Phân tịch giá trị khoa học và thực tiễn của 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân

[QBĐT] - Năm 1948, trong thư gửi đồng chí Hoàng Mai - Giám đốc Công an khu XII, về việc xin ý kiến chỉ đạo của Bác về nhiệm vụ, biện pháp công tác, nội dung giáo dục đạo đức, tác phong cho CBCS Công an; tôn chỉ, mục đích và những việc phải làm của báo chí Công an. Bác viết: Trên báo, cần thường xuyên làm cho anh chị em Công an nhận rõ Công an của ta là Công an nhân dân, vì dân mà phục vụ và dựa vào dân mà làm việc. Trên tờ báo phải luôn luôn nhắc nhở anh em rèn luyện tư cách đạo đức. Tư cách của người Công an cách mệnh là:

Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính. Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ. Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành. Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép. Đối với công việc, phải tận tụy.

Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”.

6 điều Bác dạy, gói gọn trong 51 chữ song nếu thấm nhuần lời dạy của Bác sẽ làm toát lên nhân cách người chiến sỹ Công an nhân dân với tất cả vẻ đẹp chân, thiện, mỹ. Cần, kiệm, liêm, chính là các chuẩn mực đạo đức, các đức tính làm người. Người từng nói: “Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông.  Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có bốn đức: cần, kiệm, liêm, chính. Thiếu một mùa thì không thành trời. Thiếu một phương thì không thành đất. Thiếu một đức thì không thành người”.

Các tiêu chuẩn đạo đức này có quan hệ chặt chẽ với nhau, tạo tiền đề cho nhau, là bốn đức tính cần thiết của một con người, là thước đo trình độ văn minh, tiến bộ của một dân tộc. Đòi hỏi con người phải rèn luyện tu dưỡng.

Tiết mục tham gia hội thi sân khấu hóa "Thanh niên Công an Quảng Bình học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy".

Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu người cán bộ Công an phải tự mình rèn luyện, nghiêm khắc với chính bản thân mình, nhằm nâng cao phẩm chất đạo đức của người cán bộ cách mạng, kiên quyết quét sạch tư tưởng cá nhân chủ nghĩa. Kiên quyết đấu tranh gạt bỏ những tính toán vụ lợi, tư tưởng chia rẽ, bè phái, ích kỉ, nhỏ nhen ra khỏi đời sống sinh hoạt hằng ngày.

Người cán bộ Công an khi thật sự thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính”, tức là “ít lòng ham muốn vật chất”, đặt việc công lên trên, lên trước. Không sợ khó khăn, nguy hiểm, việc thiện thì dù nhỏ mấy cũng làm, việc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh: “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.

Đối với đồng sự phải thân ái giúp đỡ. Đây là giá trị nhân văn cao cả trong quan hệ giữa người với người, là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Đối với cán bộ, chiến sỹ Công an, ngoài việc hoàn thành nhiệm vụ của mình, thì cần có sự phối hợp, giúp đỡ đồng chí, đồng đội mình để cùng nhau hoàn thành công việc.

Trong mỗi một đơn vị, cán bộ, chiến sỹ Công an cần có mối quan hệ hòa nhã, tôn trọng lẫn nhau. Đề cao tinh thần đoàn kết, yêu thương đồng chí, đồng đội trong công tác cũng như đời sống. Phê bình và tự bình phải xuất phát từ sự yêu thương để cho bản thân mình và đồng chí đồng đội mình cùng tiến bộ, không vì sự ích kỷ, hẹp hòi của bản thân, tư thù cá nhân mà gây khó khăn cho đồng chí đồng đội mình...

Bác còn dạy: Đối với lực lượng Công an cần một lòng trung thành với Đảng: "chỉ biết sống chết vì Đảng, chỉ biêt còn Đảng là còn mình", một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Người cũng thường nói: "Nhiệm vụ Công an là bảo vệ và phục vụ nhân dân, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền nhân dân.

Vì thế vào thời điểm Bác Hồ gửi thư cho đồng chí Hoàng Mai - Giám đốc Công an khu XII năm 1948, Bác dặn rằng: "Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành". Đó là sự trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Đó là sự trung thực, tự nguyện đi theo lý tưởng cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn.

