Lục thân quyến thuộc là gì

Trong Phật pháp có đến 8 vạn 4 ngàn pháp môn. Pháp môn Trì Danh Niệm Phật là phương pháp dễ tu và mau chóng đạt kết quả nhất. Nếu quý vị thật sự phát tâm vì muốn cứu thân bằng quyến thuộc vĩnh viễn xa lìa ác đạo, quý vị phải mạnh dạn bước vào Niệm Phật Đường, chân thật niệm Phật, đồng thời phải có tâm kiên cố.

Trong cuộc sống, dẫu có nhiều bận rộn một tuần ít nhất quý vị phải đến Niệm Phật Đường một ngày. Niệm Phật vì ai? Vì giúp đỡ thân bằng quyến thuộc hiện kiếp cũng như thân nhân nhiều đời nhiều kiếp đã qua. Công đức nầy thật to lớn vô cùng.

Hiện nay trong Niệm Phật Đường của chúng ta, mỗi tuần Niệm Phật một lần 24 giờ. Một ngày như vậy, quý vị hãy buông xả thân tâm, vạn duyên thế giới bên ngoài. Dùng tấm lòng chân thành, thanh tịnh, từ bi. Đồng thời với tâm niệm báo ân để niệm Phật. Được như thế việc niệm Phật của quý vị mới mong có kết quả tốt và nhất là đối với ông bà, tổ tiên, cha mẹ đã quá cố của quý vị được vô cùng lợi lạc, công đức của quý vị cũng thật là to lớn.

Trong đây có người thắc mắc: “Làm sao biết được thân bằng quyến thuộc lúc nào thoát khỏi ác đạo?” Xin thưa rằng: “Ngay lúc quý vị ‘phát tâm chân thành’ niệm Phật, họ lập tức thoát khỏi ác đạo”. Bởi vì việc làm của quý vị chân thật, không giả dối thì liền được cảm ứng, chứ không phải chờ đến khi quý vị niệm Phật, đến lúc công phu thành khối họ mới được siêu thoát. Tuy nhiên, nếu công phu của quý vị thành khối, nghĩa là không xen tạp, không gián đoạn, có thể gọi là “chứng tiểu quả” thì phước báo của họ sẽ được sanh lên thượng thiện đạo [trời, người, a tu la]. Trường hợp công phu niệm Phật của quý vị không ngừng nâng cao thì thân bằng quyến thuộc của quý vị sẽ không bao giờ trở lại ác đạo. Đến đây quý vị đã hiểu rõ hai mặt lý và sự của công đức niệm Phật rồi.

Từ đây quý vị tự biết mình phải làm thế nào khi phát tâm niệm Phật để đền đáp công ơn sâu dầy đối với Cửu Huyền Thất Tổ, thân bằng quyến thuộc.

Phát tâm niệm Phật là điều rất tốt. Tuy nhiên, nếu không có ngoại duyên hỗ trợ, nghiệp chướng, tập khí của mình làm công phu không được đắc lực.

Một Niệm Phật Đường chân chính là một tăng thượng duyên giúp chúng ta tu hành, duyên nầy rất thù thắng. Hôm qua có một vị đồng tu người Mỹ đến nói với tôi rằng: “Tôi vào Niệm Phật Đường, thấy chung quanh đều có hình Phật, khiến tôi có cảm giác như chính mình cũng là Phật”. Cảm giác nầy thật sự không sai.

Điểm thù thắng khác ở Niệm Phật Đường là được mỗi ngày nghe giảng Kinh thuyết pháp. Sau khi nghe và hiểu được nghĩa lý trong kinh, siêng năng tu hành. Đây gọi là “giải, hành tương ưng”. Nếu một Niệm Phật Đường hằng ngày không được nghe giải kinh thuyết pháp, người niệm Phật không thể nào giải hành tương ưng được. Đa số dễ lạc vào hình thức niệm Phật. Như vậy hiệu quả sẽ khác nhau xa lắm.

