Liên hệ với thực tế trong quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ ở gia đình và ở nhà trường.

VJE Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt Kì 1 tháng 5/2018, tr 138-142 PHỐI HỢP GIỮA NHÀ TRƯỜNG, GIA ĐÌNH VÀ XÃ HỘI TRONG CHĂM SÓC, GIÁO DỤC TRẺ MẦM NON Hoàng Hải Quế - Trường Cao đăng Sư phạm Nghệ An Ngày nhận bài: 04/04/2018; ngày sửa chữa: 17/04/2018; ngày duyệt đăng:23/04/2018. Abstract: The collaboration among schools, families and society plays a key role in the process of taking care and educating children. In this article, author presents a range of principles, contents, and methods to coordinate families, schools and society in taking care and educating preschool children. Keywords: School, family, society, cooperation, educational activities, preschool children. 1. Mở đầu Việc chăm sóc, giáo dục [GD], bồi dưỡng, rèn luyện các phẩm chất và năng lực cho trẻ nhằm giúp trẻ phát triển nhân cách một cách toàn diện là một quá trình lâu dài, liên tục, diễn ra ở nhiều môi trường khác nhau, liên quan rất nhiều đến các mối quan hệ xã hội [XH] phức tạp. Vì thế, chăm sóc, GD nói chung và chăm sóc, GD trẻ mầm non [MN] nói riêng luôn luôn đòi hỏi sự phối hợp, kết hợp chặt chẽ của nhiều lực lượng XH và nhất là đòi hỏi sự quan tâm đúng cách của nhà trường [NT], gia đình [GĐ], cộng đồng và các tổ chức trong XH. Ý nghĩa sâu sắc của việc phối hợp các lực lượng GD trong và ngoài NT đã được Bác Hồ chỉ ra: "GD trong NT chỉ là một phần, còn cần có sự GD ngoài XH và trong GĐ để giúp cho việc GD trong NT được tốt hơn. GD trong NT dù tốt đến mấy, nhưng thiếu GD trong GĐ và ngoài XH thì kết quả cũng không hoàn toàn [1; tr 168-172]. Chúng ta đều biết rằng, trong môi trường XH mà trẻ sống, học tập và phát triển, bên cạnh các mặt tác động tốt, các ảnh hưởng tích cực luôn luôn tồn tại, hàm chứa các yếu tố có thể gây nguy hại đến sự phát triển nhân cách của trẻ và với đặc điểm hiếu động, ít vốn sống, trẻ dễ bắt chước theo, dần dần trở thành thói quen xấu, tác động tiêu cực đến sự hình thành, phát triển nhân cách của trẻ. Nhất là khi thiếu sự phối hợp đúng đắn, thiếu sự thống nhất tác động GD giữa NT và GĐ thì hậu quả xấu trong GD sẽ xuất hiện, nếu không kịp thời khắc phục, hậu quả sẽ rất tai hại. Trong lí luận cũng như trong thực tiễn GD, sự thống nhất tác động GD từ NT, GĐ và XH được xem là vấn đề có tính nguyên tắc đảm bảo cho mọi hoạt động GD có điều kiện đạt hiệu quả tốt. Sự phối hợp chặt chẽ ba môi trường GD: NT, GĐ và XH là đảm bảo sự thống nhất trong nhận thức cũng như hoạt động GD cùng một hướng, một mục đích, một tác động tổ hợp, đồng tâm tạo sức mạnh kích thích, thúc đẩy quá trình phát triển nhân cách của trẻ, tránh sự tách rời, mâu thuẫn, bài xích lẫn nhau gây cho các em tâm trạng nghi ngờ, hoang mang, dao động trong việc lựa chọn, định hướng các giá trị tốt đẹp của nhân cách. Sự phối hợp GĐ, NT, XH có thể diễn ra dưới nhiều hình thức. Vấn đề cơ bản hàng đầu là tất cả các lực lượng GD phải phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động tạo ra những mối quan hệ phối hợp vì mục tiêu GD-ĐT thế hệ trẻ thành những công dân hữu ích cho đất nước. