Khẩu hiệu Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh Nội đến truyền thống tốt đẹp não của dân tộc

Đêm 19-12-1946, pháo đài Láng nã những loạt đạn đầu tiên, mở đầu cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc chống thực dân Pháp. Với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, trong 60 ngày đêm khói lửa, quân và dân Hà Nội đã góp phần làm tiêu hao sinh lực, giữ chân đội quân tinh nhuệ của Pháp trong thời gian dài gấp đôi so với dự kiến, để quân và dân cả nước có thêm thời gian chuẩn bị lực lượng, bình tĩnh, tự tin bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ...

70 năm sau những ngày tháng lịch sử mùa đông năm 1946, chúng tôi được gặp và trò chuyện với đồng chí Nguyễn Văn Trân, nguyên Bí thư T.Ư Đảng, Bí thư Thành ủy Hà Nội, kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến giai đoạn 1946 - 1948. Ông là một trong số ít những nhân chứng của Ủy ban Kháng chiến còn sống đến ngày hôm nay, được chứng kiến các hoạt động dịp lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến. Bảy thập niên trôi qua, nhưng trong hồi ức của vị cán bộ lão thành cách mạng vẫn còn nguyên những kỷ niệm về những ngày đầu toàn quốc kháng chiến. Ông kể lại: “Những ngày Hà Nội chuẩn bị kháng chiến, Bác Hồ có cho gọi tôi đến để báo cáo tình hình chuẩn bị của Hà Nội. Đến nơi tôi đã thấy các đồng chí: Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Thái và Trường Chinh ở đó. Bác hỏi: Các chú thấy tình hình quân Pháp thế nào? Nếu nổ ra chiến tranh liệu chúng ta có thể giữ được bao lâu? Phải cố giữ một thời gian để có thì giờ các tỉnh tổ chức, động viên quần chúng có kế hoạch đi vào cuộc kháng chiến. Anh Giáp, tôi và anh Hoàng Văn Thái đều nhất trí báo cáo với Bác: Tinh thần hăng hái quyết chiến của nhân dân Thủ đô rất cao, xin hứa với Bác là chúng ta có thể giữ Thủ đô được một tháng. Bác động viên chúng tôi: Dựa vào lực lượng nhân dân thì các chú có thể làm tốt”.

Từ tháng 11-1946, quân Pháp đã gây sự hòng chiếm các vị trí chiến lược để có thể chủ động tiến công quân ta ở Hà Nội. Quân Pháp có các loại vũ khí lớn nhỏ, các phương tiện thông tin hơn hẳn ta. Chúng đã vạch kế hoạch đánh chiếm Hà Nội chỉ trong 24 giờ. Bộ đội và cả tự vệ và thanh niên xung phong có chừng mười nghìn người, nhưng không được trang bị vũ khí, chưa qua tập luyện quân sự. Bù lại, lực lượng của ta có tinh thần rất cao. Nội thành Hà Nội khi đó gồm 17 khu phố được chia thành ba Liên khu 1, 2, 3. Theo kế hoạch “trùng độc chiến” hay còn gọi là “trong đánh ngoài vây”, trong nội thành ba liên khu phối hợp đánh vào các căn cứ của địch, mỗi phố đều làm công sự bằng mọi vật liệu sẵn có. Chiến hào được đào ngang các con phố quân Pháp sẽ đánh qua. Chiến lũy được dựng lên bằng cả những đồ quý trong nhà. Ở ngoại thành, đồng bào thực hiện “vườn không nhà trống” đi tản cư. Các đường ra ngoại thành đào hào chữ chi, chữ I, chữ T. Trong cuộc chiến đấu không cân sức này, Hà Nội đã phát huy tốt sức mạnh của các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, các lực lượng tham gia kháng chiến.

Đầu năm 1947, mặt trận Hà Nội đã nhanh chóng sắp xếp lại lực lượng, tổ chức lại chỉ huy chiến đấu cho phù hợp tình hình và nhiệm vụ mới. Tại Liên khu 1 đã thống nhất các lực lượng Vệ quốc đoàn, Công an xung phong, tự vệ để thành lập Trung đoàn Liên khu 1. Lực lượng Vệ quốc đoàn chiến đấu ở Thủ đô Hà Nội lúc này cũng đã tăng lên bảy tiểu đoàn. Cùng với lực lượng do Thành ủy, Ủy ban Kháng chiến và Bộ Chỉ huy mặt trận Hà Nội tổ chức, tại Hà Nội lúc này còn có các đội tải thương, tiếp tế do chị em phụ nữ đảm nhiệm. Các liên khu đều tổ chức được các trạm cứu thương, trạm thu dung. Một bệnh xá 50 giường đã được triển khai ở phố Hàng Buồm. Các bệnh viện dân y thì chuyển về Văn Điển, Cự Đà, Khúc Thủy dựa vào nhà dân để chuẩn bị tiếp nhận thương binh từ nội thành ra. Đồng thời tổ chức lực lượng tiếp tế, chuẩn bị lương thực, thực phẩm, thuốc men và tổ chức cất giấu ở những nơi bí mật. Các lực lượng này cùng với Vệ quốc đoàn và lực lượng vũ trang Thủ đô tạo nên sức mạnh tổng hợp đánh bại các cuộc tiến công của quân địch, kìm hãm, giam chân địch ở chiến trường Hà Nội.

