Bùi đình túy là ai

Tôi có cơ duyên được làm phim về ông. Số là nhiều năm về trước, có một cô sinh viên Khoa Báo chí Trường Đại học khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội] về cơ quan tôi thực tập, cô rụt rè đưa tôi tập bản thảo và nói muốn được tôi làm bộ phim tài liệu theo kịch bản này…

Thú thực khi đó tôi hơi lưỡng lự, phần vì mới là sinh viên thực tập mà đã muốn "làm phim tài liệu" thì quả là "đòi hỏi cao" và phần vì nhìn tập bản thảo viết tay tôi đã thấy nản nhưng thấy ánh mắt tin cậy của cô và nhất là sau khi nghe cô nói: "Tên của bác ấy được đặt cho một đường phố ở TP HCMthành phố Hồ Chí Minh" thì tôi phải thay đổi suy nghĩ.

Và rồi hai tháng sau bộ phim tài liệu "Sống mãi những bức ảnh để lại" được hoàn thành và được phát trên sóng Truyền hình Hà Nội.

Nhà báo đó là Bùi Đình Túy, bút danh Đinh Thúy, một nhà báo ảnh thông tấn nhanh nhạy, xông xáo, đa tài và không nề hà với hiểm nguy của cuộc chiến tranh khốc liệt.

Ông sinh năm 1914, tuổi Giáp Dần, nếu còn sống thì năm nay ông 105 tuổi, vậy mà năm ngã xuống ngoài mặt trận ông mới chỉ đạt vừa nửa số năm ấy.

Làm phim về nhà báo Bùi Đình Túy quả thật là rất khó. Khi chúng tôi bấm máy thì ông đã hy sinh tròn 30 năm. Những người cùng thời với ông đều đã nghỉ hưu hoặc ở xa Hà Nội. Và nếu như Phòng Truyền thống của Thông tấn xã Việt Nam không lưu giữ chiếc máy ảnh hiệu Leica mà ông từng sử dụng thì kỷ vật của người đã khuất chỉ là con số không tròn trĩnh.

Nhưng ông đã để lại những bức ảnh "sống mãi". Ở Ban biên tập Ảnh của Thông tấn xã Việt Nam khi chúng tôi hỏi chuyện về ông thì mọi người đều nhìn nhau. Đúng là con người ông thì không nhiều người biết bởi từ năm 1965 ông đã "lên đường đi B" nhưng những gì mà ông đã làm thì mọi người đều rõ.

Nhà báo Bùi Đình Túy [đứng thứ nhất từ trái qua] vinh dự được chụp ảnh với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người thì nói: "Bác Túy chính là người đã chụp bức ảnh Bác Hồ trao trặng Huân chương Sao vàng cho Bác Tôn [bức ảnh này là gợi ý cho bức tượng Bác Hồ với Bác Tôn hiện đặt trong Công viên Thống nhất].

Người thì hào hứng: "Bức ảnh Thác Bờ mà ông Bùi Đình Túy chụp năm nào cho đến giờ vẫn là "kinh điển" cho dân nhiếp ảnh". Rồi có người khoe: "Có một bức ảnh vinh dự lắm. Nhà báo Bùi Đình Túy được chụp ảnh với Bác Hồ đấy".

Năm 21 tuổi, chàng thanh niên Bùi Đình Túy rời làng quê Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình để ra Hà Nội học nhiếp ảnh và vẽ ở Trường Bách nghệ. Vào thời ấy những ai được vào học "Bách nghệ" thì hẳn là những người có năng khiếu và có trí tiến thủ. Ở ngôi trường từng đào tạo nên nhiều tên tuổi có chí khí, nhiều bậc tài năng như Tôn Đức Thắng, Hoàng Đình Giong… nên Bùi Đình Túy cũng sớm giác ngộ và nhanh chóng hòa nhập vào "không khí" chung của những thanh niên sinh viên sục sôi ý chí.

Chân dung nhà báo Bùi Đình Túy.

