Chức năng của gan là gì

Gan là một trong những bộ phận quan trọng nhất trong cơ thể con người. Chức năng của gan trong cơ thể thường được ví như một “nhà máy năng lượng”, một “bộ lọc” tự nhiên và là một cơ quan “đầu não” cho hầu hết mọi hoạt động trao đổi chất quan trọng. Hiểu đơn giản, cơ thể con người không thể tồn tại nếu thiếu gan. Vậy cụ thể gan có chức năng gì? Vai trò của gan đối với cơ thể như thế nào? Tất cả sẽ được Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome giải đáp ngay trong bài viết sau.

Gan nằm ở vị trí nào? Chức năng của gan là gì?

Gan là gì?

Gan là cơ quan nội tạng trong cơ thể của các loài động vật có xương sống, bao gồm cả con người. Cơ quan này có các chức năng quan trọng là:

  • Giúp cơ thể chuyển hóa [trao đổi chất];
  • Dự trữ năng lượng;
  • Tổng hợp protein – enzyme [men sinh học];
  • Đào thải độc tố.

Ngoài ra, gan cũng đóng vai trò chính trong quá trình sản xuất mật – một chất nhũ hóa chất béo giúp ruột non hấp thụ chất béo và các vitamin tan trong dầu [A, D, E, K] hiệu quả hơn.

Gan nằm ở vị trí nào?

Gan nằm ở phía trên bên phải của bụng, phía dưới lồng ngực. Gan có sự tiếp giáp với nhiều cơ quan khác nhau. Cụ thể:

  • Ở phía trước: Gan giáp với ruột non, ruột già và dạ dày.
  • Ở phía sau: Gan giáp với thận và giáp với túi mật.

Vị trí “đắc địa” này giúp gan gần với hệ thống tuần hoàn chính và đường tiêu hóa, thuận tiện cho việc lọc máu, trao đổi chất và sản xuất mật. Tuy nhiên, việc nằm ở vị trí này cũng khiến gan dễ bị tổn thương từ những chấn thương vùng bụng và khó khăn trong việc khám phá bệnh lý sớm do nằm sâu trong cơ thể.

Gan nằm trên ruột, dưới phổi và ngay mặt sau của dạ dày

Cấu tạo của gan

Từ ngoài vào trong, gan được cấu tạo bởi bao thanh mạc, bao xơ, mô gan và các mô bổ trợ, cụ thể:

  • Bao thanh mạc: Một lớp màng mỏng còn được gọi là màng peritoneum bao bọc bên ngoài gan, có chức năng bảo vệ và giữ gan ở vị trí cố định trong bụng. Đồng thời, bao thanh mạc cũng bảo vệ gan khỏi các tổn thương và trong một vài trường hợp, nó còn hỗ trợ gan về mặt cơ lý;
  • Bao xơ: Bao xơ là thành phần liên kết giữa bao thanh mạc và mô gan, bao gồm mạch máu, mạch lymph, mạch thần kinh và các tế bào không phải tế bào nhu mô gan. Chức năng chính của bao xơ là hỗ trợ cấu trúc, cung cấp máu và các chất dinh dưỡng để gan hoạt động. Thành phần này cũng đảm nhận vai trò loại bỏ chất thải và chất độc khỏi gan.
  • Mô gan: Đây là thành phần chính cấu tạo của gan, gồm các tế bào gan và mô mạch máu, giúp thực hiện các chức năng của gan. Mô gan là một mạng lưới phức tạp của các tế bào nhu mô gan và hệ thống mạch máu như mạch cảnh, tĩnh mạch;
  • Các mô bổ trợ: Bên cạnh cấu tạo chính, gan cũng bao gồm một số thành phần phụ, còn gọi là mô bổ trợ như các mạch mật, mạch lymph, mạch thần kinh và mạch máu khác đi qua cơ quan này.

Minh họa cấu tạo cơ bản của gan

Vai trò và chức năng của gan là gì?

