Nhiệm vụ cấp bách của cách mạng Việt Nam sau đại thắng mùa Xuân năm 1975 là gì

Xe tăng quân Giải phóng tiến vào chiếm Dinh Độc Lập, trưa 30/4/1975. [Ảnh: TTXVN]

[Thanhuytphcm.vn] - Chiến tranh đã lùi xa gần một nửa thế kỷ, nhưng cứ mỗi độ tháng 4 về, triệu triệu con tim Việt Nam lại trào dâng cảm xúc đặc biệt về ký ức hào hùng và bi tráng của cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân năm 1975, để rồi ngày 30/4/1975 đã mãi khắc sâu trong tâm khảm của qua bao thế hệ người Việt Nam yêu nước, ngày mà cả dân tộc vỡ ào trong niềm vui giải phóng, ngày mà tất cả chúng ta đón nhận niềm hân hoan bất tận khi nước nhà được độc lập, non sông thu về một dải, Bắc Nam sum họp một nhà. Hòa bình lập lại, toàn thể dân tộc ta như được hồi sinh, lịch sử dân tộc sang trang mới, mở ra kỷ nguyên của độc lập, tự do, thống nhất và cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội…

Hồi tưởng lại thời khắc thiêng liêng ấy, mỗi chúng ta lại càng thấu hiểu sâu sắc hơn, trọn vẹn hơn giá trị và ý nghĩa to lớn của đại thắng mùa Xuân năm 1975 trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

- Đại thắng mùa Xuân 1975 – thắng lợi của một dân tộc yêu chuộng hòa bình, khát vọng vươn tới độc lập, tự do và luôn đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Có sự thật dường như đã trở thành chân lý là đến trước thời điểm diễn ra cuộc tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân năm 1975, trên thế giới, chưa có quốc gia nào từng phải gánh chịu nỗi đau và sự tàn phá khủng khiếp từ chiến tranh như Việt Nam. Một ngàn năm dân tộc ta chịu sự kìm kẹp của phong kiến phương Bắc, hơn một trăm năm cùng khổ dưới ách đô hộ của chế độ thực dân và hai mươi năm, nhân dân Việt Nam phải từng ngày chống chọi với cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ. Hơn ai hết, dân tộc Việt Nam thấu hiểu được sự lầm than, khốn cùng khi phải sống trong thân phận đọa đày, đau khổ, phải chứng kiến cảnh nước mất, nhà tan, quê hương bị giày xéo, đất nước bị chia cắt bởi âm mưu xâm lược, thôn tính của kẻ thù. Thế nhưng, trải qua những khó khăn, nghịch cảnh, mất mát, hy sinh, hơn hết Nhân dân Việt Nam hiểu rõ được giá trị của hòa bình, độc lập, tự do và thống nhất đất nước.

Cùng với sự phát triển của tình thế cách mạng dân tộc, khát vọng ấy ngày càng mãnh liệt hơn, tạo nên khí phách, bản lĩnh, trí tuệ và niềm tin son sắc vào ngày toàn thắng của cách mạng, khát vọng ấy đã trở thành mắc xích vô hình kết nối toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đoàn kết, đồng lòng tổng tiến công và nổi dậy tiến về Sài Gòn giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Cũng từ đó, trong mỗi người dân Việt Nam đã sục sôi ý chí “quyết chiến, quyết thắng”, “thần tốc, táo bạo”, “không có gì quý hơn độc lập, tự do” với quyết tâm “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, “dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”, khát vọng ấy đã hun đút lên ngọn lửa cách mạng chân chính “vì độc lập, vì tự do” “đánh cho Mỹ cút”, “đánh cho ngụy nhào”. Để rồi từ sức mạnh vô địch được kết tinh từ khát vọng ấy, quân và dân ta đã giành thắng lợi vang dội trên chiến trường, đập tan bộ máy cai trị của chính quyền Việt Nam cộng hòa trên toàn miền Nam, chính thức đặt dấu chấm hết cho cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, hoàn thành sứ mệnh lịch sử của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổ chức bắn pháo hoa chào mừng dịp Lễ 30/4 và 1/5. [Ảnh: TTXVN]

- Đại thắng mùa xuân năm 1975 – đỉnh cao của nghệ thuật lãnh đạo và chỉ đạo chiến tranh cách mạng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân tố quyết định cho mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, trong đó, rõ nhất là với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nhân tố ấy chính là: Sự kiên định, vận dụng đúng đắn, sáng tạo, khoa học của chủ nghĩa Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng; chủ trương, quyết sách đúng đắn, kịp thời trong mỗi thời kỳ, giai đoạn cách mạng; sự nhạy bén, linh hoạt và uyển chuyển trong những thời khắc quyết định của tình thế cách mạng; khả năng nắm bắt, chớp lấy thời cơ cách mạng để tổng tiến công nổi dậy, giành chính quyền; sự quy tụ và phát triển phong trào cách mạng cũng như khả năng vận động, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của quốc tế đối với công cuộc giải phóng dân tộc…