Cả nước nhìn về cuộc chiến đấu giam chân địch ở Hà Nội để tích cực chuẩn bị kháng chiến trường kỳ. Thủ đô mịt mù khói lửa suốt 60 ngày đêm. Chiến đấu, giữ từng góc nhà, từng đường phố, kìm chân địch bằng mọi vũ khí có trong tay, các chiến sĩ quyết tử đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Bác Hồ và Trung ương Đảng tin tưởng giao phó, để Trung ương Đảng, Chính phủ rút lên chiến khu an toàn, làm thất bại hoàn toàn âm mưu chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh của thực dân Pháp. Qua chiến đấu, lực lượng vũ trang Thủ đô không những được bảo toàn, mà còn tiếp tục phát triển, từ năm tiểu đoàn Vệ quốc quân lúc mới nổ súng, sau hơn hai tháng đã xây dựng thành ba trung đoàn. Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nhắc và nhớ về chiến công này đầy xúc động: Đây là bước mở đầu oanh liệt của cuộc kháng chiến vĩ đại, chống thực dân Pháp, góp phần làm rạng rỡ truyền thống Đông Đô - Thăng Long - Hà Nội.

Vị tướng già gắn bó với Thủ đô, Trung tướng Chu Duy Kính hồi tưởng: Mùa đông năm 1946, tôi mới là một cậu bé liên lạc, anh em hay gọi là Hải “cóc”, nghe Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ, chúng tôi một lòng đi theo, nhiều lúc hăng lên chỉ muốn xông ngay ra mặt trận. Đêm 19-12, tôi đang ở Ngã Tư Sở, đại bác từ pháo đài Láng bắn sáng rực trời. Biết rằng chiến đấu chống Pháp khó khăn gian khổ, nhưng chúng tôi tin tưởng nhất định sẽ thắng lợi. Và lịch sử đã chứng minh, mục tiêu của chúng tôi đã trở thành hiện thực, đất nước độc lập, chúng tôi đã trở về và Thủ đô thân yêu ngày nay đang trở thành trung tâm kinh tế - chính trị của đất nước, một đô thị lớn hiện đại của Đông - Nam Á.

60 ngày đêm chiến đấu giam chân địch trong lòng Hà Nội đã đi vào lịch sử dân tộc như một bản anh hùng ca bất tử. Bài học phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân và huy động sức dân từ thực tiễn của Hà Nội những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến vẫn còn nguyên giá trị và là động lực để Hà Nội vượt qua mọi khó khăn, thử thách, vững bước trên con đường đổi mới, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

An Trân

Hà Nội sáng mãi tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”

Ngày phát hành: 19/12/2021 Lượt xem 864

Chiến sĩ vệ quốc quân cảm tử ôm bom ba càng chặn xe tăng Pháp trên phố Hà Nội năm 1946. Ảnh tư liệu

Cách đây 75 năm, ngày 19/12/1946, hưởng ứng “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với quyết tâm “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, quân dân Thủ đô Hà Nội đã nhất tề đứng lên đánh thực dân Pháp, viết nên khúc tráng ca hào hùng trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc; góp phần làm tỏa sáng giá trị văn hóa nghìn năm Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội.

“Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”
Chớp thời cơ nghìn năm có một, nhân dân Việt Nam đã vùng lên giành chính quyền trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Không lâu sau, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược. Cùng với “nạn ngoại xâm” là “nạn đói”, “nạn dốt” hoành hành, tình thế đất nước tựa như “ngàn cân treo sợi tóc”.
Trung ương Đảng và Chính phủ đã thực hiện các biện pháp đấu tranh mềm dẻo: ký với Chính phủ Pháp Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3/1946 và Tạm ước Việt-Pháp ngày 14/9/1946, nhằm giữ vững độc lập dân tộc và tranh thủ thời gian củng cố lực lượng kháng chiến. Nhưng “càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới”. “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, đêm 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến”. Áng hùng văn được truyền đi, báo hiệu giờ cứu quốc đã điểm.
Đêm 19/12/1946, hưởng ứng “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” của Người, quân và dân Hà Nội đã cùng cả nước đứng lên, pháo đài Láng nổ những loạt đạn đầu tiên, mở đầu cuộc kháng chiến trường kỳ. “Lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều”, quân và dân Thủ đô đã viết nên bản hùng ca bất tử:
Hà Nội cháy, khói lửa ngợp trời.
Hà Nội hồng ầm ầm rung, sông Hồng reo!
Trong cuộc chiến đấu không cân sức với kẻ thù, mặt trận Hà Nội đã trở thành điển hình cho đường lối chiến tranh nhân dân. Mỗi ngôi nhà, từng con phố đều trở thành trận địa, chiến hào. Mỗi người dân từ cậu bé 9 tuổi đến cụ già, từ anh nhạc sĩ đến chị nông dân, từ một trí thức tiểu tư sản đến anh công nhân áo xanh, giầy vải… Tất cả đã cùng chung vai gánh vác với đội quân anh dũng của Trung đoàn Thủ đô và các chiến sĩ tự vệ thành trong trọng trách giam chân địch, tạo điều kiện cho Trung ương Đảng, Chính phủ rút lên chiến khu an toàn. Tất cả những con người bình thường đó đã gắn kết với nhau trong cùng ý chí “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, làm nên khúc tráng ca của Hà Nội 60 ngày đêm khói lửa.
Trải qua 60 ngày đêm chiến đấu, quân và dân Hà Nội đã đánh gần 200 trận, tiêu diệt một phần quan trọng sinh lực địch, giam chân chúng trong thành phố vượt thời gian dự kiến, góp phần bảo vệ các cơ quan đầu não của Đảng, Chính phủ, Mặt trận di chuyển về căn cứ an toàn. Đúng như lời khen của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Giam chân địch ở Hà Nội được một tháng là thắng lợi, nay giữ được Hà Nội hai tháng là đại thắng lợi”. Qua đó, tạo ra khoảng thời gian chiến lược để cả nước tiếp tục chuyển vào thời chiến, xây dựng thế trận chiến tranh, niềm tin cho nhân dân chung sức, đồng lòng đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đến thắng lợi.
Thắng lợi đó còn chuẩn bị tâm thế, bản lĩnh và nhiều kinh nghiệm quý báu để hơn 20 năm sau quân và dân Thủ đô làm nên huyền thoại 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không” - một kỳ tích khác của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX - để Hà Nội trở thành “Thủ đô lương tri và phẩm giá con người”, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn, thống nhất đất nước, đi lên chủ nghĩa xã hội.

Bản hùng ca mãi vang vọng
Bước vào giai đoạn xây dựng và kiến thiết, tinh thần đi đầu hưởng ứng “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” ngày ấy lại được các thế hệ Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội phát huy, đoàn kết, sáng tạo đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng Hà Nội ngày càng phát triển. Thành phố vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Thủ đô Anh hùng”, ba lần được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, được các tổ chức quốc tế vinh danh là “Thành phố Vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”. Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện, có nhiều dấu ấn nổi bật.
Kinh tế Thủ đô đạt mức tăng trưởng tốt. Công tác xây dựng nông thôn mới đạt kết quả nổi bật. Sự nghiệp văn hóa xã hội, y tế, khoa học công nghệ tiếp tục phát triển. Ðời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, an sinh xã hội được bảo đảm.
Bình quân 5 năm 2016-2020, tổng sản phẩm trên địa bàn [GRDP] tăng 6,73%, gấp 1,12 lần mức tăng cả nước [5,99%]. Trong đó, đóng góp nhiều nhất là ngành dịch vụ, công nghiệp và xây dựng... Quy mô GRDP năm 2020 đạt 1,02 triệu tỷ đồng, khoảng 43,9 tỷ USD; GRDP bình quân đầu người đạt 5.325 USD, gấp 1,29 lần so với năm 2015, gấp 92 lần bình quân cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, theo hướng hiện đại, tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng từ 85,77% lên 86,74%, khu vực nông nghiệp từ 2,54% giảm còn 2,24%.
Năm 2021 là một năm đầy thử thách với Hà Nội, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Song với sự lãnh đạo của Trung ương, Chính phủ, sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, bức tranh tổng thể về kinh tế-xã hội của Thành phố năm 2021 vẫn có nhiều điểm sáng. Kinh tế Thủ đô vẫn duy trì tăng trưởng dương, cân đối thu-chi ngân sách được đảm bảo; GRDP ước tăng 2,92%, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 108,3% dự toán Trung ương giao. Lạm phát được kiểm soát giữ ở mức 2,67%. Công tác an sinh xã hội được đảm bảo, thành phố đã hỗ trợ tiền mặt và cho vay cho trên 5,204 triệu lượt đối tượng với tổng kinh phí 6.275 tỷ đồng đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Các hoạt động đối ngoại tiếp tục được mở rộng…
75 năm đã qua, nhưng “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn vang vọng, thúc giục quân và dân Hà Nội với tinh thần gương mẫu, đi đầu, “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, xây dựng Thủ đô và đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế./.


Theo TTXVN

Video liên quan

Chủ Đề