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Một số vấn đề lí luận về việc phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non Mối quan hệ NT, GĐ và XH có tầm quan trọng lớn trong việc nâng cao chất lượng GD và phát triển cộng đồng. Đây là mối quan hệ tác động qua lại. Truyền thống GĐ ảnh hưởng sâu sắc đến nhân cách của trẻ em. GĐ là nơi hình thành, phát triển và bồi đắp nhân cách của trẻ em. GĐ là cầu nối trẻ em với NT và XH, là nơi nuôi dưỡng, GD trẻ em. NT là môi trường có đủ điều kiện nhất trong việc thực hiện các mục tiêu GD. NT đóng vai trò quan trọng trong việc truyền thụ tri thức cho các em. Bên cạnh truyền thụ tri thức văn hóa, NT còn có nhiệm vụ GD, rèn luyện về mặt phẩm chất đạo đức, đảm bảo sự phát triển toàn diện cho trẻ. Cộng đồng XH đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng môi trường văn hóa, môi trường GD. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa NT, GĐ và XH sẽ góp phần đáng kể vào việc nâng cao chất lượng và hiệu quả của quá trình GD trẻ em. 2.1.1. Vai trò của trường mầm non Quá trình phát triển của con người không thể tách rời môi trường GD của trường học. Phải đảm bảo cho trẻ em được GD từ lúc lọt lòng cho đến mọi lứa tuổi. GD ở NT MN thực hiện nhiệm vụ từng bước thu nhận tất cả các cháu từ 6-72 tháng tuổi, nhằm chăm sóc sức khoẻ, tạo điều kiện cho trẻ phát triển hài hoà, cân đối, hình thành ở trẻ cơ sở đầu tiên của con người mới xã hội chủ nghĩa. Thực tế cho thấy, không có một cấp học nào, ngành học nào, giữa người dạy và người học lại gắn bó như bậc học MN. Mối quan hệ giữa cô và trẻ vừa là quan hệ cô cháu, vừa là quan hệ mẹ con, giáo viên [GV] MN là người mẹ thứ 138 Email: VJE Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt Kì 1 tháng 5/2018, tr 138-142 hai của trẻ giữ vai trò chủ đạo trong việc tổ chức các hoạt động chăm sóc, GD trẻ hàng ngày, hàng giờ, uốn nắn, dạy dỗ trẻ nên người. Bồi dưỡng cho trẻ về tính cách, tình cảm, thói quen, hành vi đạo đức, thẩm mĩ, giúp trẻ phát triển thông minh, giàu tình thương, biết quan tâm nhường nhịn, giúp đỡ lẫn nhau trong nhóm bạn bè với những người gần gũi, hình thành ở trẻ phẩm chất và năng lực cần thiết của con người. Vai trò của NT MN vô cùng quan trọng, đứng ở vị trí đầu tiên trong hệ thống GD quốc dân. 2.1.2. Mục đích của việc phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non Chăm sóc, GD trẻ MN là trách nhiệm của GĐ và toàn XH. Việc phối hợp giữa NT, GĐ và XH là tạo sự thống nhất về GD của NT, GĐ và XH trong chăm sóc, GD trẻ. Sự phối hợp giữa trường MN, GĐ và XH nhằm mục đích: tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học GD MN sâu rộng tới GĐ, mọi tầng lớp trong cộng đồng và các tổ chức XH; phối hợp để tăng cường mối quan hệ và tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của GĐ và XH đối với hoạt động GD của trường MN; phối hợp giữa trường MN với GĐ và XH nhằm góp phần nâng cao chất lượng GD trẻ, giúp trẻ phát triển toàn diện, đạt mục tiêu GD đề ra. Mặt khác, phối hợp chặt chẽ giữa NT với GĐ và các tổ chức XH hướng vào một số công việc cụ thể sau đây: - Đưa nội dung, mục tiêu GD trong trường MN vào GĐ và các tổ chức XH trong địa phương như Đảng bộ, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Câu lạc bộ Người cao tuổi nhằm thống nhất định