Kỷ băng hà review

Còn gì kinh ngạc hơn khi đấng sáng tạo muôn loài chúng ta hằng tôn thờ lại là một con sóc và hệ mặt trời được hình thành khi sóc ta đang điên cuồng tìm kiếm quả sồi bảo vật!

Vẫn là câu chuyện về cuộc giải cứu thế giới, bình cũ nhưng rượu mới, phần phim mới của Ice Age vẫn tiếp tục thu hút khán giả. Ice Age: Collision Coure mở đầu bằng vài rắc rối xung quanh đời sống cá nhân của bộ ba Manny, Sid và Diego. Ba “người đàn ông” - ba hoàn cảnh. Manny vẫn là trẻ trung lực lưỡng như xưa nhưng chàng trai ngày nào sắp trở thành… ông bố vợ. Và giống như mọi ông bố loài người hàng vạn năm sau, chàng ma mút phải đối mặt với hội chứng “sợ con gái lấy chồng” và “thằng con rể là thằng đáng ghét” trầm trọng đến mức suýt nữa làm ảnh hưởng đến mối quan hệ gia đình. Cùng lúc đó, Diego và cô vợ Shira xinh đẹp không biết liệu có thể chăm sóc tốt cho các con hay không khi mỗi lần những đứa trẻ nhìn thấy hai vợ chồng cọp răng kiếm nhà anh chàng lại khóc thét lên. Cuối cùng, anh lười cổ đại Sid đã bị gái từ chối lần thứ N, đành tiếp tục cô đơn trên con đường tìm kiếm tình yêu đích thực.

Thế nhưng, trong lúc cả ba đang mệt mỏi với “những người phụ nữ” thì thảm họa xảy ra. Lúc này đây, một lần nữa, tất cả những rắc rối của cá nhân bị dẹp bỏ để đồng lòng đi tìm sự sống. Nhắc đến thảm họa này, nguyên nhân chẳng đâu xa, cũng lại là do chú sóc Scrat gây ra trên hành trình phiêu lưu cùng hạt sồi mười-bốn-năm-chưa-hỏng.

Được sự giúp đỡ của chồn chột mắt Buck, nhóm bạn lên đường tìm kiếm phương thức giải cứu trái đất. Thế nhưng, chìa khóa để giải quyết thảm họa lại nằm ở chỗ Shangri Lama, một con lạc đà không bướu vô cùng dở hơi. Cả bọn vừa phải thuyết phục con lạc đà khó ưa này, vừa phải giải quyết những rắc rối cá nhân, Chưa kể, họ còn phải chống lại một gia đình khủng long bay chuyên kiếm sống “đàng hoàng” bằng nghề ăn cắp trứng. Tất cả chỉ trong một hành trình hơn hai ngày! Thật khó khăn!

Tất nhiên, như mọi phim Ice Age từ 2002 đến nay, Scrat vẫn là tâm điểm của phần này. Một mình một ngựa với một vở kịch không lời được đầu tư không kém câu chuyện chính từ tình tiết đến hình ảnh, cùng một cảnh NC-16 đầu tiên trong lịch sử phim hoạt hình, Scrat cân cả thế giới. Cuộc hành trình đầy gian khó của nhóc sóc vẫn là thứ khiến người xem khó thể rời mắt nhất với hàng loạt tình huống không ai tưởng tượng nổi. Hẳn là các biên kịch đã tốn nhiều chất xám để đầu tư cho một cốt truyện bất ngờ không đoán trước được. Thậm chí, có lẽ nếu lấy các ý tưởng này làm phim kinh dị, biết đâu các nhà làm phim lại tạo ra được tuyệt tác như James Wan! 

Vẫn như mọi lần, bộ ba Manny, Sid và Diego luôn đầy sức hút. Dường như dành lời khen cho  Ray Romano, Denis Leary và John Leguizamo bao nhiêu cũng chẳng đủ khi họ thật sự “đồng cảm”, “hòa hợp” và “sống” với nhân vật.