Chỉ một năm sau khi nhập trường, anh sinh viên Bùi Đình Túy đã tham gia nhóm sinh viên bãi khóa để bày tỏ sự ủng hộ với Phong trào Dân chủ Đông Dương và thế là anh bị đuổi học. Bị đuổi học nhưng người con của miền quê "Có ai về Cảnh Dương/ Quê tôi đứng nơi đầu sóng gió" đâu chịu cam phận, anh bôn ba vào Sài Gòn.

Ban đầu là làm các nghề tự do như thợ vẽ, thợ sơn, thợ chụp hình, anh cũng từng làm việc cho rạp chiếu phim Indochine Cinema với vai trò một họa sĩ và tại một văn phòng nhiếp ảnh tư nhân. Thời gian này Bùi Đình Túy bí mật tham gia phong trào Việt Minh và hoạt động tại khu vực Sài Gòn - Chợ Lớn.

Làng quê Cảnh Dương, ngôi "làng chiến đấu" nổi tiếng của những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, ngôi làng từng đi đầu trong phong trào thi đua của những năm cả miền Bắc chung tay xây dựng lại sau chiến tranh giờ đã khác xưa rất nhiều. Hôm chúng tôi tới cứ ngỡ như mình đang đi lạc vào một "xứ sở diệu kỳ" nào đó.

Phát huy truyền thống hào hùng năm xưa và để tri ân những người con anh dũng của quê nhà, làng Cảnh Dương này đã trở thành một điểm đến cho khách du lịch và đặc biệt với danh xưng "làng bích họa" bởi đâu đâu trong làng mọi người đều thỏa mắt ngắm những bức bích họa mô tả lại cuộc sống làng chài, mô tả lại những dấu ấn quê hương lưu luyến. Được sinh ra ở đấy hẳn Bùi Đình Túy đã thấm, đã ngấm cái chất chịu đựng gian khổ, vượt khó vươn lên trong gió cát của quê hương Quảng Bình. Đã thấm, đã ngấm sức vươn của cỏ cây nơi này.

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, Bùi Đình Túy tham gia hoạt động cho chính quyền nhân dân mới giành được ở Sài Gòn. Khi quân Pháp nổ súng tái chiếm Nam Bộ, Bùi Đình Túy ở lại Sài Gòn và tham gia Kháng chiến chống Pháp. Với năng lực nhiếp ảnh có sẵn nên ông được phân công phụ trách công tác nhiếp ảnh của Sở Thông tin Sài Gòn, rồi làm phóng viên báo "Cảm tử" của Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn.

Cũng từ đây Bùi Đình Túy chính thức trở thành một Nhà báo với bút danh là Đinh Thúy. Thời gian này Bùi Đình Túy đã chụp những bức ảnh phản ánh trung thực cuộc chiến đấu của quân dân Sài Gòn như "Máy bay Pháp bị bắn rơi trên đường phố Chợ Lớn"; "Xe bọc thép của giặc Pháp bị quân ta đánh chiếm"; "Quân ta dùng súng cướp được của địch đánh địch"…

Đường phố Bùi Đình Túy và cầu Bùi Đình Túy ở TP HCM.

Những tháng năm sinh sống, hoạt động và đóng góp nhiều giá trị "tư liệu lịch sử" cho vùng đất Sài Gòn sục sôi cách mạng mà sau ngày miền Nam được giải phóng, chính quyền và nhân dân thành phố mang tên Bác đã quyết định lấy tên ông để đặt cho một cây cầu và một đường phố. Cầu Bùi Đình Túy nằm ở phường 24, quận Bình Thạnh còn đường Bùi Đình Túy nằm trên địa bàn phường 12 cùng quận. Một đường phố bình dị như bao đường phố khác giữa lòng thành phố sôi động. Hôm chúng tôi tới cũng là một ngày nắng tràn khắp nẻo.

