Cây binh linh trồng bao nhiêu năm khai thác năm 2024

Hơn mười năm qua, Công tác trồng rừng sản xuất trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn đạt nhiều kết quả khả quan, chỉ tính riêng 5 năm gần đây toàn tỉnh trồng mới hơn 22 nghìn ha rừng sản xuất. Các giống cây chủ yếu được trồng là keo, mỡ. Bình quân, rừng keo sau từ bảy đến tám năm trồng, mỗi ha cho khai thác được 80 m3 gỗ, thu được khoảng 40 triệu đồng, trừ đi từ 24 đến 32 triệu đồng/ha tiền giống, chi phí khai thác, vận chuyển và chưa tính đến công chăm sóc, bảo vệ. Năng suất rừng trồng gỗ nhỏ thấp, bình quân một năm cây keo chỉ tăng 9 - 10m3/ha; cây mỡ, quế, sa mộc còn thấp hơn do chu kỳ sinh trưởng từ 10 đến 15 năm. Do vậy dù trồng rừng với diện tích lớn, nhưng giá trị kinh tế mang lại không cao.

Trong khi đó, rừng cây gỗ lớn mang lại giá trị kinh tế cao hơn hẳn. Năm 1995, ông Vũ Xuân Hồng ở thôn Khuân Bang, xã Như Cố, huyện Chợ Mới đưa cây lát vào trồng. Ðến nay, ông có hơn 1 ha rừng gỗ lát với chu vi trung bình 50 - 60cm/cây, giá bán bốn triệu đồng/cây, cây to bán được mười triệu đồng/cây. Có doanh nghiệp tư nhân muốn mua diện tích rừng gỗ lát của gia đình ông Hồng với giá một tỷ đồng nhưng ông chưa bán. Ông Hồng chia sẻ: "Thời gian chăm sóc cây lát dài, nhưng càng để lâu càng có giá, bán lúc nào cũng được, khi thu hoạch cho giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với cây keo, mỡ". Thôn Khuân Bang hiện có 30 hộ trồng gỗ lát, nhiều diện tích ở độ 20 năm tuổi đã đến kỳ khai thác, có giá bán cao. Với giá bốn triệu đồng/cây, mật độ trồng 700 - 800 cây/ha, mỗi ha lát cho thu nhập từ hai đến ba tỷ đồng.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao của trồng cây gỗ lớn, huyện Chợ Mới khuyến khích người dân mở rộng diện tích rừng lát. Từ năm 2013 đến nay, huyện trồng hơn 220 ha gỗ lát tập trung và phân tán. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cấp chứng chỉ mười cây lát đầu dòng cho Lâm trường Chợ Mới, mỗi năm lâm trường thu hoạch 40 - 50kg hạt giống để gieo ươm cung cấp cây con cho người dân. Trong hai năm 2016 - 2017, tỉnh Bắc Cạn trồng hơn 5.010 ha rừng gỗ lớn, gồm hơn 3.460 ha rừng trồng tập trung và 1.550 ha rừng trồng phân tán với các loại cây trám, dổi, sao, lát.

Tập trung chuyển đổi hợp lý

Quyết tâm nâng cao giá trị kinh tế rừng trồng, Tỉnh ủy Bắc Cạn chỉ đạo trồng mới, trồng xen cây gỗ lớn như lát, sao... vào rừng kém chất lượng, phấn đấu đến năm 2020 trồng hơn 10 nghìn ha cây gỗ lớn. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Cạn Nông Quang Nhất cho biết: "Năm 2018, tỉnh trồng mới 2.500 ha rừng gỗ lớn, gồm 1.000 ha trồng tập trung và 1.500 ha phân tán. Bên cạnh trồng mới, chúng tôi cũng chỉ đạo tập trung cải tạo rừng gỗ nhỏ để trồng rừng gỗ lớn".

