Giá trị nghệ thuật của bức tranh Đám cưới chuột

Trong các dòng tranh dân gian Việt Nam, bức tranh Đám cưới chuột là một đề tài thú vị được dân gian ưa chuộng. Không chỉ có hình thức tạo hình khá đặc biệt mà còn nội dung của các tác phẩm này cũng gây nhiều tranh cãi. Liệu ngoài ý nghĩa châm biếm đả kích mang đến từ nội dung câu chuyện, thì cái tưng bừng rộn rã, cái hóm hỉnh vui tươi của lũ chuột trong tranh ấy còn đem đến những thông điệp gì khác của cha ông gửi thế hệ mai sau?

Trong kho tàng tranh dân gian Việt Nam, tranh Đám cưới chuột nổi tiếng nhất là tranh dân gian Đông Hồ. Tuy nhiên đề tài này không chỉ có mỗi Đông Hồ khắc in, mà nó được cả các nghệ nhân Hàng Trống sáng tác. Và, cũng không chỉ có một mẫu hình, mà có đến ít nhất 6 phiên bản khác nhau.

Theo nhiều học giả nghiên cứu về tranh dân gian cho rằng, Đám cưới chuột của Đông Hồ vốn là tác phẩm được rập khuôn từ mẫu hình tranh Niên Họa Trung Hoa. Ở tranh Niên Họa Đám cưới chuột cũng không chỉ có một bức duy nhất mà có hàng trăm mẫu hình từ tranh khắc, tranh tô màu, tranh vẽ tay đến tranh trổ giấy. Các bức tranh này gắn liền với phong tục năm mới của người Hoa. Chúng minh họa cho câu chuyện “chuột già gả con gái cho mèo”, hoặc “lão chuột lấy vợ”. Khi cả đoàn họ hàng nhà chuột thổi kèn đánh trống, rước dâu đến cửa nhà mèo, thì bị mèo đớp một miếng nuốt sạch cả bọn vào bụng. Có những bức tranh mô tả cảnh mèo chén sạch đàn chuột tan hoang ngay trong đám cưới, hoặc bọn cống lễ tán loạn vì mèo. Tuy vậy cũng có những bức tranh trổ giấy mô tả đàn chuột rước dâu xênh xang, không có con mèo hay cảnh cống lễ.

Giá trị nghệ thuật của bức tranh Đám cưới chuột
Đám cưới chuột Hàng Trống
Giá trị nghệ thuật của bức tranh Đám cưới chuột
Bản in khắc tranh dân gian Đông Hồ

Trong tranh Đông Hồ/Hàng Trống Đám cưới chuột dường như được diễn ra tưng bừng. Cảnh trên là bốn con chuột đang điếu đóm con mèo những sản vật như chim, cá; cảnh dưới cô dâu ngồi kiệu, chú rể cưỡi ngựa cờ quạt tưng bừng. Trong 6 phiên bản tranh Đám cưới chuột kể trên, cùng dạng thức bố cục hàng trên hàng dưới, có thể thành 2 loại chủ đề chính. Chủ đề thứ nhất là một đám cưới thông thường với tân lang, tân nương. Chủ đề thứ hai là đám cưới chuột diễn ra cùng với lễ vinh qui tức nội dung câu chuyện còn được lồng gắn thêm câu chuyện đỗ trạng nguyên chuột võng lọng về làng. Như vậy nội dung các bức tranh đã ít nhiều khác với tranh Niên Họa. Theo luận giải của các nhà nghiên cứu hiện đại cho rằng, ẩn ý của các bức tranh chuột biếu quà cho mèo để lấy vợ, hay vinh qui mang đầy tính châm biếm xã hội. Mèo đại diện cho thế lực cường hào ác bá ở nông thôn, còn chuột là dân nghèo bị áp bức, bóc lột. Các bức tranh tuy mô tả quang cảnh đám cưới vui nhộn nhưng thực tế là sự phê phán thói đời và tầng lớp phong kiến xưa.

