Các nước gia nhập asean vào năm nào

Trên cơ sở Tuyên bố Bangkok, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập ngày 8/8/1967, với 5 thành viên. ASEAN ra đời nhằm tăng cường hợp tác kinh tế, văn hoá-xã hội giữa các nước thành viên, tạo điều kiện cho các nước hội nhập sâu hơn với khu vực và thế giới.

Năm 1971, ASEAN ra Tuyên bố về Khu vực Hòa bình, Tự do và Trung lập (ZOPFAN), nhấn mạnh quyết tâm của các nước thành viên trong việc bảo đảm Đông Nam Á là một khu vực hòa bình, tự do và trung lập. Các quốc gia Đông Nam Á cũng cam kết phối hợp mở rộng các lĩnh vực hợp tác nhằm góp phần tăng cường sức mạnh, tình đoàn kết và quan hệ gắn bó.

Năm 1976, ASEAN ký Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) và thông qua Tuyên bố về sự hòa hợp ASEAN (Tuyên bố Bali). Được ký nhân dịp Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ nhất, TAC đặt nền móng cho việc xây dựng chuẩn mực ứng xử giữa các quốc gia ở khu vực nhằm thúc đẩy nền hòa bình, sự thân thiện và hợp tác giữa các bên tham gia. Tuyên bố Bali khẳng định các nỗ lực thúc đẩy hòa bình, tiến bộ và phồn vinh của các nước thành viên và cam kết mở rộng hợp tác ASEAN trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa-xã hội và chính trị.

Hiệp định Khung về tăng cường hợp tác kinh tế ASEAN và thỏa thuận về Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) được ký kết năm 1992. Hiệp định Khung về tăng cường hợp tác kinh tế ASEAN đã tạo khuôn khổ căn bản cho hợp tác ASEAN trong các lĩnh vực thương mại và công nghiệp; khoáng sản và năng lượng; tài chính và ngân hàng; lương thực, nông và lâm nghiệp; giao thông vận tải; bưu chính-viễn thông. AFTA đặt nền tảng quan trọng cho mở rộng hợp tác kinh tế-thương mại và xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN sau này.

Năm 1994, Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) được thành lập. ARF khởi đầu cơ chế đối thoại và tham vấn về các vấn đề chính trị, an ninh trong khu vực.

Năm 1995, ASEAN ký kết Hiệp ước về khu vực Đông Nam Á không vũ khí hạt nhân (SEANWFZ). Theo đó, các bên tham gia SEANWFZ không được phát triển, sản xuất, tìm cách sở hữu, kiểm soát hoặc lắp đặt vũ khí hạt nhân; không cung cấp nguồn hoặc các vật liệu hoặc thiết bị hạt nhân cho các quốc gia không có vũ khí hạt nhân.

Năm 1997, ASEAN thông qua Tầm nhìn ASEAN 2020, nhân kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập. Tầm nhìn ASEAN 2020 nêu định hướng phát triển chính của ASEAN trong những thập kỷ đầu thế kỷ 21, hướng tới mục tiêu xây dựng một tập hợp hài hòa các dân tộc ở Đông Nam Á, sống trong hòa bình, ổn định và thịnh vượng, gắn kết chặt chẽ.

ASEAN kết nạp Campuchia năm 1999, hoàn tất mục tiêu trở thành một tổ chức khu vực với đủ 10 nước Đông Nam Á.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm và các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Lễ kết nạp Vương quốc Campuchia là thành viên thứ 10 của ASEAN, chiều 30/04/1999, tại Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm và các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Lễ kết nạp Vương quốc Campuchia là thành viên thứ 10 của ASEAN, chiều 30/04/1999, tại Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)

Năm 2002, ASEAN và Trung Quốc ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). DOC nêu cam kết của các bên nhằm giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực và thông qua đàm phán giữa các bên liên quan.

Năm 2003, ASEAN thông qua Tuyên bố về sự hòa hợp ASEAN II (Tuyên bố Ba-li II), khẳng định quyết tâm xây dựng Cộng đồng ASEAN dựa trên ba trụ cột; đồng thời phác thảo những ý tưởng lớn của từng trụ cột.

Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ nhất được tổ chức tại Kuala Lumpur, Malaysia năm 2005. EAS là diễn đàn đối thoại về các vấn đề chiến lược nhằm hỗ trợ mục tiêu xây dựng cộng đồng ở khu vực Đông Á; là một tiến trình mở và thu nạp, trong đó ASEAN giữ vai trò chủ đạo; bổ sung và hỗ trợ các diễn đàn khu vực khác.

Năm 2007, Hiến chương ASEAN ra đời, tạo tư cách pháp nhân cho ASEAN là một tổ chức hợp tác khu vực; đồng thời cũng tạo cơ sở pháp lý và khuôn khổ thể chế để tăng cường liên kết và hợp tác ASEAN. Hiến chương ASEAN có hiệu lực từ ngày 15/12/2008.

Năm 2009, Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN được thông qua, bao gồm các Kế hoạch tổng thể xây dựng các trụ cột Chính trị-An ninh, Kinh tế và Văn hóa-Xã hội ASEAN. Trong năm 2009, Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR) được thành lập.

Năm 2010, ASEAN thông qua Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN (MPAC), đề ra các biện pháp cụ thể thực hiện kết nối các thành viên về hạ tầng, thể chế và người dân.

Năm 2011, Tuyên bố Bali về Cộng đồng ASEAN trong Cộng đồng các quốc gia toàn cầu (Tuyên bố Bali III) được thông qua; khẳng định quyết tâm và cam kết của các nước ASEAN về xây dựng lập trường, quan điểm chung trong việc hợp tác ứng phó các vấn đề toàn cầu; nâng cao vai trò và tiếng nói của ASEAN tại các cơ chế quốc tế.

Cộng đồng ASEAN chính thức thành lập ngày 31/12/2015. Đây là dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Hiệp hội, đưa ASEAN bước vào giai đoạn hợp tác mới. Cộng đồng ASEAN dựa trên ba trụ cột là Cộng đồng Chính trị-An Ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa-Xã hội.

ASEAN kỷ niệm 50 năm thành lập vào năm 2017. Hiệp hội đã trải qua nửa thế kỷ hình thành và phát triển, trở thành một Cộng đồng đoàn kết, vững mạnh, gắn kết toàn diện và sâu rộng, góp phần quan trọng duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực, với vai trò và vị thế ngày càng tăng ở khu vực và trên thế giới.