Có nên kỳ thị người nhiễm hiv không vì sao

Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV

 Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2014, Việt Nam lựa chọn chủ đề “Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV”.

 Tại sao năm 2014 Việt Nam lại tập trung vào chủ đề “Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV”:

- Mặc dù đã có nhiều tiến bộ trong việc giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS, tuy vậy ở nhiều nơi trên thế giới cũng như ở nước ta hiện nay, sự kỳ thị và phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi và biểu hiện công khai hoặc ngấm ngầm, thô bạo hoặc tế nhị, ở nhiều hoàn cảnh khác nhau, dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau như:

+ Tại nhà: Cho người nhiễm HIV ăn, ở riêng hoặc nếu ở chung thì miễn cưỡng giao tiếp với người nhiễm hoặc hạn chế, cấm đoán người khác trong gia đình tiếp xúc với người nhiễm HIV; Chối bỏ người nhiễm HIV, không cho ở nhà, tìm cách đưa người nhiễm HIV vào các cơ sở tập trung ...

+ Tại cộng đồng: Cấm hoặc hạn chế con cái, người thân, họ hàng tiếp xúc với người nhiễm HIV/AIDS; Không muốn hoặc cấm người nhiễm HIV dùng chung các vật dụng sinh họat hoặc sử dụng chung nhà vệ sinh công cộng, nhà ăn tập thể; Không sử dụng các dịch vụ mà người nhiễm HIV hoặc gia đình họ cung cấp, nhất là dịch vụ ăn uống; Không muốn, không cho tổ chức tang lễ bình thường hoặc không đến dự tang lễ của người nhiễm HIV/AIDS.…

+ Tại các cơ sở y tế: Miễn cưỡng khi tiếp xúc với người nhiễm HIV/AIDS, hoặc bắt phải chờ đợi lâu, hẹn đến khám bệnh vào lúc khác; Đùn đẩy bệnh nhân AIDS giữa các khoa, giữa các bệnh viện; Xét nghiệm phát hiện HIV trước phẫu thuật, trước khi sinh... mà không có ý kiến của bệnh nhân; Từ chối điều trị HIV/AIDS theo chế độ bảo hiểm y tế...;

+ Tại nơi học tập, làm việc: Xa lánh, ngại tiếp xúc, không muốn làm việc, học tập cùng người nhiễm HIV;  Lấy máu xét nghiệm HIV khi tuyển dụng hoặc trong quá trình lao động, học tập; Tuỳ tiện thay đổi công việc của người lao động bị nhiễm HIV; Thuyết phục, gây sức ép, tạo cớ… để người nhiễm HIV xin nghỉ việc hay học sinh, sinh viên nghỉ học, thôi học; Bắt buộc thôi việc, thôi học với lý do không chính đáng ...

- Có nhiều nguyên nhân gây ra kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS, nhưng phổ biến là những nguyên nhân sau đây:

+ Do bản chất của bệnh: Vi bản chất của kỳ thị và phân biệt đối xử nói chung thường gắn liền với những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khó chữa. Trong khi HIV/AIDS là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm dẫn đến chết người, trong khi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh nên khi nhiễm HIV nghĩa là hết.  

+ Do thiếu hiểu biết hoặc hiểu biết không đúng, không đầy đủ về HIV/AIDS: Nhiều người vẫn cho rằng HIV/AIDS là bệnh rất dễ lây, kể cả qua tiếp xúc thông thường hoặc nhiều người lại cho rằng chỉ có những người tiêm chích ma túy hoặc người mua, bán dâm tức là những người cho là xấu xa mới bị nhiễm HIV/AIDS, họ coi HIV/AIDS là tệ nạn xã hội, nhiễm HIV là có tội, có lỗi.

+ Do một thời gian dài việc truyền thông không đầy đủ hoặc không phù hợp: Truyền thông quá nhấn mạnh chú trọng đến đường lây truyền mà không giải thích rõ ràng, nhất là đường không lây của HIV. Chúng ta cũng thường hù dọa tạo ra cảnh hãi hùng. Chính việc tuyên truyền như vậy đã khiến mọi người sợ hãi, xa lánh và đó cũng là một trong các nguyên nhân dẫn đến kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.

- Kỳ thị và phân biệt đối xử - lợi bất cập hại:

+ Do sợ bị kỳ thị và phân biệt đối xử, người nhiễm HIV/AIDS dấu diếm tình trạng bệnh tật, mặc cảm, không dám tiếp xúc với cộng đồng, không hợp tác với chương trình phòng chống HIV/AIDS. Cán bộ chuyên môn khó có thể gặp và tư vấn cho họ về kỹ năng phòng và tránh lây HIV/AIDS cho người khác, làm cho người nhiễm HIV/AIDS trở thành “quần thể ẩn”, rất khó tiếp cận, do đó họ khó có thể tiếp nhận thông tin, kỹ năng phòng bệnh và do vậy họ có thể “vô tư” truyền HIV cho người khác.