Nhìn tấm biển đường phố với dòng tên "Bùi Đình Túy" chúng tôi không khỏi tự hào, một nhà báo cả đời thầm lặng đứng sau những khuôn hình đậm tính thời sự, đậm tính chiến đấu đã được ghi nhận, được đặt tên thực quả là hiếm nếu như không muốn nói là "có một không hai". [Chỉ tiếc là thời gian và công nghệ cũ nên bộ phim về ông chúng tôi không lưu giữ được. Thế mới biết những bức ảnh mà ông đã chụp được lưu giữ đến ngày nay có giá trị biết bao].

Năm 1954, Bùi Đình Túy tập kết ra Bắc và làm phóng viên ảnh tại Thông tấn xã Việt Nam. Năm 1957, ông giữ chức Phó Chủ nhiệm Phân xã nhiếp ảnh đầu tiên của Thông tấn xã Việt Nam. Năm 1961, ông cùng một số đồng nghiệp được cử sang Cộng hòa Dân chủ Đức tham gia khóa học ảnh màu, sau đó về nước và trở thành một trong những phóng viên ảnh màu đầu tiên tại Việt Nam.

Bức ảnh Thác bờ của Bùi Đình Túy.

Năm 1965, ông được điều động vào Nam làm phóng viên chiến trường, đồng thời giữ chức Phó trưởng Tiểu ban Thông tấn xã Giải phóng, một phân nhánh không chính thức của Thông tấn xã Việt Nam tại miền Nam. Thời gian này tay máy của Bùi Đình Túy đã góp phần khắc họa hình ảnh cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt nhưng cũng phơi phới niềm tin chiến thắng.

Những bức ảnh như "Đoàn xe thồ tắm mát"; "Bữa cơm trên đường hành quân"; "Lớp học văn hóa ở chiến khu" và "Gặt lúa trong vùng giải phóng"… đó đều là những phản ánh sinh động về cuộc chiến tranh nhân dân của chúng ta, phản ánh trung thực tinh thần hăng say cùng một khí thế ngập tràn niềm tin thắng lợi. 

Tháng 9 năm 1967, nhà báo Bùi Đình Túy cùng các nhà báo, phóng viên đang có mặt ở chiến trường như Thép Mới, Giang Nam, Lê Anh Xuân… được phân công đi phản ánh diễn biến của "Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua, Dũng sĩ các Lực lượng vũ trang nhân dân miền Nam lần thứ hai" trong vùng giải phóng. Sau khi Đại hội kết thúc, nhà báo Bùi Đình Túy trở lại địa bàn được phân công, thật không may [ngày 21 tháng 9 năm 1967] trên đường về căn cứ ông bị trúng bom của không quân Mỹ và anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn trẻ và biết bao kỳ vọng về sự nghiệp còn ở phía truớc.

Hơn nửa thế kỷ nhà báo Bùi Ðình Túy vĩnh viễn hóa thân vào mảnh đất phương Nam nhưng những đóng góp của ông với sự nghiệp báo chí Cách mạng còn ghi khắc trong tâm trí của bạn bè, đồng nghiệp và đặc biệt với nhân dân Sài Gòn - TP HCM.

Nguyễn Trọng Văn

Trải qua 92 năm, sự ra đời của báo chí cách mạng đã phục vụ đắc lực sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Đặc biệt, qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, hơn 400 nhà báo đã ngã xuống trên các chiến trường. Họ mãi mãi là niềm tự hào cho quê hương, đất nước, cho các thế hệ nhà báo, người làm báo hôm nay. Trong đó có liệt sĩ, nhà báo Bùi Đình Túy [tức Đinh Thúy], ông đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp báo chí cách mạng, máu thịt ông hòa vào lòng đất Nam Bộ thân yêu, tên ông được đặt cho một con đường và một cây cầu tại quận Bình Thạnh - thành phố Hồ Chí Minh.  