Bao trùm lên tất cả là sức mạnh lãnh đạo tài tình, thao lược và sáng tạo Đảng mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đảng đã biết khai thác, khơi dậy mọi tiềm năng thế mạnh của nhân tố con người và kết hợp chặt chẽ các nhân tố đó với nhau làm cho sức mạnh toàn dân tộc tăng lên bội phần. Đó là nghệ thuật kết hợp từ đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, từ khởi nghĩa từng phần tiến lên chiến lược chiến tranh cách mạng. Đó là cuộc đấu tranh toàn dân, toàn diện với tư tưởng chiến lược cách mạng tiến công không ngừng, với phương châm chiến lược đánh lâu dài và nghệ thuật giành thắng lợi từng bước. Trong đó, dựa vào hai lực lượng [chính trị quần chúng và vũ trang nhân dân]; ba mũi giáp công [quân sự, chính trị và binh vận]; ba vùng chiến lược [rừng núi, đồng bằng và đô thị]; nghệ thuật trong sự kết hợp biện chứng, nhịp nhàng giữa nổi dậy và tiến công, tiến công và nổi dậy; giữa sức mạnh hậu phương lớn miền Bắc với sức mạnh của tiền tuyến lớn miền Nam; giữa sức mạnh nội sinh và sức mạnh quốc tế, giữa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; nghệ thuật đồng thời giải quyết hai nhiệm vụ cách mạng: Giải phóng miền Nam với xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Không có gì là quá đáng, khi khẳng định rằng, những gì tinh túy nhất, giá trị nhất của đường lối chiến tranh cách mạng, chiến tranh nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hội tụ đầy đủ nhất, toàn diện nhất trong Chiến dịch Hồ Chí Minh mà điểm nút của nó chính là đại thắng mùa xuân vào ngày 30/4 lịch sử.

- Đại thắng mùa Xuân năm 1975 - Biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Trong đó trước tiên phải kể đến là những phẩm chất sáng ngời của ý chí và tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng của tình dân quân, nghĩa đồng bào; sự chi viện, kề vai sát cánh của hậu phương miền Bắc đối với tuyến miền Nam, đó cũng là mối quan hệ khăng khít không thể tách rời của cách mạng xã hội chủ nghĩa với cách mạng giải phóng dân tộc qua các phong trào thi đua yêu nước như: “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, thanh niên “ba sẵn sàng”, phụ nữ “ba đảm đang”... ở miền Bắc. Nhờ đó, chỉ trong ba tháng đầu năm 1975, hậu phương miền Bắc đã dốc sức đưa vào chiến trường miền Nam gần 12 vạn cán bộ, chiến sĩ; chi viện 230 nghìn tấn vật chất các loại, bảo đảm 81% vũ khí, 60% xăng dầu, 65% thuốc men, 85% xe vận tải... những điều kiện cần thiết, tối quan trọng góp phần thắng lợi lớn của cuộc tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. [Nguồn: TTXVN]

Song song đó là biểu tượng sáng ngời về tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của quân và dân miền Nam với các phong trào như “Bám đất, giữ làng”, “Một tấc không đi, một li không dời”, “Giết giặc lập công”, “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”... Biểu tượng sáng ngời về chiến đấu kiên cường, anh dũng, sự hy sinh cao cả, không tiếc máu xương của biết bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ, đồng bào ta để làm nên ngày toàn thắng, cho nước nhà độc lập, cho non sông thống nhất, cho Tổ quốc vẹn nguyên, cho khúc hát hòa bình được vang mãi. Đó còn là biểu tượng sáng ngời về ý chí và tinh thần lạc quan cách mạng, về niềm tin “kháng chiến nhất định thắng lợi”, “đến ngày thắng lợi nhân dân ta sẽ xây dựng đất nước Việt Nam đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như mong ước lúc sinh thời của Bác Hồ… Tất cả đã làm nên bền bỉ trong ý chí, tinh thần và bản lĩnh Việt Nam, sự toàn thắng của trí tuệ, niềm tin và sức mạnh Việt Nam. Những giai điệu tự hào ấy đã góp phần viết nên bản hùng ca sáng chói của cả dân tộc Việt Nam, biểu tượng anh hùng của thế kỷ XX – dường như là đó là chân lý không ai có thể phủ nhận được.