Tuy nhiên, nếu ngẫm sâu hơn và tách bạch ngữ nghĩa hiện đại mà người đời sau áp đặt lên bức tranh về tầng lớp quan lại tham ô nhũng nhiễu, thì ta có thể thấy hiện ra một câu chuyện khác. Một câu chuyện rất Tết. Đó câu chuyện về sự no đủ,về sự đầm ấm hạnh phúc. Con mèo no đủ với cống lễ là cá, là chim và biết đâu lại là chính con chuột mang đồ đến biếu. Còn đám cưới tưng bừng phía dưới lại cho thấy sự hạnh phúc tràn trề. Về chi tiết các nhân vật có lẽ không thể bỏ qua hai anh chàng chuột thổi kèn, nếu tinh ý một chút ta sẽ nhận ra đó là những chiếc kèn đám ma. Vậy cống lễ ở đây cũng chính là cống lễ/ hiến thân.

Giá trị nghệ thuật của bức tranh Đám cưới chuột
Đám cưới chuột – tranh dân gian Đông Hồ
Giá trị nghệ thuật của bức tranh Đám cưới chuột
Đám cưới chuột – tranh dân gian Hàng Trống

Phải chăng thâm ý của người xưa từ bức tranh này không đơn giản là bàn về chuyện đời, mà thông qua hình ảnh mấy con chuột và con mèo họ muốn gửi gắm thông điệp về sự sinh diệt, tiêu trưởng của vũ trụ; về cái lẽ thường hằng của nhân sinh. Mèo ăn thịt chuột và đồ cống lễ là sự tiêu; Chuột đám cưới là sự trưởng. Ngoài ra, câu chuyện mèo chuột thì muôn đời vẫn thế, nên ở đây còn có thêm ngữ nghĩa về sự cộng sinh. Tất cả điều này, nếu nhìn tranh trên góc độ tranh châm biếm kể trên ta sẽ không bao giờ nhận thấy. Tương tự như vậy, nếu đám cưới chuột chỉ là một bức tranh châm biếm thì vào thời khắc quan trọng nhất của một năm, khởi đầu cho vạn sự, người Việt sẽ không quá ưa chuộng để đề cao. Họ ngưỡng vọng những giá trị khác mà con giáp này của năm đem lại. Ngoài ngữ nghĩa về sự no đủ, hạnh phúc, thì đám cưới chuột còn nhấn mạnh đến biểu tượng đông con nhiều cháu từ đặc tính của loài sinh đàn đẻ lũ này. Đám cưới cũng là thời khắc khởi đầu cho câu chuyện con đàn cháu đống.

Về thủ pháp tạo hình, bức tranh được chia làm 2 cảnh trên – dưới, nhưng dường như với cách bố cục các nhân vật đã mở ra một không gian rộng hơn nhiều so với những cái ta quan sát được. Hàng dưới, hai con chuột đi sau kiệu cô dâu đang ngoái lại, hành động này gợi ý rằng cái đám rước còn dài nữa vượt ra ngoài khổ tranh. Hàng trên, con chuột cuối vắt chiếc đuôi vào mép tranh cũng có ngữ nghĩa như vậy.

Giá trị nghệ thuật của bức tranh Đám cưới chuột
Đám cưới chuột Trung Quốc
Giá trị nghệ thuật của bức tranh Đám cưới chuột
Chuột vinh quy
Giá trị nghệ thuật của bức tranh Đám cưới chuột
Chuột vinh quy

