Nhận định điểm chuẩn đại học năm 2022

Trao đổi với PV báo Dân Việt về điểm chuẩn đánh giá năng lực năm 2022, TS Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM chia sẻ: "Năm 2022, trường đưa ra mức điểm sàn [ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với hình thức xét tuyển dựa vào kết quả thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức] là 700 điểm. Mức điểm này tương tự năm 2021 và nhà trường cũng cơ bản giữ nguyên các phương thức xét tuyển như năm 2021. 

Chính vì vậy, mặc dù điểm thi của thí sinh có xu hướng thấp hơn năm 2021 nhưng do lượng thí sinh đăng ký và dự thi năm nay đông hơn nên rất có thể điểm chuẩn sẽ không có nhiều biến động. Theo tình hình chung, ở các ngành "hot" rất có thể có sự tăng nhẹ nếu số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển cao.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh: Phạm Hưng

Hiện nay một số trường đã bắt đầu công bố điểm chuẩn xét tuyển bằng hình thức sử dụng kết quả thi kỳ thi đánh giá năng lực 2022. Qua theo dõi điểm chuẩn của các trường này, nhận thấy mặc dù điểm thi của thí sinh thấp nhưng điểm chuẩn một số ngành vẫn có xu hướng tăng và tăng mạnh. Tuy nhiên, cũng có một số ngành giảm, số ngành giảm và mức điểm giảm không thể hiện tính tiêu biểu. 

Việc điểm thi thấp nhưng điểm chuẩn tăng có thể là do lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào ngành đó khá cao, sức hút của các ngành "hot" vẫn thu hút thí sinh và tập trung các thí sinh có kết quả khá cao đăng ký xét tuyển. Mặt khác, có thể do các trường điểu chỉnh tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển giữa các ngành, giữa các phương thức xét tuyển đã vô tình làm điểm chuẩn của phương này ở những ngành đó tăng lên".

Theo TS Trần Đình Lý: "Việc tổ thức kỳ thi đánh giá năng lực để bổ sung phương thức xét tuyển đại học rõ ràng là có nhiều mặt tích cực và đã được phân tích nhiều. Trong một kỳ thi/xét tuyển nếu có nhiều phương án thì thí sinh có nhiều cơ hội hơn để trúng tuyển ngành mà mình yêu thích, các trường tăng cao khả năng lựa chọn được những thí sinh phù hợp với yêu cầu, tiêu chí mà mình đặt ra và nâng cao chất lượng đầu vào của từng trường. 

Mặt khác, thí sinh tham gia xét tuyển bằng kỳ thi đánh giá năng lực đã giảm được áp lực vào kỳ thi tốt nghiệp THPT sử dụng để xét tuyển đại học và với việc kỳ thi này tổ chức đánh giá kết quả tổng hợp nhiều lĩnh vực cũng giúp cho thí sinh thoát khỏi việc "học lệch" theo khối thi như trước đây. Thí sinh có thể phát huy khả năng tổng hợp vấn đề, kiến thức xã hội và năng lực học tập để xét tuyển vào ngành mà mình yêu thích, xét về góc độ hướng nghiệp sẽ tăng cơ hội học tập đúng ngành, ra trường làm đúng nghề hơn việc cố gắng vào một trường đại học/ngành học theo khối mà mình đã học tập nhưng không thực sự yêu thích.

Tuy nhiên, dù sao đây là một kỳ thi và ít nhiều thí sinh vẫn chịu áp lực của một kỳ thi, thí sinh, phụ huynh phải chịu một lần di chuyển, tốn kém khi phải di chuyển lên một khu vực nhất định để dự thi. Một vấn đề cần cân nhắc là nếu không có giải pháp đồng bộ, công tác truyền thông không phù hợp hoặc nhận thức của thí sinh, phụ huynh không đúng sẽ xảy ra hiện tượng "luyện thi" đánh giá năng lực. Nếu có các hiện tượng đó thì việc sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực để xét tuyển đại học sẽ gặp các hạn chế như trước đây các trường từng tổ chức thi đại học".