Công phu niệm Phật của chúng ta một khi đã thành khối, không những thân bằng quyến thuộc của kiếp nầy, thậm chí đến nhiều đời nhiều kiếp trước mà chúng ta không biết hoặc không thể nhớ, họ vẫn được siêu độ. Nghĩ đến việc này, nếu chúng ta không siêng năng nỗ lực tu hành, chúng ta thật có lỗi với ông bà tổ tiên, thân bằng quyến thuộc. Do đó, khi vào niệm Phật, chúng ta phải mang “tâm tri ân báo ân” để niệm Phật. Chính cái tâm này là một động lực mạnh mẽ thúc đẩy chúng ta tinh tấn, dõng mãnh không ngừng. Hôm nay họ vẫn còn kẹt trong ác đạo, không có khả năng giải thoát nên họ hoàn toàn trông cậy ở chúng ta. Những người hiểu Phật pháp, hiểu giáo lý, chân thật y giáo phụng hành, không những giúp họ ra khỏi cảnh khổ, mà mọi tai kiếp hiện nay trên thế giới đều có thể giải hóa, có thể đạt đến chỗ quốc thái dân an như lời Phật nói. Cho nên, niệm Phật không phải vì chính mình, mà vì thân bằng quyến thuộc, vì tất cả chúng sanh.

Hòa Thượng Tịnh Không

Sinh trên cuộc đời này, ai  cũng có nội quyến thuộc là  ông bà, cha mẹ, anh em và  bạn bè là ngoại quyến thuộc. Và quan sát quyến thuộc của ta thì biết được nghiệp thiện hay ác của mình. Thật vậy, gần chúng ta nhất là mối quan hệ sâu nặng với gia đình, dòng họ mình. Nếu được sinh trong dòng họ cao quý và gia đình đạo đức, thì biết căn lành, phước báu của chúng ta có đủ; từ đó, phát tâm tu hành, sẽ dễ dàng thành tựu đạo nghiệp.

Chính vì lực ảnh hưởng mạnh mẽ của dòng họ, gia đình đến việc tu hành, nên Bồ tát Phổ Hiền đã phát nguyện rằng “Sanh ra dòng họ cùng dung sắc, tướng tốt, trí huệ đều đầy đủ, các ma ngoại đạo không phá được, kham làm phước điền cho ba cõi. Mau đến cội Bồ đề thọ vương, ngồi an hàng phục các chúng ma, thành đạo Chánh giác nói pháp mầu, khắp lợi tất cả loài hàm thức”. Đó chính là những điều kiện hoàn toàn tốt đẹp hỗ trợ cho người tu mau thành tựu quả vị Vô thượng Chánh đẳng giác.

Kinh Pháp Hoa diễn tả ý này bằng ví dụ người đào giếng trên cao nguyên, nếu đào đến đất ướt, đất bùn, thì biết sắp đào đến nước; nói cách khác, hành giả tu Bồ tát đạo nếu xuất thân từ dòng họ cao quý, đạo đức và có thể lực tốt, trí lực thông minh, là người sắp đào đến nước, tức sắp thành tựu quả vị Phật.

 Còn những người bị khổ đau và khổ nhất là ở địa ngục, mới phát Bồ đề tâm tu hành, nghĩa là ở hoàn cảnh vô cùng khó khăn tiêu biểu bằng hình ảnh người đào giếng ở trên cao nguyên tất nhiên phải rất khổ cực mới đào đến nước. Thực tế là những người làm thuê, người bệnh hoạn, hoặc bị bệnh di truyền, chẳng hạn như có gene ung thư từ ông bà, cha mẹ, thì việc tu hành sẽ bị chướng ngại rất lớn. Đối với người muốn tu, mà có cha mẹ hung dữ, hận thù, gây tạo nhiều oan trái với mọi người, họ tu rất khó.

Theo tinh thần Pháp Hoa, người này phải rời bỏ gia đình, đi tìm người trí để nương tựa, kinh diễn tả là “Lìa bỏ quyến thuộc ngu si, thân cận người trí”.

Người từ dòng họ thấp kém tìm đến chỗ cao quý tiêu biểu cho Phật pháp, mà muốn hưởng ngay thì không được, phải cam phận hốt dọn phân nhơ. Vì vậy, vào chùa tu hành, được giao cho việc quét dọn phân, hay làm việc cực nhọc trong chúng, thì phải biết dọn dẹp tâm mình; nghĩa là nghiệp và phiền não khởi lên, phải lo xóa sạch. Chẳng hạn mình nghèo, bị bệnh hoạn, bị khinh khi, bị ăn hiếp...; trong khi người khác là con nhà giàu, cha mẹ họ cúng dường chùa, nên họ được thầy trụ trì nể hơn mình. Thuở nhỏ đi tu, tôi cảm nhận điều này đầu tiên, nỗ lực vừa dọn nhà vệ sinh trong chùa, vừa lo gội rửa tâm mình; không ý thức thân phận như vậy mà đòi chia phần thì bị đuổi ra khỏi chùa sớm.