+ Do thiếu sự thông cảm giúp đỡ của cộng đồng có thể dẫn đến bi quan, chán nản, hoặc sợ hãi không tiết lộ danh tính, không tiếp cận dịch vụ do vậy chương trình phòng, chống HIV/AIDS cũng không tiếp cận được với người nhiễm HIV nên cũng không có được số ca bệnh chính xác, cũng không ước tính và dự báo chính xác được về tình hình dịch. Việc lập kế hoạch dựa trên những thông tin không đầy đủ sẽ chỉ làm lãng phí tiền của và đặc biệt là không ngăn chặn được sự lây lan của HIV.

+ Một vấn đề khác là chúng ta đã bỏ phí một nguồn lực lớn, không phát huy được tiềm năng của người nhiễm HIV. Người nhiễm HIV họ vẫn có thời gian dài khỏe mạnh nên họ vẫn có thể cống hiến cho gia đình và xã hội. Khi bị kỳ thị và phân biệt đối xử, người nhiễm HIV bị tách biệt, không làm việc, không được chăm sóc và như vậy người nhiễm HIV có thể chết sớm do không được chăm sóc để lại vợ, con, bố mẹ già làm tăng tác động của HIV/AIDS đến gia đình, đến kinh tế xã hội của đất nước. Nhiều người nhiễm HIV là những tuyên truyền viên rất hiệu quả nên làm mất đi một lực lượng có hiệu quả trong phòng, chống AIDS.

+ Cuối cùng là kỳ thị và phân biệt đối xử dẫn đến hạn chế một số quyền cơ bản của công dân như quyền được chăm sóc sức khoẻ, làm việc, học hành, tự do đi lại… là những quyền mà người nhiễm HIV được pháp luật bảo vệ. Luật Phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam cũng đã có nhiều điều khoản nghiêm cấm việc kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.

- Các nghiên cứu trên thế giới cũng như tại Việt Nam đã chỉ ra rằng: Kỳ thị và phân biệt đối xử là nguyên nhân làm hạn chế những người có hành vi nguy cơ cao cũng như những người nhiễm HIV/AIDS tiếp cận với các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị nhiễm HIV/AIDS, là rào cản to lớn đối với việc thực hiện đầy đủ các quyền của người nhiễm HIV/AIDS, bao gồm quyền học tập, lao động và sinh hoạt như những người bình thường.

Như vậy có thể thấy rằng, các biện pháp tách biệt, cấm đoán, kỳ thị và phân biệt đối xử không làm hạn chế được dịch HIV/AIDS mà trái lại càng làm cho dịch HIV/AIDS ngày càng trở nên khó kiểm soát hơn.

Do vậy, chúng ta không nên kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.

P. KHTH sưu tầm

Theo Kế hoạch Tổ chức Tháng hành động quốc gia  phòng, chống

 HIV/AIDS năm 2014 của Bộ Y tế

Tuyên truyền chống phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng

Hệ lụy của kỳ thị

Khi biết mình nhiễm HIV, L. ở Mường Thanh [Điện Biên] đã không khỏi bàng hoàng. Anh như bị chìm trong sự đau khổ đến tuyệt vọng. Nhưng điều sợ nhất đối với anh lại là những chuỗi ngày sau đó anh phải đối mặt với sự soi mói, ghẻ lạnh của những người xung quanh. L. cho biết: “Họ nhìn tôi bằng ánh mắt lạnh lẽo, thờ ơ và có những lời nói, hành động xúc phạm đến tôi và gia đình. Một thời gian dài tôi phải sống trong sự cô đơn, tách rời khỏi các sinh hoạt của cộng đồng”.

Thiệt thòi hơn là trường hợp của Th. Cô gặp phải sự kỳ thị phân biệt đối xử ngay chính trong gia đình, bởi những người ruột thịt của mình. Th. bị nhiễm HIV từ chồng [chồng Th. là người nghiện ma túy]. Một lần về thăm bố mẹ đẻ, khi Th. lấy chậu rửa mặt, cô cũng không thể ngờ vừa rửa xong thì bố đẻ cô lập tức lấy ngay dầu hỏa đốt chậu mà cô vừa sử dụng vì sợ lây nhiễm HIV sang người khác.