       Liệt sĩ, nhà báo Bùi Đình Túy [tức Đinh Thúy] sinh ngày 12/2/1904 tại xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch [Quảng Bình]. Tốt nghiệp Tiểu học ông thi vào trường Bách Nghệ Hà Nội, chuyên ngành ảnh và hội họa. Do hoạt động tích cực trong phong trào học sinh, sinh viên, vận động bãi khóa và để tang cụ Phan Chu Trinh, năm 1936 ông bị thực dân Pháp đuổi học. Vào Sài Gòn ông làm thợ vẽ để có điều kiện tham gia các phong trào yêu nước và bị giặc Pháp bắt cầm tù. Sau khi vượt ngục, ông có mặt trong tổ chức Việt Minh, tham gia cướp chính quyền ở Sài Gòn - Chợ Lớn. Cách mạng Tháng 8 thành công ông làm phóng viên Báo “Cảm Tử”, phụ trách ngành ảnh Sở Thông tin đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Tên tuổi và tác phẩm của ông thu hút mạnh mẽ đối với giai cấp công nhân, thợ thuyền, dân nghèo... Đặc biệt, những bức ảnh ghi lại những sự kiện diễn ra tại Sài Gòn - Chợ Lớn trong cao trào sôi sục, giữa những ngày cướp chính quyền tháng 8-1945 của ông phục vụ rất hiệu quả cho công tác tuyên truyền, nghiên cứu về Cách mạng tháng Tám của Đảng ta. Những bức ảnh về cuộc đấu tranh của hơn 2000 công nhân cao su Phú Riềng với chủ Pháp, hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam… Năm 1948 Bùi Đình Túy được kết nạp vào Đảng, cuối năm 1954 ông tập kết ra Bắc, được cử làm Phó Chủ nhiệm Phân xã nhiếp ảnh TTXVN. Năm 1961 ông được cử đi học nghệ thuật ảnh màu tại Cộng hòa dân chủ Đức. Năm 1965 tuy tuổi đã cao ông vẫn hăng hái trở lại mặt trận Nam Bộ. Sau hơn ba tháng vượt Trường Sơn đầy gian khổ, ông được bố trí làm Phó Giám đốc Thông tấn xã Giải phóng. Trong tình hình đầy khó khăn, ông vừa xây dựng cơ sở ngành ảnh của Miền và đào tạo đội ngũ nhiếp ảnh giải phóng. Ngày 21/9/1967, sau khi tường thuật trọn vẹn Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua Quân Giải phóng miền Nam lần thứ II, ông hy sinh anh dũng tại mặt trận Trảng Dầu lúc 63 tuổi.


 


Liệt sĩ nhà báo Bùi Đình Túy

       Cuộc đời làm báo của ông có những vinh dự thật đặc biệt, với bản lĩnh chính trị và khả năng nghề nghiệp, ông được giao nhiệm vụ chụp ảnh, đưa tin các hoạt động của Bác Hồ và đoàn ta đại biểu Chính phủ ta trong dịp Người đi thăm Cộng hòa Ấn Độ. Là người được phân công tác nghiệp tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III [9-1960], ông cùng các nhà báo vinh dự được chụp ảnh chung với Bác Hồ. Tấm ảnh được ông Bùi Đình Toái, [con trai liệt sĩ Bùi Đình Túy] hiện đang sinh sống tại Hà Nội giữ gìn hơn một báu vật. Ông cũng là người trực tiếp chụp tấm ảnh Bác Hồ gắn Huân chương Sao Vàng cho Bác Tôn ngày 19/8/1958 nhân dịp Bác Tôn tròn 70 tuổi và nhiều tấm ảnh lịch sử có giá trị khác. Ông là người có công lao khai sinh nghệ thuật ảnh màu cho đất nước. Sau thời gian tiếp thu tại Đức, ông cùng các đồng nghiệp Phân xã nhiếp ảnh đã nhanh chóng làm chủ công nghệ ảnh màu. Ông vinh dự là người đầu tiên chụp ảnh màu chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và những chùm ảnh màu về phong cảnh đất nước…

