm ơn ông!

Nước ta hiện có khoảng 235.000 người nghiện có hồ sơ quản lý thì có tới khoảng 100.000 người nghiện ma túy đang sinh sống ngoài cộng đồng. Trong khi đó tình trạng buôn bán, sử dụng trái phép chất ma túy có dấu hiệu ngày càng tinh vi và gia tăng, vì vậy việc ban hành Nghị định về Phòng, chống ma túy, cai nghiện và quản lý sau cai là vô cùng cấp thiết

Dự thảo Nghị định về phòng chống ma túy, cai nghiện và quản lý sau cai đang hướng đến tạo cơ sở pháp lý để giải quyết vấn đề này.

---

Mời các bạn cùng chia sẻ ý kiến, đóng góp cho Dự thảo qua hotline 02437.91.91.91, qua fanpage VOVGT, hoặc có thể góp ý trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội.

# Đừng quên đón nghe và tương tác với “Dự thảo trên tay” lúc 15h30 đến 15h50, thứ Hai và thứ Tư hàng tuần trên FM91, vovgiaothong.vn, vovgiaothong.vov.vn hoặc trên các nền tảng podcast dành cho di động: Spotify, Aple Podcast và Google podcast.

Video liên quan

Chủ Đề