Bài thuyết trình về giúp đỡ học sinh nghèo

CÂU CHUYỆN “NGHỊ LỰC SỐNG”

Chủ tịch Hồ Chí Minh [1890 – 1969], đã để lại cho dân tộc ta biết bao bài học, tư tưởng quý giá để học tập và làm theo. Nhờ tư tưởng của Người, mỗi người dân Việt Nam được soi sáng trên con đường phát triển. Bao thế hệ Việt Nam, lớp lớp học sinh, sinh viên đã học tập và làm theo tư tưởng đạo đức của Bác, trở thành tấm gương giàu nghị lực vượt qua khó khăn bệnh tật hiểm nghèo để vươn lên. Điển hình cho nghị lực vượt qua khó khăn bệnh tật hiểm nghèo là bạn H’Viết Kbuôr học sinh lớp 9A – trường THCS Trần Quang Diệu, xã EaKuêh, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk.

Bạn H’Viết sinh ra và lớn lên tại buôn Win, xã EaKuêh, huyện Cư M’gar. Cũng như bao nhiêu đứa trẻ khác trong buôn, H’Viết được sự yêu thương chăm sóc, bao bọc, chở che của bố mẹ, người thân và buôn làng. Vì vậy bạn ấy rất tự hào và cảm ơn bố mẹ đã sinh ra mình, đã cho mình được cắp sách đến trường để khám phá và đón nhận tri thức từ thầy cô truyền đạt. Với bạn ấy, mỗi ngày đến trường quả thật là một niềm vui. Nhưng trớ trêu thay, niềm vui ấy chẳng thể kéo dài mãi. Thay vào đó là sự đau đớn, tuyệt vọng và chán nản. Bởi cách đây gần một năm về trước, bạn ấy bị chuẩn đoán mắc phải bệnh hiểm nghèo: căn bệnh ung thư máu, giờ đã di căn vào tủy.

Thế nhưng cô bạn này lại là người có nghị lực phi thường. Bạn ấy đã vượt qua nỗi tuyệt vọng để tiếp tục sống có ý nghĩa. Khi biết nỗi bất hạnh xảy đến với mình, tất nhiên, lúc đầu, bạn ấy vô cùng bàng hoàng, sững sờ và sợ hãi. Bạn không tin vào điều mà mình đã nghe thấy. Ở vào trường hợp đó, có lẽ ai cũng vậy, huống chi H’Viết chỉ là một học sinh THCS. Rồi bạn lại tự an ủi: “Biết đâu họ chuẩn đoán nhầm. Có thể bệnh của mình chỉ là những bệnh thông thường như đau đầu, cảm cúm, trúng gió… thì sao!” Nhưng biểu hiện của bệnh ngày một rõ hơn. H’Viết thấy mình không trốn tránh sự thật được nữa. Bạn quay ra than thân trách phận: “Sao số của mình lại hẩm hiu, đen đủi thế này?” Cũng có lúc hy vọng nhen nhóm lên trong lòng bạn: “Biết đâu mình sẽ khỏi thì sao! Mình còn nhỏ thế này, chã lẽ ông trời lại bắt mình chết?” Nhưng đến khi biết căn bệnh của mình đã di căn vào tủy, biết mình chẳng sống được bao lâu nữa, sự tuyệt vọng lại tràn về nhiều hơn trước. Vì nghĩ rằng mình còn đang đi học, ước mơ của mình lại dang dở, mình chưa báo đáp gì cho ơn sinh thành của cha mẹ, thế mà lại phải sắp lìa xa cõi đời này nên bạn ấy rất chán nản. Nhiều lúc bạn đã có ý nghĩ tiêu cực, muốn kết thúc mọi chuyện cho xong. Nhưng khi nhìn lại cha mẹ và người thân, bạn bè, buôn làng cũng đang đau đớn thương xót cho mình, đang cố gắng đem đến cho mình niềm vui để động viên an ủi mình, H’Viết lại không muốn chết. Và bạn nhận ra rằng: “Thời gian của mình không còn nhiều nữa. Tại sao mình cứ ngồi mà khóc thế này? Có khóc cũng chẳng khỏi bệnh. Mà biết đâu khi mình đứng lên đương đầu với bệnh tật, mình sẽ chiến thắng thần chết. Và nếu không thì, thay vì để mọi người đau khổ vì nhìn thấy mình đau đớn, tại sao mình không mỉm cười và sống thật có ý nghĩa những ngày còn lại? Bên cạnh mình vẫn còn gia đình, bạn bè, thầy cô cơ mà!” Từ đó, bạn đã sẵn sàng tuyên chiến với căn bệnh ung thư quái ác.