Điểm chuẩn đánh giá năng lực một số ngành có thể lên đến 920-950

Thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên Sinh học tại Hà Nội cho hay: "Mới đây, Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội công bố phổ điểm thi đánh giá năng lực [HSA]. Thống kê dữ liệu cho thấy mức điểm cao nhất là 135/150 và chỉ một em đạt được, thấp nhất là 24. Điểm trung bình là 79,3. Ở nhóm thí sinh điểm cao, có 16 em trong khoảng 125-131 điểm. Số thí sinh đạt 75 điểm trở lên chiếm gần 62%, từ 80 trở lên là 48,3%, từ 90 là 23,9%. Chỉ 8% thí sinh đạt 100 điểm trở lên và 1,6% có điểm thi bằng hoặc cao hơn 110. 

Với phổ điểm như vậy thì khả năng điểm chuẩn các trường sử dụng kết quả thi HAS có thể có điểm chuẩn từ 80 điểm trở lên. Những thí sinh trên 100 điểm có cơ hội rất lớn để đỗ vào các trường top giữa, trong khi đó để đỗ những trường top 1 thì các thí sinh có thể phải cần mức điểm khoảng 110 điểm. Đối với các trường sử dụng kết quả thi đánh giá giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM, điểm bài thi đánh giá năng lực là 1.200 điểm, điểm chuẩn các trường sẽ rơi vào khoảng 550-900 điểm, những trường top đầu, ngành học hot như Y dược, Công nghệ thông tin, Kinh tế đối ngoại… thì điểm chuẩn có thể lên đến 920-950.

Các thí sinh cần lưu ý rằng năm 2022, các phương thức xét tuyển đều có chung lọc ảo, do đó sau khi thi THPT, có kết quả cần căn cứ với kết quả thi đánh giá năng lực để lựa chọn dùng phương thức nào xét tuyển vào ngành mình mong muốn, phương thức nào có điểm cao hơn, ưu thế hơn. Tuy nhiên các thí sinh cũng cần căn cứ cả vào số chỉ tiêu dành cho mỗi phương thức để đưa ra sự lựa chọn tối ưu nhất cho mình".

Hiện tại đã có một số trường công bố điểm chuẩn trúng tuyển đại học năm 2022.

Trường ĐH Kinh tế TP.HCM công bố điểm trúng tuyển 4 phương thức, trong đó điểm xét tuyển từ kỳ thi đánh giá năng lực nhiều ngành trên 900 điểm, cao nhất là 950 điểm. Cụ thể, điểm chuẩn đánh giá năng lực 2022 với mức khá cao - trên 900 điểm thuộc về các ngành: Công nghệ truyền thông [910 điểm], ngành Tài chính Quốc tế và ngành Khoa học dữ liệu [920 điểm], ngành Kinh doanh quốc tế [930 điểm], ngành Marketing và ngành Thương mại điện tử [940 điểm]. Cao nhất ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng với 950 điểm. Đây đều là những ngành "hot" được thí sinh yêu thích trong các năm gần đây. 

Điểm chuẩn Học viện Hàng không là 750-800 điểm. Điểm chuẩn của Trường Đại học Nha Trang dao động ở mức từ 600 đến 725 và có áp dụng điểm tiếng Anh - điểm trung bình lớp 12 môn tiếng Anh đối với 18/39 ngành/chương trình đào tạo...

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 đã kết thúc, đề thi năm nay được nhiều giáo viên, thí sinh [TS] đánh giá ở mức “dễ thở”, phù hợp với điều kiện dạy học trong khó khăn vì dịch bệnh. Tuy nhiên, với chỉ tiêu xét tuyển dành cho điểm thi ngày một giảm, điểm chuẩn xét tuyển vì thế cũng được dự báo sẽ biến động ở mức cao.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022. Ảnh: HOÀNG GIANG

Điểm xét tuyển ĐH sẽ tăng?