Ngoài ra, nội dung các chữ hán, nôm ghi chú trên các bức tranh cũng thêm thắt cho câu chuyện này những ý nghĩa thú vị. Tiêu biểu cho bức tranh Đám cưới chuột của Hàng Trống, một bức có ghi: “Thử bối nghinh ngư chí chí chí/ Miêu nhi thủ lễ mưu mưu mưu” có nghĩa chuột già dâng cá chí chí chí/ Mèo con nhận lễ mưu mưu mưu. Từ mưu và từ chí ở đây vừa là sự minh họa cho tiếng mèo và tiếng chuột, nhưng đồng thời còn ngụ ý về sự mưu trí của lão chuột với mèo con. Hay ở bức chuột vinh qui khác, chữ đề trước con mèo: “mèo già hóa cáo” ý rằng lũ chuột hãy coi chừng. Dẫu có khá nhiều tứ nghĩa khác nhau từ các bức tranh mèo – chuột này, nhưng rõ ràng đám cưới vẫn diễn ra rất linh đình, vui vẻ. Mèo vui, mà chuột cũng vui.

So sánh một số bức tranh chuột có hình thức khá tương đồng giữa Niên Họa Trung Quốc và tranh Đông Hồ Việt Nam, ta còn nhận ra khá nhiều sự khác biệt. Trong tranh Niên Họa, Đám cưới chuột như thể luôn mô tả cái nhịp điệu vội vã, đến sắp náo loạn của lũ chuột. Hàng trên, các con chuột mang cống lễ đến, dẫu thổi kèn thổi sáo tưng bừng, nhưng chúng lại được miêu tả quay lưng hẳn về phía con mèo ở tư thế bỏ chạy. Một vài con vội vàng ngã quay lơ. Hàng dưới, chuột chú rể cầm quạt tưởng như thư thái, nhưng chiếc cổ lại ngoái lại phía sau với tâm trạng đầy lo âu, hối giục bọn chuột rước dâu. Tất cả như đang cắm đầu về phía trước để bước mau mau. Trong khi đó cái Đám cưới chuột của tranh dân gian Đông Hồ lại nhẩn nha, ung dung, í ới rộn ràng. Chú rể đàng hoàng cưỡi trên con ngựa thả bộ từng bước, lọng rước xênh sang. Nếu tranh Niên Họa Trung Quốc chú trọng đến ý nghĩa trừ tịch của đêm giao thừa từ câu chuyện chuột gả con, mèo chén sạch cả đàn, tức tiêu trừ đi cái sự nhiễu nhương hoành hành của bọn chuột bọ để bước sang năm mới đón những điều tốt lành. Tranh của người Việt lại mang tính nhân văn hơn. Người Việt dùng hình tượng con chuột để biểu trưng cho năm mới tốt lành, sung túc, gửi gắm ở đó những triết lý về sự thường hằng, về đời sống nhân sinh. Hình tượng con chuột trong tranh dân gian là sự ký thác những tầng lớp ngữ nghĩa sinh động vừa nhẹ nhàng vừa sâu lắng, trao gửi những ước vọng của người Việt vào thời khắc chuyển giao đầy ý nghĩa.