5 vai trò và chức năng của gan bao gồm: chuyển hóa năng lượng, đào thải độc tố, hỗ trợ quá trình tiêu hóa, dự trữ năng lượng và tổng hợp nhiều dưỡng chất quan trọng khác. Cụ thể:

1. Chức năng chuyển hóa

Gan là cơ quan duy nhất giúp cơ thể chuyển hóa chất đường bột [glucid], chất béo [lipid] và chất đạm [protein] thành năng lượng để cơ thể sử dụng. Cụ thể

1.1. Chuyển hóa glucid

Glucid [carbohydrate] hay chất đường bột, là thành phần cơ bản trong thức ăn, cung cấp tới 50 – 65% toàn bộ năng lượng sống trong cơ thể. Sự chuyển hoá glucid thành năng lượng tại gan được thực hiện thông qua quá trình tổng hợp và phân giải glycogen.

Chi tiết hơn, trong quãng đường từ ruột tới gan, glucid lúc này tồn tại dưới 3 loại đường là glucose, fructose và galactose. Tại gan, cả 3 loại đường trên sẽ được chuyển hóa thành glycogen. Glycogen, sau đó, được giữ ở gan và trở thành nguồn năng lượng dự trữ của cơ thể. Nhờ đó, chức năng chuyển hoá glucid của gan có vai trò giúp cơ thể kiểm soát nồng độ đường trong máu, cũng như cung cấp và dự trữ năng lượng.

1.2. Chuyển hóa lipid

Lipid còn được gọi là chất béo, có vai trò quan trọng trong hoạt động hàng ngày của con người. Quá trình chuyển hóa chất béo tại gan thường bao gồm hai chiều: thuận và nghịch. Cụ thể:

  • Ở chiều thuận: Chất béo, chất đường bột và chất đạm dư thừa từ thực phẩm, sau khi được chuyển hóa tại gan sẽ trở thành triglyceride – một dạng chất béo trung tính trong vai trò như “pin năng lượng”, giúp dự trữ và cung cấp năng lượng cho cơ thể.
  • Ở chiều nghịch: Khi cơ thể cần tiêu thụ nhiều năng lượng hơn mức calo dung nạp vào cơ thể, gan thậm chí còn có thể “huy động” mỡ thừa dưới da để “đốt cháy” chúng và chuyển hóa thành năng lượng cho cơ thể hoạt động.

Ngoài ra, gan cũng tham gia vào quá trình tổng hợp cholesterol và chuyển hóa các chất béo không cần thiết thành các dạng dễ tiêu thụ hơn hoặc đào thải chúng.

Chuyển hóa lipid giúp bạn có thể “đánh bay” mỡ thừa ra khỏi cơ thể

1.3. Chuyển hóa protid

Protid [protein] chính là chất đạm chứa trong thực phẩm. Khi protid đi vào cơ thể, hợp chất này sẽ được phân giải thành nhiều chuỗi axit amin khác nhau. Các axit amin này sẽ được chuyển hoá thành các axit amin nội sinh tại gan thông qua ba bước: khử carboxyl, khử amin và trao đổi amin.

Sau đó, gan sẽ tổng hợp các axit amin nội sinh thành nhiều loại protein chuyên dụng khác nhau để cung cấp năng lượng, vận chuyển dưỡng chất [albumin, lipoprotein], dự trữ sắt [ferritin], đồng thời giúp các cơ quan khác tổng hợp nên nội tiết tố hoặc tế bào mới.

2. Chức năng thải độc

Gan còn được coi là một “bộ lọc” giúp ngăn chặn các độc tố xâm nhập vào cơ thể thông qua qua đường tiêu hóa nhờ việc kiểm soát độc tính và đào thải một số chất cặn bã trong cơ thể ra ngoài. Chức năng chống độc của gan được thực hiện thông qua 2 con đường sau:

  • Phản ứng hóa học: Các phản ứng hoá học thường xảy ra tại gan bao gồm phản ứng oxy hóa khử, phản ứng tạo ure, phản ứng liên hợp,… Những phản ứng này giúp hòa tan hoặc làm biến mất một số độc tố [chẳng hạn như amoniac, rượu, thuốc, caffeine, thủy ngân, thiếc, chì và cadmium], tạo ra chất mới không độc hoặc ít độc và chuyển chúng xuống thận để thải ra bên ngoài;
  • Quá trình tạo phức chelate: Tạo phức hợp chelate là quá trình khiến một hoặc nhiều phân tử gắn kết với kim loại nặng, tạo thành hợp chất ổn định và dễ dàng loại bỏ khỏi cơ thể thông qua đường mật hoặc niệu quản.