Đánh giá tổng quan về kỳ thi năm nay, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du [TP.HCM], cho rằng với năm bài thi, nội dung đề ở chín môn thi đều cơ bản để xét tốt nghiệp THPT. Những phần để phân hóa năng lực TS, xét tuyển đại học [ĐH] cũng không quá khó hay đánh đố học trò. Theo ông Phú, phổ điểm năm nay sẽ dao động nhiều từ 5 đến 6,5. Những em học chuyên hoặc những em giỏi, học có đầu tư và nghiêm túc sẽ dễ dàng đạt điểm 9, 10. Do đó, điểm xét tuyển vào ĐH năm nay sẽ rất cao.

Chưa kể, theo ông Phú, năm nay các trường ĐH sử dụng nhiều phương thức xét tuyển, riêng phương thức dùng điểm thi tốt nghiệp THPT chỉ ở mức trung bình, thậm chí một số trường xét dưới 50% chỉ tiêu. Nhiều em đi thi với tâm thế chỉ cần đậu tốt nghiệp vì đã có suất vào ĐH bằng những phương thức khác. Điều này sẽ càng đẩy điểm chuẩn ĐH tăng lên rất cao.

“Về lâu dài tôi nghĩ chúng ta cần nghiên cứu giải pháp để kỳ thi này trở nên nhẹ nhàng hơn vì áp lực thi cử hiện nay vẫn rất nặng nề. Nếu kỳ thi chỉ để xét tốt nghiệp thôi sẽ đơn giản. Hãy để việc xét tuyển ĐH cho các cơ sở đào tạo tự quyết, tự lo bằng nhiều hình thức khác” - ông Phú góp ý.

TS cần xem xét đến chỉ tiêu của từng ngành và số lượng hồ sơ nộp vào ngành đó để có những chiến thuật điều chỉnh nguyện vọng thông minh.

ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho rằng với đề thi năm nay, nhiều em sẽ làm được bài, mức bình quân là 8-9 điểm cho mỗi môn. Vì thế, tính toán mức điểm năm nay và với nhiều phương thức xét tuyển khác, các trường ĐH sẽ lấy điểm cao hơn [bình quân] năm ngoái khoảng 0,5 điểm.

Những trường ĐH có mức điểm cao như Y Dược, Bách khoa, Kinh tế... sẽ có mức điểm dao động trong khoảng 22-28,5 điểm, tùy theo ngành. Mức trúng tuyển vào các ngành hot vì nhiều TS giỏi quan tâm như y đa khoa, công nghệ thông tin, logistics, truyền thông đa phương tiện... của các trường sẽ cao hơn năm 2021 khoảng 0,5-1,5 điểm.

Còn ông Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng [Đồng Nai], lại cho rằng qua ghi nhận khi làm nhiệm vụ kiểm tra thi tại Bình Dương, nhiều giáo viên đánh giá đề thi tốt nghiệp năm nay có độ phân hóa cao hơn những năm trước, phổ điểm sẽ biến động nhưng điểm chuẩn vào các trường ĐH có thể sẽ không thay đổi nhiều.

Tuy nhiên, ông Quỳnh cho rằng năm nay Bộ GD&ĐT yêu cầu lọc ảo ở tất cả phương thức, vì thế tỉ lệ xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp THPT dự đoán sẽ tăng. Đồng thời với nhiều phương thức xét tuyển như hiện nay, trường sẽ chủ động để giữ ổn định điểm chuẩn bằng cách xác định tỉ lệ trúng tuyển ở mỗi phương thức.

Thống kê từ Bộ GD&ĐT, năm nay, cả nước có hơn 1 triệu TS đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Trong đó, gần 88% số TS dự thi vừa để xét tốt nghiệp vừa để xét tuyển ĐH. Tổng chỉ tiêu ĐH năm nay chỉ hơn 550.000 TS và có đến 20 phương thức xét tuyển.

