Chúa hóa bánh mì trong sa mạc thánh gioan năm 2024

Hôm nay Giáo hội cử hành Lễ Mình và Máu Chúa Kitô, mà nhiều năm trước đây, lễ này được biết đến với tên Latinh là Corpus Christi. Ngày lễ này sẽ nhắc nhớ chúng ta về một mầu nhiệm của tình yêu khi chính Chúa Giêsu hiến mình cho chúng ta như của ăn nuôi dưỡng linh hồn chúng ta, khi chúng ta chiêm ngắm tất cả những chiều kích cao sâu của mầu nhiệm này.

Trong Bài đọc I, trích sách Đệ Nhị Luật (8:2-3, 14-16), chúng ta nghe ông Môsê nhắc nhở dân Israel về việc Thiên Chúa đã chu cấp cho họ như thế nào trong “sa mạc cùng cực” của thời kỳ thử thách, để xem họ trung thành với Ngài như thế nào. Trong những thử thách ấy, có cả việc bị đói và khát. Nhưng Thiên chúa đã ban cho họ “thức ăn từ trời” gọi là ma-na và nước uống từ tảng đá để họ khỏi chết đói và chết khát, “trong miền đất khô cằn không giọt nước, Người đã khiến nước từ tảng đá cứng nhất chảy ra cho anh em uống. Trong sa mạc, Người đã cho anh em ăn man-na, thức ăn mà cha ông anh em chưa từng biết” (Đnl 8, 15-16a). Nhưng đồng thời, ông Môsê khuyên họ nhớ rằng, còn có những điều quan trọng hơn thức ăn cho thể xác. Đức tin và sự vâng lời sẽ đưa chúng ta đi xa hơn một ổ bánh mì hoặc một miếng bánh!

Trong Thánh vịnh Đáp Ca (147:12-20), chúng ta nghe tác giả Thánh vịnh ngợi khen Thiên Chúa vì những ân tứ và lòng nhân hậu Ngài ban cho dân Israel trong suốt một thời kỳ dài của lịch sử cứu rỗi. Chúng ta cũng là những người thừa hưởng những món quà này, nhưng qua cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô, những món quà này tiếp tục nuôi dưỡng chúng ta theo một cách thiêng liêng sẽ tồn tại mãi mãi, nếu chúng ta hiểu và chấp nhận chúng như những món quà để duy trì sự sống tinh thần trong chúng ta. Đó chính là Mình và Máu Chúa Kitô.

Trong Bài đọc II, từ thư thứ nhất của Thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô (10:16-17), chúng ta nghe Thánh Phaolô giảng cho cộng đoàn của ngài rằng, khi chúng ta dự phần Mình và Máu Chúa Kitô, chúng ta trở nên như một gia đình. Nếu chúng ta tin rằng những gì chúng ta đang làm là tuân theo mệnh lệnh của Đức Kitô trong Bữa Tiệc Ly, thì chẳng phải điều ấy liên kết chúng ta về mặt thiêng liêng hay sao? Giống như khi chúng ta được mời đến một bữa tiệc, chẳng phải là chúng ta đến đó chỉ để ăn món này hay món kia, nhưng trước hết, chúng ta đến để tận hưởng tình bằng hữu của gia đình và bạn bè, điều đã mang chúng ta lại gần nhau hơn. Việc chúng ta rước Mình và Máu Chúa Kitô trong Thánh lễ, cũng sẽ mang cộng đoàn lại gần nhau hơn trong sự gắn kết thiêng liêng của cùng một thân mình Đức Kitô, bởi vì “chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1 Cr 10,17).

Tin Mừng hôm nay được trích từ Tin Mừng theo thánh Gioan. Bài đọc là một phần của bài diễn từ giữa Chúa Giêsu và đám đông người Do Thái. Bài diễn từ diễn ra ngay sau phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều của Chúa Giêsu. Trong Phúc âm Gioan, những phép lạ như thế này được coi là “dấu lạ”, mà qua đó người ta tin rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Những dấu lạ này được theo sau bởi cuộc đối thoại, hoặc diễn ngôn diễn giải và giải thích phép lạ. Trong Phúc âm gioan, việc hóa bánh ra nhiều của Chúa Giêsu được cho là xảy ra gần Lễ Vượt Qua, do đó liên kết nó với câu chuyện Xuất hành và hành động cứu rỗi của Thiên Chúa đối với dân Israel mà chúng ta thấy ở bài đọc I.

Khi thấy Chúa Giêsu hóa bánh và cá ra nhiều, đám đông đuổi theo ngài, có lẽ để tìm thêm thức ăn, nhưng cũng để tìm một dấu lạ khác. Chúa Giêsu nói với đám đông rằng, “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6,51). Ngài giải thích rằng giống như Thiên Chúa đã ban ma-na cho dân Israel để duy trì họ trong sa mạc, nên bây giờ Thiên Chúa đã gửi ma-na mới để ban sự sống đời đời. Chính trong bối cảnh này, Chúa Giêsu lặp lại những lời đó trong Tin Mừng hôm nay và nói với họ một lần nữa rằng Người là bánh hằng sống từ trời xuống.

Đám đông không hiểu rõ những lời của Chúa Giêsu, họ lập luận rằng Chúa Giêsu không phải từ trời mà được sinh ra bởi bà Maria và ông Giuse. Đám đông cũng khó hiểu làm sao Chúa Giêsu có thể cho họ ăn thịt Ngài. Chúa Giêsu nói với họ rằng khi họ ăn thịt và uống máu Ngài, họ sẽ mãi mãi gắn bó với Ngài. Đây là những từ khó, nhưng chúng rất quan trọng, vì chúng giúp chúng ta thấy mối liên hệ mật thiết của chúng ta với Chúa Giêsu, khi chúng ra rước Mình và Máu Ngài mỗi khi chúng ta hiệp lễ.

Đây là mầu nhiệm nằm ở tâm điểm nền thần học Thánh Thể của chúng ta. Trong các yếu tố bánh và rượu, Mình và Máu Chúa Giêsu thực sự hiện diện. Khi chúng ta thông phần Mình và Máu Chúa Kitô, chính Chúa Giêsu đến cư ngụ trong chúng ta. Sự hiệp thông này với Chúa làm cho chúng ta nên một thân thể, mang lại cho chúng ta sự sống đời đời, và làm chúng ta trở nên Thân Thể Chúa Kitô trong thế giới. Nghĩa là trở nên “tấm bánh”, để bẻ ra và biết trao ban bản thân mình cho người khác trong bác ái và yêu thương và liên kết với người khác trong tình yêu của Chúa.