hướng tác động đối với quá trình hình thành và phát triển nhân cách của trẻ; - Phát huy vai trò NT là trung tâm văn hóa GD của địa phương, tổ chức việc phổ biến các tri thức khoa học kĩ thuật, văn hóa - xã hội đặc biệt là những kiến thức, biện pháp GD trẻ trong điều kiện XH phát triển theo cơ chế thị trường đang rất phức tạp cho các bậc cha mẹ, giúp họ hiểu được đặc điểm trong đời sống, tâm sinh lí của trẻ hiện nay; - Phối hợp với địa phương tổ chức cho các cháu tham gia tích cực vào các hoạt động văn hóa - xã hội như: xóa đói giảm nghèo, dân số kế hoạch hóa GĐ, đền ơn đáp nghĩa, xây dựng GĐ văn hóa mới nhằm góp phần cải tạo môi trường GĐ và XH ngày càng tốt đẹp hơn; - Giúp địa phương theo dõi tiến trình, đánh giá kết quả của việc chăm sóc, GD trẻ MN, trên cơ sở đó, phân tích các nguyên nhân, đề xuất các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả và sự phối hợp chặt chẽ giữa các môi trường GD trong địa phương. 2.1.3. Nguyên tắc phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non: - Luôn lắng nghe ý kiến của cha mẹ trẻ, chủ động xây dựng mối quan hệ tốt với phụ huynh. Sẵn sàng tư vấn các kiến thức về chăm sóc, GD trẻ cho phụ huynh; - Cần tìm hiểu chế độ sinh hoạt, đặc điểm phát triển tâm, sinh lí của trẻ ở nhà trước khi trẻ đến trường MN; - Thống nhất với phụ huynh về nội quy, các hình thức và biện pháp phối hợp giữa NT, GĐ và XH trong việc chăm sóc, GD trẻ; - Phát triển chương trình chăm sóc, GD trẻ phù hợp với đặc điểm phát triển KT-XH của địa phương; - Thông tin thường xuyên đến GĐ, XH về sự phát triển của trẻ, của NT để kịp thời điều chỉnh, bổ sung chế độ, phương pháp chăm sóc, GD trẻ. 2.2. Thực trạng việc phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non hiện nay 2.2.1. Một vài kết quả khảo sát Theo [2], khảo sát của Viện Nghiên cứu GĐ và Giới về sự phối hợp giữa GĐ và NT trong chăm sóc, GD trẻ, gần 80% các bậc cha mẹ cho rằng, việc học tập và rèn luyện của con cái là mối quan tâm hàng đầu của GĐ; gần 75% cha mẹ luôn dành thời gian tâm sự với con. Các bậc cha mẹ ngày nay không chỉ quan tâm tới vấn đề GD đạo đức, lối sống mà còn quan tâm tới những cách thức để GD hiệu quả, tạo sự thoải mái trong trò chuyện, qua đó tạo ra sự kết nối tình cảm, tìm hiểu tâm tư của con cái để có hướng điều chỉnh phù hợp, cung cấp kiến thức, GD kĩ năng sống cho các cháu. Bên cạnh đó, một bộ phận cha mẹ chưa quan tâm, hoặc không có thời gian quan tâm tới việc GD con cái. Số liệu từ điều tra của Viện Nghiên cứu GĐ và Giới cho biết, chỉ có 46% cha mẹ trong mẫu điều tra thường xuyên nói chuyện, trao đổi với con, có tới 10,1% cha mẹ hoàn toàn không nói chuyện với con; 32,1% số cha mẹ gặp khó khăn trong việc bố trí thời gian dành cho con cái. Lí do thiếu thời gian ở cha mẹ có thể bắt nguồn từ gánh nặng kinh tế và công việc khiến cha mẹ có thể nắm được kết quả học tập của con, chứ không thể cùng con chia sẻ tâm tư hay định hướng nhận thức. Khó khăn về thời gian của cha mẹ có quan hệ mật thiết với trình độ học vấn và nghề nghiệp của họ. Nhóm cha mẹ có trình độ từ đại học trở lên thì việc bố trí thời gian cho con cái gặp nhiều khó khăn nhất, sau đó đến nhóm cán bộ công nhân, viên chức nhà nước, tiếp đó là nhóm kinh doanh dịch vụ, và