Bệnh hạch là gì


Giới thiệu hệ thống hạch bạch huyết trong cơ thể

Hạch bạch huyết là một phần quan trọng của hệ thống miễn dịch của cơ thể, để giúp chống lại tình trạng nhiễm trùng.

Trong cơ thể mỗi chúng ta có khoảng 500-600 hạch bạch huyết, chúng nằm rải rác khắp cơ thể trên đường đi của mạch bạch huyết  và thường tập trung thành nhóm và nhận bạch huyết của từng vùng cơ thể.

Có những hạch bạch huyết nằm nông dưới da mà chúng ta có thể sờ được [ trên cổ, sau tai, dưới cằm, dưới hàm, vùng gáy, hố nách, quanh háng…]. Và có những hạch nằm sâu trong lồng ngực, ổ bụng… không thể sờ thấy, chỉ có thể phát hiện qua thăm khám chẩn đoán hình ảnh.

                        Hình ảnh các nhóm hạch bạch huyết ở nông[ có thể sờ thấy được].

Cấu tạo của hạch bạch huyết:

Hạch có hình hạt đậu hoặc hình trứng, được bao bọc bên ngoài bởi vỏ xơ, nơi lõm vào gọi là rốn hạch. Rốn hạch là nơi đi vào nhu mô hạch của động mạch, là nơi đi ra của tĩnh mạch và bạch huyết quản [ dẫn bạch huyết ra khỏi hạch].

Chức năng của hạch bạch huyết là gì?

Hạch bạch huyết được coi như lính gác cổng của từng vùng cơ thể. Các tác nhân xâm nhập ngoại lai theo dòng bạch huyết được đưa tới các hạch Tại đây hạch bạch huyết có các tế bào miễn dịch chuyên biệt để thu giữ và tiêu diệt các kẻ xâm nhập. Đồng thời sản xuất các kháng thể theo hệ tĩnh mạch và đưa vào hệ tuần hoàn máu.

Nguyên nhân sưng hạch bạch huyết?

                             

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ miễn dịch, các tế bào miễn dịch trong hạch được sản xuất tăng lên cùng với xác các đại thực bào và tác nhân ngoại lai làm cho hạch bị sưng lên và có thể gây đau. Các nguyên nhân chính khiến hạch bị sưng gồm:

Virus [ phổ biến nhất là Virus cảm lạnh thông thường]: thủy đậu, sởi, HIV…

Vi khuẩn: liên cầu, tụ cầu, lao, giang mai, các bệnh lây truyền qua đường tình dục…

Ung thư: Một số ung thư có thể gây sưng hạch bạch huyết. Nguồn gốc có thể bắt nguồn từ chính các hạch bạch huyết hoặc các tế bào máu. Cũng có thể ung thư di căn hạch từ một cơ quan khác trong cơ thể. Ví dụ, ung thư vú có thể lan đến các hạch bạch huyết gần nhất ở nách hoặc ung thư phổi có thể lan đến các hạch bạch huyết quanh xương đòn.

Khi nào cần đi khám bác sĩ ?

   Một số hạch bạch huyết sưng sẽ trở lại bình thường khi tình trạng nhiễm trùng được cải thiện. Bạn nên đến gặp bác sĩ nếu các hạch bạch huyết bị sưng của bạn:

Đã xuất hiện không có lý do rõ ràng

Tiếp tục to lên hoặc đã có mặt trong hai đến bốn tuần

Cảm thấy cứng chắc hoặc không di chuyển khi bạn đẩy chúng

Đi kèm với sốt liên tục, đổ mồ hôi đêm hoặc giảm cân không rõ nguyên nhân.

 Bạn sẽ phải làm xét nghiệm gi để chẩn đoán nguyên nhân sưng hạch?

Tại bệnh viện TWQĐ 108, các bác sỹ sẽ thăm khám lâm sàng về bệnh sử của bạn đồng thời chỉ định một số các xét nghiệm cần thiết như siêu âm [để đánh giá về hình ảnh hạch là lành tính hay ác tính], chọc hút tế bào hạch, sinh thiết hạch, xét nghiệm máu…để tìm ra chính xác nguyên nhân gây sưng hạch. Sau đó các bác sỹ sẽ đưa ra phương án điều trị phù hợp cho tình hình cụ thể của bạn.

                                       Thông tin bài viết : BS Vũ Thị Thu Lan khoa CĐCN

Lao hạch bạch huyết ngoại vi là một bệnh viêm mạn tính ở hệ thống hạch bạch huyết ngoại vi [hạch cổ, hạch bẹn, hạch nách…] do trực khuẩn lao [phổ biến nhất là Mycobacterium tuberculosis] gây nên, thường gặp ở trẻ em và thanh niên.


Vi khuẩn lao gây bệnh lao hạch bằng cách nào?

- Vi khuẩn lao xâm nhập qua vùng họng, Amydal lan tràn đến hạch [lao hạch tiên phát].

- Vi khuẩn lao lan đến hạch từ một ổ lao có từ thời kỳ tiên phát, lan tràn theo 3 đường: đường máu, đường bạch huyết, đường tiếp cận [lao hạch hậu tiên phát].

Khi bị lao hạch, triệu chứng thường gặp là gì?

- Bệnh nhân có thể không có triệu chứng toàn thân, nhưng đa số bị sốt nhẹ về chiều, sốt kéo dài; người mệt mỏi, kém ăn, gầy sút... Khoảng 36 - 41% lao hạch có kèm theo tổn thương lao các cơ quan khác.

