Ca dao về nét đẹp văn hóa truyền thống năm 2024

Câu ca dao trên đã nói lên một nét đẹp đặc trưng, tinh tế và đó là niềm tự hào của mỗi công dân đã và đang sống trên mảnh đất Thăng Long từ xa xưa cho đến bây giờ. Câu ca dao cũng gián tiếp nhắc nhở những con người của “Hà Nội ngàn năm văn hiến” cần phải có ý thức, bổn phận về việc trau dồi phẩm chất, sao cho xứng đáng với truyền thống đã có và đang có, với niềm tin yêu, kì vọng của mọi người. Người Tràng An có nếp sống văn hóa phong phú, đa dạng, thanh lịch và tinh tế. Vùng đất ấy là nơi hội tụ của nhiều lễ hội truyền thống, và người dân nơi đây không ít lần trong một năm tham gia các lễ hội này.

Khi nói về những lễ hội truyền thống của mình, người dân Hà Nội cũng thể hiện trong những câu ca dao, được truyền từ đời này qua đời khác và nó có giá trị lớn trong việc truyền tải thông tin: ca dao mang ý nghĩa nhắc nhở mọi người về ngày tháng tổ chức lễ hội, ca dao diễn tả không khí của lễ hội, ca dao miêu tả cảnh đẹp của khu di tích mà lễ hội đang diễn ra…

Một trong những lễ hội gắn bó lâu đời với người dân Thăng Long – Hà Nội là hội Gióng bởi thế ca dao, cũng nhắc nhở và giục giã:

“Ai ơi, mùng chín tháng tư

Không đi hội Gióng cũng hư mất đời”

Lễ hội tưởng nhớ vị Thánh Gióng – Phù Đổng Thiên Vương một trong bốn vị thánh bất tử trong tâm tưởng người Việt thường được gọi là hội Gióng hay hội làng Phù Đổng là một trong những lễ hội lớn nhất ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ được nhân dân khắp nơi tìm về và tham gia trẩy hội.

Khi nhắc nhau về hội chùa Tây Phương một ngôi chùa nổi tiếng với kiến trúc và nghệ thuật tạc tượng nằm ở huyện Thạch Thất thì dân gian có câu:

“Ấy ngày mùng sáu tháng ba

Ăn cơm với cà đi hội chùa Tây”

Hay:

Nhớ ngày mùng bảy tháng ba

Trở về hội Láng trở ra hội Thầy

Để nói về lễ hội chùa Thầy và chùa Láng, hai ngôi chùa cũng có lịch sử lâu đời ở vùng đất Thăng Long. Chùa Thầy tức Thiên Phúc Tự nằm trên núi Thầy – là ngôi chùa chính trong vùng có nhiều di tích kiến trúc Phật Giáo nổi tiếng. Hàng năm chùa Thầy tổ chức hội Xuân từ ngày mồng 5 đến ngày mồng 7 tháng Ba. Ngày mồng 7 tháng Ba được xem là ngày Thiền Sư Từ Đạo Hạnh sau khi tu hành đắc đạo đã “hóa” trong một hang động mà về sau dân gian đã gọi là hang Thánh Hóa.

Còn hội Láng được tổ chức ở ngôi chùa làng Láng nằm ở phía nam kinh thành Thăng Long. Chùa Láng cũng thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh và cũng khai hội vào ngày mồng 7 tháng Ba.

Bên cạnh những câu ca dao nhắc nhở về thời gian tổ chức lễ hội, thì cao dao còn thể hiện sự đông vui, tụ hội và vẻ đẹp của các lễ hội bằng cách so sánh ngầm như:

Bơi Đăm, rước Giá, hội Thầy

Vui thì vui vậy chẳng tày rã La.

Làng Đăm vốn có tục lệ bơi chải tron ngày hội tế thần vào ngày mồng chín tháng ba âm lịch. Còn tục rước Giá chính là lễ rước Lý Phục Man là của hai làng Yên Sở và Đắc Sở ở huyện Quốc Oai. Theo dân gian, ba ngày hội đó rất vui song cũng không bằng buổi rã đám kết thúc hội làng La Khê.

Khi nói về lễ hội Triều Khúc dân gian đã miêu tả:

Mỗi năm vào dịp xuân sang

Em về Triều Khúc xem làng hội xuân

Múa cờ, múa trống, múa lân

Nhớ ai trong hội có lần gọi em…

Qua bốn câu ca dao, lễ hội làng Triều Khúc hiện lên với nhiều hoạt động dân gian đặc trưng của mình đã làm nao lòng người tham gia trẩy hội.

Khi so sánh về vẻ đẹp của các di tích trong mùa lễ hội, ca dao Hà Nội có câu:

Bối Khê, Tiên Lữ, chùa Thầy

Đẹp thì đẹp vậy chẳng tày chùa Hương.

Và:

Ngày xuân con én xôn xao

Nam thanh, nữ tú ra vào chùa Hương

Chim đưa lối vượn dẫn đường

Nam Mô Di Phật bốn phương chùa nầy!

Chùa Hương là một cụm di tích gồm có sông, núi, chùa…. Lễ hội chính thức là vào ngày Rằm tháng Hai, nhưng theo tục lệ, ngày từ ngày 6 tháng Giêng người ta đã làm lễ mở cửa rừng cho dân chúng vào làm ăn và khách thập phương ngoạn cảnh chùa vào những ngày đầu năm. Hội Chùa Hương thu hút khá đông khách thập phương trước là để lễ Phật, sau là để thưởng ngoạn cảnh.