Không chỉ là người mạnh mẽ, H’Viết còn là người lạc quan, luôn tràn đầy niềm tin và hy vọng. Trong suốt thời gian vừa qua, H’Viết đã không ngừng nỗ lực để vượt qua căn bệnh hiểm nghèo. Không những bạn luôn thực hiện đúng phác đồ điều trị của bác sĩ mà còn luôn thực hiện chế độ ăn uống, nghỉ ngơi đều đặn, hợp lí như lời khuyên của gia đình, bạn bè, thầy cô. Và đặc biệt là, cho dù những sợi tóc dài trên đầu bạn đã rụng hết vì hóa chất, chúng em vẫn luôn thấy nụ cười tươi trên khuôn mặt nhợt nhạt, xanh xao vì đau đớn ấy. Bạn còn luôn cởi mở, hòa nhã và vui vẻ với bạn bè, thầy cô. Người ngoài nhìn vào, chắc chẳng ai biết bạn ấy đang bị căn bệnh ung thư hành hạ.

H’Viết là một minh chứng cho niềm khao khát sống mãnh liệt. Cho đến bây giờ, niềm khao khát ấy vẫn chưa một lần bị dập tắt. Trái lại nó càng bùng lên mạnh mẽ hơn. Có lần em hỏi bạn:

– Ước mơ lớn nhất của cậu là gì ?

Bạn ấy trả lời:

– Ai cũng có ước mơ và khát vọng. Riêng mình, ước mơ lớn nhất là được sống.

Nghe câu trả lời thì có vẻ là bình thường và đơn giản, nhưng đối với bạn ấy thì ước mơ chỉ là mơ ước. Vì cuộc sống của bạn ấy giờ đây chỉ tính từng ngày và có thể kết thúc bất cứ lúc nào. Để thực hiện ước mơ ấy, bạn đã đang chiến đấu chống lại căn bệnh ung thư quái ác, giành giật sự sống từ tay tử thần. Em không biết liệu bạn có thể thành công hay không, nhưng với sự nỗ lực đó, bạn đã chiến thắng được nỗi sợ hãi trong bản thân mình.

Với nghị lực phi thường của mình, H’Viết đã vượt qua sự đau đớn về thể xác và tinh thần để tiếp tục niềm vui đến lớp. Sau mỗi lần trải qua đợt điều trị hóa chất vô cùng đau đớn, H’Viết lại trở về học tập với bạn bè. Điều đặc biệt hơn là, dù bệnh tật nhưng chẳng mấy khi bạn vắng học. Cho dù gia đình không muốn cho bạn đi học vì lo lắng cho sức khỏe của bạn, thế nhưng, những lúc vơi cơn đau bạn lại đến trường. Bởi mong ước của bạn bây giờ là được sống, được nhìn thấy thầy cô, bạn bè, được nghe tiếng cười đùa. Và bạn đã hoàn thành đầy đủ chương trình học của lớp 8. Đó đã là cả một sự nỗ lực lớn. Không chỉ cố gắng học tập tốt, bạn còn rất thích tham gia các hoạt động phong trào của nhà trường. Thời gian trước khi mắc bệnh, bạn được tuyển chọn là thành viên đội năng khiếu của nhà trường. Hiện tại, do sức khỏe yếu, bạn không thể tham gia vào đội năng khiếu nữa, nhưng bạn vẫn thường xuyên cổ vũ cho bạn bè của mình mỗi khi có phong trào.

Nếu ở trường, H’Viết là một học trò ngoan thì ờ nhà, bạn là một người con hiếu thảo. Không để bố mẹ lo lắng cho mình, bạn thường xuyên làm những công việc nhỏ như rửa bát, nấu cơm, quét nhà… giúp bố mẹ và khẳng định cho mọi người thấy mình không phải là người mắc bệnh hiểm nghèo. Vì thế đến giờ bạn ấy vẫn đang cố gắng chiến thắng bệnh hiểm nghèo.