cuối cùng là nhóm cha mẹ làm nông nghiệp. Nhóm cha mẹ ở nông thôn thường dành ít thời gian chăm sóc GD con cái hơn so với cha mẹ ở thành phố. Có thể thấy rằng, môi trường thành thị nhiều nguy cơ, nhận thức của cha mẹ ở thành thị về vấn đề GD con rõ rệt hơn, khiến cho việc nuôi dạy con cái được coi trọng hơn, và dù khó khăn, các GĐ thành thị vẫn phải bố trí thời gian dành cho con cái nhiều hơn so với các GĐ nông thôn. Hậu quả của việc ít thời gian dành cho con cái, đặc biệt là con tuổi vị thành niên, là mức độ gắn kết lỏng lẻo trong GĐ, cha mẹ chưa kiểm soát được hành vi con cái kịp thời và không phòng, ngừa được những hành vi lệch 139 VJE Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt Kì 1 tháng 5/2018, tr 138-142 chuẩn của con cái [nghiên cứu trên 200 mẫu trẻ em ở cấp trung học phổ thông ở Hà Nội cho thấy, trong số trẻ em có hành vi bạo lực thì có tới 77,3% cho rằng các thành viên trong GĐ mình ít có sự quan tâm đến nhau]. Theo [3], một số địa phương như Nghệ An, Thái Nguyên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Ninh có sự hỗ trợ của tổ chức VVOB Việt Nam đã thực hiện tốt việc tăng cường quan hệ giữa NT, GĐ và XH trong việc chăm sóc, GD trẻ em. Các địa phương này đã thành lập câu lạc bộ GD và Đời sống nhằm cung cấp cho các bậc cha, mẹ những hiểu biết cơ bản về GD con và tăng cường khả năng ảnh hưởng cũng như sự giúp đỡ của cha mẹ với con trong học tập và rèn luyện. Chẳng hạn, tại Nghệ An, Hội Liên hiệp phụ nữ cơ sở phối hợp với cấp ủy, chính quyền vận động học sinh trong độ tuổi đến trường, rà soát những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn để có chính sách hỗ trợ; thống kê trẻ em bỏ học, hư hỏng để phối hợp GD. Tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, các cấp Hội phụ nữ phối hợp với phòng GD-ĐT, các đồn biên phòng để xóa mù chữ và phổ cập GD cho trẻ em gái tiểu học đến phụ nữ 50 tuổi. Tại Quảng Ngãi, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã thành lập được 10 câu lạc bộ GD và Đời sống với 410 thành viên. Thông qua câu lạc bộ này, các GĐ có con em trong độ tuổi đi học đã nâng cao nhận thức về phương pháp GD con cái theo giới tính, nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm đối với con trong quá trình học tập. Tại Quảng Ninh, thông qua câu lạc bộ GD và Đời sống, mối quan hệ và thông tin giữa NT, GĐ và XH được thiết lập và duy trì thường xuyên, kịp thời, chặt chẽ, tạo môi trường GD lành mạnh, phòng ngừa, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực, vi phạm pháp luật, tệ nạn XH xâm nhập vào nhà trường. 2.2.2. Thuận lợi Đời sống KT-XH của nhân dân trong những gần đây có nhiều biến chuyển tích cực có ảnh hưởng tới văn hoá, XH và GD của mỗi địa phương. Sự nghiệp GD-ĐT của địa phương luôn luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của Đảng ủy, HĐND, UBND các cấp từ xã đến huyện, đến tỉnh và Trung ương. Đảng bộ, HĐND, UBND các cấp luôn xác định rõ nhiệm vụ, vị trí, vai trò của sự nghiệp GD-ĐT, từ đó tập trung chỉ đạo, đầu tư đẩy mạnh sự nghiệp GD-ĐT phát triển. Đời sống nhân dân dù còn khó khăn nhưng đa số các bậc phụ huynh rất quan tâm đến việc học hành của con cái. Công tác chỉ đạo của ngành GD có nhiều định hướng đổi mới đúng đắn, chỉ đạo