- Đại thắng mùa Xuân năm 1975 - sự kiện mang tầm quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc. Thắng lợi ngày 30/4/1975 không chỉ là mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, mà chiến công ấy còn mang ý nghĩa quốc tế sâu sắc và tầm vóc thời đại to lớn. Bởi sau thực dân Pháp của hơn 20 năm về trước, dân tộc ta lại đánh bại một kẻ thù xâm lược hiếu chiến, tàn bạo và nguy hiểm đe dọa đến nền hòa bình và sự tồn vong của nhân loại tiến bộ, của phong trào cách mạng quốc tế lúc bấy giờ. Điều mà nhiều nhà chính trị gia trên thế giới sau này đã phải thừa nhận và đưa vào trong các nghiên cứu của mình về Việt Nam. Đại thắng mùa Xuân 1975, đã có tác động và ảnh hưởng sâu sắc đến chiến lược toàn cầu phản cách mạng của Mỹ, đến phong trào giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa thực dân mới, đến cán cân giữa xã hội chủ nghĩ và tư bản chủ nghĩa, bồi đắp thêm những chính nghĩa cho nhân loại. Hình ảnh lá cờ chiến thắng của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Dinh Độc Lập - Phủ Tổng thống của chính quyền Sài Gòn – toàn bộ nội các của chính quyền Sài Gòn bị bắt và phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện vào trưa ngày 30/4/1975 không chỉ là biểu tượng bất tử của cách mạng Việt Nam mà nó còn là niềm tự hào của phong trào cách mạng tiến bộ, của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Từ đây cách mạng Việt Nam đã chính thức hòa vào dòng thác của cách mạng thế giới, đường lối chiến tranh nhân dân với tinh thần quyết chiến quyết thắng của Việt Nam lần đầu tiên được góp mặt trong bảo tàng lịch sử quân sự quốc tế…, đưa Việt Nam trở thành “trung tâm”, “chỗ dựa” của phong trào cách mạng vô sản thế giới; sự anh dũng, can trường và quật khởi của Nhân dân Việt Nam trong kháng chiến cứu quốc đã trở thành tấm gương tiêu biểu cho phong trào đấu tranh vì hòa bình, vì mục tiêu dân sinh, dân chủ và giải phóng dân tộc trên thế giới; tư tưởng “không có gì quý hơn độc lập, tự do” đã trở thành chân lý của thời đại, và khi ấy “vị thế và uy tín của nước Việt Nam và dân tộc Việt Nam… lên ngang tầm các nước, các dân tộc trên thế giới”. Điều đó đã được thừa nhận không chỉ trong nội bộ của những người cộng sản anh em, trong dư luận của nhân loại tiến bộ mà ngay cả trong chính những nhân vật đã từng nếm trải thất bại cay đắng trong cuộc đụng độ lịch sử với dân tộc Việt Nam – năm tháng sẽ trôi qua nhưng lịch sử đấu tranh của nhân dân Việt Nam anh hùng sẽ không bao giờ phai mờ trong trí nhớ loài người.

- Đại thắng mùa Xuân năm 1975 – mở ra kỷ nguyên hòa bình, độc lập dân tộc và đi lên chủ nghĩa xã hội. Trong suốt chiều dài của lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam ở mỗi thời đại đều ghi dấu những chiến công lẫy lừng. Trong đó, có thể khẳng định, đại thắng của cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 là một trong những chiến công hiển hách nhất, lẫy lừng nhất, vang dội nhất của dân tộc Việt Nam qua mọi thời đại. Thắng lợi này không chỉ có ý nghĩ giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, giang sơn thu về một dải. Mà còn đưa lịch sử dân tộc bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của hòa bình, hòa hợp dân tộc; kỷ nguyên của độc lập, tự do; kỷ nguyên của đổi mới, hội nhập và phát triển; kỷ nguyên của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Mặc dù chiến tranh lùi xa, sự kiện 30/4/1975 chỉ còn trong ký ức của nhiều thế hệ, nhưng những giá giá trị, ý nghĩa và tầm vóc của Đại thắng mùa Xuân năm 1975 vẫn còn vẹn nguyên, đó sẽ tiếp tục là động lực tinh thần to lớn, là bệ đỡ tư tưởng quan trọng, là sức sống vô biên cổ vũ, khích lệ và đồng hành cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đoàn kết, vững tin hướng về phía trước, thực hiện thắng mọi mục tiêu, nhiệm vụ của dân tộc và thời đại, nhằm xây dựng đất nước Việt Nam phát triển, thịnh vượng, hùng cường.

Trong giai đoạn hiện nay, cách mạng Việt Nam đã và đang có những bước tiến rõ rệt với nhiều thời cơ lớn, nhưng đồng thời với đó cũng gặp phải không ít những thách thức đan xen, trong đó có phải kể đến những thách thức đến từ sự phai nhạt, những cái nhìn sai lệch về giá trị lịch sử dân tộc, đặc biệt là truyền thống kháng chiến kiến quốc của nhân dân ta. Hơn ai hết, hễ là người Việt Nam, chúng ta phải nhận thức sâu sắc, đúng đắn, đầy đủ và toàn diện và trân trọng lịch sử dân tộc cũng như thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đặc biệt là tính chính nghĩa của đại thắng mùa Xuân năm 1975. Đồng thời, góp sức, chung tay cùng cả hệ thống chính trị kiên quyết đấu tranh, loại bỏ những âm mưu, ý đồ xấu, nhằm xuyên tạc, bóp méo và xét lại lịch sử về chiến thắng 30/4/1975, về sự nghiệp giải phóng và thống nhất đất nước. Đó là nghĩa vụ và trách nhiệm thiêng liêng của tất cả chúng ta để Đại thắng mùa Xuân năm 1975 không chỉ là khúc ca khải hoàn của ngày hôm qua mà sẽ còn vang mãi hôm nay và cho đến tận mai sau.

Kiến Văn

Tin liên quan

Video liên quan

Chủ Đề