Người xuất thân từ dòng họ cao quý đi lên rất dễ. Còn ta ở vị trí thấp, phải có quá trình vượt khó, phải biết mình đang ở trên cao nguyên đào giếng, phải luôn ý thức vị trí cùng tử của mình ở trong nhà Phật pháp, tức là làm tôi cho Phật, miễn có cơm ăn để tu, để làm việc phục vụ đại chúng. Bên ngoài siêng năng làm việc nặng nhọc, bên trong lo diệt phiền não, cho đến thân tâm đều thanh tịnh, thì cùng tử được trưởng giả dạy rằng “Ngươi là người làm công nhưng không có tánh hèn hạ như những người làm công khác nhiều ham muốn, làm ít mà đòi hỏi nhiều. Ngươi biết an phận, nên ta cho ngươi bồn chậu, gạo, muối, giấm …”  và cùng tử cũng xài tiết kiệm, không dám phung phí. Nghĩa là Phật cho, hay đại chúng chia cho cái gì thì mình nhận, không đòi hỏi, thậm chí quên chia phần mình, mình cũng vui vẻ.

Trên bước đường tu, khi nào quý vị thấy Phật gọi mình đến và xoa đầu thọ ký, thì trở lại thực tế cuộc sống, mình sẽ không thiết tha đến trần thế, mới trở thành quyến thuộc của Phật, của Bồ tát. Từ đó, phiền não trần lao không khởi dậy, cho nên tuy còn mang thân chúng sinh, nhưng tánh hèn hạ của chúng sinh không còn; vì mình không đòi hỏi, không ham muốn, không bực tức và việc quan trọng đối với mình là được ở trong nhà Phật pháp, hay được tu hành. Riêng tôi luôn có ý niệm này, kham nhẫn tu hành, miễn cho ở trong chùa là được, bắt làm gì cũng chịu và chỉ lo công quả.

 Dọn sạch tâm mình giống Phật, thì dù xuất thân từ giai cấp thấp, mà đã bứt phá được tâm thấp hèn, thì chẳng những được Phật xoa đầu thọ ký, mà đại chúng cũng có thiện cảm với mình. Điều này nói lên lực vô hình và hiện thực cuộc sống gắn liền với nhau. Còn chỉ nghĩ đến vô hình thôi thì chỉ là ảo giác, hoặc chỉ căn cứ vào thực tế thôi thì rơi vào chủ nghĩa duy vật cũng không đúng. Phải thấy được sự kết nối giữa lực vô hình với hiện thực cuộc sống, hay thấy được mối tương quan của cuộc sống quá khứ với hiện tại là thấy đúng sự thật. Ví dụ người ta nghi mình ăn cắp, trong khi mình không hề ăn cắp, thì phải suy nghĩ rằng đời trước mình đã có nghiệp ăn cắp, cho nên đời này mới hiện ra tướng ăn cắp. Tu hành phải sám hối cho tiêu nghiệp và cách sám hối tốt nhất là làm việc thiện để xóa việc ác. Càng làm nhiều việc thiện càng mau hết nghiệp, hoặc càng bị chống phá, mình càng gia công tu hành. Làm mà không có người chống, thì nghiệp lâu hết, hoặc làm mà ai cũng khen, coi chừng nghiệp ngã mạn sinh ra.

Ngài Huệ Tư dạy rằng người ta chống là chống cái nghiệp của mình, đừng dại khờ lấy nghiệp làm mình mà bị đọa. Người ta chê mình dốt, mình cũng đồng tình chống lại cái nghiệp dốt này bằng cách ráng học cũng đỗ đạt có bằng cấp, cũng làm được Phật sự, thì họ không thể chê được nữa mà còn phải đính chính lại lời nói sai lầm của họ.

Tu hành phải biết chuyển nghiệp, chuyển hoàn cảnh khổ của mình trở thành phương tiện tu hành, tạo được kết quả tốt đẹp. Chúng ta thường nghe nói: “Vô ma khảo bất thành đại đạo”, nhờ có ma thử thách, mình đọ sức, mới biết được năng lực tu hành đến đâu, hay nhờ đó, mình rời được quyến thuộc ngu si, thân cận người trí, ở trong nhà Phật pháp, được thầy thương bạn mến. Nói cách khác, được làm quyến thuộc Bồ đề của thầy, của Bồ tát, được làm bạn với người tốt.