Từ nguồn vốn Dự án "Quản lý rừng bền vững và đa dạng sinh học nhằm giảm phát thải CO2" (gọi tắt là KFW8), do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì với sự tài trợ của Chính phủ CHLB Ðức thông qua Ngân hàng Tái thiết Ðức (KFW), tỉnh Bắc Cạn được đầu tư gần 3 triệu ơ-rô để giúp người dân cải tạo rừng gỗ nhỏ thành rừng gỗ lớn. Dự án hỗ trợ tỉa thưa, trồng xen cây bản địa đối với 2.100 ha rừng keo tại huyện Chợ Mới và 1.300 ha rừng thông tại huyện Ngân Sơn. Cải tạo mỗi ha keo thành rừng gỗ lớn, người dân được hỗ trợ gần chín triệu đồng nhân công, vật liệu; cải tạo mỗi ha thông thành rừng gỗ lớn, người dân được hỗ trợ hơn 11 triệu đồng.

Ông Hoàng Ðức Bắc, điều phối viên dự án cho biết: "Chúng tôi hướng dẫn người dân tỉa những cây còi, xấu, cành sâu để giảm mật độ cây keo từ 2.500 cây/ha xuống 400 cây/ha, cây thông giảm từ 2.000 cây/ha xuống 600 cây/ha. Dự án hỗ trợ giống cây gỗ lớn bản địa gồm lim xanh, dổi, trám trắng... Ðồng thời hỗ trợ phân bón để người dân trồng xen vào rừng tỉa thưa góp phần nâng cao đa dạng sinh học, đến khi khai thác thông, keo người dân lại có tầng cây gỗ lớn bản địa mới. Thực hiện theo dự án, mỗi ha keo tăng giá trị kinh tế gấp từ 2,5 đến 3 lần; cây thông tăng giá trị gấp từ 2 đến 2,5 lần so với rừng gỗ nhỏ".

Tỉnh Bắc Cạn khảo sát, thành lập các tổ chuyên trách cùng tư vấn của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), trong quý I- 2018 cấp chứng chỉ FSC (chứng chỉ hệ thống các tiêu chuẩn về chứng nhận nguồn gốc gỗ cho các nhà khai thác do Hội đồng quản trị rừng quốc tế cấp) trên diện tích 1.046 ha rừng của ba xã tại huyện Chợ Mới. Do đời sống khó khăn, nhiều người trồng rừng sản xuất buộc phải "bán rừng non". Thông thường, rừng keo phải bảy, tám năm mới đến chu kỳ khai thác, rừng mỡ khoảng mười năm. Nhưng thực tế, rừng keo mới bốn, năm tuổi, rừng mỡ khoảng sáu, bảy năm tuổi là nông dân đã khai thác bán. Trồng rừng gỗ lớn đến tuổi khai thác phải mất từ 20 năm trở lên, do đó người dân vẫn còn e ngại. Xã Thanh Mai, huyện Chợ Mới có 400 ha rừng keo mới chỉ có hơn 120 ha người dân đăng ký tham gia dự án KFW8 cũng vì lý do này.

ỈNH Bắc Cạn ban hành chính sách đối với các tổ hợp tác, hợp tác xã, trang trại, gia trại trồng rừng gỗ lớn từ 0,5 ha trở lên được hỗ trợ lãi suất vốn vay ngân hàng ở mức 6%/năm, mức vay cao nhất 30 triệu đồng/ha, thời hạn hỗ trợ tối đa ba năm. Nếu chuyển rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn, người dân được hỗ trợ chi phí nhân công, bảo vệ, chăm sóc 0,5 triệu đồng/ha/năm, thời gian hỗ trợ tối đa 5 năm. Ðồng thời, đã ban hành Quy hoạch đường lâm nghiệp phục vụ trồng, khai thác gỗ rừng; khuyến khích nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gỗ để tăng giá trị rừng trồng, phát huy tiềm năng của địa phương.