Phân tích nội dung chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của đảng

Câu 2: Sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng giai đoạn 1939 – 1941 (5 điểm). Anh (chị) hãy: a. Phân tích hoàn cảnh lịch sử và nội dung chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng.

b. Phân tích ý nghĩa lịch sử của chủ trương chuyển hướng.

Sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng của Đảng – Nhân tố tiên quyết quyết định thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945

Được đăng: 16 Tháng 8 2021

Lượt xem: 3827

Cách mạng Tháng Tám thành công đã mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc – kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Lần đầu tiên trong lịch sử, nhân dân ta từ thân phận nô lệ lên làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh mình. Đảng ta từ một Đảng hoạt động bí mật trở thành đảng cầm quyền. Nước ta từ nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành nước độc lập dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Có được thành quả như vậy, trước tiên là do có sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Đông Dương. Trong đó, sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng của Đảng được coi là nhân tố tiên quyết.

Hoàn cảnh lịch sử

Tình hình thế giới: Tháng 9/1939, chiến tranh thế giới thứ hai chính thức bùng nổ. Chính phủ phản động Pháp đã thi hành chính sách phát xít, giải tán Đảng Cộng sản Pháp và đảng cộng sản ở các nước thuộc địa, thủ tiêu các quyền tự do dân chủ. Ở Viễn Đông, Nhật Bản đẩy mạnh xâm lược Trung Quốc và xúc tiến cuộc chiến tranh trên mặt trận Thái Bình Dương, chiếm đóng các nước Đông Nam Á.

Tình hình Đông Dương và Việt Nam: Chính quyền thuộc địa thi hành chính sách phản động, phát xít hóa bộ máy cai trị, thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng nhân dân ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia, chĩa mũi nhọn về phía Đảng Cộng sản. Chúng thực hiện chính kinh tế thời chiến, ban bố lệnh tổng động viên, ra sức bắt người, cướp của để cung cấp cho chiến tranh. Tháng 9/1940, quân đội Nhật Bản từ Trung Quốc tiến vào Lạng Sơn xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp chống cự yếu ớt rồi nhanh chóng đầu hàng. Thực dân Pháp và phát xít Nhật cấu kết với nhau áp bức, bóc lột nhân dân Đông Dương. Nhân dân ta lâm vào cảnh “một cổ đôi tròng”, đời sống hết sức khó khăn, điêu đứng.

Sau 30 năm bôn ba, hoạt động ở nước ngoài, ngày 28/01/1941, Nguyễn Ái Quốc về nước. Từ đây, Người trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng của Đảng

Trước sự chuyển biến của tình hình thế giới và trong nước, Ban Chấp hành Trung ương Đảng liên tiếp mở các cuộc hội nghị nhằm hoạch định chủ trương và nhiệm vụ cách mạng. Những quan điểm, chủ trương mới của Đảng được thể hiện tập trung tại hai hội nghị: Hội nghị lần thứ sáu BCHTW (11/1939), Hội nghị lần thứ tám BCHTW (5/1941). Qua hai hội nghị, Đảng đã xác định sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược các mạng như sau:

Một là, đặt nhiệm vụ chống đế quốc, giải phóng dân tộc lên hàng đầu. 

Tại Hội nghị lần thứ sáu BCHTW (11/1939) họp ở Bà Điểm (Hóc Môn - Gia Định), Đảng ta khẳng định, cách mạng Đông Dương là tiếp tục thực hiện hai nhiệm vụ chống đế quốc và cách mạng rộng đất. Tới Hội nghị lần thứ tám BCHTW (5/1941) họp tại Pác Bó (Cao Bằng), Đảng chỉ rõ: “Cuộc cách mạng Đông Dương hiện tại không phải là cuộc cách mạng tư sản dân quyền, cuộc cách mạng phải giải quyết hai vấn đề: phản đế và điền địa nữa, mà là cuộc cách mạng chỉ phải giải quyết một vấn đề cần kíp “dân tộc giải phóng”, vậy thì cuộc cách mạng Đông Dương trong giai đoạn hiện tại là một cuộc cách mạng dân tộc giải phóng”[1]. Hội nghị nhất trí giương cao hơn nữa ngọn cờ giải phóng dân tộc và nhận định kẻ thù chính của nhân dân Đông Dương lúc này là Phát xít Nhật – Pháp và các lực lượng phản cách mạng, tay sai của chúng ở Đông Dương.

Việc Đảng tạm gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất không đồng nghĩa với việc Đảng từ bỏ cách mạng ruộng đất, mà vẫn thực hiện đồng thời. Tuy nhiên trong bối cảnh đó, nhiệm vụ giải phóng được đặt lên hàng đầu, là nhiệm vụ cấp bách nhất. Đây là bước phát triển tư duy lý luận của Đảng so với thời kỳ trước. Sự chuyển hướng nhiệm vụ, mục tiêu cách mạng là nội dung quan trọng nhất trong chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng thời kỳ 1939-1945. Xét về thực chất, chủ trương này của Đảng nhằm giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc và giai cấp, dân tộc và dân chủ trên lập trường giai cấp công nhân.

Hai là, thành lập mặt trận dân tộc thống nhất riêng trong từng nước.