Được làm quyến thuộc của Bồ tát, nên ta được tham gia vào việc của Bồ tát, rời bỏ được thế giới trần ai mà tiến bước theo lộ trình Bồ tát là phát tâm cầu Phật đạo và giáo hóa chúng sinh. Vì vậy, chúng ta chỉ có hai việc này là hết lòng tu học và nương theo Bồ tát để độ sinh. Từ đời này cho đến vô lượng kiếp về sau, tất cả mười phương Phật thuyết pháp, ta đều theo học không bỏ sót và tất cả Bồ tát giáo hóa chúng sinh, ta đều tùy thuận. Còn bản thân chưa làm được gì, nhưng công lao của người khác thì khởi lòng ganh tỵ, đó là ác ma.

Cần ý thức rằng đối với các Phật sự, hỗ trợ trực tiếp hay gián tiếp đều tốt, vì có đóng góp như vậy để ta trở thành quyến thuộc của Bồ tát. Sự hỗ tương này, kinh Pháp Hoa gọi là Liên hoàn thủ hộ. Ai cũng làm Phật, nhưng ở chỗ này thì vị này làm chủ, ở chỗ khác thì vị khác làm chủ. Ví dụ tịnh xá Trung Tâm làm thì Ngọc Phương ủng hộ. Còn chùa này làm chùa khác chống, hay lơ là, làm sao Phật pháp hưng thạnh. Nên biết rằng ủng hộ chùa không phải là ủng hộ vị trụ trì chùa đó, mà là ủng hộ việc Phật sự, thì tâm mình sẽ nhẹ nhàng, hoan hỷ.

Trên bước đường hành Bồ tát đạo, với tâm tùy thuận và hỗ trợ lẫn nhau trong các việc Phật sự, chúng ta tích lũy được công đức trong kho vô tận tạng, mà Đức Phật dạy rằng phải trải qua ba A tăng kỳ kiếp đầy đủ hạnh Bồ tát mới thành Phật.

Nhìn theo Phật, người mới tu nhưng làm được việc lớn là biết họ đã tu nhiều kiếp trước. Qua thực tế cuộc sống, chúng ta nhận ra điều này. Đời trước đã tu phước thì đời này phải có phước, đời trước đã tu huệ thì đời này phải có huệ và đời trước đã độ chúng sinh thì đời này phải có nhiều quyến thuộc. Có trí tuệ thấy người đáng giúp mới giúp, thấy việc cần làm mới làm và nhờ công đức lực của Bồ tát chuyển hóa người nhận của bố thí phát tâm Bồ đề, đó là mục tiêu của người tu; nếu không, họ chỉ là quyến thuộc thế gian, đến một lúc nào không có khả năng cho họ nữa, họ sẽ bất mãn, bỏ chùa, hoặc trở thành người ăn hại, hay chống lại mình và tất nhiên mình cũng bị buồn phiền. Nhiều người làm từ thiện đã kết thành quả xấu này. Nếu người được mình giúp đỡ, ăn nên làm ra và họ lại giúp người khác, là giúp đúng, cả hai đều sanh phước và ta ở giữa cũng được phần công đức, nghĩa là quyến thuộc Bồ đề tăng thêm.

Đức Phật đã trải qua ba A tăng kỳ kiếp hành Bồ tát đạo, mới kết thành quyến thuộc rộng lớn, cho nên khi Ngài thị hiện sanh lại Ta bà thì số quyến thuộc này sanh theo, người làm vua, làm tướng, làm trưởng giả, hoặc làm giáo chủ ngoại đạo, như Xá Lợi Phất, giáo chủ đạo thần lửa; Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp, giáo chủ đạo thần rắn; Ca Chiên Diên là chiêm tinh gia… Họ bỏ ngôi vị tối cao của ngoại đạo để theo Phật một cách dễ dàng, hoặc vua chúa trưởng giả cũng vậy, phát tâm dũng mãnh ủng hộ Phật pháp, là vì theo tinh thần kinh Pháp Hoa, những người này nhiều đời đã là quyến thuộc của Phật, sanh lại để hộ trì Chánh pháp. Và đến hội Pháp Hoa, Đức Phật mới mở ra cho thấy quyến thuộc của Ngài rộng lớn khắp mười phương.

 Mong rằng tất cả đệ tử Phật đều cố gắng xây dựng được quyến thuộc Bồ đề đúng Chánh pháp, để trên lộ trình hành Bồ tát đạo, đời nào cũng có quyến thuộc hết lòng hỗ trợ cho mọi Phật sự được thành tựu viên mãn và tất cả cùng tiến đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng giác.

HT.Thích Trí Quảng

Video liên quan

Chủ Đề