Bác còn dạy, CAND từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, phục vụ. Vì thế “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”. Cán bộ, chiến sỹ Công an trong công tác, chiến đấu, học tập, rèn luyện hằng ngày phải có thái độ kính trọng, lễ phép với nhân dân.

Kính trọng lễ phép với nhân dân không chỉ thái độ bên ngoài mà còn là tâm tư tình cảm bên trong. Cán bộ, chiến sỹ Công an cần hiểu rõ và nắm bắt kịp thời tâm tư, tình cảm và nguyện vọng chính đáng của người dân, từ đó nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tâm phục vụ nhân dân vô điều kiện, không vụ lợi cá nhân, bởi nhân dân là người đã che chở, giúp đỡ, đùm bọc CAND hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình...

Nhiệm vụ hết sức quan trọng của lực lượng Công an đó là đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Ở đây, những cán bộ, chiến sỹ Công an luôn phải đối mặt với các loại đối tượng, các loại tội phạm vô cùng nguy hiểm. Vì vậy, Bác dạy lực lượng Công an: "Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo". Đó là sự triển khai các biện pháp công tác một cách mưu trí, dũng cảm trong cuộc chiến cam go, khốc liệt với các loại tội phạm như xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Lực lượng Công an không khuất phục trước khó khăn, gian khổ, thậm chí là có thể hy sinh tính mạng của mình để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ nhân dân. Bác cũng đã từng dạy Công an: "Đối với những người không nguy hiểm lắm thì nên dùng chính sách cảm hóa, khoan dung". Vì thế, có thể khẳng định rằng, việc đấu tranh với địch, theo lời dạy của Người là cả một cuộc đấu lý, đấu trí, nhưng thấm đượm sự bao dung, nhân đạo, và mở ra cho những người không may bị lỗi lầm một con đường hướng thiện, trở lại với cuộc sống đời thường...

Đối với công việc, phải tận tụy. Đây là một trong những lời dạy hết sức ý nghĩa của Bác đối với lực lượng Công an. Đòi hỏi mỗi một công việc của cán bộ chiến sỹ Công an dù nhỏ hay lớn cần phải có kế hoạch, chương trình rõ ràng, nhất là trong công tác đấu tranh, phòng chống các loại tội phạm. Càng chi tiết, càng rõ ràng thì công việc càng trôi chảy và càng dễ thực hiện.

Điều tra, nắm tình hình một cách kỹ càng, tỷ mỉ, phản ánh được hiện thực khách quan, tránh oan sai, bỏ lọt tội phạm. Tận tụy với công việc là sự thể hiện tinh thần tránh nhiệm cao với công việc, đạo đức của người cán bộ, chiến sỹ CAND, miệt mài cống hiến để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Có thể nói, 70 năm đã trôi qua, song giá trị của 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân vẫn còn nguyên giá trị, nhất là trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Trước tình hình thế giới, khu vực, trong nước có nhiều diễn biến hết sức phức tạp, sự tác động của mặt trái cơ chế thị trường đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm tư, tình cảm của không ít cán bộ, chiến sỹ CAND.

Việc học Bác, thấm nhuần 6 lời dạy của Bác có ý nghĩa hết sức lớn lao trong việc xây dựng lực lượng CAND ngày càng chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, là chuẩn mực để cán bộ, chiến sỹ CAND phấn đấu, rèn luyện, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong việc đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Ngô Quang Văn  

,

- + Đọc bài viết In bài viết Gửi bài viết

Your browser does not support the audio element.

Sáu điều Bác dạy luôn là kim chỉ nam trong mọi hành động của lực lượng Công an nhân dân

18/03/2021

Cách đây 73 năm, vào đầu xuân Mậu Tý 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh có thư gửi đồng chí Hoàng Mai, Giám đốc Công an Khu 12. Thư đề ngày 11/3/1948. Trong đó chứa đựng tình cảm, sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt của Bác dành cho lực lượng Công an nhân dân. Từ đó, những lời dạy quý báu của Người được triển khai, quán triệt thực hiện nghiêm túc và trở thành một phong trào thi đua lớn, được phát động rộng rãi trong toàn lực lượng Công an nhân dân - Phong trào thi đua học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy.