Cũng chính vì sự kỳ thị và phân biệt đối xử nên N, một giáo viên tại Điện Biên nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS phải từ chối điều trị bằng thuốc ARV tại cơ sở y tế gần nhà. Còn T. ở thị trấn Mường Ảng khi đến Trung tâm để tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện được cung cấp sách hướng dẫn phòng, chống HIV/AIDS nhưng không dám nhận. Thậm chí, ngay cả việc một người đột nhiên quan tâm đến các kiến thức về phòng, chống HIV cũng khiến những người xung quanh để ý và đặt câu hỏi: “Tại sao nó nghiên cứu kỹ về vấn đề này thế nhỉ? Phải chăng nó đã bị nhiễm HIV?”.

Do bị kỳ thị phân biệt đối xử nên người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS đã không dám tiết lộ thông tin về tình trạng nhiễm HIV của mình. Những người có hành vi nguy cơ cao không dám đi xét nghiệm và không áp dụng các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm HIV cho người khác vì sợ bị phát hiện. Cũng chính do bị kỳ thị làm cho người nhiễm HIV/AIDS đôi khi có những phản ứng tiêu cực, chẳng hạn như cố tình làm lây lan HIV cho người khác... Tất cả những điều này đã làm cho dịch HIV/AIDS ngấm ngầm lan ra trong cộng đồng.

Xóa bỏ cách nào?

BS. Trịnh Thị Thảo, Khoa Truyền thông, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Điện Biên cho biết,  nguồn gốc và nguyên nhân của sự kỳ thị và phân biệt đối xử là do thiếu hiểu biết về HIV/AIDS, nhất là việc cho rằng HIV có thể lây qua những tiếp xúc thông thường như: ăn cùng mâm, đi chung xe, dùng chung nhà vệ sinh... Do việc truyền thông không đúng đắn trong một thời gian dài trước đây, khi nói đến HIV/AIDS, người ta luôn đưa ra những hình ảnh đầu lâu, lưỡi hái tử thần... khiến người dân sợ bệnh AIDS và sợ luôn cả người mắc AIDS.

Hơn nữa, người nghiện ma túy và mại dâm lại nằm trong số những người đầu tiên bị nhiễm HIV. Điều này đã làm cho cộng đồng gắn HIV với các tệ nạn xã hội càng làm tăng thêm sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người sống cùng HIV/AIDS.

Chống kỳ thị và phân biệt đối xử là trách nhiệm chung của tất cả mọi người trong cộng đồng, mọi gia đình, các ngành, các cấp, các đoàn thể xã hội. Nhưng theo BS. Trịnh Thị Thảo, trước hết phải xóa bỏ những quan niệm không đúng về HIV/AIDS trong mỗi người dân. Vì AIDS là một bệnh và không được gắn HIV/AIDS với các tệ nạn xã hội. HIV không lây qua những tiếp xúc thông thường. Việc chống kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS là trách nhiệm chung của tất cả mọi người trong cộng đồng, mọi gia đình, các ngành, các cấp, các đoàn thể xã hội.

Những người nhiễm HIV/AIDS cũng là những người con, người anh, người em trong mỗi gia đình. Bởi vậy, việc khơi dậy tấm lòng tương thân tương ái, sự cưu mang, đùm bọc của mỗi cá nhân, gia đình và của cộng đồng đối với những người bị nhiễm HIV/AIDS là rất quan trọng. Cộng đồng những người nhiễm HIV rất cần được hòa nhập, được chung sống và cùng lao động. Họ cần được biết tình trạng nhiễm HIV/AIDS của bản thân, được trao đổi học hỏi lẫn nhau về kinh nghiệm sống cũng như cần sự tư vấn hỗ trợ của xã hội về cách làm việc, cách sống có ích.

Hơn nữa, cũng cần phải loại bỏ kiểu truyền thông mang tính hù dọa, những hình ảnh chết chóc hay tiêu cực làm cho mọi người sợ hãi và hiểu lầm sự lây lan của HIV. Song song với truyền thông về các đường lây truyền của HIV thì cũng cần truyền thông cho người dân hiểu rằng HIV là bệnh lây nhưng không dễ dàng như mọi người lầm tưởng. HIV không lây qua các tiếp xúc thông thường, ăn uống chung, sinh hoạt chung. Đồng thời, cũng cần huy động người nhiễm HIV tham gia vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS để tiến tới bình thường hóa sự hiện diện của người nhiễm HIV trong cộng đồng.

BS. Thảo cho biết, nếu xóa bỏ được kỳ thị, người nhiễm HIV/AIDS sẽ tự công khai danh tính. Họ sẽ được tư vấn các biện pháp phòng ngừa và tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc, điều trị. Nếu họ được tư vấn, chăm sóc, điều trị tốt vẫn có thể sống và làm việc lâu dài có ích cho bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội. Đặc biệt, họ sẽ là những tuyên truyền viên tích cực và có hiệu quả nhất trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS.

Nguồn: Tiengchuong.vn

Video liên quan

Chủ Đề