nhà trường tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ GD. Chất lượng GD của nhà trường nhiều năm trở lại đây đã phát triển đi lên và tương đối ổn định. 2.2.3. Khó khăn Một số bậc phụ huynh do hoàn cảnh, do nhận thức hạn chế nên không quan tâm lắm tới việc học của con cái. Mối quan hệ giữa NT, GĐ và XH có nơi còn chưa thực sự chặt chẽ. Nội dung, phương pháp, hình thức phối hợp giữa NT, GĐ và XH chưa phù hợp với đặc điểm của trẻ. Hoạt động phối hợp giữa NT, GĐ và XH tuy đã có tác động tốt đến trẻ nhưng chưa được tổ chức thường xuyên, nội dung chưa thiết thực với cộng đồng XH. Vai trò, trách nhiệm của bậc làm cha, làm mẹ trong việc chăm sóc, GD con cái trong một bộ phận phụ huynh chưa cao. Một số nhà trường, GV chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc, GD trẻ. Ở một số địa bàn, sự phối hợp của cộng đồng XH trong việc chăm sóc GD trẻ chưa thực sự phát huy có hiệu quả. 2.3. Nội dung phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non 2.3.1. Nội dung phối hợp giữa nhà trường với gia đình Để góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, GD trẻ ở trường MN, NT và nhóm, lớp cần tạo điều kiện để GĐ có thể tham gia vào nhiều hoạt động khác nhau như: - Phối hợp thực hiện chương trình chăm sóc bảo vệ sức khỏe cho trẻ: Tham gia khám sức khỏe, theo dõi sức khỏe cho trẻ theo định kì; trao đổi kiến thức chăm sóc sức khỏe cho trẻ; Phòng chống suy dinh dưỡng và béo phì cho trẻ; - Phối hợp thực hiện chương trình GD trẻ: Tham gia xây dựng kế hoạch GD của NT, của nhóm, lớp; Tham gia hoạt động thực hiện các nội dung GD trẻ phù hợp với chương trình; Phối hợp với NT trong việc tổ chức ngày lễ, ngày hội, tổ chức ngày sinh nhật cho trẻ; - Phối hợp kiểm tra, đánh giá công tác chăm sóc, GD trẻ: Tham gia cùng với ban giám hiệu NT kiểm tra, đánh giá chất lượng chăm sóc, GD; Tham gia đóng góp ý kiến với NT về chương trình và phương pháp chăm sóc, GD trẻ; - Phối hợp với NT trong việc xây dựng môi trường trường học, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng đồ chơi của nhóm lớp,; - Phối hợp và góp ý với GV về: thái độ, tác phong, hành vi ứng xử, của GV và nhân viên trong trường với trẻ và phụ huynh. 2.3.2. Hình thức phối hợp giữa nhà trường với gia đình: - Thông qua bảng thông báo của NT hoặc tại mỗi nhóm mỗi lớp, thông tin tuyên truyền tới phụ huynh các ý kiến về chăm sóc, GD trẻ hoặc thông báo về nội dung hoạt động, các yêu cầu của NT đối với GĐ, hoặc những nội dung mà GĐ cần phối hợp với GV trong việc thực hiện chương trình chăm sóc GD trẻ; - Trao đổi thường xuyên với GĐ hàng ngày trong các giờ đón, trả trẻ; - Tổ chức họp phụ huynh đầu năm để thông báo cho GĐ những công việc, thảo luận về các hình thức phối hợp giữa GĐ và NT hoặc kết hợp phổ biến kiến thức chăm sóc, GD trẻ cho cha mẹ; - Tổ chức những buổi sinh hoạt, phổ biến kiến thức chăm sóc, GD trẻ theo chuyên đề đặc biệt hoặc khi có dịch bệnh; - Thông qua các đợt kiểm tra sức khỏe cho trẻ; - Thông qua các hội thi, hoạt động văn hóa văn nghệ; - GV đến thăm trẻ tại nhà; - Phụ huynh tham quan các hoạt động của NT. 140 VJE Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt Kì 1 tháng 5/2018, tr 138-142 2.3.3. Ví dụ 1: Tổ chức hoạt động Hội chợ của bé [GĐ và NT phối hợp cùng thực hiện] Mục đích: - Giúp trẻ được trải nghiệm không gian hội chợ; - Luyện cho trẻ sự tự tin khi đứng trước người khác [trẻ tự mua, tự làm người bán hàng]; - Giúp trẻ có ý thức biết quý trọng những sản phẩm lao động. Nội dung: - Cô cùng phụ huynh và trẻ chuẩn bị những sản phẩm trưng bày tại hội chợ như tranh vẽ, vòng tay, vòng cổ, dây buộc tóc, khung ảnh, mô hình các vật dụng trong GĐ, vật trang trí, một số món ăn nhẹ,; - Phụ huynh phối hợp giúp đỡ NT trong công tác chuẩn bị, trang trí các gian hàng; - Phụ huynh tham gia mua các phiếu mua hàng để cho trẻ được trải nghiệm việc tự mua, tự bán các sản phẩm mình làm ra. 2.4. Nội dung phối hợp giữa nhà trường và xã hội trong chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non 2.4.1. Nội dung phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tại địa phương: - Phối hợp với cấp ủy Đảng, Chính quyền địa phương. Tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương về: Tăng cường cơ sở vật chất cho trường MN [quy hoạch, xây dựng trường lớp, hàng rào, thiết bị, đồ dùng, đồ chơi,]; Chỉ tiêu huy động trẻ trong độ tuổi đến trường MN. - Phối hợp với Hội Phụ nữ: + Nâng cao nhận thức và năng lực của phụ nữ, của nhân dân để họ tham gia tích cực vào việc tổ chức, quản lí thực hiện hoạt động chăm sóc, GD trẻ, huy động các GĐ đưa trẻ trong độ tuổi đến lớp; + Huy động sự tham gia của các tầng lớp phụ nữ vào các hoạt động lập kế hoạch xây dựng, đóng góp bảo vệ các công trình phúc lợi, các hoạt động chăm sóc, GD trẻ; + Các cơ sở GD MN phối hợp với đội ngũ tuyên truyền viên của Hội Phụ nữ để trang bị cho hội viên phụ nữ những kiến thức nuôi dạy con theo khoa học; + Các cơ sở GD MN cùng với Hội Phụ nữ thực hiện các dự án như: GD dinh dưỡng cho các đối tượng được hưởng là bà mẹ có con trước tuổi đến trường, có con suy dinh dưỡng; + Vận động cha mẹ đóng góp xây dựng trường, lớp, đầu tư cơ sở vật chất thiết bị cho GD MN - Phối hợp với Đoàn Thanh niên: + Phát động phong trào làm đồ chơi, đồ dùng học tập cho trẻ, đóng góp công sức lao động xây dựng cơ sở vật chất cho các cơ sở GD MN; + Phát động phong trào từ thiện cho các em có hoàn cảnh khó khăn; + Phổ biến kiến thức chăm sóc, GD trẻ MN cho đoàn viên thanh niên; + Phối hợp tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ thông qua các ngày hội, ngày lễ. - Phối hợp với ban Dân số - GĐ và trẻ em Xây dựng chương trình hành động vì trẻ em, phát động tháng hành động vì trẻ em để bảo vệ và thực hiện quyền trẻ em. - Phối hợp với trạm y tế tại địa phương cùng chăm lo sức khỏe cho trẻ: + Phối hợp tổ chức khám sức khỏe định kì cho trẻ; tổ chức các chiến dịch tiêm vắc xin cho trẻ; + Hướng dẫn các bậc cha mẹ phòng chống một số bệnh thường gặp ở trẻ em: Các bệnh về hô hấp, còi xương, suy dinh dưỡng, tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi; + Phối hợp xử lí khi có các dịch bệnh xảy ra ở trường. - Phối hợp với Hội Khuyến học: + Phối hợp với Hội xây dựng quỹ học bổng, quỹ khen thưởng nhằm khuyến khích và hỗ trợ phong trào học tập của các cháu; + Động viên trẻ đi học chuyên cần, đến lớp theo độ tuổi đảm bảo số lượng; + Tuyên truyền, phối hợp với phụ huynh nuôi con khỏe, dạy con ngoan. - Phối hợp với Hội Nông dân và các tổ chức khác: Cùng với Hội Nông dân tham mưu với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tạo điều kiện mọi mặt hỗ trợ cho hoạt động của trường MN như: cấp kinh phí xây dựng trường, lớp, thiết bị dạy và học Ngoài ra, cơ sở GD MN có thể kết hợp với Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi, Hội Chữ thập đỏ, để tạo thành một lực lượng hùng hậu, rộng khắp ủng hộ tích cực cho sự nghiệp phát triển GD MN của địa phương. 