Trước khi diễn ra Hội nghị lần thứ sáu BCHTW (11/1939), vấn đề thành lập, xây dựng phát triển lực lượng cách mạng luôn được Đảng coi trọng. Theo đó, Đảng từng bước lãnh đạo, chỉ đạo xúc tiến thành lập Mặt trận dân chủ Đông Dương - mặt trận chung cho cả 3 dân tộc Việt Nam - Lào - Campuchia. Tuy nhiên, từ khi chiến tranh thế giới lần thứ 2 bùng nổ, Đảng đã phân tích kỹ lưỡng tình hình Đông Dương và cho rằng: Tuy dân tộc Việt Nam, Lào, Campuchia cùng trên bán đảo Đông Dương, song mỗi dân tộc lại có những đặc điểm, yêu cầu riêng trong tập hợp lực lượng cách mạng. Đặc biệt, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sau khi về nước, Người đã trực tiếp chủ trì Hội nghị lần thứ tám BCHTW (5/1941). Dưới sự lãnh đạo của Người, BCHTW Đảng đã vận dụng lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin về “quyền dân tộc tự quyết”, chủ trương thành lập một mặt trận dân tộc thống nhất riêng ở mỗi nước Đông Dương. Mục đích là làm cho nhân dân mỗi nước phát huy cao độ lòng yêu nước và tinh thần chiến đấu vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc mình, đồng thời cùng gắn bó với các dân tộc bạn ở Đông Dương chống kẻ thù chung.

Theo chủ trương đó, tháng 5/1941, Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Mặt trận Việt Minh) chính thức thành lập ở Việt Nam. Chủ trương này của Đảng vừa tạo điều kiện để các lực lượng cách mạng trong từng nước tận dụng những thế mạnh trong xây dựng, phát huy kịp thời sức mạnh toàn dân tộc, đồng thời khắc phục những biểu hiện thiếu tính chủ động, ỷ lại. Đảng cũng chỉ rõ việc thành lập mặt trận dân tộc thống nhất riêng ở mỗi nước không có nghĩa tách biệt giữa các mặt trận, mà các mặt trận phải liên minh chặt chẽ với nhau, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Đảng Cộng sản Đông Dương. Phải tích cực xây dựng, phát triển Mặt trận dân tộc thống nhất mỗi nước trở thành tổ chức tập hợp đông đảo mọi tầng lớp nhân dân, trên nền tảng lấy liên minh công - nông làm nòng cốt.

Ba là, đặt công tác chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang làm nhiệm vụ trung tâm của cách mạng Đông Dương

Trong giai đoạn 1936 – 1939, Đảng lãnh đạo quần chúng nhân dân ta tập trung đấu tranh chính trị đòi các quyền dân sinh, dân chủ. Tuy nhiên, trước bối cảnh lịch sử là tình hình thế giới và trong nước có sự chuyển biến hết sức mau lẹ từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, tại Hội nghị lần thứ tám BCHTW (5/1941), Đảng ta chỉ ra rằng: “Cuộc cách mạng Đông Dương phải kết liễu bằng một cuộc khởi nghĩa võ trang”[2]. Hội nghị đã phân tích kỹ những điều kiện khách quan và chủ quan thuận lợi cho cuộc tổng khởi nghĩa, dự đoán sự phát triển mau lẹ của tình hình, đồng thời nhấn mạnh không được ỷ lại vào những điều kiện bên ngoài.

Thực hiện những chủ trương được xác định từ Hội nghị lần thứ tám BCHTW (5/1941), ta đã gấp rút chuẩn bị các điều kiện lực lượng tiến tới thành lập đội quân vũ trang đầu tiên của cách mạng Việt Nam (Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân) ra đời ngày 22/12/1944.

Bốn là, chuyển hướng trong công tác xây dựng Đảng.

Tại Hội nghị lần thứ tám BCHTW (5/1941), Đảng ta đã nhận định về công tác xây dựng Đảng: đội ngũ cán bộ chỉ đạo, cán bộ chuyên môn, đảng viên còn thiếu nhiều, xuất thân trong thành phần vô sản trong Đảng còn ít; hệ thống tổ chức của Đảng tuy đã phát triển nhưng chưa vững chắc, hoạt động thiếu tính thống nhất, bí mật, trong khi chính quyền đế quốc phát xít và tay sai tìm mọi cách tìm diệt cán bộ, đảng viên, phá tan tổ chức của Đảng. Nếu không kịp thời chỉ đạo chuyển hướng công tác xây dựng Đảng theo đòi hỏi của tình hình, thì chẳng những sức mạnh, năng lực lãnh đạo của Đảng bị ngưng trệ, mà phong trào cách mạng khó có thể phát triển giành thắng lợi. Vì vậy, việc đào tạo cán bộ trở thành nhiệm vụ cấp bách, không thể chậm trễ, phải chú ý đến đào tạo cán bộ xuất thân từ thành phần vô sản đưa vào Đảng, phải lấy vận động công nhân làm công việc đầu tiên trong công tác tổ chức quần chúng.

Chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng của Đảng thời kỳ 1939-1945 xuất phát từ đòi hỏi khách quan của thực tiễn cách mạng Đông Dương đặt ra. Đó là chủ trương đúng đắn, khoa học của Đảng trong giải quyết mối quan hệ giữa chiến lược và chỉ đạo chiến lược trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Từ đó làm nên thành công vang dội của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Đã 76 năm trôi qua (1945-2021), song thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vẫn mãi là bản anh hùng ca bất hủ, là thực tiễn sinh động chứng minh tư duy chính trị sắc sảo, nghệ thuật lãnh đạo xuất sắc của một Đảng mácxit chân chính mới 15 tuổi. Đó cũng là một trong những bằng chứng thực tiễn đập tan luận điệu xuyên tạc, phủ nhận vai trò to lớn của Đảng đối với cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch. Những kinh nghiệm từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo Cách mạng Tháng Tám năm 1945 tiếp tục được Đảng ta kế thừa, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn cách mạng trong giai đoạn mới./

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2000, t.7, tr.119.

[2] Sđd, tr.129

CN. Bùi Thanh Phương  - GV khoa Xây dựng Đảng