Mua sắm trong trường hợp khẩn cấp

Chiều 20-9, dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TC-NS) Nguyễn Phú Cường cho biết, Thường trực Ủy ban TC-NS nhận thấy, trong quá trình 8 năm thực hiện, hệ thống văn bản hướng dẫn về thi hành Luật Đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, lựa chọn nhà đầu tư là khá lớn, với 8 nghị định, 23 thông tư, 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Vì vậy, một trong những yêu cầu đặt ra đối với việc sửa đổi luật lần này là cần luật hóa tối đa các quy định hiện hành đã áp dụng ổn định để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khắc phục tình trạng luật khung, luật ống, góp phần giảm đến mức thấp nhất số lượng các văn bản dưới luật được ban hành.

Mua sắm trong trường hợp khẩn cấp
Chủ nhiệm Ủy ban TC-NS Nguyễn Phú Cường 

Liên quan đến các nội dung cụ thể, Thường trực Ủy ban TC-NS đã nêu ý kiến về 6 nhóm vấn đề với 23 nội dung.

Trong đó, về đối tượng, phạm vi điều chỉnh, dự thảo luật đang tiếp cận theo hướng liệt kê trong phạm vi điều chỉnh bao gồm những quy định các hoạt động phải đấu thầu và các hoạt động không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật.

“Như vậy dẫn đến việc bỏ sót và khó bao quát đầy đủ các hoạt động thực tiễn phát sinh. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu theo hướng quy định rõ trong phạm vi điều chỉnh các hoạt động phải đấu thầu, đối với các hoạt động không thuộc đối tượng “phải đấu thầu” thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật; đối với những hoạt động đấu thầu đã được quy định trong luật chuyên ngành khác thì quy định nguyên tắc thực hiện theo luật chuyên ngành”, Chủ nhiệm Nguyễn Phú Cường bình luận.         

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ rà soát, làm rõ khái niệm “vốn nhà nước” để đảm bảo thống nhất với quy định tại các luật có liên quan như Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Đối tác công tư…

Đối với dự án đầu tư có sử dụng đất thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu, cần rà soát, thống nhất với dự án Luật Đất đai sửa đổi (cũng đang được Quốc hội xem xét, cho ý kiến).

Đây là một nhận xét rất đáng lưu ý của cơ quan thẩm tra. Dự thảo luật đã bổ sung, mở rộng thêm nhiều trường hợp áp dụng hình thức chỉ định thầu. Cơ quan thẩm tra nhận định, điều này là chưa thực sự phù hợp với mục tiêu “nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế”.

Mua sắm trong trường hợp khẩn cấp
Các đại biểu tham dự phiên họp

Theo người đứng đầu Ủy ban TC-NS, cần giới hạn việc áp dụng chỉ định thầu với các trường hợp đặc thù. Cụ thể là: dự án cấp bách; đảm bảo bí mật liên quan đến an ninh, quốc phòng; đầu tư mua sắm thuốc, hóa chất, sinh phẩm, trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch bệnh trong trường hợp khẩn cấp; các trường hợp đặc thù gắn với việc đảm bảo yêu cầu đồng bộ về công nghệ, nghiên cứu thử nghiệm, mua bán bản quyền sở hữu trí tuệ.

“Đề nghị Chính phủ rà soát cụ thể từng trường hợp, đánh giá tác động của các trường hợp này để bảo đảm mục tiêu, yêu cầu sửa đổi Luật Đấu thầu đã đặt ra, tránh việc lợi dụng, lạm dụng chỉ định thầu”, báo cáo thẩm tra nêu rõ.

Về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, Thường trực Ủy ban TC-NS cho rằng việc bổ sung quy định về trường hợp đặc biệt lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư là cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ làm rõ thế nào là trường hợp đặc biệt, thế nào là đặc thù; đồng thời cần quy định nguyên tắc, tiêu chí, điều kiện, yêu cầu đối với các gói thầu được áp dụng lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt.

ANH PHƯƠNG

Bộ Tài chính gỡ vướng mắc khi mua sắm phục vụ phòng, chống dịch COVID-19

Hà Nội (TTXVN 2/9) Bộ Tài chính vừa có văn bản số 9754/BTC-HCSN gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về rà soát các vướng mắc về mua sắm phục vụ phòng, chống dịch COVID-19. Theo Bộ Tài chính, việc mua hàng dự trữ quốc gia trong trường hợp khẩn cấp phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 không thể áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu quy định tại các Điều 20, 21, 22, 23, 24 và 25 Luật Đấu thầu (đấu thầu rộng rãi; đấu thầu hạn chế; chỉ định thầu; chào hàng cạnh tranh; mua sắm trực tiếp; tự thực hiện) vì điều kiện thời gian không cho phép. Do vậy, để tháo gỡ vướng mắc này, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ cho áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu khi mua sắm hàng dự trữ quốc gia phục vụ yêu cầu bấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Ngoài ra, các gói thầu bốc xếp, bao bì đóng gói, bảo hiểm đối với hàng dự trữ quốc gia khi xuất cấp đáp ứng yêu cầu cấp bách cũng cần thiết được áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu. Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính Quyết định số 17/2019/QĐ-TTg ngày 8/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về một số gói thầu, nội dung mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên được áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 26 của Luật Đấu thầu chưa điều chỉnh đối với các gói thầu này, dẫn đến khó khăn nhất định trong xuất cấp hàng dự trữ quốc gia đáp ứng tính huống khẩn cấp.

Vì thế, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 17/2019/QĐ-TTg theo hướng bổ sung thêm các gói thầu mua hàng dự trữ quốc gia trong trường hợp khẩn cấp phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 và gói thầu thuê bốc xếp, bao bì đóng gói, bảo hiểm hàng dự trữ quốc gia trong trường hợp phải giao hàng ngay đáp ứng yêu cầu cấp bách.