Gan được ví như một “bộ lọc” giúp đào thải độc tố và làm sạch máu

3. Chức năng tạo mật

Theo nghiên cứu, mật có tác dụng hòa tan chất béo và các loại vitamin tan trong chất béo [A, D, E, K], từ đó hỗ trợ quá trình tiêu hoá. Tại gan, mật được sản xuất liên tục thông qua quá trình tổng hợp muối mật, cholesterol, bilirubin và các chất khác tại tế bào gan. Mật gan, sau khi được tổng hợp, được dự trữ cô đặc ở túi mật. Trong các bữa ăn, túi mật sẽ co bóp để bơm mật xuống ruột non, sẵn sàng tham gia vào quá trình tiêu hoá.

4. Chức năng dự trữ

Dự trữ là một trong những chức năng quan trọng nhất của gan. Theo đó, gan có thể giúp cơ thể dự trữ chất đường bộ [glucid], dự trữ chất béo [lipid], dự trữ máu, vitamin và khoáng chất. Cụ thể:

4.1. Dự trữ glucid

Gan lưu trữ glucose dưới dạng glycogen. Khi cơ thể cần năng lượng, glycogen sẽ được giải phóng và chuyển hoá lại thành glucose, cung cấp năng lượng cho các hoạt động sống như hoạt động cơ bản, tập luyện cường độ cao và duy trì đường huyết ổn định trong thời gian đói.

4.2. Dự trữ lipid

Theo nghiên cứu, gan dự trữ chất béo [lipid] cho cơ thể bằng cách lấy chất béo từ 3 nguồn: một là chất béo trực tiếp từ bữa ăn, hai là sự tổng hợp chất béo từ các nguồn đường và đạm dư thừa, ba là quá trình “đốt cháy” mỡ từ các mô mỡ.

Với những hoạt động thể chất cơ bản như ngồi, nằm, vệ sinh cá nhân, làm việc văn phòng, dọn dẹp nhà cửa v.v…, 90% năng lượng của bạn được cung cấp từ việc gan phân hủy chất béo. Khi chất béo trở nên dư thừa, gan sẽ tích lũy chúng vào trong các mô mỡ dưới da.

Ngược lại, với những hoạt động thể chất ở cường độ vừa và nặng [đi bộ, yoga, đạp xe, bơi lội, tập luyện thể thao hoặc nâng tạ], gan vẫn sẽ tiếp tục “đốt cháy” chất béo để chuyển hóa năng lượng cho cơ thể, tuy nhiên lúc này, phần lớn năng lượng của bạn sẽ được cung cấp từ quá trình chuyển hóa glucid nhiều hơn.

Hầu hết năng lượng trong các sinh hoạt hàng ngày của bạn đến từ việc gan phân hủy chất béo

4.3. Dự trữ máu

Gan có khả năng lưu trữ máu thông qua một cơ chế gọi là hệ thống cổng gan [hepatic portal system]. Các tĩnh mạch trong gan là một hệ thống mạch máu phức tạp có vai trò chuyển hướng máu từ ruột non và dạ dày đến gan trước khi nó được chuyển đến tim. Trong vòng đời của con người, gan trực tiếp tham gia vào quá trình tạo ra máu khi cơ thể còn là bào thai và hoạt động như một cơ quan “tái chế” máu khi trưởng thành.