Nhân vật bị bỏ quên thành cameo của phần trước – Buck đã trở lại ngoạn mục với màn xuất hiện đậm chất hành động cùng một bản opera hoành tráng. Thông qua Buck, người xem dường như cảm nhận được chất hài của chính diễn viên lồng tiếng cậu chàng – Simon Pegg. Lém lỉnh đó, sôi động đó và cũng đầy duyên dáng.

Một điểm sáng nữa của phim chính là cậu chàng ma mút Jullian qua giọng lồng tiếng của Adam Devine. Lần đầu tiên xuất hiện nhưng cậu con rể tương lai đầy hài hước đáng yêu này của Manny khiến người xem lẫn các nhân vật trong phim “yêu không rời mắt”. Dĩ nhiên là trừ ông bố Manny. Jullian siêu cute với thân hình tròn trĩnh đáng yêu, tính tình vui vẻ và luôn tràn ngập tình yêu thương với mọi người sẽ là một nhân vật không thể thiếu nếu Ice Age muốn tiếp tục cuộc phiêu lưu thứ sáu.

Về phía các sao nữ, nếu như Ellie của Queen Latifah được ưu ái trong phần này với kha khá đất diễn thì Shira của ngôi sao nhạc La tinh Jennifer Lopez xuất hiện chẳng hơn gì một vai cameo. Nàng cọp răng kiếm không có cơ hội thể hiện chất giọng quyến rũ của mình, khi từ đầu đến cuối nhân vật chỉ có đôi ba câu thoại, còn chẳng bằng  người bà Granny của Sid. Đến cả cơ hội thể hiện bài hát cuối phim, nàng cọp cũng đành nhường cho “tình yêu đích thực” của Sid – Brooke của Jessie J.

Cuối cùng, ngôi sao của Modern Family, chủ nhân một Quả Cầu Vàng - Jesse Tyler Ferguson đã có một màn debut ấn tượng với gia tộc Kỷ Băng Hà bằng nhân vật Shangri Lama bề ngoài “thế ngoại cao nhân”, là “bậc thầy thiền định” tuyên truyền cho sự hữu ích của bộ môn yoga đầu tiên trong lịch sử Trái Đất.

 Ice Age không phải là một phim hay giàu ý nghĩa nhân văn nhưng là một phim xứng đáng để khán giả tới rạp chiếu phim. Một kỷ nguyên băng hà, một bối cảnh đầy tuyết trắng -  đồ họa của Ice Age: Collision Coure đã và đang tiến bộ qua từng phần phim theo đúng sự phát triển của công nghệ hoạt hình 3D từ 2002 đến nay. Từ đại cảnh như rừng sâu dưới lòng đất, núi băng cao chót vót đến những tiểu cảnh nho nhỏ hoặc các nhân vật từ chính đến phụ đều được đầu tư và chăm chút tỉ mỉ đến từng sợi lông. Về mặt nội dung, Ice Age: Collision Coure vẫn tận dụng triệt để cốt truyện cũ và pha lại theo công thức bình cũ rượu mới - cũng là câu chuyện đơn giản về cuộc giải cứu thế giới và tự cứu lấy bản thân của những “người hùng” rắc rối cùng những lời thoại chất lừ. Khán giả sẽ không nhịn được cười với những câu thoại đậm chất hiện đại của những đám thú đến từ cổ đại như lười Sid bị bạn gái cũ đá vì “không giống ảnh đại diện”, “chúng ta có siêu năng lực”, hay các tư thế buồn cười của ông tổ trào lưu yoga- Đức ngài Shangri Lama.

Ice Age cho đến nay vẫn là mỏ vàng của 20th Century Fox và Blue Sky. Và với những gì họ thể hiện trong Ice Age: Collision Course, ta có quyền tin rằng vài năm nữa, Manny, Diego, Sid và bạn bè người thân sẽ trở lại trong một cuộc phiêu lưu mới. Đương nhiên, kẻ gây ra thảm họa vẫn sẽ là con sóc Scrat sống dai kinh khủng kia!

Chủ Đề