Trang Thanh Hiền 

THỨ BẢY, 25/01/2020 08:38:57

Giá trị nghệ thuật của bức tranh Đám cưới chuột
Và dù với ý nghĩa nào thì bức tranh cũng đều hướng con người đến những phương châm sống tốt đẹp. "Đám cưới chuột" thuộc dòng tranh dân gian của làng Đông Hồ (Bắc Ninh). Bức tranh ra đời cách đây chừng sáu trăm năm, nhưng vẫn còn nguyên giá trị về nghệ thuật tranh khắc gỗ dân gian, nét đẹp văn hóa của người Việt và tính thời sự sâu sắc của nó. Người xem tranh thấy rõ cảnh đám cưới chuột với ô lọng, ngựa hồng lộng lẫy trong buổi rước dâu của quan chuột. Bức tranh bố cục gọn, màu sắc rực rỡ, chia làm hai hàng với mười hai con chuột và một con mèo. Hàng trên là cảnh chuột dâng lễ cho mèo. Con mèo được vẽ to, màu vàng tượng trưng cho quyền lực, oai vệ đang đưa tay ra nhận lễ vật. Con chuột đi đầu dâng lễ một con chim vẻ cung kính, sợ sệt. Con thứ hai xách biếu một con cá. Hai con chuột đi sau thổi kèn nhưng ở tư thế cảnh giác, đề phòng sự biến là vọt ngay. Hàng dưới bức tranh là cảnh rước dâu với tám con chuột. Dẫn đầu là con chuột đầu đội mũ cánh chuồn, mặc áo thụng xanh, chân đi hia, ngồi trên lưng con ngựa hồng quay nhìn về phía sau, vẻ mặt vênh lên, kiêu hãnh, tự đắc vì đỗ tiến sĩ vinh quy lại cưới vợ đẹp, không thấy xấu hổ vì mình là phận tôi đòi, cống nạp. Theo hầu phía sau là con chuột lông đen cầm lọng và một con chuột nửa đen, nửa trắng cầm biển đề chữ "Nghinh hôn". Cô dâu chuột ngồi trong kiệu, đầu vấn khăn, mặc áo gấm xanh, nét mặt hớn hở. Bức tranh "Đám cưới chuột" không rõ tác giả là ai, chỉ biết là tranh khắc gỗ dân gian làng Đông Hồ, nhưng để lại trong lòng người xem nhiều suy ngẫm, kể cả một tiếng cười chua chát. Song, trước hết đây là một bức tranh dân gian đẹp, giàu ý tưởng, hàm ý sâu sắc, bố cục gọn, nét khắc tinh xảo, màu sắc rực rỡ tả được không khí vui tươi, phấn khởi của buổi lễ. Cũng cần nói đến chiều sâu của bức tranh. Trong thế giới động vật, mèo với chuột là hai địch thủ đối kháng, một mất một còn, không đội trời chung. Chuột luôn làm mồi cho mèo; mèo luôn rình mò, lùng sục tìm chuột để diệt, ăn. Có mèo thì không có chuột và ngược lại, thế mà trong đám cưới của một vị quan chuột, hai bên đều vui vẻ. Điều không thể lại có thể xảy ra. Chuột mang lễ vật đến biếu mèo nào chim, cá, cũng có cờ lọng, áo mão cân đai, kèn rước dâu vui vẻ. Để có cảnh vui vẻ ấy họ hàng nhà chuột phải dâng lễ, đút lót cho mèo. Hình ảnh chuột mang lễ đến dâng tặng cho mèo thể hiện một "chiến lược": Cùng chung sống và cùng tồn tại. Tôi hạnh phúc thì anh cũng sung sướng. Một giáo sư ở Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian nhận xét: Đây như là một giao ước ngầm về sự sinh sôi giữa hai mặt đối lập, mà đó là đích cuối cùng của sự cam kết cùng nhau tồn tại, cùng nhau phát triển. Nhìn lại quá khứ, lịch sử người dân nước Việt hàng nghìn năm dưới chế độ phong kiến hà khắc, cuộc sống bị đọa đầy, áp bức bóc lột. Bức tranh này phản ánh thực trạng của xã hội đương thời để người xem tranh rút ra kết luận. Bên cạnh giá trị nghệ thuật, bức tranh "Đám cưới chuột" còn có ý nghĩa châm biếm rất sâu xa. Nó ăn thịt mình đấy mà mình vẫn phải biếu nó, cống nạp cho nó, cung kính nó. Bức tranh phản ánh thói hư tật xấu của quan lại xưa.

Chuyện xưa lại ngẫm đến tệ hối lộ, đút lót nay. Bức tranh có ý nghĩa mỉa mai, cảnh tỉnh, giáo dục con người hướng đến làm điều thiện, trừ bỏ điều ác để cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Vì thế bức tranh "Đám cưới chuột" còn nguyên giá trị thời sự và sẽ sống mãi với thời gian.

VŨ HOÀNG