Để dự trữ máu, gan sở hữu một cấu tạo tương đối đặc biệt. Các tế bào gan thường không gắn chặt vào nhau mà chỉ xếp chồng lên nhau, do đó chúng có thể dễ dàng giãn to ra để chứa được nhiều máu hơn, thực hiện chức năng dự trữ máu. Nhờ chức năng dự trữ máu mà gan có thể kiểm soát việc lưu thông lưu lượng máu trong cơ thể, đồng thời liên tục điều chỉnh hàm lượng đường, vitamin và khoáng chất trong máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể.

4.4. Dự trữ sắt

Sắt được dự trữ tại gan dưới dạng ferritin liên kết với apoferritin. Khi cơ thể cần sắt, gan sẽ đưa vận chuyển sắt đến cơ quan tạo máu nhờ protein transferrin để tham gia vào quá trình tạo hồng cầu. Theo nguyên cứu, chức năng này giúp gan điều hoà cân bằng nồng độ sắt trong cơ thể, tránh được tình trạng thiếu máu hoặc dư thừa sắt.

4.5. Dự trữ vitamin

Gan có khả năng lưu trữ một số loại vitamin tan trong dầu, chẳng hạn như vitamin A, D, E và K. Đây là những chất quan trọng cho các quá trình sinh hoạt và chức năng của cơ thể. Khi cơ thể cần, gan có thể giải phóng “kho” vitamin dự trữ để đáp ứng nhu cầu tức thời của cơ thể.

Dự trữ vitamin là một trong những chức năng quan trọng của gan

5. Chức năng tổng hợp

Trong quá trình chuyển hoá, gan có thể tổng hợp nên 5 nhóm dưỡng chất quan trọng như:

  • Chất dự trữ năng lượng: Gan tổng hợp nên glycogen và triglyceride – hai hợp chất trung gian đóng vai trò dự trữ và chuyển hóa năng lượng quan trọng trong cơ thể người.
  • Cholesterol: Gan tạo ra tất cả lượng cholesterol mà cơ thể bạn cần để duy trì sức bền thành mạch máu và màng tế bào.
  • Mật gan: Gan tạo ra mật để hòa tan chất béo vào nước, giúp cơ thể hấp thụ chất béo và các loại vitamin tan trong dầu như A, D, E, K hiệu quả hơn.
  • Yếu tố đông máu: Gan tổng hợp các yếu tố đông máu quan trọng như fibrinogen và prothrombin. Những yếu tố này tham gia vào quá trình đông máu và chống mất máu khi cơ thể gặp chấn thương;
  • Hormone: Gan tham gia vào quá trình tổng hợp các nội tiết tố quan trọng như yếu tố tăng trưởng giống insulin-1 [IGF-1] và hormone somatomedin C. Chức năng này giúp gan cân bằng hệ thống nội tiết tố, đảm bảo cơ thể sinh tồn và phát triển khỏe mạnh.

Những vấn đề liên quan đến chức năng gan kém

Do đặc tính thường xuyên phải tiếp xúc với các chất độc hại, gan có nhiều nguy cơ đối mặt với các vấn đề liên quan đến chức năng như rối loạn và suy giảm chức năng gan, cụ thể:

1. Rối loạn chức năng gan

Rối loạn chức năng gan là tình trạng gan không thể thực hiện các chức năng của mình một cách ổn định, toàn diện và hiệu quả.

Triệu chứng

  • Trong ngắn hạn: Mệt mỏi, đau bụng, sụt cân không rõ nguyên nhân, rối loạn tiêu hóa, chảy máu không kiểm soát,…
  • Trong dài hạn: Tối loạn chức năng gan có thể dẫn tới cái bệnh lý nghiêm trọng như viêm gan, xơ gan, suy gan hoặc thậm chí là ung thư gan.