Trước đó, ngày 17/8, Bộ Tài chính nhận được Công văn số 5411/BKHĐT-QLĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về rà soát các vướng mắc về mua sắm phục vụ phòng, chống dịch COVID-19./.

Thùy Dương

Bộ Tài chính vừa có văn bản hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về nguồn kinh phí, cơ chế mua sắm đối với phương tiện, trang thiết bị, hóa chất, vật tư, sinh phẩm phục vụ phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, tại văn bản số 4841/BTC-HCSN của Bộ Tài chính nêu rõ: Để phòng, chống dịch COVID-19 theo phương châm “4 tại chỗ” là dự phòng, cách ly điều trị tại chỗ; cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men, phòng hộ tại chỗ; kinh phí tại chỗ; nhân lực tại chỗ, Bộ Tài chính đề nghị các địa phương chủ động bố trí nguồn ngân sách địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác để thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 theo phương án phòng, chống dịch của Bộ Y tế; đảm bảo đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả; không để thiếu kinh phí, nhất là kinh phí mua sắm sinh phẩm, vật tư y tế.

Ngân sách Trung ương hỗ trợ các địa phương để thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định tại Quyết định số 482/QĐ-TTg ngày 29/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương trong phòng, chống dịch COVID-19.

 Trong tổ chức thực hiện, trường hợp địa phương có khó khăn về cân đối ngân sách địa phương, UBND tỉnh kịp thời báo cáo về Bộ Tài chính để xem xét xử lý theo quy định.

 Trường hợp cấp bách, địa phương được chỉ định thầu

Mua sắm trong trường hợp khẩn cấp

Xét nghiệm sàng lọc COVID-19

Về cơ chế mua sắm phương tiện, trang thiết bị, hóa chất, vật tư, sinh phẩm phục vụ phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Tài chính đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện và chịu trách nhiệm toàn diện đối với công tác mua sắm phương tiện, trang thiết bị, hóa chất, vật tư, sinh phẩm phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định của pháp luật về đấu thầu và quy định của pháp luật liên quan.

Về hình thức lựa chọn nhà thầu, căn cứ Quyết định 447/QĐ-TTg ngày 1/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc công bố dịch COVID-19 và tình hình diễn biến dịch bệnh để chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý tổ chức đấu thầu theo các hình thức lựa chọn nhà thầu quy định tại các Điều 20, 21, 22, 23, 24, 25 và 26 Luật Đấu thầu.

Theo đó, trong thời gian có dịch được cấp có thẩm quyền công bố, các địa phương được quyết định theo thẩm quyền việc thực hiện chỉ định thầu đối với các gói thầu mua sắm thuộc phạm vi quản lý để triển khai công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong trường hợp cấp bách theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 22 Luật Đấu thầu.

 Chủ tịch tỉnh, thành phố quyết định việc xác định giá gói thầu

Về giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu, công văn nêu rõ, giá gói thầu được tính đúng, tính đủ toàn bộ chi phí để thực hiện gói thầu, kể cả chi phí dự phòng, phí, lệ phí và thuế. Theo quy định tại Thông tư số 58/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính, khi xác định giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu cần căn cứ vào ít nhất một trong các tài liệu sau:

Thứ nhất, giá hàng hóa cần mua của ít nhất 3 đơn vị cung cấp hàng hóa khác nhau trên địa bàn để làm căn cứ xác định giá gói thầu; trong trường hợp không đủ 3 đơn vị trên địa bàn có thể tham khảo trên địa bàn khác đảm bảo đủ 3 báo giá.

Thứ hai, dự toán mua sắm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (gồm: Chủng loại tài sản, hàng hóa, dịch vụ, số lượng, đơn giá hoặc toàn bộ dự toán được bố trí để mua sắm một loại tài sản, hàng hóa, dịch vụ trong năm).

Thứ ba, kết quả thẩm định giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện thẩm định giá tài sản, doanh nghiệp thẩm định giá đối với các loại tài sản, hàng hóa, dịch vụ phải thẩm định giá theo quy định của Luật Giá.

Thứ tư, giá thị trường tại thời điểm mua sắm được tham khảo từ thông tin chính thống do các nhà cung cấp theo quy định của pháp luật Việt Nam công bố được khai thác qua mạng Internet.

Thứ năm, giá của gói thầu mua sắm loại hàng hóa tương tự trong thời gian trước đó gần nhất, tối đa không quá 30 ngày.

Căn cứ quy định nêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo, quyết định việc xác định giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo quy định; không được phát sinh thêm thủ tục hành chính làm chậm trễ, ách tắc trong việc mua sắm. Giá đề nghị trúng thầu không vượt giá gói thầu được phê duyệt theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 43 Luật Đấu thầu.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm về chất lượng, giá cả, tổ chức quản lý, phân phối, sử dụng bảo đảm công khai, minh bạch, không để xảy ra lãng phí, tiêu cực, thất thoát ngân sách, tài sản của nhà nước; không để xảy ra tình trạng thiếu sinh phẩm, vật tư, thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19 theo đúng chỉ đạo, tình huống và kịch bản phòng, chống dịch COVID-19 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế.

Bộ Tài chính cũng đề nghị cơ quan tài chính và Kho bạc Nhà nước các cấp tại địa phương thực hiện quản lý kinh phí mua sắm phương tiện, trang thiết bị, hóa chất, vật tư, sinh phẩm phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 theo đúng quy định của pháp  luật, không được phát sinh thêm thủ tục hành chính làm chậm trễ, ách tắc trong việc mua sắm.

Thái Bình

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/truong-hop-cap-bach-dia-phuong-duoc-chi-dinh-thau-mua-sam-thiet-bi-chong-dich-covid-19-n192716.html