Thí sinh cẩn trọng khi đặt nguyện vọng

Theo kế hoạch mà Bộ GD&ĐT đã công bố, việc xét tuyển ĐH năm nay có nhiều thay đổi lớn khi TS được đăng ký xét tuyển ĐH sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT. Đồng thời bộ sẽ tiến hành lọc ảo ở tất cả phương thức xét tuyển ở đợt 1, do đó các TS cũng cần lưu ý nhiều điểm mới để không bị nhầm lẫn, sai sót trong quá trình xét tuyển.

Về vấn đề này, ông Phạm Thái Sơn lưu ý rằng sau khi thi xong, TS cần theo dõi trên cổng thông tin của Bộ GD&ĐT để biết thời gian đăng ký các nguyện vọng của mình, theo thời gian đã công bố.

Đặc biệt với phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, TS cần liệt kê ra các ngành, trường mà các em thấy phù hợp để đăng ký, bởi nếu không liệt kê thì TS sẽ khó khăn hơn trong khâu đăng ký của mình.

ThS Trần Vũ, Trưởng phòng Thông tin - Truyền thông [Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM], lưu ý TS sau khi thi xong cần tìm hiểu về những ngành đã đủ điều kiện trúng tuyển theo các phương thức mà các trường đã công bố để lựa chọn nguyện vọng ưu tiên khi đăng ký tại cổng thông tin của Bộ GD&ĐT.

Nếu TS mong muốn xét tuyển theo phương thức dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc các phương thức kết hợp thì cần theo dõi phổ điểm để đánh giá đúng tình hình và lựa chọn các ngành có mức điểm năm ngoái phù hợp với điểm số. Cũng trên nguyên tắc ngành nào muốn chọn nhất thì đặt nguyện vọng 1.

“Các vấn đề về tuyển sinh của từng trường, TS nên hỏi bộ phận tư vấn của các trường để tránh nhiễu thông tin và cũng được cập nhật tin chính xác hơn, tránh tâm lý hoang mang lo lắng ảnh hưởng đến sức khỏe” - ThS Vũ khuyên.

Ông Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng [Đồng Nai], cho biết từ ngày 22-7 đến 20-8, TS sẽ đăng ký xét tuyển và điều chỉnh nguyện vọng trên hệ thống tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.

“TS cần xem xét đến chỉ tiêu của từng ngành và số lượng hồ sơ nộp vào ngành đó để có những chiến thuật điều chỉnh nguyện vọng thông minh. TS cần thận trọng tìm hiểu kỹ về các ngành, về trường sẽ giúp các em không rơi vào hoàn cảnh “mọi chuyện đã rồi” hoặc phải bỏ học giữa chừng vì không phù hợp” - ông Quỳnh nhắn gửi.•

Các mốc thời gian thí sinh cần lưu ý

Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, ngày 24-7, các sở GD&ĐT sẽ công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT.

- Trước 17 giờ ngày 15-7: TS nộp hồ sơ xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo mẫu [không giới hạn số nguyện vọng] về các cơ sở đào tạo.

- Từ ngày 1-7 đến 18-7, TS phải sử dụng tài khoản đã được cấp để rà soát kết quả điểm học tập [học bạ] cấp THPT trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung. Nếu sai, TS báo lại để được chỉnh sửa.

- Từ ngày 22-7 đến 17 giờ ngày 20-8, TS đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần theo hình thức trực tuyến trên hệ thống hoặc trên cổng dịch vụ công quốc gia.

- Từ ngày 21-8 đến 17 giờ ngày 28-8: TS phải xác nhận số lượng, thứ tự và nộp lệ phí trực tuyến các nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống.

- Từ ngày 22-7 đến 17 giờ ngày 20-8: TS trúng tuyển thuộc đối tượng xét tuyển thẳng có thể xác nhận nhập học trên hệ thống.

- Từ ngày 4-9 đến 17 giờ ngày 15-9: Thực hiện lọc ảo trên hệ thống.

- Trước 17 giờ ngày 17-9: Các cơ sở đào tạo xác nhận điểm trúng tuyển và công bố kết quả trúng tuyển đợt 1.

Video liên quan

Chủ Đề