Rối loạn chức năng gan khiến cuộc sống của người bệnh đảo lộn vì nhiều triệu chứng nghiêm trọng

Nguyên nhân

Thông thường, gan bị rối loạn chức năng do hoạt động quá mức và thường xuyên tiếp xúc với các chất độc hại. Dưới đây là một số nguyên nhân dẫn đến suy giảm chức năng của gan:

  • Chế độ ăn uống không hợp lý: Một chế độ ăn uống nhiều đường, tinh bột nhanh, dầu mỡ, cholesterol, rượu bia và thiếu hụt các dưỡng chất là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến rối loạn chức năng gan;
  • Thói quen sinh hoạt thiếu lành mạnh: Hút thuốc, thức khuya, làm việc quá sức, lạm dụng thuốc,… làm gia tăng căng thẳng oxy hóa, gây tổn thương gan và khiến các chức năng của gan không được thực hiện hiệu quả;
  • Môi trường sống ô nhiễm: Tiếp xúc với nhiều bụi bẩn, khí thải, kim loại nặng, hóa chất nông nghiệp, hóa chất công nghiệp, nguồn nước ô nhiễm và thực phẩm mất vệ sinh khiến gan bị ngộ độc hoặc hình thành các phản ứng viêm, từ đó dẫn tới rối loạn chức năng của gan;
  • Tuổi tác và các bệnh lý nền: Tuổi tác cao khiến chức năng của gan suy giảm, kéo theo các bệnh lý liên quan như tim mạch, tiểu đường, mỡ máu, viêm khớp, v.v…

2. Suy giảm chức năng gan [suy gan]

Suy giảm chức năng gan là tình trạng gan bị tổn thương và huỷ hoại đến mức không thể thực hiện được một số chức năng cơ bản. Quá trình này có thể diễn ra nhanh chóng [suy gan cấp] hoặc kéo dài lâu hơn 6 tháng [suy gan mạn tính].

Triệu chứng

  • Trong ngắn hạn: Suy giảm chức năng khiến bạn bị vàng da, vàng mắt, buồn nôn, nôn mửa, cổ trướng [tích nước ở bụng], phù nề tay chân, uể oải, mất phương hướng, hay nhầm lẫn và buồn ngủ.
  • Trong dài hạn: Gây rối loạn chuyển hóa, bệnh não gan [não bị sa sút trí lực do suy gan], phù não [tích nước ở não], co giật, suy thận, biến chứng phổi,…

Nguyên nhân

Một số nguyên nhân dẫn đến suy giảm chức năng gan bao gồm:

  • Do virus viêm gan: Virus viêm gan A, E, B, C và các loại virus khác như Cytomegalovirus, Epstein-Barr, Herpes Simplex, Parvovirus B19, Varicella-zoster, khi xâm nhập vào cơ thể sẽ khiến khiến gan sưng lên, tổn thương và không thể hoạt động như bình thường, từ đó dẫn tới suy giảm chức năng của gan;
  • Các loại chất độc và nấm độc: Bên cạnh chất độc từ rượu bia và thuốc lá, chất độc Amanita phalloides có trong nấm dại cũng có khả năng tổn thương tế bào gan và dẫn đến suy gan chỉ trong trong vòng vài ngày;
  • Dùng sai liều lượng thuốc: Sử dụng quá liều Acetaminophen [hay Paracetamol] để giảm đau, hạ sốt chính là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây suy gan cấp tính. Bởi lẽ, hoạt chất từ các loại thuốc này sẽ lấn át quá trình sản xuất glutathione – một hợp chất chống oxy hóa trong gan, khiến gan bị tổn thương do các tác nhân gây oxy hóa;
  • Các bệnh lý khác: Các bệnh nhân mắc bệnh viêm gan tự miễn dịch, bệnh wilson [rối loạn chuyển hóa đồng], gan nhiễm mỡ, sốc nhiễm trùng,… thường có nguy cơ cao đối mặt với suy giảm chức năng gan cao hơn người bình thường.

Bệnh nhân suy gan thường có da dẻ vàng vọt hơn so với người bình thường

Khi nào nên khám, kiểm tra chức năng gan?