          -Vị trí tổn thương: hay gặp nhóm hạch ở cổ, trong khi hạch bẹn rất ít gặp. Hạch có đường kính khoảng một đến vài cm, chắc, di động, có thể hơi đau, đôi khi có viêm ở xung quanh hạch, thường bị một chuỗi hạch.

Người bị lao hạch sẽ tiến triển thế nào? Lao hạch có nguy hiểm không?

Lao hạch bạch huyết nếu được chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời, đúng nguyên tắc sẽ khỏi bệnh hoàn toàn và không để lại di chứng. Ngược lại, điều trị bệnh sẽ gặp nhiều khó khăn và có nhiều biến chứng: hạch to nhuyễn hóa, rò mủ kéo dài, dễ tái phát; hạch dính với nhau thành đám, chèn ép vào thần kinh; có thể gây lao lan tràn đến các cơ quan khác.

Khi nghi ngờ lao hạch, các xét nghiệm quan trọng nào không thể bỏ qua?

Khi khám bệnh nhân, nếu nghi ngờ lao hạch, bác sỹ sẽ chỉ định một số xét nghiệm quan trọng trong chẩn đoán như:

- Siêu âm hạch: đánh giá tính chất hạch, các hạch có kích thước to nhỏ không đều, có khuynh hướng dính vào tổ chức xung quanh, có thể có vùng hoại tử trong hạch, phần mềm quanh hạch phù nề.

- Chọc hút hạch bằng kim nhỏ: đây là kỹ thuật đơn giản, dễ làm, cho kết quả nhanh, hầu như không có tai biến. Chọc hút hạch để làm xét nghiệm tế bào học hoặc để xét nghiệm tìm vi khuẩn lao. Các trường hợp điển hình, chọc hút tế bào làm hạch đồ, khi soi trên kính hiển vi sẽ thấy các thành phần của một nang lao điển hình.

- Sinh thiết hạch: để chẩn đoán mô bệnh học, xét nghiệm tìm vi khuẩn lao. Đây là kỹ thuật quan trọng, có giá trị giúp chẩn đoán xác định lao hạch cao hơn chọc hút tế bào, thấy được tổn thương là nang lao điển hình [hiệu quả chẩn đoán đạt trên 80%]. Cũng như chọc hút tế bào, sinh thiết hạch lấy bệnh phẩm tìm vi khuẩn lao có ý nghĩa quyết định trong chẩn đoán lao hạch.

- Một số xét nghiệm khác: phản ứng da với Tuberculin, xét nghiệm đờm tìm AFB, các xét nghiệm máu, xét nghiệm miễn dịch, xét nghiệm PCR lao, Chụp Xquang lồng ngực chuẩn, chụp cắt lớp vi tính lồng ngực…

Bệnh nhân mắc lao hạch sẽ được điều trị như thế nào?

- Bệnh nhân mắc lao hạch được điều trị nội khoa là chính, phối hợp các thuốc chống lao, điều trị đủ liều, đủ thời gian, chia hai giai đoạn tấn công và duy trì, điều trị có kiểm soát.

- Phối hợp các thuốc nâng cao thể trạng, chế độ nghỉ ngơi hợp lý, ăn uống đảm bảo dinh dưỡng.

- Điều trị ngoại khoa trong trường hợp hạch to vỡ, hạch to gây chèn ép mạch máu, thần kinh gây đau; hạch to gây dính.

Để phòng bệnh lao hạch, cần tuân thủ một số biện pháp sau:

- Tiêm phòng lao bằng vaccin BCG cho trẻ em đầy đủ, đúng kỹ thuật.

- Nâng cao sức đề kháng, chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý, nhất là đối với trẻ em. Vệ sinh răng miệng thường xuyên, sạch sẽ.

- Khi đã được chẩn đoán lao hạch, bệnh nhân cần tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sỹ chuyên khoa lao.

* Bệnh viện Trung Ương Quân đội 108 có đầy đủ các phòng khám chuyên khoa, hệ thống xét nghiệm để chẩn đoán và điều trị lao hạch. Khoa Giải phẫu bệnh lý có hai phòng khám và chọc hút tế bào bằng kim nhỏ, một hệ thống labo với các máy móc, trang thiết bị hiện đại. Chúng tôi thường xuyên tiếp nhận và chẩn đoán các bệnh lý ở các chuyên khoa khác nhau, trong đó có bệnh lao hạch. Các xét nghiệm chẩn đoán lao hạch tại Khoa Giải phẫu bệnh lý đang thực hiện gồm có: Chọc hút tế bào bằng kim nhỏ và chẩn đoán mô bệnh học bằng phương pháp nhuộm Hematoxylin eosin. Ngoài ra, chúng tôi còn chuẩn bị mẫu bệnh phẩm phục vụ cho các xét nghiệm Sinh học phân tử về lao. 

Hình ảnh lâm sàng của lao hạch [BN V.T.N 33 tuổi]

Hình ảnh siêu âm của lao hạch

Hình ảnh tế bào học của lao hạch

Hình ảnh mô bệnh học của Lao hạch

Người viết bài: Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Văn Phú Thắng - Khoa Giải phẫu bệnh lý – Bệnh viện TWQĐ 108

Video liên quan

Chủ Đề