       Có thể nói nhà báo Bùi Đình Túy là tấm gương về lòng yêu nước. Xuất thân con em một gia đình ngư dân, ông chăm chỉ học hành và sớm đến với phong trào yêu nước trong học sinh, sinh viên. Khi bị đuổi học ông chọn con đường tự kiếm sống để tham gia hoạt động trong tổ chức Việt Minh. Bị địch bắt cầm tù, ông tìm cách trốn khỏi nhà tù và tiếp tục hoạt động. Ông cũng là tấm gương của lòng yêu nghề, sự tận tụy, nhiệt tình với công việc. Vừa là phóng viên tờ báo của đặc khu, vừa phụ trách ngành ảnh của Sở Thông tin Sài Gòn sau tháng 8-1945. Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, ông vừa là phóng viên ảnh, vừa là họa sĩ vẽ tranh cổ động phục vụ kháng chiến, đồng thời phụ trách hoạt động Công đoàn Sài Gòn - Chợ Lớn, trong điều kiện hết sức khó khăn nhưng ông vẫn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Nhà báo Bùi Đình Túy là tấm gương sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ. Tuy đã 61 tuổi ông vẫn tình nguyện trở lại miền Nam, xông xáo trên các chiến trường, ghi lại cảnh dân công tiếp lương tải đạn, các cuộc đấu tranh, các trận đánh lớn của Quân giải phóng. Những tác phẩm vừa là tư liệu quý, vừa mang tính nghệ thuật cao, góp phần làm phong phú lịch sử ngành ảnh thời sự báo chí của Đảng và nền kỷ thuật ảnh nước nhà. Ngoài ra, ông còn là tấm gương về tình yêu thương đồng đội, luôn quan tâm săn sóc sức khỏe và động viên nhau hoàn thành nhiệm vụ. Để tường thuật diễn biến Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua Quân Giải phóng miền Nam lần thứ hai, đoàn nhà báo phải đi bộ 7 ngày mới tới địa điểm, nhiều người bị bệnh sốt rét hành hạ. Là người lớn tuổi nhất và cũng bị bệnh nhưng hàng ngày ông vẫn quan tâm sức khỏe từng người, động viên tinh thần anh em cố gắng vượt qua để phục vụ Đại hội. Trên đường trở về, máy bay Mỹ ném bom bi làm ông hy sinh, hôm sau chúng san ủi nơi đó làm căn cứ, nên các đồng chí ta không thể tìm thấy hài cốt của ông. Tên tuổi liệt sĩ, nhà báo không chỉ sống mãi trong lòng người dân Sài Gòn - Chợ Lớn xưa, thành phố Hồ Chí Minh hôm nay, mà còn là niềm tự hào cho quê hương, gia đình và các đồng nghiệp của ông.


 

Đường Bùi Đình Túy tại Quận Bình Thạnh TP Hồ Chí Minh
 

Năm 1996 tại nghĩa trang liệt sĩ xã Cảnh Dương [Quảng Bình], Đảng ủy, chính quyền và nhân dân đã xây mộ [không hài cốt] cho ông ở vị trí hàng đầu. Tên ông còn được ghi khắc trang trọng tại Nhà Bia ghi danh gần 300 liệt sĩ toàn xã, để các thế hệ nhớ mãi người con ưu tú của quê hương đã anh dũng hy sinh cho Tổ quốc.
       Chiến tranh đã đi qua 42 năm, sự hy sinh oanh liệt của liệt sĩ Bùi Đình Túy và hàng trăm nhà báo liệt sĩ khác là những tổn thất to lớn. Họ vừa là tấm gương, là nguồn động lực thúc đẩy những người làm báo trong và ngoài quân đội hôm nay, tiếp tục đóng góp công lao, trí tuệ của mình cho sự nghiệp báo chí cách mạng. Kỷ niệm 92 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, những người làm báo hôm nay tự hào bước tiếp sự nghiệp của các liệt sĩ, nhà báo, tiếp tục xung kích trên mặt trận tư tưởng, góp phần xây dựng quê hương, đất nước nước ngày càng giàu mạnh.

 

Nguyễn Tiến Nên

Video liên quan

Chủ Đề