Bất cứ khi nào bạn nhận thấy cơ thể có các triệu chứng bệnh gan phổ biến như: vàng da, vàng mắt, nước tiểu vàng sẫm, phân nhạt màu hoặc sẫm màu, đau hạ sườn phải, chán ăn, buồn nôn, uể oải,… hãy tiến hành đi khám và kiểm tra chức năng gan ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Bệnh gan là một nhóm bệnh lý nguy hiểm, dễ tiến triển thành bệnh mãn tính, ung thư và đe dọa tính mạng nếu không được can thiệp sớm. Vì vậy, để phát hiện ra kịp thời các tổn thương tại gan [nếu có], bạn nên tiến hành kiểm tra gan định kỳ từ 1 – 2 lần mỗi năm, tức trung bình 6 – 12 tháng / lần.

Các xét nghiệm chức năng gan thường gặp

Xét nghiệm chức năng gan là một thủ tục xét nghiệm máu để đánh giá các chỉ số của gan, bao gồm xét nghiệm đo lường:

  • Chỉ số đo lường chức năng gan: Ví dụ như chỉ số men gan [AST, ALT, GGT, ALP], bilirubin , albumin, ferritin, v.v…
  • Chỉ số viêm gan: HbsAg [phát hiện có đang viêm gan siêu vi B hay không], HbsAb [phát hiện có kháng thể viêm gan hay chưa], v.v…
  • Chỉ số khác: Bao gồm nồng độ mỡ gan, nồng độ chất gốc tự do, và các chỉ số chức năng chuyển hóa.

Chi tiết hơn, ý nghĩa của từng loại xét nghiệm gan có thể hiểu đơn giản như sau:

  • Chỉ số men ALT: ALT là một enzym có mặt chủ yếu trong tế bào gan. Nồng độ ALT trong máu tăng lên cho thấy các tổn thương tại gan như: viêm gan do virus, gan nhiễm mỡ, nhiễm độc,…
  • Chỉ số men AST: Tương tự ALT, AST chỉ xuất hiện trong máu khi bệnh nhân bị tổn thương tại gan do viêm gan, chấn thương, viêm tim hoặc suy giảm tuần hoàn gan.
  • Chỉ số men ALP: Nồng độ ALT tăng bất thường có là dấu hiệu của suy giảm chức năng gan hoặc các bệnh lý liên quan đến xương [loãng xương, ung thư xương] và tình trạng tắc mật.
  • Chỉ số men GGT: GGT là một enzym có mặt trong các cơ quan như gan, túi mật và thận. Chỉ số men GGT tăng cao là dấu hiệu cảnh báo tình trạng viêm gan, xơ gan, ung thư gan, lạm dụng cồn hoặc thuốc.
  • Nồng độ protein: Trong quá trình chuyển hoá, gan thường sản xuất albumin và globulin – hai loại protein trong máu có tác dụng bảo vệ cơ thể. Do đó, nếu nồng độ 2 loại protein này trong máu giảm bất thường thì gan có khả năng đang gặp phải các tổn thương.
  • Nồng độ bilirubin: Xét nghiệm nồng độ bilirubin giúp chẩn đoán các vấn đề liên quan đến tình trạng vàng da và hệ thống mật.
  • Xét nghiệm Prothrombin: Prothrombin hay Prothrombin Time là thời gian huyết tương cần để đông lại. Khoảng thời gian này càng kéo dài, càng chứng minh dấu hiệu của các tổn thương tại gan.

Bên cạnh việc xét nghiệm máu, bạn cũng có thể được chỉ định chẩn đoán hình ảnh như chụp MRI, siêu âm, chụp CT vùng gan để các bác sĩ dễ dàng đánh giá được cấu trúc và mức độ tổn thương gan, giúp đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

Siêu âm gan có thể giúp các bác sĩ quan sát được cấu trúc và mức độ tổn thương gan

Bạn có thể sống mà không có gan?

Bạn KHÔNG THỂ sống mà không có gan. Bởi lẽ, gan đảm nhận rất nhiều vai trò và chức năng quan trọng, liên quan tới hoạt động sống của con người. Cụ thể, gan giúp cân bằng nước và điện giải, giải độc cơ thể, duy trì cân bằng dưỡng chất và hormone, đồng thời hỗ trợ các hệ thống khác trong cơ thể. Nếu không có gan hoặc gan bị suy giảm chức năng đến mức không thể thực hiện các chức năng trên, bạn sẽ không thể tiếp tục duy trì sự sống.