2.4.2. Hình thức tổ chức phối hợp: - Huy động tài chính, cơ sở vật chất vào việc chăm sóc, GD trẻ MN tại địa phương; - Huy động nhân lực vào việc chăm sóc, GD trẻ MN; - Huy động cộng đồng đánh giá kết quả chăm sóc, GD trẻ MN. 2.4.3. Phương pháp tổ chức phối hợp: - Thông qua các cuộc họp, hội nghị của các tổ chức XH; - Tổ chức góc tuyên truyền cho cha mẹ các cháu ở lớp; - Thông qua các buổi họp phụ huynh của NT; - Thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng: đài phát thanh,; - Thông qua các buổi phổ biến kiến thức của Hội Phụ nữ; - Qua các buổi họp của Hội Nông dân, Hội Khuyến học, thôn, xóm; - Thông qua tổ chức các hội thi về nuôi con khỏe, dạy con ngoan; - Thành lập các ban chăm sóc sức khỏe, kế hoạch hóa GĐ... 2.4.4. Ví dụ 2: Tổ chức hoạt động Tết vì người nghèo quê em - Mục đích: + Trẻ được tham gia buổi lễ chung tay góp sức giúp đỡ người nghèo tại địa phương có một cái tết ấm cúng; + Trẻ được trải nghiệm công việc thiện nguyện vì cộng đồng; + Trẻ hiểu thêm và biết trân quý những gì mình đang có. - Nội dung: + Trẻ tham gia múa hát văn nghệ chào mừng buổi lễ; + Trẻ cùng bố mẹ tham gia đóng góp quần áo, sách vở, tiền; + Trẻ và cô cùng các tổ chức đoàn thể trong địa phương chung tay góp sức làm những việc thiện ích và ý nghĩa. 141 VJE Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt Kì 1 tháng 5/2018, tr 138-142 2.5. Một số biện pháp phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội: - Tuyên truyền rõ mục đích của việc phối hợp giữa NT, GĐ và XH về việc chăm sóc, GD trẻ MN để cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị XH, cha mẹ trẻ hiểu rõ và có trách nhiệm cùng với GV và NT nuôi dạy các cháu theo khoa học. Muốn thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc GD trẻ, NT cần phải tuyên truyền, giải thích để mọi người trong XH cùng hiểu và qua đó cũng tranh thủ được sự giúp đỡ của các lực lượng GD trong và ngoài NT. Phương pháp tuyên truyền đó là: thông qua ngày toàn dân đưa trẻ đến trường; thông qua họp phụ huynh; thông qua ngày hội, ngày lễ; thông qua đón, trả trẻ hàng ngày; thông qua các chủ đề, chủ điểm trên lớp hoặc hệ thống truyền thanh; - Nâng cao chất lượng chăm sóc, GD trẻ trong NT. Để thực hiện tốt biện pháp này, trước hết, GV phải thực sự yêu nghề, mến trẻ, là người mẹ thứ hai của trẻ, ngoài việc thường xuyên nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cần phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, đạo đức nhà giáo. GV phải gương mẫu trong ăn mặc, trong cử chỉ, trong hành động, trong lời nói, cần tạo được mối đoàn kết trong NT, có tinh thần tương thân, tương ái giúp đỡ nhau trong đồng nghiệp, thường xuyên quan tâm đến hoàn cảnh của mọi cháu. Có mối quan hệ tốt với phụ huynh và cùng phụ huynh chăm sóc, GD