Suốt 73 năm qua, 6 điều Bác dạy luôn là kim chỉ nam trong mọi hành động của cán bộ chiến sĩ Công an nhân dân cả nước. Từ phong trào thi đua học tập, thực hiện 6 điều Bác dạy đã xuất hiện rất nhiều tấm gương điển hình tiêu biểu, lập công xuất sắc trên các lĩnh vực công tác, chiến đấu. Cho đến hôm nay, những lời dạy quý báu của Người vẫn tươi nguyên giá trị, bởi nội dung, ý nghĩa sâu sắc, toàn diện đối với quá trình công tác, chiến đấu, tu dưỡng, rèn luyện của mỗi cán bộ chiến sĩ [CBCS] Công an. Đó là những phẩm chất không thể thiếu, là nhân tố quyết định để lực lượng Công an hoàn thành xuất sắc yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Tại Tiền Giang, cùng với Công an nhân dân [CAND] cả nước, tùy thuộc vào từng giai đoạn Cách mạng, từng hoàn cảnh lịch sử cụ thể, Công an tỉnh đã tổ chức phong trào với mục tiêu và nội dung cụ thể gắn với phong trào thi đua “Vì An ninh Tổ quốc”.

Những năm gần đây, phong trào này càng tăng thêm ý nghĩa khi được gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; hiện nay là Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và rất nhiều cuộc vận động, phong trào hành động Cách mạng khác trong toàn lực lượng. Trong Công an Tiền Giang, từng đơn vị, Công an địa phương đã phát động và tổ chức thực hiện với kế hoạch và các chương trình hành động cụ thể, thiết thực, phù hợp từng lĩnh vực, địa bàn, công tác phụ trách, mang tính sáng tạo riêng của từng nơi nhằm mang lại kết quả tốt nhất.

Thực tiễn quá trình công tác, chiến đấu, xây dựng lực lượng và trưởng thành của Công an tỉnh Tiền Giang đã chứng minh nhờ có ánh sáng soi đường của Đảng, có 6 điều dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam cho mọi hành động, toàn lực lượng Công an tỉnh từ lãnh đạo chỉ huy Công an cấp tỉnh đến địa phương, Công an cơ sở đều nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy phục vụ nhân dân, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao trong công cuộc đấu tranh xây dựng và bảo vệ tổ quốc, giữ gìn tốt trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Qua phong trào thi đua học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy, trong Công an Tiền Giang có hàng ngàn lượt tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu được các cấp tuyên dương khen thưởng, có hàng trăm lượt cá nhân nêu gương liêm khiết, không nhận hối lộ khi thi hành nhiệm vụ.

Hiện nay, trước nhiều khó khăn, thách thức và diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, khu vực, trong nước và trên địa bàn tỉnh; trước âm mưu “diễn biến hòa bình”, hoạt động gây rối, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch và thủ đoạn tinh vi của các loại tội phạm hình sự, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm ma túy, tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm lợi dụng công nghệ cao, sử dụng vũ khí nóng chống người thi hành công vụ; đòi hỏi lực lượng CAND nói chung, CATG nói riêng càng phải ra sức rèn luyện, tu dưỡng, học tập thấm nhuần và thực hiện nghiêm túc 6 điều Bác Hồ dạy:

"Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính.

Đối với đồng sự, phải thân ái, giúp đỡ.

Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành.

Đôi với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép.

Đối với công việc, phải tận tụy.

Đối với địch, phải kiên quyết, khôn khéo".

Đó là hành trang không thể thiếu trong quá trình rèn luyện, tu dưỡng, công tác, chiến đấu của mỗi cán bộ chiến sĩ Công an, là ánh sáng soi đường, là động lực thúc đẩy toàn lực lượng Công an tỉnh nhà ra sức phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ An ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, xứng đáng với niềm tin của Đảng bộ và của nhân dân tỉnh nhà.

Vĩnh Hậu

- + Đọc bài viết In bài viết Gửi bài viết

Tương phản

Video liên quan

Chủ Đề