Biện pháp bảo vệ, phục hồi, tăng cường chức năng gan

Biện pháp hàng đầu bảo vệ chức năng của gan chính là cải thiện chế độ ăn uống và sinh hoạt, cụ thể:

1. Hạn chế bia, thuốc lá

Cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe lá gan là tránh xa tuyệt đối rượu bia và thuốc lá. Bởi lẽ, sau mỗi lần chuyển hóa rượu bia, có một số tế bào gan sẽ bị chết đi hoàn toàn. Trong khi đó, hợp chất nicotine trong khói thuốc được chứng minh là kích hoạt protein AMPK trong ruột, làm gia tăng sự tích tụ chất béo ceramides trong gan, khiến gan bị nhiễm mỡ, viêm nhiễm, xơ hóa và suy giảm chức năng.

2. Chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp bảo vệ, phục hồi, tăng cường chức năng gan

Một chế độ dinh dưỡng hợp lý, giúp bảo vệ, phục hồi, tăng cường chức năng gan cần đáp ứng đủ các tiêu chuẩn sau:

  • Đủ chất đạm: Khẩu phần chất đạm dành cho người trưởng thành là 60 g/ ngày. Ăn đủ chất đạm từ thịt nạc, cá, trứng, sữa,… sẽ giúp gan tổng hợp các axit amin cần thiết cho các hoạt động của cơ thể. Đồng thời, chất đạm cũng tham gia vào quá trình sản xuất và tái tạo các tế bào gan mới, hỗ trợ khôi phục chức năng gan.
  • Đủ chất béo lành mạnh: Chất béo lành mạnh là các chất béo không bão hoà như omega-3 [DHA, EPA,…], omega-6,… thường chứa nhiều trong dầu thực vật, các loại hạt, đậu và mỡ cá béo. Loại chất béo này có tác dụng kiểm soát lượng cholesterol trong máu, từ đó, hỗ trợ chức năng thải độc tại gan. Một người trưởng thành nên hấp thụ ít nhất 25g chất béo không bão hòa mỗi ngày.
  • Đủ chất xơ: Chất xơ khi đi vào ruột cũng tạo thành một tấm “màng lọc” giúp hạn chế hấp thu chất béo, chất độc hại ra khỏi cơ thể. Hấp thụ đủ 25 g chất xơ mỗi ngày sẽ giúp giảm tải cho gan;
  • Đủ vitamin và khoáng chất: Các hợp chất chống oxy hóa như vitamin A, C, E, carotenoids, flavonoids, phenolic, glucosinolates,… chứa nhiều trong rau củ quả đều là những hoạt chất có thể bảo vệ tế bào gan khỏi tổn thương trước sự tấn công của các gốc tự do, hỗ trợ tăng cường chức năng gan.

Người có bệnh gan nên tiêu thụ đầy đủ đạm, omega-3, chất xơ, vitamin và khoáng chất từ rau, củ, quả, các loại hạt, đậu và ngũ cốc nguyên hạt

3. Tăng cường vận động

Tăng cường vận động sẽ giúp đốt cháy mỡ gan, tăng cường tuần hoàn máu và chuyển hóa dưỡng chất tại gan. Để có một lá gan khỏe mạnh, bạn nên dành 30 phút đến 1 tiếng mỗi ngày để rèn luyện cơ thể mỗi ngày, chẳng hạn như: chạy bộ, yoga, thể dục nhịp điệu và các bài tập rèn luyện thể lực.

4. Cẩn thận khi dùng thuốc, thực phẩm chức năng

Khi sử dụng các loại thuốc như Acetaminophen, Paracetamol hay các loại thực phẩm chức năng, hãy nghiêm túc tuân theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không sử dụng quá liều. Những chất dư thừa từ các loại thuốc này sẽ tạo áp lực lên hoạt động chuyển hoá và thải độc, dẫn tới suy giảm chức năng của gan.