trẻ; - Làm tốt công tác tham mưu. Muốn nâng cao chất lượng chăm sóc, GD trẻ, GV phải làm tốt công tác tham mưu cho NT, NT làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể về mọi mặt, qua đó NT tranh thủ được sự giúp đỡ của GĐ, XH về nội dung chăm sóc, GD trẻ, về cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động của NT, cùng với GĐ và cộng đồng XH xây dựng được khối đoàn kết toàn dân, tình làng, nghĩa xóm và cùng nhau chăm sóc GD trẻ. 3. Kết luận Phối hợp giữa NT, GĐ và XH có vai trò và tác động vô cùng quan trọng trong quá trình chăm sóc, GD trẻ. GĐ là nơi trẻ được sinh ra, lớn lên và hình thành nhân cách của mình. Ảnh hưởng GD của GĐ đến với trẻ là đầu tiên và sớm nhất. GD con cái trong GĐ không phải chỉ là việc riêng tư của bố mẹ, mà còn là trách nhiệm đạo đức và nghĩa vụ công dân của những người làm cha mẹ. Nó được xác định trong nhiều văn bản pháp luật ở nước ta hiện nay như trong Hiến pháp, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, gắn với quan hệ máu mủ ruột thịt và tình yêu thương sâu sắc của ông bà, cha mẹ với con cái nên GD GĐ mang tính xúc cảm mạnh mẽ, có khả năng cảm hóa lớn nhất. Để việc GD GĐ có hiệu quả tốt, các bậc cha mẹ cần quan tâm xây dựng một GĐ đầy đủ, toàn vẹn, trong đó mọi thành viên có nghĩa vụ và trách nhiệm với nhau. Xây dựng một phong cách sinh hoạt có nền nếp, phù hợp nhu cầu, hứng thú nhằm phát huy những mặt tích cực của trẻ. Đặc biệt, cha mẹ, người lớn phải giữ uy tín, vai trò gương mẫu của mình trong GĐ và ngoài XH. Để thống nhất và tập hợp được sức mạnh của toàn XH trong việc GD thế hệ trẻ, NT vừa phải không ngừng nâng cao chất lượng GD toàn diện vừa phải phối hợp chặt chẽ với GĐ, với các tổ chức XH. NT cần phát huy vai trò là trung tâm văn hóa GD của địa phương, tổ chức việc phổ biến các tri thức khoa học kĩ thuật, văn hóa XH đặc biệt là những kiến thức, biện pháp GD trẻ trong điều kiện XH phát triển theo cơ chế thị trường đang rất phức tạp cho các bậc cha mẹ, giúp họ hiểu được đặc điểm trong đời sống, tâm, sinh lí của trẻ hiện nay. Tài liệu tham khảo [1] Trích bài phát biểu của Bác tại Hội nghị cán bộ Đảng trong ngành giáo dục tháng 6/1957 trong cuốn Hồ Chủ tịch bàn về giáo dục [1962]. NXB Giáo dục; tr 168-172. [2] Phí Hải Nam [2017]. Sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong chăm sóc, giáo dục trẻ em. // www.tapchicongsan.org.vn [3] VVOB Việt Nam [2016]. Tăng cường mối quan hệ gia đình, nhà trường và xã hội góp phần thúc đẩy xã hội hóa công tác giáo dục. NXB Đại học Sư phạm. [4] Quốc hội [2005]. Luật Giáo dục 2005. Luật số 38/2005/QH11 ban hành ngày 14/6/2005. [5] Bộ GD-ĐT [2008]. Quyết định số 11/2008/QĐBGDĐT ngày 28/3/2008 về việc ban hành điều lệ cha mẹ học sinh. [6] Bộ GD-ĐT [2008]. Chỉ thị số 71/2008/CT- BGDĐT ngày 23/12/2008 về tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội. [7] Bộ GD-ĐT [2009]. Thông tư số 17/2009/TT- BGDĐT ngày 25/7/2009 về việc thực hiện chương trình giáo dục mầm mon. [8] Chính phủ [2010]. Quyết định số 239/QĐ-TTg ngày 09/02/2010 về việc phê duyệt đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2006-2015. [9] Nguyễn Ánh Tuyết [2008]. Giáo dục học mầm non. NXB Giáo dục. 142

Video liên quan

Bài Viết Liên Quan

Chủ Đề