Để củng cố niềm tin cho ước mơ lớn nhất của bạn, tăng thêm sức mạnh, vun đắp nghị lực sống cho bạn, gia đình, bạn bè, thầy cô, buôn làng và các nhà hảo tâm đã có những việc làm hành động thiết thực.

Bố mẹ bạn ấy sống bằng nghề nông. Mọi chi phí sinh hoạt chỉ trông chờ vào 5 sào rẫy, lại còn tùy thuộc vào thời tiết và giá cả. Nhưng bố mẹ bạn ấy luôn xác định: để chữa bệnh cho con, dù có phải đi làm thuê, bán cả gia tài, phải vay mượn cũng phải làm, miễn là con được sống. Quả đúng như vậy. Mỗi lần điều trị, sạ trị là tốn kém rất nhiều tiền, làm cho kinh tế suy kiệt, vượt ngoài khả năng của gia đình.

Bạn bè, người thân, các tổ chức đoàn thể đã có những chia sẻ, động viên kịp thời. Đặc biệt là các bạn cùng trường cùng lớp, quý thầy cô giáo đã có những việc làm thiết thực như động viên thăm hỏi, quyên góp giúp đỡ. Tính đến thời điểm hiện tại, bạn đã nhận được sự ủng hộ là 6.816.000 đ, trong đó giáo viên công nhân viên chức là 2690.000 đ, học sinh toàn trường là 2576.000 đ, các nhà hảo tâm thông qua địa chỉ nhà trường là 1550.000 đ. Mọi sự đóng góp ủng hộ vẫn đang hướng đến bạn.

Nhìn hình ảnh của bạn, chứng kiến những ngày vượt khó chiến đấu với bệnh hiểm nghèo ấy, ai cũng thấy xúc động khâm phục, xen lẫn cả nỗi buồn. Thế nên trong buổi lễ chào cờ vào sáng thứ hai, thầy Phan Hữu Xá – Hiệu trưởng nhà trường có nói:

– Bạn H’Viết là một học sinh giàu nghị lực, ham học hỏi, thích khám phá, giàu ước mơ. Mặc dù bệnh tật hiểm nghèo nhưng bạn ấy luôn tìm cách vượt qua để chiến thắng. Đây là tấm gương, một nghị lực sống để chúng ta học tập và làm theo.

Đúng như lời nhận xét của thầy Hiệu trưởng, lúc nào bạn ấy cũng vui vẻ, lạc quan, là một tấm gương, một nghị lực sống đang dần chiến thắng bệnh tật.

Câu chuyện này nếu bạn H’Viết được nghe, được đọc về chính cuộc đời của mình thì chắc chắn bạn ấy rất buồn và tủi thân. Nhưng bố mẹ bạn ấy, buôn làng, bạn bè, thầy cô ở trường THCS Trần Quang Diệu lại rất tự hào về bạn – một tấm gương vượt qua bệnh hiểm nghèo. Cũng qua câu chuyện này, em muốn gởi đến các bạn học sinh, quý thầy cô giáo, các tổ chức đoàn thể, các nhà hảo tâm và người dân trên khắp mọi miền Tổ quốc hãy mở rộng vòng tay, tiếp thêm cho bạn sức mạnh bằng những lời động viện, đóng góp ủng hộ. Mọi đóng góp, ủng hộ xin gửi về trường THCS Trần Quang Diệu[SĐT: 02623702842], xã EaKuêh, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk hoặc H’Viết Kbuôr buôn Win, xã EaKuêh, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk.

Đây chỉ là câu chuyện nhỏ giữa đời thường, dưới mái trường, trong lớp học nhưng là bài học về nghị lực sống, là tấm gương vượt qua khó khăn bệnh tật hiểm nghèo. Và đây cũng là thông điệp gửi cho mỗi chúng ta: cho dù ở hoàn cảnh nào, dù khó khăn đến mấy, đau đớn đến mấy cũng đừng nản chí mà hãy dũng cảm vượt qua. Điều quan trọng là phải vui vẻ, lạc quan, nỗ lực vượt lên chính mình.

                                                                                                                                                                  Tác giả

Đặng Thị Thanh Tú

Video liên quan

Chủ Đề