5. Hạn chế tiếp xúc với hóa chất độc hại

Các hoá chất độc hại trong môi trường sống và thực phẩm như thuốc trừ sâu, chất hoá học công nghiệp nên được hạn chế tiếp xúc để tránh gây ngộ độc gan, tạo áp lực chuyển hóa lên gan, dẫn đến tổn thương tế bào và suy giảm chức năng gan.

6. Quan hệ tình dục an toàn

Các bệnh lý viêm gan B và viêm gan C hoàn toàn có khả năng lây nhiễm qua đường tình dục. Vì vậy, việc sử dụng các biện pháp an toàn như bao cao su khi quan hệ đóng vai trò rất quan trọng trong phòng tránh các vấn đề về gan.

7. Đảm bảo an toàn vệ sinh khi chế biến thức ăn

Thức ăn không được chế biến kỹ có thể tiềm ẩn các loại vi khuẩn, chất hoá học và kim loại nặng không tốt cho gan. Để phòng tránh nguy cơ mắc phải các vấn đề liên quan tới chức năng của gan, bạn cần nắm rõ một số lưu ý khi chế biến thực phẩm như sau:

  • Đối với thịt: Ưu tiên rửa sạch, ngâm sơ qua dung dịch giấm pha loãng và chần sơ thịt để loại bỏ các tạp chất cũng như vi khuẩn.
  • Đối với rau: Ưu tiên rửa sạch và ngâm rau củ quả trong dung dịch nước muối pha loãng. Theo Bộ Y tế, việc ngâm rau vào nước muối sẽ giúp ức chế một số loại vi khuẩn trong rau, từ đó, giảm nguy cơ bị chúng xâm nhập vào cơ thể;
  • Ăn chín uống sôi: Ăn chín uống sôi là cách tốt nhất để ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể. Bởi lẽ, các loại vi khuẩn thường bị tiêu diệt trong môi trường nhiệt độ cao.

Thực hiện ăn chín, uống sôi với tất cả thực phẩm tươi sống để bảo vệ gan

8. Duy trì cân nặng giúp bảo vệ, phục hồi chức năng gan

Thừa cân, béo phì là những nguyên nhân hàng đầu gây gan nhiễm và suy giảm chức năng gan. Vì vậy để đảm bảo gan khỏe mạnh, mỗi người cần có ý thức kiểm soát và duy trì cân nặng của bản thân. Hãy có chế độ ăn uống và tập luyện hàng ngày phù hợp đảm bảo cân nặng và lượng mỡ trong cơ thể.

9. Tiêm phòng viêm gan A, B

Bệnh lý viêm gan A và B hiện nay đã có vắc-xin phòng ngừa. Cụ thể, loại vắc-xin này có thể được tiêm cho người lớn và trẻ em từ 16 tuổi theo phác đồ sau:

  • Mũi 1 được tiêm tuỳ theo ngày đăng ký;
  • Mũi 2 tiêm sau mũi 1 khoảng 1 tháng;
  • Mũi 3 tiêm sau mũi 2 khoảng 5 tháng.

Trên đây là những thông tin về gan và vai trò của gan đối với cơ thể. Hy vọng, thông qua bài viết này, bạn đã tìm được lời giải đáp thỏa đáng cho thắc mắc gan có chức năng gì và đâu là các biện pháp để có một lá gan khỏe mạnh. Nếu bạn có thêm bất cứ câu hỏi nào, đừng ngại liên hệ với Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome để được giải đáp chi tiết.

Gan được coi là “tấm khiên” giúp ngăn chặn các tác nhân độc hại từ bên ngoài vào trong cơ thể. Để có một cơ thể khỏe mạnh, chắc chắn “tấm khiên” phải thật bền bỉ. Do đó, mỗi người cần có ý thức bảo vệ lá gan của mình thông qua ăn uống và sinh hoạt điều độ, để các chức năng của gan được thực hiện hiệu quả.

Chủ Đề